25.04.2015
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản a. Nông nghiệp: Sản xuất nông nghiệp trong tháng 4 tập trung vào thu hoạch dứt điểm lúa, hoa màu vụ Đông xuân, tiếp tục gieo trồng lúa vụ Xuân hè, Hè thu và rau màu. * Vụ Đông xuân: Diện tích gieo sạ trên toàn tỉnh được 307.344 ha, vượt 0,77% kế hoạch năm (tăng 2.344 ha) và tăng 0,48% (tăng 1.486 ha) so với vụ đông xuân năm 2014. Tính đến trung tuần tháng 4 toàn tỉnh đã thu hoạch xong vụ Đông xuân với diện tích 307.344 ha, năng suất ước đạt 71 tạ/ha (thấp hơn năm trước) với sản lượng ước tính đạt trên 2.182 ngàn tấn. Một số huyện năng suất ước tính đạt khá cao như: Giồng Riềng 80tạ/ha; Tân Hiệp 79,42tạ/ha; Hòn Đất: 74 tạ/ha. Hiện giá lúa có tăng hơn tháng trước, lúa thường khô dao động từ 5.300đ đến 5.400đ/kg, tăng 200đ/kg. * Vụ Xuân hè: Mặc dù ngành chức năng khuyến cáo nông dân không nên sản xuất vụ Xuân hè để chuẩn bị cho việc cày ải, phơi đất tránh lây lan mầm bệnh, nhưng có hai huyện Giang Thành và Gò Quao nông dân vẫn tiếp tục gieo sạ với diện tích 9.837ha, tăng hơn cùng kỳ năm trước 404 ha. * Vụ Hè thu: Diện tích gieo sạ đến nay được 89.637ha, tăng 20.501ha (tăng 29,67%) so cùng kỳ năm trước. Tiến độ gieo sạ vụ Hè thu năm nay có sớm hơn, do một số huyện thu hoạch xong lúa đông xuân sớm đã tranh thủ gieo sạ lúa hè thu. Huyện Giồng Riềng và Tân Hiệp là hai huyện gieo sạ được nhiều nhất với 41.000ha và 31.200ha. Tình hình nhiễm sâu bệnh trên lúa hè thu năm nay tăng cao so cùng kỳ năm trước, với diện tích 2.641 ha đã nhiễm bệnh, tăng 7,5 lần, chủ yếu là bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm là 2.291 ha xuất hiện ở huyện Giồng Riềng và Giang Thành, vì vậy các ngành chức năng cần hướng dẫn bà con nông dân thăm đồng thường xuyên để phòng trừ sâu bệnh kịp thời. * Cây màu: Nông dân tranh thủ lúc nông nhàn gieo trồng thêm một số loại hoa màu để cải thiện đời sống. Tính từ đầu năm trên toàn tỉnh đã trồng được 219 ha ngô (bắp), tăng 4,5 lần so cùng kỳ năm trước; mía: 5.331ha, tăng 4%; dưa hấu trồng được 947ha, tăng 17,64% so cùng kỳ; khoai lang 711ha, tăng 19,1%; rau đậu các loại 3.344 ha, giảm 20,38% so cùng kỳ năm trước... * Chăn nuôi: Đàn gia súc gia cầm trong tỉnh không có biến động lớn, số lượng đàn trâu, bò có chiều hướng giảm một ít do tâm lý người chăn nuôi sợ dịch bệnh bùng phát; đàn heo tương đối ổn định, xu hướng tái đàn chậm do chăn nuôi còn bấp bênh, hiệu quả chưa cao nên người chưa thực sự chú trọng đầu tư mở rộng qui mô chăn nuôi; riêng đàn gia cầm giá đang ổn định ở mức khá cao, chăn nuôi tương đối có hiệu quả nên qui mô đàn đang có xu hướng tăng lên. Trong tháng tình hình dịch bệnh được kiểm soát nên chưa phát hiện thêm ổ dịch mới. Hiện nay thời tiết mưa nắng bất thường dễ phát sinh dịch bệnh, để phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho nông dân đảm bảo vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và tiêm phòng đầy đủ. b. Lâm nghiệp: Thời tiết hiện đang nắng nóng, khô hạn kéo dài kết hợp gió to, mặc dù các ngành chức năng có cảnh báo và lên kế hoạch phòng chống cháy rừng, nhưng vào đầu tháng 4 xảy ra một vụ cháy tại khu vực rừng phòng hộ thuộc xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, giáp ranh với Vườn quốc gia U Minh Thượng, mức độ thiệt hại ước khoảng hơn 45ha, nguyên nhân do người dân bất cẩn khi vào rừng đốt ong lấy mật. Tính chung từ đầu năm đến nay, trên toàn tỉnh xảy ra 16 vụ cháy rừng với diện tích trên 107 ha (Phú Quốc: 11 vụ, cháy trên 20 ha; Hòn Đất 1 vụ, cháy 35,6 ha; U Minh Thượng 1 vụ, cháy 45 ha và Giang Thành 1 vụ, cháy 6,5 ha). c. Thủy sản Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá so sánh 2010): Tháng 4 ước 1.370,3 tỷ đồng, tăng 0,84% so với tháng trước và giảm 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Giá trị khai thác 1.036,3 tỷ đồng, tăng 5,69% so tháng trước và tăng 3,49% so cùng kỳ và giá trị nuôi trồng 333,9 tỷ đồng, giảm 11,72 % so tháng trước và giảm 15,8% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng giá trị sản xuất cả khai thác và nuôi trồng được 5.512,1 tỷ đồng, đạt 24,63% kế hoạch năm và tăng 3,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: khai thác 3.948,3 tỷ đồng, đạt 32,52% và tăng 3,92% so cùng kỳ; nuôi trồng 1.563,7 tỷ đồng, đạt 15,27% KH, tăng 2,12% so cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy sản ( khai thác và nuôi trồng) tháng 4 ước tính đạt 49.373 tấn, tăng 1,07 % so tháng trước và tăng 1,25% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đạt 196.191 tấn, bằng 30,32% kế hoạch năm và tăng 2,47% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác: Tháng 4 ước tính đạt 40.610 tấn thủy hải sản các loại, tăng 6,59% (tăng 2.510 tấn) so tháng trước. Trong đó: cá các loại được 27.672 tấn, tăng 6,74% (tăng 1.747 tấn); tôm: 3.605 tấn, tăng 12,62% (tăng 404 tấn); mực: 5.329 tấn, tăng 3,28%... Tính chung 4 tháng sản lượng khai thác đạt 154.880 tấn, bằng 33,52% kế hoạch năm và tăng 2,01% so cùng kỳ năm trước (tăng 3.056 tấn), trong đó: cá các loại được 105.831 tấn, tăng 2,15% (tăng 2.232 tấn); tôm: 12.947 tấn, giảm 1,45% (giảm 191 tấn); mực: 20.059 tấn, tăng 2,61% (tăng 511 tấn)... Sản lượng khai thác 4 tháng đầu năm tăng trưởng ổn định một mặt do thời tiết thuận lợi, mặt khác chi phí chuyến biển và giá cả sản phẩm khai thác cũng khá ổn định nên ngư dân yên tâm bám biển dài ngày.Tuy nhiên sản phẩm tôm giảm do ngư trường thay đổi, nhất là ngư trường gần bờ đang bị ngọt hóa ngày càng nhiều nên các phương tiện hướng đến ngư trường khai thác xa bờ. Sản lượng nuôi trồng: Tháng 4 ước đạt 8.763 tấn thủy sản các loại, giảm 18,47% so tháng trước (giảm 1.985 tấn) và giảm 9,48% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá các loại 2788 tấn, giảm 30,65%; tôm thẻ chân trắng 552 tấn, giảm 15,98%; riêng tôm sú được 559 tấn, tăng 9,61% (tăng 49 tấn); thủy sản khác như sò các loại 4.292 tấn, giảm 293 tấn; hến: 320 tấn, giảm 390 tấn... Tính chung 4 tháng sản lượng nuôi trồng được 41.311 tấn, đạt 22,32% kế hoạch, tăng 4,23% (tăng 1.676 tấn) so cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá nuôi các loại 16.567 tấn, giảm 7,2% (giảm 1.286 tấn); tôm các loại 5.438 tấn, giảm 10,59% (giảm 644 tấn), trong đó: tôm thẻ chân trắng 2.684 tấn, tăng 0,6%; riêng thủy sản khác như: sò nuôi được 16.071 tấn, tăng 4.059 tấn; cua: 1.025 tấn, tăng 143 tấn ... Sản lượng cá, tôm nuôi giảm mạnh do năm nay thời tiết khô hạn, nắng nóng làm thu hẹp diện tích nuôi cá, sản phẩm thu hoạch đạt thấp, riêng lượng sò tăng mạnh ở những tháng đầu năm vào mùa thu hoạch. Tính từ đầu vụ diện tích tôm thả nuôi được 92.452 ha, vượt 2,72% kế hoạch năm, tăng hơn 6,32% so cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích tôm công nghiệp thả nuôi được 869 ha, huyện Kiên Lương có diện tích nuôi nhiều nhất 546 ha. Do những đợt nắng nóng dài ngày đã ảnh hưởng đến phát triển của tôm nuôi, tôm chậm lớn và xuất hiện tôm chết cục bộ ở một số huyện. Tính đến nay đã có 141 ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại, nhiều nhất ở huyện An Minh khoảng 100ha. 2. Công nghiệp: Tình hình sản xuất công nghiệp trong tỉnh khá ổn định, có phần thuận lợi hơn trước giá xăng dầu giảm, lưới điện quốc gia nối từ đất liền ra hai huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải, giúp cho các doanh nghiệp giảm được chi phí giá thành đầu vào cho sản phẩm. Chỉ số sản xuất công nghiệp: Trong tháng 4, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 11,93% so tháng trước và tăng 22,57% so cùng kỳ năm trước. Ngành tăng cao nhất là chế biến, chế tạo tăng 12,55%, trong đó: ngành chế biến, bảo quản thủy sản tăng 19,37%, ngành sản xuất xi măng tăng 15,75; kế đó là ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 7,48%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 7,31% và ngành khai khoáng tăng 2,29%. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 11,63% so cùng kỳ năm trước, ngành tăng cao là chế biến, chế tạo tăng 11,99%, trong đó: ngành sản xuất xi măng tăng 15,38%, xay xát tăng 12,94%; ngành chế biến, bảo quản thủy sản tăng 5,95%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 10,79%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 6,64% và ngành khai khoáng tăng 6,39%. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): Tháng 4, ước tính giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.702,8 tỷ đồng, tăng 11,34% so tháng trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2.578,7 tỷ đồng, tăng 11,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 77,9 tỷ đồng, tăng 9,14%; ngành khai khoáng đạt 34,7 tỷ đồng, tăng 4,4%. Tính chung 4 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành được 10.040,8 tỷ đồng, đạt 28,2% kế hoạch năm và tăng 12,08% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9.565,7 tỷ đồng, tăng 12,28%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 297,6 tỷ đồng, tăng 8,24%; ngảnh khai khoáng 132,6 tỷ đồng, tăng 9,75%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải 44,7 tỷ đồng, tăng 4,36% so cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp 4 tháng đầu năm có mức tăng khá cao so cùng kỳ năm trước như: xi măng địa phương đạt 295,8 ngàn tấn, tăng 20,2%; xi măng Trung ương đạt 299 ngàn tấn, tăng 17,25%; cá đông 893 tấn, tăng 50,08%; bột cá 17,9 ngàn tấn, tăng 27,4%... Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2015 tăng cao ở mức 45,08% so với tháng trước, do ngành hoạt động lại sau tháng nghỉ Tết và giảm 4,97% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ ngành này tăng 4,43% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tiêu thụ 3 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: cá đông lạnh tăng 2,2 lần; phi lê cá tăng 33%; thủy sản ướp đông tăng 24,98%; sản xuất xi măng Porland đen tăng 18,12% .. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo tháng 3 tăng 12,55% so tháng trước và tăng 68,47% so cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp nhìn chung vẫn gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng, giảm so cùng kỳ như: cá đông giảm 14,41%; tôm đông lạnh tăng 2,8 lần; sản xuất xi măng tăng 2,1 lần. Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm tháng 4/2015 tăng 1,87% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 2,61%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,98% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 9,09%. 3. Vốn đầu tư: Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 4 ước tính 363,6 tỷ đồng, so tháng trước tăng 4,95%. Bao gồm: Vốn cân đối ngân sách địa phương 141 tỷ đồng; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương được 120,6 tỷ đồng; vốn khác từ ngân sách 93,2 tỷ đống; vốn ngoài nước (ODA) được 8,6 tỷ đồng. Lũy kế 4 tháng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước được 1.409 tỷ đồng, đạt 43,27% kế hoạch năm và tăng 53,47% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vốn cân đối ngân sách địa phương 540,7 tỷ đồng; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương được 380,9 tỷ đồng; vốn khác từ ngân sách 444 tỷ đồng; vốn ngoài nước ODA 42,9 tỷ đồng. Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý những tháng đầu năm đều tăng cao, chủ yếu tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm thiết thực mang hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội như: Đầu tư nâng cấp các quốc lộ trên địa bàn, xây dựng các khu bến tàu trên đảo Phú quốc cho tàu du lịch; các trục đường giao thông chính, giao thông nông thôn; bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống cầu, đường giao thông tuyến huyện; các công trình điện nước và khu xử lý rác, nước thải; đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy, nâng cấp các tuyến đê, nạo vét kết hợp với đắp bờ bao kênh mương; kiên cố hóa kênh mương thủy lợi nội đồng phục vụ cho tưới, tiêu... 4. Thu, chi ngân sách Tổng thu ngân sách trên địa bàn: Tháng 4 ước tính thu ngân sách 505,2 tỷ đồng, giảm 9,43% so tháng trước và tăng 5,15% so cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách 4 tháng được 2.893,4 tỷ đồng, đạt 52,54% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 49,06% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó: thu nội địa 1.732,5 tỷ đồng, bằng 49,45% dự toán và tăng 51,45% so cùng kỳ, chiếm 59,8% trong tổng thu ngân sách của tỉnh. Một số các khoản thu đạt dự toán khá cao như: thu tiền sử dụng đất 633,5 tỷ đồng, vượt 5,6% dự toán, tăng 3,2 lần so cùng kỳ năm trước; thu phí trước bạ 62,5 tỷ đồng, đạt 45% dự toán và tăng 62,26%; thuế thu nhập cá nhân 152,2 tỷ đồng, đạt 46,14% dự toán, tăng 30,42%; thu xuất nhập khẩu, TTĐB thuế VAT 37,2 tỷ đồng, đạt 44,87% và tăng 82% so cùng kỳ năm trước… Tổng chi ngân sách địa phương: Tháng 4 ước tính chi ngân sách địa phương 1.048,7 tỷ đồng, tăng 95,98% so tháng trước và tăng 37,19% so cùng kỳ. Tính từ đầu năm tổng chi ngân sách 3.326,1 tỷ đồng, bằng 32,26% dự toán năm và tăng 23,21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: chi thường xuyên 1.851,1 tỷ đồng, bằng 32,53% dự toán năm và tăng 5,03%; chi đầu tư phát triển 752,9 tỷ đồng, bằng 34,6% dự toán năm và tăng 2,3 lần so với cùng kỳ. 5. Ngân hàng Ước đến cuối tháng 4/2015, tổng nguồn vốn hoạt động ngân hàng trên địa bàn đạt 45.500 tỷ đồng, tăng 1,29% so tháng trước và tăng 4,03% so với đầu năm. Trong đó: Nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 25.450 tỷ đồng, tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 6,62% so với đầu năm; chiếm tỷ trọng 55,93%/tổng nguồn vốn. Ước doanh số cho vay tháng 4/2015 đạt 7.520 tỷ đồng, tăng 4.05% so tháng trước. Dư nợ cho vay đến cuối tháng 4/2015 ước đạt 34.430 tỷ đồng, tăng 1,73% so với tháng trước và tăng 3,06% so đầu năm. Dư nợ xấu ước 838 tỷ đồng, chiếm 2,43%/tổng dư nợ Ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cho vay với mức lãi suất hợp lý, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân. 6. Thương mại - dịch vụ a. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính tháng 4 đạt 5.085,1 tỷ đồng, tăng 3,17% so tháng trước và 7,57% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: tổng mức bán lẻ hàng hóa ước thực hiện được 4.141,5 tỷ đồng, tăng 5,05% so tháng trước và tăng 7,16% so cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ được 19.348,3 tỷ đồng, đạt 30,02% kế hoạch và tăng 13,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: tổng mức hàng hóa thương nghiệp bán lẻ 15.337,4 tỷ đồng, đạt 29,96% kế hoạch và tăng 11,88% so cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá thì tốc độ tăng khoảng 10,5%. * Hoạt động lưu trú, ăn uống: Doanh thu dịch vụ lưu trú trong tháng ước được 59,3 tỷ đồng, tăng 1,24% so tháng trước. Tính chung 4 tháng được 212,6 tỷ đồng, tăng 16,12% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ ăn uống: Thực hiện tháng 4 ước được 408,7 tỷ đồng, tăng 5,2% so tháng trước. Tính chung 4 tháng được 1.580,4 tỷ đồng, tăng 4,57% so cùng kỳ năm trước * Hoạt động du lịch lữ hành: Doanh thu tháng 4 ước tính 10,9 tỷ đồng, tăng 6,93% so tháng trước. Tính chung 4 tháng doanh thu du lịch lữ hành được 40 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so cùng kỳ năm trước, doanh thu lữ hành tăng cáo chủ yếu là tăng từ khách quốc tế. * Hoạt động dịch vụ: Tháng 4 doanh thu thực hiện hoạt động dịch vụ đạt 464 tỷ đồng, giảm 12,14% so với tháng trước. Nhiều nhóm doanh thu dịch vụ tăng nhẹ như: dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 2,94%; dịch vụ sửa chữa tăng 3,56%... chỉ có nhóm dịch vụ vui chơi giải trí trong đó có xổ số kiến thiết giảm 25,97%, ảnh hưởng đến doanh thu hoạt động dịch vụ trong tháng giảm mạnh. Tính chung 4 tháng doanh thu các hoạt động dịch vụ đạt 2.177,7 tỷ đồng, tăng 29,82% so cùng kỳ năm trước. Đa số các hoạt động dịch dịch doanh thu đều tăng khá cao như: nhóm dịch vụ vui chơi giải trí trong đó có xổ số kiến thiết chiếm tỷ trọng cao nhất, tăng 17,31%; kế đến nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 26,37%; nhóm dịch vụ sửa chữa đồ dùng cá nhân gia đình tăng 97,23%; dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội tăng 45,81%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 26,37% .... Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được ngành Công thương chỉ đạo hoạt động thường xuyên. Trong 3 tháng đầu năm 2015, Chi cục quản lý thị trường đã kiểm tra 248 vụ việc, phát hiện 165 vụ vi phạm , gồm: 104 vụ buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; 10 vụ gian lận thương mại; 05 vụ vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng; 03 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và 43 vụ vi phạm khác trong kinh doanh. Đã xử lý, thu phạt, nộp Ngân sách Nhà nước 1,57 tỷ đồng. b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa Tình hình xuất khẩu trên địa bàn tỉnh dự kiến trong tháng 4 tăng khá cao so tháng trước, trong đó các mặt hàng nông, thủy sản đều tăng, nhất là mặt hàng gạo tăng rất cao. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu: Tháng 4 dự tính đạt 50,7 triệu USD, tăng 2,2 lần so với tháng trước, tăng 71,9% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Hàng nông sản 37,1 triệu USD, gấp 3 lần so tháng trước; hàng thủy sản 11,7 triệu USD, tăng 46,52% so tháng trước; hàng hóa khác 1,8 triệu USD, giảm 25,24% so tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất thực hiện được 115 triệu USD, bằng 21,87% kế hoạch năm, tăng 7,26% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Hàng nông sản đạt được 65,8 triệu USD, đạt 20,9% kế hoạch năm, tăng 6,68% so cùng kỳ; hàng thủy sản 41,2 triệu USD, đạt 24,26% kế hoạch, giảm 3,7% ; hàng hóa khác (như bột mì, mì ăn liền, bao PP, dầu ăn …) được 7,9 triệu USD, đạt 19,36% kế hoạch,tăng 2,9 lần so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu tháng 4 tăng chủ yếu do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có hợp đồng mới và xuất với lượng lớn. Các Công ty xuất khẩu gạo chủ lực của tỉnh dự kiến xuất trong tháng 4 được 86.352 tấn, với trị giá trên 37,1 triệu USD. Bao gồm: Công ty Du lịch- Thương mại dự kiến xuất trực tiếp 37.198 tấn với trị giá trên 13,9 triệu USD; Công ty kinh doanh nông sản ước xuất 6.472 tấn với trị giá trên 3,9 triệu USD; Công ty MTV Thương mại-dịch vụ dự kiến xuất 5.525 tấn với trị giá trên 2 triệu USD; Công ty Cp nông lâm sản dự kiến xuất trực tiếp 4.200 tấn với trị giá 1 triệu USD; Công ty xuất nhập khẩu Kiên Giang dự kiến xuất trực tiếp 27.800 tấn với trị giá trên 15,4 triệu USD. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu: Nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước tính đạt 2,2 triệu USD, giảm 61,86% so tháng trước. Tính chung 4 tháng đạt 12,6 triệu USD, bằng 21,02% kế hoạch năm và tăng 44,1% so cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dùng cho sản xuất, trong 4 tháng lượng nhập gồm: thạch cao 28,1 ngàn tấn, giảm 24,05% so cùng kỳ năm trước; giấy Kratp 250 tấn, tương đương cùng kỳ; hạt nhựa 230 tấn, bằng 31,21%. Riêng mặt hàng gỗ nhập trở lại qua đường tiểu ngạch trên địa bàn tỉnh với trị giá 1,243 ngàn USD và Công ty Vinpearl Phú Quốc nhập trang thiết bị, máy móc trị giá 1,083 triệu USD. c. Chỉ số giá Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 04/2015 tăng 0,22% so với tháng trước. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 0,11%, khu vực nông thôn tăng 0,28%. Nguyên nhân ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 là do giá điện, xăng, dầu tăng trong tháng. Ngoài ra nguồn cung hàng hóa dồi dào, các Bộ ngành, địa phương tăng cường quản lý điều hành bình ổn giá đã tác động tích cực đến chỉ số giá tiêu dùng tháng này. Cụ thể: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 so tháng trước có hai nhóm hàng tăng mạnh là: Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng cao nhất với mức +4,5% (do điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5% vào ngày 16/3); kế đến là nhóm giao thông tăng +2,06% (tác động từ giá xăng dầu tăng vào ngày 11/3: giá xăng tăng 1.640đ/lít, giá dầu tăng 720đ/lít); các nhóm còn lại chỉ số giá tăng ở mức dưới 1% như: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,09%, (trong đó: mặt hàng lương thực giảm 0,85% chủ yếu từ giá gạo giảm từ 500đ/kg -1.000đ/kg; mặt hàng thực phẩm khá bình ổn, chỉ tăng 0,06%); nhóm hàng đồ uống và thuốc lá tăng 0,07%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,4%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,29%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,05%; nhóm giáo dục tăng 0,02%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,39%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,19%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2015 so với tháng 12/2014 (sau 4 tháng) tăng 0,41%; so với cùng kỳ (tháng 4/2014) tăng 1,72%, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất là 8,46%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 4,08%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,79%... Chỉ số giá vàng: Tính đến ngày 15/4/2015, chỉ số giá vàng so tháng trước giảm 0,22%, bình quân giá bán trong tháng là 3.138.000đ/chỉ (giảm 7.000đồng/chỉ). Chỉ số giá vàng tháng 4 so cùng kỳ (tháng 4/2014) giảm 7,8%. Chỉ số giá Đô la Mỹ: Tháng 4 so tháng trước tăng 0,25%. Tính đến thời điểm điều tra 15/4/2015, tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển giá bán ra: 21.630 đ/USD và thị trường tự do bán 21.670 đ/USD. Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 4/2015 so với tháng 4/2014 tăng 2,55%. d. Vận tải: Hoạt động vận tải đầu tháng vẫn ổn định so tháng trước, nhưng dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ 30/4 và 1/5 kết hợp nghỉ dài ngày nên nhu cầu đi lại của nhân dân tăng lên rất cao vào thời điểm cuối tháng, ngành chức năng đã điều tiết phương tiện đảm bảo không ách tắc trong việc đi lại và lưu chuyển hàng hóa của nhân dân, đồng thời kiểm soát chặt chẽ giá cước vận tải trước, trong và sau những ngày nghỉ lễ. Vận tải hành khách: Tháng 4 vận tải hành khách ước tính đạt 5,2 triệu lượt khách, tăng 3,87% so tháng trước; luân chuyển 363,8 triệu HK.km, tăng 4,02% so tháng trước. Lũy kế 4 tháng vận tải hành khách ước tính được 20,4 triệu lượt khách, đạt 32,99% kế hoạch và tăng 5,19% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 1.425,5 triệu HK.km, đạt 41,12% kế hoạch và tăng 5,93% so cùng kỳ. Bao gồm: Vận tải hành khách đường bộ 16,2triệu lượt khách, tăng 4,07% so cùng kỳ và luân chuyển 1.123 triệu lượt khách.km, tăng 5,06% so cùng kỳ; Vận tải hành khách đường sông 3,6 triệu lượt khách, tăng 10,4% và luân chuyển 232,2 triệu lượt khách.km, tăng 10,47%; Vận tải hành khách đường biển 0,58 triệu lượt khách, tăng 5,55% và luân chuyển 70,2 triệu lượt khách.km, tăng 5,55% so cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa: Tháng 4 vận tải hàng hóa ước tính đạt 782 ngàn tấn, tăng 2,76% so tháng trước; luân chuyển 102,9 triệu tấn.km, tăng 2,78% so tháng trước. Lũy kế 4 tháng vận tải hàng hóa ước tính đạt 3 triệu tấn, bằng 34,13% kế hoạch năm và tăng 7,43% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 401,4 triệu tấn.km, đạt 32,61% kế hoạch và tăng 7,31% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vận tải hàng hóa đường bộ 948 ngàn tấn, tăng 5,69% so cùng kỳ và luân chuyển 128,1 triệu tấn.km, tăng 4,87%; Vận tải hàng hóa đường sông 1,2 triệu tấn, tăng 9,45% và luân chuyển 157,6 triệu tấn.km, tăng 9,63% so với cùng kỳ; Vận tải hàng hóa đường biển 839 ngàn tấn, tăng 6,47% và luân chuyển 115,5 triệu tấn.km, tăng 6,99% so cùng kỳ năm trước. e. Du lịch: Cuối tháng tư nhân dân trên cả nước chuẩn bị đón Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương , Lễ 30/4 và 1/5 được nghỉ dài ngày, tạo điều kiện cho nhân dân tổ chức những chuyến vui chơi, du lịch… trong đó biển đảo của tỉnh là điểm đến lý tưởng lúc thời tiết nắng nóng như hiện nay. Trong tháng tổng lượt khách đến cơ sở lưu trú du lịch ước tính 177,5 ngàn lượt khách, tăng 3,36% so tháng trước, trong đó: Số khách ngủ qua đêm 121,4 ngàn lượt tăng 0,14%, với hệ số 2,6 ngày khách. Trong số lượt khách đến cơ sở lưu trú du lịch, gồm số lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 165,1 ngàn lượt khách, tăng 3,54% so với tháng trước và số lượt khách du lịch đi theo tour đạt 12,4 ngàn lượt khách, tăng 1,07% so tháng trước, với hệ số 1,97 ngày khách. Số lượt khách quốc tế 23,1 ngàn lượt khách, tăng 1,94% so với tháng trước, với hệ số 2,84 ngày khách; Tính từ đầu năm, tổng lượt khách du lịch được 1.535,3 ngàn lượt khách, đạt 36,25% kế hoạch năm và tăng 11,53% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch 596,7 ngàn lượt khách, tăng 10,89% so cùng kỳ. Số khách quốc tế đạt 107,6 ngàn lượt khách, tăng 28,83% so với cùng kỳ. Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch bao gồm: khách cơ sở lưu trú du lịch phục vụ đạt 551,6 ngàn lượt khách, tăng 9,93% và khách du lịch đi theo tour đạt 45 ngàn lượt khách, tăng 24,15% so cùng kỳ năm 2014. 7. Một số tình hình xã hội 7.1. Tình hình giáo dục: Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành kiểm định và khảo thí chất lượng giáo dục, tổ chức đánh giá ngoài các trường. Tổ chức kỳ kiểm tra học kỳ II lớp 12 THPT năm học 2014-2015 các môn: Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, Vật Lý. Tổ chức đánh giá PISA cho 05 trường THCS và THPT theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT. Tổ chức thi và cử đoàn cán bộ tham gia giám sát vòng thi toàn quốc giải toán qua Internet và Olimpic tiếng Anh dành cho học sinh phổ thông năm học 2014-2015. 7.2. Tình hình văn hóa, nghệ thuật, thể thao: Trong tháng 4 hoạt động văn hóa thể thao và du lịch tương đối sôi nổi, tập trung tuyên truyền, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phục vụ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), 129 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2015); đón tết Chôl-Chnăm-Thmây của đồng bào dân tộc Khmer; Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ công bố và trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, có 1.200 đại biểu tham dự; tổ chức Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kiên Giang lần thứ XVI năm học 2014 - 2015, có 2.600 vận động viên tham gia tranh tài ở 10 môn thi đấu… Thể thao thành tích cao: Các đội tuyển tham dự giải Cờ vua hạng nhất quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đại hội Thể dục Thể thao Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI năm 2015 với các giải: Cử tạ, Canoeing, Điền kinh, Bóng chuyền bãi biển nữ. Trong đó giải Cử tạ tại Sóc Trăng có kết quả: đạt 05 HCV và 04 HCB. 7.3. Tình hình y tế: Trong tháng 4, bệnh Tay chân miệng có xu hướng tăng so với tháng trước, số cas mắc là 40 cas, tăng 09 cas so với tháng trước, giảm 86 cas so với cùng kỳ năm 2014. Số mắc trong tháng vẫn tập trung nhiều ở TP Rạch Giá 10 cas, Hòn Đất 07cas, Châu Thành 05 cas, Phú Quốc 05 cas, Hà tiên 04 cas, các địa phương khác có số ca mắc rải rác. Các bệnh truyền nhiễm khác mắc trong tháng: Bệnh tiêu chảy mắc 673 cas, tăng 55 cas so với tháng trước; Bệnh Thương hàn và Phó Thương hàn mắc 02 cas; Bệnh Lỵ trực trùng mắc 21 cas, tương đương với tháng trước; Bệnh Thủy đậu mắc 24 cas, tăng 13 cas so với tháng trước. Trong tháng không ghi nhận cas sởi nào, còn các bệnh truyền nhiễm khác trong quý có xu hướng giảm. Chương trình phòng chống sốt xuất huyết: Trong tháng toàn tỉnh có 15 cas mắc sốt xuất huyết, tăng 06 cas so với tháng trước và giảm 40 cas so với cùng kỳ năm 2014, toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Tổng số cas mắc trong 04 tháng đầu năm 2015 là 89 cas, giảm 34 cas so cùng kỳ năm 2014. Chương trình phòng, chống bệnh Lao: Số bệnh nhân phát hiện mới trong tháng là 249 bệnh nhân, lũy kế 4 tháng đầu năm đến nay là 815 bệnh nhân; số bệnh nhân quản lý trong tháng là 249 người, lũy kế 3.346 người. Điều trị khỏi bệnh cho 188 người, lũy kế khỏi bệnh 716 người, số bệnh nhân tử vong do lao là 12 người, tăng 02 bệnh nhân so với tháng trước. Chương trình phòng, chống HIV/AIDS: Trong tháng thực hiện được 5.925 cas xét nghiệm máu, kết quả có 15 cas nhiễm HIV. Nâng tổng số mẫu xét nghiệm 4 tháng đầu năm là 20.974 mẫu; số cas nhiễm HIV là 57 cas . Lũy kế tính từ đầu năm đến nay số cas nhiễm HIV toàn tỉnh là 4.892 cas; chuyển sang AIDS 2.695 cas; tử vong 37 cas. Số cas bệnh được ghi nhận ở 15/15 huyện, thị, thành phố, tập trung ở các địa phương: TP. Rạch Giá, Phú Quốc, Châu Thành, Hòn Đất, Tân Hiệp, Giồng Riềng. Công tác An toàn vệ sinh thực phẩm: trong tháng ghi nhận có 33 cas ngộ độc thực phẩm riêng lẻ, trong đó: 30 cas do tác dụng độc của cồn, 03 cas do ăn thực phẩm. 7.4. Tình hình an toàn giao thông: tính từ ngày 16/3/2015 đến 15/4/2015 trên toàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông, làm 06 người chết, 14 người bị thương. Trong đó: Số vụ TNGT ít nghiêm trọng trở lên là 11 vụ, làm 06 người chết và 09 người bị thương. So với tháng trước số vụ TNGT giảm 26 vụ, số người chết giảm 10 người, số người bị thương giảm 36 người. Tính từ đầu năm, xảy ra 111 vụ tai nạn giao thông, làm 45 người chết, 123 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, giảm 67 vụ; giảm 6 người chết và giảm 65 người bị thương. Tình hình tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay đã có xu hướng giảm đáng kể trên cả 3 mặt, đây là tín hiệu tốt các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền kết hợp với kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an toàn giao thông và văn hóa giao thông ngày một tốt hơn. 7.5. Tình hình cháy, nổ: Từ ngày 16/03/2015 đến 15/04/2015 toàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy, xảy ra ở các huyện như: U Minh Thượng 02 vụ, Giang Thành 01 vụ, An Biên 01 vụ, Châu Thành 04 vụ, Giồng Riềng 02 vụ. Trong đó có 02 vụ cháy rừng tràm ở huyện Giang Thành làm thiệt hại 03 ha và 01 vụ cháy rừng tràm ở huyện U Minh Thượng làm thiệt hại 45 ha. Ước tính thiệt hại 343 triệu đồng, làm bị thương 01 người, không có người chết. Nguyên nhân gây cháy do chập điện 03vụ, bất cẩn trong sử dụng lửa 01 vụ, do đốt đồng 02 vụ, bất cẩn khi hút thuốc lá 01 vụ, tự đốt 01 vụ, đốt tổ ong 01 vụ và đang điều tra 01 vụ. Lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 29 vụ cháy, thiệt hại ước tính 3 tỷ 451 triệu đồng. So với cùng kỳ số vụ cháy tăng 03 vụ, mức độ thiệt hại về tài sản giảm 1,748 tỷ đồng; số người bị thương do cháy, nổ giảm 01 người./. Tải về: Số liệu tháng 4 và 4 tháng năm 2015
Số lần đọc: 2132
Cục Thống kê Kiên Giang |
Tin liên quan
|