Tin nóng
04.01.2021
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh ta năm 2020 tuy có tăng trưởng nhưng thấp hơn so với nhiều năm trước đây, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản do thời tiết có phần thuận lợi nên có mức tăng trưởng khá; đời sống nhân dân ổn định, dịch bệnh được kiểm soát; an ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, tình hình Đại dịch Covid-19 diễn ra rất nghiêm trọng, phức tạp và kéo dài như hiện nay, đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội cũng như tâm lý người dân, đặc biệt là sự gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, dịch vụ trong quý I và ảnh hưởng bùng phát dịch đợt 2 tại Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khác dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh nhiều ngành kinh tế có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm so với năm trước. Ở một số lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn như khách du lịch đến địa phương giảm mạnh, nhất là khách quốc tế làm cho doanh thu của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm nhiều, nhất là các ngành dịch vụ hỗ trợ du lịch; hoạt động kinh doanh bất động sản có phần bị chựng lại; một số sản phẩm công nghiệp như: mặt hàng Bia, Xi măng, Chế biến thủy, hải sản giảm so cùng kỳ; một vài nguồn thu chưa đạt kế hoạch, tăng trưởng tín dụng đạt thấp so nhiều năm gần đây...

Cụ thể từng lĩnh vực như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 (giá so sánh 2010) ước tính 68.956,99 tỷ đồng, đạt 96,10% kế hoạch năm, tăng 3,05% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tăng trưởng hằng năm của các năm trước đây. Chia ra :

Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản: Tổng giá trị tăng thêm (VA) ước tính 22.907,56 tỷ đồng, đạt 102,20% kế hoạch, tăng 3,43% so cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung khu vực I tăng 1,14 điểm phần trăm, trong đó: Giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp 15.523,15 tỷ đồng, tăng 3,70% so cùng kỳ (tăng 554,41 tỷ đồng), đóng góp tăng trưởng 0,83 điểm phần trăm; ngành thủy sản ước đạt 7.215,24 tỷ đồng, tăng 3,05% (tăng 213,62 tỷ đồng), đóng góp tăng trưởng là 0,31 điểm phần trăm. Tăng trưởng khu vực I tăng so với cùng kỳ 0,33%, chủ yếu là do giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp tăng 1,29%, tăng trên 550 tỷ, nguyên nhân là do sản lượng lúa các vụ trong năm đều tăng so cùng kỳ, ước tăng khoảng 210 nghìn tấn lúa; Tuy nhiên, ngành thủy sản lại giảm 1,61%, nguyên nhân là giá trị khai thác hải sản giảm trên 4%, giá trị nuôi trồng tăng 8,5%, chỉ tăng 0,05% so cùng kỳ năm 2019 (năm 2019 tăng 8,45%) nên không thể bù đắp được mức tăng của toàn ngành thủy sản, từ đó ảnh hưởng chung của khu vực này.

Khu vực công nghiệp và xây dựng: Tổng giá trị tăng thêm ước tính 13.809,66 tỷ đồng, đạt 97,55% kế hoạch, tăng 5,81% so cùng kỳ (năm 2019 tăng 9,30%), đóng góp cho tăng trưởng chung khu vực II là 1,13 điểm phần trăm, trong đó lĩnh vực công nghiệp ước đạt 8.946,06 tỷ đồng, tăng 5,23% so cùng kỳ, đóng góp tăng trưởng là 0,66 điểm phần trăm. Ở khu vực II tốc độ tăng trưởng cũng giảm so cùng kỳ (giảm 3,49%), chủ yếu là ngành công nghiệp chế biến giảm 4,80% so cùng kỳ dẫn đến khu vực này đạt thấp.

Khu vực dịch vụ: Tổng giá trị tăng thêm ước tính 29.609,70 tỷ đồng, đạt 92,71% kế hoạch, tăng 1,92% so cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung 0,84 điểm phần trăm. Khu vực III tốc độ tăng trưởng giảm so cùng kỳ là 7,55% (Mức tăng thấp nhất từ trước đến nay), Hầu hết các ngành dịch vụ do ảnh hưởng kép của dịch bệnh Covid-19 và Nghị định 100/NĐ-CP nên đều có mức tăng thấp hơn so với năm 2019; đặc biệt các ngành như: dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 7,18%; dịch vụ hỗ trợ du lịch giảm trên 60%; vận tải chỉ tăng 0,35%...đã làm giá trị tăng thêm khu vực này tăng thấp nhất so cùng kỳ.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2020, tiếp tục phát triển ổn định, bền vững theo định hướng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 32,74% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,65%; khu vực dịch vụ chiếm 42,67%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,95% (Cơ cấu tương ứng năm 2019 là: 32,80%; 20,14%; 43,02%; 4,04%).

2. Tài chính, ngân hàng

2.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 ước đạt 11.850 tỷ đồng, đạt 102,69% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 1,53% so cùng kỳ.[1] Một số khoản thu đạt cao so với dự toán như thu tiền sử dụng đất vượt 49,60% dự toán, tăng 5,26% so cùng kỳ; thu từ xổ số kiến thiết vượt 10,74% dự toán, tăng 4,35%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước vượt 1,85 lần so với dự toán, tăng 18,79%, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vượt 10,00%, tăng 5,28%... Tuy nhiên, còn nhiều khoản thu đạt thấp so với dự toán như: thu từ doanh nghiệp nhà nước TW đạt 88,30% dự toán, giảm 8,98% so cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 86,96% dự toán, giảm 7,88% so cùng kỳ; thu thuế công thương nghiệp ngoài nhà nước đạt 80,09% so dự toán, giảm 2,36% so cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân đạt 76,67% dự toán, giảm 6,59% cùng kỳ...

Tổng chi ngân sách địa phương năm 2020 dự kiến chi là 16.312,37 tỷ đồng, bằng 98,95% dự toán, tăng 3,21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: chi thường xuyên 9.653,42 tỷ đồng, bằng 100,82% dự toán, tăng 3,66%; chi đầu tư phát triển 6.172,67 tỷ đồng, bằng 101,04% dự toán do tăng chi bồi thường giải phóng mặt bằng từ nguồn thu tiền cho thuê đất phát sinh ngoài dự toán là 354 tỷ, nếu loại trừ khoản chi này thì ước giải ngân cả năm được 5.818,67 tỷ (bao gồm vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu và Chương trình mục tiêu quốc gia) đạt 95,25% so dự toán và giảm 4,93% so với cùng kỳ năm trước.

2.2. Hoạt động Ngân hàng

Tình hình huy động vốn trên địa bàn ở các tháng đầu năm đều giảm nhẹ so với năm trước và bắt đầu phục hồi tăng trưởng trở lại từ tháng 6/2020, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng năm 2019. Ước đến 31/12/2020, tổng nguồn vốn hoạt động đạt 104.000 tỷ đồng, tăng 9,47% so đầu năm (năm 2019 tăng 13,75%), đạt 100% kế hoạch. Trong đó: Vốn huy động tại địa phương đạt 53.900 tỷ đồng, chiếm 51,83% tổng nguồn vốn hoạt động, tăng 6,70% so đầu năm (năm 2019 tăng 9,99%), đạt 105,69% kế hoạch. Cơ cấu nguồn vốn huy động tại địa phương tăng chủ yếu ở số dư huy động VND và kỳ hạn ngắn hạn.

Trước những khó khăn do ảnh hưởng tình hình hạn mặn và dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của NHNN và UBND tỉnh, NHNN Chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn quyết liệt triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN; tiếp tục đẩy mạnh cho vay đối với các lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 như cho vay nông nghiệp, nông thôn, sản xuất kinh doanh các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu; cho vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh; các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường sản phẩm cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống góp phần hạn chế “tín dụng đen”; chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Nhìn chung, vốn tín dụng trên địa bàn kịp thời đáp ứng, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. So với đầu năm, dư nợ cho vay có tăng trưởng nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng năm 2019. Ước đến 31/12/2020, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt 130.000 tỷ đồng (trong đó, khoảng 80% doanh số cho vay là phục vụ sản xuất kinh doanh); dư nợ cho vay đạt 86.850 tỷ đồng, tăng 8,22% so đầu năm (năm 2019 tăng 16,96%), đạt 98,69% kế hoạch.

Tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được quan tâm, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Ước đến 31/12/2020, dư nợ đạt 3.759 tỷ đồng (chiếm 4,33% tổng dư nợ toàn tỉnh), tăng 9,74% so đầu năm; nợ quá hạn chiếm 1,63% tổng dư nợ chính sách.

Trước ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, Các TCTD triển khai hàng loạt các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự gia tăng của nợ xấu; kiểm soát chất lượng tín dụng; thúc đẩy xử lý nợ xấu hiện hữu, chú trọng sử dụng các biện pháp theo Nghị quyết 42/2017/QH14. Nhờ đó, nợ xấu nội bảng có gia tăng nhưng vẫn được kiểm soát dưới 2%[2]; nợ rủi ro đang theo dõi ngoại bảng ước 1.100 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trên địa bàn khá ổn định. Tỷ giá vàng và ngoại tệ diễn biến theo xu hướng chung của cả nước và thế giới.

3. Đầu tư và xây dựng

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cả năm 2020 ước tính là 46.319,65 tỷ đồng, đạt 96,50% kế hoạch, giảm 3,37% so với năm 2019. Chia ra: Vốn đầu tư phát triển do địa phương quản lý 41.440,15 tỷ đồng, đạt 93,39% kế hoạch, giảm 1,35% so với cùng kỳ; vốn đầu tư của Bộ ngành quản lý 4.879,5 tỷ đồng, đạt 134,61% kế hoạch, giảm 17,71% so với cùng kỳ.

Trong tổng số vốn đầu tư phát triển do địa phương quản lý, vốn ngân sách nhà nước ước thực hiện 6.573,25 tỷ đồng, đạt 107,6% kế hoạch, tăng 20,57% so cùng kỳ[3]. Tổng vốn NSNN do địa phương quản lý đều đạt kế hoạch và tăng so với năm trước.

 Tình hình đầu tư và sản xuất kinh doanh tại các khu kinh tế của tỉnh: năm 2020, ước tính tổng giá trị đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) đạt 809,56 tỷ đồng, tăng 6,96% so với năm 2019. Trong đó KCN Thạnh Lộc giá trị đầu tư đạt 803,94 tỷ đồng, tăng 7,11% so với năm 2019 (chủ yếu từ nguồn vốn của các doanh nghiệp), giá trị đầu tư tăng chủ yếu từ triển khai xây dựng các dự án mới như dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm may Toàn Lộc 178,33 tỷ đồng; dự án nhà máy sản xuất gia công đế giày Toàn Lộc 138 tỷ đồng; dự án sản xuất lắp rắp thiết bị điện, nước và ống nhựa của Cty TNHH PT Mekong 117 tỷ đồng...

Giá trị sản xuất kinh doanh của các dự án trong KCN Thạnh Lộc cả năm ước đạt 5.016 tỷ đồng, bằng 69,45% so cùng kỳ; giá trị nộp thuế ước đạt 597 tỷ đồng, bằng 66,08% so cùng kỳ, chủ yếu là các dự án Bia; vật liệu xây dựng; giày da; chế biến thủy sản đông lạnh.

4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Tình hình đăng ký hoạt động các loại hình doanh nghiệp năm nay có xu hướng giảm do tác động của đại dịch Covid-19 như số doanh nghiệp thành lập mới giảm so cùng kỳ, số doanh nghiệp tạm ngưng lại tăng hơn cụ thể: Số doanh nghiệp được thành lập mới là 1.400 doanh nghiệp, giảm 40 DN so với năm 2019, tổng vốn đăng ký 19.000 tỷ đồng; Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động là 446 doanh nghiệp, tăng 136 DN so cùng kỳ; Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 290 DN, giảm 85 DN so cùng kỳ; Số Doanh nghiệp giải thể 230 doanh nghiệp, giảm 34 DN so cùng kỳ (các doanh nghiệp giải thể chủ yếu doanh nghiệp kinh doanh nhỏ, kinh doanh không hiệu quả và gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra). Nhìn chung, doanh nghiệp thành lập mới trong năm giảm cả về số lượng và quy mô về vốn đăng ký, bình quân vốn đăng ký chỉ 13,57 tỷ đồng/DN (năm 2019 là 23,7/DN) và số lượng doanh nghiệp đăng ký mới chủ yếu là loại hình công ty TNHH 100 vốn DN và hầu hết thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

5.1. Nông nghiệp

Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020, trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn đó là mùa khô năm nay xâm nhập mặn xuất hiện sớm và sâu hơn mùa khô năm trước và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Tình hình chăn nuôi do ảnh hưởng Dịch tả lợn Châu phi nên sản lượng thịt heo giảm mạnh; Thời tiết nắng nóng bất thường vào mùa khô, mưa, bảo xảy ra liên tục và kéo dài nhiều ngày nên đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lúa vụ Hè thu, Thu đông và nuôi trồng thủy sản; Tình trạng tàu cá của tỉnh Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài trái phép còn tiếp tục xảy ra; Tình trạng lấn, chiếm đất rừng vẫn tái diễn…

Tuy nhiên, trước sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với các ngành chức năng trong việc tổ chức triển khai kế hoạch sản xuất điều chỉnh, bố trí lịch thời vụ sản xuất từng vụ lúa ở từng vùng và các tiểu vùng hợp lý nhằm phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; quản lý, vận hành các công trình thủy lợi điều tiết nguồn nước hợp lý phục vụ cho sản xuất và nước sinh hoạt cho nhân dân phát huy hiệu quả nên sản lượng thu hoạch các vụ lúa trong năm đạt khá cao so kế hoạch và tăng so cùng kỳ; Lĩnh vực thủy sản mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì phát triển ổn định…Cụ thể như sau:

Giá trị sản xuất lĩnh vực nông, lâm, thủy sản năm 2020 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 63.477,218 tỷ đồng, đạt 101,54% kế hoạch, tăng 3,34% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông nghiệp đạt 31.557,52 tỷ đồng, tăng 3,70%.

Về trồng trọt: diện tích gieo trồng lúa cả năm (chính thức vụ Mùa, vụ Đông xuân vụ Hè thu và sơ bộ vụ Thu đông) là 725.863 ha, đạt 102,23% kế hoạch, tăng 0,53% so cùng kỳ; năng suất gieo trồng ước đạt 6,20 tấn/ha và sản lượng ước đạt 4.502.501 tấn, vượt 4,83% so kế hoạch (vượt 207.501 tấn), tăng 4,92% so với năm trước (tăng 201.990 tấn so với năm trước). Kết quả từng vụ:

Vụ Mùa (2019-2020): diện tích gieo trồng 62.610 ha[4], đạt 94,86% kế hoạch, giảm 2,29% (giảm 1.465 ha) so với vụ Mùa năm trước. Năng suất gieo trồng 5,14 tấn/ha, sản lượng đạt 321.816 tấn, tăng 0,79% so với năm trước (tăng 2.525 tấn).

Vụ Đông Xuân (2019-2020): diện tích gieo trồng được 289.837 ha[5], vượt 0,29% kế hoạch, tăng 0,26% so cùng kỳ (tăng 743 ha). Kết thúc thu hoạch, năng suất đạt 7,32 tấn/ha (tăng 0,44 tấn/ha so với năm trước); Sản lượng đạt 2.122.300 tấn, tăng 6,70% (tăng 133.270 tấn). Diện tích, năng suất, sản lượng lúa vụ đông xuân năm nay đều tăng so với cùng kỳ, đồng thời lại được mùa, được giá giúp nông dân có lãi cao sau thu hoạch nên bà con rất phấn khởi và an tâm đầu tư để gieo trồng hết diện tích lúa vụ Hè thu.

Vụ Hè thu (kể cả Xuân hè): diện tích gieo trồng được 283.284 ha, đạt 100,10% so với kế hoạch, bằng 97,63% so cùng kỳ.[6]Diện tích thu hoạch là 280.596 ha (diện tích bị mất trắng 2.688 ha)[7], năng suất gieo trồng đạt 5,61 tấn/ha, sản lượng đạt 1.588.797 tấn (tăng 20.364 tấn so với năm trước).

Vụ Thu đông (vụ 3): kết thúc gieo trồng, toàn tỉnh đã xuống giống được 90.132 ha, vượt 25,18% kế hoạch, tăng 14,56% so với năm trước (tăng 11.458 ha)[8]. Đến nay đã thu hoạch hết diện tích, năng suất ước tính 5,21tấn/ha; sản lượng đạt 469.588 (tăng 54.831 tấn so với năm trước).

* Sau khi thu hoạch xong các vụ lúa trong năm 2020, các địa phương trong tỉnh đã triển khai xuống giống tiếp các diện tích lúa vụ Mùa và vụ Đông xuân. Tính đến ngày 15 tháng 12 năm 2020, toàn tỉnh đã xuống giống cụ thể như sau:

Vụ Mùa (2020 - 2021): diện tích gieo trồng được 58.623 ha, bằng 93,76% so với cùng kỳ năm trước.[9] Diện tích bị nhiễm sâu bệnh trên lúa mùa trong tháng 12 là 1.090 ha, các đối tượng gây hại chủ yếu gồm: Đạo ôn lá 432 ha; Bù lạch 200 ha, Ốc bươu vàng 60 ha…

Vụ Đông Xuân (2020 - 2021): diện tích đã gieo trồng được 225.892 ha, bằng 79,36% so với cùng kỳ năm trước.[10] Diện tích bị nhiễm sâu bệnh trên lúa Đông xuân trong tháng là 6.858 ha, các đối tượng gây hại chủ yếu gồm: Đạo ôn lá 1.309 ha; Bù lạch 3.865 ha, Ốc bươu vàng 523 ha...

Cây rau màu: diện tích các loại rau màu đang có xu hướng tăng lên, tuy nhiên vẫn còn ở dạng nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn chậm. Tính từ đầu năm đến nay, bà con nông dân gieo trồng các loại cây màu như: dưa hấu trồng 1.030 ha, đạt 73,57% kế hoạch năm, giảm 21,97% so cùng kỳ; khoai lang 1.422 ha, đạt 94,80% so kế hoạch, tăng 6,12%; rau đậu các loại 9.926 ha, đạt 104,48% so kế hoạch, tăng 5,48%...

Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi đang hết sức khó khăn trước diễn biến của dịch bệnh, trong khi dịch tả heo Châu Phi chưa dứt thì nguy cơ tái phát cúm gia cầm đã xuất hiện ở nhiều tỉnh. Tuy tỉnh ta chưa xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm nào, nhưng nguy cơ rất lớn, hiện nay dịch tả lợn Châu phi đang có chiều hướng quay trở lại ở các tỉnh miền trung, do đó cần phải có biện pháp phòng tránh hữu hiệu để nông dân yên tâm ổn định và phát triển đàn gia súc, gia cầm.

Theo kết quả điều tra thống kê chăn nuôi thời điểm 01/10/2020, tổng số đàn trâu hiện có 4.723 con, giảm 5,73% so cùng thời điểm năm trước (giảm 776 con); Đàn bò 11.924 con giảm 3,89% (giảm 482 con); Đàn heo hiện có 200.250 con, giảm 0,24% (giảm 488 con). Hiện nay, tình hình chăn nuôi heo đang từng bước được hồi phục, tuy nhiên do nguồn cung cấp giống heo con còn thiếu hụt và đang ở mức cao (heo giống từ 2 – 3 triệu đồng/con, tùy trọng lượng), giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao làm cho chi phí đầu vào và giá thành chăn nuôi vẫn đang cao, nên mặc dù giá heo hơi đã giảm so với những tháng trước, nhưng người dân vẫn chưa yên tâm để đầu tư tái đàn vì lợi nhuận không cao, nên việc tái đàn heo trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm và còn rất khó khăn.

* Tình hình phát triển nuôi chim Yến:

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, đến nay toàn tỉnh hiện có 2.856 hộ nuôi chim yến, tăng 654 hộ so cùng kỳ. Các địa phương có số nhà nuôi chim yến phát triển mạnh như: thành phố Rạch Giá 854 hộ; thành phố Hà Tiên 370 hộ, huyện Kiên Lương 266 hộ; Hòn Đất 646 hộ; Châu Thành 272 hộ…Sản lượng yến sào thu hoạch cả năm 2020 ước đạt 17.136 kg.

5.2. Lâm nghiệp

Năm nay, vào mùa khô nắng nóng kéo dài, khô hạn gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, các ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng chống cháy rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, duy trì thường xuyên công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Trong 12 tháng toàn tỉnh đã xảy ra 41 vụ cháy lớn, nhỏ có liên quan đến đất rừng, đất nông nghiệp giáp rừng gồm: huyện Phú Quốc 33 vụ, Kiên Hải 02 vụ, Giang Thành 02 vụ, Hòn Đất 04 vụ, với tổng diện tích rừng bị cháy 560 ha, thiệt hại 262,17 ha rừng. Nhìn chung, các vụ cháy rừng đều được phát hiện sớm, lực lượng chữa cháy được huy động kịp thời (4.621 lượt lực lượng), tuy nhiên do thiếu phương tiện vận chuyển lực lượng nên quá trình tiếp cận đám cháy còn chậm nên mức độ thiệt hại còn cao.

5.3. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): Năm 2020 ước đạt 31.646 tỷ đồng, đạt 99,73% so kế hoạch năm, tăng 3,05% so với cùng kỳ[11].

Tổng sản lượng thủy sản cả năm ước đạt 836.175 tấn, đạt 110,75% kế hoạch, giảm 1,10% (giảm 9.323 tấn) so với năm 2019. Chia ra:

Sản lượng khai thác ước tính 572.070 tấn, đạt 115,57% kế hoạch, giảm 4,68% (giảm 28.070 tấn) so cùng kỳ[12]. Sản lượng khai thác các loại hầu hết đều giảm so cùng kỳ, do việc khai thác hiện nay gặp rất nhiều khó khăn như ngư trường bị thu hẹp, nguồn lợi thủy sản giảm nên đánh bắt không hiệu quả dẫn đến thiếu nguồn lao động trầm trọng do thu nhập thấp, nhiều phương tiện khai thác bị thua lỗ kéo dài nên phải nằm bờ.

Toàn tỉnh hiện có 9.890 tàu cá được quản lý, đăng ký, đăng kiểm, trong đó tàu có chiều dài từ 15 mét nước trở lên là 3.995 tàu cá, đã có hơn 3.700/3.991 tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định[13]. Theo số liệu của các cơ quan chức năng cung cấp, tính từ đầu năm đến nay tổng số tàu cá của ngư dân Kiên Giang khai khác thủy hải sản ở nước ngoài trái phép và bị bắt giữ 48 tàu, với 498 ngư dân[14], giảm 56 tàu/535 ngư dân so với cùng kỳ năm 2019.

Sản lượng nuôi trồng ước tính được 264.105 tấn, đạt 101,58% kế hoạch, tăng 7,64% (tăng 18.747 tấn) so với năm trước, tăng chủ yếu là tôm nuôi các loại tăng 11,75% (tăng 9.723 tấn), trong đó: tôm thẻ chân trắng tăng 17,89% (tăng 5.247 tấn)…Tình hình nuôi trồng trong năm sản lượng tăng đều ở các loại thủy sản nuôi là do tăng diện tích thả nuôi và thực hiện nuôi luân canh nhiều loại sản phẩm. Đồng thời sản lượng tôm tăng là do năm nay nhân dân nuôi xen canh, gối vụ nên năng suất cao hơn, các công ty nuôi tôm đang triển khai mô hình nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn đã cho năng suất tăng rất cao.

6. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp năm nay do tình hình dịch Covid-19 kéo dài cả trên thế giới cũng như ở trong nước, nên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong tỉnh đã bị ảnh hưởng; nhiều sản phẩm có sản lượng giảm so cùng kỳ, chủ yếu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản lượng tồn kho khá lớn; một số mặt hàng xuất khẩu gặp khó khăn do nhu cầu của thị trường giảm...Với những khó khăn trên, các doanh nghiệp phải điều chỉnh lại phương án sản xuất để giảm tồn kho, dẫn đến giá trị sản xuất ngành chế biến có tăng nhưng không như kỳ vọng.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Tính chung 12 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 4,29% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 6,12%; ngành khai khoáng tăng 7,17%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 1,93%; ngành chế biến, chế tạo tăng 4,35%[15].

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành cả năm ước tính 50.336,95 tỷ đồng, đạt 97,37% kế hoạch, tăng 5,61% so với năm 2019.[16]

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu cả năm có tăng so với năm trước như mặt hàng Điện thương phẩm tăng 11,58%; nước máy tăng 6,74%, tôm đông lạnh tăng 9,86%; Gỗ MDF tăng 0,18%. Nhưng cũng còn nhiều sản phẩm giảm so với năm trước như: Bia các loại đạt 74,62% kế hoạch, giảm 26,05%; Bao bì PP đạt 97,55% kế hoạch, giảm 9,89%...

7. Thương mại, dịch vụ và giá cả

7.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng:

Nhìn chung, thị trường bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ dự báo cả năm tăng trưởng thấp so với cùng kỳ nhiều năm, là do ảnh hưởng kép của Đại dịch Covid-19 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ làm cho doanh thu của hầu hết các loại hình dịch vụ đều giảm và đạt thấp so với cùng kỳ. Trong đó dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành giảm mạnh, nhất là cuối quý I và đầu quý II. Thậm chí trong tháng 4 doanh thu du lịch lữ hành không phát sinh doanh thu.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ cả năm ước đạt 110.827 tỷ đồng, đạt 91,03% kế hoạch, tăng 2,41% so với năm 2019. Chia theo ngành kinh tế:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tính 82.705 tỷ đồng, đạt 93,21% kế hoạch, tăng 4,86% so với năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 14.992 tỷ đồng, đạt 84,08% kế hoạch, giảm 5,41% so với năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 220 tỷ đồng, đạt 43,85% kế hoạch, giảm 50,67% so với năm trước.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước đạt 12.910 tỷ đồng, đạt 87,94% kế hoạch, giảm 1,07% so với năm trước.

7.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả năm dự kiến 700 triệu USD, đạt 89,74% kế hoạch, tăng 2,83% so với năm trước.[17]Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng trong năm đó là: Gạo các loại xuất khẩu 480.000 tấn, đạt 96,00% kế hoạch, tăng 14,54% so với năm 2019; Thủy sản đông các loại 20.400 tấn, đạt 131,61% kế hoạch, tăng 44,79%; cá đóng hộp 6.500 tấn, đạt 130% kế hoạch, tăng 45,25%. Nhưng có mặt hàng giảm như giày da xuất khẩu chỉ đạt 63,89% kế hoạch, giảm 26,38%; cá đông đạt 62,38% kế hoạch, giảm 27,88%...  

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả năm ước tính 120 triệu USD, đạt 150% kế hoạch, giảm 12,35% so cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dùng cho sản xuất, trong đó chủ yếu là nguyên liệu để sản xuất giày da.

7.3. Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch

Năm 2020, trước tình hình diễn biến kéo dài của Đại dịch Covid-19, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch chủ động phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ xúc tiến trọng tâm đảm bảo thực hiện theo kế hoạch và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đồng thời đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền và quảng bá công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch  trên trang thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm tăng cường các hoạt động xúc tiến phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19, tăng cường công tác phối hợp xúc tiến với các tổ chức xúc tiến ngoài nước tại Việt Nam và Trung tâm xúc tiến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia… góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động SXKD của các doanh nghiệp. Với nỗ lực trên, trong năm 2020, đã triển khai 35/35 hoạt động, đạt 100% so kế hoạch năm, trong đó hoạt động xúc tiến trong tỉnh 7/9 hoạt động, xúc tiến ngoài tỉnh 13/16 hoạt động, hoạt động liên quan xúc tiến 12/4 hoạt động, hoạt động tuyên truyền quảng bá 3/3 hoạt động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch còn gặp khó khăn nhất định. Do tác động của dịch bệnh Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp và còn kéo dài nên sự kiện xúc tiến du lịch, thương mại đã bị tạm dừng, nhất là các hoạt động xúc tiến nước ngoài không thực hiện được.

7.4. Vận tải

Trong năm 2020, do ảnh hưởng tình hình chung của Đại dịch Covid-19 nên khối lượng vận tải hành khách có giảm so với năm trước; vận chuyển hàng hóa tuy vẫn hoạt động bình thường trong thời gian giãn cách xã hội nhưng cũng bị ảnh hưởng là do việc vận chuyển các loại hàng hóa dùng cho sản xuất như hàng xuất khẩu, xi măng, Clinker đi các tỉnh và qua Campuchia cũng bị ảnh hưởng làm giảm khối lượng vận chuyển. Cụ thể như sau:

Doanh thu dịch vụ vận tải cả năm ước đạt 11.501 tỷ đồng, giảm 6,31% so với năm 2019.

Vận tải hành khách khối lượng vận chuyển ước đạt 83,56 triệu lượt khách, đạt 84,60% kế hoạch năm, giảm 4,37% so với năm trước[18]; khối lượng luân chuyển 5.186,17 triệu HK.km, đạt 79,92% kế hoạch, giảm 3,47%.

Vận tải hàng hóa khối lượng vận chuyển ước tính 11,40 triệu tấn, đạt 81,41% kế hoạch, giảm 7,84% so với năm trước[19]; khối lượng luân chuyển 1.576,35 triệu tấn.km, đạt 79,59% kế hoạch, giảm 5,53% so cùng kỳ.

Giao thông nông thôn: tính đến ngày 15/10/2020 khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành là 304,5/382 km đạt 79,72% kế hoạch. Dự kiến đến 31/12/2020, tổng số km đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được cứng hóa là 6.359 km/7.084 km đạt 89,77%.

7.5. Thông tin – truyền thông

Về công nghệ thông tin và xây dựng Chính quyền điện tử: Hiện nay, Cổng thông tin điện tử tỉnh và Thư điện tử công vụ, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đầu tư theo mô hình tập trung, đồng bộ. Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc đã được nâng cấp, hoàn thiện và triển khai đồng bộ trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã giúp nâng cao hiệu quả việc gửi, nhận văn bản điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã. Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử đã cung cấp 2.779 DVCTT, tăng 27,71% so với năm 2019, trong đó DVCTT mức độ 1 và 2 là 2.132 DVCTT, tăng 46,32%, mức độ 3 là 373 DVCTT, giảm 8,80% và mức độ 4 là 274 DVCTT, giảm 11,61%. DVCTT mức 3, 4 giảm về số lượng nhưng tăng về tính hiệu quả, số lượng hồ sơ trực tuyến và đơn giản hóa một số thủ tục. Đến thời điểm cuối tháng 11/2020, hệ thống đã tiếp nhận và xử lý trên 178.000 hồ sơ (tăng 58% so với năm 2019 là 113.000 hồ sơ), tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt 82,51% (năm 2019 là 77%), trễ hạn 17,49% (năm 2019 là 33%). Trong năm, qua 2 đợt phòng, chống dịch Covid-19 (tháng 3 và tháng 7/2020), hệ thống đã phát huy hiệu quả từ việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, cụ thể: Tháng 3, hệ thống tiếp nhận và xử lý 22.131 hồ sơ (tăng gấp 3 lần so với tháng 01 là 7.267 hồ sơ, tăng gấp 2 lần so với tháng 2 là 9.828 hồ sơ) và tháng 7 là 19.037 hồ sơ (tăng 4,2% so với tháng 6 là 18.254 hồ sơ).

Về phát triển đô thị thông minh huyện Phú Quốc: Đã hoàn thiện giai đoạn I bao gồm các nội dung như Hệ thống Trung tâm điều hành thông minh; Hệ thống du lịch thông minh; Hệ thống giám sát môi trường; Xây dựng trung tâm điều hành thành phố thông minh. Ngoài ra, trong năm 2020 tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt dự án: Du lịch thông minh; Giáo dục thông minh; Nông nghiệp thông minh; Hệ thống Camera giám sát của Công an tỉnh.

Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin được thường xuyên quan tâm, theo dõi; đã triển khai thực hiện kế hoạch công tác bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống dùng chung của tỉnh.

Về bưu chính – viễn thông: Toàn tỉnh hiện có 15 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển phát bưu chính; có 102 bưu cục; 132 điểm Bưu điện - Văn hóa xã; bán kính phục vụ đạt 2,76 km/điểm. Hiện có 8 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, tổng số thuê bao điện thoại ước đạt 1.911.302 thuê bao, giảm 0,80% so cùng kỳ; tổng số thuê bao Internet phát triển mới 63.328 thuê bao, tăng 62,13% so cùng kỳ. 100% địa bàn xã được phủ sống mạng thông tin di động 3G, 4G.

7.6. Du lịch

Trong bối cảnh chung của đại dịch Covid-19, tình hình hoạt động du lịch Kiên Giang cũng chịu ảnh hưởng nặng nề chưa từng có và kéo dài nên lượng khách du lịch đến tỉnh ta giảm nhiều, nhất là lượng khách quốc tế, từ đó đã ảnh hưởng đến một số cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tạm ngưng đóng cửa, giải thể hoặc chuyển nhượng kinh doanh làm cho doanh thu của ngành du lịch giảm đáng kể. Tổng lượt khách du lịch đến trên địa bàn tỉnh cả năm ước đạt 5.206,72 ngàn lượt khách, đạt 55,81% kế hoạch, chỉ bằng 59,30% so với năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 2.477,82 ngàn lượt khách, đạt 53,94% kế hoạch, chỉ bằng 59,20% so với năm 2019. Trong đó số khách quốc tế 184,95 ngàn lượt khách, đạt 24,66% kế hoạch, chỉ bằng 25,93% so với năm 2019

7.7. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười Hai giảm 0,01% so với tháng trước; tăng 1,22% so với tháng 12 năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, chỉ có 2 nhóm hàng giảm so với tháng trước, đó là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm (giảm 0,70%); kế đến là nhóm hàng hoá và dịch vụ khác (giảm 0,05%). Có 6 nhóm hàng tăng so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất (tăng 2,06%); kế đến nhóm đồ uống thuốc lá (tăng 0,31%); nhóm nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng (tăng 0,12%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,10%); nhóm may mặc, giầy dép và mũ nón (tăng 0,08%) và nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,05%). Các nhóm hàng còn lại không tăng, không giảm.

Chỉ số giá vàng: giá vàng tháng Mười Hai giảm -0,45% so với tháng trước, tăng 28,41% so với tháng 12 năm trước và bình quân 12 tháng  so với cùng kỳ năm trước chỉ số giá vàng đã tăng 26,71%. Vàng nhẫn mức giá bình quân trong tháng 12 là 5.342.000 đồng/chỉ, giảm 24.000 đồng/chỉ so với tháng trước.

Chỉ số giá Đô la Mỹ: giá đô la Mỹ có giảm nhẹ, tháng 12 chỉ số giá đồng đô la Mỹ so với đồng nội tệ giảm -0,04% so với tháng trước, so với tháng 12 năm trước tăng 0,13% và so với bình quân cùng kỳ tăng 0,15%. Giá đô la Mỹ bình quân tháng 12 được liên ngân hàng niêm yết là 2.326.000 đồng/100 USD, giảm 1.800 đồng so với tháng trước.

8. MỘT SỐ TÌNH HÌNH XÃ HỘI

8.1. Lao động, việc làm và đào tạo nghề

Trong năm 2020 tình hình đời sống của tầng lớp dân cư trong tỉnh chịu ảnh hưởng lớn bởi tác động của dịch Covid-19. Tại những thời điểm dịch bùng phát một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, thiệt hại rất lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của số đông người lao động.

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, về việc hỗ trợ các đối tượng do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 09/11/2020, tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ tổng số 204.659 đối tượng, tổng kinh phí hỗ trợ 202 tỷ 483,3 triệu đồng bao gồm: người có công với cách mạng là 9.159 người, số tiền 13 tỷ 687,1 triệu đồng; đối tượng bảo trợ xã hội 43.236 người, số tiền 64 tỷ 393,55 triệu đồng; người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo 110.615 người, số tiền 82 tỷ 381 triệu đồng; người lao động và hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm là 41.649 người, số tiền 42 tỷ 21,6 triệu đồng.

Năm 2020 đã giải quyết việc làm cho 35.570 lượt lao động[20], đạt 101,63% so với kế hoạch.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh, đào tạo mới 25.550 người đạt 102,20% so kế hoạch[21]. Giải quyết trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho 15.024 lao động, trong đó 2.240 người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm trên địa bàn huyện, thành phố để tư vấn việc làm cho 36.720 lượt lao động, giới thiệu việc làm 6.690 lượt lao động, trong đó tư vấn, hướng dẫn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho 205 lao động tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

8.2. Tình hình Giáo dục

Các cơ sở giáo dục đã chú trọng tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, phương pháp học tập sáng tạo cho học sinh. Các trường học đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá; tỷ lệ huy động học sinh ra lớp tăng, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm. Ngành giáo dục đã từng bước sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo hướng tăng quy mô, giảm điểm lẻ, giảm bớt đầu mối trung gian và biên chế gián tiếp...; khắc phục một phần tình trạng thiếu biên chế kéo dài, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động giáo dục đảm bảo tính ổn định, bền vững.

Toàn tỉnh đã tổng kết năm học 2019 - 2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021. Tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021, có 9.826 học sinh đăng ký thi tuyển sinh vào 17 trường (trong đó 13 trường tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển, 04 trường tuyển sinh bằng hình thức thi kết hợp xét tuyển), các trường còn lại tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển. Đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, với kết quả như sau: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 99,40% (tính cả thí sinh GDTX, tự do thì tỷ lệ tốt nghiệp 97,95%).

Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 645 trường học, giảm 23 trường (Mầm non giảm 02 trường; tiểu học giảm 13 trường; TH cơ sở giảm 10 trường) và tăng 9 trường (Mầm non tăng 02 trường; trường phổ thông cơ sở tăng 07 trường). Nguyên nhân là do thực hiện sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo hướng tăng quy mô, giảm điểm lẻ. Hiện toàn tỉnh có 297 đơn vị công lập đạt chuẩn quốc gia, tăng 3,12% so với năm trước (tăng 20 đơn vị).  

8.3. Hoạt động Văn hóa, Thể thao

Tổ chức thành công các sự kiện lễ hội, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước như Lễ hội đón Giao thừa Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tại thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên, huyện Phú Quốc và huyện Vĩnh Thuận. Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020); 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020); 75 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2020); kỷ niệm 29 năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10/1991 - 01/10/2020); kỷ niệm Ngày Quốc tế về người khuyết tật (03/12), kỷ niệm 74 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2020), kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020) và 31 năm Ngày Hội Quốc Phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2020). Tập trung tổ chức tuyên truyền, cổ động Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025… công tác tổ chức lễ hội tại các di tích lịch sử văn hóa đảm bảo an toàn, trang trọng, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hoạt động thể thao thành tích cao: Các đội tuyển tham gia thi đấu 42 giải khu vực, toàn quốc, quốc tế; đạt 100 huy chương các loại (31 HCV, 31 HCB và 38 HCĐ); có 06 VĐV đạt kiện tướng quốc tế, 14 VĐV đạt kiện tướng quốc gia và 14 VĐV cấp I quốc gia. Phối hợp đăng cai tổ chức 06 giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế như: Giải Billiards & Snooker vô địch quốc gia (vòng 1);[22] Giải Vô địch Thể hình Quốc gia lần thứ 23 năm 2020 Lực sĩ đẹp Việt Nam;[23] Giải Thể dục thể hình và Fitness trong khuôn khổ Đại hội Thể thao Đồng bằng sông Cửu Long;[24] phối hợp tổ chức đón và đưa đoàn đua Giải Xe đạp nữ toàn quốc lần thứ 21 - An Giang 2020 qua địa phận tỉnh Kiên Giang[25]...

Thể dục thể thao quần chúng: Đã tổ chức thành công 09 giải thể thao cấp tỉnh với 3.200 vận động viên tham gia; 75 giải thể thao cấp huyện, thành, ngành với 8.562 vận động viên tham gia.

8.4. Tình hình y tế

Năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, kéo dài trên toàn thế giới cũng như trong nước. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh thường xuyên tăng cường chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện/thành phố thực hiện kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới đảm bảo việc loại trừ các rủi ro có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đặc biệt tại huyện Phú Quốc, Giang Thành, TP Hà Tiên. Thường xuyên giám sát, theo dõi sức khỏe người bệnh sau khi cách ly tại các cơ sở y tế tập trung ngoài tỉnh trở về và nhập cảnh từ vùng dịch trở về.

Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh quyết toán BHYT. Phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Ung bướu Tp. Hồ Chí Minh ... tiến hành đào tạo, tư vấn, hội chẩn từ xa, qua đó nâng cao chất lượng chuyên môn cho cán bộ y tế bệnh viện tuyến tỉnh đồng thời giúp việc điều trị bệnh nhân có hiệu quả tốt nhất, tăng cường hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới.

Trong năm các cơ sở y tế trong tỉnh đã khám, điều trị 4.449.897 lượt người, đạt 78,1% KH (giảm 213.246 lượt so cùng kỳ); điều trị nội trú khoảng 237.782 lượt người, đạt 81,99% kế hoạch (giảm 34.420 lượt so cùng kỳ). Tỷ lệ khám chữa bệnh YHCT kết hợp YHCT và YH hiện đại/tổng số lượt khám và điều trị chung đạt 14%. Công suất sử dụng giường bệnh chung là 65%; Tỷ lệ khỏi bệnh 90,32%, Tỷ lệ tử vong 0,11%.

Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra: Đã thực hiện thanh kiểm tra 16.000 cơ sở (giảm 3.009 cơ sở so năm 2019), có 13.600, đạt 85% cơ sở đảm bảo ATTP theo quy định và 15% các cơ sở còn lại chưa đảm bảo ATTP, qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 15 cơ sở với số tiền 54,5 triệu đồng (giảm 69 cơ sở VPHC), đình chỉ lưu hành 03 cơ sở, tiêu hủy sản phẩm vi phạm của 175 cơ sở, gồm 282 loại sản phẩm với số lượng 1.225 kg thực phẩm không có nhãn, quá hạn sử dụng, chứa hóa chất ngoài danh mục của Bộ Y tế.

Toàn tỉnh ghi nhận 03 vụ ngộ độc thực phẩm với 22 người mắc chủ yếu do thức ăn nhiễm vi sinh vật (tăng 01 vụ so cùng kỳ) và 123 cas mắc lẻ tại các địa phương trong tỉnh (giảm 107 cas so cùng kỳ), không có trường hợp tử vong.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, ước tính cả năm 2020: Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,02%, tăng 1,77% so với 6 tháng đầu năm (tăng 30.584 người);  Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm xã hội đạt 11,43%, tăng 0,69% so với 6 tháng đầu năm (tăng 6.425 người); Tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 8,78%, tăng 0,40% so với 6 tháng đầu năm (tăng 3.710 người). Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện đạt thấp là do đây là chính sách mới, người dân chưa quan tâm nhiều, mức đóng phí BHXN tự nguyện còn cao, đối tượng tham gia chủ yếu làm nghề tự do, người nông dân nên việc làm không ổn định, thu nhập thấp nên khó tham gia…

8.5. Tình hình an toàn giao thông

Tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/12/2020 trên địa bàn tỉnh xảy ra 120 vụ tai nạn giao thông (đường bộ 118 vụ, đường thủy 02 vụ), làm 68 người chết, 77 người bị thương, trong đó số vụ TNGT nghiêm trọng là 107 vụ, làm 68 người chết và 64 người bị thương. Qua 12 tháng, tuy tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra nhiều vụ nghiêm trọng, nhưng so với năm trước, tai nạn giao thông đã giảm đáng kể trên cả 3 tiêu chí: giảm 31 vụ, giảm 21 người chết và giảm 25 người bị thương, đây là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần phải thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động nhân dân gương mẫu chấp hành Luật giao thông hơn nữa, để mọi người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.

8.6. Tình hình cháy, nổ và thiên tai

Tình hình cháy nổ: từ ngày 15/11/2020 đến 14/12/2020 toàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy, 01 vụ cháy nhà dân ở tổ 8, ấp Song Chinh, xã Bình Trị, huyện Kiên Lương, nguyên nhân do chập điện gây cháy và 01 vụ cháy cửa hàng tạp hóa, tại tổ 01 khu phố Minh Phú, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, nguyên nhân gây cháy đang được điều tra làm rõ. Ước tổng thiệt hại tài sản khoảng 833 triệu đồng.

Tính chung 12 tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 29 vụ cháy, 02 vụ nổ làm 2 người chết, 23 người bị thương, thiệt hại ước tính 33 tỷ 43 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: từ ngày 15/11/2020 đến 14/12/2020 trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa giông, lốc, gió mạnh cùng với triều cường dâng cao đã làm 04 căn nhà bị sập (huyện An Biên 01 căn, An Minh 01 căn, U Minh Thượng 02 căn); 07 căn nhà bị tốc mái tại huyện U Minh thượng. Tổng ước tính thiệt hại về nhà ở là 195 triệu đồng.

Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng tình hình thời tiết, thiên tai đã làm sập hoàn toàn 216 căn nhà, tốc mái 517 căn, làm ngập nước 8.041 căn, ngập 115 điểm trường, chìm và mất tích 19 tàu đánh bắt thủy sản của ngư dân, 02 Cano và 01 tàu chở hàng; hư hỏng 104,8 km lộ giao thông nông thôn, sạt lở 2.595 m đường đê bờ biển và sét đánh làm chết 03 người, bị thương 03 người.

Đề xuất kiến nghị

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020, một số chỉ tiêu chủ yếu đạt thấp so với kế hoạch. Để thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra trong năm 2021, Cục Thống kê kiến nghị một số vấn đề sau:

1. Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 một cách chủ động và hiệu quả nhất: luôn đề cao cảnh giác, tiếp tục chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện tốt thông điệp 5K[26], kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhập cảnh trái phép… đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân là mục tiêu quan trọng nhất, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Trong lĩnh vực nông nghiệp: tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đề nghị tăng cường sự chỉ đạo đối với các ngành chuyên môn trong việc theo dõi diễn biến tình hình thời tiết trong mùa khô 2020 – 2021 để phối hợp tốt với các địa phương trong vận hành đóng, mở cống phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Chỉ đạo các địa phương chủ động trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo không để xảy ra thiệt hại trên các diện tích lúa Mùa và Đông xuân (2020 – 2021) đã xuống giống nhằm đạt được năng suất cao hơn dự kiến, góp phần tăng sản lượng lúa, cũng như gia tăng giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

3. Về lĩnh vực thủy sản: tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm khắc phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo và không theo quy định. Chủ động tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trong các loại thủy sản nuôi, đặc biệt dịch bệnh trên tôm nuôi; Khuyến khích triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp 02 giai đoạn, hướng dẫn các cơ sở thực hiện nuôi tôm nước lợ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác theo yêu cầu của thị trường; tổ chức quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y và kiểm soát dịch bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển hình thức nuôi ven biển, ven đảo và xa khơi, vận động kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nguồn lực mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ thiết bị để phát triển nuôi vùng biển xa nhằm góp phần bù đắp lại sản lượng khai thác thủy sản giảm sút như hiện nay.

4. Tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm như: Kích cầu tiêu dùng trong tỉnh; tổ chức hội chợ ẩm thực, hội chợ thương mại và tăng cường các chuyến hàng đưa hàng Việt về nông thôn; triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình thương mại truyền thống.

Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường gắn với liên kết chuỗi giá trị đẩy mạnh kinh doanh và xuất khẩu, nhất là tranh thủ kết nối hoạt động xuất nhập khẩu trở lại với thị trường các nước đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid – 19 trong thời gian tới.

5. Cần phải tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ và các ngành nghề mà tỉnh có thế mạnh; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm năng lượng. Kêu gọi thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khu, cụm công nghiệp; khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng điện mặt trời áp mái, trên mặt nước và dự án điện mặt trời có tính chất kết hợp.

Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các địa phương phải làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án; có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án vốn ngân sách Trung ương, vốn ngoài ngân sách trên địa bàn Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên. Đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; nhất là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị được giao quản lý vốn, các chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm.

6. Ngành du lịch đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, có chính sách, biện pháp kích cầu như tuyên truyền về các điểm đến an toàn với những việc làm cụ thể, thiết thực nhằm thu hút khách du lịch nội địa đến tỉnh ta nhiều hơn. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch vừa đảm bảo việc phục hồi phát triển ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay. Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến dịch Covid-19, kịp thời chỉ đạo các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh du lịch thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế để đảm bảo an toàn cho du khách đến du lịch trên địa bàn./.

Tải về: - Số liệu Kinh tế xã hội năm 2020 của tỉnh Kiên Giang;

            - Chỉ số Giá tiêu dùng tháng 12 năm 2020 của tỉnh Kiên Giang.


[1] Trong đó: thu nội địa 11.640 tỷ đồng, đạt 102,46% dự toán, tăng 0,04% so cùng kỳ, chiếm 98,23% trong tổng thu ngân sách của tỉnh. 

[2] Ước đến 31/12/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đạt 1,04%

[3] Trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương 3.647,07 tỷ đồng, đạt 95,39% kế hoạch, tăng 15,48%.  

[4] Lúa vụ Mùa (2019 – 2020) đã gieo trồng ở các huyện An Biên 17.432 ha, An Minh 25.763 ha, Vĩnh Thuận 9.968 ha, U Minh Thượng 7.151 ha, Gò Quao 1.640 ha và thành phố Hà Tiên 657 ha.

[5] Lúa Đông Xuân (2019 – 2020) đã gieo trồng ở các huyện Hòn Đất 80.000 ha, Tân Hiệp 36.803 ha, Châu Thành 19.000 ha, Giồng Riềng 46.654 ha, Gò Quao 25.249 ha, An Biên 8.323 ha, An Minh 100 ha, Vĩnh Thuận 4.770 ha, U Minh Thượng 9.982 ha, Giang Thành 29.450 ha, Kiên Lương 24.000 ha và TP Rạch Giá 5.506 ha,

[6] Tập trung ở các huyện: Hòn Đất 78.688 ha, Giồng Riềng 46.707 ha, Tân hiệp 36.803 ha, Giang Thành 29.150 ha, Gò Quao 26.145 ha, Kiên Lương 23.000 ha, Châu thành 19.159 ha, An Biên 7.528 ha, U Minh Thượng 6.735 ha, Rạch Giá 5.490 ha và Vĩnh Thuận 3.879 ha.

[7] lúa vụ Hè Thu 2020 bị thiệt do mưa bão kéo dài làm lúa bị ngập úng, ngã đỗ không thu hoạch được ở các huyện là Gò Quao 1.678 ha; An Biên 532 ha;Vĩnh Thuận 478 ha.

[8] Tập trung ở các huyện Giồng Riềng 33.514 ha, Tân hiệp 27.976 ha, Giang Thành 13.664 ha, Châu Thành 8.173, Hòn Đất 4.709 ha, Gò Quao 1.224 ha và TP Rạch Giá 872 ha.

[9] Tập trung ở các huyện: An Minh 20.645 ha, An Biên 16.645 ha, Vĩnh Thuận 12.075 ha, U Minh Thượng 7.258 ha, Gò Quao 1.402 ha và thành phố Hà Tiên 599 ha.

[10] Tập trung các huyện: Hòn Đất 58.200 ha, Kiên Lương 21.430 ha, Giang Thành 26.600 ha, Giổng Riềng 38.025 ha, Tân Hiệp 32.391 ha, Châu Thành 11.429 ha, Gò Quao16.210 ha, An Biên 7.881 ha, U Minh Thượng 6.557 ha, Vĩnh Thuận 3.625 ha và thành phố Rạch giá 3.544 ha.

[11] Giá trị khai thác 15.241 tỷ đồng, đạt 97,79% kế hoạch, giảm 3,48% và giá trị nuôi trồng 16.405 tỷ đồng, đạt 101,6% kế hoạch, tăng 9,98% so cùng kỳ.

[12] Trong đó tôm các loại khai thác giảm 5,32% (giảm 1.682 tấn); cá các loại giảm 4,26% (giảm 19.242 tấn); mực các loại giảm 4,20% (giảm 3.137 tấn).

[13] Nguyên nhân tiến độ lắp đặt thiết bi giám sát hình trình trên tàu cá còn chậm so với quy định: các tàu nằm bờ không đi khai thác; một số tàu cá đang được ngân hàng quản lý chưa được hóa giá, sang tên hoạt động trở lại nên việc lắp thiết bị đối với nhóm tàu này còn chậm.

[14] Trong đó Indonesia bắt 17 tàu/206 ngư dân, Malaysia bắt 24 tàu/240 ngư dân, Thái Lan bắt 05 tàu/28 ngư dân, Campuchia bắt 1 tàu/19 ngư dân, Philippin bắt 1 tàu/5 ngư dân.

[15] Trong đó: ngành chế biến thực phẩm tăng 6,17%;  ngành sản xuất xi măng tăng 3,71%; Ngành sản xuất đồ uống giảm 13,38%...

[16] Trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 97,07%/ trong tổng số, tăng 5,59%.

[17] Trong đó: trị giá hàng nông sản 238 triệu USD, đạt 103,48% kế hoạch, tăng 25,65% so với năm 2019; hàng thủy hải sản 222 triệu USD, đạt 87,06% kế hoạch, tăng 4,46%; nguyên liệu Giày da 122 triệu USD, đạt 61% kế hoạch, giảm 32,69%.

[18] Trong đó, khối lượng vận tải hành khách đường bộ giảm 4,26%; vận tải hành khách đường biển tăng 4,39% so với năm 2019.

[19] Trong đó, khối lượng vận tải hàng hóa đường bộ giảm 4,61%; vận tải hàng hóa đường biển giảm 7,87%.

[20] Giải quyết việc làm trong tỉnh 18.570 lượt lao động; ngoài tỉnh 16.800 lượt lao động; hợp đồng lao động đi làm việc nước ngoài 200 lao động.

[21] Trong đó: cao đẳng 3.000 người, trung cấp 3.500 người, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên 19.050 người.

[22] Từ ngày 10/6 - 20/6/2020 tại Nhà Thi đấu đa năng tỉnh Kiên Giang; với gần 1.000 cơ thủ đến từ các tỉnh, thành, ngành trong cả nước tham dự; dự kiến thu hút 5.000 lượt khán giả đến xem và cổ vũ.

[23] Từ ngày 08/11 - 15/11/2020 tại thành phố Rạch Giá.

[24] Từ ngày 07/11 - 09/11/2020 tại Nhà Thi đấu đa năng tỉnh.

[25] Gồm 03 chặng: chặng 01 thành phố Châu Đốc - thành phố Hà Tiên vào ngày 20/7/2020; chặng 02 thành phố Hà Tiên - thành phố Rạch Giá vào ngày 21/7/2020 và chặng 03 thành phố Rạch Giá - thành phố Bạc Liêu ngày 22/7/2020.

[26] Khẩu trang; khử khuẩn; không tụ tập; khai báo y tế; khoảng cách

 

Số lần đọc: 2443
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan