Tin nóng
13.10.2013
Đó là nội dung buổi làm việc của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng với lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh (BQL) cùng với lãnh đạo các sở ngành và huyện, thị có liên quan.

Phối cảnh Khu Công nghiệp Thạnh Lộc (ảnh: H.Anh)
 

Theo báo cáo của BQL, trong 9 tháng năm 2013 đơn vị đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 02 dự án đầu tư vào Khu Công nghiệp Thạnh Lộc: Dự án chế biến gỗ MDF của Tập đoàn công nghiệp Cao Su Việt Nam, diện tích đăng ký trên 9 ha, vốn đăng ký đầu tư 1.491,5 tỷ đồng; Dự án tận thu chế biến đá Granite của Công ty Cổ phần Đầu tư – Xây dựng – Thương mại – Dịch vụ Kim Hải, diện tích 1 ha, vốn đăng ký 44,5 tỷ đồng, nâng tổng số dự án hiện có là 05 dự án; đồng thời, đã kêu gọi được 02 nhà đầu tư lớn là Tổng Công ty Dệt May và Tổng Công ty Bia Sài Gòn đồng ý đầu tư vào Khu Công nghiệp Thạnh Lộc. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Kiên Hùng và Công ty TNHH Thành Phương Minh Nhật cũng đã ký thỏa thuận đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy hải sản.

Thông tin từ lãnh đạo BQL, Dự án chế biến gỗ MDF của Tập đoàn công nghiệp Cao Su Việt Nam dự kiến sẽ khởi công dự án vào đầu năm 2014 cùng với dịp khánh thành cầu và đường của tuyến tránh Rạch Giá thuộc Dự án đường hành lang ven biển phía Nam. Riêng dự án chế biến thủy hải sản của Công ty TNHH Thông Thuận, dự kiến khởi công trong quý IV/2013.

Nếu các dự án nêu trên được triển khai thực hiện đi vào hoạt động đúng như đăng ký, thì tạo ra nhiều bước đột phá quan trọng cho nền kinh tế của tỉnh như: tăng nguồn lực đầu tư phát triển, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế của tỉnh từng bước phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ngoài những khó khăn, trở ngại lớn khách quan hiện nay như: cách xa các trung tâm đô thị lớn, hạ tầng giao thông yếu kém,… vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn là thiếu nguồn lực đầu tư từ ngân sách, từ đó việc triển khai đầu tư hạ tầng cho khu công nghiệp còn rất hạn chế, tính đến thời điểm hiện nay mới bồi thường giải phóng mặt bằng được 57,54 ha/150 ha diện tích của giai đoạn 1 và đã triển khai xây dựng được một số hạ tầng cơ bản như các trục đường chính, khảo sát – lập phương án thiết kế cấp điện, nước…

Để đầu tư được hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh của khu công nghiệp thì cần phải huy động nguồn lực đầu tư rất lớn từ nhiều nguồn lực, trong khi đó nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh còn hạn chế. Chính sách đầu tư của tỉnh chưa thật sự hấp dẫn. Về giá thuê đất, theo lãnh đạo BQL qua tiếp cận với một số nhà đầu tư và tham khảo khu công nghiệp ở một số tỉnh lân cận có cùng điều kiện như tỉnh ta, giá đất cho thuê ở Khu Công nghiệp Thạnh Lộc chưa hấp dẫn nhà đầu tư.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo cơ chế hấp dẫn hơn nữa thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng yêu cầu Ban Quản lý Khu Kinh tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư các hạng mục công trình theo kế hoạch; chủ trì phối hợp cùng với các sở ngành có liên quan nghiên cứu chính sách thu hút đầu tư ở một số tỉnh, đồng thời trên cơ sở các cơ chế, chính sách hiện có của Trung ương và tỉnh ta, để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách, giá đất phù hợp, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới./.

Minh Hoàng

 
Số lần đọc: 2367
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan