26.03.2015
Năm 2015, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi song chưa thật vững, việc giá dầu giảm mang lại cơ hội thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng gây thiệt hại lớn cho các nước xuất khẩu dầu thô. Nền kinh tế châu Á được dự báo sẽ cải thiện tốc độ tăng trưởng trong năm nay và giá dầu giảm xuống mức thấp là một cơ hội cho nhiều cải cách có lợi, triển vọng tăng trưởng vững chắc cho nền kinh tế châu Á đang phát triển.
Kinh tế trong nước mục tiêu năm 2015 trọng tâm sẽ là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014. Tiếp tục phát triển các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Ở tỉnh ta, tình hình kinh tế - xã hội quí I/2015 có khả quan hơn như: thu ngân sách đạt khá; sản xuất công nghiệp tăng mạnh, giá trị nuôi trồng quý 1 đầu vụ đạt thấp, nhưng đối với tôm nuôi có nhiều thuận lợi về thời tiết và giá cả; các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh có mức tăng khá, các dự án khu công nghiệp đang tiếp tục đầu tư; đời sống nhân dân được cải thiện, dịch bệnh được kiểm soát; an ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, kết quả sản xuất ở một số lĩnh vực khác cũng chưa thật bền vững như: sản xuất nông nghiệp thiên tai làm diện tích và năng suất vụ mùa chưa đạt chỉ tiêu; kim ngạch xuất khẩu đạt thấp; sức mua chưa cao nên tổng mức bán lẻ hàng hóa trong quý I năm nay mặc dù có tết nhưng tăng thấp hơn cùng kỳ những năm trước; khách du lịch giảm... Cụ thể trên từng lĩnh vực quý I đạt được như sau: 1. Tăng trưởng kinh tế Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) quý I năm 2015 theo (giá so sánh 2010) ước tính tăng 9,07% so với quý I năm 2014. Trong mức tăng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,95%, đóng góp cho tăng trưởng chung 0,95%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,48%, đóng góp cho tăng trưởng chung 3,41%; khu vực dịch vụ tăng 9,68%, đóng góp cho tăng trưởng chung 4,71%. Mặc dù ở một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh tuy cũng còn có khó khăn: thời tiết, giá cả không ổn (giá lúa tăng giảm bất thường, giá vật tư nông nghiệp tăng), nguyên liệu đầu vào khan hiếm, sản phẩm tiêu thụ hàng hóa còn gặp khó khăn về thị trường, làm giảm cầu, giảm sức mua, xuất khẩu đạt thấp ... từ đó làm ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế trong quý I năm nay. Nhưng dự báo tăng trưởng kinh tế quý I năm nay tăng hơn cùng kỳ là do tình hình sản xuất ở cả 3 khu vực đều có sự tăng trưởng. Trong đó : sản xuất công nghiệp tăng mạnh, khu vực dịch vụ ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) quý I năm 2015
2. Tài chính, ngân hàng 2.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước Tổng thu ngân sách trên địa bàn: Tháng 3 ước tính thu ngân sách 454,6 tỷ đồng, giảm 27,1% so tháng trước và giảm 7,06% so cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách quý I/2015 là 2.284,9 tỷ đồng, đạt 41,49% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 1,5 lần so quý I năm 2014. Trong đó: thu nội địa 1.280,58 tỷ đồng, bằng 36,6% KH và tăng 50,6% so cùng kỳ, chiếm 56% trong tổng thu ngân sách của tỉnh. Đa số các khoản thu đều đạt dự toán, trong đó: đạt cao nhất là thu tiền sử dụng đất 444,2 tỷ đồng, đạt 74,04% dự toán, tăng 2,7 lần so quý I/2014; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 57,4 tỷ đồng, đạt 32,8% dự toán và tăng 12,9% so cùng kỳ; thu phí trước bạ 47,62 tỷ đồng, đạt 34,3% dự toán và tăng 71,1%; thuế thu nhập cá nhân 107,4 tỷ đồng, đạt 32,55% dự toán, tăng 27,52%. Tổng chi ngân sách địa phương: Tháng 3 ước tính chi ngân sách địa phương 1.009,4 tỷ đồng, giảm 1,87% so tháng trước và tăng 40,28% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách quý I /2015 là 2.751,7 tỷ đồng, bằng 26,7% dự toán năm và tăng 42,21% so với quý I năm trước. Trong đó: chi thường xuyên 1.559,3 tỷ đồng, bằng 27,41% dự toán năm và tăng 16,8%; chi đầu tư phát triển 473,1 tỷ đồng, bằng 21,74% dự toán năm và tăng 2,8 lần so với quý I năm trước. 2.2. Hoạt động Ngân hàng Ước đến 31/3/2015, tổng nguồn vốn hoạt động ngân hàng trên địa bàn đạt 45.100 tỷ đồng, tăng 3,11% so với cuối quý IV/2014 và tăng 16,53% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó: Nguồn vốn huy động tại điạ phương ước đạt 24.500 tỷ đồng, tăng 2,64% so với cuối quý IV/2014 và tăng 19,25% so cùng kỳ năm 2014; chiếm tỷ trọng 54,32%/tổng nguồn vốn hoạt động. Vốn huy động tại địa phương tăng chủ yếu do số dư tiền gửi tiết kiệm tăng, ước đạt 19.000 tỷ đồng, tăng 3,89% so với quý IV/2014 và tăng 14,66% so với cùng kỳ năm 2014. Doanh số cho vay ước quý I/2015 đạt 16.450 tỷ đồng, giảm 2,32% so quý IV/2014. Trong đó: Cho vay ngắn hạn là 11.860 tỷ đồng, chiếm 72,10% doanh số cho vay; Cho vay trung và dài hạn là 4.590 tỷ đồng, chiếm 27,90% doanh số cho vay. Doanh số cho vay ước quý I/2015 bằng 19,22% so KH và tăng 8,1% so với cùng kỳ quý này năm trước Ước đến 31/3/2015, tổng dư nợ cho vay đạt 33.890 tỷ đồng, tăng 1,08% so quý IV/2014 và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2014.Tỷ lệ nợ xấu 2,2%. Dư nợ tín dụng của một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh đến ngày 28/2/2015: + Cho vay nông nghiệp nông thôn: Doanh số cho vay 02 tháng đầu năm 2015 đạt 2.727 tỷ đồng, dư nợ 13.617 tỷ đồng, tăng 4,77% so đầu năm và chiếm 39,89% tổng dư nợ. + Cho vay xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 1.822 tỷ đồng, dư nợ 3.910 tỷ đồng, tăng 0,13% so với đầu năm và chiếm 11,45% tổng dư nợ + Cho vay DNNVV 3.106 tỷ đồng; dư nợ 8.429 tỷ đồng, giảm 1,13% so với cuối quý IV/2014. + Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 61/NQ-CP: Doanh số cho vay luỹ kế từ đầu chương trình đến 28/02/2015 đạt 122 tỷ đồng, dư nợ 118 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là cho vay mua nhà ở thương mại, dư nợ 106 tỷ đồng. Dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội ước đạt 2.213 tỷ đồng, tăng 1,93% so với quý IV/2014, chiếm tỷ trọng 6,52%/tổng dư nợ cho vay, chủ yếu tăng lĩnh vực cho vay tiêu dùng và cho vay ngành nông lâm nghiệp. Nợ xấu 43 tỷ đồng (trong đó nợ khoanh là 28 tỷ đồng), tỷ lệ nợ xấu là 1,94%. 3. Đầu tư và xây dựng Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 3 ước tính 308 tỷ đồng, so tháng trước tăng 3,87%. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách địa phương 120,3 tỷ đồng; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương được 80,1 tỷ đồng; vốn khác từ ngân sách 94,3 tỷ đồng; vốn ngoài nước (ODA) được 13,2 tỷ đồng. Trong quý I/2015, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện là 864,8 tỷ đồng, đạt 26,56% KH năm và tăng 26,53% so quý I năm trước. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách địa phương 324,1 tỷ đồng; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương 217,4 tỷ đồng; vốn khác từ ngân sách 282,4 tỷ đồng; vốn ngoài nước ODA 40,8 tỷ đồng. 4. Sản xuất công nghiệp Sản xuất công nghiệp tuy còn đối mặt với những khó khăn thách thức về nguyên liệu; các doanh nghiệp vừa phải cạnh tranh nhau về đầu ra sản phẩm vừa phải cạnh tranh tìm nguồn nguyên liệu làm cho các doanh nghiệp chế biến sản xuất chưa ổn định. Đặc biệt là trong năm 2015, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ ký kết, những hàng rào kỹ thuật, nhất là trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành sản phẩm... mà doanh nghiệp phải đối mặt, cũng như thị trường tiêu thụ là thách thức lớn nhất toàn ngành phải vượt qua trong năm. Tuy nhiên, trong quí I/2015 tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn có khả quan hơn: Chỉ số sản xuất công nghiệp: Trong tháng 3 ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 29,79% so tháng trước và tăng 9,97% so cùng kỳ năm trước. Ngành tăng cao so tháng trước là chế biến, chế tạo tăng 31,18%, trong đó: ngành chế biến, bảo quản thủy sản tăng 43,38%, ngành sản xuất xi măng tăng 27,7%; xay xát và sản xuất bột thô tăng 34,03%; kế đó là ngành khai khoáng tăng 26,3%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá chỉ tăng 1,59% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 4,17% so tháng trước . Trong quý I/2015, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 11,97% so quý I năm 2014, ngành tăng cao là chế biến, chế tạo tăng 12,48%, trong đó tăng cao từ ngành chế biến, bảo quản thủy sản tăng 20,11%, ngành sản xuất xi măng tăng 20,66%, xay xát chỉ tăng 3,69%; kế đó ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 9,61%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 8,07% và ngành khai khoáng tăng 3,65%. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): Tháng ba ước tính 2.639,4 tỷ đồng, tăng 29,84% so tháng trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2.519,9 tỷ đồng, tăng 31,18%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 75,1 tỷ đồng, tăng 1,59%; ngành khai khoáng đạt 33,3 tỷ đồng, tăng 26,3%. Quý I/2015, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành: 7.549,7 tỷ đồng, đạt 21,2% kế hoạch năm và tăng 11,24% so với quý I năm 2014, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7.194,1 tỷ đồng, tăng 11,38%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 223,4 tỷ đồng, tăng 9,16%; ngảnh khai khoáng 98 tỷ đồng, tăng 8,36%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải 34,1 tỷ đồng, tăng 4,76% so quý 1 năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp trong quý I có mức tăng khá cao so cùng kỳ như: xi măng Địa phương đạt 218,2 ngàn tấn, tăng 22,62%; xi măng Trung ương đạt 218 ngàn tấn, tăng 27,66%; mực đông 3,7 ngàn tấn, tăng 38,86%; cá đông 697 tấn, tăng 66,75%; xay xát gạo (khu vực Nhà nước) 82,7 ngàn tấn, tăng 26,43%...Nhìn chung mức sản xuất sản phẩm các ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm đạt khá so cùng kỳ năm trước. 5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản quý I năm 2015 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 7.077,4 tỷ đồng, tăng 4,1% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông nghiệp đạt 2.900,5 tỷ đồng, tăng 3,11%; lâm nghiệp đạt 53,9 tỷ đồng, tăng 3,61%; thủy sản 4.122,8 tỷ đồng, tăng 4,8% so cùng kỳ năm trước. 5.1. Nông nghiệp Tính đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch dứt điểm lúa vụ mùa và đang thu hoạch vụ đông xuân khoảng 70% trên diện tích gieo sạ.* Vụ mùa: Kết quả điều tra chính thức diện tích gieo sạ lúa Mùa 62.956 ha, so kế hoạch năm giảm 3,14% (giảm 2.044ha) và giảm 0,14% (giảm 88 ha) so cùng kỳ năm trước. Diện tích thu hoạch đạt 61.698 ha, giảm 5,08% (giảm 3.302ha) kế hoạch; giảm 1,12% (giảm 705 ha) so cùng kỳ năm trước; giảm 1.258 ha so với diện tích gieo sạ nguyên nhân do lúa bị nhiễm mặn mất trắng 1.187 ha ở huyện An Minh và 71ha huyện An Biên. Năng suất bình quân đạt 44,99 tạ/ha, đạt 98,9% kế hoạch (giảm 0,5 tạ/ha) và so vụ mùa năm trước tăng 0,07 tạ/ha (tăng 0,16%); Sản lượng đạt 283.256 tấn, bằng 95,78% kế hoạch (giảm 12.494 tấn) và tăng 2.992 tấn (tăng 1,07%) so với vụ mùa năm trước. * Vụ đông xuân: Diện tích gieo sạ được 307.344 ha, vượt 0,77% kế hoạch năm (tăng 2.344 ha) và tăng 0,48% (tăng 1.486 ha) so với vụ đông xuân năm 2014. Diện tích tăng nhiều ở huyện Kiên Lương 1.090 ha do nông dân chuyển diện tích đất trồng rừng tràm và đất nuôi tôm kém hiệu quả sang trồng lúa. Tình hình lúa bị ngộ độc mặn xảy ra ở 2 xã Lình Huỳnh và Thổ Sơn với diện tích bị thiệt hại là 426,9 ha, trong đó diện tích thiệt hại dưới 30% là 41,4 ha, thiệt hại từ 30-70% là 169,5 ha, thiệt hại trên 70% là 216 ha (diện tích này xem như mất trắng), làm ảnh hưởng trực tiếp đến 212 hộ nông dân. Các ngành chức năng của tỉnh và huyện đã khảo sát, đánh giá thiệt hại và lấy mẫu đất giử đi xét nghiệm và tìm nguyên nhân của việc lúa bị ngộ độc mặn, đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Tính từ đầu vụ đến nay diện tích lúa đông xuân bị nhiễm sâu bệnh là 23.200 ha, bằng 78,17% (giảm trên 6.000 ha) so cùng kỳ năm trước. trong đó: bệnh lem lép hạt xảy ra chủ yếu ở các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành, Kiên Lương, Giang Thành; bệnh đạo ôn cổ bông ở Giồng Riềng, Châu Thành, Kiên Lương; bệnh cháy lá ở Rạch Giá, Gò Quao;... Tính đến trung tuần tháng 3, diện tích thu hoạch trên 209.000 ha, so cùng kỳ năm trước tiến độ thu hoạch có sớm hơn cùng kỳ. Dự kiến cuối tháng 3 đầu tháng 4 sẽ kết thúc thu hoạch lúa Đông Xuân trên phạm vi toàn tỉnh. Năng suất ước đạt 70 tạ/ha, sản lượng dự kiến 2.151.000 tấn. Nếu thực hiện tốt khâu phòng chống sâu bệnh và dịch chuột, năng suất của vụ Đông xuân năm nay tương đương vụ đông xuân năm trước. Việc triển khai thu chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân 2014-2015 của Chính phủ, chỉ tiêu phân bổ cho tỉnh rất thấp chỉ có 82 nghìn tấn gạo, trong khi sản lượng lúa vụ đông xuân trên 2 triệu tấn nên chưa tác động tích cực đến giá lúa, hiện nay lúa đang thu hoạch còn ứ đọng giá đang có chiều hướng giảm. * Vụ Xuân hè và Hè thu: Một số huyện đã thu hoạch vụ Đông xuân sớm nên tiếp tục gieo sạ vụ Xuân hè ở huyện Giang Thành trên 6.000 ha và vụ Hè thu được trên 30.000 ha ở các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Giang Thành và Châu Thành. Để hạn chế mầm bệnh của mùa vụ trước lây lan cho vụ Hè thu, các ngành chức năng cần khuyến cáo và hướng dẫn cho nông dân cày ải, phơi đất đúng quy trình kỹ thuật và gieo trồng đúng lịch thời vụ. * Cây rau màu vụ Đông Xuân: Tính từ đầu vụ đến nay, trên địa bàn tỉnh nông dân gieo trồng màu chủ yếu như: Dưa hấu trồng được 850ha, tăng 5,59% so cùng kỳ; khoai lang 670ha, tăng 12,23%; rau đậu các loại 2.922 ha, giảm 30,43% so cùng kỳ năm trước... * Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh thời gian qua chưa có biến động nhiều. Trong quý I/2015, đàn trâu trong tỉnh 6.287 con, tăng không nhiều (0,19%) so cùng kỳ năm trước; đàn bò:10.775 con, giảm 1,62%; đàn heo 316,6 ngàn con, giảm 0,61%; chỉ có đàn gia cầm 5,66 triệu con, tăng khá cao 26,31% (tăng trên 1 triệu con). Nguyên nhân ảnh hưởng đến số lượng đàn gia súc là do thị trường tiêu thụ còn hẹp, giá sản phẩm chăn nuôi chưa hấp dẫn và tâm lý người chăn nuôi còn sợ dịch bệnh bùng phát. Công tác phòng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được các ngành chức năng thực hiện khá tốt. Việc kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh sẽ tác động lớn đến tâm lý người chăn nuôi. Tuy nhiên, thời điểm vào trung tuần tháng 01 có xảy ra một ổ dịch tại xã Thổ Sơn huyện Hòn Đất, một đàn gà bị nhiễm H5N1 đã tiêu hủy 2040 con, sau đó được các ngành chức năng và địa phương đã khoanh vùng dập tắt kịp thời. 5.2. Lâm nghiệp: Tháng 3 đang bước vào khô hạn, gió mạnh nên dễ xảy ra nguy cơ cháy rừng. Ở Phú Quốc một số nơi đang cảnh báo cháy cao, lực lượng kiểm lâm đã bố trí lực lượng phòng cháy chữa cháy thuộc khu vực quản lý trang bị đầy đủ các trang thiết bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra, những nơi có nguy cơ cháy được tổ chức các chòi canh và thực hiện chế độ trực 24/24 giờ đến hết mùa khô. Vườn quốc gia U Minh Thượng có kế hoạch bơm nước vào rừng nhằm giữ độ ẩm, tổ chức cho nhân viên luân phiên trực tuần tra để chủ động đối phó nếu có cháy xảy ra. Nhờ chủ động tích cực phòng cháy nên đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ cháy ở Giang Thành. Ước tính trong quý 1/2015 lượng gỗ khai thác (tính cả tràm) được 17.135m3, tăng 3,72% so cùng kỳ năm trước; diện tích rừng được chăm sóc 10.755 ha, tăng 44,19% so cùng kỳ năm trước. Có 03 vụ phá rừng với diện tích 0,31ha, chủ yếu là rừng phòng hộ ven biển ở hai huyện An Biên và An Minh. 5.3. Thủy sản Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá so sánh 2010): Tháng 3 ước tính đạt 1.339,8 tỷ đồng, giảm 3,5% so với tháng trước và giảm 2,07% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: giá trị khai thác gần 960,6 tỷ đồng, giảm 0,59% so tháng trước và giá trị nuôi trồng 379,2 tỷ đồng, giảm 10,16% so tháng trước. Ước tính trong quý I/2015 giá trị sản xuất khai thác và nuôi trồng được 4.122,8 tỷ đồng, đạt 18,42% so kế hoạch năm và tăng 4,83% so với quý I/2014, trong đó: giá trị khai thác 2.892,1 tỷ đồng, đạt 23,82% so kế hoạch, tăng 3,36% so cùng kỳ và giá trị nuôi trồng 1.230,7 tỷ đồng, đạt 12,02% kế hoạch, tăng 8,46% so quý I năm 2014. Tổng sản lượng thủy sản ( khai thác và nuôi trồng) trong tháng 3 ước đạt 48.500 tấn, giảm 1,75 % so tháng trước. Quý I/2015 là 146.470 tấn, đạt 22,63% kế hoạch năm và tăng 2,64% (3.773 tấn) so với quý 1/2014. Sản lượng khai thác: Tháng 3 ước tính được 37.727 tấn thủy hải sản các loại, giảm 0,16% so tháng trước và giảm 1,31% so cùng kỳ năm trước, trong đó: cá các loại 25.919 tấn, giảm 0,6% so tháng trước; tôm các loại 3.185 tấn, tăng 2,31%; mực 4.810 tấn, giảm 0,54%; thủy hải sản khác 3.813 tấn, tăng 1,33% so tháng trước. Quý 1/2015, sản lượng khai thác được 113.897 tấn, đạt 24,65% kế hoạch năm và tăng 1,02% (tăng 1.154 tấn) so quý 1 năm trước. Bao gồm: cá các loại 78.153 tấn, tăng 1,65% (tăng 1.272 tấn); tôm 9.326 tấn, giảm 2,86% (giảm 275 tấn); mực 14.380 tấn, tăng 0,35% (tăng 50 tấn) và thủy sản khác 12.038 tấn, tăng 0,9% (tăng 107 tấn). Sản lượng khai thác 3 tháng đầu năm chỉ tăng nhẹ mặc dù thời tiết có thuận lợi, tuy nhiên do tháng 2 là tháng Tết, nhiều phương tiện nghỉ tết sớm để bảo dưởng nên sản lượng khai thác dự kiến chỉ tăng 1,02% so cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng: Tháng 3 ước đạt 10.773 tấn, giảm 6,95% so tháng trước (giảm 805 tấn). Trong đó: cá nuôi được 4.031 tấn, giảm 11,39%; tôm nuôi 1.168 tấn, giảm 22,13% (giảm 332 tấn), bao gồm: tôm sú, giảm 299 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 657 tấn, giảm 33 tấn; thủy sản khác 5.574 tấn, tăng 19,82%. Trong quý 1/2015, sản lượng nuôi trồng được 32.573 tấn, đạt 17,6% kế hoạch năm, tăng 8,74% (tăng 2.619 tấn) so quý I năm trước, trong đó: Cá nuôi 13.790 tấn, giảm 200 tấn; tôm các loại 4.328 tấn, đạt 7,73% kế hoạch và giảm 0,96% (giảm 41 tấn), trong đó: tôm thẻ chân trắng 2.132 tấn, đạt 10,38% kế hoạch, tăng 4,61% (tăng 94 tấn)… Sản lượng cá, tôm nuôi trong tháng giảm do thời tiết khô hạn, nước mặn vào sâu trong đất liền, riêng sản lượng thủy sản khác tăng mạnh từ lượng sò nuôi của huyện Kiên Lương và An Biên đang vào mùa thu hoạch. Sản lượng thủy sản khác ước tính 14.455 tấn, tăng 24,7% so cùng kỳ (sản lượng tăng chủ yếu là sò các loại 11.770 tấn, cua trên 780…) Tính đến nay diện tích tôm thả nuôi trên 83 ngàn ha, đạt trên 92% kế hoạch năm, tăng hơn cùng kỳ 7,19%. Các cơ sở nuôi tôm công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên tích cực cải tạo, thả giống nên diện tích tôm công nghiệp thả nuôi khoảng 850 ha, diện tích nuôi quảng canh cải tiến và tôm lúa được 82.327ha. Diện tích tôm lúa thả nuôi sớm đang phát triển tốt đang cho thu hoạch. Đầu năm đến nay thời tiết khá thuận lợi, tôm nuôi ít dịch bệnh, giá tôm đứng ở mức cao, vì vậy khả năng năm nay nông dân thả nuôi vượt kế hoạch. Hiện một số nơi nông dân đã bắt đầu có tôm thu hoạch, chủ yếu là ở những khu vực ven biển, có nước mặn sớm nên nông dân tranh thủ thả nuôi trước lịch thời vụ. 6. Thương mại, dịch vụ và giá cả 6.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng: Tháng 3 là tháng sau tết, thị trường bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trở lại hoạt động bình thường, sức mua giảm nhiều so với tháng trước, nguồn hàng hóa cung ứng vẫn dồi dào, giá cả các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ bình ổn, tuy mặt hàng gas và xăng dầu đầu tháng có điều chỉnh tăng lên nhưng chưa tác động đến thị trường chung trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả điều tra bán buôn và bán lẻ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phục vụ tiêu dùng trong tháng 3 đạt 4.417,4 tỷ đồng, giảm 11,2% so tháng trước và giảm 5,23% so cùng kỳ. Tính chung quý I/2015 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phục vụ tiêu dùng ước thực hiện 13.275,2 tỷ đồng, đạt 20,6% kế hoạch năm và tăng 11,94% so quý I năm 2014. Cụ thể doanh thu quý I/2015 trên từng loại hình kinh tế và ngành kinh tế đạt được như sau: - Kinh tế nhà nước: 175,25 tỷ đồng, tăng 2,11% so quý I/2014; - Kinh tế tập thể: 5,29 tỷ đồng, giảm 8,19%; - Kinh tế cá thể: 7.045,6 tỷ đồng, tăng 12,53% ; - Kinh tế tư nhân 6.049 tỷ đồng, tăng 11,58%. * Hoạt động thương nghiệp: Tổng mức hàng hóa thương nghiệp bán lẻ ước thực hiện được 3.752,5 tỷ đồng, giảm 11,35% so tháng trước và tăng 1,18% so cùng kỳ. Quý I/2015 tổng mức hàng hóa thương nghiệp bán lẻ 11.005,8 tỷ đồng, đạt 21,5% kế hoạch và tăng 11,8% so quý I năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá, sức mua trên thị trường tăng 10,7%, đây là mức tăng khá cao do có Tết Nguyên đán nằm trong quý này. Nhìn chung hoạt động thương nghiệp trong quý I/2015 lượng hàng hóa phục vụ nhân dân dồi dào, giá cả hợp lý, không tăng đột biến, sức mua trong dân ổn định, các doanh nghiệp lớn trong tỉnh tham gia chương trình đưa hàng bình ổn giá về các huyện vùng sâu, biên giới, hải đảo và gắn với khâu tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên đã góp phần nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa trên toàn tỉnh tăng 11,8%. * Hoạt động lưu trú, ăn uống: Tháng 3 là tháng không còn lễ tết nên những cơ sở lưu trú và ăn uống hoạt động kinh doanh giảm hơn tháng trước, do đó để thu hút khách tăng doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, các cơ sở kinh doanh ngoài đầu tư phát triển còn đưa ra những chương trình khuyến mãi, giảm giá phát huy được hiệu quả, điển hình hiện nay các khách sạn ở Phú Quốc trong kỳ nghỉ lễ như 30/4 sắp tới đã đặt kín phòng. Dự kiến doanh thu hoạt động lưu trú và ăn uống trong tháng 3 được 419,5 tỷ đồng, giảm 6% so tháng trước. Tuy nhiên tính cả quý I/2015 dự kiến doanh thu thực hiện được 1.297,3 tỷ đồng, tăng 8,65% so quý I năm 2014. Bao gồm: Doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 141,1 tỷ đồng, tăng 6,53% và doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 1.156,1 tỷ đồng, tăng 8,91%. * Hoạt động du lịch lữ hành: Doanh thu hoạt động du lịch lữ hành tháng 3/2015 thực hiện trên 6,4 tỷ đồng, giảm 28,19% so tháng trước. Nguyên nhân doanh thu giảm sâu do không vào dịp nghỉ nên số lượng du khách giảm, kỳ vọng trong dịp lễ 30/4 được nghỉ dài ngày nâng số lượt khách và doanh thu tăng cao hơn. Dự kiến quý I/2015: số lượt khách theo tour đạt 28,7 nghìn lượt, trong đó khách quốc tế 8,3 ngàn lượt và khách trong nước 20,4 ngàn lượt. * Hoạt động dịch vụ: Tháng 3/2015 doanh thu dịch vụ ước tính được 238 tỷ đồng, giảm 16,89% so với tháng trước. Nguyên nhân tháng sau Tết các doanh nghiệp hoạt động chưa đều, nhất là dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 25,6%, nhóm dịch vụ này chiếm tỷ trọng 58% trong tổng doanh thu dịch vụ. Trong đó, chủ yếu là Doanh nghiệp Phú Cường kinh doanh bất động sản ký trong quý I hợp đồng mua bán chậm nên mức doanh thu giảm dần qua các tháng (Tháng 1: 66,5 tỷ đồng; tháng 2: 37,7 tỷ đồng; dự kiến tháng 3: 28 tỷ đồng) Tính chung quý I/2015 doanh thu các hoạt động dịch vụ đạt 946,7 tỷ đồng, tăng 32,12% so quý I năm trước. Trong đó: doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản 551,7 tỷ đồng, tăng 18,12%; dịch vụ sửa chữa đồ dùng cá nhân gia đình 96,6 tỷ đồng, tăng 2 lần; dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội 81,7 tỷ đồng, tăng 17,59%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ 76,8 tỷ đồng, tăng 43,3% .... Về công tác quản lý thị trường: Trong tháng 2/2015 kiểm tra 109 vụ việc, phát hiện 59 vụ vi phạm qui định của nhà nước, trong đó có 31 vụ buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 05 vụ gian lận thương mại; 01 vụ vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng và 22 vụ vi phạm khác trong kinh doanh. Đã xử lý, thu phạt, nộp Ngân sách nhà nước 267,7 triệu đồng. Tính chung 2 tháng kiểm tra được 211vụ, phát hiện 122 vụ vi phạm qui định của Nhà nước, trong đó 71 vụ buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 9 vụ gian lận thương mại; 02 vụ vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng và 40 vụ vi phạm khách trong kinh doanh. Đã xử lý nộp ngân sách nhà nước 922,7 triệu đồng. 6.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu: Tháng 3 ước tính đạt 26,6 triệu USD, tăng 80,6% so với tháng trước và giảm 25,76% so cùng kỳ năm trước, trong đó: hàng nông sản 16,8 triệu USD, tăng 3 lần so tháng trước, giảm 33,86% so cùng kỳ năm trước; hàng thủy sản 8,6 triệu USD, tăng 32,73% so tháng trước và giảm 11,04%. Trong tháng 3 những Công ty xuất khẩu gạo chủ lực của tỉnh dự kiến xuất khá cao, dự kiến xuất 49.081 tấn gạo, như: Công ty Du lịch- Thương mại dự kiến xuất trực tiếp 27.716 tấn với trị giá trên 9,6 triệu USD; Công ty kinh doanh nông sản ước xuất 8.215 tấn với trị giá trên 2,9 triệu USD; Công ty MTV Thương mại-dịch vụ dự kiến xuất 2.125 tấn với trị giá trên 730 ngàn USD; Công ty Cp nông lâm sản dự kiến xuất trực tiếp 1.600 tấn với trị giá 370 ngàn USD; Công ty xuất nhập khẩu Kiên Giang dự kiến xuất trực tiếp 7.425 tấn với trị giá trên 2,6 triệu USD. Việc thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông xuân 2014-2015, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong tỉnh thực hiện đến ngày 15/3 được 24 ngàn tấn gạo nguyên liệu đạt 30% chỉ tiêu được giao, trong đó: Cty Du lịch Thương mại gần 11 ngàn tấn; Cty Thương mại Dịch vụ 4,14 ngàn tấn và Cty CP Nông Lâm sản 4,1 ngàn tấn; Cty Xuất nhập khẩu 3,7 ngàn tấn; Cty CP Kinh doanh Nông sản 1,1 ngàn tấn. Tính chung quý I/2015, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 67,9 triệu USD, bằng 12,92% kế hoạch năm và giảm 12,53% so với quý I năm trước. Trong đó: hàng nông sản 33,1 triệu USD, đạt 10,53% kế hoạch năm và giảm 31,69% so quý I/2014; hàng thủy sản 30 triệu USD, đạt 17,7% kế hoạch và tăng 7,32%; hàng hóa khác 4,6 triệu USD, đạt 11,44% kế hoạch và tăng 2,6 lần. Các mặt hàng xuất khẩu quý I/2015 đạt khá so cùng kỳ năm trước như: cá đông đạt 560 tấn, tăng 88,55%; mực và tuộc đông 1.998 tấn, tăng 5,66%; hàng hóa khác tăng rất cao gồm mì gói, nước rửa chén, cá đóng hộp... xuất sang thị trường Campuchia từ các công ty ở Hà Tiên hoạt động kinh doanh trở lại. Một số mặt hàng xuất đạt mức thấp so kế hoạch và so quý I năm 2014 như: Tôm đông lạnh 432 tấn, bằng 9,6% kế hoạch, giảm 3,79% so cùng kỳ; cá cơm sấy 87 tấn, bằng 11,9% kế hoạch, giảm 58,46%; gạo 86,4 ngàn tấn, bằng 12,35% kế hoạch và giảm 18,33%... Tình hình xuất khẩu trong quý I/2015 của tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là mặt hàng nông sản kim ngạch đạt rất thấp. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản của tỉnh còn vướng mắc trong cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu biến động khó lường, những rào cản kỹ thuật, phi thuế quan đối với mặt hàng tôm, mực ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu: Tháng 3 ước tính đạt 3 triệu USD, tăng 8,03% so với tháng trước, tăng 39,53% so cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2015 trị giá nhập ước được 7,2 triệu USD, đạt 12,05% kế hoạch năm và giảm 0,14% so quý I năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dùng cho sản xuất, lượng nhập trong quý I gồm: thạch cao 19,2 ngàn tấn, tăng 4,89% so cùng kỳ; giấy Kratp 300 tấn, tăng 20%; hạt nhựa 265 tấn, bằng 37,2%. Riêng mặt hàng gỗ nhập trở lại qua đường tiểu ngạch trên địa bàn tỉnh với trị giá 250 ngàn USD và Công ty Vinpearl Phú Quốc nhập trang thiết bị, máy móc trị giá 2,5 triệu USD. 6.3 Vận tải Vận tải hành khách: Tháng 3 vận tải hành khách ước tính 5,04 triệu lượt khách, giảm 3,54% so tháng trước; luân chuyển 351,8 triệu HK.km, giảm 3,03% so tháng trước. Tính chung quý I/2015 vận tải hành khách ước thực hiện 15,2 triệu lượt khách, đạt 24,59% kế hoạch và tăng 6,98% so quý I năm trước và luân chuyển 1.063,7 triệu HK.km, đạt 30,68% kế hoạch và tăng 6,71%. Bao gồm: Vận tải hành khách đường bộ 12,1 triệu lượt khách, tăng 6,25% so cùng kỳ và luân chuyển 839,6 triệu lượt khách.km, tăng 5,97%; vận tải hành khách đường sông 2,7 triệu lượt khách, tăng 10,34% và luân chuyển 172,4 triệu lượt khách.km, tăng 10,43%; Vận tải hành khách đường biển 0,43 triệu lượt khách, tăng 6,9% và luân chuyển 51,6 triệu lượt khách.km, tăng 6,9% so cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa: Tháng 3 vận tải hàng hóa ước tính 762 ngàn tấn, giảm 5,11% so tháng trước; luân chuyển 100,2 triệu tấn.km, giảm 5,08% so tháng trước. Quý I/2015, vận tải hàng hóa ước tính 2,2 triệu tấn, đạt 25,39% kế hoạch năm và tăng 8,46% so quý I năm trước và luân chuyển 298,6 triệu tấn.km, đạt 24,26% kế hoạch và tăng 8,26%. Gồm: Vận tải hàng hóa đường bộ 703 ngàn tấn, tăng 6,35% so quý I/2014 và luân chuyển 95,5 triệu tấn.km, tăng 6,09%; Vận tải hàng hóa đường sông 939 ngàn tấn, tăng 10,6% và luân chuyển 117 triệu tấn.km, tăng 10,57% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa đường biển 627 ngàn tấn, tăng 7,73% và luân chuyển 85,9 triệu tấn.km, tăng 7,65% so quý I năm trước. Trong quý I doanh thu vận tải thực hiện trên 2.196 tỷ đồng, tăng 12,2% so quý I năm trước. Quý I có Tết, lưu lượng phương tiện giao thông tăng đáng kể, để phục vụ nhân dân đi lại được đảm bảo an toàn trật tự trước trong và sau tết, lực lượng cảnh sát giao thông triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tăng cường tuần tra kiểm soát tránh ùn tắc giao thông. Ngành giao thông kết hợp với các ngành, các cấp có liên quan chuẩn bị phương tiện phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách, tăng cường tuần tra, kiểm soát lái xe và phương tiện cùng các lĩnh vực khác liên quan đến an toàn giao thông. 6.4. Bưu chính - Viễn thông Trong quý I/2015, hoạt động Bưu chính, Viễn thông vẫn phát triển, thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin liên lạc cho mọi tầng lớp nhân dântrong tỉnh. Các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông luôn duy trì các chương trình khuyến mãi thuận lợi cho nhu cầu sử dụng. Ước tính tổng doanh thu bưu chính và viễn thông trong quý I năm 2015 đạt 485 tỷ đồng, đạt 27,05% kế hoạch, tăng 19,96% so quý I năm 2014, trong đó doanh thu viễn thông ước tính 469 tỷ đồng, tăng 20,26%. Mức tăng đáng kể thể hiện số điện thoại di động phát triển mới tăng mạnh đạt 73.539 thuê bao, tăng 5 lần so cùng kỳ năm trước, do sử dụng sim điện thoại di động với giá khuyến mãi làm hạn chế sử dụng thuê bao cố định (giảm 613 thuê bao). Nâng thuê bao điện thoại hiện có trên mạng đến nay là 1.944.360 thuê bao, vượt 4,54% kế hoạch và tăng 5,33% so quý I năm trước. Số thuê bao internet phát triển mới đạt 2.255 thuê bao, tăng 62,11% so cùng kỳ, nâng tổng thuê bao internet hiện có trên mạng được 77.243 thuê bao, vượt 5,52% kế hoạch và tăng 16,35%. 6.5. Du lịch Khách du lịch trong tháng 3 là tháng sau tết nên giảm mạnh so tháng trước. Dự tính tổng lượt khách du lịch trong tháng được 287,7 ngàn lượt khách, giảm 38,68% so tháng trước. Trong đó: Lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 109,7 ngàn lượt khách, giảm 17,61%; số khách quốc tế 24,9 ngàn lượt khách, giảm 8,27%. Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch bao gồm: số lượt khách từ cơ sở lưu trú du lịch phục vụ đạt 101,4 ngàn lượt khách giảm 17,16% so với tháng trước, trong đó khách ngủ qua đêm 82,5 ngàn giảm 17,37% với hệ số 2,43 ngày khách; khách du lịch đi theo tour đạt 8,3 ngàn lượt khách, giảm 22,79% so tháng trước, trong đó khách quốc tế 1,8 ngàn lượt, khách trong nước gần 6,5 ngàn lượt. Ngày khách theo tour 13,2 ngàn ngày khách với hệ số 1,59 ngày khách, trong đó khách quốc tế 3,2 ngàn ngày khách với hệ số 1,76 ngày khách. Tính chung quý I/2015, tổng lượt khách du lịch được 1,041 triệu lượt khách, đạt 24,59% kế hoạch và giảm 2,14% so quý I năm trước. Trong đó: Lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch 357,2 ngàn lượt khách, đạt 17,82% kế hoạch và giảm 7,54%. Số khách quốc tế đạt 86,7 ngàn lượt khách, tăng 30,09% so với cùng kỳ. Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch bao gồm: khách cơ sở lưu trú du lịch phục vụ đạt 328,4 ngàn lượt khách, giảm 8,44% và khách du lịch đi theo tour đạt 28,7 ngàn lượt khách, tăng 4,25% so quý I năm 2014. Trong quý I năm nay, số khách du lịch đến tỉnh tăng cao từ lượt khách quốc tế cũng như tổng số ngày khách lưu trú. Sự phát triển mở đường bay tại sân bay quốc tế Phú Quốc là một trong số điều kiện thuận tiện cho ngành du lịch tỉnh nhà phấn khởi, tuy nhiên số khách trong nước đến tỉnh con số còn khiêm tốn, điều này đặt ra cho ngành du lịch nghiên cứu khai thác, phát huy tiềm năng du lịch sẵn có của tỉnh, đồng thời tìm biện pháp thu hút khách đến tỉnh ngày càng nhiều, tạo thành ngành công nghiệp không khói mủi nhọn, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. 6.6. Chỉ số giá * Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng (tính từ 15/2 đến 15/3/2015) tăng 0,23% so với tháng trước. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 0,32%, khu vực nông thôn tăng 0,19%. Những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng tăng là do giá đô la Mỹ tăng cao 1,3%; kế đến nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,57% vì nhu cầu tăng trong dịp tết và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,45% do giá gas tăng 1,64% vào đầu tháng 3 và dầu hỏa tăng 4,52% vào ngày 11/3. Việc điều chỉnh giá xăng, dầu tăng, giảm đưa nhóm giao thông tháng này còn giảm -0,23%. Các nhóm còn lại như nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,4% (trong đó: mặt hàng lương thực tăng cao 0,72% do các doanh nghiệp thực hiện theo chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo vụ Đông xuân làm giá lúa, gạo tăng nhẹ, mặt hàng thực phẩm ít biến động do nguồn cung dồi dào chỉ tăng 0,06%); nhóm đồ uống, thuốc hút tăng không đáng kể 0,19%; nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,4% vì nhu cầu mua sắm tăng mạnh trong dịp tết; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,44% do nhu cầu phục vụ tết; một nhóm hàng giảm là nhóm giao thông -0,23%. Sau 1 năm (Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2015 so với tháng 3/2014) tăng 1,51%, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất là 8,5%; kế đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,13%.. hai nhóm giảm mạnh nhất là nhóm giao thông giảm -10,42% và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm -6,7%. * Chỉ số giá vàng: Tính đến ngày 15/3/2015, hiện giá vàng giảm theo giá thế giới và có mức trên lệch khá cao trên 5 triệu đồng/lượng so giá thế giới, chỉ số giá vàng so tháng trước giảm 4,64%, bình quân giá bán trong tháng là 3.080.000đ/chỉ. Chỉ số giá vàng tháng 3 so cùng kỳ (3/2014) giảm 8,61%. * Chỉ số giá Đô la Mỹ: Do nhu cầu sử dụng, giá Đô la Mỹ trong tháng này tăng cao. Chỉ số giá Đô la Mỹ tăng 1,3% so tháng trước, là mức tăng mạnh nhất trong thời gian qua. Tính đến thời điểm điều tra 13/3/2015, tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển giá bán ra: 21.420/USD và thị trường tự do bán 21.785đ/USD, mức tăng này tác động đến chỉ số giá Đô la Mỹ tháng này so với cùng kỳ (tháng 3/2014) tăng 2,29%. 7. MỘT SỐ TÌNH HÌNH XÃ HỘI 7.1. Tình hình đời sống dân cư: Trong những tháng đầu năm 2015, đời sống của các tầng lớp dân cư toàn tỉnh tương đối ổn định và có phần cải thiện hơn. Tuy nhiên trong quý một có tết âm lịch, nhiều chính sách hỗ trợ cho cán bộ công chức, những mặt hàng thiết yếu như gas, điện, xăng, dầu đồng loạt tăng giá, khiến đời sống dân cư ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong quý, người lao động được nghỉ tết dài ngày, để đáp ứng nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng và kiềm chế tăng giá, các doanh nghiệp chủ động dự trữ hàng hóa để phục vụ đầy đủ cho nhân dân với giá cả được ổn định. Sau tết nguồn hàng hóa dồi dào, giá không biến động so với trước tết, một số mặt hàng còn giảm giá tạo phấn khởi cho người dân. Đối với đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương: Trong quý một Chính phủ vừa ban hành Nghị định tăng tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hưởng lương từ hệ số 2,34% trở xuống sẽ được tăng thêm 8% mức lương được hưởng, đời sống công chức được cải thiện hơn, hỗ trợ phần nào chi phí cho cuộc sống. Ở nông thôn, nông dân đã thu hoạch xong lúa vụ mùa và đang thu hoạch vụ đông xuân, phấn khởi hơn khi lúa năng suất đạt khá và giá lúa có nhích lên chút ít trong thực hiện chủ trương Chính phủ về thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân. Cùng với sản xuất lúa nông dân kết hợp với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, giá cả sản phẩm chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi ổn định, giá tôm nguyên liệu đang ở mức cao làm nông dân an tâm đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng tạo cuộc sống bền vững và khấm khá đưa bức tranh nông thôn có chuyển biến tích cực hơn. Đối với ngư dân trong tỉnh đang tìm cách vay vốn theo nghị định 67 của Chính phủ, nhằm đóng mới hoặc cải hoán nâng cấp phương tiện đánh bắt để vươn ra khai thác xa bờ nâng cao sản lượng. 7.2. Lao động, việc làm: Tháng 3 giải quyết việc làm cho 3.595 lượt người, trong đó giải quyết việc làm trong tỉnh: 1.611 lượt người; ngoài tỉnh: 1.981 lượt người, xuất khẩu lao động 03 người. Tính chung quý I, giải quyết việc làm cho 7.044 lượt người, trong đó giải quyết việc làm trong tỉnh: 4.774 lượt người; ngoài tỉnh: 2.267 lượt người, xuất khẩu lao động 03 người. Về công tác đào tạo nghề trong quý I các trường, trung tâm, cơ sở tổ chức dạy nghề cho 9.377 người, trong đó sơ cấp nghề 1.034 người và dạy nghề dưới 3 tháng 8.343 người để phục vụ cơ sở sản xuất công nghiệp. 7.3. Về chính sách an sinh xã hội: Tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo như: hỗ trợ giáo dục-đào tạo; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo…các chính sách hỗ trợ đã tiếp tục phát huy tác dụng cho hộ nghèo sớm ổn định, phát triển cuộc sống. Trong quý I, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị, thành phố triển khai quà tết cho người nghèo, cận nghèo trong tỉnh với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng. Ngoài ra các đơn vị tổ chức vận động quà cho hộ khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tiền mặt và hiện vật trên 11 tỷ đồng. Tham mưu UBND tỉnh cấp phát quà cho các đoàn đi thăm hỏi chúc tết gia đình chính sách nhân dịp tết năm 2015 với tổng kinh phí 6 tỷ 800 triệu đồng. Ban hành văn bản kêu gọi các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh. 7.4. Tình hình Giáo dục: Ngành giáo dục đang tiến hành tổng hợp và thông báo kết quả kiểm tra học kỳ I các môn văn hóa lớp 12 THPT toàn tỉnh. Kết quả tỉ lệ đạt trung bình trở lên: Ngữ văn 68,80%; Hóa 60,00%; tiếng Anh 61,10%; Toán 66,06%; Sinh học 44,20%; Địa lý 62,79%; Tham gia tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT năm 2015, kết quả: đạt 3 giải quốc gia (02 Giải Ba môn: Lịch Sử, Tin học; 01 giải KK môn Văn). Phối hợp tổ chức thi chung kết “Đỉnh núi trí tuệ” khu vực phía Nam tại Kiên Giang. Tổ chức các kỳ thi: Thi chọn học sinh giỏi vòng tỉnh lớp 9 THCS; thi tiếng Anh trên Internet cấp tỉnh; thi Toán trên Internet; thi học sinh giỏi giải toán trên máy tính cầm tay năm học 2014-2015. Tổ chức cho học sinh tham dự cuộc thi Olympic “Tài năng tiếng Anh” cấp quốc gia tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Thu thập dữ liệu sơ bộ về số lượng đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và chuẩn bị triển khai quy chế thi. Hoàn thành cấp phát Bằng tốt nghiệp THPT năm 2014. Tổng hợp, báo cáo kết quả xét Tốt nghiệp THCS (hệ GDTX) năm 2014, kết quả có 1740/1781 học viên đạt, tỉ lệ 97,7%. Tiến hành đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục theo đề nghị, đến cuối quý I có 17 trường được công nhận đạt chuẩn Kiểm định chất lượng giáo dục. 7.5. Hoạt động Văn hóa, Thể thao: Trong quý 1/2015, Ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công các sự kiện lễ hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn đảm bảo đúng kế hoạch đề ra, tạo ấn tượng tốt như: Lễ hội lần thứ 4 kỷ niệm 53 năm ngày hy sinh của AHLLVTND Phan Thị Ràng (1962 - 2015); Lễ mít tinh kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng tại Khu di tích Ranh Hạt - huyện Vĩnh Thuận; Lễ hội đón Giao thừa tết Nguyên đán tại thành phố Rạch Giá, huyện Phú Quốc, U Minh Thượng và các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất Mùi; Lễ hội Năm văn hóa du lịch Hà Tiên và kỷ niệm 279 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các gắn với Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIII; chương trình "Nghĩa tình biên giới, biển đảo quê hương" lần thứ III năm 2015 tại huyện Phú Quốc, kết hợp với Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam tại Phú Quốc. Chuẩn bị kế hoạch tổ chức Lễ mít tinh và các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; kế hoạch tổ chức Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng huyện Tân Hiệp năm 2015. Triển khai kế hoạch tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Kiên Giang tại các huyện, thị, thành phố và phối hợp với UBND thành phố tại phường Vĩnh Lạc, có 600 lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh - sinh viên tham gia. Hỗ trợ Công an tỉnh tổ chức Hội thao mừng Đảng, mừng Xuân Ất Mùi 2015; hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Hội khỏe Phù Đổng năm học 2014 - 2015. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kiên Giang năm học 2014 - 2015. Phong trào thể thao quần chúng được tổ chức đa dạng, nội dung phong phú, hoạt động sôi nổi, thiết thực chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân; đã tổ chức trên 36 giải thi đấu thể dục thể thao như: Bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, đá cầu lưới, cầu lông, cờ tướng, bóng bàn, đua xe đạp… và các trò chơi dân gian, có 4 ngàn vận động viên tham gia, có 50 ngàn lượt người đến xem và cổ vũ. Đội tuyển cờ vua tham dự thi đấu 04 giải: Vô địch Đông Nam Á khu vực, Cờ vua Quốc tế HD Bank, Đại hội Thể dục Thể thao ĐBSCL và giải Cờ vua Mừng Đảng, Mừng Xuân Đồng Tháp mở rộng đạt 09 huy chương (04 HCV, 03 HCB, 02 HCĐ). Đội tuyển Quần vợt tham gia thi đấu 02 giải: Đại hội Thể dục Thể thao ĐBSCL lần thứ VI, vô địch Quần vợt nữ toàn quốc năm 2015 đạt 11 huy chương (04 HCV, 03 HCB và 04 HCĐ). Chuẩn bị đăng cai tổ chức 04 môn: Điền kinh, Đua ghe ngo, Bóng chuyền bãi biển nữ, Thể dục Thể hình - Fitness. Tuyển chọn vận động viên các môn thể hình, đua ghe ngo, võ cổ truyền, vovinam, billiards, cử tạ chuẩn bị tập huấn tham dự Đại hội Thể dục Thể thao ĐBSCL lần thứ VI năm 2015. Phối hợp tổ chức đón và đưa đoàn đua xe đạp nam chặng 4,5 giải Tour xe đạp toàn quốc tranh cúp Truyền hình Bến Tre lần thứ VII năm 2015. 7.6 Tình hình y tế: Theo Ngành Y tế trong quý I/2015 trên địa bàn tỉnh Bệnh Tay chân miệng có tổng số ca mắc là 183 cas, giảm 40 cas so cùng kỳ năm 2014 không có trường hợp nào bị biến chứng và tử vong. Các bệnh truyền nhiễm: Bệnh tiêu chảy mắc 1.593 cas, tăng 342 cas so với quý I/2014; Bệnh Thương hàn và Phó Thương hàn mắc 09 cas, giảm 11 ca; Bệnh Lỵ trực trùng mắc 40 cas, tăng 15 cas; Bệnh Lỵ Amip mắc 36 cas, giảm 07 cas; Bệnh Thủy đậu mắc 19 cas, giảm 82 cas so với quý I/2014. Trong quý không ghi nhận cas sởi nào, còn các bệnh truyền nhiễm khác trong quý có xu hướng giảm. Chương trình phòng chống sốt xuất huyết: Quý I toàn tỉnh có 74 cas mắc sốt xuất huyết, tăng 06 cas so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương có số mắc cao trong quý là TP. Rạch Giá 24 cas, Phú Quốc 16 cas, các địa phương khác có số ca mắc ít. Tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh chưa có vụ dịch nào xảy ra và không ghi nhận có cas biến chứng và tử vong. Chương trình phòng, chống sốt rét : Sở Y tế thường xuyên giám sát dịch tễ tại các địa phương có bệnh sốt rét lưu hành, các xã trọng điểm và các ca bệnh sốt rét ngoài tỉnh để phát hiện quản lý và điều trị kịp thời. Trong quý toàn tỉnh phát hiện 08 cas sốt rét, tăng 07 ca so cùng kỳ quý 1/2014. Số lam xét nghiệm là 1.501 lam tăng 663 lam so với cùng kỳ năm 2014. Chương trình phòng, chống bệnh Lao : Tổng số lam xét nghiệm 03 tháng đầu năm 2015 là 8.760 lam. Phát hiện mới là 566 người, tổng số bệnh nhân quản lý là 566 người. Trong quý điều trị khỏi bệnh cho 528 người, tổng số bệnh nhân tử vong là 25. So với cùng kỳ quý 1/2014 số lam xét nghiệm bệnh lao giảm 1.484 lam, phát hiện mới giảm 01 người và số bệnh nhân quản lý giảm 2.361 người nhưng số bệnh nhân điều trị khỏi lại tăng lên 56 người, số tử vong không tăng. Chương trình phòng, chống HIV/AIDS: Trong quý I thực hiện được 15.049 cas xét nghiệm máu, kết quả số cas nhiễm HIV là 42 cas. Số cas chuyển sang AIDS là 02 ca, tử vong 01 cas. Theo số liệu tích lũy tính đến ngày 28/02/2015 số nhiễm HIV toàn tỉnh là 4.864 cas (trong tỉnh 4.535 cas); chuyển sang AIDS 2.670 cas (trong tỉnh 2.652 cas); tử vong 5 cas trong tỉnh. Số còn sống ở địa phương nhiễm HIV là 1.844 cas; chuyển AIDS là 1.237 cas (trong tỉnh 1.237cas). 7.7. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 01 trường hợp ngộ độc thực phẩm , có 35 cas mắc chưa rõ nguyên nhân tại Thị xã Hà Tiên. 7.8. Tình hình an toàn giao thông: Theo Ban An toàn Giao Thông tỉnh tính từ ngày 16/02/2015 đến 15/03/2015. Toàn tỉnh xảy 41 vụ tai nạn giao thông, làm 16 người chết, 50 người bị thương. Trong đó số vụ TNGT ít nghiêm trọng trở lên là 17 vụ, làm 16 người chết và 17 người bị thương. Trong đó số vụ TNGT ít nghiêm trọng trở lên tăng 12 vụ, tăng 12 người chết, số người bị thương tăng 16 người. Do trong tháng này có Tết nên so với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 19 vụ, tăng 12 người chết và tăng 29 người bị thương. Trong quý I trên toàn tỉnh xảy ra 96 vụ tai nạn giao thông, làm 39 người chết, 109 người bị thương. Trong đó số vụ TNGT ít nghiêm trọng trở lên là 44 vụ, 39 người chết và 39 người bị thương. So với quý I năm trước, giảm 44 vụ TNGT, tăng 3 người chết và giảm 43 người bị thương. Tình hình tai nạn giao thông có tín hiệu tốt đã kéo giảm được số vụ, nhưng số người chết chưa giảm, do vậy các ngành chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giáo dục, tuyên truyền cho người dân có ý thức tôn trọng Luật lệ giao thông. 7.9. Tình hình cháy, nổ: Từ ngày 16/02/2015 đến 15/03/2015 toàn tỉnh xảy ra 07 vụ cháy. Thiệt hại do cháy gây ra ước tính 2,091 tỷ đồng, làm bị thương 02 người, không có người chết. Không có vụ nổ nào xảy ra. Trong đó: có 01 vụ cháy rừng tràm ở huyện Giang Thành làm thiệt hại 15.960 m2. Những nguyên nhân gây cháy là do chập điện 01vụ; bất cẩn trong sử dụng lửa: 02 vụ; đang điều tra: 04 vụ. Cháy xảy ra ở các huyện như: Phú Quốc: 02 vụ, Rạch Giá 01 vụ, Giang Thành: 01 vụ, Tân Hiệp: 01 vụ, Châu Thành: 01 vụ, Kiên Hải: 01 vụ. Số lũy kế trong quý I/2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ cháy. Thiệt hại lũy kế ước tính 3 tỷ 108 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước số vụ cháy tăng 03 vụ, mức độ thiệt hại về tài sản tăng 1 tỷ 652 triệu đồng. Số người bị thương do cháy, nổ tăng 02 người. Là mùa khô hạn, công tác phòng cháy, chữa cháy được các ngành, các cấp trong tỉnh tuyên truyền và hướng dẫn trong dân, tuy nhiên điều quan trọng là ở từng người dân, cần cẩn thận, không chủ quan, lơ là với vật dụng dễ gây cháy nổ, gây tác hại nguy hiểm về tài sản và sinh mạng con người. 8. Đề xuất kiến nghị: Với mức tăng trưởng GDP của quí I năm nay đạt 9,07% đây là mức tăng trưởng khá so với quí I năm trước. Tuy chưa đạt mức kế hoạch chung 10% cả năm, nhưng đây là mức tăng trưởng khá so với Vùng. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 10% trở lên như Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra, Cục Thống kê kiến nghị một số vấn đề như sau: 1. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhìn chung sản xuất tuy mức tăng trưởng khá ổn định, nhưng yếu tố bền vững chưa cao. Ngoài yếu tố tác động của thời tiết ra, giải pháp về khoa học hết sức quan trọng tác động đến tăng trưởng của ngành. Vì vậy các ngành chuyên môn tăng cường công tác khuyến nông, dự báo thị trường nông sản định kỳ để nông dân có hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý; Có kế hoạch phòng chống biến đổi khí hậu như: thông báo mưa bão, nước biển dâng gây ngập úng, khô hạn gây xâm nhập mặn... để nông dân yên tâm sản xuất đạt hiệu quả. Trung tâm Khuyến nông các địa phương cần tiếp tục đầu tư diện tích cánh đồng mẫu lớn; chọn tạo giống lúa đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng cao, tăng năng suất, áp dụng các giải pháp kỹ thuật và công nghệ cải tiến, giảm tổn thất sau thu hoạch nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng hạt gạo,có thị trường tiêu thụ, lợi nhuận tăng. 2. Về lĩnh vực thủy sản vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên tiềm ẩn khó khăn như: về giá cả đầu ra thiếu ổn định nhất là thời điểm thu hoạch rộ, chi phí đầu vào vẫn tăng, điều này gây thiệt hại không nhỏ cho người dân đồng thời gây tâm lý lo ngại cho việc đầu tư vào khai thác và nuôi trồng. Vì vậy cần có sự liên kết sản xuất, giữa người dân với nhà Khoa học và Nhà nước trong chỉ đạo điều hành sản xuất và ổn định giá cả; ngoài ra để thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản, cụ thể cần có chính sách hỗ trợ vốn để cải hoán, nâng cấp phương tiện nhỏ phát triển đánh bắt xa bờ đạt hiện quả, có kế hoạch đầu tư xử lý hệ thống kênh mương thủy lợi dẫn nước và thoát nước thải, có đầu tư cho hoạt động của Trung tâm giống, quan trắc, kiểm định nhằm hỗ trợ khoa học trong phát triển nuôi trồng thủy sản. 3. Tình hình xuất khẩu vẫn nhiều khó khăn, cần theo dõi sát quá trình thực hiện các quy định, chỉ đạo của Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu nhất là mặt hàng gạo; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường; tăng cường công tác thông tin thị trường; nỗ lực tập trung thực hiện nâng cao chất lượng, ổn định nguồn hàng; từng bước xây dựng thương hiệu xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu thị trường trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc phát sinh về vốn, tín dụng, để có biện pháp xử lý tháo gỡ kịp thời phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động kinh doanh xuất khẩu. 4. Đối với khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ, phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng cạnh tranh trong tương lai, là các ngành có công nghệ thích hợp, dễ tiếp thu và có nhu cầu cao trong tương lai, vừa đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước để tránh nhập khẩu, vừa đáp ứng xuất khẩu, đồng thời tăng thu nhập cho người lao động. Công nghiệp phải nhằm hỗ trợ nông nghiệp, nâng cao số lượng và chất lượng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường; duy trì và phát triển thế mạnh của một số ngành công nghiệp chế biến. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.. 5. Để có thể thu hút nhiều khách du lịch đặc biệt là khách du lịch quốc tế, ngành du lịch tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, quan tâm tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù của riêng địa phương mình... nâng cấp dịch vụ khách và các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách; khách sạn tham gia chương trình du lịch kích cầu, hạ giá các tour du lịch nhằm lôi kéo du khách trong nước đi du lịch, cũng như khuyến khích khách đến tỉnh. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch bằng các hình thức tham gia hội chợ, xúc tiến đường bay mới; tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật; ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch như nghề biển, thủ công mỹ nghệ, văn hóa biển đảo, văn hóa làng quê… 6. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, kịp thời, đúng đối tượng, các chương trình xóa đói giảm nghèo; giải quyết việc làm cho thanh niên trong độ tuổi lao động và đào tạo nghề đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng lao động trong thời gian tới./. Tải về: - Số liệu Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và Quý I năm 2015
Số lần đọc: 2155
Cục Thống kê Kiên Giang |
Tin liên quan
|