Tin nóng
29.04.2020

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Vụ Đông xuân: Lúa vụ Đông xuân, toàn tỉnh đã gieo trồng được 289.837 ha[1], vượt 0,29% kế hoạch, tăng 0,26% (tăng 743 ha). Thời tiết mùa khô năm nay diễn ra sớm, xâm nhập mặn sâu và gay gắt. Tuy nhiên, các ngành chức năng của tỉnh đã có sự chuẩn bị tốt để đối phó với hạn mặn, nên đã hạn chế đáng kể mức độ thiệt hại do hạn mặn gây ra. Diện tích bị nhiễm mặn trên lúa Đông xuân là 1.598 ha (huyện Hòn Đất 1.300 ha, Kiên Lương 298 ha) trong đó diện tích bị nhiễm mặn dưới 30% là 448 ha, từ 30 -70% là 609 ha, trên 70% là 541 ha.

Đến nay đã thu hoạch hết diện tích gieo trồng, năng suất ước đạt 7,15 tấn/ha, sản lượng ước khoảng 2.073.469 tấn.

Vụ Hè thu (kể cả Xuân hè): Tính đến ngày 15/4, toàn tỉnh đã gieo trồng được 91.348 ha, đạt 32,28% so với kế hoạch[2].

Diện tích bị nhiễm sâu bệnh trên lúa Hè Thu hiện nay là 1.106 ha, các đối tượng gây hại chủ yếu gồm bệnh vàng lùn 360 ha, Đạo ôn lá 704 ha, Sâu cuốn lá 40 ha. Ngoài ra còn đối tượng gây hại khác như Rầy nâu, OBV, bù lạch… cũng xuất hiện, gây hại ở mức độ nhẹ.

Cây rau màu: Các loại cây rau màu đang được tỉnh định hướng là cây trồng cần được chuyển dịch tăng diện tích để giảm thế độc canh cây lúa. Tuy nhiên, do đòi hỏi phải có kỷ thuật và công chăm sóc nhiều hơn nên nông dân chưa mạnh dạn đầu tư vì vậy diện tích trồng vẫn còn thấp, sản xuất chưa đủ cho nhu cầu tiêu thụ tại địa phương. Một số cây rau, màu chủ yếu vụ Đông xuân gieo trồng được như sau: Dưa hấu 613 ha, bằng 72,12% so cùng kỳ; khoai lang 713 ha, tăng 20,85%; khoai mì 196 ha, bằng 89,09%; bắp 140 ha, tăng 12%; rau đậu các loại 5.584 ha, tăng 30,53%.

Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi vẫn còn khó khăn trước diễn biến của dịch bệnh, trong khi dịch tả heo châu Phi chưa dứt thì nguy cơ tái phát cúm gia cầm đã xuất hiện. Tuy tỉnh ta chưa xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm nào, nhưng nguy cơ rất lớn, cần phải có biện pháp phòng tránh hữu hiệu để nông dân yên tâm ổn định và phát triển đàn gia cầm. Theo báo của Chi cục chăn nuôi - thú y từ ngày 03/3/2020 đến nay trên địa bàn tỉnh đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới; 15/15 huyện, thành phố đã công bố hết dịch. Tuy nhiên, nguy cơ các ổ dịch tiếp tục phát sinh vẩn ở mức cao, vì vậy công tác phòng chống dịch phải quyết liệt, kiên trì, cần hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt khâu vệ sinh tiêu độc khử trùng, vận động, khuyến khích áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.

b. Lâm nghiệp

Thời tiết hiện nay đang vào giai đoạn khô hạn gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, các ngành chức năng cần phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng chống cháy rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, đồng thời duy trì thường xuyên công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Trong tháng xảy ra một vụ cháy rừng phòng hộ tại khu phố 6, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc do vườn quốc gia Phú Quốc quản lý với diện tích bị cháy là 0,234 ha. Tính chung 4 tháng đã xảy ra 04 vụ cháy rừng, tổng diện tích rừng bị cháy 43,730 ha. Trong đó 01 vụ cháy rừng đặc dụng, diện tích bị cháy là 6,786 ha.

c. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): Tháng Tư ước tính đạt 2.226,92 tỷ đồng, tăng 3,87% so với tháng trước, giảm 1,97% so cùng tháng[3] năm trước. Tính chung 4 tháng, ước tính đạt 8.421,54 tỷ đồng, đạt 26,54% kế hoạch năm, tăng 2,55% so cùng kỳ[4] năm trước.

Sản lượng thủy sản (cả khai thác và nuôi trồng): Tháng Tư ước đạt 64.066 tấn, tăng 0,74% so với tháng trước (tăng 469 tấn) và giảm 0,29% so cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đạt 248.096 tấn, đạt 32,86% kế hoạch năm, tăng 0,99% so cùng kỳ.

Sản lượng khai thác: Tháng Tư ước đạt 49.320 tấn, tăng 1,11% so tháng trước, giảm 2,97% so cùng kỳ (giảm 1.509 tấn). Tính chung 4 tháng ước tính được 191.759 tấn, đạt 38,74% kế hoạch, giảm 2,39% (giảm 4.691 tấn) so cùng kỳ[5].

Sản lượng nuôi trồng: Tháng Tư ước tính đạt 14.746 tấn, giảm 0,48% so với tháng trước, tăng 9,85% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng nuôi trồng giảm so với tháng trước chủ yếu là tôm thẻ, tôm sú là do ảnh hưởng xâm nhập mặn, độ mặn lên cao, giá bán sản phẩm xuống thấp do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp và hộ dân chưa dám thả nuôi hết diện tích. Tính chung 4 tháng ước tính sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch đạt 56.337 tấn, đạt 21,67% kế hoạch năm, tăng 14,45% (tăng 7.115 tấn) so cùng kỳ năm trước[6].

2. Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Tháng Tư, giảm 0,48% so tháng trước và giảm 2,60% so cùng tháng năm trước. Trong đó, so với tháng trước, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,26%; ngành khai khoáng giảm 6,02%... Riêng ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 0,44%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): Tháng Tư ước đạt 3.611,46 tỷ đồng, giảm 0,33% so tháng trước, giảm 0,94% so cùng tháng năm trước.[7] Tính chung 4 tháng ước đạt 15.201,68 tỷ đồng, đạt 29,41% kế hoạch năm, tăng 1,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 97,02%/tổng số, tăng 1,55%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước tăng 2,33%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 4,00%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu qua 4 tháng đầu năm có tăng nhẹ so cùng kỳ như mặt hàng giày da tăng 18,03%; Gỗ MDF tăng 7,73%; Điện thương phẩm tăng 13,47%; nước máy tăng 4,48%, Tôm đông tăng 1,63%. Nhưng còn nhiều sản phẩm giảm so cùng kỳ như xi măng giảm 4,68%; Bia các loại giảm 47,88%; Bột cá giảm 27,96%...Nguyên nhân là do ảnh hưởng chung tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay cũng như việc triển khai thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

 Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Tư bằng 91,75% so với tháng trước. Trong đó, ngành chế biến thực phẩm bằng 85,10%; ngành sản xuất Clanke xi măng bằng 60,56%...

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Tư tăng 5,55% so với tháng trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với tháng trước như, ngành sản xuất Xi măng tăng 29,11%, chế biến thực phẩm tăng 13,89% ...

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/4/2020 giảm 4,04% so với tháng trước, trong đó lao động ngành chế biến, chế tạo giảm 4,41%.

3. Vốn đầu tư thực hiện (Vốn ngân sách nhà nước)

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Tư (Số giải ngân đến 15/4/2020) ước tính 411,24 tỷ đồng, tăng 23,17% so với tháng trước, tăng 18,04% so cùng tháng năm trước. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách địa phương 78,28 tỷ đồng, tăng 70,44% so tháng trước, giảm 40,75% so cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước ước thực hiện 808,55 tỷ đồng, đạt 13,24% kế hoạch năm, tăng 11,88% so cùng kỳ. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách địa phương 146,84 tỷ đồng, đạt 6,29% kế hoạch, bằng 47,99%; vốn xổ số kiến thiết được 236,62 tỷ đồng, đạt 15,88% kế hoạch, tăng 299,52% so cùng kỳ.

4. Thu, chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng Tư ước đạt 553,3 tỷ đồng, bằng 52,95% so tháng trước, giảm 43,59% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa 535,3 tỷ đồng, bằng 52,81% so với tháng trước, giảm 44,42% so cùng kỳ. Tính chung 4 tháng tổng thu ngân sách ước tính đạt 5.009,99 tỷ đồng, đạt 43,41% dự toán, tăng 16,12% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa 4.855,74 tỷ đồng, đạt 42,74% dự toán, tăng 14,65% và chiếm 96,92%/tổng thu. So với cùng kỳ năm trước, có một số khoản thu tăng khá cao[8], bên cạnh đó vẫn còn một số khoản thu đạt thấp như thu lệ phí trước bạ chỉ bằng 75,84%; thu thuế bảo vệ môi trường bằng 85,45%; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương bằng 84,37% so cùng kỳ...

Tổng chi ngân sách địa phương tháng Tư ước chi 1.216,34 tỷ đồng, tăng 2,40% so với tháng trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển 271,12 tỷ đồng, chỉ bằng 62,58% so tháng trước; chi thường xuyên 945,21 tỷ đồng, tăng 25,27% so tháng trước. Tính chung 4 tháng, tổng chi ngân sách địa phương ước tính 3.789,53 tỷ đồng, đạt 22,99% dự toán năm, tăng 11,09% so cùng kỳ năm trước[9].

5. Ngân hàng

Hoạt động tín dụng, huy động vốn trên địa bàn tỉnh trong tháng Tư vẫn ổn định. So với đầu năm, các chỉ tiêu huy động vốn và hoạt động tín dụng có sự tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Ước tính đến 30/4/2020, một số chỉ tiêu đạt như sau:

Tổng nguồn vốn hoạt động ước đạt 95.950 tỷ đồng, tăng 1,00% so đầu năm và tăng 1,11% so tháng trước. Trong đó, vốn huy động tại địa phương ước đạt 50.300 tỷ đồng (chiếm 52,42% tổng nguồn vốn hoạt động), giảm 0,43% so đầu năm nhưng tăng 0,05% so tháng trước.

Doanh số cho vay trong tháng ước đạt 13.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay ước đạt 81.000 tỷ đồng, tăng 0,93% so đầu năm, tăng 0,88% so tháng trước.

Nợ xấu nội bảng ước đạt 750 tỷ đồng, chiếm 0,93% tổng dư nợ.

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp của chính sách tiền tệ; tập trung các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn... như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường nhằm khôi phục, ổn định sản xuất kinh doanh.

6. Thương mại - dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng

Tình hình thị trường bán lẻ hàng hóa và các hoạt động dịch vụ do ảnh hưởng việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ Tướng Chính phủ nên gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù các ngành thương mại vẫn duy trì hoạt động nhưng doanh thu giảm nhiều so với tháng trước và so cùng kỳ. Các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hầu hết các cơ sở đều đóng cửa, chỉ một số ít còn hoạt động và chuyển đổi hình thức kinh doanh gián tiếp qua mạng trực tuyến… nhưng doanh thu cũng đạt thấp so cùng kỳ do thói quen của người dân chưa thích nghi nhiều theo loại hình kinh doanh này.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Tư ước đạt 6.598,4 tỷ đồng, giảm 16,37% so tháng trước, giảm 16,49% so cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng ước đạt 31.538,42 tỷ đồng, đạt 25,90% kế hoạch năm, giảm 1,07% so với cùng kỳ. Chia theo ngành hoạt động

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Tư ước đạt 5.269,56 tỷ đồng, giảm 7,78% so tháng trước, giảm 5,37% so cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng ước tính đạt 23.046,85 tỷ đồng, đạt 25,97% kế hoạch, tăng 3,52% so cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Tư ước tính 608,82 tỷ đồng, giảm 45,41% so tháng trước, giảm 52,36% so cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng ước đạt 4.437,14 tỷ đồng, đạt 24,88% kế hoạch, giảm 16,37% so cùng kỳ.

Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng Tư do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với việc thực hiện Chỉ thị 16/CP của Thủ tướng Chính phủ nên hoạt động dịch vụ này không phát sinh doanh thu. Tính chung 4 tháng ước đạt 68,42 tỷ đồng, đạt 13,64% kế hoạch năm, giảm 56,14% so cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng Tư ước đạt 720,02 tỷ đồng, giảm 31,24% so với tháng trước, giảm 29,04% so cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng ước tính 3.986,02 tỷ đồng, đạt 27,15% kế hoạch, giảm 4,06% so cùng kỳ.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Tư ước tính đạt 43,70 triệu USD, chỉ bằng 63,35% so với tháng trước và giảm 12,60% so cùng tháng năm trước[10]. Tính chung 4 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu dự kiến 205,12 triệu USD, đạt 26,30% kế hoạch, tăng 23,69% so với cùng kỳ năm trước.[11]

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Tư ước đạt 18,5 triệu USD, tăng 8,89% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng ước đạt 67,66 triệu USD, đạt 84,58% kế hoạch năm, tăng hơn 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu, chủ yếu vẫn là nguyên liệu dùng cho sản xuất.

c. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư năm 2020 giảm 1,73% so với tháng trước; tăng 4,01% so với cùng tháng năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 5 nhóm giảm so với tháng trước, trong đó nhóm Giao thông giảm sâu nhất giảm 15,27%, là do trong tháng giá xăng dầu giảm mạnh; kế đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 4,39%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,3%; nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,12%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,02%. Có 4 nhóm tăng nhẹ so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất tăng 0,38%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,04%. Còn lại các nhóm hàng khác không tăng.

Chỉ số giá vàng: Tháng Tư giảm 0,69% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 27,57% và so với bình quân cùng kỳ tăng 23,30%. Giá vàng bình quân tháng 4 là 4.637.000 đồng/chỉ, giảm 32.000 đồng/chỉ so với tháng trước.

Chỉ số giá Đô la Mỹ: Tháng Tư tăng 0,69% so tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 1,13% và so với bình quân cùng kỳ tăng 0,51%. Giá USD bình quân tháng 4 năm 2020 là 2.352.900 đồng/100 USD, tăng 16.100 đồng/100 USD so với tháng trước.

d. Vận tải

Vận tải hành khách: Tháng Tư ước tính đạt 1,78 triệu lượt khách, chỉ bằng 26,85% so tháng trước, giảm 74,99% so cùng kỳ; luân chuyển 125,08 triệu HK.km, bằng 27,11% so tháng trước, giảm 74,41% so cùng kỳ. Tính chung 4 tháng vận tải hành khách ước tính đạt 20,18 triệu lượt khách, đạt 20,44% kế hoạch năm, giảm 24,91% so cùng kỳ; luân chuyển 1.393,65 triệu HK.km, đạt 21,48% kế hoạch, giảm 25,50% so với cùng kỳ. Trong đó, Vận tải đường biển giảm nhiều nhất, giảm 40,05% so cùng kỳ.

Vận tải hàng hóa: Tháng Tư ước tính đạt 758 ngàn tấn, giảm 17,97% so với tháng trước và giảm 10,40% so cùng tháng năm trước; luân chuyển 102,86 triệu tấn.km, giảm 17,96% so tháng trước, giảm 10,41% so cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, vận tải hàng hóa ước tính 3,93 triệu tấn, đạt 28,10% kế hoạch, tăng 3,44% so cùng kỳ; luân chuyển 544,93 triệu tấn.km, đạt 27,51% kế hoạch, tăng 3,39% so cùng kỳ.

Giao thông nông thôn: ước tính đến ngày 15/4/2020 thực hiện đầu tư xây dựng 56,3 km/382 km đường giao thông nông thôn, đạt 14,73% so kế hoạch năm; nâng tổng số km đường GTNT trên địa bàn tỉnh được cứng hóa là 6.033,79 km/7.084 km đạt 85,17%.

e. Du lịch

Hoạt động du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid – 19, nên lượng khách du lịch đến tỉnh ta trong tháng 4 giảm sâu, nhất là đối với khách quốc tế. Ước tính tổng lượt khách du lịch tháng Tư chỉ đạt 38,14 ngàn lượt khách, chỉ bằng 24,55% lượt khách của tháng trước và cũng chỉ bằng 4,50% lượng khách của cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng ước đạt 1.793,3 ngàn lượt khách, đạt 19,22% kế hoạch năm, giảm 40,06% so cùng kỳ. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 566,71 ngàn lượt khách, đạt 12,34% kế hoạch, giảm 57,29% so cùng kỳ (số khách quốc tế 151,7 ngàn lượt khách, đạt 20,23% kế hoạch, giảm 52,36% so cùng kỳ).

7. Một số tình hình xã hội

a. Lao động, giải quyết việc làm, đào tạo nghề

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Lao động – TB&XH và UBND tỉnh về việc giải quyết các chế độ chính sách đối với người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành chức năng đã triển khai đến UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thống kê, cập nhật thông tin liên quan về lao động nước ngoài; báo cáo việc đánh giá tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng; báo cáo tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng dịch và hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tháng Tư toàn tỉnh chỉ giải quyết việc làm cho 1.326 lượt người, chủ yếu là lao động trong tỉnh, bằng 85,44% so với tháng trước, giảm 46,29% so cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng giải quyết việc làm cho 9.660 lượt người, đạt 27,60% so kế hoạch, giảm 19,95% so cùng kỳ[12]. Trong tháng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh (đào tạo nghề)  cho 2.263 người (trong đó sơ cấp 451 người và dạy nghề dưới 03 tháng 1.812 người). Tính chung đến nay được 6.084 người đạt 24,33% so kế hoạch (trong đó: Cao đẳng 22 người, Trung cấp 29 người, Sơ cấp 3.097 người và dạy nghề dưới 03 tháng 2.936 người).

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong tháng 4/2020, ngành LĐ và Thương binh xã hội đã tập trung rà soát, nắm bắt các hộ gia đình chính sách, có công; Hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội để kịp thời hỗ trợ theo quy định Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ. Qua rà soát tổng hợp sơ bộ có 11.112 đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và 117.163 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó người nghèo là 40.837 người; cận nghèo là 78.187 người; đối tượng bảo trợ xã hội là 45.298 người; người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ XH là 6.211 người, dự kiến hỗ trợ từ tháng 4 đến tháng 6 với số tiền là 184.372 triệu đồng.

b. Giáo dục

Ngành giáo dục tiếp tục chỉ đạo các trường học chủ động tổ chức biên soạn nội dung hướng dẫn học sinh, sinh viên, học viên tự học trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của covid-19 gây ra. Thường xuyên kiểm tra công tác dạy học qua Internet và qua truyền hình và tổng hợp số liệu học sinh các cấp học tự học tại nhà. Hướng dẫn các đơn vị trường học sử dụng bộ công cụ dạy học trực tuyến cho giáo viên và học sinh.

c. Tình hình y tế

Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19: Theo báo cáo của BCĐ phòng chống dịch COVID-19 và Gia súc, gia cầm tỉnh, tính đến ngày 20/4/2020 toàn tỉnh chưa ghi nhận có cas nhiễm nào, hiện tại đang cách ly tập trung 89 trường hợp, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 9 trường hợp.

Tổng số trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 là 863; số trường hợp có kết quả dương tính 0; số trường hợp có kết quả âm tính 863; số trường hợp đang chờ kết quả 0.

Tổng số người bệnh nghi ngờ phải nhập viện điều trị nội trú 37; Tổng số người bệnh ra viện 39; Tổng số người bệnh đang cách ly, điều trị tại bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thành phố 03 trường hợp.

Tình hình dịch bệnh trong tháng (từ ngày 10/3/2020 – 10/4/2020):

Bệnh Sốt xuất huyết, Bệnh Tay chân miệng... có xu hướng giảm[13]. Các bệnh khác số cas mắc trong tháng/so với tháng trước giảm như Lỵ trực tràng (5/8 cas), Sốt phát ban nghi sởi (31/44 cas). Các bệnh khác số mắc trong tháng/so với tháng trước tăng như Viêm gan virut (13/10 cas), cúm (93/90 cas).  

Phòng chống HIV/AIDS trong tháng thực hiện xét nghiệm, sàng lọc 7.517 mẫu máu, phát hiện mới 12 cas HIV dương tính[14].

Công tác vệ sinh An toàn thực phẩm: Thực hiện thanh, kiểm tra 432 cơ sở, có 396 cơ sở đảm bảo VSATTP theo quy định và 36 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP. Đã nhắc nhở và hướng dẫn để thực hiện đúng, đảm bảo VSATTP theo quy định.

Trong tháng, toàn tỉnh ghi nhận 15 cas ngộ độc thực phẩm lẻ, trong đó 13 cas ngộ độc đồ uống có cồn, 2 cas ngộ độc thức ăn.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, ước tính đến 15 tháng 4 năm 2020: Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,12%, với 1.518.968 người tham gia (trong đó: số hiện đang tham gia tại BHXH tỉnh là 1.433.466 người; số thẻ do BHXH Bộ Quốc phòng phát hành năm 2019 là 11.602 người; lực lượng vũ trang 20.000 người; số thẻ phải cấp của huyện đảo Phú Quốc là 26.000 người; lao động đi làm việc, học tập ngoài tỉnh đã được tỉnh cấp thẻ là 27.900 người); Tỷ lệ dân số tham gia BHXH là 12,58% (trong đó: số người tham gia BHXH bắt buộc là 93.767 người, đạt 87,98% so KH, giảm 6.768 người so tháng trước; số người tham gia BHXH tự nguyện là 7.965 người đạt 40,05% KH, giảm 582 người so tháng trước); Tỷ lệ tham gia BHTN là 10,28%.

d. Hoạt động Văn hóa, Thể dục thể thao

Hoạt động Văn hóa, tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 44 năm ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Việt Nam (25/4/1976 - 25/4/2020), kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, Tết cổ truyền Chôl - Chnăm - Thmây của đồng bào dân tộc Khmer. Đặc biệt, tập trung thường xuyên tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid - 19) gây ra trong lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Hoạt động Thể dục thể thao, tạm hoãn tổ chức các giải theo chương trình, kế hoạch do tình hình dịch Covid-19 cho đến khi có chỉ đạo mới. Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao (và Du lịch)  các huyện, thành phố tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các hoạt động thể dục thể thao tại địa phương. Các đội tuyển thể thao duy trì tập luyện thường xuyên theo kế hoạch. Việc tham dự các giải tại Đại hội Thể thao Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VIII - Vĩnh Long năm 2020 và các giải đấu khác sẽ hoãn thi đấu cho đến khi có thông báo mới của Ban Tổ chức (do tập trung công tác phòng, chống dịch Covid-19).

e. Tai nạn giao thông

Tính từ ngày 15/3/2020 đến 14/4/2020 trên toàn tỉnh xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông, làm 5 người chết, 5 người bị thương, trong đó số vụ tai nạn nghiêm trọng 5 vụ, làm 5 người chết, 3 người bị thương. So với tháng 3/2020 số vụ TNGT giảm 4 vụ, số người chết giảm 5 người, số người bị thương giảm 1 người. So với cùng thời điểm năm trước, giảm 3 vụ TNGT, số người chết không giảm, không tăng, số người bị thương giảm 3 người. Tính chung 4 tháng đầu năm trên toàn tỉnh xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông, làm 24 người chết, 24 người bị thương. Trong đó số vụ TNGT nghiêm trọng là 30 vụ, 24 người chết và 17 người bị thương. So với năm trước, giảm 11 vụ, giảm 8 người chết và giảm 6 người bị thương. Tình hình tai nạn giao thông 4 tháng đầu năm 2020 đã giảm đáng kể sau khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020.

f. Tình hình cháy, nổ và thiên tai:

Tình hình cháy nổ: Từ ngày 15/3/2020 đến 14/4/2020 toàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy, làm 2 người bị thương, nguyên nhân cháy do rò rỉ khí gas đốt 01 vụ;  do bất cẩn trong sử dụng lửa 01 vụ. Thiệt hại do cháy gây ra ước tính 200 triệu đồng và 15 ha đồng cỏ, tràm thưa. Tính chung 4 tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ cháy, 01 vụ nổ làm 2 người chết, 17 người bị thương. Thiệt hại ước tính 7 tỷ 140 triệu đồng.

 Tình hình thiên tai: Từ ngày 15/3/2020 đến 14/4/2020 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn đầu mùa kèm lốc xoáy đã làm sập hoàn toàn 2 căn nhà, tốc mái 3 căn nhà trên địa bàn các huyện Giang Thành, Kiên Lương, An Biên. Ước thiệt hại trên 70 triệu đồng./.

Tải về: - Số liệu kinh tế xã hội tháng 4  và 4 tháng năm 2020 của  tỉnh Kiên Giang.

             - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 năm 2020 của  tỉnh Kiên Giang.


[1] Lúa Đông Xuân đã gieo trồng ở các huyện Hòn Đất 80.000 ha, Tân Hiệp 36.803 ha, Châu Thành 19.000 ha, Giồng Riềng 46.654 ha, Gò Quao 25.249 ha, An Biên 8.323 ha, An Minh 100 ha, Vĩnh Thuận 4.770 ha, U Minh Thượng 9.982 ha, Giang Thành 29.450 ha, Kiên Lương 24.000 ha và TP Rạch Giá 5.506 ha,

[2] Tập trung ở các huyện Giang Thành 13.100 ha, Tân hiệp 29.587 ha, Gò Quao 1.063 ha, Giồng Riềng 41.810 ha, Hòn Đất 5.013 ha và TP Rạch Giá 775 ha.

 

[3] Chia ra: Giá trị khai thác tăng 0,93% so tháng trước, giảm 1,51% so cùng kỳ; giá trị nuôi trồng tăng 8,38% so tháng trước, giảm 2,61% so cùng kỳ.

[4] Chia ra: Giá trị khai thác đạt 32,55% kế hoạch, giảm 1,70%; nuôi trồng đạt 20,74% kế hoạch, tăng 9,72%.

[5] Trong đó cá các loại giảm 1,99% (giảm 2.943 tấn); tôm giảm 3,82% (giảm 444 tấn); mực giảm 1,06% (giảm 257 tấn).

[6] Trong đó: Cá nuôi tăng 9,99% (tăng 1.569 tấn) so với cùng kỳ và đạt 23,58% kế hoạch; tôm các loại tăng 6,58% (tăng 1.226 tấn) so với cùng kỳ và đạt 23,38% kế hoạch năm.

[7] Trong đó, so với tháng trước ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,26%, chiếm tỷ trọng 97,09% tổng giá trị sản xuất toàn ngành; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 0,44%.

[8] Thu từ XN có VĐT nước ngoài, đạt 37,52% dự toán, tăng 46,35% so cùng kỳ; thu thuế khu vực công thương nghiệp ngoài NN đạt 30,68% dự toán, tăng 15,26%.

[9] Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 24,69% dự toán, giảm 7,60% so với cùng kỳ; chi thường xuyên đạt 30,81% dự toán và tăng 19,09% so với cùng kỳ.

 

[10] So với tháng trước, giá trị hàng nông sản chỉ bằng 30,32%; hàng thủy hải sản bằng 90,36%. Riêng nguyên liệu giày da tăng 2,77%.

[11] Trong đó: hàng nông sản 66,19 triệu USD, đạt 28,78% kế hoạch, tăng 33,75% so cùng kỳ; nguyên liệu Giày da 42,48 triệu USD, đạt 21,24% kế hoạch, tăng 11,09%.

 

[12] Trong đó trong tỉnh 5.736 lượt; ngoài tỉnh 3.873 lượt, xuất khẩu lao động 51 người.

[13] Sốt xuất huyết có 35 cas mắc (giảm 10 cas so với tháng trước, giảm 71 cas so cùng kỳ). Tay chân miệng có 09 cas mắc (giảm 10 cas so với tháng trước, giảm 57 cas so cùng kỳ), tử vong 0.

[14] Số bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV mới là 28 BN (tích lũy 2.111 BN, trong đó người lớn có 2.019 người; trẻ em dưới 15 tuổi có 92 người). Tính đến thời điểm báo cáo, số người còn sống ở địa phương nhiễm HIV là 2.922 người, trong giai đoạn AIDS là 1.734 người. Số người điều trị Methadone mới trong tháng là 116 người

 

Số lần đọc: 1662
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan