06.12.2013
Sáng 5-12, Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Kiên Giang (khóa VIII) tiếp tục ngày làm việc thứ ba với phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Trong phiên làm việc này, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu nhiều nội dung chất vấn xoay quanh việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, kéo điện hạ thế cho vùng lõm, vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề hỗ trợ cho nông dân trồng lúa, nhưng nóng nhất là chuyện thiếu giáo viên mầm non.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Huỳnh Thu Hiển – Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh – đặt câu hỏi về kết quả triển khai chính sách xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Về vấn đề này, ông Trần Văn Thiện – Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang – trả lời đến nay đã có ba đơn vị tham gia triển khai ba dự án. Dự án thức nhất quy mô 10 ha với 560 căn hộ dự kiến triển khai tại xã Bình An (huyện Châu Thành). Mức vay cho dự án này là 100 tỉ đồng đã được Bộ Xây dựng đưa vào danh mục. Hiện đơn vị thực hiện đang hoàn tất thủ tục và liên hệ với ngân hàng để giải ngân. Hai dự án còn lại cũng sắp được triển khai với tổng số căn hộ dự kiến là 732 căn, tổng nguồn vốn vay khoảng 185 tỉ đồng. Hai đại biểu của huyện Tân Hiệp và huyện Hòn Đất chất vấn về việc một số địa phương tự ý cấn trừ tiền huy động xây dựng giao thông khi chi trả tiền hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng lúa theo Nghị định 42 của Thủ tướng Chính phủ. Trả lời việc này, ông Mai Anh Nhịn – Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang – khẳng định việc tự ý cấn trừ của các địa phương khi triển khai chính sách hỗ trợ cho nông dân là hoàn toàn sai. Vừa qua ngành nông nghiệp đã phát hiện và báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh tại một số địa phương. “Nơi nào còn tiếp tục cấn trừ thì phải chấm dứt ngay” – ông Nhịn nói. Nhiều đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi về việc chậm xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm nay tại cảng cá Tắc Cậu, tình trạng ô nhiễm tại bãi rác ở các huyện/thị xã/thành phố, nhất là những địa bàn có hoạt động du lịch. Ông Nguyễn Xuân Lộc – Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Kiên Giang – trả lời qua bức xúc của cử tri tại các kỳ họp HĐND trước đây và kỳ họp này, Sở đã chỉ đạo Thanh tra môi trường kiểm tra 11 doanh nghiệp tại Cảng Tắc Cậu. Kết quả cả 11 doanh nghiệp đều có vi phạm về môi trường, Thanh tra sở đã tiến hành xử phạt tổng cộng 1,6 tỉ đồng, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp phải sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm. Về đầu tư bãi chôn lấp hoặc đốt rác thải cho các địa phương, ông Lộc cho hay do điều kiện ngân sách hạn hẹp, nên việc đầu tư cho môi trường phải có sự hỗ trợ từ Trung ương ít nhất 50%, phần còn lại ngân sách tỉnh đối ứng. “Trong năm 2014, tỉnh đang xin chủ trương hỗ trợ của Trung ương cho hai địa phương là huyện đảo Phú Quốc và TP Rạch Giá” – ông Lộc nói. Đại biểu Nguyễn Thị Minh Giang – Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang – đã làm nóng phiên chất vấn với hai câu hỏi về phân bổ biên chế ngành giáo dục năm học 2013 – 2014 bị chậm, nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non và tình trạng nợ lương giáo viên mầm non hợp đồng. Trả lời hai nội dung này, ông Ngô Quang Thắm – Giám đốc Sở Nội vụ Kiên Giang – cho hay việc giao biên chế năm học 2013 chậm do Chính phủ mới có nghị định về xây dựng đề án vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Sau khi UBND tỉnh hoàn thành việc xây dựng đề án vị trí việc làm sẽ gửi Bộ Nội vụ thẩm định, rồi sau đó mới trình HĐND xem xét quyết định. Đối với bậc học mầm non, Sở Nội vụ đã hướng dẫn các đơn vị sớm hoàn thành đề án vị trí việc làm và hoàn tất thủ tục để trình HĐND ra nghị quyết về tăng biên chế ngành giáo dục, trong đó có biên chế cho các trường mầm non, mẫu giáo. Về việc nợ lương giáo viên mầm non hợp đồng và nợ chiết tính giáo viên mầm non, ông Thắm cho rằng trách nhiệm thuộc về ngành Tài chính và cơ quan đang sử dụng lao động. Ông Nguyễn Thanh Sơn – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang – đã phải lưu ý Sở Nội vụ và các địa phương làm gì thì làm phải đảm bảo đáp ứng cho được nhu cầu giáo dục mầm non của người dân. Khó khăn tới đâu thì các ngành, các cấp phải phối hợp giải quyết ngay tới đó, không thể để tiếp diễn tình trạng có học sinh thiếu trường, có trường lại thiếu giáo viên, có giáo viên lại thiếu biên chế. Ngoài ra, các đại biểu còn nêu chất vấn về dự án khu du lịch Hòn Phụ Tử, tình hình đào tạo nguồn nhân lực và quy hoạch sản phẩm du lịch theo đề án phát triển bốn vùng du lịch trọng điểm, tình hình xử lý rác thải… Các nội dung chất vấn cơ bản được trả lời thỏa đáng tại hội trường./. Hoài Anh
Số lần đọc: 1937
Theo kiengiang.gov.vn |
Tin liên quan
|