20.12.2016
Tỉnh Kiên Giang điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp - nông thôn gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản, thủy sản và phát triển bền vững, phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động, nguồn vốn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân.
|
Nông dân Kiên Giang gieo sạ lúa Đông Xuân 2016-2017 |
Theo đó, từ nay đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp 5,6%/năm. Năm 2020, sản lượng lương thực đạt 5,1 triệu tấn, với khoảng 5 triệu tấn lúa; sản lượng thủy sản 755.505 tấn, trong đó tôm nuôi 80.000 tấn; giá trị sản lượng bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 130 triệu đồng. Tiếp tục hoàn thiện các xã, huyện đã đạt nông thôn mới và tăng tỷ lệ xã đạt nông thôn mới lên 50%, với 59/118 xã, xây dựng thêm 2 huyện đạt huyện nông thôn mới, các xã còn lại đạt 10 tiêu chí trở lên.
Trên cơ sở đó, tầm nhìn đến năm 2030, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp 4,5 - 5%/năm. Năm 2030, sản lượng lương thực đạt 5 triệu tấn, với khoảng 4,9 triệu tấn lúa; sản lượng thủy sản 800.000 - 840.000 tấn, trong đó tôm nuôi 150.000 - 155.000 tấn; giá trị sản lượng bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 170 - 200 triệu đồng; cơ bản hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 11 - 12%.
Tỉnh Kiên Giang điều chỉnh đất trồng lúa 382.829 ha năm 2020 và ổn định diện tích này đến năm 2030. Theo đó, phát triển 3 vụ lúa/năm ở vùng Tây sông Hậu thuộc địa bàn huyện Tân Hiệp, thành phố Rạch Giá và một phần vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc huyện Hòn Đất; phát triển 2 vụ lúa và 2 vụ lúa - vụ màu, một ít lúa - tôm trên vùng Tứ giác Long Xuyên; phát triển lúa - tôm, 2 vụ lúa và 2 vụ lúa - vụ màu vùng U Minh Thượng. Ngoài ra, còn điều chỉnh quy hoạch một số ngành hàng khác như: khóm (dứa), dừa, hồ tiêu, mía, cây ăn quả, rau màu… và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Cùng với đó, quy hoạch phát triển khai thác thủy sản khoảng 500.000 tấn/năm gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ổn định đoàn tàu cá trên dưới 10.000 chiếc, tập trung đầu tư nâng công suất, hướng ra khai thác xa bờ, hạn chế đánh bắt ven bờ. Tăng cường năng lực quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc để bảo vệ các hệ sinh thái, các loài thủy sinh vật biển có giá trị kinh tế và khoa học.
Hình thành vùng chuyên nuôi tôm nước lợ ở vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc địa bàn các huyện Giang Thành, Kiên Lương, thị xã Hà Tiên, một ít ở huyện Hòn Đất và ở vùng U Minh Thượng thuộc địa bàn huyện An Biên, An Minh và Vĩnh Thuận. Phát triển mạnh mô hình tôm - lúa ở vùng U Minh Thượng và sau năm 2020 đẩy mạnh phát triển ở khu vực phía Nam Quốc lộ 80, từ Rạch Giá đến Ba Hòn (Kiên Lương). Diện tích nuôi tôm nước lợ đến năm 2020 khoảng 104.325 ha, gồm: nuôi thâm canh - bán thâm canh 5.000 ha, quảng canh cải tiến 19.325 ha, tôm - lúa 80.000 ha; đến năm 2030, diện tích nuôi tôm nước lợ 132.300 ha, gồm: nuôi thâm canh - bán thâm canh 15.380 ha, quảng canh cải tiến 16.550 ha, tôm - lúa 100.370 ha.
Ngoài ra, tỉnh quy hoạch nuôi cá kết hợp trồng rừng, trong ruộng lúa và chuyên canh 35.000 ha; nuôi nhuyễn thể ở các vùng bãi triều 16.800 ha; nuôi cua biển kết hợp trong ruộng tôm và chuyên canh khoảng 60.000 ha; nuôi cá lồng bè ở các khu vực ven biển, quanh đảo và nuôi thủy đặc sản khoảng 100 ha.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn, cho hay điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp - nông thôn gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung các nhóm giải pháp về tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa; bảo quản, chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch; khoa học - công nghệ; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm; rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn.
Điều chỉnh quy hoạch này, tỉnh Kiên Giang tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các tiểu vùng sinh thái cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao với các sản phẩm chủ lực là lúa gạo, thủy sản. Xây dựng vùng lúa chuyên canh tập trung chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn. Phát triển vùng cây ăn trái, sản xuất rau màu, đặc biệt là rau sạch ở những vùng ven đô thị, khu du lịch. Địa bàn huyện đảo Phú Quốc tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao để tạo cảnh quan du lịch.
Tỉnh ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm làm giảm chi phí, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững, phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và suy giảm nguồn nước ngọt. Tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng nông nghiệp, tập trung xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực. Nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã và kinh tế trang trại trong sản xuất nông nghiệp, làm chủ thể để liên kết với các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, lâm sản; đầu tư các kho chứa lương thực, đông lạnh thủy sản.
Tỉnh phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nông dân và chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng công tác trồng rừng phòng hộ ven biển, giữ ổn định diện tích rừng đặc dụng trong Vườn Quốc gia Phú Quốc, U Minh Thượng, khu vực Hòn Chông - Kiên Lương; tăng tỷ lệ rừng kinh tế trong tổng diện tích rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân như: thủy lợi, giao thông, điện, cấp nước, vệ sinh - môi trường…./.
Lê Huy Hải
Số lần đọc: 2147
http://vanphong.kiengiang.gov.vn
|