Tin nóng
26.07.2019

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Vụ lúa Hè thu (kể cả Xuân hè): Tính đến ngày 15/7/2019 toàn tỉnh xuống giống được 289.353 ha, đạt 103,34% so với kế hoạch, bằng 94,99 % so với cùng kỳ, tập trung ở các huyện Giang Thành 29.300 ha, Gò Quao 25.254 ha, Châu Thành 19.337 ha, Giồng Riềng 46.857 ha, Hòn Đất 78.901 ha, Rạch Giá 5.423 ha,Tân Hiệp 36.803 ha, Vĩnh Thuận 5.310 ha, An Biên 8.323 ha, An Minh 100 ha, Kiên Lương 23.000 ha và U Minh Thượng 10.745 ha. Diện tích thu hoạch được 103.184 ha, năng suất ước đạt 5,30 tấn/ha.

Diện tích bị nhiễm sâu bệnh trên lúa Hè Thu là 27.075 ha, các đối tượng gây hại chủ yếu gồm bệnh Đạo ôn cổ bông 833 ha, Đạo ôn lá 5.605 ha, Nhện gié 1.090 ha, Cháy bìa lá 2.853 ha, Sâu cuốn lá 6.893 ha, lem lét hạt 7.765 ha. Ngoài ra còn đối tượng gây hại khác như ốc bươu vàng, Rầy nâu, bù lạch, vàng lá vi khuẩn … cũng xuất hiện và gây hại ở mức độ nhẹ.

Vụ Thu Đông (vụ 3): Sau khi thu hoạch xong vụ hè thu các địa phương tiến hành xuống giống gieo trồng lúa vụ thu đông, tính đến nay đã gieo trồng được 64.350 ha, đạt 77,53% so với kế hoạch, tập trung ở các huyện Giồng Riềng 23.793 ha, Tân Hiệp 23.354 ha, Châu Thành 3.410 ha, Hòn Đất 2.500 ha, Gò Quao 93 ha và Giang Thành 11.200 ha.

Cây rau màu

Cùng với cây lúa, một số cây màu khác cũng được nhân dân quan tâm sản xuất như:  Dưa hấu 1.146 ha, tăng 25,25% so với cùng kỳ; Khoai lang 944 ha, tăng 6,07%; Khoai mì 269 ha, tăng 2,67%; Bắp 168 ha, giảm 4,00 %; Rau đậu các loại 7.265 ha, tăng 11,05%.

Chăn nuôi

Ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với dịch tả lợn Châu Phi lây lan. Ngày 03/7/2019 Ủy ban nhân tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 1460/QĐ-UBND về việc Công bố Dịch tả lợn (heo) Châu Phi trên địa bàn huyện thuộc tỉnh Kiên Giang và cấp huyện công bố 6 huyện, thành phố gồm Tân Hiệp, Vĩnh Thuận, Giồng Riềng, Kiên Lương, Hòn Đất và thành phố Rạch Giá. Tính đến ngày 17/7/2019 trên địa bàn tỉnh đã có 13 huyện, thành phố với 69 xã, phường, thị trấn, 166 ấp, khu phố và 370 hộ có chăn nuôi heo mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi với 6.118 con heo bệnh đã được tiêu hủy.Trước tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, khó lường và mức độ gây thiệt hại nghiêm trọng có khả năng lây lan ra trên diện rộng ở cả đất liền và biển đảo và có khả năng xâm nhiễm vào các trang trại, gia trại gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên phối hợp với các địa phương, theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm kịp thời phát hiện và xử lý không để lây lan ra diện rộng.

Tình hình chung trong tháng 7/2019 do ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều, Dịch tả lợn Châu phi... đã làm cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi phần nào bị ảnh hưởng: Giá bán lúa Hè Thu, giá khoai lang thấp, nông dân chịu thiệt hại...  

b. Lâm nghiệp

Tình hình chăm sóc và bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm túc, ngành Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền,vận động nhân dân có ý thức bảo vệ rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, trang bị đầy đủ các trang thiết bị sẳn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Trong tháng 7 xảy ra 3 vụ vi phạm chặt phá lấn chiếm đất rừng (Phú Quốc) với diện tích thiệt hại khoản 0,206 ha. Tính chung 7 tháng xảy ra 20 vụ chặt phá rừng, diện tích thiệt hại khoản 2,57 ha.

c. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): Tháng Bảy ước tính 3.291,74 tỷ đồng, tăng 1,48% so tháng trước, tăng 3,02% so cùng tháng năm trước. Trong đó giá trị khai thác giảm 1,59% so tháng trước, tăng 0,69% so cùng kỳ; giá trị nuôi trồng tăng 3,67% so tháng trước, tăng 4,66% so cùng kỳ.

Tính chung 7 tháng ước đạt 17.642,48 tỷ đồng, đạt 55,48% kế hoạch, tăng 8,11% so cùng kỳ. Chia ra, giá trị khai thác 9.188,24 tỷ đồng, đạt 55,02% kế hoạch, tăng 3,69%; giá trị nuôi trồng 8.454,24 tỷ đồng, đạt 55,99% kế hoạch, tăng 13,36%.

Tổng sản lượng thủy sản (cả khai thác và nuôi trồng): Tháng Bảy ước đạt 81.881 tấn, tăng 3,24% so tháng trước (tăng 2.567 tấn), tăng 2,67% (tăng 2.130 tấn) so cùng tháng năm trước. Tính chung 7 tháng sản lượng ước tính 479.982 tấn, đạt 57,55% kế hoạch, tăng 7,54% so cùng kỳ. Chia ra

Sản lượng khai thác: Tháng Bảy ước tính 50.792 tấn, giảm 1,10% so tháng trước, tăng 1,81% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng sản lượng khai thác đạt 350.475 tấn, đạt 59,30% kế hoạch, tăng 4,05% so cùng kỳ (tăng 13.627 tấn). Trong đó cá các loại tăng 4,91% (tăng 12.328 tấn), Mực các loại tăng 3,77% (tăng 1.570 tấn).

Hiện nay, tổng số tàu đánh bắt cá được quản lý, đăng ký, đăng kiểm là 9.845 tàu, trong đó tàu có chiều dài từ 15 mét nước trở lên là 3.991 tàu (theo Luật Thủy sản 2017 quy định là thuộc nhóm tàu khai thác xa bờ), tính đến ngày 17/7/2019 đã có 2.202/3.991 tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Sản lượng nuôi trồng: Tháng Bảy ước đạt 31.089 tấn thủy sản các loại, tăng 11,20% so tháng trước (tăng 3.132 tấn), tăng 4,12% so cùng kỳ. So với tháng trước sản lượng tăng chủ yếu từ cá nuôi các loại tăng 58,95% (tăng 2.727 tấn), riêng tôm sú giảm 7,09% (giảm 529 tấn).

Tính chung 7 tháng sản lượng nuôi trồng đạt 129.507 tấn, đạt 53,30% kế hoạch, tăng 14,16% (tăng 16.063 tấn) so cùng kỳ, sản lượng tăng so với cùng kỳ chủ yếu là tôm các loại tăng 13,49% (tăng 5.889 tấn), trong đó tôm thẻ chân trắng tăng 14,06% (tăng 1.813 tấn).

2. Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Tháng Bảy, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 3,61% so tháng trước, tăng 13,55% so cùng tháng năm trước. Trong đó, so với tháng trước, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,92%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 1,47%... Tính chung 7 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,13% so cùng kỳ. Trong đó ngành khai khoáng tăng 13,77%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 13,01%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 11,81%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,68%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): Tháng Bảy ước đạt 4.071,27 tỷ đồng, tăng 3,89% so tháng trước, tăng 10,20% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng ước đạt 26.339,92 tỷ đồng, đạt 55,71% kế hoạch, tăng 9,40% so với cùng kỳ. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 25.577,05 tỷ đồng, chiếm 97,10%/Tổng giá trị SX toàn ngành, đạt 56,02% kế hoạch, tăng 9,33%.

Tính chung 7 tháng, các sản phẩm chủ yếu tăng khá so cùng kỳ năm trước như Tôm đông lạnh tăng 28,58%; mực đông lạnh tăng 9,24%; Xi măng Nhà nước tăng 8,80%; sản phẩm giày da lại tăng 11,00%; Cá hộp tăng 7,95%... Riêng sản phẩm Gỗ MDF tăng 10,47%; Bia các loại giảm 17,12%; xay xát gạo giảm 1,87%...

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Bảy bằng 92,50% so với tháng trước. Trong đó, ngành sản xuất trang phục tăng 4,92%; ngành chế biến và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 2,25%. Nhưng ngành sản xuất Clanhke chỉ bằng 55,50%; ngành sản xuất đồ uống bằng 76,83%...

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Bảy tăng 16,60% so với tháng trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với tháng trước như ngành sản xuất Xi măng, chế biến thực phẩm ...

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2019 tăng 9,83% so với cùng thời điểm này năm trước, trong đó lao động ngành chế biến, chế tạo tăng 11,01%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,23%; Riêng ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 26,12%.

3. Vốn đầu tư

Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Bảy ước đạt 216,71 tỷ đồng, chỉ bằng 65,34% so với tháng trước và giảm 33,34% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 7 tháng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước ước đạt 1.767,98 tỷ đồng (theo số giải ngân Kho bạc đến 15/7/2019), đạt 31,95% kế hoạch, giảm 0,05% so cùng kỳ. Trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 651,71tỷ đồng, đạt 30,54% kế hoạch, giảm 24,22% so cùng kỳ, vốn TW hỗ trợ có mục tiêu đạt 497,99 tỷ đồng, đạt 44,45% kế hoạch, tăng 8,46% so cùng kỳ.

4. Thu, chi ngân sách

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng Bảy ước đạt 726,67 tỷ đồng, bằng 60,80% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng tổng thu ngân sách ước đạt 6.501,38 tỷ đồng, đạt 62,27% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 1,62% so cùng kỳ. Trong đó: một số nguồn thu đạt cao như thu tiền sử dụng đất 1.009,26 tỷ đồng, đạt 100,93% dự toán, tăng 67,24% so cùng kỳ; thu thuế bảo vệ môi trường được 362,37 tỷ đồng, đạt 60,39% dự toán, tăng 69,07%; thu thuế thu nhập cá nhân 594,72 tỷ đồng, đạt 59,47%, tăng 5,30%; thu xổ số kiến thiết 1.115,62 tỷ đồng, đạt 82,64% dự toán, tăng 15,92%...

Tổng chi ngân sách địa phương tháng Bảy ước chi 1.197,9 tỷ đồng, tăng 28,94% so cùng kỳ. Trong đó, chi thường xuyên 740,53 tỷ đồng, tăng 15,81% so cùng kỳ; chi đầu tư phát triển 457,37 tỷ đồng, tăng 57,94% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng tổng chi ngân sách địa phương là 6.703,67 tỷ đồng, đạt 44,45% dự toán, tăng 8,92% so cùng kỳ, trong đó chi đầu tư phát triển 2.133 tỷ đồng, đạt 38,56% dự toán, tăng 12,44% so cùng kỳ; chi thường xuyên 4.569,95 tỷ đồng, đạt 51,43% dự toán, tăng 7,35% so cùng kỳ.

5. Ngân hàng

Hoạt động huy động vốn và tín dụng tăng nhẹ, ước tính đến 31/7/2019 tổng nguồn vốn hoạt động đạt 89.200 tỷ đồng, tăng 0,73% so với tháng trước và tăng 6,81% so với đầu năm. Trong đó, số dư huy động vốn tại địa phương đạt 47.400 tỷ đồng, tăng 0,30% so với tháng trước và tăng 3,20% so với đầu năm, chiếm 53,14% tổng nguồn vốn hoạt động.

Ước doanh số cho vay tháng Bảy đạt 11.000 tỷ đồng. Ước đến 31/7/2019, dư nợ cho vay đạt 74.600 tỷ đồng, tăng 0,76% so với tháng trước và tăng 8,72% so với đầu năm. Dư nợ xấu ước 620 tỷ đồng, chiếm 0,83%/tổng dư nợ.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trên địa bàn khá ổn định. Tỷ giá vàng và ngoại tệ diễn biến theo xu hướng chung của cả nước và thế giới.

6. Thương mại - dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Bảy ước đạt 9.093,86 tỷ đồng, tăng 1,78% so tháng trước, tăng 9,56% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 7 tháng ước thực hiện 62.477,25 tỷ đồng, đạt 56,80% kế hoạch, tăng 10,49% so với cùng kỳ. Chia theo ngành hoạt động

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Bảy ước tính 6.753,77 tỷ đồng, tăng 1,70% so tháng trước, tăng 10,46% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng ước tính đạt 46.087,59 tỷ đồng, đạt 57,39% kế hoạch, tăng 10,79% so cùng kỳ. Trong đó tăng cao nhất là nhóm hàng vật liệu xây dựng tăng 13,78%; nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,31% và nhóm ngành hàng may mặc, giày dép tăng 10,81%...

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Bảy ước tính 1.274,34 tỷ đồng, tăng 2,57% so tháng trước, tăng 5,13% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước 8.904,01 tỷ đồng, đạt 57,08% kế hoạch, tăng 9,55% so với cùng kỳ.

Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng Bảy đạt 33,22 tỷ đồng, giảm 10,65% so tháng trước, tăng 2,07% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng được 269,60 tỷ đồng, đạt 67,40% kế hoạch, tăng 10,02% so cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước thực hiện 1.032,52 tỷ đồng, tăng 1,81% so tháng trước, tăng 9,67% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng ước được 7.216,05 tỷ đồng, đạt 52,67% kế hoạch, tăng 9,78% so cùng kỳ.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Bảy ước đạt 59,34 triệu USD, bằng 75,07% so với tháng trước, tăng 9,17% so cùng kỳ. Trong đó hàng nông sản tăng 85,79% (tăng 9,42 triệu USD) so tháng trước, nhưng giảm 15,72% so cùng kỳ; hàng thủy hải sản tăng 1,47% so tháng trước, tăng 52,93% so cùng kỳ; Nguyên liệu giày da giảm 9,14% so tháng trước, tăng 6,78% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng kim ngạch xuất khẩu ước tính 355,92 triệu USD, đạt 52,34% kế hoạch, tăng 9,37% so cùng kỳ. Trong đó hàng thủy hải sản đạt 52,95% kế hoạch, tăng 27,54%; hàng hóa khác đạt 140,64% kế hoạch, tăng 3,5 lần so cùng kỳ. Riêng hàng nông sản đạt 44,16% kế hoạch, bằng 73,92% so cùng kỳ.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Bảy ước đạt 10,5 triệu USD, tăng 0,77% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng ước đạt 55,44 triệu USD, đạt 92,41% kế hoạch, tăng 9,16% so với cùng kỳ.

c. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Bảy tăng 0,12% so với tháng trước; tăng 3,97% so với tháng bảy năm 2018. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 6 nhóm hàng tăng so với tháng trước. Trong đó nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng tăng cao nhất, tăng 1,55%;  nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,38%; nhóm giao thông tăng 0,18%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11%; kế đến là nhóm may mặc, giày dép và mủ nón tăng 0,07%. Còn lại các nhóm hàng khác không tăng hoặc tăng không đáng kể, dẫn đến chỉ số giá tháng bảy tăng 0,12% so với tháng trước.

Chỉ số giá vàng: Tăng 4,37% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 12,56% và tăng 2,86% so với bình quân cùng kỳ. Giá vàng bình quân tháng 7/2019 là 3.943.000 đồng/chỉ

Chỉ số giá Đô la Mỹ: Giảm 0,44% so tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 0,14% và tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ. Giá USD bình quân tháng 7/2019 là 2.327.900 đồng/100 USD.

d. Vận tải

Vận tải hành khách tháng Bảy ước đạt 8,34 triệu lượt khách, tăng 24,02% so tháng trước, tăng 16,82% so cùng kỳ; luân chuyển 536,46 triệu HK.km, tăng 0,35% so tháng trước, tăng 23,76% so cùng kỳ. Trong đó, so với tháng trước vận tải hành khách đường bộ tăng cao nhất 26,77%.

Tính chung 7 tháng vận tải hành khách ước đạt 51,66 triệu lượt khách, đạt 55,45% kế hoạch, tăng 10,03% so cùng kỳ; luân chuyển 3.680,44 triệu HK.km, đạt 67,04% kế hoạch, tăng 19,24% so cùng kỳ, trong đó so với cùng kỳ vận tải hành khách đường biển tăng 25,35%; Vận tải hành khách đường bộ tăng 10,74%.

Vận tải hàng hóa tháng Bảy ước đạt 973 ngàn tấn, tăng 12,36% so tháng trước, tăng 6,46% so cùng kỳ; luân chuyển 130,67 triệu tấn.km, tăng 13,45% so tháng trước, tăng 4,40% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng vận tải hàng hóa ước đạt 7,17 triệu tấn, đạt 55,66% kế hoạch, tăng 10,59% so cùng kỳ; luân chuyển 971,8 triệu tấn.km, đạt 53,61% kế hoạch, tăng 11,55%, trong đó vận tải hàng hóa đường sông tăng 11,63%; Vận tải hàng hóa đường biển tăng 10,48%.

e. Du lịch

Tổng lượt khách du lịch tháng Bảy ước đạt 921,14 ngàn lượt khách, tăng 7,97% so tháng trước, tăng 13,35% so cùng kỳ. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 385,7 ngàn lượt khách, tăng 12,02% so tháng trước, tăng 6,57% so cùng kỳ. (Số khách quốc tế đạt 50,24 ngàn lượt khách, giảm 4,20% so tháng trước, tăng 2,12% so cùng kỳ). Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch bao gồm khách cơ sở lưu trú du lịch phục vụ tăng 13,06% so tháng trước, tăng 5,59% so cùng kỳ và khách du lịch đi theo tour tăng 0,45%, tăng 20,76%.

Tính chung 7 tháng, tổng lượt khách du lịch ước đạt 5.364,4 ngàn lượt khách, đạt 64,63% kế hoạch, tăng 12,82% so cùng kỳ. Trong đó: Lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 59,81% kế hoạch, tăng 15,59% so cùng kỳ; khách quốc tế đạt 72,86% kế hoạch, tăng 27,55%; Lượt khách du lịch đi theo tour đạt 87,75% kế hoạch, tăng 99,03%.

7. Một số tình hình xã hội

7.1 Giải quyết việc làm, đào tạo nghề

Tháng Bảy giải quyết việc làm được 3.467 lượt lao động (trong tỉnh 1.596 lao động, ngoài tỉnh 1.863 lao động, xuất khẩu lao động 8). Tính chung 7 tháng đã giải quyết việc làm được 21.360 lượt người, đạt 61,03% kế hoạch (trong tỉnh 10.186 lao động, ngoài tỉnh 11.087 lao động, xuất khẩu lao động 87). Giải quyết trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho 1.442 lao động (luỹ kế  đến nay 5.411 lao động).

Trong tháng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo được 1.364 người, nâng tổng số lao động được đào tạo lên 13.604 người, đạt 50,70% so kế hoạch.

7.2 Giáo dục

Các địa phương, các trường học xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2019 - 2020 của từng cấp học từ mầm non đến phổ thông để triển khai cho năm học mới. Tổ chức phúc khảo tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 và hoàn thành hồ sơ đưa vào lưu trữ. Công bố kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2019. Phối hợp tổ chức tư vấn tuyển sinh cho các đơn vị và học sinh sau khi có kết quả thi THPT quốc gia.Tổ chức phúc khảo thi THPT quốc gia năm 2019 theo quy định. Thẩm tra, chỉnh sửa, cấp phát văn bằng chứng chỉ theo quy định.

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019: Tại Hội đồng thi số 54, Kiên Giang có 25 điểm thi (đặt tại 13/15 huyện, thành phố; huyện Kiên Hải và Giang Thành không có điểm thi), với tổng số phòng thi là 529 phòng. Tổng số cán bộ tham gia coi thi: 1.400 người (606 cán bộ coi thi, thanh tra của 03 Trường Đại học; 787 cán bộ coi thi là giáo viên THPT của tỉnh).

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 trên địa bàn tỉnh được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi: 12.522 em (12.041 thí sinh đang học THPT; 481 thí sinh tự do); tổng số thí sinh dự thi: 12.470 (12.021 thí sinh đang học THPT; 449 thí sinh đã tốt nghiệp THPT). Kết quả: Có 11.790/12.470 thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2019, đạt tỷ lệ 94,55% (trong đó, hệ giáo dục phổ thông: 96,45%; hệ giáo dục thường xuyên: 70,41%).

7.3 Tình hình y tế

Trong tháng, các cơ sở y tế đã khám, điều trị bệnh cho 351.003 lượt người, điều trị nội trú 21.750 bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh chung 96,03%, Tỷ lệ khỏi bệnh 88,78%, tỷ lệ tử vong 0,14%.

Tình hình dịch bệnh trong tháng (từ ngày 16/6/2019 – 15/7/2019)

Bệnh Sốt xuất huyết có 242 cas mắc (tăng 35 cas so với tháng trước).Trong đó Sốt xuất huyết Dengue nặng 14 ca, tử vong 0 cas. Lũy kế có 1.015 cas mắc (tăng 202 cas so với cùng kỳ). Bệnh Tay chân miệng có 117 cas mắc (tăng 42 cas so với tháng trước), tử vong 0 cas. Lũy kế có 1.026 cas mắc (tăng 770 cas so với cùng kỳ).

Phòng chống HIV/AIDS trong tháng thực hiện xét nghiệm 7.073 mẫu máu, phát hiện mới 15 cas HIV dương tính. Số bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV mới là 31 bệnh nhân, trong đó có 03 trẻ em dưới 15 tuổi. Tính đến thời điểm báo cáo, số người còn sống ở địa phương nhiễm HIV là 2.629 người, đang trong giai đoạn AIDS là 1.682 người.

Công tác vệ sinh An toàn thực phẩm: Thực hiện thanh, kiểm tra 923 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 160 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP, đã nhắc nhỡ và hướng dẫn thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong tháng xảy ra 24 vụ ngộ độc thực phẩm mắc lẻ.

Theo Ngành BHXH: đến tháng 7/2019, tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 85,54% tăng 0,69% so thang trước. Tổng chi BHXH, BHTN, BHYT là 115,98 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm là 1.009,45 tỷ đồng. Trong đó: Chi cho BHXH, BHTN gần 116 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm là 520,6 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do: Môt số công ty, doanh nghiệp giải thể, phá sản dẫn đến số lượng người lao động mất việc ngày càng nhiều. Mặt khác, số tiền chi cho lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tăng so với năm trước là do người hưởng nghỉ hưu trước tuổi, tăng mước lương cơ sở theo Nghị định Chính phủ…

7.4 Hoạt động Văn hóa, Thể dục thể thao

Hoạt động Văn hóa, tập trung tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị như tuyên truyền kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019), 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019). Tổ chức thành công Hội thi Tuyên truyền lưu động tỉnh Kiên Giang; Giải Vô địch Thể dục dưỡng sinh toàn quốc năm 2019 và Giải Taekwondo tỉnh Kiên Giang năm 2019.

Hoạt động Thể dục thể thao

Thể dục thể thao quần chúng: Tổ chức thành công Giải Taekwondo tỉnh Kiên Giang (từ ngày 17/7 - 20/7/2019) với 12 đội tham gia thi đấu. Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội thao công nhân, viên chức, lao động tỉnh Kiên Giang (từ ngày 12 - 14/7/2019) tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh, có 1.700 vận động viên đến từ 131 đơn vị là cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Rạch Giá (thu hút 10.000 lượt người xem và cỗ vũ); Hỗ trợ tổ chức Giải Bóng chuyền tại huyện U Minh Thượng; Hội thao quân khu giai đoạn I năm 2019 cho Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Thể thao thành tích cao: Đăng cai tổ chức thành công Giải Vô địch Dưỡng sinh toàn quốc và Gala Thể dục Dưỡng sinh năm 2019 tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh (từ ngày 25/7 - 28/7/2019). Các đội tuyển thể thao duy trì tập luyện thường xuyên theo kế hoạch và tham dự các giải như Canoeing Vô địch trẻ quốc gia tại Hà Nội, Giải Vô địch Cúp Bắn cung trẻ toàn quốc tại Vĩnh Long, Giải Điền kinh quốc tế mở rộng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giải Vô địch Boxing trẻ tại Cần Thơ.

7.5 Tai nạn giao thông

Tính từ ngày 16/6/2019 đến 15/7/2019 trên toàn tỉnh xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông, làm 8 người chết, 10 người bị thương. Trong đó số vụ tai nạn nghiêm trọng 11 vụ, làm 8 người chết, 7 người bị thương. So với tháng trước số vụ TNGT tăng 10 vụ, số người chết tăng 6 người, số người bị thương tăng 8 người. Tính chung 7 tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 80 vụ tai nạn giao thông, làm 53 người chết, 49 người bị thương. Trong đó số vụ tai nạn nghiêm trọng là 63 vụ, làm 53 người chết và 31 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, giảm 43 vụ, giảm 32 người chết và giảm 27 người bị thương.

7.6 Tình hình cháy, nổ và thiên tai

Tình hình cháy nổ: Từ ngày 16/6/2019 đến 15/7/2019 toàn tỉnh xảy ra 03 vụ cháy, không có vụ nổ, làm 01 người chết, không có người bị thương, ước thiệt hại 1 tỷ 486 triệu đồng. Tính chung từ đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ cháy, 01 vụ nổ làm 03 người chết, 03 người bị thương. Thiệt hại ước tính 18 tỷ 195 triệu đồng. Đặc biệt vào rạng sáng 17/7, một tàu cá của ngư dân đang đậu tại ấp Lình Huỳnh, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất bỗng nhiên bốc cháy. Lúc sau dây neo bị đứt, tàu trôi tự do rồi tấp vào hai tàu cá khác gần đó, khiến lửa cháy lan. Vụ cháy không gây thương vong, song đã thiêu rụi 3 chiếc tàu cùng nhiều tài sản có giá trị ước thiệt hại trên 7 tỷ đồng. Nguyên nhân có thể do chập điện.

Tình hình thiên tai: Từ ngày 16/6 đến 15/7/2019 do mưa lớn kèm giông lốc xảy ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã làm sập 30 căn nhà, tốc mái 47 căn nhà, ước thiệt hại khoảng 2 tỷ 447 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay, thiên tai làm sập 38 căn nhà, tốc mái 62 căn nhà, chìm 01 động cơ và 98 tàu thuyền nhỏ, xuồng đò đang neo đậu tại bờ, hư hỏng 02 phương tiện, mất tích 02 phương tiện; hư hỏng 01 lồng bè nuôi cá, 01 bè bán tạp hóa trên biển, tràn 02 ao cá; đổ ngã 07 trụ điện; sạt lở 10m giao thông nông thôn và sập hoàn toàn 02 cầu gỗ trên địa bàn huyện Phú Quốc và Kiên Hải. Ước tổng giá trị thiệt hại về vật chất là 7 tỷ 87 triệu đồng./.

Tải về: - Số liệu kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2019 của tỉnh Kiên Giang;

            - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm 2019 của tỉnh Kiên Giang.

Số lần đọc: 1239
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan