21.07.2013
Tình hình kinh tế trong nước và quốc tế còn gặp nhiều khó khăn dưới tác động của khủng hoảng kinh tế và nợ công ở Châu Âu chưa được giải quyết căn cơ; khủng hoảng chính trị, xung đột vũ trang ở một số nước Châu Phi, Trung Đông đang làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Kinh tế thế giới đang biến động khó lường, giá cả nguyên, nhiên liệu dùng cho sản xuất không ổn định, sức mua suy giảm, làm cho hoạt động của các doanh nghiệp trong nước đang trong tình trạng hết sức khó khăn, sản xuất hàng hóa tiêu thụ chậm, lượng hàng tồn kho khá lớn; nông dân sản xuất nông sản cũng khó tiêu thụ, giá nông sản giảm mạnh, ảnh hưởng không ít đến thu nhập. Bên cạnh đó thời tiết cũng có nhiều biến đổi phức tạp làm phát sinh dịch bệnh tác động không tốt đến sản xuất và đời sống … Trước những khó khăn trên Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng các cấp chính quyền địa phương, các ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ, đồng thời triển khai nhiều giải pháp cụ thể cả trước mắt và lâu dài, để khắc phục khó khăn, quyết tâm phấn đấu thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Kết quả, 6 tháng đầu năm hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định. An ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo, các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ, kinh tế vẫn tăng trưởng khá cao so với mức bình quân của cả nước và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Cụ thể có tình hình như sau: A. VỀ KINH TẾ 1. Tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) 6 tháng đầu năm 2013 ước tính đạt gần 29.340,6 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước (chính thức quí I tăng 9,27%; ước tính quý II tăng 9,15%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 5,08%, đóng góp cho tăng trưởng chung 2,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,44%, đóng góp cho tăng trưởng chung 2,54%; khu vực dịch vụ tăng 13,73%, đóng góp cho tăng trưởng chung 4,29%. Với mức tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 9,2% còn cách xa mục tiêu tăng trưởng 12,5% cả năm, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì đó đã là khá cao so với các tỉnh trong khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự như của tỉnh (Long An 9,2%; Tiền Giang 8,97%; Trà Vinh 7,1%; Vĩnh Long 5,26%; Đồng Tháp 6,54%; Cần Thơ 8,38%; Sóc Trăng 7,977%; Cà Mau 5,2% …). Tuy nhiên, mức tăng trưởng đã chậm hơn cùng kỳ của nhiều năm trước (6 tháng đầu năm 2010 đạt 10,56%; năm 2011 đạt 9,9%; năm 2012 đạt 10,12%). Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP)
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2013 đạt mức thấp hơn cùng kỳ năm trước, do các ngành sản xuất đang gặp khó khăn như: Nông nghiệp, năng suất lúa vụ đông xuân giảm gần 2 tạ/ha nên sản lượng lúa 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 55,4 ngàn tấn so cùng kỳ năm trước, thấp hơn 6 tháng năm 2012 (tăng 151 ngàn tấn), xuất khẩu gạo khó khăn, giá xuất khẩu giảm làm cho giá lúa sụt giảm mạnh; giá sản phẩm chăn nuôi cũng giảm trong khi chi phí đầu vào vẫn tăng, làm cho chăn nuôi kém hiệu quả, khó phát triển. Ngành nuôi trồng thủy sản, tôm nuôi bị dịch bệnh nhiều làm cho sản lượng giảm 1.322 tấn, sò nuôi các loại do khó tìm đầu ra nên thu hoạch ít làm sản lượng giảm trên 2.300 tấn so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp và xây dựng cũng rất khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm, nợ xấu nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn nên mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm trước. Do nền kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng đến thu nhập của phần lớn nhân dân làm cho sức mua của thị trường giảm làm chậm đà tăng trưởng của hoạt động thương mại dịch vụ và du lịch. 2. Tài chính, ngân hàng: 2.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng ước tính thu trên 2.502,3 tỷ đồng, đạt 52,95% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 15,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có một số khoản thu đạt dự toán cao như: Thu tiền sử dụng đất 433,5 tỷ đồng, đạt 55,22%; thu phí, lệ phí 26,8 tỷ đồng, đạt 61,09%; thuế bảo vệ môi trường 85,3 tỷ đồng, đạt 53,33%; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương 99 tỷ đồng, đạt 52,12%... Bên cạnh đó cũng còn một số khoản thu đạt kế hoạch rất thấp như: Thu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 73,7 tỷ đồng, đạt 37,83%; thuế thu nhập cá nhân 164,6 tỷ đồng, đạt 39,68%; thuế XN khẩu, TTĐB, VAT hàng nhập khẩu 25 tỷ đồng, đạt 40,98%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước 15,6 tỷ đồng, đạt 43,43%;... Kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt được khá cao do các khoản thu quản lý qua ngân sách tăng cao, còn các khoản thu nội địa mới đạt 48,45% dự toán. Nguyên nhân thu nội địa đạt thấp chủ yếu do thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 02/NQ-CP, ngày 7/01/2013 của Chính phủ và Thông tư số 16/2013/TT-BTC về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tổng chi ngân sách địa phương: Ứớc tính tổng chi ngân sách 6 tháng trên 3.960,9 tỷ đồng, bằng 47,67% dự toán năm và tăng 22,87% so với 6 tháng năm 2012. Trong đó, chi thường xuyên trên 2.339,2 tỷ đồng, bằng 50,23% dự toán năm và tăng 15,57% so với cùng kỳ năm trước; chi đầu tư phát triển 740,9 tỷ đồng, bằng 37,04% dự toán năm và tăng 2,88% so cùng kỳ. Việc điều hành chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2013 đã đảm bảo thực hiện đầy đủ theo dự toán, tiến độ được giao, giải quyết kịp thời kinh phí khắc phục thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ đột xuất phát sinh. Tuy nhiên tiến độ giải ngân còn chậm ở một số chương trình dự án đã và đang được triển khai. 2.2. Hoạt động Ngân hàng: Mục tiêu hoạt động ngân hàng trong năm 2013: Nguồn vốn hoạt động tăng trên 15% so năm trước, trong đó vốn huy động tại địa phương tăng 17%; kiểm soát tăng trưởng tín dụng không quá 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; tiếp tục ưu tiên cho vay nông nghiệp nông thôn, cho vay sản xuất hàng xuất khẩu; thực hiện quyết liệt các giải pháp tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; giải quyết nợ xấu. Sáu tháng đầu năm, thực hiện nhiệm vụ theo đúng chủ trương, điều hành chính sách tiền tệ theo Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ như: thay đổi trần lãi suất huy động và cho vay, chính sách cho vay ngoại tệ, cho vay tạm trữ lúa gạo, cho hộ cận nghèo vay, vay hỗ trợ nhà ở, các giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh...Trong 6 tháng đầu năm vốn tập trung cho sản xuất chiếm 85,63% trong tổng dư nợ cho vay; 14,37% dư nợ còn lại cho vay các lĩnh vực ngành nghề khác và cho vay tiêu dùng đảm bảo an sinh xã hội. Lãi suất cho vay thông thường đang từng bước được điều chỉnh giảm, mức lãi suất NHTMNN cho vay ngắn hạn sản xuất từ 9-12%/năm (giảm 2-3% so đầu năm); NHTMCP cho vay với mức lãi suất 12-15%/năm (giảm 4-5% so đầu năm). Nguồn vốn tăng trưởng 3,47%, dư nợ cho vay tăng 6,1%; tỷ lệ nợ xấu chiếm 3,87%. Ước tính đến 31/6/2013, tổng nguồn vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 38.460 tỷ đồng, tăng 9,63% so đầu năm, tăng 21,32% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó, huy động tại địa phương 19.915 tỷ đồng, tăng 8,38% so đầu năm và tăng 30,97% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 51,78% trong tổng nguồn vốn; nguồn vốn điều hòa và vốn vay ước đạt 12.110 tỷ đồng, tăng 22,26% so đầu năm và tăng 15,5% so cùng kỳ. Tổng doanh số cho vay 6 tháng đầu năm đạt 30.598 tỷ đồng, tăng 7,5% so đầu năm, tăng 32,06% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó: Vay ngắn hạn là 25.478 tỷ đồng, chiếm 83,27% doanh số vay; vay trung và dài hạn 5.120 tỷ đồng, chiếm 16,73% doanh số vay. Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 6 ước tính đạt 28.436 tỷ đồng, tăng 6,1% so đầu năm, tăng 13,84% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó cho vay ngắn hạn là 17.311 tỷ đồng, tăng 3,71% so đầu năm, tăng 4,04% so cùng kỳ; dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 60,88% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay trung dài hạn là 11.125 tỷ đồng, tăng 9,99% so đầu năm, tăng 33,4% so cùng kỳ; dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm tỷ trọng 39,12% tổng dư nợ. Dư nợ xấu và nợ có khả năng tổn thất 1.100 tỷ đồng, so đầu năm tăng 29,62%, so cùng kỳ tăng 37,31% và chiếm tỷ trọng 3,87% tổng dư nợ. Tổng thu tiền mặt qua quỹ ngân hàng ước đạt 71.900 tỷ đồng, tăng 4,59% so với cùng kỳ; tổng chi tiền mặt qua quỹ ngân hàng đạt 73.000 tỷ đồng, tăng 11,95% so với cùng kỳ; bội chi tiền mặt 1.100 tỷ đồng. 3. Đầu tư và xây dựng Do chính sách thắt chặt đầu tư công để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, nên vốn đầu tư, xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bị hạn chế, chỉ tập trung cho trả nợ công và bố trí vốn những công trình chuyển tiếp, đối với đầu tư mới tập trung đầu tư những công trình dự án cấp thiết cho sự phát triển kinh tế, xã hội như đường giao thông,cầu, cảng… 6 tháng đầu năm tiến độ giải ngân một số công trình cũng còn chậm. Bên cạnh đó, do kinh tế khó khăn nên việc đầu tư từ các doanh nghiệp cũng có xu hướng chậm lại, nhất là khu vực doanh nghiệp Nhà nước 6 tháng đầu năm ước tính chỉ đầu tư được 200 tỷ đồng trên tổng số 3.600 tỷ đồng kế hoạch đầu tư cả năm 2013. Ước tính tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt 12.946,4 tỷ đồng, bằng 43,74% kế hoạch năm. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên 1.967 tỷ đồng, bằng 51,77%; vốn do bộ ngành quản lý 1.900 tỷ đồng, bằng 63,33%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 300 tỷ đồng, bằng 35,13% kế hoạch; vốn của hộ dân cư, hộ kinh tế cá thể và doanh nghiệp ngoài nhà nước, tổ chức xã hội 8.348,2 tỷ, bằng 46,57% kế hoạch. 4. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 4.1. Nông nghiệp: * Về trồng trọt: Trồng trọt của tỉnh chủ yếu là trồng lúa, 6 tháng đầu năm nay nông dân gặp nhiều khó khăn, mặc dù Chính phủ đã hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp mua tạm trữ lúa gạo ở vụ đông xuân và hè thu với mức 2 triệu tấn, nhưng do xuất khẩu chậm nên lượng lúa hàng hóa ở trong dân vẫn tồn đọng nhiều, giá lúa giảm nhưng vẫn khó bán, ảnh hưởng lớn đến vòng chu chuyển vốn và thu nhập của nông dân, trong khi chi phí cho sản xuất không giảm, giá lúa bán có lúc chỉ tương đương giá thành. Diện tích gieo sạ 3 vụ lúa (chính thức vụ mùa, vụ đông xuân và sơ bộ vụ xuân hè) đạt 381.598 ha,với năng suất ước tính đạt 63,96 tạ/ha và sản lượng đạt 2.440.590 tấn, bẳng 55,43% kế hoạch năm. So với 3 vụ này năm 2012, diện tích tăng 16.296 ha, năng suất giảm 1,33 tạ/ha và sản lượng tăng 55.430 tấn. Kết quả từng vụ đạt được như sau: -Lúa mùa: Diện tích thu hoạch được 65.858 ha, đạt 100,01% kế hoạch năm và tăng 2,22% (tăng 1.428 ha) so với vụ mùa năm trước. Năng suất 42,91 tạ/ha, bằng 95,36% kế hoạch và tăng 0,56% (tăng 0,24 tạ/ha). Sản lượng thu hoạch 282.613 tấn, đạt 95,3% KH và tăng 7.670 tấn. Sản lượng vụ mùa tăng 7.670 tấn là do tăng cả diện tích và năng suất. Trong đó, diện tích tăng 1.428 ha làm tăng sản lượng 6.073 tấn và năng suất tăng 0.24 tạ/ha làm tăng sản lượng 1.597 tấn. Như vậy sản lượng lúa mùa tăng chủ yếu là do tăng diện tích. -Lúa đông xuân: Diện tích thu hoạch được 300.606 ha, vượt 1,56% kế hoạch năm và tăng 2,88% (tăng 8.429 ha) so với vụ đông xuân năm trước. Năng suất 69,07 tạ/ha, bằng 97,29% kế hoạch và giảm 2,11% (giảm 1,93 tạ/ha). Sản lượng thu hoạch 2.076.405 tấn, đạt 98,84% KH và tăng 14.693 tấn so với vụ đông xuân năm trước. Diện tích vụ đông xuân năm nay tăng nhiều ở huyện Hòn Đất với 6.009 ha, huyện Kiên Lương 2.480 ha, chủ yếu do chuyển đổi đất chưa trồng rừng, ngoài ra còn từ đất cải tạo vườn tạp, đất nuôi tôm kém hiệu quả sang trồng lúa và chuyển đất nuôi tôm sang 1 vụ lúa 1 vụ tôm…Năng suất giảm hơn đông xuân năm trước một mặt do phù xa không bằng, mặt khác do thời tiết năm nay không thuận lợi, lúa bị nhiễm bệnh nhiều. Sản lượng lúa đông xuân năm nay chỉ tăng 14.693 tấn, thấp hơn nhiều so với mức tăng của vụ đông xuân năm trước, do diện tích năm nay tăng nhưng năng suất lại giảm. Diện tích tăng 8.429 ha đã làm sản lượng tăng 72.590 tấn, nhưng năng suất giảm 1,93 tạ/ha đã làm giảm sản lượng 57.897 tấn. Nếu như năng suất tương đương lúa đông xuân năm trước thì sản lượng sẽ tăng trên 72 ngàn tấn. Lúa xuân hè: Diện tích gieo trồng được 15.134 ha, tăng 74,05% (tăng 6.439 ha), lúa xuân hè chủ yếu được gieo trồng ở huyện Giang Thành với 10.453 ha, U Minh Thượng 3.460 ha, Châu Thành 1.221 ha. Đến nay diện tích thu hoạch trên 80%; năng suất ước đạt 53,9 tạ/ha và sản lượng ước tính đạt 81.572 tấn, tăng 33.066 tấn so với vụ xuân hè năm trước.Lúa hè thu: Tính đến giữa tháng 6, diện tích đã gieo sạ lúa hè thu được 228.224 ha, bằng 78,16% kế hoạch năm và thấp hơn 31.194 ha so cùng kỳ năm trước, các huyện gieo sạ dứt điểm là Tân hiệp, Giồng Riềng, Rạch Giá, Vĩnh Thuận. Các huyện khác còn lại gieo sạ dứt điểm vào cuối tháng 6, do năm nay thời tiết nắng nóng khô hạn kéo dài nên kết thúc gieo sạ vụ hè thu có chậm hơn năm trước. Hiện nay diện tích lúa hè thu bị nhiễm sâu bệnh 8.269 ha, giảm nhiều so vụ hè thu năm trước ( 21.654 ha), trong đó: bệnh lem lép hạt 2.844 ha, xuất hiện ở Giồng Riềng, Châu Thành, Giang Thành; do chuột phá 1.872 ha; nhện gié 925 ha... nhờ vào công tác giám sát chặt chẽ và phòng chống sâu bệnh kịp thời của các ngành chức năng và bà con nông dân nên tình hình nhiễm sâu bệnh trên vụ hè thu năm nay giảm đáng kể.Dự báo tình hình sâu bệnh và thời tiết còn nhiều diễn biến bất lợi, ngành chức năng cần phối hợp với chính quyền các cấp thường xuyên theo dõi để có biện pháp hỗ trợ nông dân phòng chống thiên tai và dịch bệnh cho lúa. Một số cây hàng năm khác, 6 tháng đầu năm nay có sản lượng tăng tương đối khá như khoai lang đạt 14 ngàn tấn, tăng 67,66%; khoai mì 7,3 ngàn tấn, tăng 72%; rau đậu các loại 67,9 ngàn tấn, tăng 7,97%; mía 365 ngàn tấn, tăng 4,21%; bắp đạt 285 tấn, tương đương cùng kỳ. * Chăn nuôi: Qua kết quả điều tra chăn nuôi 1-4-2013, số lượng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh được như sau: đàn trâu có 7.327 con, giảm 10,2 % (giảm 832 con); đàn bò có 11.446 con, tăng 4,38% (tăng 480 con), đàn heo có 323.637 con, tăng 2,17% (tăng 6.866 con); đàn gia cầm có 4.408,7 ngàn con, giảm 6,38% (giảm 300,2 ngàn con). Từ đầu năm đã xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm tại Trại giống nông, lâm, ngư nghiệp thuộc ấp Sư Nam, thị trấn Hòn Đất, phát hiện có 30 con gà bị nhiễm bệnh, trong đàn gà có 559 con, một đàn vịt nhiễm bệnh tại ấp Cây Huệ, xã Hòa An, huyện Giồng Riềng, ngành chức năng chỉ đạo tiêu hủy 1.300 con vịt. Chăn nuôi đang đứng trước nhiều khó khăn, giá thức ăn chăn nuôi luôn ở mức cao và có xu hướng tăng trong khi sản phẩm chăn nuôi giá bán lại liên tục giảm, chăn nuôi lợi nhuận đang rất thấp, thậm chí có hộ còn bị lỗ nên chưa khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi với qui mô lớn, chăn nuôi vẫn đang chủ yếu ở qui mô nhỏ, lẻ. Đây thực sự là bài toán nan giải để Nhà nước có chính sách phù hợp và tìm giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi, nhằm đạt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp. 4.2. Lâm nghiệp: Sáu tháng đầu năm chưa có kế hoạch triển khai trồng rừng mà chỉ tập trung chăm sóc và bảo vệ rừng. Diện tích rừng khoán bảo vệ được 9.336 ha, khoanh nuôi tái sinh rừng được 500 ha. Công tác bảo vệ rừng được ngành chức năng thường xuyên quan tâm, cùng phối hợp với địa phương tuyên truyền giáo dục, vận động nhân dân chăm sóc bảo vệ rừng; tăng cường lực lượng kiểm tra, trang thiết bị để chủ động triển khai phương án phòng chống cháy rừng; tích cực tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong khai thác và bảo vệ rừng, nên từ đầu năm đến nay chưa xảy ra vụ cháy rừng nghiêm trọng nào. 4.3. Thủy sản Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) tháng 6 ước tính đạt 1.875,3 tỷ đồng, tăng 13,09% so tháng trước và tăng 5,05% so cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng ước tính đạt trên 8.542 tỷ đồng, tăng 4,66% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó, giá trị khai thác 5.558,4 tỷ đồng, tăng 9,5% và giá trị nuôi trồng 2.983,5 tỷ đồng, giảm 3,29%. Tổng sản lượng thủy sản cả khai thác và nuôi trồng trong 6 tháng ước tính đạt 268,9 ngàn tấn, bằng 45,68% kế hoạch năm và tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá các loại 164,4 ngàn tấn, tăng 10,51%; tôm các loại 37,4 ngàn tấn, tăng 0,53%; mực 28,5 ngàn tấn, tăng 4,98% so cùng kỳ. Sản lượng thủy sản khai thác 6 tháng ước tính đạt 211,7 ngàn tấn, bằng 48,63% kế hoạch năm và tăng 5,95% so cùng kỳ. Trong đó, cá các loại 140,5 ngàn tấn, tăng 11,98%; tôm đạt 21,4 ngàn tấn, tăng 7,63%; mực đạt 28,5 ngàn tấn, tăng 4,98% so cùng kỳ năm trước. Khai thác thủy sản 6 tháng tăng khá do thời tiết biển có thuận lợi, số tàu mới đi vào hoạt động khai thác 6 tháng đầu năm tăng 94 chiếc, đồng thời một số phương tiện nhỏ được sửa chữa nâng cấp để khai thác xa bờ có hiệu quả hơn. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng ước tính đạt 57,2 ngàn tấn, bằng 37,31% kế hoạch năm và giảm 3,99% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó, cá 23,8 ngàn tấn, tăng 2,56%; tôm đạt 15,9 ngàn tấn, giảm 7,64% (tôm sú 10,8 ngàn tấn, giảm 3,91%) và thủy sản khác đạt 17,3 ngàn tấn, giảm 8,67% so cùng kỳ năm. Sản lượng tôm nuôi và thủy sản nuôi khác trong 6 tháng đầu năm giảm nhiều, do thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4 xuất hiện nắng nóng, tôm chết hàng loạt phải thu hoạch non để thả lại cho nên mùa vụ thu hoạch tôm năm nay sẽ muộn hơn; lượng sò lông nuôi không tìm được đầu ra chỉ thu hoạch cầm chừng chủ yếu cho tiêu dùng nội địa. Diện tích nuôi thả tôm đến thời điểm này được 86,6 ngàn ha, (trong đó diện tích tôm thẻ được 531ha), bằng 98,76% kế hoạch năm, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm 2012. Diện tích đã thả nuôi tôm chủ yếu ở vùng U Minh Thượng. Các huyện đã có diện tích thả nuôi tôm như sau: An Minh 40,9 ngàn ha; Vĩnh Thuận 20,7 ngàn ha; An Biên 9,4 ngàn ha; U Minh Thượng 5,4 ngàn ha; Gò Quao 2,5 ngàn ha; Kiên Lương 3,6 ngàn ha ; Giang Thành trên 1,3 ngàn ha; Hà Tiên trên 1,3ha. Hiện đã phát hiện 15,9 ngàn ha tôm bị dịch bệnh, mắc bệnh nhiều nhất ở huyện An Minh 11,5 ngàn ha, An Biên 3,1 ngàn ha, U Minh Thượng 0,8 ngàn ha, Vĩnh Thuận 0,4 ngàn ha. 5. Sản xuất công nghiệp Tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm còn gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp vừa thiếu nguyên liệu cho sản xuất, vừa thiếu thị trường tiêu thụ. Trước tình hình nợ xấu nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn vay và lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao nên rất khó cạnh tranh. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6 toàn ngành tăng 41,31% so tháng trước và tăng 22,99% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng chỉ số chung sản xuất công nghiệp tăng 9,46%. Trong đó, chỉ số tăng cao nhất so với cùng kỳ là ngành khai khoáng tăng 33,34%; kế đến là ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,56%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,38% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải với mức tăng 3,16%. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tháng 6 ước thực hiện được trên 2.324,7 tỷ đồng, tăng 11,22% so tháng trước và tăng 15,55% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng ước thực hiện được 12.582,9 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11.793,7 tỷ đồng, tăng 9,67%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 469,9 tỷ đồng, tăng 5,37%; ngành khai khoáng 249,7 tỷ đồng, tăng 9,22% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải đạt 69,3 tỷ đồng, tăng 9,44% so cùng kỳ năm 2012. Một số sản phẩm công nghiệp sản xuất trong 6 tháng đạt mức tăng khá cao so cùng kỳ năm 2012 như sau: tôm đông 1.790 tấn, tăng 21,85%; cá đông 1.680 tấn, tăng 87,29%; Clinke trên 1.165 ngàn tấn, tăng 2,15 lần; khai thác đá 1.470 ngàn m3 , tăng 10,11%; cá hộp 4.350 tấn, tăng 14,78%; trang in 2.822 triệu trang, tăng 21,59%. Các sản phẩm có mức tăng thấp hoặc giảm so cùng kỳ như: Xay xát gạo gần 1,2 triệu tấn, tăng 3,78%; nước đá 1,1 triệu tấn, tăng 4,05%; bao bì 22,6 triệu bao, tăng 2,49%; xi măng 1,6 triệu tấn, tăng 1,2%; điện thương phẩm 612 triệu kwh, tăng 1,88%; nước máy 12,5 triệu m3, tăng 1,11%; mực đông 5.100 tấn, giảm 16,5%; đường các loại 4.950 tấn, giảm 17,47%... 6. Thương mại, dịch vụ và giá cả 6.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dung: Thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ những tháng đầu năm vẫn duy trì ổn định, lượng hàng hóa tham gia thị trường phong phú, dồi dào, giá cả tương đối ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Các doanh nghiệp, hệ thống các siêu thị thường xuyên đưa ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn để tăng cầu, lôi kéo sức mua nhưng sức mua tăng lên không bằng mức tăng của cùng kỳ nhiều năm trước đây. Nguyên nhân sức mua tăng chậm hơn mấy năm trước chủ yếu là do dân số nông thôn của tỉnh chiếm tỷ lệ cao với trên 70% dân số nông thôn, trước sự giảm giá của nông sản đã làm giảm đáng kể thu nhập của nông dân, tác động không nhỏ đến cầu và sức mua của thị trường nông thôn. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm đạt trên 23.510 tỷ đồng, bằng 47,97% kế hoạch năm và tăng 18,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế Nhà nước đạt 650,3 tỷ đồng, chiếm 2,77% tổng mức và giảm 10,53% so cùng kỳ; kinh tế ngoài Nhà nước đạt 22,859,7 tỷ đồng, chiếm 97,23% tổng mức và tăng 19,58% so với cùng kỳ. Trong tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng, ngành kinh doanh thương nghiệp đạt 20.169 ,6 tỷ đồng, chiếm 85,79% tổng mức và tăng 18,38%; khách sạn, nhà hàng đạt 2.557,2 tỷ đồng, chiếm 10,88% và tăng 16,21%; dịch vụ, du lịch lữ hành đạt 783,1 tỷ đồng, chiếm 3,33% và tăng 29,3% so cùng kỳ. Công tác quản lý thị trường luôn được quan tâm, trong tháng 5/2013 Chi Cục quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 220 vụ việc. Phát hiện 23 vụ vi phạm gồm 6 vụ buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 1 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; 6 vụ mua bán hàng giả và 10 vụ vi phạm khác trong kinh doanh. Thu phạt, nộp ngân sách Nhà nước 595 triệu đồng. Lũy kế 5 tháng, đã kiểm tra 757 vụ, phát hiện 240 vụ vi phạm, đã xử lý, thu phạt nộp ngân sách trên 2,4 tỷ đồng. 6.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 ước đạt trên 67,4 triệu USD, tăng 58,29% so với tháng trước và tăng 12,05% so với tháng 6 năm trước. Trong đó, hàng nông sản trên 52,3 triệu USD, tăng 89,2% so tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ; hàng thủy sản trên 13,2 triệu USD, tăng 2,22% so tháng trước và tăng 19,71% so cùng kỳ; hàng hóa khác hơn 1,7 triệu USD, giảm 8,03% so tháng trước và giảm 10,81% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng giá trị xuất khẩu ước tính được hơn 302,9 triệu USD, bằng 45,9% kế hoạch năm và tăng 11,92% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng nông sản đạt 224,2 triệu USD, bằng 50,39% kế hoạch năm và tăng 13,25% so với cùng kỳ; hàng thủy sản đạt 68,1 triệu USD, bằng 36,85% kế hoạch năm, tăng 9,3%; hàng hóa khác đạt 10,5 triệu USD, bằng 35,07% kế hoạch năm, tăng 2,15% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm trong bối cảnh hết sức khó khăn trước sự giảm cầu của thị trường thế giới, mặt khác một số nước nhằm bảo hộ sản xuất trong nước đã gia tăng hàng rào kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm nên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, nhất là sự cạnh tranh về giá nông sản. Để xuất khẩu được có khi các doanh nghiệp buộc phải bán với giá thấp hoặc chào hàng giá thấp hơn giá của đối thủ cạnh tranh. Do đó xét về lượng thì 6 tháng đầu năm nay có nhiều mặt hàng chúng ta xuất số lượng đạt cao hơn cùng kỳ nhưng về giá trị xuất vẫn tăng không nhiều và đạt kế hoạch còn thấp. Riêng về gạo giá xuất khẩu bình quân 6 tháng chỉ đạt 406 USD/tấn, trong khi giá xuất khẩu gạo bình quân năm 2012 đạt 429USSD/tấn, đã làm giảm đáng kể giá trị xuất khẩu của tỉnh cũng như hiệu quả xuất khẩu của các doanh nghiệp (giảm trên 12,6 triệu USD). Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong 6 tháng xuất tăng so với cùng kỳ như: Tôm đông đạt 2,2 ngàn tấn, tăng 2,37 lần; gạo xuất gần 551 ngàn tấn, tăng 18,91%; cá đông 1 ngàn tấn, tăng 33,51%. Bên cạnh đó cũng có một số mặt hàng xuất khẩu giảm như: mực đông + tuộc đông đạt 6 ngàn tấn, giảm 26,14%; nước mắm 48 ngàn lít, giảm 36% ... Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu tháng 6 ước đạt gần 2,8 triệu USD, toàn bộ hàng nhập khẩu là tư liệu sản xuất như thạch cao, giấy kratp, hạt nhựa... Tính chung 6 tháng ước tính giá trị hàng hóa nhập khẩu đạt trên 16,1 triệu USD, bằng 46% kế họach năm và tăng 8,27% so với cùng kỳ năm trước. Lượng hàng nhập trong 6 tháng so cùng kỳ như sau: Thạch cao 47,5 ngàn tấn, tăng 5,99% ; giấy kratp 1,3 ngàn tấn, tăng 2,9 lần; hạt nhựa 1,5 ngàn tấn, tăng 2,7 lần… 6.3 Vận tải Vận tải hành khách: Tháng 6, ước tính lượng hành khách vận chuyển đạt trên 4,4 triệu lượt người, tăng 2,28% so tháng trước và tăng 1,51% so với cùng kỳ; luân chuyển trên 226,1 triệu lượt người.km, tăng 1,05% so tháng trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng vận chuyển đạt 26,9 triệu lượt người, đạt 55,74% kế hoạch năm, tăng 5,74% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 1.546,5 triệu lượt người.km, đạt 61,51% kế hoạch năm và tăng 18,34% so cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa: Tháng 6, ước tính đạt 725 ngàn tấn, tăng 2,4% so tháng trước và tăng 14,06% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển trên 94,3 triệu tấn.km, tăng 1% so tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng vận chuyền gần 4,2 triệu tấn, đạt 59,65% kế hoạch năm, tăng 12,73% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển trên 557 triệu tấn.km, đạt 64,63% kế hoạch năm và tăng 10,87% so với cùng kỳ năm trước. 6.4. Bưu chính - Viễn thông Hoạt động Bưu chính Viễn thông luôn bám sát nhiệm vụ, tăng cường công tác quản lý thuê bao di động trả trước; cấp phép sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện cho các chủ tàu cá; triển khai thực hiện xây dựng cổng thông tin điện tử và mô hình một cửa điện tử hiện đại cho các sở ngành, huyện, thị xã, thành phố. Trong lĩnh vực bưu chính, khảo sát mạng lưới chuyển phát thư, báo trên địa bàn, thực hiện việc chuyển phát báo Đảng về cơ sở. Chỉ đạo các doanh nghiệp chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện phục vụ nhân dân nhanh chóng, kịp thời không để tồn đọng, đảm bào hoạt động thông suốt. Lĩnh vực Viễn thông phải đảm bảo an toàn, an ninh thông tin liên lạc; kiểm tra an toàn mạng lưới thông tin liên lạc trước, trong và sau mùa mưa bão. Tổng số điểm phục vụ hiện có là 182 (giảm 25 điểm, gồm có: 01 bưu cục cấp I, 13 bưu cục cấp II, 12 bưu cục cấp III và 01 kiốt), 37 đại lý Bưu điện, 118/139 điểm Bưu điện văn hóa xã đang hoạt động (tăng 11 điểm, 24 điểm có Internet). Bán kính phục vụ 3,3 km/điểm; dân số phục vụ: 9.460 người/điểm. Tổng doanh thu Bưu chính - Viễn thông sáu tháng đầu năm ước đạt 531,7 tỷ đồng, bằng 40,9% kế hoạch và giảm 6,39% so cùng kỳ năm trước, trong đó bưu chính đạt 10,5 tỷ đồng, bằng 42% cùng kỳ và viễn thông được 521,2 tỷ đồng, bằng 95,99% so cùng kỳ năm trước. Tổng thuê bao điện thoại hiện còn hoạt động trên mạng 1,73 triệu thuê bao, giảm 30,15% so cùng kỳ, trong đó di động 1,6 triệu thuê bao. Mật độ thuê bao đạt 99 thuê bao/100 dân. Tổng thuê bao internet hiện có 64.968 thuê bao, giảm 16,82% so cùng kỳ. Số thuê bao điện thoại giảm nhiều do ngành Thông tin Truyền thông có kế hoạch rà soát, đăng ký thông tin cá nhân số sim, đã loại bỏ những thuê bao ảo có thời gian dài không kích hoạt. 6.5. Du lịch Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đang ngày càng được ngành chức năng và các địa phương quan tâm hơn, với việc đưa sân bay quốc tế Phú Quốc đi vào hoạt động tạo điều kiện khá thuận lợi cho du lịch của tỉnh phát triển. Tuy nhiên với hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ, và còn nhiều yếu kém cùng với các dịch vụ du lịch chưa được chuyên nghiệp, nhận thức của nhân về văn hóa, về du lịch chưa được sâu sắc …đã làm hạn chế rất lớn đến việc thu hút du khách và lưu giữ du khách cho nên lượng khách du lịch trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm nay so cùng kỳ chưa có gì khởi sắc, khách du lịch theo tour tăng không đáng kể, khách đến các điểm du lịch còn bị giảm. Ước tính tháng 6 tổng lượt khách du lịch trên địa bàn tỉnh có trên 360,96 ngàn lượt khách, bằng 99,12% lượng khách tháng trước và tăng 11,11% so cùng kỳ năm trước. Trong đó có 87,65 ngàn lượt khách đến các cơ sở lư trú du lịch, giảm 1,08% so với cùng kỳ năm trước; và 9.520 lượt khách du lịch theo tour, tăng 4,85% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng tổng số khách du lịch trên địa bàn có 2,12 triệu lượt người, đạt 51,43% kế hoạch năm, giảm 5,19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượt khách đến các cơ sở lưu trú du 563,7 ngàn lượt người, bằng 56,37% kế hoạch, tăng 21,10% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch theo tour 51,8 ngàn lượt khách, bằng 39,24% kế hoạch năm, tăng 0,21% so với cùng kỳ năm trước. 6.6. Chỉ số giá tiêu dùng Giá tiêu dùng trong tháng 6 tiếp tục khá ổn định, có một số nhóm tăng nhẹ và cũng có một số nhóm giảm nhẹ nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 chỉ tăng 0,09% so tháng trước. Các nhóm mặt hàng tăng như: Nhóm may mặc, mủ nón, giày dép tăng 0,56%; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,58%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,53%. Các nhóm có chỉ số giảm như: Thực phẩm giảm 0,58%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt giảm 0,37 (do giá gas giảm 2,14%); nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%. So với tháng 12 năm trước (sau 6 tháng) chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 1,52%. Đây là mức tăng rất thấp so cùng kỳ nhiều năm gần đây, thể hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát đã đem lại hiệu quả. Trong đó, tăng cao nhất là nhóm hàng thực phẩm với mức tăng 4,53%; tiếp đến là nhóm may mặc, mũ nón giày dép tăng 3,64%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 3,57%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,18%. Còn lại các nhóm khác đều có mức tăng dưới 3% hoặc giảm. Giảm mạnh nhất là nhóm hàng lương thực với 5,52%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt giảm 2,21% và nhóm bưu chính viến thông giảm 0,79%. So với cùng kỳ năm trước (sau một năm) chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,98%. Trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế do điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh nên tăng tới 70,72%; kế đến nhóm may mặc, mủ nón, giày dép tăng 8,13%; nhà ở, điện nước, chất đốt tăng 7,57%; nhóm giáo dục tăng 6,87%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,54%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 6,39%; ăn uống ngoài gia đình tăng 6,93%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 6%. Còn lại các nhóm khác có mức tăng dưới mức tăng chung. Có 2 nhóm giảm giá đó là nhóm lương thực giảm 4,74% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,65%. Bình quân 6 tháng so với cùng kỳ chỉ số giá tăng 6,51%. Hầu hết các nhóm có mức tăng giá tương đương bình quân chung, riêng nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 74,31%, nhóm lương thực giảm 4,13% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,51%. Chỉ số giá vàng: Do giá vàng thế giới sụt giảm mạnh nên giá vàng trong nước cũng giảm theo. Tháng 6 chỉ số giá vàng giảm 4,71% so với tháng trước; giảm 14,26% so với tháng 12/2012 (sau 6 tháng) và giảm 10,22% so cùng kỳ năm trước. Bình quân giá bán trong tháng là 3.599.000đ/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ: So với tháng trước đô la Mỹ tăng 0,93%, so tháng 12/2012 tăng 1,66% và so với cùng kỳ năm trước tăng 1,44%. Thời điểm 15/6/2013 giá bán tại Ngân hàng Ngoại thương là 21.036 đồng/đô la Mỹ. 7. Một số tình hình xã hội Giải quyết việc làm và đào tạo nghề: Sáu tháng đầu năm toàn tỉnh đã giải quyết việc làm và giới thiệu việc làm cho 16.526 lượt người, đạt 50,08% kế hoạch năm. Trong đó, lao động làm việc trong tỉnh 9.616 lượt người, lao động làm việc ngoài tỉnh 6.903 lượt người và 07 lao động làm việc ở ngoài nước; các cơ sở dạy nghề đã đào tạo được 9.542 người, đạt 31,8% kế hoạch năm, trong đó đào tạo sơ cấp nghề 3.206 người và dạy nghề dưới 3 tháng 6.336 người. Tỷ lệ thất nghiệp chung 6 tháng đầu năm là 2,55%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị 3,15%.Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 1.879 người. Tình hình đời sống dân cư: Trong những tháng đầu năm, đời sống của các tầng lớp dân cư trong tỉnh tương đối ổn định, chỉ số giá tiêu dùng sau 6 tháng chỉ tăng 1,52%. Tuy nhiên, phần lớn nông dân bị ảnh hưởng thu nhập do giá nông sản sụt giảm mạnh, đã tác động phần nào đến đời sống và sản xuất của nông dân. Để giảm bớt khó khăn cho các đối tượng chính sách, cho người nghèo, người dân tộc thiểu số tỉnh thường xuyên thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, không để xảy ra hộ thiếu đói. Nhân dịp Tết Quý Tỵ tỉnh đã hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí 14,7 tỷ đồng; tổ chưc thăm hỏi, động viên và tặng quà cho 4.536 trẻ em thuộc gia đình chính sách, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa với tổng trị giá 680 triệu đồng; cấp cho hộ nghèo 74.367 thẻ BHYT và 77.633 thẻ cho hộ cận nghèo. Thực hiện trợ cấp xã hội với tổng kinh phí là 53,65 tỷ đồng; triển khai xây dựng 340 căn nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, đưa 150 đối tượng người có công đi điều dưỡng ở Đà Lạt… Về giáo dục, đào tạo: Cuối năm học 2012 - 2013 toàn tỉnh có 624 trường, trong đó có 103 trường mầm non, 521 trường phổ thông; số trường đạt chuẩn QG là 132 trường, tăng 17 trường. Năm học 2012-2013 số học sinh bỏ học các cấp học là 5.540 học sinh, giảm 940 học sinh so với năm học trước, tỷ lệ bỏ học còn 1,94%, trong đó, học sinh tiểu học bỏ học 1.233 học sinh (0,77%); THCS 2.829 học sinh (3,16%) và THPT 1.478 học sinh (4,16%). Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông toàn tỉnh vừa qua có 11.399 thí sinh dự thi, kết quả sơ bộ có 11.172 thí sinh đậu tốt nghiệp đạt tỷ lệ 98%; trong đó tỷ lệ học sinh phổ thông đạt 99,47% giảm 0,16% so kỳ thi năm trước và giáo dục thường xuyên đạt 86,77%, giảm 0,56%. Văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao: Hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao 6 tháng đầu năm đã góp phần tích cực cho nhiệm vụ chính trị ở địa phương, tuyên truyền, tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của tỉnh và của cả nước đã tạo được ấn tượng sâu sắc đảm bảo trang trọng,vui tươi, an toàn và tiết kiệm. Thể dục thể thao phát triển mạnh như: Tổ chức Đại hội TDTT cấp tỉnh lần VII, giải vô dịch bóng đá tỉnh, giải võ cổ truyền, giải bóng đá mini (Larue cup 2013). Phong trào TDTT quần chúng được đẩy mạnh và có bước khởi sắc hơn, tổ chức hàng trăm giải và các hoạt động giao lưu như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, đẩy gậy, việt dã, cầu lông, cờ tướng, đua ghe ngo… Thể thao thành tích cao đạt đượcnhiều thành tích, 6 tháng đầu năm các đội tuyển tham gia 13 giải khu vực, toàn quốc, quốc tế đạt tổng cộng 75 huy chương (trong đó có 16 HCV, 21 HCB, 38 HCĐ). Riêng Đại hội TDTT ĐBSCL lần thứ V-2013, đoàn KG tham gia thi đấu đạt 53 huy chương. Đội bóng đá Kienlong bank Kiên Giang nổ lực tập luyện tham dự giải vô địch Quốc gia – Eximbank 2013 sau 11 vòng thi đấu, đạt 11 điểm, đang tạm xếp hạng 10/12 trong bảng xếp hạng. Bên cạnh đó công tác thanh kiểm tra cũng được thường xuyên quan tâm. 6 tháng đầu năm ngành chức năng đã triển khai 3 cuộc thanh tra hành chính; phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành huyện, thị, TP tổ chức 8 cuộc thanh tra, kiểm tra 157 cơ sở văn hóa và kinh doanh dịch vụ VH DL, trong đó lập biên bản vi phạm hành chinh 31 cơ sở, ra quyết định xử lý 21 cơ sở vi phạm hành chính với tồng số tiền nộp ngân sách 150,2 triệu đồng. Về Y tế: Được sự hỗ trợ của các dự án về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo nguồn lực... đã giúp ngành thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh tốt hơn. Bên cạnh đó hệ thống y tế dự phòng tuyến huyện cũng còn thiếu trang thiết bị; nguồn nhân lực y tế còn thiếu về số lượng, đặc biệt ở các huyện mới tách và hạn chế về chất lượng, thiếu cán bộ có trình độ sau đại học, trình độ chuyên sâu. Công tác khám chữa bệnh tuy đã cải thiện nhưng mạng lưới và chất lượng còn hạn chế, trình trạng quá tải bệnh viện chưa được khắc phục. Toàn tỉnh hiện vẫn có 13 bệnh viện, 129 trạm y tế và 15 phòng khám đa khoa khu vực, không còn xã trắng về y tế, (trong đó 127 trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế) với 7.052 cán bộ y tế, 1.011 bác sĩ. Trong 6 tháng các cơ sở y tế trong tỉnh đã khám bệnh cho 2.333.992 lượt người, tăng14,71 % so cùng kỳ, điều trị nội trú cho 101.839 lượt bệnh nhân, tăng 2,31%, tử vong 145 ca, giảm 36,36% so cùng kỳ. Đồng thời đã thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia. Tính đến ngày 26/5/2013: Hội chứng tay chân miệng toàn tỉnh có 545 ca, giảm 119 ca so với cùng kỳ năm 2012. Số cas mắc TCM tập trung nhiều ở huyện Hòn Đất (174 ca),Tân Hiệp (71 ca), Rạch Giá (59 ca), Giồng Riềng (47 ca), không ghi nhận ca biến chứng và tử vong; bệnh sốt xuất huyết xảy ra 343 ca, giảm 1.320 ca so với cùng kỳ năm trước, các địa phương có số mắc cao là Phú Quốc (132 ca), Hòn Đất (47 ca), TP.Rạch Giá (33 ca), các địa phương khác xảy ra rải rác không gây dịch, không ghi nhận có ca biến chứng và tử vong. Tổng số mẫu xét nghiệm giám sát HIV là 7.316 mẫu, số người mới nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 138 người, giảm 0,72% so với cùng kỳ. Số ca chuyển sang AIDS là 31 ca, tử vong do AIDS là 07 người, tăng 40% so với cùng kỳ . Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm được ngành Y tế quan tâm thường xuyên quản lý, thanh kiểm tra; sáu tháng đầu năm đã cấp mới 157 hồ sơ đủ điều kiện VSATTP cho các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, nhà hàng. Tiếp nhận và hoàn thành 46 hồ sơ Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Tổ chức 26 lớp tập huấn kiến thức ATVSTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, có 1.683 học viên tham dự. Công tác truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm trên phương tiện phát thanh, truyền hình, mít tinh, tờ rơi, áp phích... Tiến hành thanh, kiểm tra ATVSTP 8.373 cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ ăn uống. Kết quả thanh kiểm tra có 837 cơ sở vi phạm, trong đó nhắc nhở 792 cơ sở và xử phạt 45 cơ sở theo đúng quy định của pháp luật. Từ đầu năm đến nay có xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm tại Cty Bim huyện Giang Thành, làm 46 người bị ngộ độc ở mức độ nhẹ. Tình hình tai nạn giao thông: Trong 6 tháng đầu năm 2013 (tính đến 15/6/2013) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 65 vụ tai nặn giao thông, làm chết 51 người và 44người bị thương; so với cùng kỳ năm 2012, tăng 8,33% vụ, số người giảm 1,92% và bị thương tăng 51,72%. Tai nạn giao thông trong những tháng đầu năm nay lại có xu hướng tăng cả về số vụ, và số người bị thương. Đây là vấn đề nhức nhối của xã hội cần có sự hưởng ứng tham gia an toàn giao thông mạnh mẽ của mọi người thì mới có thể khắc phục được trình trạng này, vì vậy công tác giáo dục về ý thức chấp hành Luật giao thông của người tham gia giao thông phải được đặt lên hàng đầu. Thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn: Vào chiều ngày 29/5 đã xảy ra mưa to lốc xoáy làm sập 69 căn nhà; tốc mái 88 căn nhà, 1 trường tiểu học, 2 trụ sở ấp, 2 căn nhà tập thể giáo viên và 56 ha lúa sắp thu hoạch sập đổ ở 3 xã thuộc huyện Giang Thành. Chính quyền, đoàn thể địa phương đang cùng nhân dân khắc phục hậu quả. Ước tổng thiệt hại khoảng 1,4 tỷ đồng; nâng tổng thiệt hại do lốc xoáy từ đầu năm đến nay trên 2 huyện Hòn Đất và Giang Thành khoảng 1,7 tỷ đồng. Từ 12/6 đến 18/6 do ảnh hưởng của áp thấp gây mưa to, gió lớn ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh, đã làm sập 20 căn nhà và tốc mái 37 căn, sét đánh chết một người, gây thiệt hại khoảng gần 1 tỷ đồng. Chính quyền các địa phương đã khẩn trương thăm hỏi và hỗ trợ từ 1 triệu đến 3 triệu đồng cho một hộ bị thiệt hại. Trong tháng 6 (tính từ ngày 15/5 – 15/6) trên toàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy do chập điện và 01 vụ nổ tại huyện Giang Thành do chài lưới kéo trúng vật nổ, làm 1 người chết. Ước tính thiệt hại do cháy 100 triệu đồng. Tính từ ngày 15/12/2013 đến nay đã xảy ra 26 vụ cháy, 2 vụ nổ, số người chết 6 người, 1 người bị thương, với mức thiệt hại gần 9,4 tỷ đồng. 8. Đề xuất kiến nghị: Tình hình kinh tế xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm nay hết ức khó khăn trước những tác động không tốt từ kinh tế thế giới, xuất khẩu gạo và thủy sản đang đứng trước thách thức lớn, nhu cầu sụt giảm, thị trường thu hẹp hơn nên sự cạnh tranh càng quyết liệt hơn. Giá xuất khẩu đang giảm mạnh làm cho sản xuất và xuất khẩu kém hiệu quả. Kết quả 6 tháng đầu năm đạt được không mấy khả quan, tăng trưởng GDP chỉ đạt 9,2%, thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ nhiều năm trước. Qua kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm thì khả năng cả năm 2013 có nhiều chỉ tiêu về kinh tế sẽ rất khó hoàn thành kế hoạch như: Nuôi tôm, giá trị xuất khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp, thu ngân sách, tăng trưởng GDP… Trước tình hình trên, để cải thiện được mức tăng trưởng GDP cả năm 2013 mà không để lạm phát tăng cao. Cục Thống kê kiến nghị 6 tháng cuối năm ngoài việc tập trung thực hiện tốt các Nghị Quyết của Chính phủ về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao còn phải phấn đấu quyết liệt, phải giải quyết đồng bộ một số vấn đề chủ yếu như sau: - Về nông nghiệp: Các ngành chức năng, các địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất lúa vụ hè thu và vụ thu đông đạt hoặc vượt kế hoạch; đẩy mạnh thâm canh, phòng trừ sâu bệnh và cần chủ động đề phòng lũ lụt, tránh thiệt hại tới mức thấp nhất về sản xuất lúa ở vụ hè thu và thu đông. Làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm để nhân dân yên tâm gia tăng mở rộng qui mô chăn nuôi, tìm giải pháp hỗ trợ để khuyến khích nhân dân mở rộng chăn nuôi, phải thực sự xem chăn nuôi là một ngành quan trọng tạo việc làm và thu nhập để trú trọng phát triển. - Về thủy sản: Tập trung khắc phục diện tích tôm nuôi bị thiệt hại, chú trọng mở rộng diện tích nuôi công nghiệp, bán công nghiệp ở vùng tứ giác Long Xuyên và nâng cao hiệu quả nuôi theo mô hình tôm – lúa ở vùng U Minh Thượng; làm tốt công tác khuyến ngư, tăng cường sản xuất nguồn con giống tại tỉnh. Qui họach cụ thể vùng nuôi tôm và chỉ cho nuôi theo diện tích qui hoạch; tập trung đầu tư mạnh mẽ và hợp lý hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm, đẩy mạnh hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho nông dân. - Về công nghiệp: Đẩy mạnh triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, nhất là việc tập trung cho khu công nghiệp Thạnh Lộc để sớm hình thành vóc dáng của khu công nghiệp thì mới có thể thu hút được nhà đầu tư, xem xét lại các cơ chế ưu tiên để thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, có biện pháp hỗ trợ giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để tăng cường xuất khẩu gạo, thủy sản, đặc biệt là hệ thống xử lý môi trường, đăng ký xuất sứ sản phẩm để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh trong các doanh nghiệp. - Về đầu tư xây dựng: Khẩn trương rà soát lại các dự án, tập trung vốn cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu và những dự án có vai trò quan trọng để dự án sớm đi vào hoạt động, tạo ra giá trị hàng hóa. Ưu tiên các dự án sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Tập trung tháo gỡ khó khăn giúp các nhà thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương - Về thương mại và du lịch: Tích cực thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, tăng cường hợp tác kinh tế với các địa phương trong nước và nước ngoài để mở rộng thị trường; hỗ trợ vốn kịp thời cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khuyến khích và hỗ trợ cho các doanh nghiệp quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường tổ chức và tham gia hội chợ trong và ngoài nước, tạo điều kiện quảng bá sản phẩm hàng hóa và du lịch; tiếp tục đầu tư tăng cường mạng lưới bán lẻ ở siêu thị và chợ truyền thống; tuyên truyền, vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư về du lịch, tăng cường phương tiện vận tải, mở thêm tuyến xe buýt đến các nơi có các điểm du lịch để du khách đi lại thuận lợi; tăng cường kiểm tra dịch vụ phục vụ để nâng cao chất lượng phục vụ, hạn chế trình trạng chặt chém về giá và chèo kéo khách đồng thời phải tăng cường giáo dục để nhân dân nâng lên nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa ứng xử, ý thức bảo vệ môi trường sống, môi trường sinh thái, xây dựng niềm tin và tạo hình ảnh thân thiện về con người Kiên Giang trong lòng du khách từ đó mới có thể thu hút khách du lịch và tăng thời gian lưu trú của khách. Khẩn trương đào tạo nguồn nhân lực để đội ngũ làm công tác du lịch ngày một chuyên nghiệp hơn; phải trú trọng gắn du lịch với hoạt động nghệ thuật có thế mạnh của tỉnh để thu hút khách như Đàn ca tài tử, nghệ thuật Khơme./.
Tải về: - Số liệu Tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2013
Số lần đọc: 2233
Cục Thống kê Kiên Giang |
Tin liên quan
|