Tin nóng
31.07.2019
Cùng tham dự có Bộ trưởng các Bộ, ngành Trung ương, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đang quan tâm và chuẩn bị đầu tư vào Kiên Giang.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của tỉnh - Ảnh: Đình Tuyển

Kiên Giang là tỉnh ven biển thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên lớn nhất và dân số đứng thứ 2/13 tỉnh, thành trong khu vực. Với vị trí là cửa ngõ phía Tây, thông ra vịnh Thái Lan, nằm trên Hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng MêKông mở rộng, có vùng biển rộng hơn 63.000 km2, gần 10 lần diện tích đất liền; tiếp giáp biên giới trên bộ và trên biển với một số quốc gia trong khu vực ASEAN, cùng 01 Cửa khẩu quốc tế và 01 cửa khẩu quốc gia, đã giúp cho Kiên Giang có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng, nhất là về đối ngoại và quốc phòng - an ninh; vị trí địa kinh tế nhất định trong phát triển kinh tế biển, kinh tế biên mậu, cũng như kết nối giao thông đường biển, đường bộ nội vùng và với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Là tỉnh ven biển, đồng bằng, ngoài các yếu tố đặc thù của một địa phương miền Tây sông nước, Kiên Giang còn có những đặc trưng riêng mà ít địa phương khác có được, như: Rừng nguyên sinh, đồi núi, biển đảo…

 

Những năm qua, phát huy tiềm năng, thế mạnh và các yếu tố đặc trưng riêng có, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, với nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Trong đó, tăng trưởng kinh tế được duy trì ổn định với tốc độ khá cao, trung bình 7,17%/năm (giai đoạn từ 2016-2018). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm hơn 41% cơ cấu kinh tế; tốc độ tăng bình quân khách du lịch trên 20%/năm, doanh thu từ du lịch tăng hơn 40,0%/năm; giải quyết việc làm cho hơn 35 ngàn lao động/năm, trong đó lao động qua đào tạo chiếm 60%. Các vấn đề an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao - đây là những cơ sở ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo lập hệ sinh thái cho phát triển kinh tế trong những giai đoạn tiếp theo.

 

Tuy đã đạt được những kết quả tích cực, song nhìn lại sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua chưa thật sự tương xứng, còn nhiều tiềm năng chưa được khơi dậy: Đó là tiềm năng về phát triển nông - lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản ven bờ ở vùng Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất và U Minh Thượng. Thứ hai, là tiềm năng phát triển kinh tế biển, đặc biệt là nuôi biển theo hướng công nghiệp để khai thác lợi thế từ vùng biển rộng lớn. Thứ ba, là tiềm năng về phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến gắn với nguồn nguyên liệu tại chỗ, trong điều kiện hạ tầng đã đáp ứng việc triển khai ngay các nhà máy, xí nghiệp có quy mô lớn. Thứ tư, là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, bên cạnh đảo ngọc Phú Quốc, vẫn còn 03 vùng du lịch trọng điểm, nhiều tiềm năng như: Vùng Hà Tiên - Kiên Lương (với quần đảo Bà Lụa, quần đảo Tiên Hải…); vùng Rạch Giá - Kiên Hải (với các đảo Hòn Tre, Lại Sơn và quần đảo Nam Du…); vùng U Minh Thượng với Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Thứ năm, là tiềm năng phát triển các dự án đô thị và khu dân cư ven biển, khai thác yếu tố đặc thù của các đô thị ven biển trên địa bàn tỉnh. Thứ sáu, là tiềm năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo, hạ tầng kỹ thuật. Thứ bảy, Kiên Giang có dân số hơn 1,7 triệu người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 60%, đây là nguồn lực to lớn cho các ngành công nghiệp cần nhiều lao động.

 

Phát biểu khai mại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng khẳng định để Kiên Giang trở thành một tỉnh phát triển năng động, đạt trình độ khá trong cả nước, hướng đến mục tiêu là tỉnh giàu có, phát triển bền vững, thì nhất thiết phải khơi dậy và khai thác hiệu quả, đồng đều hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh nêu trên, dựa vào 02 nguồn lực chính, trong đó nguồn lực bên trong là cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.

 

Để huy động được nguồn lực từ bên ngoài, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng cho rằng không có giải pháp nào tốt hơn là phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, gỡ “nút thắt” về thủ tục hành chính, hoàn chỉnh khung pháp lý để thông qua các dự án đầu tư, giúp nguồn lực bên ngoài được giải phóng một cách nhanh nhất. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực hết mình trong việc hoàn chỉnh các quy hoạch; xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư dựa trên khung chính sách chung và đặc thù của địa phương; cải cách thủ tục hành chính, đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ  hành chính công cấp tỉnh… Cùng với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hiện có (Quốc lộ 63, 61; cảng biển An Thới, Vịnh Đầm; sân bay Rạch Giá, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, …), và các công trình sắp được hoàn thành (Quốc lộ 80 mới kết nối cầu Vàm Cống, cảng biển Hòn Chông - Kiên Lương, cảng biển quốc tế Dương Đông - Phú Quốc)… thì đây là thời điểm tốt nhất để Kiên Giang mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với các dự án mà tỉnh đang rất cần và trân trọng đón nhận với nhiều cơ hội đầu tư mới hết sức hấp dẫn, đáp ứng điều kiện triển khai ngay và mang lại hiệu quả thiết thực nhất.

 

Chủ tịch UBND tinh Phạm Vũ Hồng khẳng định Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019 là sự kiện mà tỉnh đang rất mong chờ, đây là cơ hội để Kiên Giang tiếp tục quảng bá, giới thiệu tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước về các chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh; tiềm năng và cơ hội đầu tư trên nhiều lĩnh vực mới; khẳng định quyết tâm thu hút đầu tư của tỉnh; thể hiện ý chí và khát vọng vươn lên của người dân Kiên Giang. Tỉnh Kiên Giang kỳ vọng vào một nguồn lực mới từ hội nghị này để đánh thức những tiềm năng, tiếp thêm sức mạnh và động lực cho sự phát triển của tỉnh nhà; mang lại thành tích, hiệu quả trong đầu tư cho các nhà đầu tư và thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội cho Kiên Giang.

 

Dự kiến tại hội nghị, tỉnh Kiên Giang sẽ trao 20 quyết định chủ trương đầu tư cho 20 dự án đối với 18 nhà đầu tư và ký kết ghi nhớ đầu tư đối với 25 nhà đầu tư./.

Bùi Kiên

Số lần đọc: 2001
Website Kiên Giang
Tin liên quan