Tin nóng
02.03.2018
Chiều ngày 28/02, tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ, ông Vương Đình Huệ - Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) năm 2017. Đại diện các Bộ, ngành, địa phương và thành viên Ban Chỉ đạo CTMTQG cùng tham dự. Tại điểm cầu UBND tỉnh Kiên Giang, ông Mai Anh Nhịn - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì.

Theo Báo cáo số 699/BC-BKHĐT, ngày 02/02/2018 về kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017, như sau:

Toàn cảnh tại điểm cầu Văn phòng UBND tỉnh.

Năm 2017, hệ thống khung pháp lý, điều hành và các văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh đến nay cơ bản được hoàn thành. Công tác huy động nguồn lực đã được chú trọng ngay từ khâu lập kế hoạch thực hiện các chương trình. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương được cân đối, bố trí thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính có tính lan tỏa và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để nhân rộng. Các địa phương đã chú trọng dành nguồn lực cân đối từ ngân sách địa phương, bố trí vốn đối ứng thực hiện các chương trình theo quy định.

Công tác đào tạo, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững được đổi mới với nhiều phương pháp mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền chính sách, định hướng của Chính phủ. Cập nhật, đưa tin về các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến, kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Đến tháng 12/2017, cả nước có trên: 3.000 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 492 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, vượt mục tiêu năm 2017, tăng trên: 700 xã so với cuốn năm 2016. Còn 113 xã dưới 5 tiêu chí, giảm: 144 xã so với cuối năm 2016; cả nước có: 42 đơn vị cấp huyện thuộc 42 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 13 huyện so với cuối năm 2016.

Về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội: Thông qua cơ chế đầu tư đặc thù đối với các công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đã khuyến khích, vận động người dân tham gia tích cực hơn vào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. So với cuối năm 2016, đến tháng 12/2017, cả nước có trên: 4.800 xã đạt tiêu chí giao thông, đạt trên: 53%, có trên: 7.500 xã đạt tiêu chí thủy lợi, đạt trên: 84%, có trên: 4.900 xã đạt tiêu chí trường học, đạt trên: 55%, có trên: 4600 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, đạt trên: 51%, có trên: 6.200 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư, đạt trên: 70%,…

Cụ thể, tại Kiên Giang về phát triển kinh tế - xã hội:

Hệ thống giao thông nông thôn: Kế hoạch năm 2017 thực hiện đầu tư trên: 387,100 tỷ đồng xây dựng: 328 km đường giao thông nông thôn (gồm: Vốn xổ số kiến thiết (XSKT) 186 tỷ đồng, vốn Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ trên: 196,700 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) trên: 2,500 tỷ đồng, vốn Chương trình MTQG là: 1,8 tỷ đồng và vốn huy động trên: 18,500 tỷ đồng). Hiện nay, khối lượng thực hiện, đạt trên: 381km, đạt trên: 116%; giá trị thực hiện trên: 296,400 tỷ đồng, đạt: 76,58%; giá trị cấp phát, đạt trên: 341 tỷ đồng, đạt: 88,34%. Nâng tổng số km đường giao thông nông thôn trên toàn tỉnh được cứng hóa: 5.116/7.084 km, đạt 71%.

Trường học, tổng vốn năm 2017 trên: 188 tỷ đồng (vốn XSKT: 09 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương trên: 164,800 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương trên: 14 tỷ đồng). Đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới: 391 phòng học các loại, đến nay đã giải ngân trên: 180 tỷ đồng, đạt 95,76% kế hoạch. Nâng tổng số phòng học kiên cố hiện có: 10.522 phòng, tăng: 357 phòng so với cùng kỳ năm 2016…

Về nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn: Qua tổng hợp báo cáo về kết quả thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập so với cuối năm 2016, cả nước có: 62% xã đạt tiêu chí về thu nhập, tăng trên: 02%, số xã đạt chuẩn tiêu chí hộ nghèo đạt trên: 57%, tăng trên: 06%, số xã đạt chuẩn tiêu chí lao động có việc làm đạt trên: 94%, tăng trên 04%, riêng tiêu chí về tổ chức sản xuất có trên: 70% xã đạt, giảm: 5,5%.

Về giảm nghèo bền vững: Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn: 6,72% (giảm: 1,51% so với cuốn năm 2016), trong đó: Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, giảm còn dưới 40% (giảm: 05% so với cuối năm 2016). Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và xã đảo, biên giới, vùng dân tộc và miền núi, giảm từ 03 - 04% so với cuối năm 2016. Đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg, ngày 02/9/2016. Trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo các vùng: Khu vực miền núi Đông Bắc còn: 14,9% (giảm: 2,82%), miền núi Tây Bắc: 28,12% (giảm: 3,13%), đồng bằng sông Hồng: 2,45% (giảm: 0,77%), Bắc Trung bộ: 8,39% (giảm: 1,96%), duyên hải miền Trung: 8,16% (giảm: 1,7%), Tây Nguyên: 12,57% (giảm: 2,7%), Đông Nam bộ: 0,78% (giảm: 0,26%), đồng bằng sông Cửu Long: 6,09% (giảm: 1,87%). Năm 2017, có: 10/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã lên phường…)

Tuy nhiên, trong quản lý, điều hành và tổ chức vẫn còn những hạn chế tác động đến tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017: Cấp Trung ương, ban hành văn bản quy phạm, quy định còn chậm, đôi lúc chưa kịp thời dẫn đến lúng túng, chậm trễ trong việc triển khai, phân bổ; cấp địa phương: Công tác xây dựng và ban hành văn bản quản lý, điều hành tuy đã được chú trọng nhưng tiến độ ban hành còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả thực hiện; tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa được cải thiện,… đã ảnh hưởng đến việc duy trì tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập, hộ nghèo, môi trường…

Tại Hội nghị, đa số các ý kiến cơ bản thống nhất với Báo cáo và mong muốn Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề cân đối nguồn ngân sách cho các tỉnh còn nhiều hộ nghèo; có kế hoạch phân bổ ngân sách cụ thể hằng năm; xem xét chính sách đầu tư, hỗ trợ cụ thể, phù hợp với từng vùng, từng khu vực và địa phương.

Phát biểu chỉ đạo của ông Vương Đình Huệ - Phó Thủ tướng Chính phủ (ảnh chụp qua màn hình ti vi).

Phát biểu kết thúc Hội nghị, ông Vương Đình Huệ - Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả đạt được trong năm qua của các Bộ, ngành, địa phương về tiến độ thực hiện CTMTQG và lưu ý thêm một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án về nông thôn mới đặc thù, các đề án thí điểm nông thôn kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020; đề nghị các tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo có liên quan đến vấn đề nông thôn mới; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong nhân dân, nhân rộng và phát triển các mô hình có hiệu quả; đẩy mạnh công tác truyền thông trên mọi lĩnh vực; ban hành các văn bản, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững; đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong năm 2018 nghiên cứu sâu và tổ chức tổng kết các chuyên đề đạt hiệu quả cao; đề nghị các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra./.

 

Số lần đọc: 2131
Website Kiên Giang
Tin liên quan