Tin nóng
28.11.2016
Chiều ngày 18/11, tại Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang, diễn ra Hội nghị tổng kết công tác bình ổn thị trường năm 2016 với các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công thương phối hợp tổ chức. Đến dự có Cục công tác phía Nam - Bộ Công thương, lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo các sở, ngành và địa phương của tỉnh.
Quang cảnh hội nghị

 Qua một năm triển khai thực hiện đồng bộ giữa các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Thành phố Hồ Chí Minh, công tác bình ổn thị trường đã đạt được một số kết quả nhất định, đó là:
    Công tác phối hợp thực hiện kết nối cung - cầu hàng hóa và xúc tiến thương mại: Hầu hết các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tốt trong thực hiện kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa và xúc tiến thương mại nhằm giúp nông dân tiêu thụ được sản phẩm đầu ra, cũng như doanh nghiệp có đủ nguồn hàng hóa cung ứng trên thị trường. Năm 2016, có nhiều hội nghị, chương trình kết nối cung - cầu; kết nối giao thương do các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tổ chức.
    Công tác phối hợp thực hiện bình ổn thị trường: Các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh có 556 doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình bình ổn giá, với các mặt hàng thiết yếu như: gạo, đường, dầu ăn, bột ngọt, thịt gia súc, gia cầm và một số mặt hàng tiêu dùng khác như: bánh mức các loại, lạp xưởng, nước mắm, nước giải khát, bột giặt…; tổng giá trị hàng hóa dự trữ khoảng 1.300 tỷ đồng (Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long,…), với hỗ trợ lãi suất vốn vay ưu đãi và hỗ trợ phí vận chuyển 68 tỷ đồng cho doanh nghiệp (Kiên Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long,…) vận chuyển hàng bình ổn giá về các huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với giá bán thấp hơn từ 5 - 10% so với giá thị trường cùng thời điểm. Ngoài ra, một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL vận động doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn giá bằng nguồn vốn của doanh nghiệp (Kiên Giang, Cần Thơ, Long An,…) hoặc Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối giữa các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cung ứng tín dụng với lãi suất ưu đãi từ 5% trở lên tùy theo nội dung chương trình bình ổn, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ vốn sản xuất và dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường.
    Thực hiện Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn: Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh còn thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đưa hàng Việt về nông thôn trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2016 bằng nhiều hình thức, nhưng chủ yếu là tổ chức các phiên chợ hàng Việt và bán hàng lưu động. Năm 2016, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã hỗ trợ 724 doanh nghiệp tham gia tổ chức 46 phiên chợ và 40 chuyến bán hàng lưu động đưa hàng Việt về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các khu công nghiệp, doanh số thu về 21,55 tỷ đồng, với khoảng 278.000 lượt khách tham quan, mua sắm. Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh Long An hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng 01 điểm bán hàng Việt trong Chương trình tự hào hàng Việt Nam.
     Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường: Sở Công thương các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thương mại đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh trên thị trường. Phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng đảm bảo cung cầu hàng hóa. Công tác phòng chống gian lận thương mại và buôn lậu qua biên giới được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Năm 2016 đã thực hiện kiểm tra 11.763 vụ việc, phát hiện 6.792 vụ vi phạm quy định nhà nước, chủ yếu vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm trong kinh doanh và vệ sinh an tòan thực phẩm. Đã xử lý các vụ vi phạm, phạt hành chính và bán hàng hóa tịch thu nộp ngân sách nhà nước 65,51 tỷ đồng.
     Hỗ trợ doanh nghiệp liên kết đầu tư sản xuất: Các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL liên kết hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất, chế biến; kết nối hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh; phát triển mạng lưới thu mua, tiêu thụ sản phẩm tạo thành một chuỗi liên kết; chuỗi giá trị sản xuất, phân phối giữa các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL với nhau, tạo thành một thị trường rộng lớn, với nguồn hàng phong phú, đa dạng trên thị trường.
Liên kết phát triển hạ tầng thương mại: Năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ của 7/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đạt 425.261 tỷ đồng, nhờ sự liên kết phát triển hạ tầng thương mại giữa các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng trở nên thiết thực, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở ngày càng phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường bán lẻ.
      Ngoài ra các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên liên hệ trao đổi thông tin về tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu trên thị trường; tình hình diễn biến cung cầu hàng hóa, đặc biệt trong những ngày lễ, tết. Trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong quản lý thương mại, cũng như trong xây dựng các quy hoạch, kế hoạch và trong quản lý xây dựng chợ, kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại... Trao đổi thông tin qua lại giữa các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý thương mại của mỗi địa phương.

    Trong năm 2017, để thực hiện tốt hơn công tác phối hợp bình ổn thị trường các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Minh Phụng phát biểu ý kiến, cho rằng:”Phát huy hơn nữa những thành tích đạt được, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ găm hàng khan hiếm cục bộ, tăng giá đột biến, đồng thời với việc ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục mở rộng địa bàn tổ chức đưa hàng “Việt” về nông thôn, nhằm đưa hàng hóa đến người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo góp phần ổn định thị trường. Tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin việc bình ổn, ổn định cho thị trường, góp phần ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá trong các dịp cao điểm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao. Hỗ trợ kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống phân phối tại các tỉnh, thành tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh”.

Ng. Lê Hồng

Số lần đọc: 2636
http://vanphong.kiengiang.gov.vn
Tin liên quan