Tin nóng
21.07.2013

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Sản xuất nông nghiệp:

- Vụ đông xuân: Kết quả điều tra chính thức diện tích thu hoạch lúa đông xuân năm 2013 được 300.606 ha, năng suất bình quân 69,07 tạ/ha và sản lượng đạt 2.076.405 tấn. So với vụ đông xuân năm trước diện tích tăng 2,88% (tăng 8.429 ha), năng suất giảm 2,11% và sản lượng tăng 0,71% (sản lượng tăng 14.693 tấn).

- Vụ xuân hè: Toàn tỉnh gieo sạ được 15.134 ha lúa xuân hè, tăng 74,05% so cùng kỳ (tăng 6.439 ha), trong đó huyện Giang Thành 10.453 ha; U Minh Thượng 3.460 ha và Châu Thành 1.221 ha. Các địa phương sẽ thu hoạch dứt điểm vụ này vào cuối tháng 5, dự báo năng suất đạt 53,9 tạ/ha, sản lượng ước tính 81.572 tấn (so vụ xuân hè năm trước tăng 33.067 tấn).

Kết quả sản xuất lúa vụ mùa, vụ đông xuân và ước tính vụ xuân hè sản lượng đã đạt 2.440.590 tấn. Trong năm nay còn sản xuất vụ hè thu và thu đông nữa, nếu tình hình không có gì biến động lớn thì kế hoạch sản xuất lúa năm nay đạt 4.403.260 tấn có thể thực hiện được.

- Vụ hè thu: Tính đến trung tuần tháng 5 toàn tỉnh đã gieo sạ được 157.643 ha, bằng 53,99%  kế hoạch và so cùng kỳ năm trước thấp hơn 18.800 ha, do thời tiết trong tỉnh còn nắng nóng khô hạn nên diện tích xuống giống lúa hè thu năm nay muộn hơn cùng kỳ năm trước. Trong đó, có hai huyện đã gieo sạ xong là Tân Hiệp và Giồng Riềng, còn các huyện khác sẽ được gieo sạ dứt điểm theo lịch thời vụ vào trung tuần của tháng 6. Hiện nay trên diện tích gieo sạ đã có 5.855 ha lúa bị nhiễm sâu bệnh, và bị chuột phá, nhiều hơn cùng kỳ trên 2.200 ha, trong đó bệnh cháy lá 2.292 ha, sâu cuốn lá 1.103 ha, chuột 1.404 ha, lem lép hạt 625 ha…các huyện có lúa nhiễm sâu bệnh như Giồng Riềng, Tân Hiệp, Giang Thành. Hiện thời tiết đang nắng nóng xen kẻ mưa sẽ tạo ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển, ngành chức năng cùng các địa phương cần khuyến cáo và hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện kịp thời sâu bệnh để phòng trừ đạt hiệu quả.

- Chăn nuôi: Đầu tháng 3 và tháng 4  trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 ổ dịch cúm gia cầm ở huyện Hòn Đất và Giồng Riềng, đã tiêu hủy gần 2.000 con. Ngành Thú y đã tăng cường tiêm phòng cho gia súc gia cầm, đồng thời đã tiêu độc, khử trùng khu vực có dịch, đến nay chưa xuất hiện thêm ổ dịch nào.

Kết quả điều tra chăn nuôi tại thời điểm ngày 01/4/2013 như sau:

Đàn heo có 323.637 con, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,18% (tăng 6.866 con), mức tăng này thấp hơn so cùng kỳ năm 2012 (tăng 12.025 con).

 Đàn trâu có 7.327 con, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước (giảm 832 con). Đàn trâu giảm cũng có một phần do nhu cầu trâu cày kéo đã được thay thế bằng máy móc. Đàn bò có 11.446 con, tăng 4,38% so cùng kỳ (tăng 480 con) và tăng hầu hết ở các huyện.

Đàn gia cầm có 4.407 ngàn con, giảm 16,02% so với cùng kỳ (giảm 706 ngàn con). Trong đó, đàn gà 1.577 ngàn con, giảm 314 ngàn con; vịt 2.830 ngàn con, giảm 392 ngàn con.

b. Lâm nghiệp:

Tháng 5, thời tiết còn tiếp tục nắng nóng, lượng mưa chưa đều khắp, nhiệm vụ chủ yếu vẫn là chăm sóc và bảo vệ rừng. Công tác phòng chống cháy rừng được các ngành, địa phương luôn quan tâm, trong tháng không xảy ra vụ cháy nào.

c. Thủy sản:

Ước tính giá trị sản xuất thủy sản tháng 5 (giá so sánh 2010) đạt 1.484,9 tỷ đồng, trong đó giá trị khai thác trên 979 tỷ đồng và giá trị nuôi trồng trên 505,8 tỷ đồng. Nâng giá trị sản xuất 5 tháng lên 6.471,8 tỷ đồng, tăng hơn cùng kỳ năm trước 1,39%. Trong đó, giá trị khai thác 4.568,3 tỷ đồng, tăng 9,26%, giá trị nuôi trồng trên 1.903,4 tỷ đồng, giảm 13,55%.

 Về sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng, ước tính tháng 5 đạt 46.166 tấn, tăng hơn tháng trước 4,77%; lũy kế 5 tháng 217.607 tấn, đạt 36,96% kế hoạch năm và tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, trong đó:

 Sản lượng khai thác 174.635 tấn, đạt 40,1% kế hoạch năm và tăng 7,64% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm cá đạt 115.421 tấn, tăng 13,64%, (tăng13.851 tấn); tôm đạt 17.906 tấn, tăng 6,36%, (tăng1.071 tấn); mựcđđạt 23.705 tấn, tăng 4,60%, (tăng 1.042 tấn) và thủy sản khác đạt 17.603 tấn, giảm 20,54% (giảm 3.574 tấn) so cùng kỳ.

Sản lượng nuôi trồng 42.972 tấn, đạt 28,03% kế hoạch năm và giảm 11,27% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: cá đạt 20.892 tấn, tăng 7,80%, (tăng 1.511 tấn); tôm đạt 8.921 tấn, giảm 22,51% (giảm 2.591 tấn) và thủy sản khác đạt 13.159 tấn, giảm 24,97%, (giảm 4.380 tấn) so cùng kỳ.

Sản lượng nuôi trồng 5 tháng qua giảm nhiều ở lượng tôm nuôi do thời vụ nuôi  kéo dài chưa đến kỳ thu hoạch, hơn nữa năm nay dịch bệnh trên tôm xảy ra nhiều làm giảm năng suất, ngoài ra còn có một số thủy sản khác như sò lông không tìm được đầu ra, giá cả không ổn định làm người nuôi hạn chế thu hoạch. Tháng 5, bắt đầu vào mùa vụ thu hoạch tôm, ước tính sản lượng đạt 3.282 tấn, tăng 1.671 tấn so tháng trước, trong đó tôm sú được 2.161 tấn, tăng 1.361 tấn.

  Tính đến nay diện tích tôm nuôi đã thả được 84.884 ha, bằng 96,8% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ 1.330 ha . Thời gian qua tôm nuôi bị bệnh khá nhiều, ở vùng U Minh Thượng diện tích nhiễm bệnh lên đến 15.978 ha, thiệt hại nhiều nhất là An Minh trên 11.000 ha; An Biên trên 3.000 ha... diện tích thiệt hại này đã được khắc phục nuôi thả lại vì vậy mùa vụ thu hoạch tôm năm nay sẽ muộn hơn cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 18,33% so tháng trước và tăng 13,84% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,66% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Cao nhất là ngành khai khoáng tăng 34,61%; kế đến là ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11,98%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,35% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,9%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tháng 5 ước tính đạt 2.166,5 tỷ đồng, tăng 1,35% so tháng trước và tăng 12,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2.016,6 tỷ đồng, tăng 12,53%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 89,6 tỷ đồng, tăng 5,68%; ngành khai khoáng 49,1 tỷ đồng, tăng 17,82% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải đạt 11 tỷ đồng, tăng 12,63%.  Tính chung 5 tháng đạt 10.334,4 tỷ đồng, tăng 9,02% so cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9.691,6 tỷ đồng, tăng 9,16%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 382,9 tỷ đồng, tăng 5,79%; ngành khai khoáng 203,7 tỷ đồng, tăng 9,44% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải đạt 56 tỷ đồng, tăng 4,82%.

Một số sản phẩm công nghiệp sản xuất ước tính 5 tháng đạt khá cao so cùng kỳ năm 2012 như: Clinke trên 959,9 ngàn tấn, tăng 2,46 lần (tăng 570 ngàn tấn); cá đông 1.382 tấn, tăng 72,97% (tăng 583 tấn); tôm đông 1.337 tấn, tăng 27,58% (tăng 289 tấn); đá chẻ 94 ngàn viên, tăng 20,51% ... Bên cạnh đó cũng còn môt số sản phẩm có mức sản xuất giảm tương đối nhiều như: Mực đông 3.995 tấn, giảm 23,58%; xi măng 1,282,8 ngàn tấn, giảm 2,95%...

3. Vốn đầu tư

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tính tháng 5 thực hiện 388,9 tỷ đồng, tăng 3,44% so tháng trước. Luỹ kế 5 tháng ước tính  thực hiện trên 1.833,4 tỷ đồng, bằng 48,25% dự toán năm và tăng 18,88% so cùng kỳ năm 2012.

4. Thu, chi ngân sách Nhà nước:

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tháng 5 ước tính thực hiện thu trên 340,9 tỷ đồng, lũy kế 5 tháng trên 1.870,1 tỷ đồng, đạt 39,57% dự toán thu cả năm và tăng 5,89.% so với cùng kỳ năm trước. Một số khoản thu đạt khá cao như: Thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương trên 87 tỷ đồng, đạt 45,83%; thu phí lệ phí trên 23,4 tỷ đồng, đạt 53,35%; thu thuế bảo vệ môi trường 71,2 tỷ đồng, đạt 44,5%; thu thuế công thương nghiệp ngoài Nhà nước gần 497 tỷ đồng, đạt 41,08%. Một số khoản thu đạt kế hoạch còn rất thấp như: Thu tiền sử dụng đất trên 86,5 tỷ đồng, đạt 11,02%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên 58,9 tỷ đồng, đạt 30,24%; thuế thu nhập cá nhân trên 144,3 tỷ đồng, đạt 34,79%; thuế xuất nhập khẩu, TTĐB, VAT trên 21,3 tỷ đồng, đạt 35,07%.

     Tổng chi ngân sách địa phương tháng 5 ước tính thực hiện chi 723,6 tỷ đồng, tăng 18,22% so tháng trước. Lũy kế 5 tháng chi trên 3.199,1 tỷ đồng, bằng 38,5% dự toán năm và tăng 15,37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên 2.044,7 tỷ đồng, bằng 43,91% dự toán năm và tăng 6% so cùng kỳ; chi đầu tư phát triển trên 348,8 tỷ đồng, bằng 17,44% dự toán năm và giảm 22,58% so cùng kỳ năm trước.

5. Thương mại, giá cả và dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phục vụ tiêu dùng:

Thị trường bán lẻ hàng hóa trong tháng 5 hoạt động bình ổn, hàng hóa thị trường được dồi dào, phong phú, giá cả các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ đều duy trì, các doanh nghiệp bán lẻ và hệ thống siêu thị thường xuyên đưa ra các chương trình khuyến mãi tuy nhiên sức mua trong tháng tăng không cao. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Du lịch tỉnh vào đầu tháng 5 tổ chức Hội chợ Công-Nông nghiệp Kiên Giang 2013. Đến với hội chợ có nhiều doanh nghiệp, làng nghề trong và ngoài tỉnh tham gia, các đơn vị tham gia đã đem đến hội chợ nhiều sản phẩm nông nghiệp chế biến, máy móc, nông ngư cụ, giống cây trồng, thực phẩm đóng hộp, các sản phẩm từ nông nghiệp … Hội chợ đã  thu hút được nhiều người tiêu dùng tham quan, mua sắm.

Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5 đạt 4.167,3 tỷ đồng, tăng 1,19% so với tháng trước và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung  5 tháng đạt 20.276,6 tỷ đồng, đạt 41,37% kế hoạch năm và tăng 20,48% so với cùng kỳ năm trước.

Mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 tháng phân theo các thành phần kinh tế tăng không đều nhau, kinh tế cá thể đạt mức tăng cao nhất, nhưng giảm nhiều ở thành phần kinh tế nhà nước, cụ thể:

          - Kinh tế nhà nước đạt 548,7 tỷ đồng, giảm 10,93% so cùng kỳ;

          - Kinh tế cá thể đạt hơn 13.597 tỷ đồng, tăng 28,16%;

- Kinh tế tư nhân đạt 6.112,7 tỷ đồng, tăng 9,42%;

- Kinh tế tập thể đạt 18,21 tỷ đồng, tăng 3,45%.

Phân theo ngành kinh doanh có mức tăng như sau:

- Thương nghiệp đạt 17.616 tỷ đồng, tăng 21,66%;

- Khách sạn, nhà hàng đạt 2.030,9 tỷ đồng, tăng 9,44%;

- Dịch vụ, du lịch lữ hành đạt 629,6 tỷ đồng, tăng 27,48%.

Trong tháng 4 ngành Quản lý Thị trường tỉnh đã kiểm tra 193 vụ việc kinh doanh, qua đó phát hiện 42 vụ vi phạm, gồm 15 vụ buôn bán vận chuyển hàng lậu; 2 vụ gian lận thương mại; 1 vụ hàng giả và 24 vụ vi phạm khác trong kinh doanh. Thu phạt nộp vào ngân sách Nhà nước 117 triệu đồng. Tính chung 4 tháng  kiểm tra được 537 vụ, phát hiện vi phạm 225 vụ. Thu phạt nộp ngân sách Nhà nước 1,86 tỷ đồng.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa:

 Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 của tỉnh ước tính đạt trên 42,5 triệu USD, giảm 29,89% so với tháng trước, trong đó: hàng nông sản đạt trên 27,6 triệu USD, giảm 42,41%; hàng thủy sản đạt 13 triệu USD, tăng 19,19% và hàng hóa khác đạt 1,9 triệu USD, tăng 7,87%. Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu hơn 235,5 triệu USD, đạt 35,68% kế hoạch năm và tăng 11,88% so với cùng kỳ năm 2012, gồm:

+ Hàng nông sản 171,8 triệu USD, đạt 38,62% kế hoạch năm và tăng 13,89% với cùng kỳ năm trước.

+ Hàng thủy sản trên 54,8 triệu USD, đạt 29,67% kế hoạch năm, tăng 7,05% so cùng kỳ năm trước.

+ Hàng hóa khác trên 8,7 triệu USD, đạt 29,22% kế hoạch năm và tăng 5,2% cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng có mức xuất trong tháng 5 tăng so tháng trước như: Mực tuộc đông xuất 722 tấn, tăng 9,06%; tôm đông 560 tấn, tăng 6,26%; cá đông 195 tấn, tăng 5,98%; thủy sản đông khác 870 tấn, tăng 7,81%. Bên cạnh đó còn có mặt hàng xuất giảm như: gạo xuất 68 ngàn tấn, giảm 42,88%, cá cơm sấy được 44 tấn, giảm 8,33%.

Nguyên nhân lượng gạo xuất trong tháng 5 giảm nhiều so với tháng trước do nhu cầu nhập khẩu gạo không tăng nhưng lượng gạo tham gia thị trường xuất khẩu đang tăng mạnh làm cho giá gạo đang giảm mạnh, sự cạnh tranh về giá ngày càng quyết liệt, rất khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

- Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 ước tính đạt 2,9 triệu USD, tăng 8,34% so với tháng trước và giảm 3,28% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng kim ngạch nhập khầu được 13,3 triệu USD, đạt 38,03% kế hoạch năm, tăng 28,61 so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là sắt làm lưỡi câu; giấy krap và hạt nhựa để làm bao bì.

c. Chỉ số giá tiêu dùng:

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tiếp tục giảm 0,2% so với tháng trước. Trong đó có 4 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giá giảm là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,22% (lương thực giảm 0,31%, thực phẩm giảm 0,16% và ăn uống ngoài gia đình giảm 0,34%); nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 1,84% chủ yếu do giá gas giảm 17.000đ-23.000 đ/bình và giá dầu hỏa giảm 1,62%; nhóm giao thông giảm 0,46% (do giá xăng dầu 2 lần giảm 1,47%) và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%. Các nhóm còn lại có mức tăng nhẹ như nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,64%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,59%; thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,58%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,27%; nhóm giáo dục tăng 0,14%.. .

Chỉ số giá tiêu dùng sau 5 tháng (so với tháng 12/2012 ) cũng chỉ tăng 1,43%, đây là mức chỉ số giá tăng thấp trong mấy năm gần đây. Và bình quân 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ chỉ số giá cũng chỉ tăng 6,62%.

          Chỉ số giá vàng tháng 5/2013 giảm 5,97% so với tháng trước, mức giảm mạnh theo giá vàng thế giới, giá bán ra (loại vàng nhẫn 24k) bình quân trong tháng là 3.777.000đ/chỉ. Sau 5 tháng (so với tháng 12/2012) giá vàng giảm 12,12%.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5 tăng 0,86% so với tháng trước, với giá trao đổi ở các Ngân hàng thương mại bình quân là 21.000 VNĐ/USD. Sau 5 tháng (so với tháng 12/2012) giá USD tăng 0,72% so với đồng VN.

e. Vận tải:

- Vận chuyển hành khách: Tháng 5, ước tính vận chuyển được hơn 4,3 triệu lượt hành khách, tăng hơn tháng trước 3,39% và tăng so cùng kỳ năm trước 14,24%. Lũy kế 5 tháng vận chuyển hơn 22,5 triệu lượt khách và luân chuyển hơn 1.163,7 triệu lượt HK.km. So với kế hoạch năm, vận chuyển đạt 46,66% và luân chuyển đạt 46,29%; so với cùng kỳ năm trước vận chuyển tăng 6,82% và luân chuyển tăng 7,45%.

- Vận chuyển hàng hóa: Tháng 5, ước tính đạt 737 ngàn tấn, tăng hơn tháng trước 2,93% và so cùng kỳ năm trước tăng 19,26%. Lũy kế 5 tháng vận chuyển trên 3,4 triệu tấn hàng hóa, đạt 49,69% kế hoạch năm và tăng 13,41% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển hơn 466,8 triệu tấn.km, tăng 12,15% so với cùng kỳ năm trước.    

          d. Du lịch:

Tháng 5, có dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tương đối dài ngày nên lượng khách đến các điểm du lịch trong tỉnh tăng đáng kể, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước. Ước tính trong tháng 5 có 409 ngàn lượt khách đến các cơ sở lưu trú và khu, điểm du lịch trong tỉnh, tăng 14,39% so với tháng trước, giảm so cùng kỳ năm trước 3,11%. Tính chung 5 tháng tổng số khách đến tỉnh trên 1,8 triệu lượt người, đạt 43,96% kế họach cả năm và giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng khách đến các cơ sở lưu trú trên 517,8 ngàn lượt người, so với cùng kỳ năm trước tăng 23,46%, ngày khách cơ sở lưu trú du lịch phục vụ cũng tăng 31,73% và ngày khách du lịch theo tour cũng tăng 27,41%, điều đó thể hiện du lịch đang có sức hấp dẫn nên ngày lưu trú đang tăng lên khá cao.

6.  Một số tình hình xã hội

          - Ngành Giáo dục đã tổ chức hội nghị triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2013 và đề ra kế hoạch cụ thể cho kỳ thi tốt nghiệp nhằm thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế và theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; dự kiến kỳ thi này toàn tỉnh có 11.525 thí sinh dự thi, trong đó có 1.323 thí sinh khối giáo dục thường xuyên. Hiện học sinh cấp tiểu học và THCS đã tổ chức xong kỳ thi học kỳ 2, chuẩn bị xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 5 và lớp 9, tổng kết năm học 2012 – 2013 vào cuối tháng 5 này.

          - Ngành Văn hóa, Thể thao trong tháng 5, tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 59 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5); phối hợp với các đơn vị tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà, bản sắc dân tộc”; Thanh tra các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ du lịch được quan tâm thường xuyên, trong dịp Lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm 2013 trên địa bàn huyện Tân Hiệp; kết quả: kiểm tra 22 cơ sở, lập biên bản nhắc nhở 16 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính 01 cơ sở với số tiền 7,5 triệu đồng; tịch thu 25 món đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực và 186 đĩa phim, đĩa nhạc không dán tem nhãn.

          - Ước tính trong tháng 5 các cơ sở y tế trong tỉnh đã khám và điều trị cho 371.176 lượt người, trong đó điều trị nội trú cho 16.973 bệnh nhân, thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia. Đồng thời Ngành Y tế đang tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai kế hoạch phòng ngừa chủng cúm A/H7N9 và H5N1; tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát dịch tể nhằm phát hiện sớm và dập tắt dịch kịp thời; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, đặc biệt ở những địa phương có số ca mắc cao như huyện Phú Quốc, Vĩnh Thuận và Hòn Đất. Trong tháng có 76 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 14 ca so với tháng trước, tính từ đầu năm đến ngày 05/05/2013 toàn tỉnh có 275 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 648 ca so với cùng kỳ năm 2012 (cùng kỳ năm trước mắc 923 ca); Bệnh Tay Chân Miệng có 111 ca mắc, so với tháng trước tăng 27 ca, số mắc tập trung nhiều ở Hòn Đất, Tp. Rạch Giá, Giồng Riềng, Tân Hiệp, tính từ đầu năm đến ngày 05/05/2013 số mắc bệnh tay chân miệng toàn tỉnh là 488 ca, giảm 75 ca (13,3%) so với cùng kỳ năm 2012 (cùng kỳ năm 2012 mắc 563 ca), chưa ghi nhận có ca tử vong; Bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm hơn tháng trước: bệnh tiêu chảy thường mắc 704 ca, giảm 440 ca, không ghi nhận ca tiêu chảy cấp nguy hiểm, không có ca tử vong, cúm thường mắc 359 ca, giảm 33 so với tháng trước.

- An toàn vệ sinh thực phẩm: Trong tháng ngành Y tế tổ chức triển khai lễ phát động “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013; tổ chức 9 lớp tập huấn kiến thức ATVSTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, có 611 học viên tham dự. Toàn tỉnh quản lý 9.819 cơ sở trong đó 738 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, 3.717 Cơ sở kinh doanh tiêu dùng, 4.364 Cơ sở dịch vụ ăn uống. Tiến hành thanh, kiểm tra 1.231 cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh, trong đó có 108 cơ sở vi phạm và đã xử lý. Trong tháng xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm có 46 người bị ngộ độc tại Cty Bim ( Ấp Thuận An xã Phú Mỹ - huyện Giang Thành), mức độ ngộ độc nhẹ không ảnh hưởng đến tính mạng. Trung tâm y tế huyện đã kết hợp cùng Chi cục VSATTP lấy mẫu điều tra nguyên nhân ngộ độc.

 - Tình hình tai nạn giao thông: Theo Ban An toàn Giao thông tỉnh, tính từ ngày 01/4/2013 đến 30/4/2013 xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 11 người, bị thương 7 người. So với tháng trước số vụ  giảm 3 vụ, tăng 1 người chết và bị thương không tăng. So với tháng 4 năm 2012 số vụ tăng 2 vụ, tăng 7 người chết, số bị thương không tăng. Qua 4 tháng xảy ra 48 vụ TNGT, giảm 7,69%; số người chết 35 người, giảm 12,6% và 31 người bị thương, tăng 6,9%.

- Thiệt hại do thiên tai: Vào lúc 16 giờ 30 đến 17 giờ ngày 4 và 6 tháng 5 trên địa bàn xã Nam Thái Sơn và thị trấn Hòn Đất đã xảy ra 2 cơn gió lốc, làm tốc mái  4 căn nhà dân , một trường mẫu giáo thị trấn và sập 1 căn nhà, ước thiệt hại khoảng trên 300 triệu đồng, huyện Hòn Đất đã trích ngân sách từ quỹ phòng chống lụt bão để hỗ trợ cho mỗi căn nhà bị sập ba triệu đồng và một triệu đồng cho mỗi căn bị tốc mái.

- Thiệt hại do cháy nổ: Trong tháng (từ ngày 16/4 đến 15/5) toàn tỉnh đã xảy ra 03 vụ cháy, gồm 2 vụ cháy nhà dân và 1 vụ cháy cơ sở kinh doanh, không gây thiệt hại về người, ước thiệt hại tài sản 588 triệu đồng. Nguyên nhân có 2 vụ chập điện, 1 vụ rò rỉ nguyên liệu. Tổng số vụ cháy từ đầu năm đến nay là 18 vụ, với mức thiệt hại lên đến trên 7,6 tỷ đồng. /.

 

Tải về: - Số liệu Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2013

             - Số liệu CPI

Số lần đọc: 1985
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan