Tin nóng
04.05.2018

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

* Vụ Đông xuân: Diện tích gieo trồng 289.970 ha, đạt 99,99% so với kế hoạch, bằng 97,05%  so với cùng kỳ tập trung ở các huyện như: Vĩnh Thuận 6.492 ha, U Minh Thượng 7.565 ha, An Biên 9.598 ha, An Minh 100 ha, Giang Thành 29.350 ha, Tân Hiệp 36.655 ha , Hòn Đất 80.329 ha, Rạch Giá 5.554 ha, Châu Thành 19.469 ha, Giồng Riềng 46.716 ha, Gò Quao 25.142 ha và Kiên Lương 23.000 ha, đến nay đã thu hoạch được 273.244 ha, đạt 94,23%/ tổng diện tích gieo trồng, năng suất ước đạt 7,062 tấn/ha.            

Diện tích bị nhiễm sâu bệnh trên lúa Đông xuân là 1.738 ha, các đối tượng gây hại chủ yếu gồm Đạo ôn lá 349 ha, Muỗi hành 1.031 ha, Lem lét hạt 315 ha.

Năm nay, do thời tiết có nhiều thuận lợi, lúa ít sâu bệnh, dự báo về năng suất, sản lượng sẽ tăng cao so với cùng kỳ.Đồng thời, vào đầu vụ thu hoạch lúa đông xuân, Giá lúa ở mức từ 5.300 đồng/kg lúa thường đến hơn 6.000 đồng/kg lúa chất lượng cao, tăng bình quân 1.000 đồng/kg so với vụ mùa năm 2017, với giá này người nông dân được lãi cao hơn so với mọi năm. Bà con nông dân rất phấn khởi, vui mừng được mùa, được giá.

* Vụ Hè thu (kể cả Xuân hè): Tính đến thời điểm này toàn tỉnh xuống giống được 95.192 ha, đạt 34% so với kế hoạch, tăng 0,17 % so với cùng kỳ tập trung ở các huyện Giang Thành 13.360 ha, Gò Quao 415 ha, Châu Thành 7.609 ha, Giồng Riềng 39.250 ha, Hòn Đất 3.655 ha, Rạch Giá 580 ha,Tân hiệp 26.653 ha và U Minh Thượng 3.670 ha.

Diện tích bị nhiễm sâu bệnh trên lúa Hè Thu là 807 ha, các đối tượng gây hại chủ yếu gồm:  Đạo ôn lá: 34 ha, Rầy nâu: 629 ha, Muỗi hành 19 ha,

Do tình hình thời tiết hiện nay mưa, nắng xảy ra đan xen có thể ảnh hưởng đến thời kỳ sinh trưởng của cây lúa và sâu bệnh phát sinh.  Vì vậy, đề nghị các ngành chức năng cần hướng dẫn bà con nông dân thăm đồng thường xuyên nhằm sớm phát hiện dịch bệnh để có biện pháp phòng trị kịp thời, hiệu quả.

* Cây màu: Tính từ đầu năm trên toàn tỉnh đã trồng được các loại cây màu chủ yếu như: Dưa hấu trồng được 570 ha, bằng 67,06% so cùng kỳ; khoai lang 637 ha, bằng 92,32%; rau đậu các loại 4.940 ha, tăng 29,90% so cùng kỳ năm trước...

* Chăn nuôi: Đàn gia súc gia cầm trong tỉnh không có biến động lớn, số lượng đàn bò,  đàn heo, đàn gia cầm đang phát triển ổn định và có tăng nhẹ so với cùng kỳ. Đàn heo, đàn gia cầm tăng nhẹ so với cùng kỳ do giá bán sản phẩm tăng nhẹ trở lại nên người nuôi cũng tăng thêm qui mô nuôi. Mặt khác nhờ làm tốt công tác phòng bệnh, nên từ đầu năm đến nay chưa phát hiện ổ dịch lớn nào xảy ra trên địa bàn.

b. Lâm nghiệp

Thời tiết hiện đang vào thời kỳ nắng nóng, khô hạn nên dễ xảy ra nguy cơ cháy rừng, mặc dù các ngành chức năng có cảnh báo và lên kế hoạch phòng chống cháy rừng, tuy nhiên trong tháng Tư đã xảy ra 01 vụ cháy rừng ở xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành làm thiệt hại 8,34 ha rừng tràm tái sinh của doanh nghiệp Tiến Thành, xảy ra 2 vụ vi phạm chặt phá rừng (Phú Quốc 02 vụ) với diện tích khoảng 0,98 ha. Ngành lâm nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con thường xuyên nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng hơn nữa để hạn chế việc xảy ra cháy rừng trong thời gian tới.

c. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá so sánh 2010): Tháng Tư ước đạt 2.026,3 tỷ đồng, tăng 18,60% so với tháng trước, tăng 12,84% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Giá trị khai thác 1.282,59 tỷ đồng, tăng 1,70% so tháng trước, tăng 7,89% so cùng kỳ. Giá trị nuôi trồng 743,71 tỷ đồng, tăng 66,24 % so tháng trước, tăng 22,54% so cùng kỳ. Tính chung 4 tháng giá trị sản xuất thuỷ sản ước thực hiện 7.404,94 tỷ đồng, đạt 25,16% kế hoạch năm, tăng 12,91% so cùng kỳ. Trong đó: khai thác 4.930,68 tỷ đồng, đạt 31,35% kế hoạch, tăng 6,75% so cùng kỳ; nuôi trồng 2.474,26 tỷ đồng, đạt 18,06% kế hoạch, tăng 27,59% so cùng kỳ năm trước.

Tổng sản lượng thủy sản (khai thác và nuôi trồng): Tháng Tư ước đạt 59.573 tấn, tăng 7,07 % so tháng trước, tăng 8,28% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng  ước thực hiện 228.344 tấn, đạt 29,13% kế hoạch năm, tăng 7,90% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng khai thác: Tháng Tư ước được 48.605 tấn thủy hải sản các loại, tăng 1,77% (tăng 844 tấn) so tháng trước. Trong đó: cá các loại là 36.167 tấn, tăng 1,79% (tăng 637 tấn); tôm 3.042 tấn, tăng 3,61% (tăng 106 tấn); mực 6.072 tấn, tăng 1,37% (tăng 82 tấn)...

Tính chung 4 tháng sản lượng khai thác được 186.495 tấn, đạt 33,66% kế hoạch năm, tăng 6,01% so cùng kỳ năm trước (tăng 10.578 tấn), trong đó: cá các loại 138.735 tấn, tăng 8,01% (tăng 10.293 tấn); tôm 11.552 tấn, tăng 1,40% (tăng 160 tấn); mực 23.455 tấn, tăng 4,00% (tăng 903 tấn)...

Sản lượng nuôi trồng: Tháng Tư ước đạt 10.968 tấn thủy sản các loại, tăng 39,19%  so tháng trước (tăng 3.088 tấn), tăng 14,79% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá các loại 3.344 tấn, giảm 10,30%; tôm thẻ chân trắng 2.447 tấn, tăng 95,60%; riêng tôm sú được 2.506 tấn, tăng hơn 2,52 lần (tăng 1.515 tấn); thủy sản khác như sò các loại 1.908 tấn, tăng 615 tấn; cua 392 tấn, tăng 32 tấn...

Tính chung 4 tháng sản lượng nuôi trồng là 41.849 tấn, đạt 18,20% kế hoạch, tăng 17,21% (tăng 6.145tấn) so cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá nuôi các loại 15.032 tấn, tăng 5,41% (tăng 772 tấn); tôm các loại 14.964, tăng 59,99% (tăng 5.611 tấn), trong đó: tôm sú được 6.025 tấn, tăng 53,54% (tăng 2.101 tấn); tôm thẻ chân trắng 6.327 tấn, tăng 83,98% ( tăng 2.888 tấn); thủy sản khác như sò nuôi 9.531 tấn, tăng 465 tấn; cua 1.491 tấn, giảm 255 tấn ...

Sản lượng 4 tháng đầu năm tăng cao so với năm trước là do thời tiết thuận lợi, tình hình dịch bệnh ít xảy ra nên các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm công nghiệp đầu tư cải tạo vuông, ao để thả giống nuôi sớm hơn, trong đó mô hình nuôi xen kết hợp tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh đang mang lại hiệu quả cao

Tính đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi được 140.871 ha các loại, trong đó diện tích nuôi tôm 115.673 ha, riêng nuôi tôm công nghiệp 1.220 ha gồm Hà Tiên 193 ha, Kiên Lương 848 ha, Giang Thành 140 ha, Hòn Đất 39 ha.

 2. Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp(IIP): Tháng Tư, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 7,09% so tháng trước, tăng 12,16% so cùng kỳ năm trước. Ngành tăng cao nhất là ngành khai khoáng tăng 7,45%; kế đó là ngành chế biến, chế tạo tăng 7,30%, trong đó: ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,57%, ngành sản xuất đồ uống tăng 6,20%, ngành sản xuất xi măng tăng 5,61%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 5,60%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 3,28%...

Chỉ số sản xuất toàn ngành ước 4 tháng tăng 8,06% so cùng kỳ năm trước, ngành tăng cao nhất là ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 9,81%; kế đến là ngành khai khoáng tăng 8,27%; ngành chế biến, chế tạo tăng 8,22%, trong đó: ngành sản xuất đồ uống tăng 34,7%, ngành sản xuất xi măng tăng 11,86%, ngành sản xuất chế biến thực phẩm chỉ tăng 0,88%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 5,48%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): Tháng Tư, ước tính đạt 3.721,52 tỷ đồng, tăng 7,26% so tháng trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3.622,72 tỷ đồng, tăng 7,30%; ngành khai khoáng đạt 44,29 tỷ đồng, tăng 7,45%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 32,86 tỷ đồng, tăng 5,60%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải 21,66 tỷ đồng, tăng 3,28%. Tính chung 4 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước thực hiện 14.183,43 tỷ đồng, đạt 31,07% kế hoạch năm, tăng 9,47% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 13.782,96 tỷ đồng, chiếm 97,17%/Tổng giá trị sản xuất toàn ngành, tăng 9,47%; ngành khai khoáng 177,27 tỷ đồng, tăng 9,76%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước 135,04 tỷ đồng, tăng 7,49%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải 88,17 tỷ đồng, tăng 12,22% so cùng kỳ.

Một số sản phẩm công nghiệp 4 tháng đầu năm có mức tăng khá cao so cùng kỳ năm trước như: xi măng Trung ương 554,92 ngàn tấn, tăng 19,51%; xi măng địa phương 484,67 ngàn tấn, tăng 16,08%; Gạch không nung 1,86 triệu viên, tăng 83,56%; cá hộp 4,13 ngàn tấn, tăng 10,73%; Bia các loại 35.510 ngàn lít, tăng 58,37%...Tuy nhiên còn một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như sản xuất bột cá giảm 3,93%; Bao bì giảm 10,14%; xay xát gạo giảm 1,44%... là do khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2018 bằng 99,83% so với tháng trước. Trong đó, ngành thủy hải sản ướp đông (trừ tôm, mực, cá) tăng 36,45%, chế biến tôm đông tăng 41,94%; xay xát gạo tăng 1,74%, sản xuất gạch tăng 34,25%... Tính chung 3 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành  tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tiêu thụ 3 tháng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước như: Tôm đông lạnh tăng 4,05%; sản xuất nước mắm tăng 11,24%; sản xuất đồ uống tăng 45,6%; sản xuất xi măng Porland đen tăng 16,89%...còn lại các ngành khác giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/4/2018 tăng 17,12% so với tháng trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với tháng trước như: cá đông lạnh bằng 90%, thủy hải sản đông lạnh (trừ tôm, mực đông) bằng 86,15%, nước mắm bằng 83,72%; xay xát gạo bằng 81,26%... Từ hai chỉ số trên cho thấy, những tháng đầu năm các doanh nghiệp chế biến thủy sản và sản xuất trên địa bàn tỉnh có gặp khó khăn trong tiêu thụ  sản phẩm, tuy nhiên hiện nay đã có cải thiện và đang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra.

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm tháng 1/4/2018 tăng 47,44% so với cùng thời điểm này năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,48%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 67,87% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 50,51%.

3. Vốn đầu tư

Vốn đầu tư ước thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Tư ước tính 320,26 tỷ đồng, so tháng trước tăng 10,5%. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách địa phương 150,99 tỷ đồng, giảm 8,65%; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương 45,95 tỷ đồng, tăng 71,1%; vốn trái phiếu chính phủ 24,2 tỷ đồng, tăng 0,02%; vốn xổ số kiến thiết 96,68 tỷ đồng, tăng 39,03%; vốn ngoài nước (ODA) được 8,43 tỷ đồng, tăng 3,38% so tháng trước. Tính chung 4 tháng vốn đầu tư ước thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 789,21 tỷ đồng, đạt 14,04% kế hoạch năm, bằng 87,49% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vốn cân đối ngân sách địa phương 333,77 tỷ đồng, đạt 16,36% kế hoạch, tăng 19,8% so cùng kỳ; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương 237,13 tỷ đồng, đạt 21,74% kế hoạch, tăng 66,9%; vốn trái phiếu chính phủ 26,71 tỷ đồng, đạt 2,53% kế hoạch; vốn ngoài nước ODA 8,43 tỷ đồng, đạt 3,47% kế hoạch, chỉ bằng 12,69% so cùng kỳ.

4. Thu, chi ngân sách

Tổng thu ngân sách trên địa bàn: Tháng Tư ước tính đạt 870,92 tỷ đồng, tăng 1,41% so tháng trước, giảm 9,99% so cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách 4 tháng  được 3.478,10  tỷ đồng, đạt 37,66% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 2,40%  so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa 3.454,11 tỷ đồng, đạt 37,96% dự toán, giảm 1,03% so cùng kỳ, chiếm 99,31% trong tổng thu ngân sách của tỉnh.  Một số các khoản thu đạt dự toán khá cao như: Thu phí trước bạ 152,45 tỷ đồng,  đạt 40,12% dự toán, tăng 55,87%; Thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước 354,25 tỷ đồng, đạt 118,08% dự toán, tăng 5,59 lần so cùng kỳ; thu phí, lệ phí 61,83 tỷ đồng, đạt 32,54% dự toán, tăng 6,71% so cùng kỳ. Tuy nhiên, còn một số khoản thu đạt thấp như thu thuế bảo vệ môi trường chỉ đạt 16,44% dự toán, bằng 70,56% so cùng kỳ; thu khu vực công thương nghiệp ngoài nhà nước đạt 29,95% dự toán, giảm 1,66% so cùng kỳ…

Tổng chi ngân sách địa phương: Tháng Tư dự tính chi ngân sách địa phương 941,84 tỷ đồng, tăng 3,70% so tháng trước, tăng 8,34% so cùng kỳ. Tính chung 4 tháng tổng chi ngân sách  3.388,64 tỷ đồng, đạt 23,65% dự toán năm, tăng 0,05% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: chi thường xuyên 2.416,23 tỷ đồng, đạt 30,38% dự toán năm, tăng 13,28%; chi đầu tư phát triển 917,43 tỷ đồng, đạt 28,40% dự toán năm, bằng 74,77% so với cùng kỳ.

5. Ngân hàng

Ước đến 30/4/2018, tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn cụ thể:

Tổng nguồn vốn hoạt động đạt 78.950 tỷ đồng, tăng 1,35% so với tháng trước, tăng 10,25% so với đầu năm. Trong đó, số dư huy động vốn tại địa phương đạt 49.750 tỷ đồng, tăng 1,05% so với tháng trước, tăng 14,55% so với đầu năm, chiếm 63,01% tổng nguồn vốn hoạt động.

Ước doanh số cho vay tháng 4/2018 đạt 11.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đến 30/4/2018 đạt 59.900 tỷ đồng, tăng 1,63% so với tháng trước, tăng 5,81% so với đầu năm.

Dư nợ xấu ước 570 tỷ đồng, chiếm 0,95%/tổng dư nợ.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trên địa bàn khá ổn định. Tỷ giá vàng và ngoại tệ diễn biến theo xu hướng chung của cả nước và thế giới.

6. Thương mại - dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Tư ước đạt 6.950,97 tỷ đồng, tăng 3,73% so tháng trước, tăng 3,52% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được 29.597,12 tỷ đồng, đạt 30,99% kế hoạch, tăng 7,13% so cùng kỳ năm trước. Chia ra:

* Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tháng Tư ước tính 5.196,76 tỷ đồng,  tăng 3,64% so tháng trước, tăng 2,32% so cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đạt 21.860,32 tỷ đồng, đạt 32,63% kế hoạch, tăng 7,8% so cùng kỳ.

* Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Tư đạt 901,29 tỷ đồng,  tăng 3,64% so tháng trước. Tính chung 4 tháng 21.860,32 tỷ đồng, đạt 30,72% so kế hoạch, tăng 7,13% so cùng kỳ năm trước. Chia ra:

Doanh thu dịch vụ lưu trú trong tháng ước tính 178,57 tỷ đồng, tăng 7,65% so tháng trước. Tính chung 4 tháng 828,15 tỷ đồng, tăng 8,71% so cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 4 ước đạt 722,71 tỷ đồng, tăng 2,48% so tháng trước. Tính chung 4 tháng đạt 3.109,98 tỷ đồng, tăng 9,12% so cùng kỳ.

* Doanh thu du lịch lữ hành: Tháng Tư ước đạt 19,6 tỷ đồng, tăng 13,49% so tháng trước. Tính chung 4 tháng doanh thu du lịch lữ hành được 46,6 tỷ đồng, đạt 16,07% so kế hoạch, tăng 1,38% so cùng kỳ.

* Doanh thu dịch vụ khác: Tháng Tư ước đạt 833,31 tỷ đồng, tăng 4,39% so với tháng trước. Nhiều nhóm doanh thu dịch vụ tăng khá như: dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 10,32%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 8,64%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 4,46%...

Tính chung 4 tháng doanh thu các hoạt động dịch vụ ước thực hiện 3.752,05 tỷ đồng, đạt 32,63% so kế hoạch, tăng 7,80% so cùng kỳ năm trước. Đa số các hoạt động dịch vụ doanh thu đều tăng khá cao như: nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng cao nhất 18,87%; kế đến nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 9,43%; nhóm dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội tăng 6,87%....

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường: Trong tháng đã ký 464 bản cam kết; kiểm tra 214 vụ việc, trong đó đã xử lý 17 vụ, gồm 03 vụ buôn bán vận chuyển hàng cấm; 03 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng; 02 vụ vi phạm về đầu cơ, găm hàng, sai phạm trong lĩnh vực giá; 06 vụ vi phạm trong kinh doanh; 01 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và 02 vụ vi phạm khác. Xử lý các vụ vi phạm, thu phạt hành chính và bán hàng hóa tịch thu nộp ngân sách nhà nước 410,49 triệu đồng.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu: Tháng Tư dự tính đạt 52,84 triệu USD, tăng 14,94% so với tháng trước, tăng 2 lần so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Hàng nông sản 24,13 triệu USD, tăng 34,65% so tháng trước; hàng thủy sản 16,7 triệu USD, tăng 2,32%; hàng hóa khác 12,01 triệu USD, tăng 2,39%.

Tính chung 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất thực hiện được 187,85 triệu USD, đạt 36,13% kế hoạch năm, tăng 84,08% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Hàng nông sản 82,48 triệu USD, đạt 43,42% kế hoạch, tăng 69,84% so cùng kỳ; hàng thủy sản 57,87 triệu USD, đạt 27,56% kế hoạch, tăng 26,86% ; hàng hóa khác (trong đó chủ yếu là mặt hàng giày da) là 47,48 triệu USD, đạt 39,57% kế hoạch, tăng 6 lần so cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân xuất khẩu tháng này dự kiến tăng so với tháng trước là do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã ký được những hợp đồng lớn với lượng gạo dự kiến lên đến 41.938 tấn với trị giá 24 triệu USD. Xuất khẩu thủy hải sản dự kiến đạt trên 16,7 triệu USD, các mặt hàng thủy hải sản dự kiến xuất khẩu tháng Tư chủ yếu như: Tôm đông dự kiến xuất 295 tấn, Mực đông 912 tấn, Tuộc đông 188 tấn, Cá đông 290 tấn, Hải sản đông khác 1.095 tấn, Cá cơm sấy 68 tấn.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu: Nhập khẩu hàng hóa tháng Tư ước tính đạt 4,15 triệu USD, tăng 4,78 lần so tháng trước. Tính chung 4 tháng đạt 13,35 triệu USD, đạt 26,72% kế hoạch năm, chỉ bằng 59,99% so cùng kỳ năm 2017.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dùng cho sản xuất gồm: thạch cao, giấy Kratp, hạt nhựa và sắt làm lưỡi câu mực, trục xoay câu mực...

c. Chỉ số giá:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư tăng 0,14% so với tháng trước, trong đó: Khu vực thành thị tăng 0,16%, khu vực nông thôn tăng 0,12%. CPI tháng 04 tăng nhẹ là do có 4 nhóm hàng tăng, trong đó nhóm hàng giao thông tăng cao nhất, tăng 1,33%, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,07%, nhóm hàng nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,04%, nhóm hàng đồ uống, thuốc lá tăng 0,02%. Còn lại các nhóm hàng khác không tăng, không giảm.

Tính đến tháng 12 năm trước (sau 04 tháng) chỉ số giá tiêu dùng (PCI) tăng 3,03%; Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 8 nhóm tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 37,85%; kế đến là nhóm Văn hóa giải trí và du lịch tăng 4,77%; nhóm Giao thông tăng 2,83%; nhóm ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 0,59%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,24%... Có 1 nhóm hàng giảm là nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,47%. Còn lại các nhóm khác không tăng, không giảm.

* Chỉ số giá vàng: Tăng 1,04% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng +6,77%. Giá vàng bình quân tháng 04/2018 là 3.682.000 đồng/chỉ.

* Chỉ số giá Đô la Mỹ: giảm 0,07% so tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 0,20%. Giá USD bình quân tháng 04/2018 là 2.279.166 đồng/100 USD.

d. Vận tải

Hoạt động vận tải đầu tháng vẫn ổn định so tháng trước, nhưng vào dịp lễ 30/4 và 1/5 được nghỉ bốn ngày nên nhu cầu đi lại của nhân dân tăng lên rất cao vào thời điểm cuối tháng, ngành chức năng đã điều tiết tăng cường phương tiện đảm bảo không ách tắc trong việc đi lại và lưu chuyển hàng hóa của nhân dân.

Vận tải hành khách: Tháng Tư ước đạt 6,45 triệu lượt khách, tăng 2,27% so tháng trước; luân chuyển 446,92 triệu HK.km, tăng 2,29% so tháng trước. Tính chung 4 tháng vận tải hành khách ước được 25,94 triệu lượt khách, đạt 31,00% kế hoạch, tăng 4,64% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 1.803,57 triệu HK.km, đạt 36,87%  kế hoạch, tăng 4,79% so cùng kỳ. Bao gồm: Vận tải hành khách đường bộ 20,97 triệu lượt khách, tăng 4,93%, luân chuyển 1.445,06 triệu lượt khách.km, tăng 5,02%; Vận tải hành khách đường sông 4,15 triệu lượt khách, tăng 2,55%, luân chuyển 264,91 triệu lượt khách.km, tăng 2,59%; Vận tải hành khách đường biển 0,82 triệu lượt khách, tăng 8,17%, luân chuyển 93,59 triệu lượt khách.km, tăng 7,67% so cùng kỳ năm trước.

Vận tải hàng hóa: Tháng Tư ước tính 880 ngàn tấn, tăng 1,85% so tháng trước; luân chuyển 117,59 triệu tấn.km, tăng 1,78% so tháng trước. Tính chung 4 tháng vận tải hàng hóa ước tính 3,77 triệu tấn, đạt 32,07% kế hoạch năm, tăng 8,21% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 500,94 triệu tấn.km, đạt 31,39% kế hoạch, tăng 8,30%. Bao gồm: Vận tải hàng hóa đường bộ 1,18 triệu tấn, tăng 7,37%, luân chuyển 160,08 triệu tấn.km, tăng 7,53%; Vận tải hàng hóa đường sông 1,46 triệu tấn, tăng 5,53%, luân chuyển 183,65 triệu tấn.km, tăng 5,25%; Vận tải hàng hóa đường biển 1,12 triệu tấn, tăng 12,89%, luân chuyển 157,2 triệu tấn.km, tăng 12,94% so cùng kỳ.

e. Du lịch

Tổng lượt khách du lịch tháng Tư ước đạt 583,65 ngàn lượt khách, giảm 20% so tháng trước, trong đó: Số lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch, đạt 247,59 ngàn lượt khách, tăng 1,44% so với tháng trước; số khách quốc tế đạt 64,22 ngàn lượt khách, tăng 14,25% so với tháng trước. Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch bao gồm: Số lượt khách từ cơ sở lưu trú du lịch phục vụ đạt 237,46 ngàn lượt khách, tăng 0,61% so tháng trước và số lượt khách du lịch đi theo tour đạt 10,12 ngàn lượt khách, tăng 25,54% so tháng trước.

Tính từ đầu năm, tổng lượt khách du lịch dự kiến 2.321,91 ngàn lượt khách, đạt 32,70% kế hoạch năm, tăng 17,64% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch 935,89 ngàn lượt khách, tăng 10,29% so cùng kỳ. Số khách quốc tế đạt 234,47 ngàn lượt khách, tăng 67,30% so với cùng kỳ. Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch bao gồm: khách cơ sở lưu trú du lịch phục vụ đạt 890,71 ngàn lượt khách, tăng 10,62% và khách du lịch đi theo tour đạt 45,17 ngàn lượt khách, tăng 4,10% so cùng kỳ.

7. Một số tình hình xã hội

7.1. Lao động, việc làm: Tháng 4/2018 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 3.807 lượt lao động, chia ra trong tỉnh 1.881 lượt lao động, ngoài tỉnh 1.920 lượt lao động, xuất khẩu 06 lao động; Tính chung 4 tháng là 12.452 lượt lao động, đạt 35,08% so kế hoạch (trong tỉnh 5.794 lượt lao động; ngoài tỉnh 6.616 lượt lao động; xuất khẩu 42 lao động). UBND tỉnh chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài cho 7 đơn vị với 17 vị trí, nâng tổng số lên 20 đơn vị với 49 vị trí; cấp mới 12 giấy phép lao động; cấp lại 02 giấy phép; xác nhận 09 lao động nước ngoài không thuộc diện cấp GPLĐ.

Trung tâm Dịch vụ việc làm: Trong tháng đã tư vấn việc làm cho 2.996 lượt lao động (lũy kế 9.790), có việc làm ổn định 451 lao động; thực hiện công tác tư vấn xuất khẩu lao động tại 04 huyện (An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Tân Hiệp). Giải quyết trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho 434 lao động (lũy kế 1.878). Tổ chức Ngày hội việc làm thanh niên năm 2018 trên địa bàn thành phố Rạch Giá, kết quả có 29 lượt doanh nghiệp tham gia, số người được tư vấn giới thiệu việc làm 1.974 lượt lao động, số lao động đăng ký việc làm trong tỉnh 53 người, số lao động đăng ký đi xuất khẩu lao động 28 người.

Công tác đào tạo nghề: Trong tháng các cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho 1.622 người. Tính chung 4 tháng là 8.694 người, đạt 31,50% so với kế hoạch.

7.2. Tình hình giáo dục

Giáo dục Mầm non: Tổng kết Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc học mầm non cấp tỉnh lần thứ II năm học 2017-2018. Thành lập Đoàn đánh giá ngoài 04 trường mầm non (trường Mầm non Dương Hòa- Kiên Lương; trường Mầm non Thạnh Hưng - Giồng Riềng; trường Mầm non Nam Yên - An Biên; trường Mầm non Hà Tiên). Thành lập đoàn kiểm tra thẩm định trường Mầm non xã Tây Yên A, huyện An Biên đạt chuẩn quốc gia. Tham dự sơ kết các cụm huyện “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” tại huyện Kiên Lương,Tân Hiệp và báo cáo tiến độ triển khai “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” .

Giáo dục tiểu học: Tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Hoàn thành đánh giá ngoài trường tiểu học Vĩnh Hòa Hưng Nam 1.Phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam và Công ty Cổ phần Giáo dục Đại Trường Phát tổ chức đợt tập huấn cho giáo viên tiếng Anh toàn tỉnh về nội dung: Hướng dẫn dạy kỹ năng nói (theo giáo trình Family & Friends Special Edition của Nhà xuất bản Giáo Dục, Việt Nam và ĐH Oxford, Vương quốc Anh). Tiếp tục tổ chức nội dung “Thi thực hành tiết dạy” của Hội thi giáo viên dạy giỏi tiểu học tỉnh Kiên Giang năm học 2017-2018.

Giáo dục trung học: Tổng kết Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kiên Giang lần thứ XVII năm học 2017-2018. Tham gia tập huấn, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học cấp THCS do Bộ GDĐT tổ chức tại Cần Thơ. Tổ chức cuộc thi tiếng Anh trên internet (OSE, IOE) cấp tỉnh và giải toán trên internet cấp toàn quốc năm học 2017-2018. Tham gia đoàn đánh giá ngoài tại trường THCS Tây Yên - Huyện An Biên. Phối hợp khảo sát môn tiếng Anh đối với học sinh lớp 5 trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp tục kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ GDTrH đợt 2 theo kế hoạch.

7.3. Tình hình văn hóa, nghệ thuật, thể thao

Trong tháng 4 đã tập trung tuyên truyền kỷ niệm 42 năm ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Việt Nam (25/4/1976 - 25/4/2018), kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2018). Tổ chức Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng huyện Tân Hiệp năm 2018, Tết cổ truyền Chôl - Chnăm - Thmây của đồng bào dân tộc Khmer. Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tốt vòng Bán kết và Chung kết Cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu năm 2018 tại thành phố Rạch Giá và huyện Phú Quốc. Tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kiên Giang lần thứ XVII, năm học 2017 - 2018.

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Bảo tàng tỉnh phục vụ 582 lượt khách đến tham quan, trong đó có 42 lượt khách nước ngoài; Tổ chức trưng bày lưu động phục vụ Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng huyện Tân Hiệp năm 2018, ước hơn 4.000 lượt người tham quan; sưu tầm 300 hình ảnh, tư liệu về tín ngưỡng Hùng Vương; xây dựng hồ sơ lý lịch hiện vật gốm Hòn Dầm (phân loại, khảo tả, đo đạc) được 300 hiện vật. Ban Quản lý di tích tỉnh đã bổ sung hồ sơ di tích lịch sử Căn cứ An ninh khu 9 để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia; lập đề cương hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Ok-Om-Bok; tổ chức khảo sát Bia chiến thắng Lộ Lục Phi, huyện Gò Quao.

Thư viện tỉnh: Bổ sung 48 loại báo, tạp chí và 3.267 sách mới; đưa 11.283 lượt sách báo, tạp chí phục vụ 8.126 lượt bạn đọc. Tổ chức trưng bày sách mới, sách chuyên đề, báo, tạp chí nhân Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng huyện Tân Hiệp năm 2018, Ngày Sách Việt Nam (21/4), Ngày Sách và bản quyền thế giới (23/4)... Tổ chức khai mạc Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5 và hưởng ứng Ngày Sách và bản quyền thế giới (23/4) với chủ đề “Sách với Gia đình” (từ ngày 20/4 - 22/4/2018). Tham gia trưng bày triển lãm sách và phục vụ đọc sách lưu động tại các huyện Tân Hiệp, U Minh Thượng và Phú Quốc. Cấp 228 bản sách cho 06 Trường trên địa bàn huyện Phú Quốc và Vĩnh Thuận.

Thể dục thể thao quần chúng: Tổ chức Lễ khai mạc và thi đấu 11 môn thể thao tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kiên Giang lần thứ XVII, năm học 2017 - 2018; gồm 67 đơn vị tham dự với gần 4.000 vận động viên đến từ các Trường trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thi đấu một số giải thể thao tại Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Kiên Giang lần thứ VIII năm 2017 - 2018 như: Giải Thể hình (với hơn 30 vận động viên đến từ 09 CLB thuộc các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh), Giải Bóng chuyền hơi nữ (có 06 đội tham gia thi đấu đến từ 02 Trường Cao đẳng và 04 huyện), Giải Quần vợt (với gần 20 vận động viên đến từ 04 huyện, thị xã), Giải Bóng chuyền nam (có 12 đội tham gia thi đấu đến từ các ngành và 10 huyện, thị xã, thành phố), Giải Đua thuyền truyền thống, Đua ghe ngo.

Thể thao thành tích cao: Tổ chức Giải đua xe đạp tỉnh Kiên Giang mở rộng năm 2018 từ thành phố Rạch Giá đến huyện Tân Hiệp nhân Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương (10/3 ÂL) và kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018). Phối hợp tổ chức đón và đưa Đoàn đua Giải xe đạp tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 30 năm 2018 (chặng 28, 29). Tham dự các giải: Giải Rowing và Canoeing vô địch các CLB toàn quốc tại Đà Nẵng; Giải Vô địch cung thủ xuất sắc toàn quốc tại Vĩnh Long; Giải Điền kinh Cúp tốc độ Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh, Giải Vô địch Cờ vua quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh; Giải Quần vợt Vô địch Nam - Nữ lần II tranh cúp Hải Đăng tại Tây Ninh; Giải Bóng chuyền bãi biển toàn quốc Tour I tại Quảng Bình; kết quả: đạt 06 huy chương (01 HCV, 02 HCB và 03 HCĐ).

7.4. Tình hình y tế

Trong tháng, các cơ sở y tế trong tỉnh đã khám, điều trị bệnh cho 428.840 lượt người; điều trị nội trú 21.556 bệnh nhân; công suất sử dụng giường bệnh chung là 93,38%; Tỷ lệ khỏi bệnh 87,64%, tỷ lệ tử vong 0,17%.

Số lượt khám chữa bệnh bằng YH Cổ truyền hoặc kết hợp YH hiện đại và YHCT là 54.759 lượt, chiếm 13,84 % tổng số lượt khám chữa bệnh trong tháng.

Tình hình dịch bệnh trong tháng (từ ngày 16/03/2018 – 15/04/2018):

Bệnh Sốt xuất huyết: trong tháng toàn tỉnh ghi nhận có 82 cas mắc, tăng 36 cas so với tháng trước. Tích lũy từ đầu năm đến nay là 235 cas mắc, không có tử vong; so với cùng kỳ năm 2017 giảm 04 cas.

Bệnh Tay Chân Miệng: Toàn tỉnh  có 36 cas mắc, tăng 18 cas so với tháng trước. Tích lũy số mắc từ đầu năm đến nay là 114 cas mắc, không có tử vong; so với cùng kỳ năm 2017 giảm 74 cas.

Các bệnh truyền nhiễm khác: Bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm, cụ thể Số cas mắc trong tháng/lũy kế từ đầu năm như sau: Tả (0/0), Thương hàn (5/23), Viêm não virus (4/5), Viêm màng não do NMC (0/0), Cúm A H5N1 (0), Sởi (0).  

Chương trình phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng thực hiện xét nghiệm 6.793 mẫu máu, phát hiện mới 14 cas HIV dương tính. Trong tháng, điều trị ARV cho 29 bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó có 01 trẻ em dưới 15 tuổi. Tích lũy số bệnh nhân điều trị ARV là 1.570 người, trong đó có 112 trẻ dưới 15 tuổi. Tính đến thời điểm báo cáo, số người còn sống ở địa phương nhiễm HIV là 2.436 người, trong giai đoạn AIDS là 1.593 người. Số người điều trị Methadone mới trong tháng là 14 người, lũy kế có 103 người đang điều trị.

Phòng, chống các bệnh xã hội và bệnh nguy hiểm cho cộng đồng

Trong tháng phát hiện 02 BN phong, 259 BN lao, 05 BN tâm thần phân liệt và 02 BN động kinh. Số quản lý đến nay là 406 BN phong, 3.523 BN lao, 2.184 BN tâm thần phân liệt và 2.723 BN động kinh.

Điều trị khỏi bệnh 227 BN lao, Số bệnh nhân Lao đã được điều trị khỏi bệnh lũy kế tử đầu năm đến nay là 786 người.

Công tác vệ sinh An toàn thực phẩm: Trong tháng đã thẩm định, cấp 32 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Thực hiện thanh tra, kiểm tra 1.451 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có 186 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP, qua đó đã nhắc nhở và hướng dẫn cho các cơ sở thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh.

Trong tháng không có vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào xảy ra, có 42 cas ngộ độc thực phẩm mắc lẻ (37 cas do ngộ độc của cồn, 05 cas do ăn thực phẩm).

7.5. Tình hình an toàn giao thông

Tính từ ngày 16/3/2018 đến 15/4/2018 trên toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông, làm 07 người chết, 04 người bị thương. Trong đó: Số vụ TNGT nghiêm trọng 07 vụ, làm 07 người chết và 01 người bị thương. So với tháng trước số vụ TNGT giảm 11 vụ, số người chết giảm 06 người, số người bị thương giảm 13 người. Tính từ đầu năm, xảy ra 75 vụ tai nạn giao thông, làm 53 người chết, 49 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, tăng 04 vụ; tăng 13 người chết và giảm 02 người bị thương. Tình hình tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay đã tăng về số vụ cũng như số người chết so với năm 2017, trong đó có 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng làm chết 6 người, nguyên nhân  chủ yếu là do ý thức của một số người khi tham gia giao thông không tuân thủ quy định an toàn giao thông như lấn đường, sử dụng rượu bia, không chú ý quan sát…đề nghị các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền kết hợp với thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường Quốc lộ nhằm ngăn chặn, phòng ngừa để giảm thiểu tai nạn giao thông.

 7.6. Tình hình cháy, nổ và thiên tai

Tình hình cháy nổ: Từ ngày 16/03/2018 đến 15/04/2018 toàn tỉnh xảy ra 03 vụ cháy, (gồm huyện Hòn Đất 01 vụ, Châu Thành 01 vụ, U Minh Thượng 01 vụ) và 01 vụ nổ (huyện Giang Thành), thiệt hại do cháy, nổ gây ra ước tính 1 tỷ 680 triệu đồng, không có thiệt hại về người. Nguyên nhân do chập điện 01vụ, do đốt đồng bất cẩn cháy lan sang nhà dân 01 vụ, 02 vụ đang trong quá trình điều tra.

* Riêng vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 18/4/2018 tại ấp Thạnh Ngọc, xã Thạnh Hưng đã xảy ra một vụ cháy nhà liền kề của 4 hộ dân, ước tính giá trị thiệt hại khoảng 400 triệu đồng, nguyên nhân ban đầu nghi do chập điện.

Tính chung 4 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 09 vụ cháy, 01 vụ nổ, làm 02 người thiệt mạng, không có người bị thương. Thiệt hại ước tính lũy kế 2 tỷ 305 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn ra thuận lợi nên chưa ảnh hưởng gì về thiên tai.

Tải về: - Số liệu kinh tế - xã hội ước tính tháng 4 và 4 tháng năm 2018 của tỉnh Kiên Giang

            - Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 năm 2018 của tỉnh Kiên Giang.

Số lần đọc: 1268
Cục Thống Kê Kiên Giang
Tin liên quan