Tin nóng
24.07.2014

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Vụ hè thu: Tính đến trung tuần tháng 7 diện tích gieo sạ trên toàn tỉnh được 307.151 ha, vượt 2,38% kế hoạch năm và tăng 12.965 ha so cùng kỳ năm trước; hiện nay còn 4 xã ven biển của huyện Hòn Đất trên 2.000 ha chưa đủ nước để xuống giống vụ này.

Vụ hè thu năm nay có thể đạt diện tích gần 310.000 ha, tăng hơn kế hoạch và cùng kỳ năm trước, nguyên nhân tăng là do tính cả 9.433 ha vụ xuân hè gieo sạ chậm mới thu hoạch vào cuối tháng 6; ngoài ra diện tích còn tăng thêm ở các huyện như Kiên Lương, Hòn Đất trên 3.000 ha từ diện tích rừng chưa sử dụng, diện tích trồng tràm kém hiệu quả, cải tạo đất hoang hóa và một số đất vườn tạp ở huyện Giồng Riềng, Gò Quao chuyển sang trồng lúa.

Do thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao làm cho sâu bệnh phát triển mạnh. Tính đến đầu tháng 7 diện tích nhiễm sâu bệnh trên vụ hè thu là 16.632 ha, tăng 6.722 ha so cùng kỳ năm trước, chủ yếu các bệnh như: cháy lá 7.262 ha, sâu cuốn lá 4.866 ha, lem lép hạt 1.934 ha, nhện gié 994 ha, đạo ôn cổ bông 587 ha... Các huyện có diện tích lúa bị nhiễm bệnh nhiều như: Giang Thành 5.185 ha, Giồng Riềng 3.174 ha, Gò Quao 2.170 ha, Vĩnh Thuận trên 2.132 ha, Hòn Đất 1.178 ha...

Một số huyện vùng Tây Sông Hậu do đảm bảo được nguồn nước tưới tiêu, nên đã gieo sạ lúa hè thu sớm, nay đã thu hoạch để tiến hành gieo sạ vụ thu đông. Tính đến trung tuần tháng này diện tích thu hoạch được 88.805 ha, trong đó nhiều nhất là huyện Giồng Riềng  đã thu hoạch 37.200 ha, huyện Tân Hiệp đã thu hoạch dứt điểm 36.655 ha. Năng suất trên trà lúa đã thu hoạch ước đạt 53,35 tạ/ha, tương đương vụ hè thu năm trước.

Hiện tại giá bán lúa tươi tại ruộng giống IR 50404 có giá từ 4.500đ đến 4.600 đồng/kg, IR 2517, 4218, 5451… có giá bán từ 4.800đ- 5.100đ/kg, tăng từ 300- 400đ/kg so với tháng trước. Nếu giá lúa tăng và giữ ổn định nông dân sẽ yên tâm găn bó với đồng ruộng, chăm sóc lúa tích cực hơn.

 Vụ thu đông: Sau khi thu hoạch lúa hè thu nông dân huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp... đã tranh thủ tiến hành gieo sạ lúa thu đông. Đến nay diện tích gieo sạ được 38.250 ha, bằng 54,13% so cùng kỳ năm trước. 

Do chịu ảnh hưởng của áp thấp, bão nên thời tiết mưa giông bất thường việc thu hoạch lúa Hè thu gặp nhiều khó khăn, lúa bị ngã đổ làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cũng như tiến độ thu hoạch.. bên cạnh đó dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, vì vậy ngành chức năng cần tăng cường chỉ đạo các địa phương có biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thu hoạch, bảo quản lúa cũng như có biện pháp phòng, trị sâu bệnh hữu hiệu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, để bảo vệ diện tích lúa vụ hè thu và vụ thu đông phát triển tốt đạt năng suất cao hơn.

Cây rau màu: Song song với việc gieo trồng lúa, nông dân ở một số huyện như: Hòn Đất, Giang Thành, Giồng Riềng... tranh thủ trồng thêm rau màu góp phần cải thiện đời sống, diện tích trồng cây rau màu vụ hè thu như sau: khoai lang 635 ha, bằng 81,41% so cùng kỳ năm trước; khoai mì 399 ha, tăng 90%, rau các loại 3.178 ha, tăng 10,73%...

 Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong tháng ổn định, đang có chiều hướng thuận lợi cho phát triển đàn khi giá cả sản phẩm chăn nuôi vẫn duy trì ở mức khá cao có lợi cho người chăn nuôi, hiện giá heo hơi dao động từ 46.000đ-50.000đ/kg; gà hơi 95.000- 110.000đ/kg; vịt hơi 35.000-40.000đ/kg, vịt làm sẵn 55.000-60.000đ/kg, thịt trâu, bò 210.000- 220.000đ/kg, trứng gà và trứng vịt tăng giá… Trong công tác tiêm phòng, kiểm dịch, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm được các địa phương trú trọng và thực hiện thường xuyên, trên địa bàn tỉnh trong tháng chưa thấy xuất hiện ổ dịch nghiêm trọng nào. Các bệnh thường được các địa phương tiêm phòng như: Tụ huyết trùng heo, phó thương hàn heo, dịch tả heo, lở mồm long móng, vacxin dịch tả vịt, vacxin cúm gia cầm với số liều tiêm trên một ngàn đến vài chục ngàn liều đối với các huyện chăn nuôi phát triển.

b. Lâm nghiệp: Tháng 7 trên địa bàn tỉnh đã có mưa tương đối nhiều nên không còn nguy cơ cháy rừng, tuy nhiên ngành kiểm lâm vẫn tiếp tục kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, theo dõi tiến độ khai thác rừng tràm, trồng cây phân tán và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nâng cao nhận thức bảo vệ rừng.

Tính từ đầu năm diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính được 100 ha; diện tích rừng được giao chăm sóc bảo vệ được 7.565 ha, bằng 98,14% so cùng kỳ năm trước; gỗ khai thác: 17,66 ngàn m3, tăng 2,2%; củi khai thác: 12,26 ngàn ste, tăng 1,45%; 21 vụ chặt phá rừng, tăng 2 vụ; diện tích rừng bị phá 0,5ha, giảm 18,62% so cùng kỳ.

c. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá so sánh 2010) tháng 7 ước đạt 2.326,9 tỷ đồng, giảm 2,02 % so với tháng trước và tăng 16,98% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: giá trị khai thác 997,5 tỷ đồng, giảm 0,7% so tháng trước và tăng 7,72% so cùng kỳ; giá trị nuôi trồng 1.329,4 tỷ đồng, giảm 2,99% so tháng trước và tăng 25,05% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng giá trị sản xuất khai thác và nuôi trồng được 11.673,6 tỷ đồng, đạt 57,0% kế hoạch năm và tăng 9,74% so cùng kỳ năm trước, trong đó: giá trị khai thác được 6.815,7 tỷ đồng, đạt 59,89% kế hoạch, tăng 5,93% và giá trị nuôi trồng 4.857,9 tỷ đồng, đạt 53,38% kế hoạch, tăng 15,57%.

Tổng sản lượng thủy sản (tính cả khai thác và nuôi trồng) trong tháng 7 ước tính đạt 60,5 ngàn tấn, tăng 5,72% so tháng trước, trong đó: cá giảm 0,42%, tôm giảm 18,82%, thủy sản khác tăng 80,53% (chủ yếu tăng từ nuôi trồng như sò, hến, cua..).Tính chung 7 tháng được 359,9 ngàn tấn, đạt 58,73% kế hoạch năm, tăng 9,38% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng cá các loại tăng 10,64%; tôm tăng 5,07%; thủy sản khác tăng 11,31%.

Sản lượng khai thác: Tháng 7 ước tính đạt 39.270 tấn thủy hải sản các loại, giảm 1,19% so tháng trước và tăng 3,56% so cùng kỳ năm trước, trong đó: cá các loại 27.005 tấn, giảm 1,36% so tháng trước và tăng 7,44% so cùng kỳ (tăng 1.871 tấn); tôm các loại 3.448 tấn, giảm 3,01% so tháng trước và tăng 8,63% so cùng kỳ (tăng 274 tấn). Lũy kế 7 tháng sản lượng khai thác được 270.599 tấn, đạt 60,81% kế hoạch và tăng 7,97% so cùng kỳ năm trước, trong đó: cá các loại 185.294 tấn, đạt 62,18% kế hoạch và tăng 11,86% (tăng 19.648 tấn); tôm các loại 23.710 tấn, đạt 57,83% kế hoạch và giảm 3,81% (giảm 940 tấn); mực 35.089 tấn, đạt 58,48% kế hoạch và tăng 5,05% (tăng 1.687 tấn)…

Sản lượng nuôi trồng: Tháng 7 ước tính đạt 21.265 tấn, tăng 21,38% so tháng trước và tăng 19,19% so cùng kỳ năm trước, trong đó: cá nuôi 4.647 tấn, tăng 5,4% so tháng trước và tăng 4,76% so cùng kỳ; tôm nuôi 7.132 tấn, giảm 24,74% so tháng trước và tăng 0,96% so cùng kỳ. Trong đó: tôm thẻ chân trắng đạt 1.069 tấn, giảm 44% (giảm 840 tấn) so tháng trước, tăng 4,29% so cùng kỳ; thủy sản khác 9.486 tấn, tăng 2,6 lần so tháng trước, tăng 49,57% so cùng kỳ (sò tăng 2.690 tấn; hến tăng 2.120 tấn; cua tăng 1.295 tấn so tháng trước..). Tính chung 7 tháng sản lượng nuôi trồng được 89.319 tấn, đạt 53,21% kế hoạch năm và tăng 13,85% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: cá nuôi các loại: 30.888 tấn, đạt 54,45% kế hoạch và tăng 3,82% so cùng kỳ năm trước; tôm nuôi: 26.403 tấn, đạt 50,78% kế hoạch và tăng 14,56% so cùng kỳ năm trước, (trong đó, tôm sú: 19.671 tấn, đạt 67,37% KH, tăng 2.786 tấn; tôm thẻ chân trắng: 6.402 tấn, đạt 28,08% kế hoạch và tăng 240 tấn); thủy sản khác: 32.028 tấn, đạt 54,17% kế hoạch năm, tăng 24,84% so cùng kỳ năm trước (sò tăng 6.176 tấn, cua tăng 808 tấn).

Tình hình khai thác tháng 7 vẫn được duy trì, nhưng do thời tiết bước vào mùa mưa bão làm sản lượng khai thác giảm hơn những tháng trước, một số phương tiện công suất nhỏ hạn chế hoạt động làm sản lượng hải sản khác chỉ bằng 76,59% so cùng kỳ (giảm 409 tấn) và đang có xu hướng đầu tư trang thiết bị, nâng cấp máy để khai thác xa bờ. Nếu như Nhà nước thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ ngư dân trang bị tàu có công suất lớn, để ngư dân an tâm bám biển, vươn ra khơi khai thác xa bờ thì giá trị ngành khai thác sẽ tăng lên. Nuôi trồng thủy sản trong tháng tăng 3.746 tấn, chủ yếu từ sản lượng cá nuôi nước lợ tận thu trong vuông tôm; thủy sản khác tăng cao do một số diện tích sò, hến ở Kiên Lương, Hòn đất, Cua ở An Minh đang thu hoạch; riêng sản lượng tôm giảm chỉ bằng 75,26% do các hộ thu hoạch chủ yếu vào tháng trước, một số diện tích thả chậm chưa thu hoạch. Tuy nhiên, 7 tháng qua sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng đều ở tất cả các sản phẩm chủ yếu là tăng sản phẩm nuôi nước mặn, lợ, trong đó tăng mạnh nhất là tôm sú, cua và sò, nhưng giảm các sản phẩm như ốc hương do dịch bệnh người nuôi không có lãi; hến do thả nuôi muộn mới đang vào mùa thu hoạch; cá nước ngọt, ba ba, cá sấu do chi phí thức ăn cao, thời tiết nắng nóng, chủ yếu nuôi quảng canh, giá không cao sản phẩm tiêu dùng nội địa nên phát triển chậm.

2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp: Tháng 7 mức sản xuất các ngảnh chủ lực của tỉnh như sản xuất xi măng và chế biến sản phẩm thủy sản tăng khá trên 7% trong khi toàn ngành ước tính tăng 6,45% so tháng trước, bao gồm: ngành khai thác đá tăng 5,45%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,72%, (trong đó: sản xuất xi măng tăng 7,08%, xay xát tăng 7,14%, chế biến, bảo quản, các sản phẩm từ thủy sản tăng 7,33%..); ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước điều hòa tăng 0,82%; cung cấp nước, quản lý xử lý rác, nước thải tăng 0,69%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tính chung 7 tháng, toàn ngành tăng 8,99% so cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao nhất là khai thác đá tăng 15,16%; cung cấp nước, quản lý xử lý rác, nước thải tăng 10,44%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,8% (trong đó: chế biến, bảo quản, các sản phẩm từ thủy sản tăng 23,08%, sản xuất xi măng tăng 8,46%, xay xát chỉ tăng 0,46%); ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước điều hòa tăng 1,69%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): Tháng 7 ước tính đạt 2.610,7 tỷ đồng, tăng 3,21% so tháng trước, bao gồm: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được 2.464,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 94,41%, tăng 3,18% so tháng trước; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt,nước nóng và hơi nước 85,9 tỷ đồng, tăng 0,55%; ngành khai khoáng đạt 48,7 tỷ đồng, tăng 10,33% (ngành khai khoáng đang có xu hướng phát triển tốt, giá cả vật liệu khai thác đang khá ổn định và nhu cầu vật liệu cho các công trình trong tỉnh đang rất cao); và ngành cung cấp nước, quản lý xử lý rác, nước thải đạt 11,1 tỷ đồng, tăng 0,8%.

Tính chung 7 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 16.713,5 tỷ đồng, đạt 51,22% kế hoạch năm và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 15.870,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 94,96%, tăng 9,53%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và hơi nước 519,9 tỷ đồng, tăng 8,9%; ngành khai khoáng đạt 247,7 tỷ đồng, tăng 15,26%; và ngành cung cấp nước, quản lý xử lý rác, nước thải đạt 75,4 tỷ đồng, tăng 11,89%.

Các sản phẩm công nghiệp trong tháng 7 sản xuất đạt khá so với tháng trước như: Xi măng VĐT nước ngoài đạt 162,7 ngàn tấn, tăng 11,51%; tôm đông 315 tấn, tăng 9%; mực đông 1.380 tấn, tăng 9,09%; cá đông lạnh 210 tấn, tăng 18,64%; clinker 207 ngàn tấn, tăng 22,59%. Các sản phẩm sản xuất trong 7 tháng tăng cao so với cùng kỳ và đạt khá so với kế hoạch như: xi măng Trung ương 505 ngàn tấn, đạt 74,27% kế hoạch, tăng 53,39 % so cùng kỳ; mực đông lạnh 8,67 ngàn tấn, đạt 69,41% kế hoạch, tăng 52%. Bên cạnh đó còn một số sản phẩm mức sản xuất đạt thấp so kế hoạch và giảm so cùng kỳ năm 2013 như: tôm đông lạnh đạt 32,5% kế hoạch và giảm 19,79%; cá đông lạnh đạt 23,22% kế hoạch và giảm 42,15%; đường các loại đạt 32,21% kế hoạch và giảm 38,18%; xi măng vốn ĐT nước ngoài đạt 50,1% kế hoạch và giảm 7,34%.

3. Đầu tư

Thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong tháng 7 ước tính được 355,1 tỷ đồng, tăng 2,98% so tháng trước và tăng 3,18% so cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương 104,2 tỷ đồng, tăng 3,77% so tháng trước; vốn trung ương hỗ trợ đầu tư có mục tiêu 60,7 tỷ đồng, tăng 2,34%. Luỹ kế 7 tháng thực hiện 2.269,3 tỷ đồng, bằng 57,88% dự toán năm và tăng 5,28% so cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương 698,7 tỷ đồng, đạt 57,34% kế hoạch, tăng 1,84% so cùng kỳ; vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu 410,3 tỷ đồng, đạt 57,49% kế hoạch, tăng 1,67% so cùng kỳ năm trước...

Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý chủ yếu tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm, thiết yếu mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nguồn vốn đầu tư này chủ yếu tập trung cho các công trình giao thông, các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp, các công trình hạ tầng phục vụ cho y tế, giáo dục, văn hóa xã hội. Nguồn vốn ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển cơ bản đang phát huy được tác dụng, đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên việc triển khai cũng gặp không ít khó khăn như đền bù giải tỏa chậm, thi công kéo dài, năng lực một số nhà thầu yếu nên triển khai và giải ngân chậm… các ngành chức năng và các địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án thì mới có thể hoàn thành khối lượng và giải ngân vốn đã được phê duyệt cả năm 2014.

4. Thu, chi ngân sách

Tổng thu ngân sách trên địa bàn: Tháng 7 ước tính thu ngân sách đạt 334,34 tỷ đồng, bằng 81,43% so cùng kỳ năm trước. Thu nội địa 217,65 tỷ đồng, bằng 70,31%, trong đó:  thu từ các doanh nghiệp Nhà nước 22,85 tỷ đồng, bằng 70,06%; thu thuế CTN ngoài nhà nước 78,33 tỷ đồng, bằng 116,61%; thu từ doanh nghiệp có vốn ĐT nước ngoài 8,75 tỷ đồng, bằng 52,68%, thu tiền sử dụng đất 47,82 tỷ đồng, bằng 32,52%...

Lũy kế 7 tháng tổng thu ngân sách được 3.097,1 tỷ đồng, đạt 62,09% dự toán năm và tăng 15,14% so cùng kỳ năm trước. Thu nội địa được 1.923,27 tỷ đồng, bằng 54,95% dự toán năm, trong đó thu từ các doanh nghiệp Nhà nước 294,2 tỷ đồng, bằng 70,06%; thuế thu nhập cá nhân 182,3 tỷ đồng, bằng 67,54%; thuế bảo vệ môi trường 116,9 tỷ đồng, bằng 67,61%; thu từ DN có vốn ĐT nước ngoài 133,1 tỷ đồng, bằng 59,16%; thu thuế CTN ngoài Nhà nước 567,14 tỷ đồng, bằng 44,69%; thu tiền sử dụng đất 393,13 tỷ đồng, bằng 49,14%…

Tổng chi ngân sách địa phương: Tháng 7 chi ngân sách ước tính 714,25 tỷ đồng, tăng 8,37% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng tổng chi 4.931,8 tỷ đồng, bằng 55,03% dự toán và tăng 10,78% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên gần 3.164,6 tỷ đồng, bằng 60,71% dự toán năm và tăng 6,64% so cùng kỳ; chi đầu tư phát triển 845,68 tỷ đồng, bằng 42,3% dự toán năm và tăng 27,42% so cùng kỳ năm 2013.

5. Thương mại, giá cả và dịch vụ

a. Tổng mức bán lẻ hàng hóa:

Hoạt động thương mại trên thị trường tỉnh trong tháng 7 ổn định chỉ tăng nhẹ so tháng trước. Qua kết quả điều tra hoạt động bán buôn, bán lẻ của các cơ sở kinh doanh thương nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 7 ước đạt 3.930,08 tỷ đồng, tăng 2,57% so tháng trước. Trong đó: doanh thu nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng 40,06%, tăng 3,72% so tháng trước; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình chiếm tỷ trọng 20,79%, tăng 2,88%; doanh thu xăng dầu các loại chiếm tỷ trọng 14,97%, tăng 2,03% so tháng trước; doanh thu hàng may mặc giảm 0,34%; vật phẩm văn hóa giáo dục giảm 1,73%…

Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong 7 tháng đạt 29.315,44 tỷ đồng, bằng 63,56% kế hoạch năm, tăng 13,74% so cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá thì tốc độ tăng khoảng 9,16%). Phân theo thành phần kinh tế:  khu vực kinh tế Nhà nước đạt 537,22 tỷ đồng, kinh tế tập thể đạt 29,45 tỷ đồng, kinh tế cá thể đạt 16.369,42 tỷ đồng và kinh tế tư nhân đạt 12.379,33 tỷ đồng.

b. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành:

Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành trong tháng 7 giảm  (từ 1,39% đến 3,83%) so tháng trước, do khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan du lịch và nhu cầu ăn uống ngoài gia đình hạn chế bởi thời tiết bước vào mùa mưa.

Dự kiến tháng 7 ước đạt 772,42 tỷ đồng, giảm 3,82% so tháng trước, bao gổm: doanh thu dịch vụ lưu trú được: 40,04 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ ăn uống: 728,82 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch: 3,56 tỷ đồng.

Tính chung 7 tháng tổng doanh thu dịch vụ đạt 5.882,19 tỷ đồng, gồm doanh thu dịch vụ lưu trú: 312,62 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ ăn uống: 5.539,93 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt: 29,63 tỷ đồng.

Công tác quản lý thị trường được ngành Công thương quan tâm chỉ đạo và hoạt động tốt việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ, găm hàng, nâng giá. Theo số liệu từ Sở Công thương trong 6 tháng đầu năm đã kiểm tra 1.086 vụ việc, qua đó phát hiện 253 vụ vi phạm, giảm 20,18% số vụ so cùng kỳ, các vụ vi phạm gồm 137 vụ vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu; 12 vụ gian lận thương mại, 14 vụ vi phạm hàng giả hàng kém chất lượng,quyền sở hữu trí tuệ; 86 vụ vi phạm trong kinh doanh và 4 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn phực phẩm. Đã xử lý các vụ vi phạm, phạt hành chính và bán hàng hóa tịch thu nộp Ngân sách Nhà nước 1,776 tỷ đồng.

c. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu: Dự kiến trong tháng 7 đạt 56 triệu USD, tăng 77,69% so với tháng trước và tăng 8,07% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: hàng nông sản 41,98 triệu USD, tăng 2,15 lần so tháng trước; hàng thủy sản 12,63 triệu USD, tăng 18,6% so tháng trước và hàng hóa khác 1,38 triệu USD, giảm 2,81% so tháng trước.

Tính chung 7 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 250,16 triệu USD, bằng 37,34% kế hoạch năm và giảm 27,51% (giảm 94,9 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu từ mặt hàng nông sản, chỉ mới đạt 161,48 triệu USD, bằng 36,7% kế hoạch và giảm 36,6% (giảm 93,2 triệu USD); hàng thủy sản đạt 81,65 triệu USD, bằng 46,66% kế hoạch năm và tăng 6,13% (tăng 4,7 triệu USD); hàng hóa khác đạt 7,02 triệu USD, bằng 12,78% kế hoạch năm và giảm 47,93% (giảm 6,47 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2013.

Tình hình xuất khẩu trong tháng 7 có tín hiệu khả quan hơn, tăng mặt hàng nông sản và cả mặt hàng thủy sản, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tham gia xuất với những mặt hàng phong phú, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã ký hợp đồng với các đối tác mới chủ yếu thị trường Châu Phi và Trung Quốc. Lượng gạo xuất được các công ty kinh doanh xuất khẩu gạo của tỉnh dự kiến như sau: Cty Thương mại - Du lịch dự kiến xuất trực tiếp 29.240 tấn và ủy thác 12.484 tấn, trị giá 15,6 triệu USD; Cty kinh doanh nông sản: xuất trực tiếp 7.127 tấn và ủy thác 4.000 tấn với trị giá 4,6 triệu USD; Cty thương mại- dịch vụ xuất trực tiếp 4.000 tấn và ủy thác 1.250 tấn với trị giá 1,96 triệu USD; Cty CP Nông Lâm sản xuất trực tiếp 1.475 tấn và ủy thác 4.950 tấn với trị giá 2,39 triệu USD; Cty xuất nhập khẩu Kiên Giang dự kiến xuất trực tiếp và ủy thác 35.515 tấn với trị giá 17,5 triệu USD.

Trong tháng các mặt hàng nông, thủy sản dự kiến xuất được như sau: gạo 97,36 ngàn tấn, tăng 2,02 lần so tháng trước; tôm đông 365 tấn, tăng 18,51%; mực đông và tuộc đông 1.110 tấn, tăng 18,09%; cá đông tăng 19,3%; nước mắm tăng 66,67%, cá đóng hộp tăng 10,26%...Tính chung trong 7 tháng lượng gạo xuất còn thấp, đạt 375 ngàn tấn, giảm 40,37% (giảm 253,97 ngàn tấn) so cùng kỳ năm trước; mặt hàng thủy sản xuất tăng khá hơn như: m ực đông và tuộc đông: 6,56 ngàn tấn, tăng 19,64%; cá đông: 1,88 ngàn tấn, tăng 62,31%; cá cơm sấy tăng 65,33%; cá hộp tăng 11,23%...

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 7 ước tính đạt 2,15 triệu USD, tăng 30,3% so với tháng trước, các nguyên liệu như gỗ xẻ, giấy kratp, thạch cao hạt nhựa nhập đều cao hơn tháng trước. Lũy kế 7 tháng trị giá nhập được 14,06 triệu USD, bằng 35,16% kế hoạch năm và giảm 27,3% so cùng kỳ năm trước. Lượng hàng nhập khẩu trong 7 tháng gồm: thạch cao 81,8 ngàn tấn, tăng 67,28% so cùng kỳ năm trước; hạt nhựa 1.617 tấn, tăng 16,41%; giấy krapt 275 tấn, bằng 21,01% so cùng kỳ năm trước.

d. Chỉ số giá tiêu dùng

          Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 nhìn chung tăng nhẹ so với tháng trước (+0,13%), những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 do điều chỉnh tăng giá xăng dầu 2 lần ngày 23/6 và ngày 7/7 làm giá xăng tăng 760đ/lít, giá dầu diezen tăng 300đ/lít, dầu hỏa tăng 600đ/lít, trứng các loại tăng từ 3,5% đến 4,6%, hoa quả tươi giá giảm do lượng cung dồi dào; sữa hộp trẻ em giảm từ 5% đến10%, giá lúa hè thu sớm bình quân tháng này so tháng trước giảm 400-550đ/kg dẫn đến giá gạo giảm.

Các nhóm hàng trong tháng có chỉ số giá tăng hơn mức tăng chung là nhóm giao thông tăng 0,52%, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,26%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,25%; mặt hàng ăn uống ngoài gia đình tăng 0,30%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,14%; Hai nhóm có chỉ số giảm là nhóm lương thực giảm 0,16% và bưu chính viễn thông giảm nhẹ 0,03%. Các nhóm còn lại có mức tăng nhẹ thấp hơn mức tăng chung như: nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; nhóm đồ uống thuốc lá tăng 0,09%; nhóm may mặc, giày dép, mũ nón và nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,12%.

Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng so với tháng 12/2013 (sau 7 tháng) tăng 1,68%. So với cùng kỳ năm trước (sau một năm) tăng 5,03%, trong đó tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 7,13% (hàng thực phẩm tăng 7,42%, lương thực tăng 6,68%)

Chỉ số giá vàng tháng 7 (tính đến 15/7/2014) so tháng trước tăng 2,5% (tăng 82.000đ/chỉ), bình quân giá bán trong tháng là 3.367.000đ/chỉ. Chỉ số giá vàng tháng 7 so với tháng 12/2013 tăng 4,18% và so với cùng kỳ (sau 1 năm) tăng  0,17%.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 7 tăng 0,38% so với tháng trước. Đến thời điểm điều tra ngày 15/7/2014 tại Ngân hàng Ngoại Thương bán ra là 21.230đ/USD, thị trường tự do bán 21.270đ/USD. Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 7 so với tháng 12/2013 (sau 7 tháng) tăng 0,48% và so với tháng 7/2013 (sau 12 tháng) giảm 0,64%.

đ. Vận tải hành khách và hàng hóa

Hoạt động vận tải trong tháng giảm hơn so tháng trước, do thời tiết bước vào mùa mưa, bão ảnh hưởng vận chuyển trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh cũng như tham quan du lịch, riêng vận tải đường biển vẫn tăng chủ yếu từ chuyên chở vật liệu xây dựng và các mặt hàng thiết yếu dự trữ cho biển đảo khi biển động dài ngày.

Vận tải hành khách: Tháng 7 ước tính đạt 5,04 triệu lượt khách, giảm 3,31% so tháng trước và tăng 14,53% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 347,43 triệu HK.km, giảm 5,57% so tháng trước và tăng 54,09% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng vận tải hành khách được 34,91 triệu lượt khách, đạt 60,7% kế hoạch và tăng 11,31% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 2.168,17 triệu HK.km, đạt 68,79% kế hoạch và tăng 22,21% so cùng kỳ. Trong đó: Vận tải hành khách đường bộ 27,93 triệu lượt khách, tăng 11,08% so cùng kỳ và luân chuyển 1.713 triệu lượt khách.km, tăng 20,87%; Vận tải hành khách đường sông 5,95 triệu lượt khách, tăng 13,4% và luân chuyển 344,95 triệu lượt khách.km, tăng 31,09%; vận tải hành khách đường biển 1,02 triệu lượt khách, tăng 6,13% và luân chuyển 110,19 triệu lượt khách.km, tăng 17,59% so cùng kỳ năm trước.

Vận tải hàng hóa: Trong tháng ước tính được 763 ngàn tấn, giảm 1,55% so tháng trước và tăng 14,39% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 102,1 triệu tấn.km, giảm  0,6% so tháng trước và tăng 12,92% so cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng vận tải hàng hóa được 5,12 triệu tấn, đạt 60,78% kế hoạch và tăng 6,4% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 684,71 triệu tấn.km, đạt 59,52% kế hoạch và tăng 5,53% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vận tải hàng hóa đường bộ được 1,6 triệu tấn, tăng 9,65% so cùng kỳ và luân chuyển 221,62 triệu tấn.km, tăng 9,37%; Vận tải hàng hóa đường sông 2,1 triệu tấn, tăng 7,02% và luân chuyển 262,4 triệu tấn.km, tăng 6,58%; Vận tải hàng hóa đường biển 1,41 triệu tấn, tăng 2,09% và luân chuyển 200,69 triệu tấn.km, tăng 0,34% so cùng kỳ năm trước.

e. Du lịch

Tổng lượt khách du lịch trong tháng 7 ước tính đạt 374,7 ngàn lượt khách, giảm  4,13% so tháng trước, trong đó: khách đến các khu vui chơi, điểm du lịch 248,8 ngàn lượt và khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 125,9 ngàn lượt khách. Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch giảm 13,18% so tháng trước và tăng 17,82% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: khách đến các cơ sở lưu trú du lịch phục vụ ước tính 113,9 ngàn lượt khách, giảm 12,67% so tháng trước và khách du lịch theo tour đạt được 11,98 ngàn lượt khách, giảm 17,8% so tháng trước.

Tính chung 7 tháng, tổng lượt khách đến tỉnh được 2,54 triệu lượt khách, đạt 61,23% kế hoạch năm và tăng 6,49% so cùng kỳ năm trước. Số khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch 963,78 ngàn lượt khách, đạt 74,14% kế hoạch, tăng 32,49% so cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt 111,9 ngàn lượt khách, đạt 60,51% kế hoạch, (khách Quốc tế đến Phú Quốc đạt 74,3 ngàn lượt người, tăng 28,29% so cùng kỳ chủ yếu tăng nhanh từ khách Nga). Trong số lượt khách đến cơ sở kinh doanh du lịch thì số khách đến cơ sở lưu trú du lịch phục vụ 889,2 ngàn lượt khách, đạt 73,64% KH và tăng 27,92% và khách du lịch theo tour 139,7 ngàn lượt khách, đạt 45,1% KH và giảm 3,72% so cùng kỳ năm trước.

Tình hình du lịch trong tháng 7 giảm hơn tháng trước là do thời tiết đang bước vào mùa mưa bão, khách tham quan du lịch đến cơ sở kinh doanh du lịch và khách du lịch đi  theo tour giảm đáng kể, tuy nhiên tính từ đầu năm số lượt khách trong và ngoài nước đến tỉnh tham quan du lịch vẫn tăng khá cao, trong đó có khách quốc tế qua Cảng Hàng không  quốc tế Phú Quốc tăng rất cao.

  6. Một số vấn đề xã hội

a. Công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề: Trong tháng, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 3.276 người. Trong đó: lao động trong tỉnh 1.450 người, ngoài tỉnh 1.805 người, xuất khẩu 21 người đi Hàn Quốc. Nâng tổng số lao động được giải quyết việc làm từ đầu năm đến nay lên 20.231 lượt người, đạt 61,3% kế hoạch, trong tỉnh 9.452 lượt người, ngoài tỉnh 10.730 lượt người, xuất khẩu lao động 49 người (Nhật Bản 04 người, Hàn Quốc 42, Đài Loan 01, Malaysia 02). Các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo nghề cho 2.687 người, trong đó trung cấp nghề 46 người; sơ cấp nghề 716  người và dạy nghề dưới 3 tháng 1.925 người. Nâng số đào tạo từ đầu năm đến nay lên 14.189 người, đạt 57% kế hoạch. Trong đó: trung cấp nghề 127 người, sơ cấp nghề 5.022 người, dạy nghề dưới 3 tháng 9.040 người.

 b. Về Giáo dục: Kết thúc năm học 2013-2014, ngành Giáo dục tỉnh đã xét tốt nghiệp bậc tiểu học, trung học cơ sở và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Kết quả tỷ lệ học sinh tốt nghiệp của các cấp học như sau :

+ Tiểu học có 29.269 học sinh được công nhận tốt nghiệp, đạt 99,81%;

+ Trung học cơ sở có 15.871 học sinh được công nhận tốt nghiệp, đạt 99,35% ;

+ Trung học phổ thông thi đậu tốt nghiệp 10.115 học sinh, đạt tỷ lệ 99,29% 

+ Hệ giáo dục thường xuyên đậu tốt nghiệp 1.246 học sinh, đạt 93,89%.

c. Hoạt động văn hóa, thể thao: Trong tháng 7, tỉnh tập trung  chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao nhân kỷ niệm các sự kiện chính trị quan trọng như: Kỷ niện 85 năm ngày thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (28/7); 60 năm ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ đình chiến ở Việt Nam (20/7); ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7) phối hợp với huyện Phú Quốc tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ Cách mạng bị đày tại Trại giam tù binh Phú Quốc, các chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hướng về biển đảo”. Bảo tàng tỉnh mở cửa trưng bày phục vụ 507 lượt người đến tham quan và trưng bày lưu động chuyên đề “Biển đảo Việt Nam” phục vụ 4.000 lượt người  xem; Ban quản lý di tích hoàn chỉnh hồ sơ di tích Trại giam tù binh Phú Quốc trình Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và trình UBND tỉnh xếp hạng 2 di tích cấp tỉnh là Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo tại xã Sơn Kiên, Hòn Đất và Căn cứ Tỉnh ủy huyện Gò Quao; Về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, Đoàn nghệ thuật Khmer biễu diễn được 02 xuất, phục vụ 1.500 lượt người xem, hỗ trợ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng xây dựng chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ”; Thư viện tỉnh tổ chức 02 cuộc trưng bày sách mới chuyên đề về chủ quyền biển đảo, về Bác và kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ; Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức và phối hợp với các đơn vị tổ chức 4 chương trình nghệ thuật phục vụ Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lễ khởi công khu hành chính tập trung huyện An Minh, lễ công nhận xã nông thôn mới Mỹ Đức – Hà Tiên, chương trình nghệ thuật “hướng về Biển Đông”, hỗ trợ Tòa án tỉnh tổ chức Hội thi Văn nghệ ngành...Hoat động Thể thao quần chúng: phối hợp với ngân hàng Sài Gòn Thương tín Chi nhánh Kiên Giang tổ chức giải Việt dã ”Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng” có 420 vận động viên trong tỉnh tham gia. Hoạt động thể thao thành tích cao: ngoài đội cờ vua tranh giải toàn quốc ra đội tuyển quần vợt cũng đạt được 01 huy chương đồng trong giải quần vợt trẻ, 01 huy chương vàng  giải cúp Đồng bằng sông Cửu Long mở rộng và 01 HCĐ giải Prinn...

d. Tình hình Y tế: Trong tháng ngành Y tế tiếp tục củng cố mạng lưới y tế cơ sở tập trung chỉ đạo giám sát tình hình dịch bệnh, không để bùng phát thành dịch, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, đảm bảo thuốc, hóa chất đầy đủ và duy trì công tác thanh, kiểm tra hoạt động hành nghề y dược tư nhân, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Bệnh sốt xuất huyết: Trong tháng (tính từ ngày 01/6/2014 đến 30/6/2014) toàn tỉnh có 45 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 03 ca so với tháng trước. Trong đó SXH có dấu hiệu cảnh báo 43 ca, sốt xuất huyết nặng 2 ca. Các địa phương có số mắc cao trong tháng là TP. Rạch Giá (10 ca, giảm 06 ca) và huyện Phú Quốc (08 ca), An Biên (07 ca), Kiên Lương (06 ca), một số địa phương khác có số ca mắc giảm so tháng trước, toàn tỉnh chưa có trường hợp nào tử vong. Nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết 6 tháng đầu năm nay là 276 ca, giảm 241 ca so cùng kỳ năm 2013 (giảm 46,7%).

 Bệnh tay chân miệng:Trong tháng mắc 179 ca, tăng 31 ca so với tháng trước và tăng 85 ca so với cùng kỳ năm trước. Số mắc tập trung nhiều ở Giồng Riềng (32 ca), TP. Rạch Giá (28 ca), Hòn Đất (27 ca), các địa phương khác có số ca mắc rải rác. 

Các bệnh truyền nhiễm có số ca mắc tăng, giảm so với tháng trước như sau: Bệnh tiêu chảy có 556 ca mắc, giảm 72 ca; bệnh Thương hàn và Phó Thương hàn 04 ca, giảm 02 ca; bệnh Thủy đậu là 20 ca, giảm 23 ca; bệnh Quai bị là 13 ca, giảm 03 ca; bệnh Cúm thường 313 ca, giảm 145 ca; bệnh Đau mắt đỏ (Bệnh do Adenovirus) mắc trong tháng là 09 ca, giảm 02 ca; bệnh Lỵ trực trùng là 34 ca, tăng 02 ca; bệnh Lỵ Amip là 19 ca, tăng 06 ca; bệnh sởi mắc 27 ca, tăng 27 ca. Tính từ đầu năm đến nay số ca mắc tăng, giảm so với cùng kỳ năm 2013 như sau: Bệnh tiêu chảy thường tổng số mắc 3.717 ca, giảm 2.496 ca (giảm 41%); bệnh Cúm thường 2.134 ca, giảm 457 ca; Bệnh Lỵ trực trùng 156 ca, giảm 147 ca (giảm 45,8%); bệnh Lỵ Amip 125 ca giảm 71 ca (giảm 36,3%); bệnh Quai bị 72 ca, giảm 04 ca; bệnh Thương hàn và Phó Thương hàn 41 ca, tăng 08 ca (tăng 24%);  bệnh Thủy đậu 288 ca, tăng 194 ca; bệnh đau mắt đỏ mắc 165 ca, tăng 165 ca. Trong tháng phát hiện 01 ca bệnh truyền nhiễm do xoắn khuẩn gây sốt vàng da tử vong ở xã Nam Thái huyện An Biên, ngành y tế đã tiến hành các biện pháp tẩy uế môi trường và tuyên truyền hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống.

Phòng chống HIV/AIDS: Thực hiện được 4.255 ca xét nghiệm máu, kết quả có 09 ca trong tỉnh nhiễm HIV dương tính, chuyển sang AIDS 05 ca, tử vong 02 ca. Nâng tổng số ca xét nghiệm máu là 25.030 ca, số cas nhiễm HIV là 160 ca;  số ca chuyển sang AIDS là 49 ca, tử vong 15 ca.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Trong tháng Sở Y tế đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm là  46 mẫu, trong đó có 36 mẫu đạt, 10 mẫu chưa có kết quả, nâng tổng số mẫu xét nghiệm 6 tháng đầu năm là 957 mẫu. Test nhanh 230 mẫu trong đó có 204 mẫu đạt (88,69%), nâng tổng số mẫu làm xét nghiệm test nhanh 6 tháng đầu năm là 1.374 mẫu. Ngoài ra còn khám sức khỏe cho người tiếp xúc với thực phẩm là 1.036 người. Trong tháng toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm nào.

e. Tình hình an toàn giao thông: Theo Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong tháng  (tính từ ngày 16/6/2014 - 15/7/2014) toàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông đường bộ (tính cả vụ va chạm), làm chết 6 người, bị thương 20 người. So với tháng trước giảm 11 vụ, giảm 05 người chết và giảm 15 người bị thương. So với cùng tháng năm trước giảm 12 vụ, tăng 3 người chết và giảm 27 người bị thương. Tính từ đầu năm, đã xảy ra 265 vụ TNGT, làm chết 80 người chết và 279 người bị thương, so với cùng kỳ năm trước giảm 24 vụ, tăng 26 người chết và giảm 76 người bị thương.

f. Tình hình cháy, nổ: Trong tháng tính từ ngày 16/6/2014 đến 15/7/2014 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 01 vụ cháy ở thị xã Hà Tiên, ước tính thiệt hại 42 triệu đồng, nguyên nhân cháy đang điều tra. Không có vụ nổ xảy ra và  không có thương vong về người. So với tháng trước giảm 02 vụ cháy, thiệt hại tài sản giảm 706,3 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 31 vụ cháy, mức thiệt ước tính lên 6,717 tỷ đồng.

g. Tình hình thiên tai: Trong tháng tính từ ngày 16/6 đến 15/7 do ảnh hưởng của áp thấp, gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn kèm theo gió lốc đã làm sập hoàn toàn 19 căn nhà và tốc mái 16 căn ở các huyện như: U Minh Thượng (4 căn) và Hòn Đất (sập 8 căn, tốc mái 4 căn), An Minh (sập 1 căn, tốc mái 2 căn), không gây thương vong về người. Ước tổng thiệt hại 449 triệu đồng. Trước mắt UBND huyện Hòn Đất và An Minh hỗ trợ cho các hộ gia đình bị sập nhà hoàn toàn mỗi hộ 03 triệu đồng và hộ bị tốc mái 01 triệu đồng để sớm khắc phục khó khăn ổn định cuộc sống./.

Tải vềSố liệu kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2014

             - Chỉ số CPI tháng 7 - 2014

 

        

Số lần đọc: 1973
Theo Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan