Tin nóng
13.10.2013
Sáng 10-10, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi đã chủ trì hội nghị sơ kết công tác xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm, đồng thời đề ra phương hướng, giải pháp cho các tháng còn lại để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cho cả năm 2013.

Một nhà máy xay xát, chế biến gạo tại huyện Giồng Riềng – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Kiên Giang (ảnh: Hoài Anh).
 

Ông Huỳnh Văn Gành – Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang – cho biết tính đến cuối tháng 9-2013, kim ngạch xuất khẩu của Kiên Giang đạt hơn 500 triệu USD, bằng 75,87% kế hoạch và tăng 10,65% so với cùng kỳ 2012. Trong đó, mặt hàng gạo chiếm tỉ trọng áp đảo, còn lại là hàng hải sản, cá cơm sấy và đồ hộp. Kim ngạch nhập khẩu đạt 24,31 triệu USD, chủ yếu là nhập nguyên liệu sản xuất như: Giấy kratp, hạt nhựa…

Theo đánh giá của ngành công thương, mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu của Kiên Giang đã mở rộng thị trường tiêu thụ tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, song bạn hàng lớn nhất, nhiều ảnh hưởng nhất vẫn là Trung Quốc, kế đó là các nước châu Phi, Nhật, Nga, Hàn Quốc… Chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã tiêu thụ tới 25,7% tổng lượng gạo xuất khẩu của Kiên Giang, tương đương với khoảng 300.000 tấn.

Ông Quách Thành Công – Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Kiên Giang – đề nghị đã đến lúc các bộ, ngành, Chính phủ đề ra giải pháp tiêu thụ lúa gạo một cách căn cơ, đảm bảo hài hoà lợi ích của cả nông dân và doanh nghiệp, tránh việc áp dụng giải pháp tạm thời mua tạm trữ trong thời gian dài. “Hiện nay doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ lúa thực chất là làm… nhiệm vụ chính trị, còn hiệu quả kinh tế coi như bằng không, nếu không muốn nói đang phải gánh lỗ do lãi suất” – ông Công nói.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn lại cũng chia sẻ quan điểm tương tự, đồng thời khẳng định từ đầu năm tới nay xuất khẩu gạo chỉ có lỗ do giá nội địa cao hơn giá xuất khẩu. Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn cho hay hiện tại công ty của mình đã làm ăn… “chui” với thương lái Trung Quốc. “Họ ứng trước 30% giá trị hợp đồng, yêu cầu tụi tôi chở gạo ra tới cảng Hải Phòng, sau đó đưa lên biên giới phía Bắc tiêu thụ. Biết là có rủi ro nhất định, nhưng được cái là giá bán cao hơn xuất khẩu chính ngạch, chỉ vướng ở khâu xuất hoá đơn và ảnh hưởng đáng kể tới giá trị kim ngạch chung của tỉnh” – vị này chia sẻ.

Trên lĩnh vực thuỷ sản, đại diện Công ty CP chế biến thuỷ sản xuất khẩu Kiên Cường (chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Kiên Giang) – cho biết hoạt động xuất khẩu thuỷ sản còn “ế ẩm” hơn lúa gạo. “Thời điểm sáu tháng đầu năm lượng hợp đồng xuất hàng rất ít, chủ yếu tập trung rơi vào những tháng cuối năm. Trong khi đó phía ngân hàng ấn định hạn mức cho vay theo hiệu quả kinh doanh từng quý, tới lúc thị trường tiêu thụ mạnh doanh nghiệp lại không có vốn mua nguyên liệu phải đi vay bên ngoài, trả lãi cao riết cũng chết dần chết mòn” – vị đại diện này nói.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn kêu một khó khăn nữa mới phát sinh trong năm 2013 là thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng. Bởi trước đây ngành thuế hoàn trước, kiểm tra sau, nay quy định ngược lại kiểm tra trước rồi hoàn sau, khiến nhiều doanh nghiệp bị kẹt vốn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phát biểu với các doanh nghiệp xuất khẩu, ông Lê Văn Thi – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – cho biết từ nay tới cuối năm sẽ chỉ đạo các sở, ngành tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Về phần mình, các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động đổi mới công nghệ để tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Riêng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải lưu ý nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch vùng nguyên liệu lúa.

Chủ tịch Lê Văn Thi cũng yêu cầu ngành công thương theo sát biến động thị trường, làm tốt công tác dự báo để chủ động nguồn hàng, tăng cường kiểm tra việc thu mua tạm trữ lúa hè thu cho nông dân. Về vấn đề vốn, Chủ tịch Lê Văn Thi khẳng định Uỷ ban tỉnh rất hiểu khó khăn về vốn của các doanh nghiệp xuất khẩu, do đó đề nghị doanh nghiệp nào gặp khó thì báo cáo ngay để Uỷ ban tỉnh chỉ đạo các bên cùng ngồi lại bàn giải pháp cụ thể. Riêng việc bán gạo cho thương lái Trung Quốc, Chủ tịch Lê Văn Thi lưu ý doanh nghiệp phải hết sức cẩn trọng, giảm thiểu rủi ro./.

Hoài Anh

 
Số lần đọc: 1962
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan