30.06.2021
Sáu tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của cả nước trước đại dịch Covid -19. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai quyết liệt, có hiệu quả việc thực hiện “mục tiêu kép trong tình hình mới”, triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh. Với sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành nên kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nay vẫn ổn định và đạt mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thời tiết thuận lợi nên có mức tăng trưởng khá; đời sống nhân dân ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh, chưa xuất hiện ổ dịch nào ngoài cộng động; an ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững, an sinh xã hội được đảm bảo. Tuy nhiên, tác động của đại dịch rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư, sản xuất, lưu thông và tiêu dùng, khách du lịch cũng xụt giảm mạnh… Cụ thể từng lĩnh vực như sau: 1. Tăng trưởng kinh tế Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 (giá so sánh 2010) ước tính 31.752,57 tỷ đồng, đạt 43,44% kế hoạch năm, tăng 4,52% so với cùng kỳ (năm 2020 tăng 1,24%)[1]. Chia ra : Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản: Tổng giá trị tăng thêm (VA) ước tính 13.081,30 tỷ đồng, đạt 55,61% kế hoạch năm, tăng 2,52% so với cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung 1,06 điểm phần trăm, trong đó: Giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp 7.775,45 tỷ đồng, tăng 1,75% so cùng kỳ (tăng cùng kỳ năm trước 0,92%), đóng góp tăng trưởng chung 0,44 điểm phần trăm; ngành thủy sản ước đạt 5.215,74 tỷ đồng, tăng 3,85% (giảm cùng kỳ năm trước 0,21%), đóng góp tăng trưởng chung 0,64 điểm phần trăm. Khu vực I tăng trưởng khá so với cùng kỳ, do năm nay thời tiết, khí hậu thuận lợi cho ngành nông nghiệp, nông dân được mùa, được giá nên rất phấn khởi và tích cực sản xuất. Khu vực công nghiệp và xây dựng: Tổng giá trị tăng thêm ước tính 6.939,95 tỷ đồng, đạt 46,5% kế hoạch, tăng 8,36% so cùng kỳ (tăng cùng kỳ năm trước 3,95%), đóng góp cho tăng trưởng chung 1,76 điểm phần trăm, trong đó lĩnh vực công nghiệp ước đạt 4.225 tỷ đồng, tăng 7,72% so cùng kỳ, đóng góp tăng trưởng chung 1,0 điểm phần trăm. Ở khu vực II tốc độ tăng trưởng khá cao do có một số ngành đạt mức tăng trưởng khá như: công nghiệp khai thác, sản xuất bia, thủy sản đông lạnh … Khu vực dịch vụ: Tổng giá trị tăng thêm ước tính 9.915,42 tỷ đồng, đạt 31,23% kế hoạch, tăng 5,37% so cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung 1,66 điểm phần trăm. Khu vực III, 6 tháng có mức tăng trưởng cao so cùng kỳ và đã đóng góp tích cực cho mức tăng trưởng chung. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều ngành dịch vụ tuy có tăng trưởng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế sẳn có nhất là các ngành dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú, vận tải… Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 42,32% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 19,86%; khu vực dịch vụ chiếm 32,12%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,7% (Cơ cấu tương ứng cùng kỳ năm 2020 là: 42,21%; 19,43%; 32,44%; 5,92%). 2. Tài chính, ngân hàng 2.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước tính 6 tháng đầu năm đạt 5.951,50 tỷ đồng, đạt 51,48% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 16,33% so cùng kỳ.[2] Một số khoản thu đạt cao so với dự toán như: thu lệ phí trước bạ đạt 59,76% dự toán, tăng 24,57% so cùng kỳ; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 70% dự toán, tăng 25,80%; thu phí và lệ phí đạt 56,61% dự toán, tăng 14,16%; thu từ doanh nghiệp nhà nước TW đạt 51,29% dự toán, tăng 43,75%; thu khu vực công thương nghiệp ngoài nhà nước đạt 52,30% dự toán, tăng 9,01%... Tuy nhiên cũng còn một số khoản thu đạt thấp so với dự toán và cùng kỳ năm trước như: thu tiền sử dụng đất đạt 38,33% dự toán, chỉ bằng 52,40% cùng kỳ; thu cho thuê mặt đất, mặt nước đạt 36,18% dự toán, bằng 36,80% cùng kỳ; thu thuế bảo vệ môi trường đạt 34,26% dự toán, bằng 75,06% cùng kỳ... Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục thiên tai, dịch bệnh và thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác như bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp… tổng chi ngân sách 6 tháng là 6.002,22 tỷ đồng, đạt 38,82% dự toán, tăng 9,79% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: chi thường xuyên 4.206,28 tỷ đồng, đạt 43,12% dự toán, tăng 3,82%; chi đầu tư phát triển 1.285,62 tỷ đồng, đạt 24,73% dự toán và giảm 9,17% so với cùng kỳ. 2.2. Hoạt động Ngân hàng Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 có sự tăng trưởng ở cả hoạt động huy động vốn, tín dụng và có mức tăng cao hơn cùng kỳ năm 2020, góp phần cung ứng vốn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ước tính tổng nguồn vốn hoạt động đến cuối tháng 6 đạt 112.500 tỷ đồng, tăng 7,04% so đầu năm (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,88%), tăng 15,1% so cùng kỳ. Trong đó, vốn huy động tại địa phương ước đạt 58.600 tỷ đồng, tăng 6,32% so đầu năm (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,18%), tăng 11,35% so cùng kỳ, chiếm 52,09% tổng nguồn vốn. Trước tác động khó lường của thiên tai, dịch bệnh, để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh cho vay sản xuất, tập trung các lĩnh vực ưu tiên như cho vay nông nghiệp, nông thôn, sản xuất kinh doanh các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu; cho vay mới, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc nhóm ngành chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh; tăng cường sản phẩm cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Ước tính đến 30/6/2021, doanh số cho vay đạt 76.000 tỷ đồng (trong đó, 83,16% doanh số cho vay là phục vụ sản xuất kinh doanh); dư nợ cho vay ước đạt 92.400 tỷ đồng, tăng 5,04% so đầu năm (cùng kỳ năm 2020 tăng 1,87%), tăng 13,02% so cùng kỳ. Tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Ước tính 6 tháng đầu năm, doanh số cho vay đạt 1.100 tỷ đồng, dư nợ 4.057 tỷ đồng (chiếm 4,39% tổng dư nợ toàn tỉnh), tăng 8,73% so đầu năm, tăng 16,18% so cùng kỳ; nợ quá hạn chiếm 1,44% tổng dư nợ chính sách. Các TCTD tăng cường các biện pháp xử lý nợ xấu hiện hữu, kiểm soát chất lượng tín dụng, chủ động rà soát, có kế hoạch xử lý nợ xấu phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn gia tăng nợ xấu. Do đó, nợ xấu nội bảng được kiểm soát với tỷ lệ dưới 2% (đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước tính 1,08%); nợ rủi ro theo dõi ngoại bảng ước tính 1.100 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trên địa bàn khá ổn định. Tỷ giá vàng và ngoại tệ diễn biến theo xu hướng chung của cả nước và thế giới. 3. Đầu tư và xây dựng Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 13.879,13 tỷ đồng, đạt 30,37% kế hoạch năm và bằng 65,04% cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ vốn đầu tư 6 tháng đầu năm so với GRDP chỉ đạt chỉ đạt 27,11%. Tuy tổng vốn đầu tư đạt mức thấp nhưng hiệu suất đầu tư (ICOR) ở mức tương đối khá. Nếu tính theo giá so sánh 2010 và bằng phương pháp so sánh giá trị tuyệt đối của GRDP tăng lên thì hệ số ICOR bằng 6,26. Có nghĩa để tăng được 1 đồng GRDP thì cần 6,26 đồng vốn đầu tư. Trong vốn đầu tư, đầu tư từ nguồn ngân sách có vai trò đòn bẩy cho tăng trưởng thì đầu tư từ ngoài nhà nước cũng có vai trò rất quan trọng, là động lực cho tăng trưởng. 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách do địa phương quản lý ước tính trên 1.546 tỷ đồng, bằng 29,74% kế hoạch năm, tăng 21,27% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 11,14% tổng vốn đầu tư; đầu tư từ ngân sách do Trung ương quản lý trên 1.942 tỷ đông, bằng 32,37% kế hoạch năm, tăng 60,05% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 13,99% tổng vốn đầu tư; đầu tư từ ngoài ngân sách (doanh nghiệp ngoài nhà nước và dân cư) trên 9.202,4 tỷ đồng, bằng 27,07% kế hoạch năm và cũng chỉ bằng 52,36% cùng kỳ năm trước. Như vậy, đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm nay đạt mức rất thấp, đây là nguồn vốn rất quan trọng, động lực của tăng trưởng và chiếm tỷ trọng tới 66,30% tổng vốn đầu tư, thời gian tới cần có giải pháp hữu hiệu hơn để thu hút đầu tư. 4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp Tình hình hoạt động của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm cũng còn nhiều khó khăn, nhưng đã có tín hiệu khả quan hơn. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường có xu hướng tăng lên và rời khỏi thị trường có xu hướng giảm hơn cùng kỳ năm trước. Cụ thể như: số doanh nghiệp được thành lập mới là 745 doanh nghiệp, tăng 144 DN so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký 13.925,90 tỷ đồng; số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động là 311 doanh nghiệp, giảm 8 DN so cùng kỳ; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 272 DN, tăng 115 DN so cùng kỳ; số Doanh nghiệp giải thể 111 doanh nghiệp, tăng 10 DN so cùng kỳ phần lớn các doanh nghiệp giải thể là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động không hiệu quả, không thích ứng được trước những cú sốc do dịch bệnh gây ra. 5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 5.1. Nông nghiệp Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021, tuy mùa vụ có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khó khăn như: xâm nhập mặn xuất hiện sớm và sâu hơn năm trước và ở mức cao cũng ảnh hưởng nhiều đến trồng trọt. Khai thác hải sản vẫn rất khó khăn, ngư trường cạn kiệt, mật độ phương tiện dày, giá nguyên nhiên vật liệu, ngư lưới cụ cũng như sản phẩm khai thác không ổn định theo hướng bất lợi cho ngư dân, khai thác kém hiệu quả nên thời gian ngưng hoạt động khá nhiều; hiện tượng khai thác trái phép trên vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra; nắng nóng, gây khô hạn cục bộ tại một số địa phương, cũng ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản; tình trạng lấn, chiếm đất rừng chặt phá rừng vẫn còn xảy ra. Các địa phương cùng với ngành chức năng đã chủ động ứng phó, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; quản lý, vận hành điều tiết nguồn nước hợp lý phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nên đã giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất. Giá trị sản xuất lĩnh vực nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 32.286,18 tỷ đồng, đạt 49,30% kế hoạch, tăng 2,86% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông nghiệp 16.646,22 tỷ đồng, tăng 1,92%. Về trồng trọt: Diện tích gieo trồng chính thức của 2 vụ lúa (vụ Mùa và vụ Đông xuân) là 342.803 ha, đạt 48,83% kế hoạch cả năm, giảm 2,74% so cùng kỳ (giảm 9.644 ha); sản lượng được 2.431.567 tấn, đạt 56,61% kế hoạch cả năm, giảm 0,51% so với cùng kỳ năm trước (giảm 12.549 tấn). Kết quả sản xuất lúa vụ Mùa và Đông xuân sản lượng giảm 12.549 tấn so với 2 vụ này năm trước là do: diện tích gieo trồng giảm 9.644 ha đã làm giảm sản lượng 68.339 tấn và năng suất tăng 2,84 tạ/ha đã làm tăng sản lượng 55.790 tấn. Kết quả từng vụ như sau: Vụ Mùa: diện tích gieo trồng 58.395 ha[3], đạt 92,69% kế hoạch, giảm 6,73% (giảm 4.215 ha) so với vụ Mùa năm trước. Lúa Mùa năm nay, do thời tiết ít mưa, nước mặn xâm thực sớm hơn năm trước và kéo dài. Mặc dù, các ngành chức năng của tỉnh đã có các biện pháp ứng phó kịp thời nhưng xâm nhập mặn vẫn gây ảnh hưởng làm năng suất lúa giảm mạnh, nhất là huyện An Minh giảm trên 1,1 tấn/ha, nên năng suất bình quân chỉ đạt 4,55 tấn/ha; có 3.786 ha bị mất trắng (huyện An Minh mất 3.074 ha, An Biên mất 712 ha). Sản lượng đạt 265.458 tấn, giảm 15,14% so với vụ mùa năm trước (giảm 56.358 tấn). Vụ Đông Xuân: kết quả chính thức vụ lúa Đông xuân, toàn tỉnh gieo trồng được 284.408 ha, đạt 99,44% kế hoạch (giảm 1.592 ha) và giảm 1,87% (giảm 5.429 ha) so với diện tích lúa Đông xuân năm trước. Nguyên nhân diện tích gieo sạ chưa đạt kế hoạch và giảm so với năm trước chủ yếu do năm nay ảnh hưởng hạn mặn sớm, kéo dài và ở vùng U Minh Thượng có một số diện tích đã chuyển sang nuôi tôm. Lúa Đông xuân năm nay với thời tiết khá thuận lợi, ít sâu bệnh, cây lúa phát triển tốt nên năng suất thu hoạch đạt khá cao, đạt 7,62 tấn/ha, tăng 6,16% so với kế hoạch (tăng 0,45 tấn/ha) và tăng 4,01% so với năm trước (tăng 0,294 tấn/ha); sản lượng đạt 2.166.109 tấn, tăng 5,57% so kế hoạch (tăng 114.239 tấn) và tăng 2,06% (tăng 43.809 tấn) so với vụ lúa Đông xuân năm trước. Năm nay, giá lúa đang ở mức cao và tương đối ổn định nên bà con nông dân rất phấn khởi và có được lợi nhuận nhiều hơn năm trước. Vụ Hè thu (kể cả Xuân hè): tính đến ngày 16/6/2021 toàn tỉnh đã gieo trồng được 277.694 ha, đạt 99,18% kế hoạch, tăng 11,91% so cùng kỳ. Hiện nay lúa đang trong thời kỳ sinh trưởng, tuy nhiên thời gian qua toàn tỉnh có mưa lớn xảy ra nhiều nơi nên cũng gây ngập úng tại một số địa phương. Cây rau màu: một số cây màu cũng được nhân dân chú trọng sản xuất nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay đã gieo trồng một số loại cây với diện tích như: dưa hấu 1.167 ha, tăng 3,73% so với cùng kỳ; khoai lang 847 ha, tăng 7,90%; khoai mì 240 ha, tăng 9,09%; rau, đậu các loại khác 6.351 ha, tăng 2,04%. Chăn nuôi: tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định; dịch bệnh trên vật nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm dịch động vật vẫn đang được kiểm soát tốt. Ngành nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo, triển khai nhanh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi heo. Kết quả điều tra chăn nuôi thời điểm ngày 01/4/2021, tổng đàn heo có 186.291 con, tăng 4,15% so với cùng kỳ (tăng 7.424 con); đàn trâu giảm 1,13%, đàn bò giảm 9,20%. Đàn trâu, bò giảm nguyên nhân chủ yếu do nuôi trâu, bò không có lợi thế bằng các vùng khác, hơn nữa vốn đầu tư lại lớn nên chưa được quan tâm đầu tư phát triển. Đàn gia cầm 5.051 ngàn con gia cầm các loại, giảm 1,99% so cùng kỳ. Đàn gia cầm giảm chủ yếu là giảm vịt đàn chạy đồng, do chi phí nuôi vịt chạy đồng khá cao, kém hiệu quả, mặt khác do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khó tiêu thụ sản phẩm nên nhân dân thận trọng tái đàn. Đàn gà 2.324 ngàn con, tăng 5,79%, đàn gà tăng do từ đầu năm đến nay trong tỉnh không xảy ra dịch bệnh và giá cả đầu ra khá cao và tương đối ổn định. 5.2. Lâm nghiệp Các ngành chức năng thường xuyên phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng chống cháy rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, duy trì thường xuyên công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 08 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị cháy 12 ha, giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước[4]; xảy ra 25 vụ phá rừng, diện tích bị thiệt hại là 9,44 ha[5]; diện tích rừng được chăm sóc 7.105 ha, tăng 1,23% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh 6 tháng 314 ha, giảm 3,98% so cùng kỳ và diện tích rừng được khoán bảo vệ là 7.222 ha, so cùng kỳ tăng 1,26%. 5.3. Thủy sản Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): Ước tính 6 tháng đầu năm là 15.509,20 tỷ đồng, đạt 46,84% kế hoạch năm, tăng 3,98% so cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản (khai thác và nuôi trồng) tháng Sáu ước đạt 84.355 tấn, tăng 5,36% so tháng trước, tăng 9,15% so tháng cùng kỳ. Tính chung 6 tháng là 412.247 tấn, đạt 51,60% kế hoạch năm, tăng 3,00% so với cùng kỳ năm 2020. Chia ra: Sản lượng khai thác: tháng Sáu ước đạt 49.233 tấn, giảm 2,17% so tháng trước, tăng 2,20% so tháng cùng kỳ. Tính chung 6 tháng ước tính được 285.972 tấn, đạt 56,07% kế hoạch năm, giảm 1,11% (giảm 3.212 tấn) so cùng kỳ[6]. Sản lượng nuôi trồng: tháng Sáu ước tính đạt 35.122 tấn, tăng 18,09% so với tháng trước, tăng 20,66% so cùng tháng năm trước. Sản lượng nuôi trồng tăng so với tháng trước chủ yếu là do tăng sản lượng cá tận thu trong vuông tôm ở các huyện vùng U Minh Thượng, cá nuôi trong ao, mương thuộc huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành…và tôm nuôi đang vào mùa thu hoạch thuộc các huyện vùng U Minh Thượng và tôm nuôi công nghiệp thuộc các huyện Kiên Lương, Hà Tiên, Giang thành và Hòn Đất. Tính chung 6 tháng, ước tính sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch đạt 126.275 tấn, đạt 43,69% kế hoạch năm, tăng 13,72% (tăng 15.238 tấn) so cùng kỳ năm trước[7]. Tính đến ngày 15/6/2021, diện tích thả nuôi tôm nước lợ được 128.140 ha các loại, đạt 94,22% kế hoạch.[8] 6. Sản xuất công nghiệp Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, phần nào đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như đầu ra sản phẩm của một số hàng hóa công nghiệp chế biến. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): tháng Sáu chỉ số IIP ước tính tăng 4,84% so tháng trước. Ngành tăng cao nhất so với tháng trước là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 6,31%; kế đến là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,82%; ngành khai khoáng tăng 3,10%; hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 2,94%. Tính chung 6 tháng đầu năm Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,66% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,34%. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): tháng Sáu ước tính 4.501,89 tỷ đồng, tăng 5,94% so với tháng trước, tăng 9,07% so cùng tháng năm trước[9]. Tính chung 6 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 24.911,53 tỷ đồng, đạt 45,78% kế hoạch năm, tăng 7,68% so với cùng kỳ.[10] Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 6 tháng tăng so cùng kỳ như, mặt hàng giày da tăng 64,46%; bia các loại tăng 26,18%; gỗ MDF tăng 8,44%; điện thương phẩm tăng 15,31%; nước máy tăng 4,41%, tôm đông lạnh tăng 16,32%... Nhưng cũng còn một số sản phẩm giảm so cùng kỳ như: mực đông lạnh đạt 41,18% kế hoạch, giảm 5,3%; bột cá đạt 35,32% kế hoạch, giảm 9,49%; bao bì PP đạt 28,44% kế hoạch, giảm 19,04%... Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo tính chung 6 tháng đầu năm 2021 bằng 96,09% so cùng kỳ năm trước; trong đó, Sản xuất chế biến thực phẩm bằng 93,91%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ bằng 79,98%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác bằng 96,98%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn bằng 94,62%... sản xuất đồ uống tăng 50,32%; Sản xuất trang phục tăng 24,29; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 52,85%. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tính tháng Sáu chỉ bằng 31,57% so cùng tháng năm trước. Trong đó ngành sản xuất đồ uống chỉ bằng 10,18%; ngành sản xuất trang phục bằng 29,03%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ bằng 66,67%; Sản xuất chế biến thực phẩm bằng 93,65%. Đây chính là tín hiệu đáng mừng, cho thấy các sản phẩm công nghiệp làm ra đã được tiêu thụ ổn định mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay. Chỉ số sử dụng lao động của ngành công nghiệp tháng Sáu tăng 2,05% so với tháng trước, tăng 8,62% so với cùng tháng năm trước và tính chung 6 tháng tăng 4,92% so cùng kỳ năm trước. 7. Thương mại, dịch vụ và giá cả 7.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng Có thể nói khu vực dịch vụ đang chụi ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất trước diễn biến của dịch bệnh Covid. Nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch, một số hoạt động dịch vụ có lúc phải ngưng hoạt hộng hoặc hoạt động hạn chế để đảm bảo giãn cách, tránh tập trung đông người như: dịch vụ vui chơi giải trí, massage, karaoke, kinh doanh tour du lịch … Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Sáu ước đạt 9.313,83 tỷ đồng, giảm 0,53% so tháng trước, tăng 5,88% so cùng tháng năm trước. Tính chung 6 tháng ước đạt 59.763,42 tỷ đồng, đạt 48,15% kế hoạch năm, tăng 9,84% so với cùng kỳ. Chia theo ngành hoạt động: Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Sáu ước đạt 6.993,78 tỷ đồng, giảm 0,35% so tháng trước, tăng 5,83% so cùng kỳ. Tính chung 6 tháng ước đạt 44.581,29 tỷ đồng, đạt 48,13% kế hoạch năm, tăng 10,29% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng Sáu ước đạt 1.212,62 tỷ đồng, giảm 0,37% so tháng trước, tăng 8,05% so cùng kỳ. Tính chung 6 tháng, ước đạt 7.770,77 tỷ đồng, đạt 46,25% kế hoạch năm, tăng 10,37% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch 6 tháng ước đạt 154,05 tỷ đồng, đạt 61,62% kế hoạch và 20,62% so cùng kỳ. Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng Sáu ước tính 1.107,43 tỷ đồng, đạt 100,42% so tháng trước, tăng 5,18% so cùng kỳ. Tính chung 6 tháng ước đạt 7.257,32 tỷ đồng, đạt 50,22% kế hoạch, tăng 6,47% so cùng kỳ. 7.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Sáu ước đạt 75,69 triệu USD, tăng 6,02% so với tháng trước, tăng 63,51% so cùng tháng năm trước[11]. Tính chung 6 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính 380,37 triệu USD, đạt 50,72% kế hoạch năm, tăng 11,02% so với cùng kỳ năm trước.[12] Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Sáu ước đạt 11,43 triệu USD, tăng 41,64% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng, trị giá hàng hóa nhập khẩu ước thực hiện 62,96 triệu USD, đạt 62,96% kế hoạch năm, chỉ bằng 75,55% cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dùng cho sản xuất, trong đó chủ yếu là nguyên liệu để sản xuất giày da. 7.3. Công tác quản lý thị trường Trong 6 tháng, ngành Quản lý thị trường đã kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm 783 vụ đạt 131% kế hoạch 6 tháng (trong đó: kế hoạch định kỳ 490 vụ, đột xuất 293 vụ) giảm 20,83% so với cùng kỳ năm trước; phát hiện 292 vụ vi phạm, tăng 11 vụ (tăng 3,9%) so cùng kỳ; xử lý 298 vụ vi phạm hành chính (bao gồm số vụ kỳ trước chuyển sang); chuyển xử lý hình sự 02 vụ. Thu nộp ngân sách 4,664 tỷ đồng, đạt 155% kế hoạch 6 tháng (trong đó: phạt hành chính 3,919 tỷ, bán tang vật tịch thu 745 triệu đồng). Các vụ vi phạm chủ yếu là vi phạm về bán, vân chuyển, lưu trữ hàng cấm, hàng nhập lậu[13], hàng giả[14], vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại. 7.4. Vận tải Vận tải hành khách: tháng Sáu ước tính vận chuyển 7,26 triệu lượt khách, giảm 4,66% so tháng trước, giảm 2,98% so với cùng kỳ; luân chuyển 478,42 triệu HK.km, giảm 5,19% so tháng trước, giảm 2,40% so cùng kỳ. Tính chung 6 tháng vận tải hành khách ước đạt 47,66 triệu lượt khách, đạt 48,25% kế hoạch năm, tăng 4,84% so cùng kỳ; luân chuyển 3.152,35 triệu HK.km, đạt 48,58% kế hoạch năm, tăng 5,78%[15]. Vận tải hàng hóa: tháng Sáu ước đạt 1.225 ngàn tấn, tăng 0,25% so với tháng trước; luân chuyển 175,25 triệu tấn.km, tăng 0,25% so tháng trước. Tính chung 6 tháng vận tải hàng hóa ước đạt 7,41 triệu tấn, đạt 52,93% kế hoạch năm, tăng 5,63% so cùng kỳ; luân chuyển 1.060,19 triệu tấn.km, đạt 53,53% kế hoạch, tăng 5,88% so cùng kỳ[16]. 7.5. Du lịch Hoạt động du lịch đang chịu thiệt hại nặng nề trước đại dịch Covid, các chuyến bay quốc tế đến Phú Quốc hầu như phải tạm dừng trong thời gian dài nên lượng khách quốc tế không đáng kể, khách trong nước thì mới có xu hướng tăng lại trong tháng 4 thì đến đầu tháng 5, nhiều tour đã đặt cũng phải hủy. Tổng lượt khách du lịch trên địa bàn tỉnh 6 tháng ước đạt 2.329,45 ngàn lượt khách, đạt 33,28% kế hoạch năm và giảm 3,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 1.154,54 ngàn lượt khách, đạt 33,96% kế hoạch, tăng 34,47% so cùng kỳ. Khách đến chủ yếu là thành phố Phú Quốc và trong thời gian từ lễ 30/4; 1/5/2021 trở về trước đó. 7.6. Chỉ số giá Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu tăng 0,27% so với tháng trước. Trong đó: khu vực thành thị tăng 0,22%, khu vực nông thôn tăng 0,29%. CPI tháng Sáu tăng nhẹ là do có 4 nhóm hàng tăng, trong đó nhóm đồ uống và thuốc lá tăng cao nhất (tăng 1,12%); kế đến là nhóm giao thông tăng 0,77%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 0,67; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,29% (trong đó: thực phẩm tăng 0,12%). Có 01 nhóm hàng giảm là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm -0,03%. Còn lại các nhóm hàng khác ổn định hoặc tăng không đáng kể. So với tháng 12 năm trước (sau 06 tháng) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,07%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm giao thông tăng 8,97%; kế đến là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,38%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 3,06%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,44% (trong đó ăn uống ngoài gia đình tăng 3,84%); nhóm hàng hóa khác tăng 1,32%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,24%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,41%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,27%; và nhóm giáo dục tăng 0,04%. Duy nhất có nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm -1,2% và nhóm bưu chính viễn thông giá vẫn bình ổn. Chỉ số giá vàng: tháng Sáu tăng 1,13% so với tháng trước, tăng 9,68% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng tăng 14,92% so với cùng kỳ năm trước. Giá vàng bình quân tháng 6 là 5.282.000 đồng/chỉ, tăng 59.000 đồng/chỉ so với tháng trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ: tháng Sáu giảm -0,17% so tháng trước, so cùng tháng năm trước giảm -0,83% và bình quân 6 tháng so với cùng kỳ giảm 0,92%. Giá USD bình quân tháng 6 là 2.311.300 đồng/100 USD, giảm 3.900 đồng/100 USD so với tháng trước. 8. MỘT SỐ TÌNH HÌNH XÃ HỘI 8.1. Lao động, việc làm và đào tạo nghề Tính chung 6 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm cho 17.511 lượt lao động, trong đó: trong tỉnh là 10.589 lượt lao động, ngoài tỉnh 6.842 lượt lao động, hợp đồng lao động đi làm việc nước ngoài 80 lao động, đạt 50,03% kế hoạch. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo mới 12.125 người, đạt 48,5% so kế hoạch. 8.2. Về chính sách an sinh xã hội Trong 6 tháng đầu năm, ước tính chi hỗ trợ cho tổng số đối tượng là 53.251 người, tổng số kinh phí là 144,8 tỷ đồng. Trong đó thực hiện chi trả trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội 52.980 người, với tổng kinh phí 143,68 tỷ đồng; trợ cấp tại các Cơ sở Bảo trợ xã hội là 271 người với kinh phí là 1,142 tỷ đồng. Chăm lo chính sách người có công với cách mạng cho 4.022 đối tượng với tổng số kinh phí 4,464 tỷ đồng. Tổ chức lễ truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho 54 Bà mẹ Việt nam Anh hùng và 22 Huân chương độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ. 8.3. Tình hình Giáo dục Các cơ sở giáo dục đã chú trọng tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, phương pháp học tập sáng tạo cho học sinh. Các trường học đã triển khai linh hoạt, có hiệu quả việc thực hiện chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp theo từng chủ đề phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học và điều kiện đặc thù của địa phương. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục đã chủ động Tổng kết năm học 2020-2021 sớm hơn dự kiến; tổ chức thi kết hợp với xét duyệt vào lớp 6 và lớp 10 theo đúng quy định và đảm bảo công tác phòng chống dịch. Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 645 đơn vị (công lập và ngoài công lập) trường học (MN 159, TH 268, PTCS 56, THCS 110, THCS & THPT 29, THPT 23); với 10.841 nhóm/lớp; huy động 352.427 học sinh (MN 47.020, TH 162.842, THCS 102.664, THPT 39.901); so với năm học 2019-2020, toàn ngành giảm 15 trường (MN 02, PTCS 07, TH -13, THCS - 10; TTNNTH -1); tăng 2.233 học sinh; giảm 298 lớp, nguyên nhân do thực hiện sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo hướng tăng quy mô, giảm điểm lẻ. Số học sinh 6-14 tuổi đi học so với độ tuổi đạt 97,01% (tăng 0,95 so với cùng kỳ). Toàn tỉnh hiện có 290 trường đạt chuẩn quốc gia trong tổng số 619 trường (công lập) hiện có, đạt tỷ lệ 46,85%. Tổng số phòng học hiện có 10.141 phòng, giảm 127 phòng so với cùng kỳ, nguyên nhân giảm là do sát nhập phòng, gom lớp. 8.4. Hoạt động Văn hóa, Thể thao Hoạt động văn hóa: Tổ chức thành công các sự kiện lễ hội, hoạt động văn hóa nghệ thuật, công tác tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước. Các giá trị văn hóa dân tộc, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa tiếp tục được chú trọng. Hoạt động thể dục, thể thao: đăng cai tổ chức thành công Giải Vô địch Cử tạ Thanh thiếu niên quốc gia năm 2021.[17]Phối hợp Công ty Cổ phần Wowholiday Việt Nam tổ chức Giải chạy Phú Quốc Wow Island Race 2021.[18] Các đội tuyển thể thao duy trì tập luyện thường xuyên theo kế hoạch và tham dự 09 giải thể thao khu vực, toàn quốc; kết quả: đạt 37 huy chương (13 HCV, 10 HCB và 14 HCĐ). Thể dục thể thao quần chúng theo kế hoạch 6 tháng đầu năm 2021 sẽ đăng cai tổ chức 06 giải thể thao cấp tỉnh, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tạm hoãn công tác tổ chức các giải theo kế hoạch; chỉ phối hợp tổ chức Giải Bóng đá Futsal tỉnh Kiên Giang mở rộng mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu năm 2021 và Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kiên Giang năm học 2020 - 2021. 8.5. Tình hình y tế Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và đang tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh trong cộng đồng trên các địa phương trong cả nước, nguy cơ dịch xâm nhập từ các đối tượng nhập cảnh và các đối tượng từ vùng dịch trở về là rất cao. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện sàng lọc, phân luồng người bệnh và cách ly y tế và xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các đối tượng có nguy cơ đến/trở về từ các khu vực có dịch, ổ dịch; Chỉ đạo hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp...toàn tỉnh đã thực hiện tiêm ngừa SARS-COV-2 đợt 1 là: 20.748 liều vacxin, dự kiến đến 30/6/2021 thực hiện tiêm đợt 2: 27.000 liều Vacxin ngừa covid-19 cho các đối tượng ưu tiên.Tính đến ngày 20/6/2021, thực hiện xét nghiệm 19.698 mẫu (phát hiện 68 trường hợp dương tính, đã điều trị khỏi 39 trường hợp, 29 trường hợp đang điều trị tại Trung tâm y tế Thành phố Hà tiên). Hiện tại toàn tỉnh cách ly tập trung 920 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi cư trú 1.336 trường hợp. - Bệnh Sốt xuất huyết, bệnh Tay chân miệng... có xu hướng tăng, bệnh tiêu chảy và bệnh sởi sốt phát ban nghi sởi có xu hướng giảm[19]. Không có trường hợp nào tử vong. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: thực hiện thanh, kiểm tra 8.839 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, phát hiện 1.478 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP. Đã xử lý bằng hình thức nhắc nhỡ và hướng dẫn 1.435 cơ sở thực hiện việc đảm bảo an toàn thực phẩm, xử phạt VPHC 4 cơ sở với số tiền 13 triệu đồng, tiêu hủy sản phẩm vi phạm 39 cơ sở gồm 124 loại sản phẩm với số lượng 510 kg thực phẩm không có nhãn, quá hạn sử dụng, chứa hóa chất ngoài danh mục của Bộ Y tế. Toàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào, chỉ có 23 cas ngộ độc thực phẩm lẻ do ngộ độc cồn, giảm 30 cas do với cùng kỳ, không có trường hợp tử vong. Ước tính đến 01/6/2021 tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,16%, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm xã hội đạt 12,44%, tương ứng với 113.736 người (trong đó: số người tham gia BHXH bắt buộc là 96.682 người, số người tham gia BHXH tự nguyện là 17.054 người); tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 9,38%, tương ứng với 85.750 người tham gia. 8.6. Tình hình an toàn giao thông Tính từ ngày 15/5/2021 đến 14/6/2021, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông, làm 5 người chết, 3 người bị thương. So với tháng trước số vụ tai nạn giao thông giảm 2 vụ, giảm 3 người chết và tăng 01 người bị thương. Tính chung 6 tháng đầu năm (từ 15/12/2020 đến 14/6/2021) toàn tỉnh xảy ra 72 vụ tai nạn giao thông (đường bộ 68 vụ, đường thủy 4 vụ), làm 46 người chết, 43 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, tăng 10 vụ (tăng 16,13%), tăng 9 người chết (tăng 24,32%) và tăng 5 người bị thương (tăng 13,16%). Tình hình tai nạn giao thông trong các tháng 5, 6 có giảm so những tháng trước, nhưng tính chung từ đầu năm đến nay vẫn tăng trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước. Các ngành chức năng cần thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động nhân dân gương mẫu chấp hành Luật giao thông khi tham gia giao thông, để mọi người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn trong thời gian tới. 8.7. Tình hình cháy, nổ và thiên tai Tình hình cháy, nổ: từ ngày 15/5/2021 đến 14/6/2021 toàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào. Số lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy, 01 vụ nổ, làm bị thương 01 người và chết 01 người. Thiệt hại về vật chất ước tính trên 4 tỷ đồng. Tình hình thiên tai: từ ngày 15/5/2021 đến 14/6/2021 trên địa bàn tỉnh có xảy ra mưa lớn kèm lốc xoáy nhiều nơi đã làm sập hoàn toàn 7 căn nhà, tốc mái 31 căn nhà. Ước thiệt hại về vật chất khoảng 920 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang do ảnh hưởng tình hình thời tiết, thiên tai đã làm sập hoàn toàn 64 căn nhà, tốc mái 79 căn nhà, làm bị thương 02 người, chết 01 người. Thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 3,5 tỷ triệu đồng. Đề xuất kiến nghị Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, tuy đạt mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn còn thấp so với kế hoạch năm. Để phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đã đề ra, Cục Thống kê kiến nghị một số vấn đề như sau: 1. Trong lĩnh vực nông nghiệp: triển khai hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng lịch gieo sạ và xuống giống hết diện tích theo kế hoạch lúa vụ Hè Thu, Thu Đông, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu giống, nhất là giống lúa chất lượng cao, kháng sâu bệnh, chống chịu với hạn mặn cụ thể cho từng địa phương, phù hợp với tình hình và điều kiện sinh thái của từng vùng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp; tăng cường công tác theo dõi, dự báo tình hình mưa lũ, quản lý vận hành hệ thống cống kiểm soát lũ, ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cây trồng; tăng cường dự báo thị trường; khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, tăng cường đầu tư cho chăn nuôi, nhân rộng các mô hình cây trồng và vật nuôi có hiệu quả. 2. Về lĩnh vực thủy sản: Đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Thủy sản, kết hợp với các biện pháp mạnh để ngăn chặn trình trạng khai thác bất hợp pháp, khắc phục “Thẻ vàng” của châu Âu. Có cơ chế phù hợp để phát triển nuôi thủy sản ven biển, ven đảo và xa khơi, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nguồn lực mạnh đầu tư nuôi trồng thủy sản, triển khai thực hiện tốt Đề án Phát triển nuôi biển theo định hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030. 3. Tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả việc thực hiện “mục tiêu kép trong tình hình mới” nghiêm túc, kịp thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tăng cường nắm bắt thông tin thị trường, dự báo thị trường, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 4. Có biện pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn nhà nước quản lý, nhất là các công trình trọng điểm. 5. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình kích cầu du lịch, chuẩn bị mọi điều kiện để khi tình hình dịch bệnh lắng xuống thì có thể thu hút ngay lượng khách du lịch lớn đến địa bàn, nhất là ở thành phố Phú Quốc./. Tải về: - Số liệu Kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Kiên Giang; - Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2021 của tỉnh Kiên Giang [1] Số liệu tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 được Tổng cục Thống kê công bố thực hiện theo QĐ 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án ‘Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. [2] Trong đó: thu nội địa 5.928 tỷ đồng, đạt 51,95% dự toán, giảm 14,47% so cùng kỳ, chiếm 99,61% trong tổng thu ngân sách của tỉnh. [3] Lúa vụ Mùa (2020 – 2021) đã gieo trồng ở các huyện An Minh 20.645 ha, An Biên 16.397 ha, Vĩnh Thuận 12.076 ha, U Minh Thượng 7.258 ha, Gò Quao 1.420 ha và TP Hà Tiên 599 ha. [4] năm 2020 số vụ cháy rừng là 41 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại là 614,82 ha [5] năm 2020 số vụ phá rừng là 20 vụ, diện tích rừng thiệt hại là 2,37 ha [6] Trong đó cá các loại giảm 1,37% (giảm 2.980 tấn); tôm giảm 0,13% (giảm 22 tấn); mực giảm 1,48% (giảm 539 tấn). [7] Trong đó Cá nuôi tăng 12,26% (tăng 3.317 tấn) so với cùng kỳ và đạt 33,30% kế hoạch năm; tôm các loại tăng 14,57% (tăng 6.798 tấn) so với cùng kỳ và đạt 54,53% kế hoạch năm. [8] Trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp 2.204 ha (có 1.878 ha tôm thẻ chân trắng); nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến 27.811 ha và nuôi tôm - lúa 98.125 ha [9] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 97,01% trong tổng số, tăng 8,92%. [10] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 97,01%/ trong tổng số, tăng 7,62%. [11] Trong đó: hàng nông sản 31,76 triệu USD, tăng 29,11% so với tháng trước, tăng 147,74% so cùng tháng năm trước; hàng thủy sản 18,64 triệu USD, giảm 19,90% so tháng trước, tăng 9,91% so cùng tháng năm trước. [12] Trong đó: hàng nông sản 133,36 triệu USD, đạt 55,57% kế hoạch, giảm 3,25% so cùng kỳ; hàng thủy sản 112,61 triệu USD, đạt 45,96% kế hoạch, tăng 10,25% so cùng kỳ; nguyên liệu Giày da 72,86 triệu USD, đạt 52,04% kế hoạch, tăng 43,65% so cùng kỳ.
[13] Phát hiện, xử lý 64 vụ (25 vụ hàng cấm, 45 vụ hàng nhập lậu) thu nộp ngân sách 618 triệu đồng (phạt hành chính 268 triệu đồng; bán hang hóa tịch thu 350 triệu đồng). [14] Phát hiện 43 vụ giả mạo nhãn hiệu, 02 vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, 01 vụ giả về chất lượng, công dụng. Thu nộp ngân sách 652,7 triệu đồng. [15] Trong đó, vận tải hành khách đường biển tăng 5,60%; vận tải hành khách đường bộ tăng 4,75% so cùng kỳ. [16] Trong đó, Vận tải hàng hóa đường bộ tăng 5,00%; vận tải hàng hóa đường biển tăng 5,16%.
[17] Từ ngày 19/4 - 22/4/2021 tại Nhà Thi đấu đa năng tỉnh Kiên Giang; có gần 200 vận động viên đến từ 28 tỉnh, thành, ngành trên cả nước tham gia; tranh 72 bộ HC các hạng cân nam, nữ ở hai nhóm tuổi 13-14 và 15-16. [18] Tổ chức vào ngày 29/4/2021; có gần 3.000 vận động viên nam - nữ tham gia thi đấu các cự ly 5km, 10km và 21 km; thu hút gần 12.000 lượt khán giả đến xem và cổ vũ. [19] Sốt xuất huyết có 366 cas mắc (tăng 43 cas so cùng kỳ). Tay chân miệng có 1.018 cas mắc (tăng 848 cas so cùng kỳ), Sởi sốt phát ban nghi sởi 16 cas (giảm 160 cas so cùng kỳ), Không có trường hợp nào tử vong.
Số lần đọc: 1556
Cục thống kê Kiên Giang |
Tin liên quan
|