Tin nóng
12.04.2017
Ngày 10/4/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng và Đoàn công tác của tỉnh có các buổi làm việc với UBND huyện Hòn Đất, UBND huyện Kiên Lương về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2017 và bàn một số giải pháp về sản xuất lúa và xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Đ/c Phạm Vũ Hồng (đứng) Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại buổi làm việc với UBND huyện Hòn Đất.

Cuộc họp tại các địa phương này, ngoài thành phần lãnh đạo sở, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh còn mời thêm đại diện Ban Giám đốc các công ty: Công ty TNHH MTV Du lịch - Thương mại Kiên Giang; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kiên Giang; Công ty Trung An; Công ty Vinh Phát; đại diện lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh; đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh; đại diện Thường trực UBND các huyện có diện tích sản xuất lúa lớn của tỉnh như: Tân Hiệp; Giồng Riềng; Giang Thành; Châu Thành; Gò Quao; An Biên.


Theo báo cáo của UBND huyện Hòn Đất, trong quý I/2017, tình hình kinh tế - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn, bao tiêu sản phẩm đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia, góp phần tích cực vào việc sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gia tăng cao. Vụ Đông Xuân 2016-2017, trên địa bàn huyện Hòn Đất đã có 07 công ty, doanh nghiệp thực hiện bao tiêu sản phẩm được 24.234 ha, với hai hình thức bao tiêu: Một là, cung cấp đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm của Tập đoàn Lộc Trời – An Giang 2.883 ha, Công ty Vinacam 18.000 ha; hai là, chỉ thực hiện bao tiêu sản phẩm của Công ty Nông Việt Pháp 1.000 ha, Công ty Điền Tín 191 ha, Công ty Vạn Trường Phát 200 ha, Xí nghiệp Sơn Thuận – xã Sơn Kiên 160 ha. Ngoài việc tham gia của các doanh nghiệp, các công ty, lãnh đạo huyện, xã và chủ nhiệm hợp tác xã trên địa bàn huyện còn tổ chức các đợt tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình hợp tác xã kiểu mới tại tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ, để vận dụng xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn huyện. Thủy sản, nuôi trồng được 1.290 ha, đạt 17% kế hoạch, tăng 305 ha so với cùng kỳ. Thu ngân sách huyện tăng 16%; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp tăng 13,17%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,1% so với cùng kỳ; xây dựng cơ bản giá trị khối lượng hoàn thành đạt 33,6%, giá trị cấp phát đạt 18% kế hoạch, tăng 13,2% so với cùng kỳ.

Đ/c Phạm Vũ Hồng (đứng) Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại buổi làm việc với UBND huyện Kiên Lương.

Theo báo cáo của UBND huyện Kiên Lương, trong quý I/2017, vụ Đông Xuân toàn huyện giao sạ được 22.500 ha, đến nay đã thu hoạch dứt điểm, năng suất bình quân ước 6,6 tấn/ha; sản lượng khai thác thủy sản 13.500 tấn, bằng 25,5% kế hoạch, tăng 1,45% so với cùng kỳ; nuôi trồng thủy sản 7.916 ha, bằng 71,18% kế hoạch, tăng 779 ha so với cùng kỳ, sản lượng 9.507 tấn, bằng 31,97% kế hoạch, tăng 3.989 tấn so với cùng kỳ (trong đó nuôi tôm công nghiệp 379 ha). Giá trị sản xuất công nghiệp trên 483 tỷ đồng, bằng 26,4% kế hoạch, tăng 10,83%; thương mại dịch vụ trên 1.625 tỷ đồng, bằng 30,21% kế hoạch, tăng 4,8% so với cùng kỳ; xây dựng cơ bản giá trị khối lượng hoàn thành đạt 15,11% kế hoạch, giải ngân chiếm 4,34%. Hoàn thành công tác thống kê đất đai năm 2016; thu ngân sach đạt 21,52% kế hoạch…


Về tình hình sản xuất lúa và xuất khẩu gạo trên địa bàn huyện Kiên Lương, Giang Thành đang gặp khó khăn: Do tập quán sản xuất của người dân sạ dày, gieo sạ không đồng loạt ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và giá thành tăng; liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo giữa doanh nghiệp với nông dân có mặt chưa chặt chẽ; thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.


Để đạt mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng tăng giá trị và giảm chi phí sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng đề nghị các sở ngành, UBND các huyện quan tâm thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, các huyện cần kiện toàn lại hoạt động của hợp tác xã (HTX) theo mô hình HTX kiểu mới, do hiện nay các HTX yếu về trình độ quản lý, vốn, khả năng tiếp cận khoa kỹ thuật;

Thứ hai, sở ngành liên quan làm tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường, thường xuyên theo dõi sự biến động thị trường đưa ra dự báo tốt, từ đó đề ra kế hoạch sản xuất nông nghiệp tốt, đặc biệt quan tâm thị trường nội địa, bên cạnh đó cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu;
Thứ ba, các địa phương cần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu, phải hướng đến sản xuất nông nghiệp có chi phí thấp, tập trung nâng cao chất lượng gạo hàng hóa, khác biệt hóa sản phẩm một số mặt hàng;
Thứ tư, các ngành, địa phương tiếp tục tuyên tuyền, giáo dục cho người dân thay đổi tập quán sản xuất, sản xuất lúa theo nhu cầu thị trường;
Thứ năm, tùy theo đặc điểm tình hình của từng doanh nghiệp, linh hoạt trong hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm;
Thứ sáu, ngành Nông nghiệp, Công Thương tiếp tục đầu tư hạ tầng thủy lợi, điện... phục vụ sản xuất nông nghiệp giảm chi phí sản xuất;
Thứ bảy, ngành Nông nghiệp đẩy nhanh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cho nông dân, lựa chọn giống sản xuất theo nhu cầu thị trường, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương; ngành Nông nghiệp cần làm tốt công tác dự báo tình hình khí tượng thủy văn, thời tiết, biến đổi khí hậu để người dân chủ động trong sản xuất, giảm thiểu rủi ro; đẩy mạnh đưa cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; tập trung tích tụ đất trong HTX để hình thành cánh đồng lớn; đẩy mạnh liên kết giữa HTX và doanh nghiệp trong tiêu thụ lúa gạo./.

 

Minh Hoàng

Số lần đọc: 1793
Website Kiên Giang
Tin liên quan