01.07.2022
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 trong bối cảnh tương đối thuận lợi, dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đem lại kết quả khá khả quan. Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nay vẫn ổn định và đạt mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá cao; tăng trưởng tín dụng ở mức khá. An ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân ổn định và được nâng lên…Điểm sáng của kinh tế trong 6 tháng đầu năm là sản xuất công nghiệp đạt mức tăng 13,65%, bên cạnh đó hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cũng tăng trưởng 10,16% và lưu trú, ăn uống cũng đã có sự khởi sắc với mức tăng 9,10%...Cụ thể từng lĩnh vực như sau: 1. Tăng trưởng kinh tế Ước tính tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 (theo giá so sánh 2010) đạt trên 33.271 tỷ đồng, bằng 49,69% kế hoạch năm, tăng 4,42% so với cùng kỳ năm trước [1]. Với mức tăng này còn thấp so với mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,02%, đứng thứ 8/13 tỉnh vùng ĐBSCL và thứ 52 cả nước (còn thấp hơn bình quân cả nước). Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản: Tổng giá trị tăng thêm (VA) ước tính 13.467,85 tỷ đồng, đạt 51,87% kế hoạch năm, tăng 0,79% so với năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 1,41%), đóng góp cho tăng trưởng chung 0,33 điểm phần trăm, trong đó: Giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp 8.020,27 tỷ đồng, tăng 0,87% so với cùng kỳ năm trước (năm trước giảm 1,35%), đóng góp cho tăng trưởng chung 0,22 điểm phần trăm; ngành thủy sản ước đạt 5.354,96 tỷ đồng, tăng 0,85% so với cùng kỳ năm trước (năm trước tăng 5,72%), đóng góp tăng trưởng chung 0,14 điểm phần trăm. Khu vực I, năm nay tăng trưởng thấp so với cùng kỳ là do thời tiết, khí hậu không mấy thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản; mặt khác sản lượng khai thác giảm nhiều do giá xăng, dầu và các nguyên liệu đầu vào đều tăng cao nên làm tăng chi phí giá thành, giảm hiệu quả kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng: Tổng giá trị tăng thêm ước tính 7.442,06 tỷ đồng, đạt 47,63% kế hoạch năm, tăng 8,99% so với cùng kỳ năm trước (năm trước tăng 6,63%), đóng góp cho tăng trưởng chung 1,93 điểm phần trăm, trong đó lĩnh vực công nghiệp đạt 4.676,59 tỷ đồng, tăng 13,38% so với cùng kỳ năm trước (năm trước tăng 5,19%), đóng góp cho tăng trưởng chung 1,73 điểm phần trăm; xây dựng đạt 2.765,47 tỷ đồng, tăng 2,30% so với cùng kỳ năm trước (năm trước tăng 8,89%) và đóng góp cho tăng trưởng chung 0,19 điểm phần trăm. Khu vực II tăng cao hơn năm trước là do một số ngành đạt mức tăng khá như : công nghiệp khai khoáng, sản xuất giày da, gỗ MDF, chế biến thuỷ sản… Tuy nhiên, ngành xây dựng tăng trưởng còn thấp do giá vật liệu xây dựng như sắt, thép, cát… đều tăng cao ảnh hưởng đến thực hiện vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công còn rất chậm. Khu vực dịch vụ: Tổng giá trị tăng thêm ước tính đạt trên 10.470,32 tỷ đồng, tăng 6,15% so với cùng kỳ năm trước (năm trước tăng 4,74%), đóng góp cho tăng trưởng chung 1,90 điểm phần trăm. Khu vực III tăng trưởng cao hơn cùng kỳ và đã đóng góp tích cực cho mức tăng trưởng chung, trong đó một số dịch vụ hồi phục nhanh chóng như dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải và du lịch… Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 1.890,91 tỷ đồng, tăng 4,60% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp cho tăng trưởng chung 0,26 điểm phần trăm. Về cơ cấu kinh tế (cơ cấu GRDP): khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 40,82%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 21,17%; khu vực dịch vụ chiếm 32,34%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,67% ( 6 tháng đầu năm 2021 lần lượt là 41,99%; 19,74%; 32,50%; 5,77%). 2. Tài chính, ngân hàng 2.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước Tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng Sáu ước tính đạt 804,04 tỷ đồng, bằng 88,57% so với tháng trước và tăng 29,65% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách 6 tháng, ước tính trên 6.098 tỷ đồng, đạt 55,20% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 6,99% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa 6.050 tỷ đồng, đạt 55,01% dự toán, tăng 6,64% so cùng kỳ, chiếm 99,21% trong tổng thu ngân sách của tỉnh. Nếu loại trừ tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết và ghi thu ghi chi tiền thuê đất thì ước thu nội địa 6 tháng chỉ được 4.814 tỷ đồng, đạt 59,45% so với dự toán, tăng 16,56% so với cùng kỳ. Một số khoản thu đạt cao so với dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước như: thu từ công ty có vốn đầu tư nước ngoài đạt 99,64% dự toán năm, tăng 98,74% so cùng kỳ; thu từ khu vực công thương nghiệp NQD đạt 74,33% dự toán, tăng 52,26%; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 69,05% dự toán, tăng 19,73%; thu lệ phí trước bạ đạt 67,11% dự toán, tăng 18,08%....Tuy nhiên, cũng còn một số khoản thu đạt thấp so với dự toán và so với năm trước như: thu từ doanh nghiệp nhà nước TW đạt 44,90% dự toán, giảm 10,81%; thu từ sổ xố kiến thiết mới đạt 50% dự toán, bằng 68,82%; thu cho thuê mặt đất, mặt nước đạt 17,13% dự toán, bằng 47,61%; thu thuế bảo vệ môi trường đạt 34,64% dự toán, bằng 35,45%... Tổng chi ngân sách địa phương tháng Sáu ước chi hơn 1.162 tỷ đồng, tăng 10,04% so tháng trước và tăng 8,68% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách 6 tháng ước tính 5.940,65 tỷ đồng, đạt 38,67% dự toán năm, tăng 16,69% so cùng kỳ. Trong đó: chi thường xuyên 4.453,79 tỷ đồng, đạt 45,13% dự toán, tăng 9,46%; chi đầu tư phát triển 1.410,23 tỷ đồng, đạt 35,88% dự toán, tăng 51,76% so năm trước. 2.2. Hoạt động Ngân hàng Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, tạo điều kiện tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí không chuyển nhóm nợ, cân đối tài chính, chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay; triển khai các sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh... Huy động vốn và tín dụng diễn biến phù hợp tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ước đến ngày 30/6/2022, một số chỉ tiêu đạt cụ thể như sau: Tổng nguồn vốn hoạt động ước đạt 126.100 tỷ đồng, tăng 7,12% so đầu năm (cùng kỳ 2021 tăng 6,84%), tăng 12,29% so cùng kỳ; trong đó, vốn huy động tại địa phương ước đạt 67.600 tỷ đồng (chiếm 53,61% tổng nguồn vốn hoạt động), tăng 10,10% so đầu năm (cùng kỳ 2021 tăng 5,72%), tăng 16,02% so cùng kỳ. Doanh số cho vay trong 6 tháng đầu năm đạt 93.200 tỷ đồng (trong đó 80,26% doanh số cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh); dư nợ cho vay ước đạt 102.900 tỷ đồng, tăng 5,64% so đầu năm (cùng kỳ 2021 tăng 5,56%), tăng 10,82% so cùng kỳ. Tín dụng cho vay chủ yếu tập trung cho vay VND; kỳ hạn ngắn hạn và sản xuất kinh doanh. Nợ xấu nội bảng 1.300 tỷ đồng, chiếm 1,31% tổng dư nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trên địa bàn khá ổn định. Tỷ giá vàng và ngoại tệ diễn biến theo xu hướng chung của cả nước và thế giới. 3. Chỉ số giá Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu tăng 0,68% so với tháng trước. Trong đó: khu vực thành thị tăng 0,41%, khu vực nông thôn tăng 0,84%. CPI tháng Sáu tăng khá cao là do có 8 nhóm hàng tăng, trong đó nhóm giao thông tăng nhiều nhất với mức tăng 4,20%; kế đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,77% (trong đó: thực phẩm tăng 1,14%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,62%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,32%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,08%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; giáo dục tăng 0,02% và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch đều tăng 0,01%. Có 02 nhóm hàng giảm giá đó là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 0,12% và nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,03%. Còn lại các nhóm hàng bưu chính viễn thông bình ổn giá. So với tháng 12 năm trước (sau 6 tháng) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,56%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính đều tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm giao thông tăng 14,25%; kế đến là nhóm giáo dục tăng 4,92%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,67% (trong đó ăn uống ngoài gia đình tăng 4,30%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,97%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 2,57%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,81%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,43%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,68%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,23%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,11% và nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,01%. Chỉ số giá vàng: tháng Sáu giảm 1,58% so với tháng trước và tăng 2,33% so với cùng kỳ năm trước. Giá vàng bình quân tháng Sáu là 5.405.000 đồng/chỉ, giảm 87.000 đồng/chỉ so với tháng trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ: tháng Sáu tăng 0,86% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 0,96% và tăng 1,68% so với tháng 12 năm trước. Giá USD bình quân tháng Sáu là 2.333.600 đồng/100 USD, tăng 19.900 đồng/100 USD so với tháng trước. 4. Đầu tư và xây dựng Trước những khó khăn do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina đã đẩy giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến sự gia tăng đầu tư trên tất cả các lĩnh vực, cho nên tuy vốn đầu tư 6 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước nhưng còn thấp so với kế hoạch. Ước tính tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm nay đạt trên 16.428 tỷ đồng, bằng 39,96% kế hoạch cả năm và tăng 15,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước ước thực hiện 1.086,16 tỷ đồng, mới đạt 21,20% kế hoạch năm, tăng 36,84% so cùng kỳ năm trước: vốn cân đối ngân sách địa phương 841,23 tỷ đồng, đạt 21,40% kế hoạch năm, tăng 33,20% so cùng kỳ; vốn xổ số kiến thiết được 469,23 tỷ đồng, đạt 29,33% kế hoạch, tăng 82,58% so cùng kỳ. Cùng với vốn đầu tư, hoạt động xây dựng 6 tháng đầu năm cũng rất khó khăn trước sự leo thang của giá cả vật liệu xây dựng (cát, đá, gạch, xi măng, thép … đều tăng giá), làm cho việc triển khai một số công trình trọng điểm của tỉnh chậm lại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông. Ước tính giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá so sánh 2010) 6 tháng đạt hơn 10.092 tỷ đồng, tăng 2,21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công trình nhà ở đạt 8.116,11 tỷ đồng, tăng 2,39% so cùng kỳ năm trước; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 1.278,06 tỷ đồng, tăng 6,29% và hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 698,38 tỷ đồng, giảm 6,29% so cùng kỳ. 5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp Tình hình hoạt động của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 đã từng bước khôi phục để trở lại sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới. Tính đến ngày 15 tháng 6 năm 2022, số doanh nghiệp được thành lập mới là 897 doanh nghiệp, tăng 146 doanh nghiệp (tăng 19,44%) so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp giải thể là 142 doanh nghiệp, tăng 19 doanh nghiệp (tăng 15,45%) so cùng kỳ năm trước, phần lớn các doanh nghiệp giải thể là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động không hiệu quả. Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động 475 DN, tăng 118 doanh nghiệp (tăng 33,05%) so cùng kỳ ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 278 DN, giảm -19 doanh nghiệp (giảm 6,40%) so cùng kỳ năm trước. 6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6.1. Nông nghiệp Các địa phương cùng với ngành chức năng đã chủ động ứng phó, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; bố trí lịch thời vụ sản xuất từng vụ lúa ở từng địa phương trong tỉnh một cách hợp lý nhằm né sâu bệnh; quản lý, vận hành điều tiết nguồn nước hợp lý phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nên đã giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất. Về trồng trọt: Sản xuất lúa: Tổng diện tích gieo trồng lúa vụ Mùa và Đông Xuân là 351.119 ha, đạt 102,17% kế hoạch và tăng 2,43% so cùng kỳ; tổng sản lượng thu hoạch 2.451.322 tấn, đạt 101,94% kế hoạch và tăng 0,81% so cùng kỳ. Chia ra Vụ mùa (2021-2022): Kết thúc gieo trồng lúa mùa diện tích đạt 67.251 ha, vượt 10,85% so kế hoạch và tăng 15,17% so cùng kỳ năm trước (tăng 8.856 ha). Năng suất thu hoạch đạt 5,38 tấn/ha; sản lượng đạt 361.796 tấn, tăng 36,29% so với vụ mùa năm trước, năm nay thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên nông dân gieo trồng sớm; so với cùng kỳ năm trước thì diện tích gieo trồng, thu hoạch và năng suất đều tăng. Lúa mùa tập trung ở các huyện như: Gò Quao, Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Giang Thành và thành phố Hà Tiên. Vụ Đông Xuân (2021-2022): toàn tỉnh đã kết thúc gieo trồng được 283.868 ha, vượt 0,31% kế hoạch[2], giảm 0,19% so với vụ Đông xuân năm trước (giảm 540 ha). Năng suất đạt 7,36 tấn/ha, sản lượng đạt 2.089.526 tấn (giảm 69.435 tấn so với vụ Đông xuân năm trước). Năm nay giá lúa luôn ở mức cao và tương đối ổn định (từ 5.600 đồng/kg đến 6.100 đồng/kg), tuy nhiên do giá phân bón tăng cao làm tăng chi phí sản xuất nên lợi nhuận thấp hơn năm trước. Vụ Hè thu (kể cả Xuân hè): Tính đến ngày 15/6/2022, toàn tỉnh gieo trồng được 278.913 ha, hiện lúa đang sinh trưởng tốt. Cây trồng khác: Cùng với cây lúa, một số cây rau màu chủ yếu cũng được bà con nông dân gieo trồng nhằm tăng thêm thu nhập như: dưa hấu 783 ha, tăng 2,09% so với năm trước; khoai lang 857 ha, tăng 1,18%; khoai mì 249 ha, tăng 3,75%; bắp 175 ha, tăng 4,79%; rau, đậu các loại 6.418 ha, tăng 1,05%. Chăn nuôi: Kết quả điều tra chăn nuôi 01/4/2022, so với cùng thời điểm năm trước, đàn trâu có 4.596 con, tăng 1,68%; Đàn bò 11.374 con, giảm 1,46%; Đàn heo có 196.598 con, tăng 5,53%; Đàn gia cầm 4.331 nghìn con, tăng 19,26%, trong đó đàn vịt tăng 9,09%. Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định; dịch bệnh được kiểm soát, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã cơ bản được khống chế và không ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm trên phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi và số lượng đàn gia súc, gia cầm đa phần chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong các nông hộ, điều kiện an toàn sinh học còn nhiều hạn chế, tình trạng vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm không đúng quy định còn diễn ra,... Để phát triển chăn nuôi, ngành nông nghiệp cần tập trung chỉ đạo, triển khai nhanh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi, đồng thời cập nhật kịp thời tình hình dịch tễ trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là ở các địa bàn giáp ranh với các tỉnh lân cận để hạn chế thấp nhất dịch bệnh xâm nhập. 6.2. Lâm nghiệp Công tác chăm sóc và bảo vệ rừng thường xuyên được quan tâm. Các ngành chức năng thường xuyên phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng chống cháy rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, duy trì thường xuyên công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Thực hiện Kế hoạch khoanh nuôi, chăm sóc rừng trong 6 tháng đầu năm đã có 1.549 ha rừng được chăm sóc; diện tích rừng được khoán bảo vệ 9.779 ha, tăng 35,41% so với năm trước. 6.3. Thủy sản Trước tình hình giá xăng, dầu liên tục tăng cao, kéo theo giá vật tư, ngư lưới cụ cũng tăng, làm tăng chi phí giá thành, trong khi ngư trường ngày càng cạn kiệt, nguồn lợi thủy sản suy giảm nghiêm trọng, khai thác không hiệu quả, nhiều phương tiện phải ngưng hoạt động nhiều ngày, ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng và giá trị ngành khai thác thủy sản. Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): ước tính 6 tháng đầu năm đạt 15.923,16 tỷ đồng, đạt 50,36% kế hoạch năm, tăng 0,85% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản (cả khai thác và nuôi trồng): tháng Sáu ước tính đạt 85.686 tấn, tăng 6,70% so với tháng trước, tăng 1,87% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng ước đạt 402.921 tấn, đạt 50,17% kế hoạch năm; giảm 2,21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá các loại đạt 232.496 tấn, giảm 5,35%; tôm các loại 72.105 tấn, tăng 3,35%; mực 33.896 tấn, giảm 5,97% và thủy sản khác 64.424 tấn, tăng 6,39%. Sản lượng thủy sản khai thác: ước đạt 269.403 tấn, đạt 55,19% kế hoạch năm và giảm 5,96% so với cùng kỳ năm trước[1] (giảm 17.089 tấn). Sản lượng thủy sản nuôi trồng: ước tính đạt 133.518 tấn, đạt 42,39% kế hoạch năm và tăng 6,37% so với cùng kỳ năm trước[1]. Trong đó, tôm nuôi sản lượng đạt 56.054 tấn, đạt 51,66% kế hoạch năm và tăng 6,25% so với cùng kỳ năm trước. 7. Sản xuất công nghiệp Tuy các cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn nhưng hầu hết đã hoạt động bình thường trở lại, một số cơ sở đã mở rộng quy mô sản xuất lớn hơn trước lúc dịch bệnh xảy ra. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): tháng Sáu chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 6,91% so với tháng trước và tăng 15,80% so cùng tháng năm trước. Trong đó, so với tháng trước ngành chế biến, chế tạo tăng 7,53%[3]; ngành khai khoáng tăng 2,32%. Tính chung 6 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 13,38%; ngành chế biến, chế tạo tăng 13,47%[4]. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): tháng Sáu ước tính đạt 5.251,66 tỷ đồng, tăng 11,30% so với tháng trước và tăng 15,81% so với cùng kỳ năm trước[5]. Tính chung 6 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước tính 25.743,77 tỷ đồng, đạt 50,38% kế hoạch năm, tăng 13,65% so với cùng kỳ năm trước.[6] Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 6 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước như: giày da vượt 35,79% kế hoạch năm, tăng 108,97%; bao bì PP vượt 4,35% kế hoạch năm, tăng 63,91%; gỗ MDF đạt 60,25% kế hoạch năm, tăng 23,22%; tôm đông các loại đạt 65,86%, tăng 37,20%; xay xát gạo đạt 47,80% kế hoạch năm, tăng 7,94%; nước máy đạt 49,62% kế hoạch năm, tăng 5,79%; điện thương phẩm đạt 49,80% kế hoạch năm, tăng 4,60%... Bên cạnh đó cũng còn một số sản phẩm đạt kế hoạch thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước như: Clinker đạt 47,65%, giảm 8,76%; nước đá đạt 49,13%, giảm 4,08%; xi măng đạt 53,94%, giảm 0,70%... Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tháng Sáu, tăng 5,49% so tháng trước và tăng 3,12% so cùng tháng năm trước. Ước tính 6 tháng, tăng 3,67% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành tăng so với cùng kỳ như sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,91%; sản xuất xi măng, vôi tăng 1,51%.... Tuy nhiên, vẫn có một số ngành chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ như: sản xuất đồ uống giảm 6,68%; sản xuất trang phục giảm 23,04%... Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo tháng Sáu bằng 103,32% so với tháng trước và chỉ bằng 43,34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: sản xuất chế biến thực phẩm bằng 62,62% cùng kỳ năm trước; sản xuất đồ uống bằng 30,86% cùng kỳ năm trước... Chỉ số sử dụng lao động của ngành công nghiệp tháng Sáu năm 2022 tăng 1,35% so với tháng trước và tăng 17,32% so với tháng cùng kỳ năm trước. Ước tính 6 tháng đầu năm 2022 tăng 17,50% so với năm trước. 8. Thương mại, dịch vụ 8.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay đã có xu hướng tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm trước, mặt khác tình hình phòng chống dịch đã chuyển sang trạng thái mới đảm bảo phù hợp để phát triển kinh tế. Thị trường bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng thời, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào, phong phú. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Sáu ước đạt 10.312,48 tỷ đồng, giảm 0,14% so tháng trước, tăng 21,74% so cùng tháng năm trước. Tính chung 6 tháng ước đạt 61.321,41 tỷ đồng, đạt 49,06% kế hoạch năm, tăng 8,25% so với năm trước. Chia theo ngành hoạt động: Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Sáu ước đạt 7.944,04 tỷ đồng, tăng 1,27% so tháng trước, tăng 23,00% so cùng tháng năm trước. Tính chung 6 tháng ước đạt 46.614,47 tỷ đồng, đạt 48,81% kế hoạch, tăng 8,59% so với năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng Sáu ước đạt 1.205,50 tỷ đồng, giảm 5,18% so tháng trước, tăng 23,19% so cùng tháng năm trước. Tính chung 6 tháng ước đạt 7.264,59 tỷ đồng, đạt 51,52% kế hoạch năm, tăng 8,97% so cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng Sáu ước đạt 25,43 tỷ đồng, giảm 6,52% so tháng trước. Tính chung 6 tháng ước đạt 158,81 tỷ đồng, đạt 52,94% kế hoạch, tăng 3,09% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng Sáu ước đạt 1.137,51 tỷ đồng, giảm 3,88% so tháng trước, tăng 10,06% so cùng tháng năm trước. Tính chung 6 tháng ước đạt 7.283,54 tỷ đồng, đạt 48,24% kế hoạch, tăng 5,57% so với cùng kỳ. 8.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022, ước đạt 477,86 triệu USD, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 8,94%; nhập khẩu tăng 8,93%. Tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại trong đó có Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực thực thi trong thời gian qua đã phần nào được xem là điểm sáng trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Hiệp định đã mang lại nhiều cơ hội lớn và tạo cú hích mạnh mẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Kiên Giang nói riêng có thêm động lực để phát triển và hòa nhập sâu rộng vào thị trường châu Âu, phát triển thêm các chuỗi giá trị cung ứng bền vững, tìm kiếm sự hợp tác đầu tư thương mại để mở rộng thêm thị trường xuất khẩu. Xuất khẩu: tháng Sáu ước đạt 78 triệu USD, tăng 1,29% so với tháng trước, tăng 17,86% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 6 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính 404,03 triệu USD, đạt 51,80% kế hoạch năm, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước[7]. Các mặt hàng xuất chủ yếu là thủy sản, gạo, nguyên liệu giày da và hàng hóa khác. Nhập khẩu: tháng Sáu ước đạt 13 triệu USD, tăng 3,34% so với tháng trước, giảm 20% so cùng tháng năm trước. Tính chung 6 tháng, trị giá hàng hóa nhập khẩu ước tính 73,83 triệu USD, đạt 56,79% kế hoạch năm, tăng 8,93% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là các nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất và xăng dầu các loại. 8.3. Công tác quản lý thị trường Sáu tháng đầu năm, là thời điểm diễn ra Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và các ngày Lễ lớn trong năm như: Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10/3; 30/4 và 01/5, thị trường hàng hóa, dịch vụ, giá cả trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; đặc biệt tỉnh đã tổ chức đưa các chuyến hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân và triển khai kế hoạch về bình ổn thị trường Tết, các loại hàng hóa đưa vào phục vụ chủ yếu là hàng Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm; giá hàng hóa tiêu dùng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn chung, hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra bình thường, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa hay tăng giá bất hợp lý. Giá nhiên liệu xăng dầu điều chỉnh 13 lần (tăng 10 lần, giảm 03 lần). Hiện tại, giá xăng RON 95-III 32.100 đ/lít, xăng RON 92-II 30.730 đ/lít, dầu DO 26.860 đ/lít, dầu hỏa 25.740 đ/lít. Trong 6 tháng, ngành Quản lý thị trường đã kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm 516 vụ, đạt 129% kế hoạch quý (trong đó: kế hoạch định kỳ 387 vụ, đột xuất 129 vụ); phát hiện 132 vụ vi phạm; xử lý 123 vụ vi phạm hành chính (bao gồm cả số vụ kỳ trước chuyển sang). Tổng số tiền thu phạt hơn 3,32 tỷ đồng (trong đó: phạt hành chính hơn 2,71 tỷ, bán hàng hóa tịch thu hơn 614 triệu đồng. Các vụ vi phạm chủ yếu là vi phạm về bán, vận chuyển, lưu trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; gian lận thương mại và vi phạm khác. Các vụ việc vi phạm phát hiện đều được xử lý kịp thời và đúng quy định. 8.4. Vận tải hành khách và hàng hóa Vận tải hành khách: tháng Sáu ước tính vận chuyển 6,91 triệu lượt khách, tăng 3,21% so tháng trước, tăng 29,94% so với tháng cùng kỳ. Luân chuyển 466,34 triệu HK.km, tăng 3,40% so với tháng trước, tăng 32,77% so tháng cùng kỳ. Tính chung 6 tháng, vận tải hành khách ước đạt hơn 39,23 triệu lượt khách, đạt 50,43% kế hoạch năm, tăng 3,40% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 2.645,17 triệu HK.km, đạt 51,27% kế hoạch năm, tăng 4,69% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận chuyển hành khách đường bộ tăng 2,09%, vận chuyển hành khách đường thuỷ (đường sông và đường biển) tăng 10,47%. Vận tải hàng hóa: tháng Sáu ước tính vận chuyển hơn 1,26 triệu tấn, tăng 3,68% so tháng trước, tăng 17,73% so tháng cùng kỳ; luân chuyển hơn 182,29 triệu tấn, tăng 3,68% so với tháng trước, tăng 18,36% so tháng cùng kỳ. Tính chung 6 tháng, hàng hóa vận chuyển ước tính hơn 7,30 triệu tấn, đạt 47,95% kế hoạch năm, tăng 5,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường bộ tăng 4,20%, vận tải hàng hóa đường biển tăng 8,03%; luân chuyển hơn 1.050 triệu tấn.km, đạt 48,14% kế hoạch năm, tăng 5,57% so với cùng kỳ năm trước. 8.5. Du lịch Các ngành chức năng đang triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm kích cầu du lịch nội địa trở lại và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid – 19 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã tổ chức tiếp và đón các Đoàn Lãnh sự quán các nước Thái Lan, Ấn Độ đến với Kiên Giang để xúc tiến, quảng bá du lịch, nhằm giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh, vùng đất và con người Kiên Giang đến với du khách trong nước và quốc tế. Mặc khác, các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid – 19; tổ chức nhiều tour, các chương trình, sự kiện chào mừng tết Nguyên đán, dịp lễ 30/4; 1/5 rất phong phú, hấp dẫn, góp phần tạo ấn tượng với du khách khi đến tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, việc hãng hàng không Bamboo Airways khai trương đường bay nội tỉnh Rạch Giá – Phú Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân địa phương. Nhìn chung các chỉ tiêu du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượt khách du lịch trên địa bàn tỉnh tháng Sáu ước đạt 640,84 ngàn lượt khách, tăng 19,34% so với tháng trước và tăng hơn gấp 12 lần so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng ước đạt 3.495,45 ngàn lượt khách, đạt 62,42% kế hoạch năm và tăng 51,22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 1.589,94 ngàn lượt khách, đạt 69,13% kế hoạch, tăng 40,69% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách trong nước tăng 36,59%. 9. Một số tình hình xã hội 9.1. Lao động, việc làm và đào tạo nghề Tính chung 6 tháng đã giải quyết việc làm cho 20.412 lượt lao động, đạt 58,32% kế hoạch năm, tăng 16,57% so cùng kỳ [8]. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo mới 12.400 người[9], đạt 51,67% so kế hoạch và tăng 2,27% so với cùng kỳ năm trước. 9.2. Về chính sách an sinh xã hội UBND tỉnh tổ chức các đoàn lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà cho các đơn vị lực lượng vũ trang, bệnh viện, trường, trại, trung tâm và các đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm dần năm 2022. Tổng số đối tượng được hỗ trợ là 108.693 người với tổng số kinh phí hỗ trợ trong dịp tết trên 50 tỷ đồng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Thường xuyên thực hiện tốt việc hỗ trợ cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. 9.3. Tình hình Giáo dục Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng môi trường giáo dục, đổi mới việc tổ chức hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trọng tâm; triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp dần ổn định từ đầu 14/2/2022 cho đến nay cơ bản đạt yêu cầu kế hoạch, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, nên kết thúc năm học kéo dài đến cuối tháng 6/2022; Công tác tuyên truyền dịch bệnh và công tác tiêm ngừa cho học sinh lớp 6 và 5 tuổi đến dưới 12 tuổi được tiếp tục triển khai sâu rộng[10]. Năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh có 639 trường học (trong đó mầm non 160 trường; giáo dục phổ thông 479 trường) và 01 trung tâm giáo dục thường xuyên. Toàn tỉnh hiện có 293/611 cơ sở giáo dục công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 47,95%; trẻ 5 tuổi đến trường đạt 99,29%. 9.4. Hoạt động Văn hóa, Thể thao Hoạt động Văn hóa: Trong 6 tháng đã tập trung tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị trong các ngày lễ lớn của đất nước với nhiều nội dung, hình thức đa dạng phù hợp với điều kiện bình thường mới, tạo không khí vui tươi cho nhân dân. Công tác gia đình được quan tâm chỉ đạo, nhấn mạnh vai trò của giáo dục gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyên ngành như: pháp chế, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính, cấp phép, thẩm định, thanh tra, kiểm tra được chú trọng, tổ chức thường xuyên, kịp thời, đảm bảo các hoạt động văn hóa và thể thao diễn ra lành mạnh, an ninh, trật tự. Hoạt động thể dục thể thao: Thể dục thể thao quần chúng: Hiện nay toàn tỉnh đã có 144/144 xã, phường, thị trấn và 15/15 huyện, thành phố đã tổ chức xong Đại hội thể dục, thể thao cấp cơ sở; phối hợp tổ chức 6 giải thể thao cấp tỉnh và 914 giải thể thao cấp huyện, thành phố với hơn 45.733 lượt vận động viên tham dự. Thể thao thành tích cao: Phối hợp đăng cai tổ chức thành công Giải Vô địch cờ vua đồng đội quốc gia năm 2022 tranh Cúp Ngân hàng TMCP Tiên Phong . Các đội tuyển thể thao duy trì tập luyện thường xuyên theo kế hoạch và tham dự 08 giải thể thao khu vực, toàn quốc ; kết quả đạt 36 huy chương (14 HCV, 15 HCB và 07 HCĐ). 9.5. Tình hình y tế, bảo hiểm - Y tế: thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe nhân dân. Chỉ đạo các cơ sở y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng... Tăng cường tiêm chủng, điều trị và kiểm soát biến chủng Omicron bằng hình thức thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19. Quản lý tốt các bệnh mãn tính, bệnh không lây và các bệnh có tính chất nguy hiểm cho cộng đồng gồm lao, phong, tâm thần. Tình hình dịch Covid-19: từ khi xuất hiện dịch trên địa bàn đến ngày 19/6/2022, toàn tỉnh ghi nhận 39.933 trường hợp mắc Covid-19, đã điều trị khỏi 38.888 trường hợp, 1.043 trường hợp tử vong, 02 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh. Hiện tại đang cách ly tập trung 1.687 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 29.713 trường hợp; theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 5.712 trường hợp. Tổng số trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 là 386.624 trường hợp. Các các cơ sở y tế trong tỉnh đã khám, điều trị 1.825.000 lượt người, đạt 40,56% kế hoạch năm và giảm 17,05% so cùng kỳ , trong đó điều trị nội trú khoảng 115 ngàn lượt người, đạt 44,23% kế hoạch và giảm 9,80% so cùng kỳ. Công suất sử dụng giường bệnh là 53%; tỷ lệ khỏi bệnh 87,30%, tỷ lệ tử vong là 1,10%. Bệnh Tay chân miệng, tiêu chảy, cúm mùa và bệnh sởi sốt phát ban nghi sởi có xu hướng giảm giảm so cùng kỳ[11]. Bệnh Sốt xuất huyết và thương hàn tăng so cùng kỳ[12]. Không có trường hợp nào tử vong. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: thực hiện thanh, kiểm tra 7.838 cơ sở, trong đó 6.253 cơ sở đảm bảo VSATTP theo quy định (chiếm 79,78%) và 1.583 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP (chiếm 20,22%). Qua đó nhắc nhỡ và hướng dẫn các cơ sở thực hiện đảm bảo ATTP trong sản xuất kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm nào. - Bảo hiểm: 6 tháng đầu năm 2022 số người tham gia BHYT ước đạt 81,53%, giảm 5,70% so cùng kỳ năm trước; số người tham gia BHXH bắt buộc ước đạt 13,13%, tăng 2,29% so cùng kỳ năm trước; tỷ lệ số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 2,55%, giảm 14,53% so cùng kỳ; tỷ lệ tham gia BH thất nghiệp đạt 11,71%, tăng 2,84% so cùng kỳ. 9.6. Tình hình an toàn giao thông Tính từ ngày 15/5/2022 đến 14/6/2022, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông, làm 12 người chết, 6 người bị thương. So với tháng trước số vụ tai nạn giao thông tăng 10 vụ, tăng 7 người chết, tăng 2 người bị thương. Tính chung 6 tháng (từ 15/12/2021 đến 14/6/2022) toàn tỉnh xảy ra 63 vụ tai nạn giao thông (đường bộ 60 vụ, đường thủy 03 vụ), làm 48 người chết, 27 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, giảm 09 vụ (giảm 12,5%), tăng 2 người chết (tăng 4,35%) và giảm 16 người bị thương (giảm 37,21%). Tình hình tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước đã giảm 02 trên 03 tiêu chí (giảm số vụ, giảm số người bị thương nhưng tăng số người chết). Vì vậy, đề nghị các ngành chức năng cần thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành Luật giao thông khi tham gia giao thông, để mọi người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn trong thời gian tới. 9.7. Tình hình cháy, nổ và thiên tai Tình hình cháy, nổ: từ ngày 15/5/2022 đến 17/6/2022 toàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy, không xảy ra vụ nổ. Cụ thể như sau: 01 vụ cháy tại ấp Cửa Dương, xã Dương Tơ, thành phố phú Quốc làm chết 02 người, ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 2.320 triệu đồng, nguyên nhân cháy đang được điều tra. Tính chung từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy, không có vụ nổ, làm 02 người chết và 01 người bị thương. Thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 4,06 tỷ đồng. Tình hình thiên tai: từ ngày 15/5/2022 đến 14/6/2022 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều cơn mưa kèm lốc xoáy làm sập 6 nhà, 17 nhà tốc mái, ước thiệt hại 350 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thiên tai xảy ra làm 23 nhà sập, 65 nhà tốc mái, 2 người chết và 2 người bị thương, ước thiệt hại về vật chất khoảng 1,34 tỷ đồng. 10. Đề xuất kiến nghị Kinh tế 6 tháng đầu năm đã có sự khởi sắc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà cho sự phát triển nhanh hơn trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, với tỷ trọng trên 40% trong GRDP nhưng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt mức tăng trưởng 0,79% và chỉ đóng góp cho tăng trưởng chung 0,33% là rất hạn chế và ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu tăng trưởng chung cả năm 6,02%. Tái cơ cấu nông nghiệp đang diễn ra rất chậm, trồng trọt vẫn đang độc canh cây lúa chiếm ưu thế; chăn nuôi vẫn còn nhỏ, lẻ, manh mún; khai thác hải sản không còn là ngành thế mạnh nhưng nuôi trồng thủy sản vẫn chưa phát triển đủ mạnh để vươn lên trở thành ngành kinh tế trọng yếu của tỉnh. Vốn đầu tư cũng còn hạn chế, việc thu hút đầu tư, nhất là những dự án lớn có sức lan tỏa rất hạn chế, 6 tháng đầu năm không có một dự án đầu nước nước ngoài nào đăng ký… Dự báo tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước tình hình giá cả hàng hoá và dịch vụ có chiều hướng tăng cao, làm tăng giá thành sản xuất và giảm lợi nhuận, sẽ ảnh hưởng đến đầu tư. Để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt trên 6%, Cục Thống kê kiến nghị một số vấn đề như sau: 1. Quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) để thu hút đầu tư. 2. Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp với các Đề án nuôi biển và phát triển chăn nuôi… 3. Có giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp khắc phục trình trạng thiếu hụt lao động và thiếu nguyên liệu đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản. 4. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai các công trình dự án, cả về dự án đầu tư công và đầu tư tư nhân; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư thuộc nguồn vốn nhà nước quản lý, nhất là các công trình trọng điểm có sức lan tỏa. 5. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, du lịch, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng tỉnh có thế mạnh là gạo và thủy sản để tận dụng tốt các cơ hội của các hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Tăng cường quảng bá các điểm đến du lịch của tỉnh dưới nhiều hình thức; đề xuất mở thêm các đường bay trong nước, đường bay quốc tế đến Phú Quốc; mở các tour mới kết nối du lịch Kiên Giang với các tỉnh trong nước và các nước trong khu vực 6. Tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, huy động mọi nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo, chú trọng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo theo hướng đào tạo tay nghề cho lao động, cho vay vốn ưu đãi, ... để nâng cao thu nhập, phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững. Tải về: - Số liệu Kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Kiên Giang; - Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2022 của tỉnh Kiên Giang [1]Tăng trưởng 6 tháng của các năm: năm 2020 tăng 3,03%; năm 2021 tăng 3,54%. [2] Diện tích gieo trồng ở các huyện như Hòn Đất 80.000 ha, Giồng Riềng 46.659 ha, Tân Hiệp 36.803 ha, Giang Thành 29.280 ha, Gò Quao 25.245 ha, Kiên Lương 23.500 ha, Châu Thành 19.151 ha, An Biên 7.439 ha, U Minh Thượng 6.485 ha, Rạch Giá 5.488 ha, Vĩnh Thuận 3.818 ha. [3] Trong đó: ngành chế biến thực phẩm tăng 7,02%; ngành sản xuất đồ uống tăng 39,51%... [4] Trong đó: ngành sản xuất đồ uống giảm 30,08%, ngành chế biến thực phẩm giảm 3,94%... [5] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 95,37%/ trong tổng số, tăng 16,15%. [6] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 94,63%/ trong tổng số, tăng 13,80%. [7] Trong đó: hàng nông sản 122,27 triệu USD, đạt 45,45% kế hoạch, giảm 13,20% so cùng kỳ; hàng thủy sản 129,35 triệu USD, đạt 48,81% kế hoạch, tăng 12,07% so cùng kỳ; nguyên liệu Giày da 84,48 triệu USD, đạt 64,98% kế hoạch, tăng 37,93% so cùng kỳ. [8] Trong đó: trong tỉnh 11.124 lượt người, ngoài tỉnh 9.178 lượt người, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 110 người. [9] Trong đó: trung cấp 1.200 người, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên 11.200 người. [10] Kết quả tính đến ngày 30/5/2022 đã có 107.256/204.354 em học sinh được tiêm, đạt tỷ lệ 52,49%. [11] Tay chân miệng có 185 cas mắc (giảm 774 cas so cùng kỳ); Cúm mùa 263 cas mắc (giảm 270 cas so cùng kỳ); Tiêu chảy 566 cas mắc (giảm 613 cas so cùng kỳ). [12] Sốt xuất huyết có 470 cas mắc (tăng 106 cas so cùng kỳ); Thương hàn 22 cas mắc (tăng 08 cas so cùng kỳ).
Số lần đọc: 1092
Cục thống kê Kiên Giang |
Tin liên quan
|