Tin nóng
26.08.2014

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Vụ Hè Thu  đã kết thúc gieo sạ, với tổng diện tích 300.372 ha, đạt 100,12% kế hoạch năm và tăng 6.151 ha so với vụ Hè Thu năm trước. Nguyên nhân diện tích gieo sạ tăng là do nhân dân các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giồng Riềng, Gò Quao tận dụng một phần diện tích rừng chưa sử dụng, một phần diện tích trồng tràm kém hiệu quả và đất vườn tạp sang trồng lúa. So với vụ Hè Thu năm trước, diện tích gieo sạ vụ này năm nay tăng nhiều ở các huyện như: Hòn Đất tăng 3.340 ha, Giồng Riềng tăng 2.095 ha, Kiên Lương  tăng 1.298 ha, Gò Quao tăng 332ha…và một số huyện có diện tích gieo sạ giảm như: U Minh Thượng giảm 645 ha, Giang Thành giảm 344ha..

Tính đến trung tuần tháng 8, diện tích thu hoạch vụ Hè Thu ước được 123.130 ha chỉ bằng 41% diện tích gieo sạ và bằng 83,94% cùng kỳ năm trước, đến cuối tháng này chỉ có hai huyện Giồng Riềng và Tân Hiệp thu hoạch được 100% diện tích, các huyện còn lại thu hoạch không đáng kể, riêng huyện Giang Thành mới kết thúc gieo sạ vào tuần đầu tháng 8. Năng suất trong trà lúa thu hoạch ước đạt 54,0 tạ/ha, dự kiến năng suất chính thức so với năm trước thì tăng, giảm không nhiều.

Đến nay diện tích nhiễm sâu bệnh trên lúa Hè Thu và Thu Đông là 21.741 ha, tăng 8.468 ha so cùng kỳ năm trước, gồm bệnh cháy lá, sâu cuốn lá, rầy nâu, đạo ôn, chuột, Nhện gié, Ốc bươu vàng, sâu đục bẹ.., chủ yếu là bệnh cháy lá chiếm trên 7.000ha. Tình hình nhiễm sâu bệnh đối với các bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, lem lép, bệnh do vi khuẩn đang có chiều hướng tăng, do vậy đề nghị trong thời gian tới các ngành chức năng ở địa phương cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả, nhằm bảo vệ tốt diện tích vụ Hè Thu, Thu Đông và nâng cao năng suất trên hai vụ còn lại của năm nay. Ngoài ra, nếu thời tiết mưa giông có diễn biến bất thường thì việc thu hoạch lúa của nông dân sẽ còn gặp khó khăn, lúa bị ngã đổ phần nào ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cũng như tiến độ thu hoạch...

Giá lúa hiện thu mua tại ruộng giống IR 50404 từ 4.900đ-5.050 đồng/kg; giống IR 2517, OM 6976, OM 5451, OM 4900, OM 7347, OM8901, Jasmine85 từ 5.100đ- 5.300đ/kg, tăng từ 300-350đ/kg so tháng trước và tăng 500-600đ/kg so cùng kỳ năm trước. Nếu giá lúa duy trì ổn định như mức hiện nay thì nông dân có lãi khá và yên tâm gắn bó với đồng ruộng hơn.

Vụ Thu Đông: Đến nay các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, Gò Quao đang tiến hành gieo sạ lúa Thu đông, với diện tích được 65.848 ha, bằng 75,85% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay lúa đang trong giai đoạn mạ và đẻ nhánh phát triển, mức độ nhiễm sâu bệnh trên vụ này chưa đáng kể.

Cây rau màu: Diện tích trồng các loại rau màu trong tỉnh từ đầu năm đến nay đạt kế hoạch khá và đa số tăng hơn cùng thời kỳ năm trước, gồm: dưa hấu được 1.620 ha, đạt 95,29% KH và tăng 41,98%; khoai lang 1.391 ha, vượt 6,99% KH và bằng 92,3%; khoai mì 682 ha, đạt 97,45% KH và tăng 18,02%, rau các loại 7.485 ha, vượt 0,47% KH và  tăng 2,97%...

 Chăn nuôi: Đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện ổn định và phát triển, ngành Thú y tỉnh đã quản lý tốt dịch bệnh không để phát sinh ổ dịch nào, phần nào tạo cho người chăn nuôi yên tâm sản xuất, việc phát triển đàn có điều kiện thuận lợi hơn khi nhu cấu tiêu dùng ngày càng cao, giá thức ăn chăn nuôi ổn định và giá sản phẩm chăn nuôi giữ mức khá cao cụ thể: Heo hơi 48.000đ-51.000đ/kg (tăng 3.000đ/kg so với tháng trước); gà hơi 100.000- 110.000đ/kg; vịt hơi 40.000đ/kg, vịt làm sẵn 55.000đ/kg, thịt trâu, bò 200.000- 210.000đ/kg, trứng gà, vịt giá vẫn ổn định sau thời gian tăng giá..

b. Lâm nghiệp: Ngành Kiểm lâm vẫn tiếp tục tổ chức tuần tra, kiểm soát nhằm bảo vệ , ngăn chặn việc chặt phá rừng. Tuy nhiên thời gian qua vẫn còn xảy ra một số vụ vi phạm chủ yếu là phá rừng phòng hộ ven biền ở hai huyện An Biên và An Minh. Tính từ đầu năm diện tích rừng được chăm sóc 7,59 ngàn ha, bằng 98,19% so cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác 18,05 ngàn m3, tăng 1,97%; củi khai thác: 15,13 ngàn ste, tăng 3,68%; có 22 vụ chặt phá rừng, tăng 1 vụ; diện tích rừng bị phá 0,61 ha, giảm 0,2 ha so cùng kỳ.

c. Thủy sản

Giá trị sản xuất  thủy sản (giá so sánh 2010) tháng 8 ước tính 2.309,3 tỷ đống, so với tháng trước giảm 1,32%, bao gồm: giá trị khai thác 1.004,8 tỷ đồng, tăng 0,71% ; giá trị nuôi trồng 1.304,4 tỷ đồng, giảm 2,83%. Tính chung 8 tháng giá trị sản xuất khai thác và nuôi trồng là 13.996,2 tỷ đồng, đạt 68,34% kế hoạch năm và tăng 15,05% so cùng kỳ năm trước, giá trị khai thác 7.820,8 tỷ đồng, đạt 68,72% kế hoạch, tăng 6,2% và giá trị nuôi trồng 6.175,4 tỷ đồng, đạt 67,86% kế hoạch, tăng 28,61%.

Tổng sản lượng thủy sản (khai thác và nuôi trồng) trong tháng 8 ước tính đạt 62,3 ngàn tấn, tăng 2,02% so tháng trước, trong đó: cá tăng 6,25%, tôm giảm 8,06%...Tính chung 8 tháng được 422,8 ngàn tấn, đạt 68,99% kế hoạch năm, tăng 11,3% so cùng kỳ năm trước (tăng 42,9 ngàn tấn). Trong đó, sản lượng cá các loại tăng 11,21%; tôm tăng 11,39%; thủy sản khác tăng 14,84%...

Sản lượng khai thác tháng 8 ước tính đạt 39,6 ngàn tấn thủy hải sản các loại, tăng 1% so tháng trước và tăng 4,93% so cùng kỳ năm trước (tăng 1,8 ngàn tấn), trong đó: cá các loại đạt 27,2 ngàn tấn, tăng 0,96% so tháng trước; tôm các loại đạt 3,4 ngàn tấn, giảm 0,44%; mực gần 5,2 ngàn tấn, tăng 0,52%. Tính chung 8 tháng sản lượng khai thác được gần 310,3 ngàn tấn, đạt 69,73% kế hoạch và tăng 7,58% so cùng kỳ năm trước (tăng 21,8 ngàn tấn chủ yếu từ sản phẩm cá các loại), trong đó: sản lượng cá  là 212,5 ngàn tấn, tăng 11,44%; tôm 27,1 ngàn tấn, giảm 2,21%; mực 40,2 ngàn tấn, tăng 5,88%…

Do thời tiết biển trong tháng 8 ổn định , mặt khác, do ngư dân tập trung cải hoán phương tiện nâng cao công suất để vươn xa bờ nên sản lượng khai thác tăng hơn. Trong 8 tháng sản lượng thủy sản đều tăng, sản phẩm có giá trị như mực và tôm cũng tăng đáng kể, hải sản khác chỉ bằng 76,14%  so cùng kỳ năm trước (giảm 1.186 tấn). Tuy nhiên do sản lượng khai thác phần lớn là cá tạp (có giá trị thấp) chiếm tỷ trọng lớn trong khai thác, nên giá trị sản xuất chỉ tăng 6,2% so cùng kỳ.

Sản lượng nuôi trồng:  tháng 8 ước tính đạt 22,6 ngàn tấn, tăng 3,86% so tháng trước (tăng 842 tấn) và tăng 73,96% so cùng kỳ năm trước (tăng 9,6 ngàn tấn), bao gồm: cá nuôi 6,9 ngàn tấn, tăng 33,65% ; tôm các loại gần 6,3 ngàn tấn, giảm 11,75% (giảm 838 tấn), trong đó: tôm thẻ chân trắng đạt 1,7 ngàn tấn, tăng 62,02% so tháng trước (tăng 663 tấn); thủy sản khác  9,4 tấn, giảm 0,79% so tháng trước (sò giảm 758 tấn, cua tăng 480 tấn…). Tính chung 8 tháng sản lượng nuôi trồng 112,5 ngàn tấn, đạt 67,05% kế hoạch năm và tăng 23,02% so cùng kỳ năm trước (tăng gần 21,1 ngàn tấn). Bao gồm: cá các loại 38,4 ngàn tấn, đạt 67,74% kế hoạch và tăng 9,94% so cùng kỳ năm trước; tôm nuôi gần 32,7 ngàn tấn, đạt 62,88% kế hoạch và tăng 25,93% so cùng kỳ năm trước (tăng 6,7 ngàn tấn), (trong đó, tôm sú: gần 24,2 ngàn tấn, đạt 82,84% KH, tăng 5,1 ngàn tấn; tôm thẻ chân trắng: 8,1 ngàn tấn, đạt 35,68% kế hoạch và tăng 1,2 ngàn tấn); thủy sản khác: 41,4 ngàn tấn, đạt 70,05%  kế hoạch năm, tăng 35,49% so cùng kỳ năm trước (trong đó: sò các loại 26.906 tấn tăng 8,4 ngàn tấn so cùng kỳ, cua 6.365 tấn tăng gần 2,7 ngàn tấn). Sản lượng cá nuôi (nước lợ) tăng chủ yếu là do sản lượng tận thu trong vuông tôm và cá nước ngọt cũng thu hoạch tăng mạnh do bà con đề phòng lũ về bị thất thoát.

 Do cuối mùa vụ thu hoạch tôm lúa nên sản lượng  tôm nuôi tuy có giảm so tháng trước (bằng 88,25%), nhưng vẫn tăng mạnh so cùng kỳ, nguyên nhân năm nay diện tích tôm lúa thu hoạch đại trà  để cải tạo ruộng chuẩn bị cho xuống giống vụ mùa muộn hơn năm trước. Riêng sản lượng tôm thẻ trong tháng tăng cao từ hộ nhân dân và doanh nghiệp nuôi tôm thẻ trên địa bàn huyện Kiên Lương đang thu hoạch đồng loạt. Hiện giá tôm trên thị trường chưa ổn định, đang giảm làm ảnh hưởng phần nào đến thu nhập cũng như tâm lý đầu tư của người nuôi tôm.

 Nhìn chung trong 8 tháng qua các sản phẩm thủy sản nuôi trồng đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất vẫn là sản lượng tôm nuôi (tăng 25,93%), năm nay diện tích nuôi tăng hơn và ít dịch bệnh. Tính từ đầu năm diện tích thủy sản thả nuôi trên toàn tỉnh là 127.535 ha, tăng 9,2% so cùng kỳ, trong đó diện tích tôm nuôi 90.082ha, vượt 1,21% kế hoạch năm (tăng 1.082 ha) và tăng 2.317 ha so với cùng kỳ năm trước, diện tích nuôi tôm công nghiệp được 1.765 ha, bằng 73,54% kế hoạch, nhưng tăng  633 ha so cùng kỳ. Diện tích nuôi cua , sò cũng tăng chủ yếu là nuôi quảng canh có thể nuôi xen như nuôi cua xen tôm ở huyện An Minh, chi phí thấp đạt hiệu quả kinh kế cao. Bên cạnh đó sản phẩm ốc hương, cá lồng bè lại giảm, người dân bị rủi ro vì dịch bệnh, tại huyện Kiên Hải vào cuối  tháng 7 và đầu tháng 8 do ảnh hưởng của môi trường nước trong mùa mưa lũ và con giống nuôi đã làm chết trên 8.000 con cá (trong đó cá mú khoảng 6.000 con) đã thiệt hại lớn cho một số hộ nuôi trồng ven biển.

2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp: Trong tháng 8 chỉ số sản xuất duy nhất ngành chế biến sản phẩm thủy sản tăng cao trên 7%, trong khi chỉ số sản xuất toàn ngành ước tính chỉ tăng 3,79% so tháng trước; ngành khai thác đá tăng 4,64%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,82%, (trong đó: sản xuất xi măng tăng 1,6%, xay xát tăng 1,76%; chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản tăng 7,27%...); cung cấp nước, quản lý xử lý rác, nước thải tăng 2,29%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước điều hòa tăng 1,8%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tính chung 8 tháng, toàn ngành tăng 9,39% so cùng kỳ năm trước, gồm ngành khai thác đá tăng 13,35%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,36% (trong đó: chế biến, bảo quản, các sản phẩm từ thủy sản tăng 19,8%, sản xuất xi măng tăng 9,68%, xay xát chỉ tăng 3,37%); cung cấp nước, quản lý xử lý rác, nước thải tăng 8,75% và ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước điều hòa tăng 2,08%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) trong tháng 8 ước tính đạt 2.646,28 tỷ đồng, tăng 4,16% so tháng trước, bao gồm: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo  2.506,69 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 94,7%, tăng 4,25% so tháng trước; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt,nước nóng và hơi nước 87,99 tỷ đồng, tăng 1,8%; ngành khai khoáng đạt 40,16 tỷ đồng, tăng 4,43% và ngành cung cấp nước, quản lý xử lý rác, nước thải đạt 11,45 tỷ đồng, tăng 2,62%. Lũy kế 8 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp là 19.289,51 tỷ đồng, đạt 59,12% kế hoạch năm và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 18.316,59 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 94,95%, tăng 9,76%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và hơi nước 608,4 tỷ đồng, tăng 8,89%; ngành khai khoáng đạt 277,64 tỷ đồng, tăng 13,39% và ngành cung cấp nước, quản lý xử lý rác, nước thải đạt 86,88 tỷ đồng, tăng 13,19%.

          Trong tháng các mặt hàng thủy sản mức sản xuất tăng khá so với tháng trước gồm có: tôm đông tăng 20,69%; cá đông lạnh tăng 14,04%; mực đông tăng 7,43%. Mức sản xuất tăng thấp như: xi măng chỉ tăng 1,6%; xay xát gạo tăng 1,38%; nước mắm tăng 1,53%; nước đá tăng 1,47%...

          Tính chung 8 tháng, mức sản xuất tăng so cùng kỳ năm trước ở sản phẩm: mực đông tăng 46,52%; xi măng Trung ương tăng 53,39%; đá chẻ tăng 12,36%; Clinker tăng 10,46%;  bột cá tăng 9,74%; Cá hộp tăng 9,46%; nước máy tăng 8,75%...Mức sản xuất giảm trong 8 tháng gồm: tôm đông giảm 25,48%; cá đông giảm 36,69%; đường các loại giảm 39,18%; xi măng vốn đầu tư NN giảm 4,7%.

3. Đầu tư

Giá trị khối lượng thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong tháng 8 ước tính được 373,9 tỷ đồng, tăng 5,21% so tháng trước và tăng 8,61% so cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương 104,3 tỷ đồng, tăng 2,84% so tháng trước; vốn trung ương hỗ trợ đầu tư có mục tiêu 60,8 tỷ đồng, tăng 2,39%. Luỹ kế 8 tháng thực hiện 2.643,6 tỷ đồng, bằng 62,65% dự toán năm và tăng 5,75% so cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương 800,23 tỷ đồng, đạt 64,79% kế hoạch, tăng 1,54% so cùng kỳ; vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu 469,8 tỷ đồng, đạt 65,83% kế hoạch, tăng 1,55% so cùng kỳ năm trước...

Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý chủ yếu tập trung vào các công trình trọng điểm cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như công trình giao thông, công trình kênh, cống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng phục vụ cho y tế, giáo dục, văn hóa xã hội... Tuy nhiên việc triển khai thi công một số công trình còn chậm tiến độ như kênh, cống thủy lợi... Các ngành chức năng đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đạt hiệu quả, thiết thực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

4. Tài chính - Tín dụng

Tổng thu ngân sách trên địa bàn: Trong tháng 8 thu ngân sách ước tính đạt thấp hơn tháng trước và thấp hơn cùng kỳ năm trước. Tổng thu trong tháng ước được 285,6 tỷ đồng, bằng 65,45% so tháng trước và bằng 55,65% so cùng kỳ năm trước. Thu nội địa 172,69 tỷ đồng, bằng 42,62% so cùng kỳ, trong đó:  thu từ các doanh nghiệp Nhà nước 16,9 tỷ đồng, bằng 55,9%; thu thuế CTN ngoài nhà nước 73,97 tỷ đồng, bằng 96,95%; thu từ doanh nghiệp có vốn ĐT nước ngoài 6 tỷ đồng, bằng 18,91%, thu tiền sử dụng đất 25,61 tỷ đồng, bằng 11,92%...

Tính chung 8 tháng tổng thu ngân sách được 3.484,74 tỷ đồng, đạt 69,86% dự toán năm và tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước. Thu nội địa được 2.117,96 tỷ đồng, bằng 60,51% dự toán năm, trong đó thu từ các doanh nghiệp Nhà nước 322,83 tỷ đồng, bằng 76,86%; thuế thu nhập cá nhân 200,55 tỷ đồng, bằng 74,28%; thuế bảo vệ môi trường 128,85 tỷ đồng, bằng 74,48%; thu thuế công thương nghiệp ngoài Nhà nước 640,37 tỷ đồng, bằng 50,46%; thu từ doanh nghiệp có vốn ĐT nước ngoài 134,11 tỷ đồng, bằng 59,6%; thu tiền sử dụng đất 420,04 tỷ đồng, bằng 52,5% dự toán năm…

Tổng chi ngân sách địa phương: Tháng 8 chi ngân sách ước tính 759,82 tỷ đồng, giảm 3,6% so tháng trước và tăng 23,31% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng tổng chi 5.765,57 tỷ đồng, bằng 64,33% dự toán và tăng 13,77% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên 3.644,42 tỷ đồng, bằng 69,92% dự toán năm và tăng 7,86% so cùng kỳ; chi đầu tư phát triển 1.037,6 tỷ đồng, bằng 51,9% dự toán và tăng 30,98% so cùng kỳ năm trước.

Hoạt động ngân hàng: Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đã thực hiện cho vay với mức lãi suất hợp lý, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân. Tổng nguồn vốn trên địa bàn đạt 40.990 tỷ đồng, tăng 6,33% so đầu năm, trong đó: vốn huy động tại địa phương ước đạt 21.750 tỷ đồng, tăng 9,04% so đầu năm, chiếm 53,06% tổng nguồn vốn hoạt động. Doanh số cho vay trong tháng 8 ước đạt 5.554 tỷ đồng, tăng 5,68% so tháng trước. Dư nợ cho vay ước đạt 31.680 tỷ đồng, tăng 0,35% so với tháng trước, tăng 10,71% so cùng kỳ và tăng 4,08% so đầu năm, trong đó: Khu vực I chiếm 28,60%, số dư 8.935 tỷ đồng; Khu vực II chiếm 21,97%, số dư  6.862 tỷ đồng; Khu vực III chiếm 49,43%, số dư 15.443 tỷ đồng. Trong dư nợ cho vay cho vay sản xuất kinh doanh chiếm  81,68%. Dư nợ xấu ước 937 tỷ đồng, chiếm 2,96% trong tổng dư nợ.

5. Thương mại, giá cả và dịch vụ

a. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ:

Tháng 8 hoạt động thương mại dịch vụ trên thị trường trong tỉnh vẫn ổn định và diễn biến theo xu hướng tăng nhẹ so tháng trước. Qua kết quả điều tra hoạt động bán buôn, bán lẻ của các cơ sở kinh doanh thương nghiệp trong tỉnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng 8 ước tính được: 3.457,79 tỷ đồng, tăng 2,12% so tháng trước và tăng 8,33% so cùng kỳ. Hầu hết các nhóm hàng đều có doanh thu tăng so tháng trước, trong đó: nhóm lương thực, thực phẩm doanh thu chiếm tỷ trọng  36,19%, tăng 2,01%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình chiếm tỷ trọng 20,27%, tăng 1,26%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng 15,26%, tăng 3,16%; doanh thu xăng dầu các loại chiếm tỷ trọng 14,03%, tăng 2,65%. Hai nhóm hàng có doanh thu giảm là nhóm ô tô các loại chiếm tỷ trọng thấp 0,18%, giảm 5,92% và phương tiện đi lại chiếm tỷ trọng 4,07%, giảm 0,25%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 8 tháng được 41.446,7 tỷ đồng, đạt 75,04% kế hoạch năm. Trong đó: bán lẻ được 32.290 tỷ đồng, đạt 69,88% kế hoạch năm, tăng 13,43% so cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ tăng khoảng 8,8%). Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa, kinh tế Nhà nước đạt 585,42 tỷ đồng, kinh tế tập thể đạt 32,53 tỷ đồng, kinh tế cá thể đạt 17.708,47 tỷ đồng và kinh tế tư nhân đạt 13.902,57 tỷ đồng.

b. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành:

Tổng doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành dự kiến trong tháng 8 được 721,8 tỷ đồng giảm 4,65%  so tháng trước. Bao gổm: doanh thu dịch vụ lưu trú: 39,25 tỷ đồng, giảm 2,12%; doanh thu dịch vụ ăn uống: 679,09 tỷ đồng, giảm 4,79%; doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch: 3,46 tỷ đồng, giảm 4,42%.

Trong tháng 8 do thời tiết không thuận lợi, không có dịp nghỉ Lễ, cũng là mùa tựu trường nên hoạt động lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành doanh thu giảm đáng kể.

Tính chung 8 tháng tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 6.588,57 tỷ đồng, gồm doanh thu dịch vụ lưu trú: 351,93 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ ăn uống: 6.203,48 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch: 33,15 tỷ đồng.

Công tác quản lý thị trường được ngành Công thương quan tâm chỉ đạo và hoạt động thường xuyên. Trong tháng Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra 200 vụ việc, qua đó phát hiện 62 vụ vi phạm, gồm 41 vụ buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; 5 vụ vi phạm hàng giả hàng kém chất lượng và 16 vụ vi phạm khác trong kinh doanh. Đã xử lý và thu phạt hành chính và bán hàng tịch thu nộp nộp Ngân sách Nhà nước 1,035 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng kiểm tra 1.286 vụ việc, phát hiện 315 vụ vi phạm, xử lý và thu phạt 2,81 tỷ đồng nộp Ngân sách Nhà nước.

c. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong tháng 8 dự kiến đạt 51,19 triệu USD, tăng 20,37% so với tháng trước và tăng 29,69% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: hàng nông sản 35,98 triệu USD, tăng 26,12% so tháng trước; hàng thủy sản 14,01 triệu USD, tăng 8,83% so tháng trước và hàng hóa khác 1,19 triệu USD, tăng 6,78% so tháng trước.

Tính chung 8 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 287,88 triệu USD, bằng 42,97% kế hoạch năm và giảm 25,15% (giảm 96,7 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu từ mặt hàng gạo, xuất đạt 184,01 triệu USD, bằng 41,82% kế hoạch và giảm 33,64% (giảm 93,2 triệu USD); hàng thủy sản đạt 95,91 triệu USD, bằng 54,81% kế hoạch năm và tăng 3,66% (tăng 3,4 triệu USD); hàng hóa khác đạt 7,96 triệu USD, bằng 14,48% kế hoạch năm và giảm 46,18% (giảm 6,83 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Những mặt hàng nông, thủy sản dự kiến xuất trong tháng: gạo 83,53 ngàn tấn, tăng 30,35% so tháng trước; tôm đông 350 tấn, tăng 7,69%; mực đông và tuộc đông 1.230 tấn, tăng 8,85%; cá đông tăng 9,38%; thủy sản đông khác tăng 8,57%; cá đóng hộp tăng 5,78%... Trong 8 tháng, lượng gạo xuất được: 425,32 ngàn tấn, giảm 37,86% (giảm 259 ngàn tấn) so cùng kỳ năm trước; tôm đông: 2,53 ngàn tấn, giảm 5,34% (giảm 143 tấn); thủy sản đông khác: 5,4 ngàn tấn, giảm 2,79%; mực đông và tuộc đông: 7,81 ngàn tấn, tăng 22,68%; cá đông: 2,21 ngàn tấn, tăng 52,51%; cá cơm sấy 347 tấn,tăng 48,29%..

Các công ty kinh doanh xuất khẩu gạo của tỉnh dự kiến xuất trong tháng 8 như sau: Cty Thương mại - Du lịch dự kiến xuất 24.049 tấn, trị giá 10 triệu USD; Cty kinh doanh nông sản xuất  8.179 tấn, với trị giá 3,2 triệu USD; Cty thương mại- dịch vụ xuất 3.208 tấn , với trị giá 1,2 triệu USD; Cty CP Nông Lâm sản xuất 8.244 tấn, với trị giá 3,4 triệu USD; Cty xuất nhập khẩu Kiên Giang dự kiến xuất 38.200 tấn với trị giá 17 triệu USD...

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản dự kiến trong tháng có tăng hơn tháng trước, tuy nhiên tính chung 8 tháng thì tổng kim ngạch xuất khẩu đạt còn thấp, trong đó mặt hàng chủ lực như gạo và tôm đông xuất chưa đạt kế hoạch năm và thấp nhiều so cùng kỳ năm trước. Do đó trong năm nay tình hình kinh tế còn khó khăn, các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn chưa tìm được đầu ra mạnh mẻ trên thị trường xuất khẩu. 

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 8 ước tính 1,85 triệu USD, tăng 6,94% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng trị giá nhập được 15,49 triệu USD, bằng 38,73% kế hoạch năm và giảm 29,94% so cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu sản xuất như: thạch cao trong tháng dự kiến nhập 9,5 ngàn tấn, tăng 3,83% so tháng trước; giấy krapt 25 tấn; hạt nhựa 420 tấn, tăng 10 lần. Tổng lượng nhập trong 8 tháng gồm: thạch cao được 84,45 ngàn tấn, tăng 72,7% so cùng kỳ năm trước; hạt nhựa 1.626 tấn, tăng 12,76%; giấy krapt 275 tấn, chỉ bằng 17,99% cùng kỳ.

d. Chỉ số giá

          Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tiếp tục tăng nhẹ (+0,39%) so với tháng trước. Nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 do: giá lúa tăng dẫn đến gạo tăng 300-400đ/kg; giá gas giảm 4.000-5.000đ/bình; giá xăng dầu giảm 2 lần giảm 850đ/lít; một số rau quả lượng cung dồi dào nên giảm giá; giá thịt heo tăng 1,28%; giá thịt gia cầm tăng 1,85%... So với tháng trước chỉ có một nhóm hàng lương thực và nhóm hàng thực phẩm có chỉ số giá tiêu dùng là tăng cao nhất + 0,86%; các nhóm còn lại tương đối ổn định tăng dưới mức tăng chung;  có 3 nhóm giảm nhẹ là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,18%; nhóm giao thông giảm 0,08%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%. So với tháng 12/2013 (sau 8 tháng) chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,08% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,57%, trong đó tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,96% (hàng thực phẩm tăng 7,48%, lương thực tăng 5,65%)

Chỉ số giá vàng tháng 8 (tính đến 15/8/2014) so tháng trước giảm 0,5% (giảm 17.000đ/chỉ), bình quân giá bán trong tháng là 3.350.000đ/chỉ. Chỉ số giá vàng tháng 8 so với tháng 12/2013 tăng 3,65% và so với cùng kỳ (sau 1 năm) giảm 2,14%.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 8 giảm 0,21% so với tháng trước. Đến thời điểm điều tra ngày 15/8/2014 tại Ngân hàng Ngoại Thương bán ra là 21.230đ/USD, thị trường tự do bán 21.250đ/USD. Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 8 so với tháng 12/2013 (sau 8 tháng) tăng 0,27% và so với tháng 8/2013 (sau 12 tháng) giảm 0,26%.

đ. Vận tải hành khách và hàng hóa

Hoạt động vận tải trong tháng có thuận lợi, do chi phí giá xăng, dầu Nhà nước điều chỉnh giảm, hoạt động kinh doanh vận tải có hiệu quả. Thời gian qua các doanh nghiệp vận tải tiếp tục đầu tư mạnh các phương tiện hoạt động trên các loại đường, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại và lưu chuyển hàng hóa của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Vận tải hành khách: Tháng 8 ước tính 4,73 triệu lượt khách, tăng 1,78% so tháng trước và tăng 7,71% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 242,75 triệu HK.km, tăng 2,14% so tháng trước và tăng 8,24% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng vận tải hành khách được 39,26 triệu lượt khách, đạt 68,25% kế hoạch và tăng 9,77% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 2.301,1 triệu HK.km, đạt 73,01% kế hoạch và tăng 15,15% so cùng kỳ. Bao gồm: Vận tải hành khách đường bộ 31,54 triệu lượt khách, tăng 9,94% so cùng kỳ và luân chuyển 1.818,44 triệu lượt khách.km, tăng 14,08%; Vận tải hành khách đường sông 6,56 triệu lượt khách, tăng 9,7% và luân chuyển 365,9 triệu lượt khách.km, tăng 21,99%; Vận tải hành khách đường biển 1,14 triệu lượt khách, tăng 5,63% và luân chuyển 116,81 triệu lượt khách.km, tăng 11,85% so cùng kỳ năm trước.

            Vận tải hàng hóa: Trong tháng 8 ước tính được 748 ngàn tấn, tăng 2,33% so tháng trước và tăng 12,82% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 102,36 triệu tấn.km, tăng 2,46% so tháng trước và tăng 13,84% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng vận tải hàng hóa được 5,84 triệu tấn, đạt 69,27% kế hoạch và tăng 6,59% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 784,87 triệu tấn.km, đạt 68,23% kế hoạch và tăng 6,24% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vận tải hàng hóa đường bộ được 1,79 triệu tấn, tăng 8,03% so cùng kỳ và luân chuyển 247,95 triệu tấn.km, tăng 7,8%; Vận tải hàng hóa đường sông 2,39 triệu tấn, tăng 6,87% và luân chuyển 299,13 triệu tấn.km, tăng 6,45%; Vận tải hàng hóa đường biển 1,65 triệu tấn, tăng 4,69% và luân chuyển 237,78 triệu tấn.km, tăng 4,41% so cùng kỳ năm trước.

e. Du lịch

Tổng lượt khách du lịch trong tháng 8 ước tính đạt 280,76 ngàn lượt khách, giảm  16,18% so tháng trước, trong đó: khách đến các khu vui chơi, điểm du lịch 150,24 ngàn lượt và khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 130,52 ngàn lượt khách. Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch giảm 19,9% so tháng trước và tăng 26,97% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: khách đến các cơ sở lưu trú du lịch phục vụ ước tính 116,77 ngàn lượt khách, giảm 20,89% so tháng trước và khách du lịch theo tour đạt được 13,74 ngàn lượt khách, giảm 10,27% so tháng trước.

Tính chung 8 tháng, tổng lượt khách đến tỉnh được 2,78 triệu lượt khách, đạt 67,04% kế hoạch năm và tăng 5,84% so cùng kỳ năm trước. Số khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch 1,13 triệu lượt khách, đạt 87,03% kế hoạch, tăng 36,27% so cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt 126,08 ngàn lượt khách, đạt 68,15% kế hoạch, trong số lượt khách đến cơ sở kinh doanh du lịch thì số khách đến cơ sở lưu trú du lịch phục vụ gần 1,04 triệu lượt khách, đạt 89,25% KH và tăng 37,25% và khách du lịch theo tour 91,6 ngàn lượt khách, đạt 67,85% KH và tăng 26,03% so cùng kỳ năm trước.

Trong tháng số khách du lịch đến tỉnh giảm nhiều, ngoài nguyên nhân thời tiết không thuận lợi, không có dịp nghỉ lễ, còn là tháng học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới..Tuy nhiên 8 tháng qua số khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch đạt khá cao và hứa hẹn số khách du lịch đến Phú Quốc, Kiên Giang trong năm còn tăng cao hơn nữa, nhất là tỉnh được Trung ương đầu tư nhiều công trình dự án lớn tác động tích cực đến hoạt động du lịch như: Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc, điện lưới quốc gia huyện đảo Phú Quốc, đường giao thông chính nối liền các xã đảo..., Cty Vinpearl Bãi Dài đưa vào hoạt động trong dịp lễ 2/9 năm nay cũng để kịp phục vụ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2014.

6. Một số vấn đề xã hội

a. Công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề: Trong tháng 8, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 3.221 lượt người, gồm: lao động trong tỉnh 1.426 người, ngoài tỉnh 1.795 người. Nâng tổng số lao động được giải quyết việc làm từ đầu năm đến nay lên 23.452 lượt người, đạt 71,06% kế hoạch, gồm: trong tỉnh 10.878 lượt người, ngoài tỉnh 12.525 lượt người và xuất khẩu lao động 49 người. Ra quyết định trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 515 người, tính từ đầu năm đến nay được 3.331 người. Các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo nghề cho 2.125 người, gồm:  sơ cấp nghề 463  người và dạy nghề dưới 3 tháng 1.662 người. Nâng số đào tạo từ đầu năm đến nay lên 16.314 người, đạt 65,25% kế hoạch. Trong đó: trung cấp nghề 127 người, sơ cấp nghề 5.485 người, dạy nghề dưới 3 tháng 10.702 người.

b. Hoạt động văn hóa, thể thao: Trong tháng 8 Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tập trung tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị; phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9); phối hợp với các đơn vị, địa phương hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức các sự kiện, lễ hội từ nay đến cuối năm 2014 trình Ban Chỉ đạo các sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang năm 2011-2015; chuẩn bị tổ chức Lễ hội kỷ niệm 146 năm ngày hy sinh của AHDT Nguyễn Trung Trực (1868 - 2014), Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ VIII năm 2014 và Hội diễn Văn nghệ quần chúng và Duyên dáng tỉnh Kiên Giang năm 2014.

Chuẩn bị tổ chức hội nghị tổng kết Đại hội Thể dục Thể thao các cấp tỉnh Kiên Giang lần thứ VII năm 2013 - 2014. Phối hợp với Hội Người cao tuổi tỉnh chuẩn bị kế hoạch và phát hành điều lệ Hội thi Văn nghệ - Thể thao Người cao tuổi tỉnh Kiên Giang lần thứ XV năm 2014. Hỗ trợ Công an tỉnh Kiên Giang kiểm tra rèn luyện thể lực năm 2014 và tổ chức Hội thao kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Công an Nhân dân (19/8), 69 năm Cách mạng Tháng 8 (19/8) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9). Hồ bơi An Hòa và cụm sân quần vợt phục vụ 2.378 lượt người tham gia tập luyện và thi đấu. Các huyện, thị, thành phố đã tổ chức hơn 29 giải thể thao chào mừng kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng Tám (19/8) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9), gồm: cờ tướng, đua ghe ngo, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, kéo co, đẩy gậy, việt dã… Thể thao thành tích cao: Các đội tuyển tỉnh tiếp tục tập luyện thường xuyên; đội tuyển điền kinh tham dự giải vô địch điền kinh trẻ toàn quốc năm 2014 tại Thành phố Hà Nội; phối hợp tổ chức chặng 3,4,5 giải đua xe đạp Đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ XXIII năm 2014 tranh cúp Bảo vệ thực vật An Giang.

c. Tình hình Y tế: Sở Y tế đã tập trung chỉ đạo thực hiện giám sát chặt chẽ diễn biến về tình hình dịch, phát hiện và xử lý kịp thời, hiệu quả các các ổ dịch, không để lây lan và bùng phát thành dịch lớn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Bệnh sốt xuất huyết: Trong tháng (tính từ ngày 01/7/2014 đến 31/7/2014) toàn tỉnh có 15 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 30 ca so với tháng trước. Trong đó SXHD có dấu hiệu cảnh báo 12 ca, sốt xuất huyết nặng 03 ca, bệnh xảy ra tại 04 huyện (Châu thành 05 ca, Rạch Giá 03 ca, Hòn Đất 03 ca và huyện An Biên 02 ca). Các địa phương có số ca mắc cao trong tháng trước đã tổ chức phòng chống tích cực nên tháng 08/2014 số ca mắc đã giảm. Toàn tỉnh chưa có trường hợp nào tử vong. Tổng số ca mắc sốt xuất huyết 8 tháng đầu năm nay là 291 ca, giảm 361 ca so cùng kỳ năm 2013 (giảm 52%).

 Bệnh tay chân miệng:Trong tháng mắc 229ca, tăng 50 ca so với tháng trước và tăng 145 ca so với cùng kỳ năm trước. Số mắc tập trung nhiều ở Giồng Riềng (46 ca), TP. Rạch Giá (35 ca), Hòn Đất (50 ca), các địa phương khác có số ca mắc rải rác. 

Các bệnh truyền nhiễm có số ca mắc tăng, giảm so với tháng trước như sau: Bệnh tiêu chảy thường là 588 ca, tăng 32 ca (giảm 245 ca so với cùng kỳ năm 2013); Bệnh Thương hàn và Phó Thương hàn là 04 ca, tương đương tháng trước (tăng 02 ca so với cùng kỳ 2013); Bệnh Lỵ trực trùng là 41 ca, tăng 07 ca (giảm 04 ca so với cùng kỳ năm 2013); Bệnh Lỵ Amip là 20 ca, tăng 01 ca (giảm 07 ca so cùng kỳ năm 2013); Bệnh Thủy đậu là 13 ca, giảm 07 ca (tăng 08 ca so với cùng kỳ năm 2013); Bệnh Quai bị là 08 ca, giảm 05 ca (tăng 06 ca so với cùng kỳ năm 2013); Bệnh Cúm thường 393 ca, tăng 80 ca (giảm 29 ca so với cùng kỳ năm 2013); Bệnh Đau mắt đỏ (Bệnh do Adenovirus) mắc trong tháng là 03 ca, giảm 06 ca; bệnh sởi mắc 01 ca, giảm 26 ca (tăng 01 ca so với cùng kỳ 2013). Tính từ đầu năm đến nay các bệnh truyền nhiễm có số ca mắc tăng, giảm so với 8 tháng năm 2013 như sau: Bệnh tiêu chảy thường tổng số mắc 4.305 ca, giảm 2.741 ca (giảm 39%); Bệnh Thương hàn và Phó Thương hàn 45 ca, tăng 10 ca (tăng 28%);  Bệnh Lỵ trực trùng 197 ca, giảm 151 ca (giảm 43,4%); Bệnh Lỵ Amip 145 ca, giảm 78 ca (giảm 35%); Bệnh Thủy đậu 301 ca, tăng 202 ca (tăng 68%); Bệnh Quai bị 80 ca, giảm 02 ca (giảm 2,5%); Bệnh Cúm thường 2.527 ca, giảm 506 ca (giảm 17%); Bệnh đau mắt đỏ mắc 168 ca, tăng 168 ca (tăng 100%).

Phòng chống HIV/AIDS: Thực hiện được 5.039 ca xét nghiệm máu, đạt 33,59% kế hoạch năm kết quả có 19 ca nhiễm HIV dương tính, chuyển sang AIDS 08 ca, tử vong 03 ca. Nâng tổng số ca xét nghiệm máu 8 tháng đầu năm là 30.069 ca, đạt 200,46 % kế hoạch năm, số ca nhiễm HIV là 167 ca;  số ca chuyển sang AIDS là 82 ca, tử vong 30 ca.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Trong tháng Sở Y tế đã tiến hành lấy 195 mẫu xét nghiệm,  trong đó có 68 mẫu đạt, 10 mẫu không đạt, 117 mẫu chưa có kết quả, nâng tổng số mẫu làm xét nghiệm test nhanh 8 tháng đầu năm là 1.679 mẫu. Khám sức khỏe cho người tiếp xúc với thực phẩm là 950 người, nâng tổng số khám sức khỏe cho người trực tiếp tiếp xúc thực phẩm là 8.689 người. Trong tháng toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm nào

d. Tình hình an toàn giao thông: Theo Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong tháng  (tính từ ngày 16/7/2014 - 15/8/2014) toàn tỉnh đã xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông đường bộ (tính cả vụ va chạm), làm chết 10 người, bị thương 24 người. So với tháng trước tăng 5 vụ, tăng 4 người chết và tăng 4 người bị thương. So với cùng tháng năm trước giảm 16 vụ, giảm 1 người chết và giảm 21 người bị thương. Tính từ đầu năm, đã xảy ra 291 vụ TNGT, làm chết 90 người chết và 303 người bị thương, so với cùng kỳ năm trước giảm 40 vụ, tăng 25 người chết và giảm 97 người bị thương.

e. Tình hình cháy, nổ: Trong tháng tính từ ngày 16/7 đến 15/8  toàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy, 01 vụ ở huyện Kiên Lương và 01 ở Thành phố Rạch Giá, ước tính thiệt hại do cháy gây ra 57 triệu đồng. Nguyên nhân do chập điện 01 vụ cháy và 01 vụ đang điều tra. Không có vụ nổ nào xảy ra, không có thương vong về người. So với cùng kỳ tháng trước số vụ cháy tăng 01 vụ, thiệt hại tài sản tăng lên 15 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 33 vụ cháy, thiệt hại ước tính  6,774 tỷ đồng.

f. Tình hình thiên tai: Trong tháng tính từ ngày 16/7 đến 15/8 do ảnh hưởng của áp thấp, gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn kèm theo gió lốc đã làm sập hoàn toàn 20 căn nhà và tốc mái 29 căn ở các huyện như: Châu Thành (sập 08 căn nhà, tốc mái 08 căn); Hòn Đất (sập 02 căn, tốc mái: 01 căn); An Minh (sập 04 căn, tốc mái 04 căn), huyện Tân Hiệp (sập 01 căn, tốc mái 13 căn),  Giồng Riềng (sập 02 căn), Thị xã Hà Tiên (sập 02 căn, tốc mái 02 căn), ước tổng thiệt hại 415 triệu đồng. Ngoài ra trên địa bàn huyện An Biên còn xảy ra vụ sét đánh làm 01 người chết. UBND huyện Hòn Đất, An Minh, Tân Hiệp hỗ trợ các hộ gia đình bị sập nhà hoàn toàn mỗi hộ 03 triệu đồng và các hộ bị tốc mái hỗ trợ mỗi hộ gia đình 01 triệu đồng để khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống ./.

Tải về:  - Số liệu tình hình kinh tế - xã hội ước tính tháng 8 và 8 tháng năm 2014

              - Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 năm 2014

Số lần đọc: 1963
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan