|
Đa số các dự án đầu tư về du lịch tập trung trên địa bàn đảo Phú Quốc - Ảnh minh họa (H.Anh) |
Hợp tác phát triển gần như là xu thế tất yếu của thời đại ngày nay, thông qua đó khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Nói ở góc độ hẹp trong phạm vi của một tỉnh, thông qua hợp tác phát triển sẽ góp phần tăng thêm nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu của địa phương...
Qua sơ lược về sự hợp tác phát triển kinh tế giữa tỉnh Kiên Giang và thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua thì giá trị của sự liên kết, hợp tác có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nền tảng cho sự liên kết, hợp tác đó chính thức được lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh ký kết từ tháng 5/2006.
Trong những năm qua, đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Kiên Giang với nhiều hình thức như trực tiếp đầu tư khai thác hoặc mở chi nhánh, văn phòng đại diện và ngược lại nhiều doanh nghiệp của Kiên Giang cũng đã tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh tại thành phố Hồ Chí Minh; nhiều hoạt động giao lưu, học tập kinh nghiệm nhằm mở rộng thị trường, khai thác có hiệu quả năng lực hiện có của mỗi địa phương cũng được triển khai. Số lượng dự án của các nhà đầu tư thành phố Hồ Chí Minh đến đầu tư tại Kiên Giang ngày càng nhiều. Tính đến nay, đã có 115 dự án đầu tư của các nhà đầu tư thành phố Hồ Chí Minh đăng ký đầu tư tại Kiên Giang, với tổng vốn đăng ký trên 117.126 tỷ đồng (bằng 58,27% tổng vốn dự án đăng ký đầu tư tại Kiên Giang giai đoạn 2006 – 2010); đã có 16 dự án đưa vào sản xuất kinh doanh, 21 dự án đang thực hiện, 78 dự án đang hoàn tất thủ tục đầu tư chuẩn bị đầu tư; 230 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đăng ký hoạt động, sản xuất kinh doanh; 86 tổ chức, cá nhân tham gia thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần để đầu tư, sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đăng ký trên 936 tỷ đồng. Tập trung trên một số lĩnh vực như:
|
Một số dự án có quy mô lớn đầu tư từ sản xuất đến chế biến, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao - Ảnh minh họa (H.Anh) |
Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản có 09 dự án với vốn đầu tư 1.411 tỷ đồng, đã có 04 dự án đưa vào khai thác, sản xuất kinh doanh với vốn đầu tư 1.190 tỷ đồng, số dự án còn lại đang triển khai và hoàn thành các thủ tục đầu tư. Một số dự án có quy mô lớn đầu tư từ sản xuất đến chế biến, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao như dự án nuôi tôm công nghiệp của Tập đoàn Trung Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Vương Quốc Việt; dự án trồng lúa của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Quốc Đô, Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Phan Minh,...
Đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp có 11 dự án với vốn đầu tư gần 73.500 tỷ đồng, đã có 05 dự án đưa vào khai thác, sản xuất kinh doanh với vốn đầu tư 18.200 tỷ đồng. Các dự án đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực khai thác khoáng sản như than bùn cho sản xuất phân hữu cơ vi sinh, đá vôi, xay xát lúa gạo và sản xuất xi măng, trong đó có dự án của Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam.
Đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, khu - cụm công nghiệp có 17 dự án với vốn đầu tư là 6.223 tỷ đồng, đã có 03 dự án đưa vào khai thác, sản xuất kinh doanh tổng vốn đầu tư là 3.310 tỷ đồng. Một số dự án lớn như dự án bệnh viện sinh thái của Công ty Cổ phần Vạn Khang Phú Quốc, dự án nhà ga Sân bay quốc tế Dương Tơ, khu dân cư phía Nam Rạch Cửa Cạn, dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Vĩnh Hòa Hưng Nam, các dự án lấn biển xây dựng đô thị tại Rạch Giá, Hà Tiên...
Đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh thương mại - du lịch có 79 dự án với vốn đầu tư trên 42.000 tỷ đồng, đã có 05 dự án đưa vào khai thác, sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng. Về du lịch, đa số các dự án đầu tư về du lịch tập trung trên địa bàn đảo Phú Quốc, trong tương lai sẽ góp phần đưa Phú Quốc thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao của khu vực và thế giới. Về thương mại, nổi bậc như: 02 dự án Siêu thị Co-op Mart, Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, Điện máy Chợ Lớn đầu tư trên địa bàn thành phố Rạch Giá…
|
Công trình nhà ga Sân bay quốc tế Dương Tơ - Ảnh minh họa (H.Anh) |
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân đã tài trợ cho tỉnh Kiên Giang trong các hoạt động giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân, giao thông nông thôn, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa,... với tổng giá trị trên 119 tỷ đồng.
Có được những kết quả như trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo thực hiện chương trình hợp tác của lãnh đạo hai bên, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, tạo động lực và niềm tin cho các doanh nghiệp. Kiên Giang có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, nhiều vị trí địa bàn tiềm năng, thuận lợi và triển vọng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh mang tầm khu vực. Sự đầu tư của các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh tại Kiên Giang đã thành nguồn bổ sung quan trọng cho tổng đầu tư toàn xã hội, góp phần tăng năng lực sản xuất của một số ngành, nâng cao trình độ quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp nguồn thu ngân sách, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo việc làm... thúc đẩy kinh tế của tỉnh Kiên Giang phát triển ngày càng bền vững hơn. Song, so với tiềm năng và thế mạnh của hai địa phương, kết quả trên vẫn chưa tương xứng; vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần phải được hai bên tiếp tục phối hợp đề xuất, tháo gỡ để đẩy nhanh hơn nữa sự liên kết hợp tác phát triển kinh tế tương xứng với tiềm năng, lợi thế của hai địa phương trong thời gian tới./.
Quang Minh
|