Tin nóng
06.03.2024
(KGO) - Vụ lúa hè thu năm 2023, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) triển khai thực hiện mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ. Đến nay, toàn huyện có 535 ha lúa sản xuất theo phương pháp này. Lúa sản xuất theo mô hình này năng suất cao nhất 6,2 tấn/ha, hiệu quả tăng khoảng 10% so với sản xuất đại trà.

Năm nay là năm thứ hai anh Đặng Hoàng Hải, ngụ ấp Xẻo Mây, xã Thạnh Hòa sản xuất theo mô hình trồng lúa hữu cơ. Sau khi thử nghiệm có hiệu quả trên 1ha lúa, vụ đông xuân 2023-2024, anh Hải quyết định sử dụng 8ha đất trồng lúa hữu cơ.

Anh Hải cho biết được hỗ trợ chi phí phân bón, giống, tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và áp dụng đúng kỹ thuật nên ruộng lúa của gia đình anh phát triển tốt, ít sâu bệnh.

"Mô hình trồng lúa hữu cơ tôi thấy rất có hiệu quả giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng năng suất và chất lượng lúa lại cao. Nếu như trước đây sản xuất 1ha lúa đại trà phải tốn chi phí 10-15 triệu đồng thì trồng lúa hữu cơ giúp giảm chi phí từ 1-2 triệu đồng/ha", anh Hải nói. 

Cán bộ huyện Giồng Riềng thăm mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn xã Thạnh Hòa. 

Theo các thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Đoàn Kết, xã Thạnh Lộc, sau khi triển khai thực hiện trồng lúa hữu cơ vụ hè thu và vụ thu đông năm 2023 cho thấy hệ sinh thái đồng ruộng có dấu hiệu được phục hồi, giảm thiểu được tác hại từ phân bón hóa học đến môi trường. Sản xuất lúa hữu cơ giúp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, vừa bảo vệ được môi trường vừa bảo vệ sức khỏe của người sản xuất lẫn người tiêu dùng. 

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng Trần Hoàng Trọng cho biết: “Lúa hữu cơ là mô hình tương đối mới với nhiều hộ nông dân. Với sự hỗ trợ từ các cấp, ngành và sự nỗ lực vào cuộc của địa phương, nông dân dần có xu hướng chuyển đổi và khẳng định đây là hướng đi đúng đắn mang lại giá trị về nhiều mặt”.  

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi canh tác lúa theo hướng hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn. Nông dân có tâm lý e ngại, lo lắng trong chuyển đổi tập quán sản xuất; diện tích sản xuất còn manh mún, chưa tập trung. 

Anh Đặng Hoàng Anh - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thành Nguyên, xã Ngọc Chúc cho biết bước đầu triển khai mô hình nhiều hộ nông dân còn e ngại do sợ năng suất và lợi nhuận không bằng với trồng lúa đại trà. Tuy nhiên, trước hiệu quả và lợi nhuận mang lại, nhiều nông dân đang triển khai thực hiện mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ.

Hiện hợp tác xã nông nghiệp Thành Nguyên có 37ha lúa hữu cơ, dự kiến tăng thêm 10-15ha.

Anh Đặng Hoàng Hải ngụ ấp Xẻo Mây, xã Thạnh Hoà, huyện Giồng Riềng thăm cánh đồng lúa hữu cơ chuẩn bị 4 ngày nữa là thu hoạch. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng Huỳnh Văn Thái Quỳnh nói: “Sản xuất lúa hữu cơ giúp người dân làm quen với các yêu cầu kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ. Từ đó, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh nông sản. Đồng thời, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho nông dân. Thời gian tới, UBND huyện Giồng Riềng sẽ tiếp tục đầu tư phát triển dự án sản xuất lúa theo hướng hữu cơ giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn huyện”. 

Bài và ảnh: THÚY ANH

Số lần đọc: 604
Báo Kiên Giang Online
Tin liên quan