Tin nóng
03.07.2019

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục được cải thiện nhưng có dấu hiệu chậm lại, cả ba khu vực kinh tế đều phát triển theo xu hướng chậm hơn cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, công cuộc hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tuy đã có bước chuyển mạnh mẽ, nhưng còn gặp rất nhiều thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế. Đồng thời, xu hướng đô thị hóa với sự di cư của người dân ra thành phố đang tạo nên sức ép về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội ở nước ta.

Ảnh hưởng xu thế chung của cả nước 6 tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh ta phát triển ổn định nhưng có giảm so với cùng kỳ, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản có mức tăng trưởng khá. Du lịch tiếp tục tăng trưởng cao, về sản xuất công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh phát triển bền vững, các nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp đã phát huy cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; đời sống nhân dân được cải thiện, dịch bệnh được kiểm soát; an ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, kết quả sản xuất ở một số lĩnh vực cũng còn gặp khó khăn: Vụ lúa đông xuân do ảnh hưởng tình hình sâu bệnh nên năng suất đạt thấp so với cùng kỳ, giá lúa giảm, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên nhiều địa phương… hoạt động kinh doanh bất động sản có phần bị chựng lại; vốn đầu tư XDCB giải ngân thấp, một vài nguồn thu chưa đạt theo kế hoạch đề ra... Cụ thể từng lĩnh vực đạt được như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2019 (giá so sánh 2010) ước tính 31.514,44 tỷ đồng, đạt 46,90% kế hoạch, tăng 7,08% so với cùng kỳ năm 2019. Chia ra :

+ Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản: Tổng giá trị tăng thêm ước tính 11.227,42 tỷ đồng, đạt 49,59% kế hoạch, tăng 5,10% thấp hơn năm trước (cùng kỳ năm 2018 tăng 10,79%), đóng góp cho tăng trưởng chung khu vực I tăng 1,85 điểm phần trăm, trong đó: Giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp, tăng 3,07% thấp hơn năm trước (cùng kỳ năm 2018 tăng 10,53%), đóng góp cho tăng trưởng 0,80 điểm phần trăm; lĩnh vực thủy sản tăng 9,96% thấp hơn năm trước (cùng kỳ năm 2018 tăng 11,90%), đóng góp cho tăng trưởng 1,01 điểm phần trăm. Nguyên nhân khu vực này tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước một phần là do năng suất lúa vụ đông xuân năm nay đạt thấp nên sản lượng giảm 61.944 tấn, dẫn đến giá trị sản xuất giảm theo. Còn nguyên nhân chính là 6 tháng đầu năm 2018 là năm có mức tăng cao (trên 10%) là do năm 2017, tỉnh ta bị thiệt hại nặng nề do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra đã làm cho giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản giảm sút trầm trọng.  

Nhìn chung, tình hình sản xuất 6 tháng đầu năm ở khu vực I duy trì, ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn có khó khăn cần quan tâm : Vụ Đông xuân bị nhiễm sâu rầy tương đối nhiều, nhất là dịch bệnh rầy nâu dẫn đến năng suất thấp và không đạt kế hoạch đề ra. Có thời điểm giá lúa thấp làm ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và thu nhập của người nông dân ; tỉnh hình dịch tả lợn Châu phi đã xuất hiện tại nhiều địa bàn trong tỉnh và có xu hướng diễn biến phức tạp khó lường, lây lan nhanh trên diện rộng ; Khai thác thủy sản đang có chiều hướng hết sức khó khăn…Từ những diễn biến khó khăn nêu trên, để đảm bảo duy trì tăng trưởng ổn định ở cuối năm, trước mắt phải đảm bảo được mục tiêu này ở cuối năm (tăng trên 5,16% theo KH), trong đó phải giữ được diện tích, năng suất, sản lượng lúa Hè thu theo KH ; Đẩy mạnh sản xuất nuôi trồng, ổn định khai thác để đảm bảo bù đắp cho những lĩnh vực nông nghiệp bị thiếu hụt.

+ Khu vực công nghiệp và xây dựng: Tổng giá trị tăng thêm ước tính 6.206,74 tỷ đồng, đạt 48,56% kế hoạch, tăng 7,38%, đóng góp cho tăng trưởng chung khu vực II 1,45 điểm phần trăm, trong đó lĩnh vực công nghiệp, tăng 9,38% thấp hơn năm trước (cùng kỳ năm 2018 tăng 9,66%),  đóng góp cho tăng trưởng 1,20 điểm phần trăm; lĩnh vực xây dựng tăng 3,63% cao hơn năm trước (cùng kỳ năm 2018 tăng 2,36%).

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm tiếp tục ổn định, GTSX có mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp cũng còn có khó khăn : Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác còn nhiều bất cập ; chất lượng chũng loại nguyên liệu hải sản cho chế biến xuất khẩu trong từng thời điểm chưa đáp ứng nhu cầu dẫn đến doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu cho chế biến. Ngành công nghiệp chế biến tỉnh ta hiện nay chiếm trên 96% giá trị sản xuất toàn ngành, tuy nhiên, quy mô sản xuất ở một số ngành còn nhỏ, lẻ (Lĩnh vực chế biến xay xát gạo, hiện nay có khoảng 240 cơ sở nhỏ lẻ chỉ hoạt động cầm chừng và theo mùa vụ, gia công xay xát là chính ; Chế biến thủy sản, hiện có khoảng 237 cơ sở, hộ kinh doanh cá thể chủ yếu là sơ chế, gia công, đang có chiều hướng giảm sút do khó khăn về nguyên liệu và lao động, Xuất khẩu đạt thấp so kế hoạch… Để ngành công nghiệp giữ vững ổn định tăng trưởng theo kế hoạch đề ra, hướng trước mắt là cố gắng duy trì và ổn định sản xuất, Ngành Công Thương có giải pháp đề xuất tháo gỡ cho sản xuất công nghiệp ; đồng thời sớm đưa Dự án Nhà máy Đông lạnh thủy sản Kiên Hùng vào hoạt động [1] để tăng thêm giá trị sản xuất ở cuối năm.

+ Khu vực dịch vụ: Tổng giá trị tăng thêm ước thực hiện 12.370,70 tỷ đồng, đạt 41,90% kế hoạch, tăng 8,20% cao hơn năm trước (cùng kỳ năm 2018 tăng 7,59%), đóng góp cho tăng trưởng chung 3,19 điểm phần trăm (Khu vực III đóng góp cho tăng trưởng tăng cao hơn so cùng kỳ là 0,14 điểm phần trăm). Nguyên nhân tăng của khu vực dịch vụ là do một số ngành chiếm tỷ trọng lớn tăng cao hơn cùng kỳ năm trước như bán lẻ hàng hóa tăng 8,71% cao hơn cùng kỳ 3,56%; kinh doanh bất động sản tăng 8,67% cao hơn cùng kỳ 2,19%; hoạt động viễn thông tăng 6,44% cao hơn cùng kỳ 1,28%...

Ở khu vực III tăng trưởng và ổn định, có thể nói đây là lĩnh vực quan trọng và có đóng góp cao nhất trong tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm, tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững cụ thể: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 34,73%, giảm 1,13% so cùng kỳ, trong đó ngành nông nghiệp giảm 1,37%, ngành thủy sản tăng 0,18%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 19,87%, tăng 0,16% so cùng kỳ, riêng ngành công nghiệp tăng 0,40%; khu vực dịch vụ chiếm 40,04%, tăng 0,77% ; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,35%, tăng 0,19%.

2. Tài chính, ngân hàng

2.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm dự kiến 5.786 tỷ đồng, đạt 55,42% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 11,22% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa 5.693 tỷ đồng, đạt 55,27% dự toán, tăng 11,54%, chiếm 98,39% trên tổng thu ngân sách của tỉnh. Nếu thu nội địa loại trừ thu tiền sử dụng đất và xổ số kiết thiết là 3.737 tỷ đồng thì chỉ đạt 47% so dự toán HĐND tỉnh giao. Đa số các khoản thu đều đạt cao so dự toán như: Thu tiền sử dụng đất 950,4 tỷ đồng, đạt 95,04% dự toán, tăng 84,95%; thu xổ số kiến thiết 1.005,6 tỷ đồng, đạt 74,49% dự toán, tăng 12,82%; thu thuế bảo vệ môi trường 323,8 tỷ đồng, đạt 53,97% dự toán, tăng 71,45; thuế thu nhập cá nhân 518,7 tỷ đồng, đạt 51,87% dự toán, tăng 14,27%. thu thuế CTN ngoài nhà nước 1.739,6 tỷ đồng, đạt 45,07% dự toán, tăng 9,14%. Nguyên nhân một số sắc thuế thu nộp đạt trên 50% dự toán trở lên là do các doanh nghiệp nộp đột biến ngoài kế hoạch tiền sử dụng đất; thu từ thuế bảo vệ môi trường do tăng mức thu theo NQ Quốc hội; thu nộp chậm tiền sử dụng đất; thu nợ năm trước chuyển sang thuế cấp quyền khai thác khoáng sản…

Bên cạnh đó vẫn còn một số khu vực, sắc thuế đạt thấp so dự toán cả năm và so với cùng kỳ như: thu lệ phí trước bạ đạt 38,22% dự toán, bằng 81,38%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 37,04% dự toán; bằng 83,41%... Nguyên nhân là do thu thuế XDCB vảng lai giảm, các doanh nghiệp trọng điểm giảm thu do thực hiện phân bổ đầu vào cao nên không phát sinh thuế GTGT, giảm thu từ bất động sản và lệ phí trước bạ nhà, đất và xe ô tô trên địa bàn huyện PQ…

Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm dự kiến 6.005,11 tỷ đồng, bằng 39,82% dự toán, tăng 14,92% so cùng kỳ. Trong đó: chi thường xuyên 3.909,11 tỷ đồng, đạt 43,99% dự toán, tăng 8,06%; chi đầu tư phát triển 2.035,86 tỷ đồng, đạt 36,79% dự toán, tăng 26,6%.

2.2. Hoạt động Ngân hàng

Trong 6 tháng đầu năm, huy động vốn trên địa bàn có sự tăng trưởng nhưng tỷ trọng tăng thấp hơn cùng kỳ. Ước 6 tháng đầu năm, tổng nguồn vốn hoạt động đạt 87.820 tỷ đồng, tăng 5,15% so đầu năm (cùng kỳ năm 2018 tăng 12,46%), tăng 9,03% so cùng kỳ. Trong đó: Vốn huy động tại địa phương ước đạt 46.600 tỷ đồng, tăng 1,46% so đầu năm (cùng kỳ năm 2018 tăng 14,52%) nhưng giảm 6,30% so cùng kỳ, chiếm 53,06%/ tổng nguồn vốn hoạt động. Cơ cấu nguồn vốn huy động tại địa phương tăng chủ yếu là số dư huy động VND và kỳ hạn dài hạn, cụ thể:

Số dư huy động bằng VND ước đạt 46.150 tỷ đồng, tăng 1,37% so với đầu năm nhưng giảm 6,34% so với cùng kỳ, chiếm 99,03%/tổng nguồn vốn huy động tại địa phương. Số dư huy động bằng ngoại tệ ước đạt 450 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm nhưng giảm 2,40% so với cùng kỳ, chiếm 0,97%/tổng nguồn vốn huy động tại địa phương.

Số dư huy động ngắn hạn ước đạt 34.800 tỷ đồng, tăng 0,75% so với đầu năm nhưng giảm 8,78% so với cùng kỳ, chiếm 74,68%/tổng nguồn vốn huy động tại địa phương. Số dư huy động trung, dài hạn ước đạt 11.800 tỷ đồng, tăng 3,63% so với đầu năm và tăng 1,85% so với cùng kỳ, chiếm 25,32%/tổng nguồn vốn huy động tại địa phương.

Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, NHNN Chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng hiệu quả, an toàn, tập trung cho vay nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, DNNVV và các chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, của ngành; Chủ động phối hợp với khách hàng và các ngành, các địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh. Nhìn chung, vốn tín dụng trên địa bàn kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội địa phương, tín dụng tăng trưởng khá. Ước đến 30/6/2019, doanh số cho vay đạt 77.000 tỷ đồng (khoảng 78% doanh số cho vay là phục vụ sản xuất kinh doanh); Dư nợ cho vay 73.600 tỷ đồng, tăng 7,26% so đầu năm, tăng 18,60% so cùng kỳ. Chính sách tín dụng được thực hiện đúng đối tượng và chính sách quy định.

Tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được nâng cao hiệu quả. Ước 6 tháng đầu năm, doanh số cho vay 610 tỷ đồng, tăng 35,21% so với cùng kỳ; Dư nợ 3.250 tỷ đồng, tăng 5,55% so đầu năm, tăng 9,98% so cùng kỳ; Nợ quá hạn chiếm 3,60%/tổng dư nợ. Mức cho vay đối với các chương trình được nâng lên góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu của Chính phủ về xóa đói giảm nghèo.

Tăng cường kiểm tra điều kiện vay vốn và giám sát sử dụng vốn vay, áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự gia tăng nợ xấu. Nhờ đó, chất lượng tín dụng được nâng cao. Các TCTD kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3% (nợ xấu chiếm 0,82% tổng dư nợ cho vay). Bên cạnh việc tích cực, chủ động trong xử lý nợ xấu, các TCTD đã đẩy mạnh có biện pháp thu hồi nợ rủi ro đang theo dõi ngoại bảng (Nợ tổn thất (nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro và đang theo dõi ngoại bảng) giảm 5,74% so với đầu năm).

3. Đầu tư và xây dựng

Dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm là 23.361,79 tỷ đồng, đạt 48,59% kế hoạch, tăng 11,43% so cùng kỳ. Chia ra: Vốn đầu tư phát triển do địa phương quản lý 21.554,03 tỷ đồng, đạt 47,60% kế hoạch, tăng 10,26%; vốn đầu tư của Bộ ngành quản lý 1.807,76 tỷ đồng, đạt 64,56% kế hoạch, tăng 27,63%.

Trong tổng số vốn ĐTPT do địa phương quản lý, vốn ngân sách nhà nước 1.897,17 tỷ đồng đạt 34,28% kế hoạch, giảm 19,74% so cùng kỳ, trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương 671,04 tỷ đồng, đạt 31,45% kế hoạch, tăng 2,58%.

 Theo Ban quản lý khu kinh tế của tỉnh: Sáu tháng đầu năm 2019, tổng giá trị đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) đạt 112,193 tỷ đồng, chỉ bằng 16,21% so cùng kỳ. Lũy kế giá trị đầu tư các KCN từ khi triển khai đến nay đạt 4.481,18 tỷ đồng. Trong đó vốn hỗ trợ có mục tiêu của TW 161,419 tỷ đồng; Vốn ngân sách địa phương 276,560 tỷ đồng; Vốn Nhà đầu tư  4.040,492 tỷ đồng; Vốn tạm ứng ngân sách 2,715 tỷ đồng. Cụ thể:

KCN Thạnh Lộc giá trị đầu tư 6 tháng là 108,74 tỷ đồng, chỉ bằng 15,71% so cùng kỳ (chủ yếu là giảm từ nguồn vốn doanh nghiệp), trong đó: Giá trị đầu tư từ nguồn vốn của doanh nghiệp đạt 79,18 tỷ đồng, chỉ bằng 11,56% so cùng kỳ. Do hiện nay các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, nên không phát sinh tăng vốn đầu tư. Phần vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm, chủ yếu là từ các dự án như: Nhà máy gỗ MDF là 7,5 tỷ đồng, Nhà máy đông lạnh thủy sản Kiên Hùng 70,18 tỷ đồng và Nhà máy sản xuất Dược phẩm 1,5 tỷ đồng. Giá trị sản xuất kinh doanh của các dự án trong KCN Thạnh Lộc 6 tháng đạt 2.686 tỷ đồng, tăng 38% so cùng kỳ; giá trị nộp thuế ước đạt 247,29 tỷ đồng, chủ yếu là các dự án Bia, gỗ, cấp nước, vật liệu xây dựng, còn lại các dự án khác đang thực hiện miễn thuế.

KCN Thuận Yên giá trị đầu tư từ nguồn vốn của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm không phát sinh, do hiện nay KCN Thuận Yên chỉ có 01 dự án triển khai là dự án nhà máy gạch tuynel Thông Thuận Kiên Giang, hiện nay dây chuyền sản xuất đã hoàn chỉnh và đang tập trung sản xuất, nên không phát sinh vốn đầu tư.

Lũy kế đến nay, KCN Thuận Yên đã tiếp nhận được 02 dự án đăng ký đầu tư, với diện tích đăng ký 71,60 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 81,87%. Trong đó 01dự án đã cấp GCNĐKĐT, diện tích đăng ký là 21,74 ha, dự án đã đi vào hoạt động sản xuất; 01dự án đã thỏa thuận cho nhà đầu tư và đang lập vùng nguyên liệu.

Giá trị sản xuất kinh doanh của dự án trong KCN Thuận Yên 6 tháng đầu năm 2019 là 37,8 tỷ đồng, tăng 183% so cùng kỳ năm 2018.

Các KCN còn lại (Xẻo Rô, Tắc Cậu và Kiên Lương II) hiện tại đang tập trung thực hiện việc quảng bá, giới thiệu kêu gọi đầu tư và đến nay các KCN Tắc Cậu và Kiên Lương II vẫn chưa có nhà đầu tư đăng ký tiếp nhận dự án. Riêng KCN Xẻo Rô, huyện An Biên, tỉnh đã thỏa thuận giao cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam triển khai dự án nhà máy xử lý khí Lô B tại KCN Xẻo Rô, tuy nhiên đến nay Tập đoàn dầu khí Việt Nam vẫn chưa có văn bản chính thức xác định việc triển khai 02 dự án nêu trên.

KKTCK Hà Tiên giá trị đầu tư tại KKTCK Hà Tiên ước 6 tháng đạt 3,453 tỷ đồng, đạt 57,55% kế hoạch, chủ yếu là từ nguồn vốn NSĐP đầu tư xây dựng Điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên.

Theo báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc: Tính đến ngày 15/6/2019 đã có 304 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu quy hoạch với diện tích 10.897 ha, trong đó có 47 dự án đã đưa vào hoạt động kinh doanh với tổng vốn đầu tư khoảng 13.504 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động, 70 dự án đang triển khai xây dựng (trong đó có 11 dự án đã đưa vào khai thác kinh doanh một phần), tổng vốn đầu tư khoảng 158.031 tỷ đồng. Tuy nhiên, mặc dù dự án trên địa bàn huyện được cấp chủ trương đầu tư rất nhiều nhưng số dự án được triển khai còn rất ít là do công tác giải phóng mặt bằng giao đất sạch cho nhà đầu tư còn gặp nhiều khó khăn; Công tác bàn giao đất ngoài thực địa còn gặp nhiều trở ngại (do các hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng không di dời khỏi đất dự án); tình hình người dân bao chiếm, lấn chiếm, tái chiếm, xây dựng không phép vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Nguồn vốn đầu tư hạ tầng của Trung Ương hỗ trợ Phú Quốc chưa đáp ứng nhu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình phát triển hạ tầng của địa phương…những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng đến tình hình đầu tư phát triển của huyện Phú Quốc nói riêng và cả tỉnh Kiên Giang nói chung.

4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Qua 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp được thành lập mới là 687 doanh nghiệp (giảm 162 DN) với tổng vốn đăng ký 11.651 tỷ đồng; Số Doanh nghiệp giải thể 120 doanh nghiệp, tăng 21 DN so cùng kỳ (các doanh nghiệp giải thể chủ yếu doanh nghiệp kinh doanh nhỏ, lẻ, kinh doanh không hiệu quả); Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 168 DN, tăng 64 DN so cùng kỳ.

Sáu tháng đầu năm 2019 đã thành lập mới 5 Hợp tác xã nông nghiệp, Lũy kế đến nay hiện có 361 HTX (296 HTX trồng trọt, 58 HTX nuôi trồng thủy sản, 5 HTX tiểu thủ công nghiệp và 2 HTX chăn nuôi) với 30.582 thành viên, tổng số vốn điều lệ 49.085 triệu đồng.

5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Giá trị sản xuất lĩnh vực nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 30.481,86 tỷ đồng, đạt 48,37% kế hoạch, tăng 6,13% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông nghiệp 15.927,22 tỷ đồng, đạt 51,50% kế hoạch, tăng 2,81%; thủy sản 14.410,37 tỷ đồng, đạt 45,31% kế hoạch, tăng 9,96%.

5.1. Nông nghiệp

* Về trồng trọt: Diện tích gieo trồng chính thức của 2 vụ lúa (vụ Mùa và vụ Đông xuân) là 353.169 ha, đạt 49,88% kế hoạch, tăng 1,32% so cùng kỳ; diện tích thu hoạch 353.169 ha, năng suất đạt 6,54 tấn/ha và sản lượng 2.308.321 tấn, đạt 53,68% so kế hoạch, giảm 0,39% so với năm trước (giảm 9.071 tấn so với 2 vụ năm trước).

Kết quả từng vụ như sau:

Vụ Mùa: Kết thúc sản xuất, diện tích gieo trồng là 64.075 ha, đạt 106,79% so kế hoạch, tăng 9,35 % so cùng kỳ, năng suất đạt 4,98 tấn/ha, tăng 9,59% (tăng 0,436 tấn/ha) so cùng kỳ, sản lượng đạt 319.291 tấn, tăng 19,85% (tăng 52.873 tấn) so cùng kỳ. Diện tích, năng suất, sản lượng lúa vụ mùa năm nay đều tăng so với cùng kỳ, chủ yếu tăng ở 2 huyện An Biên và An Minh, nguyên nhân do thời tiết năm nay thuận lợi mưa nhiều vào thời điểm cuối năm nên ít bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, vì vậy năng suất đạt cao hơn.

Vụ Đông xuân: Kết thúc sản xuất, diện tích gieo trồng được 289.094 ha, đạt 101,44% so với kế hoạch, bằng 99,70%; năng suất đạt 6,88 tấn/ha, giảm 2,73% (giảm 0,193 tấn/ha) so cùng kỳ, sản lượng đạt 1.989.030 tấn, giảm 3,02% (giảm 61.944 tấn) so cùng kỳ. Vụ Đông xuân năm nay, do diện tích gieo trồng giảm 876 ha, đồng thời năng suất cũng giảm 0,193 tấn/ha dẫn đến sản lượng giảm 61.944 tấn so với vụ Đông xuân năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do một số diện tích khi gieo xạ, nông dân không tuân thủ theo đúng lịch thời vụ nên những diện tích lúa này đã bị nhiễm sâu bệnh làm cho năng suất giảm kéo sản lượng giảm như trên.

Vụ Hè thu (kể cả Xuân hè): Tính đến ngày 30/6/2019 toàn tỉnh xuống giống được 280.000 ha, đạt 100% kế hoạch, bằng 91,92% so cùng kỳ. Đến nay, diện tích thu hoạch được 25.346 ha, năng suất ước đạt 5,60 tấn/ha.

Diện tích bị nhiễm sâu bệnh trên lúa Hè Thu là 17.875 ha, các đối tượng gây hại chủ yếu gồm Đạo ôn cổ bông 336 ha, Đạo ôn lá 5.543ha, Nhện gié 2.335 ha, Bù lạch 1.731ha, Sâu cuốn lá 1.998 ha, lem lét hạt 4.898 ha. Ngoài ra, các đối tượng gây hại như OBV, Rầy nâu, cháy bìa lá… cũng xuất hiện và gây hại ở mức độ nhẹ.

Cây rau màu: Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh nông dân gieo trồng các loại cây màu chủ yếu như: Dưa hấu 1.100 ha, tăng 26,44% so với cùng kỳ; Khoai lang 775 ha, tăng 3,33 %; Khoai mì 245 ha, giảm 6,49%; Bắp 163 ha, tăng 5,16 %; Rau đậu các loại 6.875 ha, tăng 7,05%.

* Chăn nuôi: Theo kết quả điều tra thống kê chăn nuôi thời điểm 01/4/2019, toàn tỉnh: Đàn trâu hiện có 5.010 con, tăng 7,95% (tăng 369 con) so cùng kỳ; Đàn bò 12.406 con tăng 6,49% (tăng 756 con); Đàn heo 330.854 con giảm 3,56% (giảm 12.196 con). Đàn gia cầm giảm nhẹ với số lượng tổng đàn trên 5,605 triệu con. Đàn trâu, đàn bò tăng là do nhà nước có chính sách hỗ trợ giống để nông dân nuôi, một phần do nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao nên bà con đầu tư thả nuôi. Đàn heo giảm so với cùng kỳ, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, mặc dù thời gian gần đây giá heo có nhích lên nhưng người dân không dám đầu tư tái đàn.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh, tính đến ngày 13/6/2019 trên địa bàn tỉnh đã có 11 huyện, thành phố với 26 xã, phường, thị trấn với 42 ấp, khu phố có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và đã tiêu hủy 1.817 con heo.Trước tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, khó lường có khả năng lây lan ra diên rộng và mức độ gây thiệt hại nghiêm trọng, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan phối hợp với các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu và thực hiện đúng quy định, đồng thời tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm kịp thời phát hiện và xử lý không để lây lan ra diện rộng.

Nông thôn mới: Từ đầu năm đến nay đã công nhận 7/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 58,33% kế hoạch 2019), tính đến nay có 58/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 49,47%.

* Tình hình phát triển nuôi chim Yến trên địa bàn tỉnh: Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT đến nay, toàn tỉnh có 2.202 nhà nuôi chim yến. Các địa phương có số nhà nuôi chim yến phát triển mạnh như thành phố Rạch Giá có 678 nhà nuôi yến; huyện Hòn Đất 579 nhà; huyện Kiên Lương 227 nhà; thành phố Hà Tiên 209 nhà; huyện Châu Thành 161 nhà…Sản lượng yến sào thu hoạch 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 6.634 kg.

5.2. Lâm nghiệp

Sáu tháng đầu năm là thời điểm mùa khô hanh, nguy cơ cháy rừng rất cao, các ngành chức năng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền giáo dục, vận động nhân dân luôn tuân thủ về ý thức phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, trang bị đầy đủ các trang thiết bị sẳn sàng ứng với mọi tình huống xảy ra. Qua 6 tháng đầu năm đã xảy ra 2 vụ cháy rừng, hiện trạng rừng bị cháy là rừng tràm trồng 1,5 tuổi và 3,5 tuổi (Hòn Đất 2 vụ) nguyên nhân ban đầu là do người dân vào rừng bắt ong gây ra cháy, diện tích thiệt hại khoản 48,15 ha và 17 vụ vi phạm chặt phá rừng với diện tích thiệt hại khoảng 2,359 ha, giảm 1vụ so với cùng kỳ.

5.3. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): Tháng Sáu ước đạt 3.264,29 tỷ đồng, tăng 12,77% so với tháng trước, tăng 8,08% so với cùng kỳ, trong đó giá trị khai thác, tăng 4,29% và giá trị nuôi trồng, tăng 20,22% so tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 14.410,37 tỷ đồng, đạt 45,32% kế hoạch, tăng 9,80% so với cùng kỳ, chia ra giá trị khai thác 7.964,77 tỷ đồng, đạt 47,69% so kế hoạch, tăng 5,58% và giá trị nuôi trồng 6.445,60 tỷ đồng, đạt 42,69% kế hoạch, tăng 15,51%.

Tổng sản lượng thủy sản tháng Sáu ước đạt 79.027 tấn, tăng 8,09% so tháng trước, tăng 6,77% so tháng cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đạt 397.817 tấn, đạt 47,70% kế hoạch, tăng 7,36% (tăng 27.276 tấn) so cùng kỳ. Chia ra

Sản lượng khai thác tháng Sáu ước tính 52.465 tấn thủy hải sản các loại, tăng 1,14% so tháng trước, tăng 4,26% so cùng kỳ, trong đó cá các loại tăng 1,40% (tăng 545 tấn); mực các loại tăng 0,55% (tăng 35 tấn) so tháng trước. Tính chung 6 tháng, sản lượng khai thác được 300.794 tấn, đạt 50,90% kế hoạch, tăng 4,82% (tăng 13.837 tấn) so cùng kỳ. Trong đó cá các loại tăng 5,61% (tăng 12.000 tấn); tôm các loại tăng 1,66% (tăng 293 tấn); mực tăng 4,65% (tăng 1.651 tấn) riêng thủy sản khác giảm 0,54% (giảm - 107 tấn).

Sản lượng nuôi trồng tháng Sáu ước đạt 26.562 tấn, tăng 25,06% so tháng trước (tăng 4.323 tấn). Trong đó cá nuôi giảm 1,70%; tôm nuôi tăng 17,89% (tăng 1.641 tấn), bao gồm tôm sú tăng 6,95% (tăng 477 tấn) và tôm thẻ chân trắng tăng 37,26% ( tăng 800 tấn); thủy sản khác tăng 47,58% (tăng 3.753 tấn). Tính chung 6 tháng, sản lượng nuôi trồng được 97.023 tấn, đạt 39,93% kế hoạch, tăng 16,08% (tăng 13.439 tấn) so cùng kỳ, trong đó cá nuôi các loại đạt 37,46% kế hoạch, tăng 4,85% (tăng 1.110 tấn); tôm các loại đạt 50,84% kế hoạch, tăng 16,58% (tăng 5.495 tấn), trong đó tôm thẻ chân trắng tăng 18,56% (tăng 1.847 tấn)…

Ước tính diện tích thủy sản thả nuôi 6 tháng đầu năm là 218.483 ha các loại, trong đó diện tích tôm thả nuôi 123.067 ha, tăng 3,74% so cùng kỳ (nuôi tôm công nghiệp, bán CN 2.027 ha, tăng 15,24%).

Sản lượng nuôi trồng 6 tháng đầu năm tăng 13.439 tấn so với năm trước chủ yếu tăng từ sản lượng tôm nuôi các loại như tôm sú tăng 3.273 tấn, tôm thẻ chân trắng tăng 1.847 tấn là do năm nay, thời tiết thuận lợi, dịch bệnh ít xảy ra nên các cơ sở nuôi tôm công nghiệp trong tỉnh đã đầu tư cải tạo, mở rộng quy mô cũng như áp dụng nhiều tiến bộ kỷ thuật trong quy trình nuôi nên năng suất tăng lên đáng kể. Đồng thời, tình hình nuôi xen kết hợp tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh đem lại hiệu quả rất cao nên bà con nông dân đã đầu tư tăng thêm diện tích thả nuôi.

6. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Tháng Sáu ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 3,16% so tháng trước, tăng 10,24% so cùng kỳ. Ngành tăng cao nhất so tháng trước là ngành chế biến, chế tạo tăng 3,38%, trong đó ngành chế biến thực phẩm tăng 5,91%, ngành sản xuất đồ uống tăng 6,16%, ngành sản xuất trang phục tăng 13,84%... còn lại các ngành khác tăng nhẹ.

Tính chung 6 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 8,51% so cùng kỳ, ngành tăng cao là ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 13,34%; ngành khai khoáng tăng 11,52%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải tăng 11,38%; ngành chế biến, chế tạo tăng 8,01%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): Tháng Sáu ước tính 3.927,61 tỷ đồng, tăng 0,85% so tháng trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,77%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,81%...Tính chung 6 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 22.277,44 tỷ đồng, đạt 47,12% kế hoạch, tăng 9,30% so cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,27%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,20%...

Một số sản phẩm công nghiệp 6 tháng có mức tăng khá cao so cùng kỳ như: xi măng đạt 3.015 ngàn tấn, tăng 9,72%; Clinker 1.325 ngàn tấn, tăng 9,60%; mực đông 8,59 ngàn tấn, tăng 14,64%; tôm đông 2,26 ngàn tấn, tăng 25,56%...Nhìn chung mức sản xuất sản phẩm các ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt khá so với kế hoạch cũng như so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một số sản phẩm còn đạt thấp so với cùng kỳ như giày da giảm 22,24%; bao bì giảm 16,57%; bột cá giảm 11,47%… Nguyên nhân là do doanh nghiệp sản xuất giầy da năm nay lượng xuất khẩu chưa nhiều, khan hiếm nguồn nguyên liệu cho chế biến bột cá; các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh chưa có thương hiệu, chưa tổ chức sản xuất theo chuỗi; năng lực quản trị của các doanh nghiệp phần nào chưa đáp ứng yêu cầu trong tiến trình hội nhập; các nước nhập khẩu đặt ra các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường cao nên hạn chế các hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở tỉnh ta, nhiều nhà máy đã chạm đến công suất thiết kế, các mỏ đá vôi hiện đã khai thác âm trong lòng đất…nếu không có giải pháp sẽ ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến trong thời gian tới.

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Sáu chỉ bằng 84,76% so tháng trước, bằng 94% so với cùng tháng năm trước.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo dự tính tháng Sáu tăng 8,80% so với tháng trước. Tuy nhiên, có một số ngành có chỉ số tồn kho tăng nhẹ và giảm so với tháng trước như: sản xuất xi măng, vôi bằng 69,23%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 1,10%...

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2019  giảm 3,97% so với thời điểm này năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 5,35%; doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 3,71% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 2,34%.

7. Thương mại, dịch vụ và giá cả

7.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Sáu ước đạt 9.038,94 tỷ đồng, tăng 1,94% so tháng trước, tăng 10,82% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 6 tháng ước thực hiện 53.678,72 tỷ đồng, đạt 49,61% kế hoạch, tăng 11,26% so với cùng kỳ. Chia theo ngành hoạt động

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Sáu ước đạt 6.743,29 tỷ đồng, tăng 2,42% so tháng trước, tăng 10,93% so cùng kỳ. Tính chung 6 tháng ước tính 39.622,49 tỷ đồng, đạt 50,16% kế hoạch, tăng 11,66%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng Sáu ước đạt 1.247,22 tỷ đồng, tăng 1,01% so tháng trước, tăng 8,91% so cùng kỳ. Tính chung 6 tháng, ước đạt 7.633,47 tỷ đồng, đạt 49,25% kế hoạch, tăng 10,37%.

Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng Sáu đạt 34,02 tỷ đồng, tăng 0,58% so tháng trước, tăng 14,65% so cùng kỳ. Tính chung 6 tháng ước thực hiện 238,12 tỷ đồng, đạt 47,62% kế hoạch, tăng 12,06%.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng Sáu ước đạt 1.014,41tỷ đồng, tăng 0,01% so tháng trước, tăng 12,39% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng ước thực hiện 6.184,64 tỷ đồng, đạt 46,85% kế hoạch, tăng 9,82%.

Nhìn chung, thị trường bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng khá, nguyên nhân là do 6 tháng đầu năm tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện và hoạt động văn hóa, văn nghệ, du lịch… cũng như việc huyện Phú Quốc đưa vào hoạt động dịch vụ cáp treo Hòn Thơm, Casino… cũng góp phần làm tăng doanh thu của lĩnh vực này.

* Về công tác quản lý thị trường: Tình hình buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, mua bán hàng cấm, hàng nhập lậu không phát sinh điểm nóng, có giảm so với 6 tháng đầu năm 2018, thủ đoạn, tính chất, quy mô không phức tạp hơn, tuy nhiên, công tác đấu tranh, ngăn chặn chưa được triệt để; buôn lậu trên tuyến biển, tuyến biên giới đất liền từng lúc cũng còn diễn biến phức tạp, hàng hóa buôn lậu chủ yếu như xăng, dầu, đường cát, thuốc lá ngoại, nước giải khát, sữa, quần áo may sẳn, giầy dép, tôm giống, trái cây…, gần đây phát sinh hàng hóa nhập lậu là máy điều hòa đã qua sử dụng. Gian lận thương mại và hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ còn diễn ra, phát hiện các vi phạm chủ yếu về điều kiện kinh doanh, nhãn hàng hóa, lĩnh vực giá, chất lượng hàng hóa, giả mạo nhãn hiệu…, các hàng hóa vi phạm như xăng dầu, LPG, phân bón, thực phẩm…

6 tháng đầu năm, đã tiến hành kiểm tra 1.191/1.000 vụ (thường xuyên 749 vụ, chuyên đề 123 vụ, đột xuất 319 vụ), đạt 119% kế hoạch, tăng 30 vụ (2,6%) so với cùng kỳ; phát hiện 315 vụ vi phạm, tăng 128 vụ (68%); xử lý 337 vụ vi phạm hành chính (bao gồm số vụ kỳ trước chuyển sang), tăng 124 vụ (58%); Thu nộp ngân sách 4,6 tỷ đồng (phạt hành chính 3 tỷ đồng, bán tang vật tịch thu 1,6 đồng), giảm 542 triệu đồng (10,3%)  so với cùng kỳ .

Hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch được đẩy mạnh. UBND tỉnh đã tổ chức họp mặt doanh nghiệp đầu năm để trao đổi thông tin và biểu dương những thành tựu mà cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong năm 2018. Tổ chức tham gia khu gian hàng Xúc tiến đầu tư tại Hội chợ Vietnam Expo tại Hà Nội để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh cơ hội đầu tư, cơ chế chính sách ưu đãi, danh mục dự án ưu tiên mời gọi đầu tư của tỉnh đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về xúc tiến du lịch, kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành trên địa bàn tham gia quảng bá hình ảnh, kết nối tour – tuyến, tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch tại Lễ hội Hoa ban và ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên lần thứ VI. Tham gia quảng bá du lịch Phú Quốc nhân sự kiện tiệc cưới của gia đình cô Grewal tại Khách sạn Marriott – Phú Quốc.

7.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Sáu ước đạt 57,48 triệu USD, tăng  11,22% so với tháng trước, trong đó hàng nông sản 24,5 triệu USD, tăng 18,53%; hàng thủy, hải sản 16,47 triệu USD, tăng 0,48%. Tính chung 6 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 275 triệu USD, đạt 40,44% kế hoạch, tăng 1,45% so cùng kỳ. Trong đó hàng nông sản 94,66 triệu USD, đạt 41,16% kế hoạch, chỉ bằng 83,64% so cùng kỳ; hàng thủy hải sản 97,96 triệu USD, đạt 43,54% kế hoạch, tăng 20,94%; hàng nguyên liệu giày da 59,94 triệu USD, đạt 32,58% kế hoạch, giảm 5,99%. Các mặt hàng xuất khẩu 6 tháng đạt khá so cùng kỳ năm trước đó là : tôm đông 1.666 tấn, tăng 36,33%; cá đông 2.040 tấn, tăng 59,13%; mực, bạch tuộc đông 7.050 tấn, tăng 17,32%. Tuy nhiên, do mặt hàng gạo và nguyên liệu giày da xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng đều giảm nên đã ảnh hưởng đến mức tăng chung của kim ngạch chỉ tăng 1,45% so cùng kỳ.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Sáu ước đạt 10,47 triệu USD, tăng 18,37% so với tháng trước, tăng 9,81% so cùng kỳ. Tính chung 6 tháng trị giá nhập khẩu ước 45 triệu USD, đạt 75% kế hoạch, tăng 30,28% so cùng kỳ.

7.3. Chỉ số giá:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu giảm 0,15% so với tháng trước, trong đó khu vực thành thị giảm 0,20%, khu vực nông thôn giảm 0,12%. CPI tháng Sáu giảm nhẹ là do có 3 nhóm hàng giảm, trong đó nhóm hàng giao thông giảm -1,71%, nhóm hàng nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm -0,46%, nhóm bưu chính, viễn thông giảm -0,05%. Có 3 nhóm hàng tăng là nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%. Còn lại các nhóm hàng khác không tăng, không giảm hoặc tăng không đáng kể.

Tính đến tháng 12 năm trước (sau 06 tháng) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,03%; Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 13,01%; kế đến là nhóm Giao thông tăng 5,65%; nhóm Văn hóa giải trí và du lịch tăng 1,58%; nhóm ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 1,97%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,82%;  nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,53%... Còn lại 2 nhóm tăng, giảm không đáng kể.

Chỉ số giá vàng tháng Sáu tăng 3,82% so tháng trước, tăng 5,38% so cùng tháng năm trước. Giá vàng bình quân tháng 06/2019 là 3.778.000 đồng/chỉ, tăng 139.000 đồng/chỉ so với tháng trước.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng Sáu giảm -0,25% so tháng trước, tăng 1,75% so với cùng tháng năm trước. Giá USD bình quân tháng 06/2019 là 2.338.200 đồng/100 USD, giảm 5.800 đồng/100 USD so với tháng trước.

7.4 Vận tải

Vận tải hành khách tháng Sáu ước tính 6,69 triệu lượt khách, giảm 15,41% so tháng trước; luân chuyển 531,67 triệu HK.km, giảm 13,45% so tháng trước. Tính chung 6 tháng vận tải hành khách ước đạt 43,28 triệu lượt khách, đạt 46,45% kế hoạch, tăng 8,72% so cùng kỳ; Luân chuyển 3.141,05 triệu HK.km, đạt 57,21% kế hoạch, tăng 18,39%. Trong đó so cùng kỳ năm trước vận tải hành khách đường biển tăng cao nhất, tăng 25,36%; vận tải hành khách đường bộ tăng 9,08%; vận tải hành khách đường sông tăng 3,69%.

Vận tải hàng hóa tháng Sáu ước đạt 859 ngàn tấn, giảm 15,70% so tháng trước; luân chuyển 114,24 triệu tấn.km, giảm 17,52% so tháng trước. Tính chung 6 tháng  vận tải hàng hóa ước tính 6,19 triệu tấn, đạt 48,05% kế hoạch, tăng 11,14% so cùng kỳ; Luân chuyển 840,2 triệu tấn.km, đạt 46,35% kế hoạch, tăng 12,62%. Trong đó so cùng kỳ năm trước vận tải hàng hóa đường sông tăng cao nhất, tăng 13,27%; vận tải hàng hóa đường biển tăng 11,30%; vận tải hàng hóa đường bộ, tăng 8,33%.

Trong 6 tháng doanh thu vận tải ước đạt 6.332,99 tỷ đồng, tăng 14,72% so cùng kỳ. Tính đến 30/6/2019 đã triển khai xây dựng được 192,7Km/382 Km đường giao thông nông thôn, đạt 50,46% kế hoạch, nâng tổng số Km đường giao thôn nông thôn trên địa bàn tỉnh được cứng hóa là 5.777Km/7.084Km đạt 81,55%.

7.5. Bưu chính - Viễn thông

Hoạt động Bưu chính, Viễn thông đáp ứng tốt nhu cầu thông tin liên lạc phục vụ các cấp, các ngành cũng như cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Về ứng dụng công nghệ thông tin phát triển Chính quyền điện tử: Hệ thống Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các cổng thành phần của các sở, ngành và địa phương được nâng cấp đồng bộ đảm bảo an toàn thông tin. Trong 6 tháng đầu năm đã có 237.734 lượt truy cập và 1.968 tin tức, sự kiện được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được cung cấp theo mô hình tập trung tại địa chỉ: dichvucong.kiengiang.gov.vn, đảm bảo 100% các thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến. Hiện nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp tổng số 2.024 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 1.372 mức độ 1 và 2, 373 mức độ 3 và 279 mức độ 4. Đến hết tháng 5/2019, hệ thống đã tiếp nhận và xử lý 891 hồ sơ trực tuyến mức độ 3; 2 hồ sơ mức độ 4; Hệ thống phần mềm Một cửa điện tử đã triển khai đến 100% các sở ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 30% UBND cấp xã. Đến hết tháng 5/2019 có 38.074 hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống phần mềm với tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt 64,02%; Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc đã được nâng cấp, hoàn thiện và triển khai đồng bộ trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã giúp nâng cao hiệu quả việc gửi, nhận văn bản điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tính đến hết tháng 5/2019 đã có 933.571 lượt văn bản điện tử qua môi trường mạng. Thực hiện cấp mới 313 tài khoản Thư công vụ tỉnh cho 26 đơn vị, thu hồi 117 tài khoản. Tổng số tài khoản 7.105, đã sử dụng 3.555, chưa sử dụng 3.550.

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước đã bước đầu ứng dụng chữ ký số trên văn bản điện tử. Đã thực hiện cấp 145 chữ ký số cá nhân đến cá nhân lãnh đạo các cơ quan nhà nước; 22 sở ngành tỉnh, 15 huyện, thành phố và 95 xã, phường, thị trấn được cấp chữ ký số tổ chức.

Toàn tỉnh hiện có 15 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển phát bưu chính và 8 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông.

Bưu chính: Có 101 bưu cục; 132 điểm Bưu điện - Văn hóa xã; bán kính phục vụ đạt 2,94 km/điểm. Phát hành báo trung ương 348.000 tờ; báo địa phương 1.126.000 tờ; phát hành báo chí công ích 1.528.000 tờ.

Viễn thông: Số thuê bao hiện có trên mạng 1.922.541 thuê bao. Trong đó: Thuê bao điện thoại cố định 48.588 thuê bao; thuê bao điện thoại di động 1.873.953 thuê bao; mật độ thuê bao điện thoại 106,4 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao Internet hiện có trên mạng 220.591 thuê bao.

7.6. Du lịch

Tổng lượt khách du lịch tháng Sáu ước tính 708,47 ngàn lượt khách, tăng 13,33% so tháng trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch tăng 25,71%; số khách quốc tế giảm 5,73%. Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch bao gồm: số lượt khách từ cơ sở lưu trú du lịch phục vụ đạt 362,34 ngàn lượt khách, tăng 28,72%; khách du lịch đi theo tour đạt 18,1 ngàn lượt khách, bằng 85,61% so tháng trước. Tính chung 6 tháng, tổng lượt khách du lịch đạt 4.298,54 ngàn lượt khách, đạt 51,79% kế hoạch, tăng 9,04% so cùng kỳ. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 50,85% kế hoạch, tăng 19,74%.

Trong 6 tháng đầu năm, số khách du lịch tăng mạnh chủ yếu ở Phú Quốc và một số tuyến du lịch biển trên các đảo như Nam Du, Lại Sơn thuộc huyện Kiên Hải, Quần đảo Bà Lụa, Quần đảo Hải Tặc thuộc huyện Kiên Lương và thành phố Hà Tiên… đặc biệt huyện đảo Phú Quốc năm nay lượng khách trong và sau tết Nguyên đán Kỷ hợi tăng đột biến, Nguyên nhân là do các khu vui chơi như Vinpearl Land, Vinpearl Safari, cáp treo Hòn Thơm và nhiều điểm vui chơi khác đã hoàn thành sẵn sàng đón du khách đến tham quan. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch của tỉnh chưa đặc sắc, đa dạng, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng và giá trị cao, sự phối hợp của ngành chức năng với địa phương trong việc quản lý nhà nước về du lịch còn nhiều hạn chế… làm cho khách đến tỉnh ta tuy nhiều nhưng thời gian lưu trú chưa lâu nên doanh thu du lịch chưa đạt như mong muốn.

8. Các vấn đề xã hội

8.1 Tình hình dân số, lao động và việc làm: Ước tính đến hết tháng 6 năm 2019, toàn tỉnh có hơn 1,3 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó có gần 1,2 triệu người thuộc lực lượng lao động (số này không bao gồm người Việt Nam sống ở nước ngoài). Mặc dù hiện nay quá trình đô thị hóa đã và đang diễn ra, nhưng lao động nông thôn vẫn được xem là đông đảo, chiếm tỷ lệ 72%/lực lượng lao động. Khác biệt về mức độ tham gia hoạt động kinh tế giữa khu vực thành thị và nông thôn vẫn còn tồn tại, trong khi đó mức độ tham gia hoạt động kinh tế nam và nữ là không chênh lệch đáng kể (nam chiếm gần 60%). Tính đến quý 2 năm 2019, toàn tỉnh có 1,1 triệu người lao động có việc làm chiếm hơn 60% so với dân số trên toàn tỉnh và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi quý 2 năm 2019 chiếm khoảng 1,84%.

Sáu tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 17.893 lượt người, đạt 51,12% kế hoạch, giảm 10,41% so năm trước, trong đó giải quyết việc làm trong tỉnh 8.590 lượt người, ngoài tỉnh 9.224 lượt người, xuất khẩu lao động 79 người. Trong 6 tháng đầu năm các cơ sở đào tạo nghề tổ chức đào tạo nghề cho 12.240 người, đạt 45,62% kế hoạch, trong đó Cao đẳng 900 người, Trung cấp nghề 1.200 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 10.140 người.

8.2. Tình hình đời sống dân cư: Trong những năm gần đây tình hình đời sống dân cư trong tỉnh đang có sự chuyển dần từ kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chuyển dần sang phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp nên đời sống tầng lớp nhân dân nông thôn được cải thiện rõ rệt về vật chất lẫn tinh thần. Tiền lương cán bộ, công chức, người tham gia lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ổn định, nhiều chính sách, ưu đãi đối với người lao động được thay đổi và thực hiện tốt chế độ tiền lương, tiền công, tiền tăng ca, làm thêm giờ..., lương cơ bản đã đáp ứng chi nhu cầu cuộc sống.

Bên cạnh đó công tác an sinh xã hội, người có công, bảo trợ được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm, chú trọng, trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã chi trả trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội 50.460 người (trong đó đối tượng tại cộng đồng là 50.208 người, đối tượng tại cơ sở bảo trợ xã hội là 252 người), với tổng kinh phí 135,823 triệu đồng. Tổ chức các hoạt động thăm tặng quà chăm lo cho trẻ em nhân dịp tết Nguyên đán năm 2019 với tổng kinh phí trên 3,106 triệu đồng, có 8.812 trẻ em được trợ giúp và 4.158 lược trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi giải trí.

8.3. Tình hình Giáo dục: Năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh hiện có 671 đơn vị, trường học (Mầm non 160, Tiểu học 290, Phổ thông cơ sở 47, Trung học cơ sở 122, Trung học phổ thông 52); gồm 1.612 điểm trường, 11.483 lớp học; huy động 347.091 học sinh và có 13 đơn vị ngoài ngành thực hiện công tác GDTX với 67 lớp, 2.043 học sinh. Trong tổng số trường có 257 trường đạt chuẩn quốc gia (MN 53, TH 132, THCS 65, THPT 07), đạt tỷ lệ 38,30%, tăng 25 trường so với cùng kỳ (MN 07, TH 09, THCS 05, THPT 04); có 602 đơn vị, trường học đạt chuẩn Xanh – Sạch – Đẹp và An toàn, chiếm tỷ lệ 89,45%; Hiện có 286 cơ sở giáo dục (trong đó 02 TT.GDTX) đã được kiểm tra công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Tổng số phòng học hiện có 11.100 phòng, tăng 677 phòng so với năm trước.

Công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 trên địa bàn tỉnh: Thực hiện Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thường trực Ban chỉ đạo thi của tỉnh đã thành lập Hội đồng thi (25 Điểm thi, 525 phòng thi, đặt tại 13 huyện, thành phố, riêng huyện Giang Thành, Kiên Hải không có điểm thi) với tổng số thí sinh đăng ký dự thi 12.522 thí sinh, đã trưng dụng khoảng 1.400 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi và hơn 600 cán bộ, giáo viên các trường Đại học (ĐH Kiên Giang, ĐH Tây Đô, ĐH Công nghệ miền đông) phối hợp thực hiện.

8.4. Hoạt động Văn hóa, Thể thao: Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao nhằm tuyên truyền cổ động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị với quy mô được nâng lên, chất lượng nghệ thuật và năng lực tổ chức ngày càng trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Các giá trị văn hóa dân tộc, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa tiếp tục được chú trọng. Đăng cai tổ chức 04 giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế như Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV9 - Bình Điền lần thứ XIII năm 2019 tại Nhà Thi đấu đa năng tỉnh Kiên Giang (tham dự có 04 đội trong nước và 04 đội nước ngoài), Giải Bóng chuyền hạng A nam - nữ toàn quốc - Bảng B tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Kiên Giang (tham dự có 08 đội nam và 04 đội nữ), Giải Vô địch Cờ tướng toàn quốc năm 2019 tại huyện Phú Quốc (tham dự có 75 VĐV đến từ 12 CLB, các tỉnh/thành trong cả nước), Giải Vô địch Vovinam trẻ toàn quốc năm 2019. Đã thu hút trên 30 ngàn lượt người đến xem và cổ vũ.

8.5. Tình hình y tế: Tình hình chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được nâng lên, cải thiện quy trình khám chữa bệnh. Trong 6 tháng đầu năm có 2.176.839 lượt khám, chữa bệnh đạt 47,32% kế hoạch. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, khống chế kịp thời. Số cas mắc Sốt xuất huyết 771 cas, không có cas tử vong, tay chân miệng 763 cas, tử vong 02 cas, Thương hàn 18 cas, không có cas tử vong, Viêm não vi rút 2 cas, tử vong 1 cas, Sởi/ Sốt phát ban nghi sởi 390 cas, không có cas tử vong. Các bệnh khác tăng, giảm không đáng kể, riêng bệnh sởi do ảnh hưởng dịch sởi bùng phát trên toàn cầu, hơn nữa năm nay cập nhật thêm sốt phát ban nghi sởi nên tăng cao.Từ đầu năm tới nay xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm, với 12 người mắc, không có cas tử vong, do nhiễm vi sinh trong thực phẩm tại ấp Kiên Hảo, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất; Toàn tỉnh ghi nhận có 113 cas ngộ độc thực phẩm mắc lẻ (tăng 20 cas so với cùng kỳ), không có tử vong.

8.6. Tình hình an toàn giao thông

Theo Ban An toàn Giao Thông tỉnh từ ngày 16/5/2019 đến 15/6/2019, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông, làm 2 người chết, 2 người bị thương. Trong đó số vụ TNGT nghiêm trọng 3 vụ, làm 2 người chết và 1 người bị thương. So với tháng trước Số vụ tai nạn giao thông giảm 10 vụ, giảm 9 người chết, giảm 5 người bị thương. Trong 6 tháng đầu năm (từ 16/12/2018 đến 15/6/2019) toàn tỉnh xảy ra 66 vụ tai nạn giao thông, làm 45 người chết, 39 người bị thương. Trong đó số vụ TNGT nghiêm trọng 52 vụ, 45 người chết, 24 người bị thương. So với cùng thời điểm năm trước, giảm 43 vụ TNGT, giảm 31 người chết, giảm 29 người bị thương. Trong đó số vụ TNGT nghiêm trọng giảm 31 vụ, giảm 31 người chết và giảm 16 người bị thương.

Tình hình tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay đã giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng thời điểm năm trước, đây là điều đáng mừng, tuy nhiên để giảm thiểu tai nạn giao thông hơn nữa, đề nghị các ngành chức năng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT đến mọi người dân bằng nhiều hình thức; tuyên truyền nội dung đơn giản dễ hiểu, dễ thực hiện, thời gian phù hợp với từng đối tượng; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến có nguy cơ xảy ra TNGT cao; kết hợp kiểm tra hạ tầng giao thông trên địa bàn, xử lý hoặc đề xuất các ngành chức năng xử lý theo quy định.

8.9.  Tình hình cháy, nổ và thiên tai

Tình hình cháy nổ: Từ ngày 16/5/2019 đến 15/6/2019 toàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy, nhưng không thiệt hại về người (huyện Châu Thành), nguyên nhân do sự cố điện, không có vụ nổ nào xảy ra. Ước thiệt hại khoảng 700 triệu đồng. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/6/2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy, 01 vụ nổ làm 2 người chết, 3 người bị thương. Thiệt hại ước tính 16 tỷ 709 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: Tính từ đầu năm 2019 cho đến nay, thiên tai làm sập 08 căn nhà (An Biên 02 căn, Phú Quốc 02 căn, Hòn Đất 02 căn, Giồng Riềng 01 căn, U Minh Thượng 01 căn), tốc mái 15 căn nhà, chìm 01 động cơ và 98 tàu thuyền nhỏ, xuồng đò đang neo đậu tại bờ, hư hỏng 02 phương tiện, mất tích 02 phương tiện; hư hỏng 01 lồng bè nuôi cá, 01 bè bán tạp hóa trên biển, tràn 02 ao cá; đổ ngã 07 trụ điện; sạt lở 10m giao thông nông thôn và sập hoàn toàn 02 cầu gỗ trên địa bàn huyện Phú Quốc và Kiên Hải. Ước tổng giá trị thiệt hại là 4,64 tỷ đồng.

9. Nhận xét, kiến nghị

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019, nhìn tổng thể đạt khá nhưng vẫn còn thấp so với kế hoạch đề ra. Để góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra, Cục Thống kê kiến nghị một số vấn đề như sau:

1. Trong lĩnh vực nông nghiệp: Đề nghị tăng cường sự chỉ đạo đối với các ngành chuyên môn trong việc thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến xâm nhập mặn trên địa bàn, tăng cường quản lý chất lượng lúa giống, vận động, hướng dẫn nông dân sử dụng các loại lúa giống chất lượng cao vào trong sản xuất lúa vụ Hè thu và Thu đông giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch,  triển khai công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh nhằm hạn chế sự lây lan rộng trên địa bàn.

2. Về lĩnh vực thủy sản: Triển khai các giải pháp đồng bộ, cấp bách nhằm khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, hộ dân tham gia đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp nhất là vùng Tứ giác Long Xuyên; Tăng cường công tác triển khai, nhân rộng mô hình nuôi tôm áp dụng khoa học kỷ thuật và công nghệ cao góp phần làm tăng chất lượng, sản lượng nuôi trồng các loại, nhất là tôm nuôi.

3. Tình hình xuất khẩu, cần phải kết hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường; tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, nhất là các mặt hàng chế biến thuỷ hải sản, hàng nông sản xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu thị trường thế giới trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay; tạo điều kiện hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp thu mua hết nguồn lúa gạo hàng hóa trong nhân dân nhằm ổn định giá cả đầu ra để bà con nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.

4. Về lĩnh vực công nghiệp – Đầu tư: Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp hiện có, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có đủ tiềm lực để đầu tư phát triển vào các ngành công nghiệp chế biến có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước, vừa đáp ứng xuất khẩu và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Tiếp tục tháo gở những vướng mắc trong công tác đầu tư xây dựng để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư nhà nước nhằm góp phần làm tăng giá trị sản xuất ngành xây dựng.

5. Ngành du lịch tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch toàn diện, cả về phạm vi, chất lượng dịch vụ và đảm bảo tính bền vững, mang đậm bản sắc dân tộc, thân thiện môi trường. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch, nâng cao chất lượng, kỷ năng đào tạo nghề du lịch đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương nhất là huyện Phú Quốc. Đẩy mạnh công tác thông tin xúc tiến, quảng bá du lịch, tổ chức nhiều chương trình, sự kiện với nhiều loại hình phong phú, đa dạng hơn nửa nhằm thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến và lưu trú dài ngày hơn và chi tiêu cho du lịch nhiều hơn.

Tải về:  - Số liệu kinh tế xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2019 của tỉnh Kiên Giang

             - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2019 của tỉnh Kiên Giang


[1] Lũy kế đến 6 tháng đầu năm 2019 đã có 08 dự án đã đi vào hoạt động thuộc khu công nghiệp Thạnh Lộc: Nhà máy Bia, gỗ, giày TBS, Giày Hàn Quốc, cấp nước Thạnh lộc, dịch vụ diễn thông, VLXD (công ty VLXD), VLXD (HUD), gạch Tuynel.

 

Số lần đọc: 1746
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan