15.11.2013
Sáng 13-11, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ về cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Kiệt – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Kiên Giang – cho biết sau 3 năm triển khai Nghị định 41, toàn tỉnh có 50 tổ chức tín dụng đã cho 2.280.000 lượt khách hàng vay 55.154 tỷ đồng, dư nợ đến 31-8-2013 đạt 13.154 tỷ đồng, tăng 111% so với trước khi có Nghị định. Tỷ lệ tăng bình quân gần 21%/năm. Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 45% so với tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn. Nhiều hộ gia đình nhờ nguồn vốn vay đã thoát nghèo và làm giàu bằng chính các sản phẩm nông nghiệp. Nhiều dự án, mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả cao và ổn định như: Mô hình sản xuất tôm - lúa các huyện vùng U Minh Thượng, dự án chuyển đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản vùng tứ giác Long Xuyên, mô hình nuôi sò huyết, nuôi hến ven biển, nuôi cá lồng bè, nuôi ốc hương ven đảo, nuôi ếch tại Tân Hiệp… Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế tín dụng chính sách của Chính phủ, Ngân hàng chính sách xã hội đã triển khai 11 chương trình tín dụng chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn với doanh số cho vay 965 tỷ đồng, dư nợ 811 tỷ đồng. Đặc biệt thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn tín dụng ngân hàng thông qua việc cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn tại 35 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 với dư nợ đạt gần 3.000 tỷ, bằng 22,45% dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn tỉnh. Trong đó dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh tại 35 xã nông thôn mới là 1.917 tỷ, dư nợ cho vay làm đường nông thôn là 1,35 tỷ đồng.
Tuy đánh giá bước đầu chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn có hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, nhưng theo ông Kiệt, cơ chế, chính sách cho vay thời gian qua vẫn còn khá nhiều bất cập. Dư nợ cho vay chỉ tập trung vào một số ngành, nghề truyền thống hiệu quả sản xuất ổn định, ít rủi ro như: trồng lúa, hồ tiêu, đánh bắt thuỷ sản, thu mua và chế biến gạo tiêu thụ trong nước, sản xuất nước mắm… Những ngành nghề mới hoặc đầu tư hạ tầng nông thôn còn rất ít. Bản thân Nghị định 41 của Chính phủ đã tạo ra rào cản nhất định đối với bà con nông dân muốn tiếp cận vốn. Đơn cử quy định đối tượng thụ hưởng chính sách phải có hộ khẩu và cơ sở, hoặc dự án sản xuất, kinh doanh tại địa bàn nông thôn mới được cho vay. Ngoài ra còn có thể kể thêm những rào cản về tài sản thế chấp đảm bảo vốn vay, đặc biệt là đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã vốn chỉ có tài sản của xã viên… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hoàng Sa – đánh giá nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, làm lành mạnh hoá thị trường tài chính khu vực nông thôn. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Lâm Hoàng Sa cũng lưu ý để Nghị định 41 phát huy hết tính năng, hiệu quả, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch đề nghị các sở ngành cần tăng cường phối hợp với ngân hàng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định 41, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy mạnh công tác chỉ đạo để các tổ chức tín dụng trên địa bàn làm tốt việc huy động vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn; đề nghị các ngân hàng cần tăng cường huy động vốn nhằm tạo sự chủ động trong kinh doanh; trong đầu tư tín dụng tiếp tục ưu tiên vốn cho nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh. “Ngoài việc tiếp tục kiến nghị Trung ương điều chỉnh chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn theo hướng thông thoáng hơn, chúng tôi sẽ chỉ đạo các tổ chức, hội đoàn thể phát huy tối đa vai trò là cầu nối giữa bà con nông dân với tổ chức tín dụng. Làm sao phải tạo dựng cho được lòng tin thực sự giữa tổ chức tín dụng và bà con nông dân thì nguồn vốn mới ít rủi rao, hao hụt và phát huy hiệu quả” – Phó Chủ tịch Lâm Hoàng Sa nói./. Hoài Anh
Số lần đọc: 2493
Theo kiengiang.gov.vn |
Tin liên quan
|