Tin nóng
24.08.2016

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản:

a. Nông nghiệp:

* Vụ Xuân hè:  mặc dù ngành chức năng khuyến cáo nông dân không nên sản xuất vụ xuân hè để chuẩn bị cho việc cày ải, phơi đất cho vụ hè thu, nhưng đến nay theo kết quả điều tra chính thức diện tích, năng suất, sản lượng vụ xuân hè, toàn tỉnh có 17.256 ha diện tích gieo trồng, tăng 61,85% so với cùng kỳ năm trước,  năng suất ước đạt 5,34 tấn/ha, sản lượng đạt 92.150 tấn (tăng 33.417 tấn), tăng 56,90% so cùng kỳ, năng suất năm nay giảm so với kế hoạch và so với cùng kỳ, nguyên nhân do một số diện tích ở huyện Giang Thành bị chuột cắn phá gây thiệt hại làm giảm năng suất.

* Vụ Hè thu: Kết thúc gieo trồng vụ hè thu, toàn tỉnh xuống giống được 295.389 ha, đạt 97,81% so với kế hoạch, giảm 1,64% (giảm 4.933 ha) so cùng kỳ. Đến nay đã thu hoạch được 107.000 ha, năng suất ước đạt 5,64 tấn/ha. Một số diện tích đã gieo sạ nhưng do nắng nóng, nước mặn xâm nhập làm thiệt hại khoảng 177 ha (huyện An Biên).

   Hiện nay, tình hình thời tiết có những diễn biến mưa giông xảy ra bất thường, chính vì vậy việc thu hoạch lúa Hè thu của nhân dân sẽ gặp nhiều khó khăn; lúa bị ngã đổ sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cũng như tiến độ thu hoạch. Cùng với đó là dịch bệnh có xu hướng gia tăng; vì vậy ngành nông nghiệp tăng cường chỉ đạo các huyện, thị và các cơ quan chuyên môn có biện pháp hướng dẫn nông dân thu hoạch, bảo quản lúa; cũng như có biện pháp phòng, trị bệnh hữu hiệu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Diện tích lúa Hè thu bị nhiễm  sâu bệnh là 9.242 ha, bằng 46,69% so cùng kỳ; với một số bệnh chủ yếu như: Rầy nâu 2.231 ha, Đạo ôn lá 2.644 ha, cháy bìa lá 710 ha, đạo ôn cổ bông 755 ha. Ngoài ra, do chuột cắn phá nên một số diện tích bị thiệt hại tập trung ở các huyện như: Giang Thành và Kiên Lương.

* Vụ Thu Đông (vụ 3): Sau khi thu hoạch xong vụ hè thu các địa phương tiến hành gieo trồng lúa thu đông được 90.703 ha đạt 100,78% so với kế hoạch và tăng 2,86% so với cùng kỳ, tập trung ở các huyện Giồng Riềng: 40.045 ha, Tân Hiệp: 33.699 ha, Châu Thành: 7.176 ha, Hòn Đất:6.670, Gò Quao 2.462 ha và Rạch giá 650 ha (chuyển từ vụ xuân hè sang).          

           Diện tích  bị nhiễm sâu bệnh trên lúa Thu đông là 2.574 ha, chủ yếu là một số bệnh như: Rầy nâu 60 ha, Đạo ôn lá 205 ha, cháy bìa lá 1.497 ha, đạo ôn cổ bông 260 ha...        

 * Cây màu: Tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã trồng được 1.252 ha dưa hấu, đạt 78,25% kế hoạch và tăng 2,12% so với cùng kỳ; khoai lang 979 ha, đạt 63,16% kế hoạch, tăng 4,59% so với cùng kỳ; bắp 98 ha, đạt 32,67% so với kế hoạch, giảm 37,97% so với cùng kỳ; rau đậu các loại 6.361 ha, đạt 74,84% kế hoạch, tăng 26,29% so cùng kỳ năm trước ...

* Chăn nuôi: Đàn gia súc gia cầm trong tỉnh không có biến động lớn, số lượng đàn trâu hiện có 6.055 con, tăng 0,3% so cùng kỳ; đàn bò: 12.122 con, tăng 1,45% so cùng kỳ; đàn heo: 343,656 con, tăng 1,12% so cùng kỳ; đàn gia cầm: 5,627 triệu con, tăng 1,37% so cùng kỳ. Nhìn chung số lượng đầu con có tăng nhưng không đáng kể, một phần do giá cả ổn định ở mức có lợi nhuận đã tác động tốt đến tâm lý người nuôi, mặt khác do các ngành chức năng thời gian qua quản lý tốt dịch bệnh nên qui mô đàn đang có xu hướng tăng lên.

Trong tháng tình hình dịch bệnh được kiểm soát nên chưa phát hiện ổ dịch nào. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết diễn biến bất thường nên dễ phát sinh dịch bệnh (tỉnh Hậu Giang hiện đang có dịch heo tai xanh); để phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền cho nông dân thực hiện việc đảm bảo vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm.

b. Lâm nghiệp:

Các ngành chức năng thường xuyên thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc rừng, tuy nhiên trong tháng đã xảy ra 03 vụ vi phạm chặt phá rừng với diện tích khoản 0,381 ha (Phú Quốc 02 vụ, U Minh Thượng 01 vụ). Tính chung từ đầu năm đến nay, trên toàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy rừng với diện tích 5,7ha; 28 vụ chặt phá rừng với diện tích 4,02 ha. Chủ yếu là chặt phá rừng lấn chiếm đất để nuôi trồng thủy sản.

c. Thủy sản

Giá trị sản xuất  thủy sản (theo giá so sánh 2010): Tháng 8 ước 2.027,94 tỷ đồng, bằng 90,69%  so với tháng trước và giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Giá trị khai thác 1.257,98 tỷ đồng, bằng 99,03% so tháng trước và tăng 13,3% so cùng kỳ; giá trị nuôi trồng 769,96 tỷ đồng, bằng 79,73 % so tháng trước và giảm 38,16% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng giá trị sản xuất cả khai thác và nuôi trồng là 15.404,41 tỷ đồng, đạt 63,79% kế hoạch năm và tăng 4,60% so cùng kỳ năm trước. Chia ra: khai thác 9.475,04 tỷ đồng, đạt 74,80% kế hoạch và tăng 14,52% so cùng kỳ; nuôi trồng 5.929,37 tỷ đồng, đạt 51,65% kế hoạch, bằng 91,89% so cùng kỳ năm trước.

Tổng sản lượng thủy sản (khai thác và nuôi trồng) tháng 8 ước tính đạt 60.733 tấn, bằng 89,25 % so tháng trước và giảm 5,29% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đạt 456.063 tấn, đạt 65,88% kế hoạch cả năm và tăng 1,83% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng khai thác: Tháng 8 ước tính đạt 44.387 tấn thủy hải sản các loại, giảm 0,94% (giảm 421 tấn) so tháng trước. Trong đó: cá các loại được 31.701 tấn, giảm 0,51% (giảm 161 tấn); tôm: 3.307 tấn, giảm 0,57% (giảm 19 tấn); mực: 5.963 tấn, tăng 0,52% (tăng 31 tấn)...

Luỹ kế sản lượng khai thác qua 8 tháng là 345.539 tấn, đạt 69,21% kế hoạch năm và tăng 5,85% so cùng kỳ năm trước (tăng 19.101 tấn), trong đó: Cá các loại 248.161 tấn, tăng 10,21% (tăng 22.992 tấn); tôm: 24.503 tấn, giảm 9,87% (giảm 2.684 tấn); mực: 44.156 tấn, tăng 5,06% (tăng 2.127 tấn) so cùng kỳ...

Từ đầu năm đến nay tuy thời tiết có tốt hơn, chi phí sản xuất và giá cả sản phẩm khai thác ổn định nên ngư dân luôn bám biển khai thác thường xuyên, tuy nhiên, sản lượng khai thác những tháng gần đây đang có xu hướng giảm sút. 

Sản lượng nuôi trồng: Tháng 8 ước đạt 16.346 tấn thủy sản các loại, bằng 70,33% so tháng trước (giảm 6.895 tấn) và bằng 81,09% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá các loại 5.549 tấn, bằng 96,3% so tháng trước; tôm thẻ chân trắng 1.516 tấn, tăng 12,71% so tháng trước và tăng 62,66% so với cùng kỳ; riêng tôm sú được 2.634 tấn, bằng 71,25% so tháng trước (giảm 1.063 tấn); thủy sản khác như sò các loại 1.784 tấn, bằng 32,23%; cua: 413 tấn, bằng 61,64% so tháng trước ... Tính chung 8 tháng sản lượng nuôi trồng là 110.524 tấn, đạt 57,27% kế hoạch, giảm 8,97% (giảm 10.892 tấn) so cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá nuôi các loại 35.787 tấn, giảm 5,53% (giảm 2.095 tấn); tôm các loại 29.761 tấn, giảm 8,6% (giảm 2.799 tấn), trong đó: tôm thẻ chân trắng 6.477 tấn, tăng 11,25% (tăng 655 tấn); thủy sản khác như: sò nuôi 22.112 tấn, giảm 11.177 tấn; cua: 6.592 tấn, tăng 20 tấn ...

Sản lượng nuôi trồng 8 tháng giảm so với cùng kỳ là do thời tiết khô hạn kéo dài, nước mặn vào sâu trong đất liền làm giảm diện tích thả nuôi các loại cá nước ngọt vùng bán đảo Cà Mau. Các loại thủy sản khác cũng giảm mạnh từ sản lượng các loại sò nuôi của huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên và An Minh. Riêng sản lượng cá nuôi lồng bè nước mặn lại tăng 22,27% (tăng 259 tấn) do ngư dân đầu tư thêm lồng bè để thả nuôi các loại cá Mú, cá bớp ở các xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, Kiên Lương …

Sản lượng tôm thẻ nuôi trong tháng tăng là do các doanh nghiệp, hộ nhân dân có tôm thẻ đã bắt đầu vào thời kỳ thu hoạch đại trà những diện tích thả nuôi (huyện Kiên Lương, Giang Thành, Hà Tiên…). Riêng sản lượng tôm sú giảm so với cùng kỳ là do đã kết thúc vụ thu hoạch chính và đang thả nuôi tôm vụ kế tiếp.

Diện tích tôm thả nuôi đến thời điểm này được 104.884 ha/101.000, đạt 103,84 % kế hoạch, tăng 6,58 % so cùng kỳ. Trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp 1.428 ha (trong đó, có 1.282 ha tôm thẻ chân trắng); nuôi tôm quảng canh-quảng canh cải tiến 20.348 ha và nuôi tôm - lúa 83.108 ha.

2. Công nghiệp:

Chỉ số sản xuất công nghiệp: Trong tháng 8, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 10,78% so tháng trước và tăng 19,66% so cùng kỳ năm trước. Ngành tăng cao nhất là khai khoáng tăng 16,62%; kế đến là ngành chế biến, chế tạo tăng 10,68%, trong đó: ngành chế biến, bảo quản thủy sản tăng 15,83%, ngành sản xuất bê tông và các sản phẩm từ  xi măng và thạch cao tăng  8,53%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 7,17%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 6,16%.

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 9,68% so cùng kỳ năm trước, ngành tăng cao nhất là ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 12,57%; ngành khai khoáng tăng 10,04%; ngành chế biến, chế tạo tăng 9,60%, trong đó: ngành sản xuất xi măng tăng 20,20%, ngành chế biến, bảo quản thủy sản tăng 7,01%, xay xát tăng 7,67%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 9,52%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): Tháng 8, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 3.261,06 tỷ đồng, tăng 10,34% so tháng trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3.093,36 tỷ đồng, chiếm 94,85% tổng giá trị toàn ngành, tăng 10,39% so với tháng trước; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 107,39 tỷ đồng, tăng 7,28%; ngành khai khoáng đạt 43,61 tỷ đồng, tăng 17,29%.

Tính chung 8 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 22.260,43 tỷ đồng, đạt 56,95% kế hoạch năm và tăng 9,68% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 21.127,49 tỷ đồng, chiếm 94,91%/tổng giá trị toàn ngành, tăng 9,65%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 686,18 tỷ đồng, tăng 9,68%; ngành khai khoáng 303,86 tỷ đồng, tăng 10,04%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải 142,90 tỷ đồng, tăng 12,57% so cùng kỳ.

          Một số sản phẩm công nghiệp 8 tháng đầu năm có mức tăng khá cao so cùng kỳ năm trước như: xi măng địa phương đạt 757,88 ngàn tấn, tăng 27,25%; xi măng Trung ương đạt 877,04 ngàn tấn, tăng 35,37%; cá đông 1.844 tấn, tăng 7,71%; bột cá 78.935 tấn, tăng 14,72%...

          Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng đầu năm tăng 6,89% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tiêu thụ 7 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: ngành chế biến chế tạo tăng 6,89%, trong đó ngành bảo quản thủy sản ướp đông tăng 17,01% và ngành xay xát tăng 5,37%; Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 18,23%, trong đó sản xuất xi măng vôi và thạch cao tăng 18,63%.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại thời điểm 1/8/2016 bằng 92,57% so cùng kỳ năm trước. Ngành chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản bằng 49,64% so cùng kỳ, trong đó: các ngành chế biến cá, tôm, mục đông lạnh đều giảm so với cùng kỳ, riêng mặt hàng nước mắm lại tăng 7,4 lần so cùng kỳ; Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 4,2 lần so cùng kỳ. Chỉ số tồn kho công nghiệp tại thời điểm đầu tháng 8/2016 cho thấy: Tình hình tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp chế biến thuỷ hải sản 8 tháng đầu năm tăng khá, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng năng suất, sản lượng sản xuất trong thời gian tới. Tuy nhiên, gần đây nhất là trong tháng 6, 7 chỉ số hàng tồn kho của mặt hàng nước mắm, xi măng tăng cao trở lại làm chậm mức tiêu thụ so với sản lượng sản xuất ra của 2 mặt hàng này.

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/8/2016 giảm 1,81% so với cùng thời điểm này năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,57%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 2,06% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không tăng, không giảm.

3. Vốn đầu tư:

          Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 8 ước tính 321,6 tỷ đồng, so tháng trước tăng 1,27%. Bao gồm: Vốn cân đối ngân sách địa phương 142,6 tỷ đồng; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương được 62,9 tỷ đồng; vốn khác từ ngân sách 103,1 tỷ đống; vốn ngoài nước (ODA) được 13 tỷ đồng. Lũy kế  8 tháng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước được 2.531,16 tỷ đồng, đạt 48,47% kế hoạch năm và bằng 89,11% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vốn cân đối ngân sách địa phương 1.131,65 tỷ đồng, đạt 65,53% kế hoạch, tăng 2,26%; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương được 494,58 tỷ đồng, đạt 48,9% kế hoạch, bằng 59,4% cùng kỳ; vốn khác từ ngân sách 797,95 tỷ đồng, đạt 72,75% kế hoạch, tăng 1,08%; vốn ngoài nước ODA 106,96 tỷ đồng, đạt 58,61% kế hoạch, bằng 94,85% so với cùng kỳ năm 2015.

Tiến độ triển khai đầu tư tại các KCN: Trong tháng, BQL khu kinh tế  tiếp tục đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh việc triển khai thi công các hạng mục thuộc hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp: thoát mưa đường số 1, số 2 và  số 4 trong khu CN Thạnh Lộc, tổng giá trị thực hiện đến nay ước đạt 12,49 tỷ đồng, đạt 95,47% giá trị hợp đồng; hạng mục Đường số 1 dài 412,25 m, giá trị thực hiện ước đạt 6,7 tỷ đồng, đạt 76,14% giá trị hợp đồng.

Tiến độ triển khai các dự án sản xuất tại các khu công nghiệp: trong tháng giá trị đầu tư của các dự án đang triển khai sản xuất trong khu công nghiệp Thạnh Lộc, Thuận yên ước đạt 50 tỷ đồng, lũy kế từ khi triển khai đến nay là 2.465 tỷ đồng, trong đó: KCN Thạnh Lộc hiện có 04 dự án đang hoạt động sản xuất gồm: Dự án Bia Sai Gòn, Giầy da, gỗ MDF, cấp nước; 08 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng. Giá trị đầu tư trong tháng là 30 tỷ đồng, lũy kế từ khi triển khai đến nay là 2.312 tỷ đồng. KCN Thuận yên: hiện có 01 dự án đang triển khai xây dựng, giá trị đầu tư trong tháng là 20 tỷ đồng, lũy kế từ khi triển khai đến nay đạt khoảng 145 tỷ đồng.

4. Thu, chi ngân sách:

Tổng thu ngân sách trên địa bàn: Tháng 8 ước tính thu ngân sách 315,39 tỷ đồng, tăng 3,99% so tháng trước và giảm 31,63% so cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách 8 tháng  được 5.267,34  tỷ đồng, đạt 83,74% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 98,87% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó: thu nội địa 4.336,68 tỷ đồng, bằng 88,32% dự toán và tăng 20,95% so cùng kỳ, chiếm 82,33% / tổng thu ngân sách của tỉnh. Qua 8 tháng, một số các khoản thu đạt được cụ thể như sau: thu tiền sử dụng đất 955,38 tỷ đồng, vượt 19,42% dự toán nhưng giảm 15,14% so với cùng kỳ; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước 420,85 tỷ đồng, vượt 2,63 lần dự toán, tăng 39,42%;  thu thuế công, thương nghiệp ngoài nhà nước 1.349,39 tỷ đồng, đạt 89,96% dự toán, tăng 87,51%;  thu phí trước bạ 165,89 tỷ đồng, đạt 67,03% dự toán và bằng 105,04% so với cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân 300,45 tỷ đồng, đạt 60,09% dự toán, giảm 10,34%; thu xuất nhập khẩu, TTĐB thuế VAT 78,67 tỷ đồng, đạt 65,56% kế hoạch và giảm  11,02% so cùng kỳ năm 2015.

Tổng chi ngân sách địa phương: Tháng 8 ước tính chi ngân sách địa phương là 900,52 tỷ đồng, tăng 2,58% so tháng trước và bằng 76,32% so cùng kỳ. Tính từ đầu năm, tổng chi ngân sách 6.010,16 tỷ đồng, đạt 58,54% dự toán năm và bằng 95,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: chi thường xuyên 4.023,18 tỷ đồng, đạt 68,79% dự toán năm và bằng 99,78% so cùng kỳ; chi đầu tư phát triển 1.387,93 tỷ đồng, đạt 51,56% dự toán năm và tăng 30,94% so với cùng kỳ.

5. Ngân hàng:

Ước  đến cuối tháng 8/2016, tổng nguồn vốn hoạt động ngân hàng trên địa bàn đạt 53.700 tỷ đồng, tăng 1,17% so tháng trước và tăng 6,70% so với đầu năm. Trong đó: Nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 31.250 tỷ đồng, tăng 0,74% so với tháng trước và tăng 11,03% so với đầu năm; chiếm tỷ trọng 58,19% trên tổng nguồn vốn hoạt động.

Ước doanh số cho vay tháng 8/2016 đạt 6.500 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đến 31/8/2016 ước đạt 40.750 tỷ đồng, tăng 0,62%% so với tháng trước và tăng 5,79% so với đầu năm. Dư nợ xấu ước 580 tỷ đồng, chiếm 1,42%/tổng dư nợ

Doanh số cho vay và dư nợ cho vay tính đến 31/7/2016 của một số lĩnh vực cụ thể như sau:

+ Doanh số cho vay xuất khẩu tháng 7/2016 đạt 749 tỷ đồng, luỹ kế từ đầu năm đạt 6.823 tỷ đồng; dư nợ 3.573 tỷ đồng, giảm 3,15% so tháng trước, nhưng tăng 14,64% so với đầu năm và chiếm 8,83% tổng dư nợ. Doanh số và dư nợ chủ yếu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu thuỷ sản và gạo gồm: Doanh số cho vay xuất khẩu gạo tháng 7/2016 đạt 396 tỷ đồng, luỹ kế từ đầu năm đạt 2.880 tỷ đồng; dư nợ 1.032 tỷ đồng, giảm 10,34% so với tháng trước, nhưng tăng 37,89% so với đầu năm; Doanh số cho vay xuất khẩu thủy sản tháng 7/2016 đạt 353 tỷ đồng, luỹ kế từ đầu năm đạt 3.943 tỷ đồng; dư nợ 2.541 tỷ đồng, tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 7,32% so với đầu năm.

+ Cho vay theo phát triển thuỷ sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP:  Trong tháng 7, các ngân hàng tiếp tục ký thêm hợp đồng tín dụng cho vay đóng mới, nâng cấp 2 tàu ở Kiên Hải, nâng tổng số tàu được ký kết và giải ngân là 19 tàu; điều chỉnh tăng số tiền cam kết cho vay đối với 1 tàu từ 14,8 tỷ đồng lên 17,7 tỷ đồng; tiếp tục giải ngân thêm 4,34 tỷ đồng, nâng tổng số tiền đã giải ngân đạt 98,21 tỷ đồng. Dư nợ đến thời điểm báo cáo là 98,21 tỷ đồng

+ Chính sách Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 61/NQ-CP: Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp tục thực hiện giải ngân đối với các hợp đồng đã ký kết trước ngày 31/3/2016. Tính đến 31/7/2016, các ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện giải ngân 416 tỷ đồng cho 715 HĐTD (01 DN và 714 cá nhân), dư nợ đạt 371 tỷ đồng. 

+ Hoạt động của NHCSXH: Doanh số cho vay tháng 7 đạt 51 tỷ đồng, dư nợ 2.506 tỷ đồng, giảm 0,04% so với tháng trước và tăng 3,68% so đầu năm.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ phù hợp nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh do thiên tai. Tính đến 31/7/2016, có 1.192 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với số dư nợ là 7.825 triệu đồng; 54 khách hàng được cho vay mới với số tiền cho vay 2.369 triệu đồng và 01 khách hàng được miễn lãi số tiền 25 triệu đồng.

6.Thương mại – Dịch vụ:

a. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính tháng 8 đạt 6.099,45 tỷ đồng, tăng 1,19% so tháng trước và tăng 12,93% so cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 45.353,34 tỷ đồng, đạt 62,82% kế hoạch và tăng 12,93% so cùng kỳ năm trước. Trong đó:

* Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tháng 8 ước được 4.693 tỷ đồng, tăng 2,14% so tháng trước và tăng 10,34% so cùng kỳ.  Lũy kế 8 tháng ước tính 34.929,32 tỷ đồng, đạt 62,41% kế hoạch và tăng 12,17% so cùng kỳ.

* Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống: ước tính tháng 8 ước được 618,16 tỷ đồng, tăng 4,16% so tháng trước. Lũy kế 8 tháng được 4.682,21 tỷ đồng, đạt 66,89% so kế hoạch và tăng 13,95% so cùng kỳ năm trước. Chia ra:

Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 8 ước được 112,39 tỷ đồng, bằng 96,40% so tháng trước. Lũy kế 8 tháng được 916,69 tỷ đồng, tăng 72,54% so cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ ăn uống: Thực hiện tháng 8 ước được 505,76 tỷ đồng, tăng 6,06% so tháng trước. Lũy kế 8 tháng được 3.765,53 tỷ đồng, tăng 5,25% so cùng kỳ năm trước

* Doanh thu du lịch lữ hành: Tháng 8 ước tính đạt 23,61 tỷ đồng, bằng 91,12% so tháng trước. Lũy kế 8 tháng doanh thu du lịch lữ hành đạt 147,42 tỷ đồng, bằng 64,10% so kế hoạch và tăng 28,84% so cùng kỳ năm trước, doanh thu lữ hành tăng cao chủ yếu là tăng từ khách quốc tế và khách trong nước đến du lịch tại huyện đảo Phú Quốc và các tuyến đi các đảo Nam du, Lại sơn thuộc huyện Kiên Hải và quần đảo bà lụa thuộc huyện Kiên Lương.

* Doanh thu dịch vụ khác: Tháng 8 thực hiện  ước đạt 764,67 tỷ đồng, bằng 94% so với tháng trước. Nhiều nhóm doanh thu dịch vụ tăng, giảm nhẹ như: nhóm dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 5,61%; dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 3,08%; dịch vụ sửa chữa máy tính, đồ dùng tăng 4,40% ... Chỉ có nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí giảm 22,29% dẫn đến làm giảm doanh thu các hoạt động dịch vụ so với tháng trước.

Lũy kế 8 tháng doanh thu các hoạt động dịch vụ đạt 5.594,38 tỷ đồng, đạt 62,16% so kế hoạch và tăng 15,73% so cùng kỳ năm trước. Đa số các hoạt động dịch vụ doanh thu đều tăng khá cao như: Nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng cao nhất 93,97%; kế đến nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 41,13%; Riêng nhóm dịch vụ sửa chữa đồ dùng cá nhân gia đình bằng 42,12%; nhóm hành chính và dịch vụ hỗ trợ bằng 55,49%...

* Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường: Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong  tháng 7/2016, đã kiểm tra 177 vụ việc, phát hiện 35 vụ vi phạm quy định nhà nước, gồm: 24 vụ vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu; 07 vụ gian lận thương mại và 04 vụ vi phạm khác trong kinh doanh. Đã xử lý các vụ vi phạm, phạt hành chính và bán hàng hóa tịch thu nộp ngân sách nhà nước 310 triệu đồng. Luỹ kế 8 tháng đã kiểm tra 1.294 vụ việc, phát hiện 340 vụ vi phạm quy định nhà nước, gồm: 208 vụ vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu; 10 vụ gian lận thương mại; 10 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, quyền sở hữu trí tuệ;  18 vụ vi phạm về vệ sinh an tòan thực phẩm và 68 vụ vi phạm khác trong kinh doanh. Đã xử lý các vụ vi phạm, phạt hành chính và bán hàng hóa tịch thu nộp ngân sách nhà nước 4,86 tỷ đồng.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu: Tháng 8 dự tính đạt 43,31 triệu USD, tăng 37,90% so với tháng trước, tăng 52,8% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Hàng nông sản 29,9 triệu USD, tăng 71,18% so tháng trước; hàng thủy sản 11,58 triệu USD, giảm 4,88% so tháng trước; hàng hóa khác 1,81 triệu USD, tăng 3,62% so tháng trước.

Tính chung 8 tháng kim ngạch xuất ước thực hiện 240,34 triệu USD, đạt 54,62% kế hoạch năm, tăng 8,75% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Hàng nông sản đạt 147,26 triệu USD, đạt 57,75% kế hoạch năm, tăng 22,44% so cùng kỳ; hàng thủy sản 80,12 triệu USD, đạt 51,69 % kế hoạch, giảm 5,56% ; hàng hóa khác (như bột mì, mì ăn liền, dầu ăn) được 12,95 triệu USD, đạt 43,17% kế hoạch,bằng 81,56% so cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân xuất khẩu tháng này dự kiến tăng so với tháng trước là do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã thực hiện hợp đồng mới. Tổng lượng gạo dự kiến xuất trong tháng 08 là 65.166 tấn với trị giá trên 29,8 triệu USD. Bao gồm: Công ty Du lịch – Thương mại dự kiến xuất trực tiếp 11.270 tấn với trị giá trên 4,5 triệu USD và xuất uỷ thác 354 tấn, trị giá trên 136 ngàn USD; Công ty Cp kinh doanh nông sản ước xuất 3.792 tấn với trị giá gần 1,5 triệu USD; Công ty xuất nhập khẩu Kiên Giang dự kiến xuất trực tiếp 48.000 tấn với trị giá trên 22,9 triệu USD; Công ty Cp nông lâm sản dự kiến uỷ thác xuất 300 tấn, trị giá trên 113 ngàn USD;  Công ty Dịch vụ thương mại không dự kiến xuất, Công ty Thuận Phát dự kiến không xuất,  Công ty Kiên An Phú chưa có dấu hiệu hoạt động xuất khẩu trở lại.

 Mặt hàng thủy hải sản dự kiến xuất khẩu tháng 08 năm 2016 trên 11,5 triệu USD giảm 4,88 %  so với tháng 07 năm 2016 và giảm  5,56% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu như: Tôm đông dự kiến xuất 240 tấn, Mực, tuộc  đông 950 tấn, Cá đông 170 tấn, Hải sản đông khác 930 tấn, Cá cơm sấy 40 tấn, Cá đóng hộp 1.330 ngàn lon .

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu:

Thực hiện nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2016 ước đạt 5,6 triệu USD, bằng 62,02% so với tháng trước, tăng 3,02 lần so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính được 37,85 triệu USD, đạt 58,23% kế hoạch năm, tăng 4,51% so cùng kỳ.

Nguyên nhân kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2015 là do các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dùng cho sản xuất của các doanh nghiệp tăng để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

c. Chỉ số giá:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 08/2016 bằng 99,75% (giảm 0,25%) so với tháng trước. Trong đó: Khu vực thành thị bằng 99,76 (giảm 0,24%)%, khu vực nông thôn bằng 99,75% (giảm 0,25).

Ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 giảm nhẹ là do các nguyên nhân cụ thể sau:

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 so tháng trước có 5 nhóm hàng giảm là: Nhóm giao thông giảm nhiều nhất với mức – 2,18%; kế đến là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt giảm - 0,69%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm - 0,39%; nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế giảm – 0,03%; các nhóm còn lại chỉ số giá không tăng và có tăng nhẹ nhưng không lớn.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2016 so với tháng 12/2015 (sau 8 tháng) tăng 2,20%; so với cùng kỳ (tháng 8/2015) tăng 2,14%, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất là 18,83%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 8,95%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt tăng 6,99%...

Chỉ số giá vàng: Tính đến ngày 15/8/2016, chỉ số giá vàng so tháng trước tăng 0,87% với giá bán ra 3.581.000 đ/chỉ (vàng 9999). Chỉ số giá vàng tháng 8 so cùng kỳ (tháng 8/2015) tăng 21,8%.

Chỉ số giá Đô la Mỹ: Tháng 8 so tháng trước  giảm - 0,04%. Tính đến thời điểm điều tra 15/8/2016, tại thị trường tự do bán 2.228.000 đ/100 USD, Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 8/2016 so với tháng 8/2015  tăng 1,25%.

d. Vận tải:

Hoạt động vận tải tháng 8 so tháng trước giảm cả về hành khách lẩn hàng hóa. Nguyên nhân từ đầu tháng 8 đến nay do ảnh hưởng bảo nên một số tuyến vận tải khách và hàng hóa đường biển có lúc phải dừng hoạt động. Tình hình diễn biến như sau:

Vận tải hành khách: Tháng 8 vận tải hành khách ước tính đạt 5,76 triệu lượt khách, bằng 95,30% so tháng trước; luân chuyển 321,64 triệu HK.km, bằng 95,34% so tháng trước. Lũy kế 8 tháng vận tải hành khách ước tính được 46,66 triệu lượt khách, đạt 68,08% kế hoạch và tăng 11,03% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 3.068,14 triệu HK.km, đạt 76,06%  kế hoạch và tăng 11,75% so cùng kỳ. Bao gồm: Vận tải hành khách đường bộ 37,66 triệu lượt khách, tăng 11,60% so cùng kỳ và luân chuyển 2.461,67 triệu lượt khách.km, tăng 12,68% so cùng kỳ; Vận tải hành khách đường sông 7,69 triệu lượt khách, tăng 8,76% và luân chuyển 465,78 triệu lượt khách.km, tăng 9,38%; Vận tải hành khách đường biển 1,3 triệu lượt khách, tăng 8,2% và luân chuyển 140,69 triệu lượt khách.km, tăng 4,17% so cùng kỳ.

Vận tải hàng hóa: Tháng 8 vận tải hàng hóa ước tính đạt 848 ngàn tấn, bằng 97,70% so tháng trước; luân chuyển 116,88 triệu tấn.km, bằng 97,48% so tháng trước. Lũy kế 8 tháng vận tải hàng hóa ước tính đạt 6,57 triệu tấn, đạt 65,31% kế hoạch năm và tăng 6,79% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 880,94 triệu tấn.km, đạt 64,55% kế hoạch và tăng 6,08% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vận tải hàng hóa đường bộ 2,03 triệu tấn, tăng 6,55% so cùng kỳ và luân chuyển 280,47 triệu tấn.km, tăng 5,87%; Vận tải hàng hóa đường sông 2,70 triệu tấn, tăng 6,74% và luân chuyển 338,52 triệu tấn.km, tăng 6,48% so với cùng kỳ; Vận tải hàng hóa đường biển 1,83 triệu tấn, tăng 7,13% và luân chuyển 261,94 triệu tấn.km, tăng 5,81% so cùng kỳ năm trước.

         

đ. Du lịch:

          Trong tháng tổng lượt khách  du lịch ước tính 476,03 ngàn lượt khách, bằng 60,87% so tháng trước, trong đó: Số lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch, đạt 267,29 ngàn lượt khách, giảm 10,92% so với tháng trước; số khách quốc tế đạt 15,79 ngàn lượt khách, giảm 20% so với tháng trước. Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch bao gồm: Số lượt khách từ cơ sở lưu trú du lịch phục vụ đạt 252,41 ngàn lượt khách, giảm 11,12% so tháng trước và số lượt khách du lịch đi theo tour đạt 14,87 ngàn lượt khách, giảm 7,33% so tháng trước.

          Tính từ đầu năm, tổng lượt khách du lịch dự kiến 4.250,71 ngàn lượt khách, đạt 86,05% kế hoạch năm và tăng 30,02% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch 1.904,98 ngàn lượt khách, tăng 40,20% so cùng kỳ. Số khách quốc tế đạt 205,61 ngàn lượt khách, tăng 30,10% so với cùng kỳ. Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch bao gồm: khách cơ sở lưu trú du lịch phục vụ đạt 1.814,32 ngàn lượt khách, tăng 44,34% và khách du lịch đi theo tour đạt 90,65 ngàn lượt khách, giảm 10,94% so cùng kỳ năm 2015.

7. Một số tình hình xã hội:

a. Lao động, việc làm: Tháng 8/2016 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 1.914 lượt lao động, (trong tỉnh 1.009 lượt lao động, ngoài tỉnh 904 lượt lao động, xuất khẩu 01 lao động). Lũy kế từ đầu năm đến nay 20.625/33.000 lượt người đạt 62,5% kế hoạch, trong đó trong tỉnh 8.543 lượt lao động, ngoài tỉnh 12.031, xuất khẩu lao động 51 người (Nhật Bản 20 người, Hàn Quốc 18 người, Đài Loan 13 người). Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh 01 giấy phép, nâng tổng số từ đầu năm đến nay lên 28 giấy phép (cấp mới 21, cấp lại 04 và xác nhận 03). Đến nay giải quyết trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 4.293 lao động.

Công tác đào tạo nghề: Trong tháng các cơ sở đã tổ chức đào tạo nghề cho 1.455 người (Sơ cấp nghề: 585 người, dạy nghề dưới 3 tháng: 870 người). Nâng tổng số đào tạo lên 8.894 người đạt 31,76% so với kế hoạch, trong đó: Trung cấp nghề: 164 người, sơ cấp nghề: 3.767 người, dạy nghề dưới 3 tháng: 4.963 người.

b. Tình hình giáo dục:

          Trong tháng 8, ngành giáo dục đã thực hiện tốt kế hoạch đề ra như sau:

          Giáo dục mầm non: Ngành đã tổ chức Hội nghị tổng kết bậc học mầm non năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017. Hướng dẫn chuẩn bị khai giảng năm học 2016-2017. Tham mưu UBND tỉnh ra Quyết định công nhận huyện An Minh, Tân Hiệp, Hòn Đất, Giồng Riềng và thị xã Hà Tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em năm tuổi năm học 2015-2016.

          Giáo dục tiểu học: Kiểm tra hoạt động hè và công tác chuẩn bị cho năm học mới tại TP Rạch Giá, huyện Giang Thành, An Minh và thị xã Hà Tiên. Hướng dẫn triển khai cấp huyện, cấp trường về Trường học kết nối và quản lý dữ liệu trường tiểu học; hướng dẫn 30 trường tiểu học tham gia Chương trình Xây dựng trường học an toàn trong phòng, chống thiên tai và rủi ro khác theo chỉ đạo của Bộ GDĐT.  

          Giáo dục trung học: Tổ chức Hội nghị triển khai Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2016-2017 cho các trường THPT. Tham gia các đợt tập huấn chuyên môn do Bộ GDĐT tổ chức, đồng thời tổ chức triển khai tập huấn chuyên môn và các cuộc hội thảo về chuyên môn cấp tỉnh cho các trường THCS và trường THPT. Tiếp tục duyệt kết quả Tuyển sinh vào các lớp 10 đợt cuối của các trường THPT năm học 2016-2017.

 c. Tình hình văn hóa, nghệ thuật, thể thao:

Trong tháng 08, ngành văn hóa thể thao và du lịch trên địa bàn đã tập trung tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị nhất là các hoạt động kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2016) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2016); kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2016 và hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức thành công, quy mô được nâng lên, chất lượng nghệ thuật và năng lực tổ chức ngày càng tiến bộ, đảm bảo trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, trong đó có nhiều sự kiện lớn lần đầu tiên được tổ chức tại Kiên Giang như: Phối hợp Cục Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2016 tại thành phố Rạch Giá; phối hợp với Liên đoàn Xe đạp - Mô tô Thể thao Việt Nam đăng cai tổ chức giải xe đạp Đồng bằng sông Cửu Long tranh cúp Hạt Ngọc Trời lần thứ XXV năm 2016 với chủ đề “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”; Hội diễn Văn nghệ và Duyên dáng tỉnh Kiên Giang năm 2016.

- Thể dục thể thao quần chúng: Phối hợp tổ chức Hội thao Công đoàn Viên chức năm 2016 (thuộc Cụm thi đua số II) tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Rạch Giá (gồm 04 môn thi đấu với hơn 200 vận động viên tham gia). Hỗ trợ Công an tỉnh tổ chức giải Bóng đá 05 người, Bóng bàn và Bơi lội chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân, 54 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh sát nhân dân và 71 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam, có hơn 500 vận động viên tham gia.

Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao (Du lịch)  các huyện, thị xã và thành phố tổ chức các giải thi đấu thể dục thể thao như: Bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, đá cầu lưới, cầu lông, cờ tướng, bóng bàn, dẫn bóng qua cọc, ném bóng vào rổ, kéo co, đua thuyền truyền thống, thể hình... nhân dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2016) và Quốc khánh Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2016), phục vụ hàng ngàn lượt người đến xem và cổ vũ.

- Thể thao thành tích cao: Phối hợp với Liên đoàn Xe đạp - Mô tô Thể thao Việt Nam đăng cai tổ chức giải xe đạp Đồng bằng sông Cửu Long tranh cúp Hạt Ngọc Trời lần thứ XXV năm 2016 với chủ đề “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” gồm 09 chặng đua với tổng cự ly là 1.098 km, có 75 vận động viên đến từ 15 đội đua của 10 tỉnh, thành tham gia. Tham dự giải cờ vua Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX năm 2016 tại Nghệ An, kết quả: đạt 03 HCV và 03 HCĐ. Đội tuyển Bóng đá trẻ thi đấu tập huấn tại Vĩnh Long để chuẩn bị lực lượng tham dự giải Bóng đá U21 quốc gia.

d. Tình hình y tế:

Kết quả phòng chống dịch bệnh: (tính từ ngày 01/7/2016 – 31/7/2016)

Sốt xuất huyết: Ghi nhận có 89 trường hợp mắc, tăng 21 trường hợp so với tháng trước. Các địa phương có số mắc trong tháng là Kiên Hải (19), Phú Quốc (18), Tp.Rạch Giá (11), An Biên (10), Vĩnh Thuận (8), Châu Thành (7), An Minh (5),  Giồng Riềng (3), Kiên Lương (3), U Minh Thượng (2), Hòn Đất (1), Hà Tiên (1), Tân Hiệp (1). Tích lũy từ đầu năm đến nay là 540 trường hợp, không có tử vong; so với cùng kỳ năm 2015 tăng 320 trường hợp.

Tay chân miệng: Ghi nhận 28 trường hợp mắc, giảm 13 trường hợp so với tháng trước. Trong đó tập trung nhiều ở Tp.Rạch Giá (15), Châu Thành (4), Hòn Đất (3), Giồng Riềng (2). Tích lũy số mắc từ đầu năm đến nay là 556, không có tử vong; so với cùng kỳ năm 2015 tăng 98 trường hợp.

Thủy đậu: Ghi nhận 10 trường hợp mắc tăng 06 cas so với tháng trước. Tích lũy số mắc từ đầu năm đến nay là 63.

Quai bị: Ghi nhận 01 trường hợp mắc. So với tháng trước giảm 05 trường hợp. Tích lũy số mắc từ đầu năm đến nay là 68.

Bệnh Thương hàn và Phó Thương hàn: không có trường hợp mắc trong tháng. Tích lũy số mắc từ đầu năm đến nay là 13.

Bệnh tiêu chảy: Ghi nhận 353 trường hợp mắc. So với tháng trước giảm 60 trường hợp. Tích lũy số mắc từ đầu năm đến nay là 3.603.

Các bệnh khác số mắc/tích lũy đầu năm đến nay như sau: lỵ trực trùng (16/108), lỵ Amip (08/66), Đau mắt đỏ (2/16), Sởi (0/0).   

Kết quả thực hiện chương trình Phòng, chống các bệnh xã hội và bệnh nguy hiểm cho cộng đồng: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, khám phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả, quản lý chặt chẽ các bệnh phong, lao, tâm thần. Trong tháng phát hiện 01 BN phong, 220 BN lao, 06 BN tâm thần phân liệt và 07 BN động kinh. Số quản lý đến nay là 464 BN phong, 4.307 BN lao, 2.239 BN tâm thần phân liệt và 2.801 BN động kinh.

Kết quả thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS: Thực hiện xét nghiệm 6.635 người, phát hiện mới 09 cas HIV dương tính. Tính đến thời điểm báo cáo, số người còn sống ở địa phương nhiễm HIV là 1.942 người, trong giai đoạn AIDS là 1.340 người. Trong tháng, điều trị ARV cho 23 bệnh nhân HIV/AIDS, tích lũy số bệnh nhân điều trị từ đầu năm là 98 người, trong đó trẻ em điều trị ARV là 1.

Kết quả thực hiện công tác an toàn vệ sinh thực phẩm: Thẩm định, cấp 73 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP, ký 223 Bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; công bố 29 hồ sơ hợp quy, xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP; Thực hiện thanh tra, kiểm tra 2.167 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó 161 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP, nhắc nhở 160 cơ sở, xử lý 01 cơ sở bằng hình thức phạt tiền với số tiền 750.000 đồng. Theo số liệu BVĐK tỉnh trong tháng ghi nhận 14 cas ngộ độc thực phẩm (do tác dụng độc của cồn).

đ. Tình hình an toàn giao thông: tính từ ngày 16/7/2016 đến 15/8/2016 trên toàn tỉnh xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông, làm 10 người chết, 20 người bị thương. Trong đó: Số vụ TNGT nghiêm trọng là 15 vụ, làm 10 người chết và 10 người bị thương. So với tháng trước số vụ TNGT tăng 7 vụ, số người chết tăng 01 người, số người bị thương tăng 11 người. Tính từ đầu năm, xảy ra 173 vụ tai nạn giao thông, làm 97 người chết, 133 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, giảm 25 vụ (chủ yếu giảm những vụ va chạm); số người chết không tăng, không giảm, số người bị thương giảm 58 người. Tình hình tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay đã có xu hướng tăng số vụ nghiêm trọng so với năm trước  (tăng 19 vụ), số người chết không giảm so với năm trước. Đề nghị ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền kết hợp với kiểm tra thường xuyên nhằm nâng cao ý thức văn hóa giao thông cho người dân khi tham gia giao thông để kéo giảm số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến giảm số người chết.

e. Tình hình cháy, nổ và thiên tai:

          Từ ngày 16/07/2016 đến 15/08/2016 toàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy. Thiệt hại do cháy gây ra ước tính 180 triệu đồng, không có thiệt hại về người. Không có vụ nổ nào xảy ra. Về thiên tai, trong tháng do giông lốc xảy ra nhiều nơi đã làm sập 5 căn nhà và tốc mái 4 căn, ước thiệt hại trên 250 triệu đồng.

          Số lũy kế 8 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 40 vụ cháy, 01 vụ nổ. Thiệt hại lũy kế ước tính 24 tỷ 124 triệu đồng. Số người bị thương do cháy, nổ là 05 người. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của thời tiết, các cơn giông, lốc xảy ra thường xuyên trên địa bàn tỉnh đã làm sập hoàn toàn 84 căn nhà và tốc mái 75 căn nhà, ước tính thiệt hại trên 2 tỷ 739 triệu đồng. Chính quyền các cấp đã kịp thời hỗ trợ theo quy định để bà con khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Tải về: - Số liệu tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2016

             - Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 năm 2016

Số lần đọc: 1749
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan