Tin nóng
26.05.2017

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp:

* Vụ Đông xuân: Kết thúc vụ Đông xuân, diện tích gieo trồng được 298.784 ha, đạt 99,26% kế hoạch, giảm 0,76% (giảm 2.294 ha) so cùng kỳ, diện tích thu hoạch 298.684 ha, đạt 99,96% trên diện tích gieo trồng, tăng 1,88% so với diện tích thu hoạch cùng kỳ năm trước, năng suất gieo trồng đạt 6,02 tấn/ha (giảm 0,122 tấn/ha so vụ Đông Xuân năm trước), sản lượng 1.799.737 tấn (giảm 50.611 tấn so vụ này năm trước). Nguyên nhân do ảnh hưởng của thời tiết mưa trái mùa và bệnh muỗi hành làm cho năng suất giảm hơn so cùng kỳ, mặc khác do ảnh hưởng của nhiễm mặn và bệnh muỗi hành nên đã làm thiệt hại mất trắng 100 ha (An Biên 6 ha, Giồng Riềng 94 ha). Tuy nhiên, năm nay vào đầu vụ thu hoạch lúa đông xuân, giá lúa bán ra ở mức cao từ 6.000 đến 7.500 đồng/kg lúa tươi, với giá này người nông dân được lãi khá cao so với mọi năm.

Qua kết quả của 02 vụ sản xuất lúa Mùa và Đông Xuân 2016-2017, sản lượng thu hoạch ước đạt 1.936.091 tấn, đạt 42,83% kế hoạch năm (KH năm là 4.520.389 tấn), giảm hụt 437.298 tấn so với kế hoạch (kế hoạch vụ Mùa và vụ Đông Xuân 2016-2017 2.373.389 tấn), giảm so cùng kỳ năm 2016 là – 21.796 tấn (cùng kỳ 1.957.887 tấn). Như vậy, Nếu như vụ hè thu, thu đông sắp tới các địa phương không xuống giống hết diện tích và năng suất không vượt so kế hoạch đề ra thì sản lượng lúa thu hoạch năm nay sẽ không đạt được kế hoạch đề ra.

 * Vụ Xuân hè: Diện tích gieo trồng 15.326 ha, đạt 88,82% so với năm trước tập trung ở các huyện: Giang Thành 13.112 ha, Gò Quao 1.259 ha, Châu Thành 955 ha. Đến nay đã thu hoạch với diện tích 14.567 ha, năng suất ước đạt 5,44 tấn/ha.

* Vụ Hè thu: Diện tích gieo trồng 128.958 ha, bao gồm: huyện Giang Thành 9.000 ha, Gò Quao 2.260 ha, Châu Thành 12.218 ha, Giồng Riềng 44.947 ha, Hòn Đất 21.000 ha, Rạch Giá 2.002 ha,Tân hiệp 36.655 ha, Vĩnh Thuận 703 ha, An Biên 173 ha, đến nay đã thu hoạch với diện tích 1.782 ha, năng suất ước đạt 5,85 tấn/ha

Diện tích  bị nhiễm sâu bệnh trên lúa hè thu là 6.960 ha, tăng 2.128 ha so với tháng trước, chủ yếu do một số bệnh như: Đạo ôn lá 1.826 ha, Lem lét hạt 1.559 ha, Ốc bươu vàng 535 ha, vàng lá 940 ha…

Do tình hình thời tiết hiện nay mưa, nắng xảy ra đan xen có thể ảnh hưởng đến thời kỳ sinh trưởng của cây lúa và sâu bệnh phát sinh.  Vì vậy, đề nghị các ngành chức năng cần hướng dẫn bà con nông dân thăm đồng thường xuyên nhằm sớm phát hiện dịch bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

* Cây màu: Tính từ đầu năm trên toàn tỉnh, bà con nông dân đã trồng được các loại cây màu chủ yếu như: Dưa hấu trồng được 850 ha, giảm 18,97% so cùng kỳ; khoai lang 690 ha, giảm 11,88%; rau đậu các loại 4.889 ha, tăng 3,62% so cùng kỳ năm trước...

* Chăn nuôi: Kết quả điều tra chăn nuôi thời điểm 01/4/2017, Tổng đàn trâu hiện có  4.905 con, đạt 90,83% kế hoạch, giảm 18,99% so với cùng thời điểm này năm trước;  Đàn bò 11.574 con, đạt 92,59% kế hoạch, giảm 4,52%; Đàn heo: 343.990 con, đạt 92,97% KH, tăng 0,10%; Đàn gia cầm 5.632 ngàn con, đạt 93,87% KH, tăng 0,09%.

Tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh so kế hoạch và so với cùng kỳ đều có xu hướng giảm do tình hình giá thịt hơi các loại trên thị trường mấy tháng gần đây đều giảm nhất là giá thịt heo hơi đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tái đàn của bà con nông dân.

b. Lâm nghiệp:

Thời tiết hiện đang vào thời kỳ nắng nóng, khô hạn nên dễ xảy ra nguy cơ cháy rừng, mặc dù các ngành chức năng có cảnh báo và lên kế hoạch phòng chống cháy rừng, nhưng trong tháng 5  xảy ra 06 vụ cháy rừng tràm keo lá vàng làm thiệt hại 2,85 ha rừng (xã Cửa cạn, Dương Tơ thuộc huyện Phú Quốc), xảy ra 3 vụ vi phạm chặt phá rừng (Thị xã Hà Tiên 02 vụ, Phú Quốc 01 vụ) với diện tích khoảng 0,21ha. Ngành lâm nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con thường xuyên nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng hơn nữa để hạn chế việc xảy ra cháy rừng trong thời gian tới.

c. Thủy sản:

Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá so sánh 2010): Tháng 5 ước tính 2.645,89 tỷ đồng, tăng 45,80% so với tháng trước, tăng 20,90% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Giá trị khai thác 1.230,32 tỷ đồng, tăng 1,87% so tháng trước, giảm 4,57% so cùng kỳ. Giá trị nuôi trồng 1.415,57 tỷ đồng, tăng 2,33 lần so tháng trước, tăng 57,40 % so cùng kỳ. Luỹ kế 5 tháng giá trị sản xuất thuỷ sản ước tính 9.263,11 tỷ đồng, đạt 32,89% kế hoạch năm, tăng 11,11% so cùng kỳ. Trong đó: khai thác 5.908,32 tỷ đồng, đạt 37,19% kế hoạch, tăng  4,85% so cùng kỳ; nuôi trồng 3.354,78 tỷ đồng, đạt 27,33% kế hoạch, tăng 24,17% so cùng kỳ năm trước.

Tổng sản lượng thủy sản (khai thác và nuôi trồng): Tháng 5 ước thực hiện 64.914 tấn, tăng 17,46 % so tháng trước, tăng 11,08% so cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 5 tháng  277.035 tấn, đạt 36,71% kế hoạch năm, tăng 5,85% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng khai thác: Tháng 5 ước tính 46.157 tấn thủy hải sản các loại, tăng 0,98% (tăng 446 tấn) so tháng trước. Trong đó: cá các loại là 33.606 tấn, tăng 0,26% (tăng 88 tấn); tôm 3.083 tấn, tăng 6,46% (tăng 187 tấn); mực 5.722 tấn, giảm 0,44% (giảm 25 tấn)...

Tính chung 5 tháng dự kiến sản lượng khai thác được 222.574 tấn, đạt 42,00% kế hoạch năm, tăng 5,19% so cùng kỳ năm trước (tăng 10.979 tấn), trong đó: cá các loại 162.548 tấn, tăng 6,71% (tăng 10.222 tấn); tôm 14.475 tấn, giảm 1,90% (giảm 280 tấn); mực 28.274 tấn, tăng 5,96% (tăng 1.591 tấn)...

Sản lượng khai thác 5 tháng đầu năm tăng nhẹ so với năm trước một phần là do giá xăng dầu giảm, giá bán sản phẩm ổn định, cộng với thời tiết có phần thuận lợi hơn nên ngư dân bám biển sản xuất. Bên cạnh đó, chiều hướng tăng về số lượng các loại sản phẩm có chất lượng, giá trị cao đã góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất cao hơn.

Sản lượng nuôi trồng: Tháng 5 ước đạt 18.757 tấn thủy sản các loại, tăng 96,31%  so tháng trước (tăng 9.202 tấn), tăng 32,69% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá các loại 4.313 tấn, tăng 34,57%; tôm các loại 7.901 tấn, tăng 80,28% so tháng trước và gấp 2,06 lần so cùng kỳ tháng này năm trước. trong đó: tôm thẻ chân trắng 640 tấn, tăng 20,75%; riêng tôm sú được 6.213 tấn, tăng hơn 3,44 lần (tăng 4.410 tấn); thủy sản khác như sò huyết 1.447 tấn, tăng 468 tấn; hến 1.789 tấn, tăng 1.468 tấn...

Tính chung 5 tháng sản lượng nuôi trồng ước tính  54.461 tấn, đạt 24,23% kế hoạch, tăng 8,67% (tăng 4.344 tấn) so cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá nuôi các loại 18.573 tấn, giảm 1,04% (giảm -196 tấn); tôm các loại 17.254 tấn ( chỉ bằng 27,39% KH), tăng 39,16% (tăng 4.855 tấn), trong đó: tôm sú được 10.137 tấn, tăng 29,76% (tăng 2.325 tấn); tôm thẻ chân trắng 4.079 tấn, tăng 44,44% ( tăng 1.255 tấn); riêng thủy sản khác như: sò nuôi 11.067 tấn, giảm 1.975 tấn; cua 4.014 tấn, tăng 1.161 tấn ...

Sản lượng nuôi trồng 5 tháng đầu năm tăng 4.344 tấn so với năm trước chủ yếu là từ sản lượng tôm các loại như tôm sú tăng 2.325 tấn, tôm thẻ chân trắng tăng 1.255 tấn là do năm nay, thời tiết thuận lợi nên các cơ sở nuôi tôm công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên cũng như các vùng khác trong tỉnh đã tích cực cải tạo, thả giống sớm hơn mọi năm và đã có sản phẩm thu hoạch từ đầu năm đến nay. Đồng thời, diện tích tôm sú, tôm càng vùng U Minh cũng tăng và ít thiệt hại hơn nên sản lượng tăng so với cùng kỳ.

Tính đến nay, diện tích tôm thả nuôi được 113.226 ha, đạt 100,20% kế hoạch năm, tăng 10,26% so cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích tôm công nghiệp đang thả nuôi được 909 ha, trong đó có 848 ha tôm thẻ chân trắng. Đến nay, tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh là 4.416 ha. Gồm các bệnh Hoại tử gan tụy là 182,4 ha, bệnh Đốm trắng 65,2 ha, bệnh Còi là 11,1 ha và 4.157,3 ha bị thiệt hại do môi trường; đã cấp 34,06 tấn hóa chất sát trùng Chlorine cho 114 hộ để tiêu độc, khử trùng.

Hiện nay, với thời tiết nắng nóng, mưa trái mùa bất thường làm nhiệt độ chênh lệch cao giữa ngày và đêm nên tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp. Các ngành chuyên môn và các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm cần tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẻ tình hình dịch bệnh để kịp thời phát hiện, xử lý nhằm hạn chế thiệt hại xảy ra.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn từ ngày 05/5/2017 đầu các kênh Tam Bản, Tà Săng xã Dương Hòa huyện Kiên Lương trở ra biển tới Hòn Một, cả khu vực bãi bồi ven biển ấp Hòn heo xuất hiện tình trạng thủy sản ngoài tự nhiên kể cả loài sống ở tầng mặt, tầng đáy như: cá sơn, cá bống, cá đù, lịch, cua, còng, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ và cá nuôi lồng bè như: cá mú, cá bóp,cá chẽm chết đột ngột, trôi dạt vào bờ, rừng phòng hộ ven biển gây thiệt hại sản xuất, ô nhiễm môi trường. Cao điểm từ sáng ngày 08/5/2017, hải sản chết nhiều hơn, phạm vi bị ảnh hưởng đã lan ra khoảng 20 km và mở rộng sang hướng mĩu Ông cọp, ấp Hòa phầu, xã Thuận Yên, Thị xã Hà Tiên làm cho nghêu trắng nuôi trong khu vực này chết rất nhiều.  Nguyên nhân ban đầu, loại trừ khả năng dịch bệnh, các ngành chức năng đang xác định nguyên nhân. Theo ghi nhận đến ngày 10/5/2017 tại hai huyện Kiên Lương và Hà Tiên đã thiệt hại 59 ha nhuyễn thể 2 mảnh vỏ với sản lượng thiệt hại ước 290 tấn nghêu, sò và 14.000 con cá lồng bè bị chết, Chia ra: (Kiên Lương thiệt hại: 15 ha nghêu, sản lượng 210 tấn, 03 ha sò lông, sản lượng 30 tấn và 14.000 con cá lồng bè; Hà Tiên thiệt hại: 41ha nghêu, sản lượng 50 tấn).

Sở Nông nghiệp-PTNT tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường tầng suất quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh thủy sản trên địa bàn huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên. Hướng dẫn biện pháp xử lý thủy sản nuôi bị chết đảm bảo an toàn về môi trường, sức khỏe dịch bệnh; hỗ trợ hóa chất sát trùng chlorine cho người nuôi, các Tổ hợp tác, Hợp tác xã có nhu cầu để tiêu độc, sát trùng khu vục nuôi. Tổng hợp thống kê lại tình hình thiệt hại, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét hỗ trợ nếu hội đủ điều kiện theo quy định. Chủ động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ tỉnh Kiên Giang xác định nguyên nhân và giải pháp xử lý.

  2. Công nghiệp:

Chỉ số sản xuất công nghiệp: Tháng 5, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 6,78% so tháng trước, tăng 12,90% so cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, ngành tăng cao nhất là chế biến, chế tạo tăng 6,97%, trong đó: ngành chế biến, bảo quản thủy sản tăng 8,88%, ngành sản xuất xi măng tăng 5,80%; kế đến là ngành khai khoáng tăng 6,09%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 3,96%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 2,15%...

Ước tính 5 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 7,66% so cùng kỳ năm trước, ngành tăng cao nhất là ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 8,85%; Kế đến là ngành chế biến, chế tạo tăng 7,79%, trong đó: ngành sản xuất xi măng tăng 11,35%, ngành chế biến, bảo quản thủy sản tăng 7,10%; Ngành khai khoáng tăng 4,82%; Ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 6,07%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): Tháng 5, ước tính đạt 3.259,49 tỷ đồng, tăng 6,67% so tháng trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3.103,96 tỷ đồng, tăng 6,79%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 92,00 tỷ đồng, tăng 3,96%; ngành khai khoáng đạt 42,19 tỷ đồng, tăng 6,07%. Luỹ kế 5 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành 14.377,94 tỷ đồng, đạt 33,84% kế hoạch năm, tăng 7,77% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 13.677,73 tỷ đồng, chiếm 95,13%/Tổng giá trị sản xuất toàn ngành, tăng 7,85%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước 408,27 tỷ đồng, tăng 6,23%; ngành khai khoáng 191,61 tỷ đồng, tăng 4,87%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải 100,33 tỷ đồng, tăng 8,88% so cùng kỳ.

Một số sản phẩm công nghiệp 5 tháng đầu năm có mức tăng khá cao so cùng kỳ năm trước như: xi măng địa phương 543,76 ngàn tấn, tăng 14,30%; xi măng Trung ương 609,14 ngàn tấn, tăng 8,87%; tôm đông 1.310 tấn, tăng 10,55%; cá hộp 5,58 ngàn tấn, tăng 13,77%; Bia các loại 27.609 ngàn lít, tăng 27,34%...

Chỉ số tiêu thụ:  Toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 4/2017 bằng 91,94% so với tháng trước. Trong đó, ngành sản xuất nước mắm tăng 7,65%, chế biến tôm đông tăng 13,26%; sản xuất xi măng tăng 2,03%... Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành  bằng 90,85% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tiêu thụ 4 tháng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước như: Tôm đông lạnh tăng 28,35%; phi lê cá tăng 5,54%; sản xuất xi măng tăng 7,98%...còn lại các ngành khác giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/5/2017 tăng 5,30% so với tháng trước, tăng 14,78% so với cùng thời điểm năm 2016. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm nhiều so với năm trước như: cá đông lạnh bằng 85,23%, tôm đông lạnh 90,00%, nước mắm bằng 36,17%... Từ những chỉ số trên cho thấy, những tháng đầu năm các doanh nghiệp chế biến thủy sản và sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chủ động trong khâu tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra nhất là mặt hàng nước mắm ở Phú Quốc, Kiên Hải.

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm tháng 1/5/2017 giảm 4,34% so với cùng thời điểm này năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,88%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 8,10%.

3. Vốn đầu tư:

Vốn đầu tư ước thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 5 ước tính 383,00 tỷ đồng, so tháng trước tăng 5,72%. Bao gồm: Vốn cân đối ngân sách địa phương 127,90 tỷ đồng, tăng 1,27%; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương được 36,50 tỷ đồng, tăng 17,39%; vốn khác từ ngân sách 195,20 tỷ đồng, tăng 7,24%; vốn ngoài nước (ODA) 23,4 tỷ đồng, tăng 2,26% so tháng trước. Lũy kế 5 tháng vốn đầu tư ước thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 1.536,56 tỷ đồng, đạt 35,91% kế hoạch năm, giảm 2,46% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vốn cân đối ngân sách địa phương 658,07 tỷ đồng, đạt 31,05% kế hoạch, giảm 6,80% so cùng kỳ; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương 178,56 tỷ đồng, đạt 36,44% kế hoạch, bằng 58,09% so cùng kỳ; vốn khác từ ngân sách 610,05 tỷ đồng, đạt 47,85% kế hoạch, tăng 23,59%; vốn ngoài nước ODA 89,86 tỷ đồng, đạt 46,20% kế hoạch, tăng 31,90% so cùng kỳ.

Tiến độ triển khai đầu tư tại các khu công nghiệp:  Trong tháng, giá trị đầu tư của các dự án đang triển khai sản xuất trong KCN Thạnh Lộc, Thuận Yên ước đạt 23 tỷ đồng, lũy kế từ khi triển khai đến nay là 3.151 tỷ đồng, trong đó:

KCN Thạnh Lộc: Hiện có 06 dự án đưa vào hoạt động sản xuất và 08 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng. Giá trị đầu tư trong tháng là 23 tỷ đồng, lũy kế từ khi triển khai đến nay là 2.915 tỷ đồng.

KCN Thuận Yên: Hiện có dự án Gạch Tuynel Thông Thuận Kiên Giang đã đưa vào hoạt động sản xuất, giá trị đầu tư lũy kế từ khi triển khai đến nay khoảng 236 tỷ đồng.

Công tác xúc tiến đầu tư: Làm việc với Cty TNHH HWASEUNG VINA và Cty CP Thủy sản XNK Côn Đảo. Qua đó, có biên bản làm việc thống nhất giữa Cty TNHH HWASEUNG VINA đồng ý hoàn trả chi phí san lấp mặt bằng cho Cty CP Thủy sản XNK Côn Đảo để Cty TNHH HWASEUNG VINA đầu tư dự án nhà máy sản xuất giày thể thao.

Tiếp nhận hồ sơ đăng ký đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất Bê tông Kiên Giang của Cty CP Đầu tư Xây dựng HUD Kiên Giang trong KCN Thạnh Lộc và ban hành 04 văn bản gửi các sở, ngành lấy ý kiến thẩm định.

Hướng dẫn Công ty TNHH Đại Tín MDT thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư vào KCN Thuận Yên; Cty TNHH HWASEUNG VINA thực hiện thủ tục đầu tư dự án nhà máy sản xuất giày thể thao tại KCN Thạnh Lộc.

4. Thu, chi ngân sách:

Tổng thu ngân sách trên địa bàn: Tháng 5 ước tính thu ngân sách 559,16 tỷ đồng, bằng 57,79 % so tháng trước, tăng 35,88% so cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách 5 tháng  được 4.122,88 tỷ đồng, đạt 46,65% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 2,96%  so cùng kỳ năm 2016. Trong đó: thu nội địa 4.029,22 tỷ đồng, đạt 46,81% dự toán, giảm 3,18% so cùng kỳ, chiếm 97,73% trong tổng thu ngân sách của tỉnh.  Một số các khoản thu đạt dự toán khá cao như: Thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương 110,94 tỷ đồng, đạt 47,21% dự toán, tăng 15,30% so cùng kỳ; thu khu vực công thương nghiệp ngoài nhà nước 1.236,45 tỷ đồng, đạt 39,03% dự toán, tăng 16,32%; thu phí trước bạ 115,41 tỷ đồng,  đạt 41,67% dự toán, tăng 11,46%; thu tiền sử dụng đất 864,76 tỷ đồng, đạt 78,61% dự toán, bằng 99,99% so cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu 55,56 tỷ đồng, đạt 50,51% dự toán, tăng 13,10%…

Tổng chi ngân sách địa phương: Tháng 5 ước tính chi ngân sách địa phương 951,08 tỷ đồng, tăng 9,40% so tháng trước, tăng 42,02% so cùng kỳ. Tính từ đầu năm tổng chi ngân sách  4.338,18 tỷ đồng, đạt 36,35% dự toán năm, tăng 24,22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: chi thường xuyên 2.751,29 tỷ đồng, đạt 37,08% dự toán năm, tăng 10,51%; chi đầu tư phát triển 1.548,78 tỷ đồng, đạt 37,95% dự toán năm, tăng 60,55% so với cùng kỳ.

5. Ngân hàng:

Ước đến 31/5/2017, tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn cụ thể:

Tổng nguồn vốn hoạt động đạt 61.600 tỷ đồng, tăng 1,01% so với tháng trước, tăng 7,38% so với đầu năm. Trong đó, số dư huy động vốn tại địa phương đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 0,80% so với tháng trước, tăng 6,78% so với đầu năm, chiếm 56,82% tổng nguồn vốn hoạt động

Ước doanh số cho vay tháng 5/2017 đạt 8.400 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đến 31/5/2017 ước đạt 48.900 tỷ đồng, tăng 1,23% so với tháng trước và tăng 7,85% so với đầu năm.

Dư nợ xấu ước 580 tỷ đồng, chiếm 1,19%/tổng dư nợ

Doanh số cho vay và dư nợ cho vay tính đến 30/4/2017 của một số lĩnh vực cụ thể như sau:

Doanh số cho vay xuất khẩu tháng 4/2017 đạt 871 tỷ đồng, luỹ kế từ đầu năm đạt 3.159 tỷ đồng; dư nợ 3.687 tỷ đồng, giảm 0,99% so với tháng trước, tăng 1,94% so với đầu năm. Hoạt động cho vay xuất nhập khẩu trong tháng giảm cả ở hai mặt hàng gạo và thuỷ sản. Trong đó: Doanh số cho vay xuất khẩu gạo tháng 4/2017 đạt 176 tỷ đồng, luỹ kế từ đầu năm đạt 601 tỷ đồng; dư nợ 580 tỷ đồng, giảm 3,01% so với tháng trước và giảm 17,15% so với đầu năm; Doanh số cho vay xuất khẩu thủy sản tháng 4/2017 đạt 695 tỷ đồng, luỹ kế từ đầu năm đạt 2.558 tỷ đồng; dư nợ 3.108 tỷ đồng, giảm 0,59% so với tháng trước, nhưng tăng 6,52% so với đầu năm.

Cho vay phát triển thuỷ sản theo Nghị định 67, tính đến 30/4/2017, trên địa bàn tỉnh có 34 tàu được ký hợp đồng tín dụng và giải ngân (đóng mới 31 tàu: 24 tàu cá và 7 tàu dịch vụ hậu cần; nâng cấp 3 tàu), tổng số tiền cam kết cho vay là 222,17 tỷ đồng; trong tháng tiếp tục giải ngân thêm 1,04 tỷ đồng, nâng tổng số tiền đã giải ngân đạt 176,98 tỷ đồng; dư nợ đạt 172,71 tỷ đồng. Hiện có 22/34 tàu đã hạ thuỷ.

Dư nợ cho vay theo các chương trình tín dụng qua Ngân hàng chính sách xã hội đạt 2.677 tỷ đồng, giảm 0,22% so với tháng trước, nhưng tăng 2,41% so với đầu năm.

6. Thương mại - dịch vụ:

a. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính tháng 5 đạt 6.903,67 tỷ đồng, tăng 2,82% so tháng trước, tăng 18,23% so cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được 34.531,10 tỷ đồng, đạt 41,35% kế hoạch và tăng 18,19% so cùng kỳ năm trước. Trong đó:

* Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tháng 5 ước tính 5.263,71 tỷ đồng,  tăng 3,64% so tháng trước, tăng 15,72% so cùng kỳ.  Lũy kế 5 tháng ước tính 25.752,80 tỷ đồng, đạt 41,24% kế hoạch, tăng 13,63% so cùng kỳ.

* Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống: tháng 5 ước tính 878,49 tỷ đồng,  tăng 4,78% so tháng trước. Luỹ kế 5 tháng 4.490,35 tỷ đồng, đạt 41,58% so kế hoạch, tăng 46,38% so cùng kỳ năm trước. Chia ra:

Doanh thu dịch vụ lưu trú trong tháng ước tính 178,51 tỷ đồng,  tăng 8,20% so tháng trước. Luỹ kế 5 tháng 940,31 tỷ đồng, tăng 38,49% so cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ ăn uống: Thực hiện tháng 5 ước được 699,98 tỷ đồng, tăng 3,94% so tháng trước. Luỹ kế 5 tháng 3.550,04 tỷ đồng, tăng 48,62% so cùng kỳ năm trước

* Doanh thu du lịch lữ hành: Tháng 5 ước tính 19,08 tỷ đồng, tăng 6,50% so tháng trước. Luỹ kế 5 tháng doanh thu du lịch lữ hành được 65,04 tỷ đồng, đạt 26,02% so kế hoạch, tăng 21,46% so cùng kỳ năm trước.

* Doanh thu dịch vụ khác: Tháng 5 thực hiện  ước đạt 742,39 tỷ đồng, giảm 4,76% so với tháng trước. Một số nhóm doanh thu dịch vụ tăng nhẹ như: dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 5,55%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 2,14%; dịch vụ sửa chữa tăng 3,88%... Riêng nhóm dịch vụ vui chơi, giải trí giảm 21,25 đã ảnh hưởng đến doanh thu hoạt động dịch vụ trong tháng giảm nhẹ cao so tháng trước.

Tính chung 5 tháng doanh thu các hoạt động dịch vụ ước thực hiện 4.222,90 tỷ đồng, đạt 42,23% so kế hoạch, tăng 23,09% so cùng kỳ năm trước. Đa số các hoạt động dịch vụ doanh thu đều tăng khá cao như: nhóm dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội tăng cao nhất 48,48%; nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 40,01%; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 17,53%;  nhóm dịch vụ sửa chữa đồ dùng cá nhân gia đình tăng 14,19%...

b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa:

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu: Tháng 5 dự tính đạt 35,09 triệu USD, tăng 32,35% so với tháng trước, tăng 25,04% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Hàng nông sản 16,93 triệu USD, tăng 54,35% so tháng trước; hàng thủy sản 15,73 triệu USD, tăng 17,26%; hàng hóa khác 2,42 triệu USD, tăng 14,00%.

Luỹ kế 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu thực hiện được 137,89 triệu USD, đạt 34,47% kế hoạch năm, giảm 8,85% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Hàng nông sản 65,51 triệu USD, đạt 29,12% kế hoạch năm, giảm 31,72% so cùng kỳ; hàng thủy sản 62,08 triệu USD, đạt 42,82% kế hoạch, tăng 29,66% ; hàng hóa khác (như bột mì, mì ăn liền, bao PP, dầu ăn …) là 10,28 triệu USD, đạt 34,29% kế hoạch, tăng 38,51% so cùng kỳ năm trước.

Các Công ty xuất khẩu gạo của tỉnh dự kiến xuất trong tháng 5 là 36.676 tấn, trị giá gần 16 triệu USD. Bao gồm:  Công ty Du lịch- Thương mại dự kiến xuất 19.833 tấn, trị giá trên 8,8 triệu USD; Công ty cổ phần kinh doanh nông sản ước xuất 733 tấn, trị giá trên 267 ngàn USD; Công ty xuất nhập khẩu Kiên Giang dự kiến xuất 13.113 tấn, trị giá trên 5,8 triệu USD. Công ty Dịch vụ thương mại dự kiến xuất 3.000 tấn, trị giá 1 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu: Nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước tính đạt 5,98 triệu USD, bằng 100,69% so tháng trước. Tính chung 5 tháng đạt 28,24 triệu USD, đạt 56,49% kế hoạch năm, giảm 6,60% so cùng kỳ năm 2016.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dùng cho sản xuất gồm: thạch cao, giấy Kratp, hạt nhựa và sắt làm lưỡi câu mực, trục xoay câu mực...

c. Chỉ số giá:

Chỉ số giá tiêu dùng: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 05 năm 2017 giảm 0,74% so với tháng trước; tăng 3,5% so cùng kỳ năm trước; tăng 2,43% so với tháng 12 năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính chỉ có 2 nhóm hàng là: nhóm hàng Bưu chính viễn thông và nhóm hàng Thuốc và dịch vụ y tế không thay đổi so với tháng trước; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng rất ít (+0,06%); các nhóm hàng còn lại đều giảm, trong đó nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất (-1,69%) và nhóm hàng Đồ uống và thuốc lá giảm ít nhất (-0,01%).

Chỉ số giá vàng: giảm so với tháng trước (-0,87%), so với cùng tháng năm trước tăng (+1,31%) và tăng (+5,84%) so với bình quân cùng kỳ.

Chỉ số giá Đô la Mỹ: tăng so với tháng trước (+0,10%), so với cùng tháng năm trước tăng (+2,24%). Giá USD bình quân tháng 05/2017 tăng (+2,21%).

d. Vận tải:

Vận tải hành khách: Tháng 5 vận tải hành khách ước đạt 6,42 triệu lượt khách, tăng 2,18% so tháng trước; luân chuyển 441,09 triệu HK.km, tăng 2,16% so tháng trước. Lũy kế 5 tháng vận tải hành khách ước tính 31,21 triệu lượt khách, đạt 41,14% kế hoạch, tăng 8,67% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 2.162,22 triệu HK.km, đạt 48,68%  kế hoạch, tăng 8,22% so cùng kỳ. Bao gồm: Vận tải hành khách đường bộ 25,18 triệu lượt khách, tăng 8,72% so cùng kỳ, luân chuyển 1.729,61 triệu lượt khách.km, tăng 7,89% so cùng kỳ; Vận tải hành khách đường sông 5,07 triệu lượt khách, tăng 6,57%, luân chuyển 324,35 triệu lượt khách.km, tăng 6,90%; Vận tải hành khách đường biển 0,95 triệu lượt khách, tăng 19,67%, luân chuyển 108,26 triệu lượt khách.km, tăng 18,39% so cùng kỳ năm trước.

Vận tải hàng hóa: Tháng 5 vận tải hàng hóa ước tính 836 ngàn tấn, tăng 2,20% so tháng trước; luân chuyển 112,54 triệu tấn.km, tăng 2,21% so tháng trước. Lũy kế 5 tháng vận tải hàng hóa ước tính 4,32 triệu tấn, đạt 40,17% kế hoạch năm,

tăng 8,35% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 575,10 triệu tấn.km, đạt 39,65% kế hoạch, tăng 7,93% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vận tải hàng hóa đường bộ 1,35 triệu tấn, tăng 8,92% so cùng kỳ, luân chuyển 183,41 triệu tấn.km, tăng 7,29%; Vận tải hàng hóa đường sông 1,74 triệu tấn, tăng 6,09%, luân chuyển 218,40 triệu tấn.km, tăng 5,90% so với cùng kỳ; Vận tải hàng hóa đường biển 1,22 triệu tấn, tăng 11,09%, luân chuyển 173,28 triệu tấn.km, tăng 11,31% so cùng kỳ năm trước.

e. Du lịch:

Tổng lượt khách du lịch tháng 5 ước tính 495,74 ngàn lượt khách, tăng 1,91% so tháng trước, trong đó: Số lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch, đạt 245,58 ngàn lượt khách, tăng 6,37% so với tháng trước; số khách quốc tế đạt 33,33 ngàn lượt khách, tăng 4,73% so với tháng trước. Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch bao gồm: Số lượt khách từ cơ sở lưu trú du lịch phục vụ đạt 234,95 ngàn lượt khách, tăng 6,33% so tháng trước và số lượt khách du lịch đi theo tour đạt 10,63 ngàn lượt khách, tăng 7,26% so tháng trước.

Tính từ đầu năm, tổng lượt khách du lịch dự kiến 2.469,5 ngàn lượt khách, đạt 42,43% kế hoạch năm, tăng 3,63% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch 1.094,16 ngàn lượt khách, tăng 2,28% so cùng kỳ. Số khách quốc tế đạt 173,48 ngàn lượt khách, tăng 13,30% so với cùng kỳ. Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch bao gồm: khách cơ sở lưu trú du lịch phục vụ đạt 1.040,13 ngàn lượt khách, tăng 2,39% và khách du lịch đi theo tour đạt 54,02 ngàn lượt khách, tăng 0,14% so cùng kỳ năm 2016.

7. Một số tình hình xã hội

7.1. Lao động, việc làm: Tháng 5/2017 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 3.591 lượt lao động, trong đó: trong tỉnh 1.775 lượt lao động, ngoài tỉnh 1.806 lượt lao động, xuất khẩu 10 lao động; Lũy kế đầu năm đến nay là 14.664 lượt lao động, đạt 41,90% so kế hoạch (trong tỉnh 7.156 lượt lao động; ngoài tỉnh 7.478 lượt lao động; xuất khẩu 30 lao động). Cấp mới 06 giấy phép lao động người nước ngoài; Cấp lại 02 giấy phép lao động; Xác nhận 01 lao động người nước ngoài.

Trung tâm Dịch vụ việc làm: Đã tư vấn việc làm cho 2.962 lượt lao động (lũy kế 12.135 lượt lao động), có việc làm ổn định 2.433 lao động. Giải quyết trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho 348 lao động (lũy kế 1.836). Tổ chức phiên giao dịch việc làm lần thứ 3 và 4/2017 tại huyện An Minh và Giồng Riềng.

Công tác đào tạo nghề: Trong tháng các cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho 1.293 người, trong đó Sơ cấp 466 người, dạy nghề dưới 03 tháng 827 người. Luỹ kế từ đầu năm đến nay là 8.411 người, đạt 34% so với kế hoạch, trong đó: Cao đẳng nghề 1.295 người; trung cấp nghề 664 người; Sơ cấp nghề 1.443 người, dạy nghề dưới 03 tháng 5.009 người.

7.2. Tình hình giáo dục:

Giáo dục Mầm non: Phối hợp với Phòng Khảo thí & KĐCLGD thành lập 02 đoàn đánh giá ngoài. Hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận trường mầm non đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.  Tham gia lớp tập huấn tổ chức hướng dẫn thực hành áp dụng các mô đun ưu tiên phát triển chuyên môn cho CBQL và giáo viên mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Phối hợp với các phòng chuyên môn Sở kiểm tra công tác bồi dưỡng thường xuyên Cán bộ quản lý giáo dục năm học 2016 - 2017 của 15 huyện, thị xã và thành phố.

Giáo dục tiểu học: Hoàn thành đánh giá ngoài 4 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Thống kê, tổng hợp kết quả và đánh giá kết quả khảo sát đọc, viết và Khảo sát môn Tiếng Anh lớp 5. Báo cáo số liệu học sinh phổ thông trên địa bàn để đưa vào đề xuất hỗ trợ 10% mức đóng BHYT từ ngân sách địa phương. Kiểm tra, đánh giá trường học Xanh - Sạch - Đẹp và An toàn, kiểm tra các hoạt động giáo dục mầm non, tiểu học và THCS tại huyện Hòn Đất, huyện Giang Thành và An Minh. Tổ chức Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tiểu học, kết quả công nhận 108 GV đạt danh hiệu “Giáo viên chủ nhiệm giỏi”. Kiểm tra thẩm định trường chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận.

Giáo dục trung học: Tổ chức tốt kỳ thi đánh giá năng lực học sinh lớp 12 học chương trình Tiếng Anh thí điểm cấp THPT năm 2016 của 10 trường THPT tham gia thí điểm tại 04 hội đồng thi theo kế hoạch của Bộ GDĐT. Chuẩn bị công tác tham gia Hội khỏe Phù Đổng Khu vực V tại Cần Thơ. Phối hợp với Phòng Khảo thí và KĐCLGD tổ chức tốt Kỳ thi thử THPT quốc gia đối với học sinh lớp 12 của các trường THPT và TTGDTX. Kiểm tra kỹ thuật và chuẩn bị các điều kiện thẩm định công nhận đạt chuẩn quốc gia trường THCS Nguyễn Du-Rạch Giá và thẩm định công nhận 3 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học và công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia tại 09 điểm thi thuộc Cụm thi Tốt nghiệp. Tổng hợp số liệu, báo cáo tổng kết năm học 2016-2017.

7.3. Tình hình văn hóa, nghệ thuật, thể thao: Trong tháng đã tập trung tuyên truyền, tổ chức tốt các hoạt động như hưởng ứng “Tháng hành động Quốc gia vì an toàn thực phẩm” năm 2017, kỷ niệm 131 năm Ngày Quốc tế lao động (01/5), kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2017), kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2017), kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2017). Phối hợp đăng cai tổ chức 02 môn: Bóng chuyền bãi biển nữ và Thể dục thể hình - Fitness tại Đại hội Thể dục Thể thao Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VII - Bến Tre năm 2017. Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các hoạt động truyền thông nhân Kỷ niệm 16 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2017) và Tháng hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình, lồng ghép với triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Thể dục thể thao quần chúng: Tiếp tục theo dõi, hỗ trợ chuyên môn tổ chức Đại hội Thể dục Thể thao các cấp tỉnh Kiên Giang lần thứ VIII năm 2017 - 2018 cho các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Phối hợp tổ chức lớp tập huấn “Cứu hộ, cứu đuối” cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thể thao trên địa bàn huyện Phú Quốc. Hỗ trợ huyện Hòn Đất tổ chức giải Bóng chuyền hơi tại Đại hội Thể dục Thể thao huyện. Hỗ trợ Công an tỉnh công tác chuyên môn, trọng tài giải Cầu lông khối cảnh sát và công tác kiểm tra rèn luyện thể lực năm 2017.

Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao (Du lịch)  các huyện, thị xã và thành phố tổ chức các giải thi đấu như: Bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, đá cầu lưới, cầu lông, cờ tướng, bóng bàn, dẫn bóng qua cọc, ném bóng vào rổ, kéo co, thể dục dưỡng sinh, chạy xe đạp chậm và các trò chơi dân gian... nhân dịp các ngày lễ trong tháng, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia hưởng ứng và thi đấu.

Thể thao thành tích cao: Phối hợp đăng cai tổ chức 02 môn tại Đại hội Thể dục Thể thao Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VII năm 2017: Giải Bóng chuyền bãi biển nữ (quy tụ 10 đôi vận động viên đến từ 06 tỉnh, thành phố trong khu vực về tham dự; kết quả: Sóc Trăng đạt HCV, Kiên Giang đạt HCB và Cần Thơ đạt HCĐ) và giải Thể dục thể hình - Fitness (quy tụ các vận động viên đến từ 09 tỉnh, thành phố trong khu vực về tham dự; gồm 18 nội dung thi đấu: Các hạng cân thể hình nam, nữ, nam - nữ phối hợp, Body, Body - Fitness, vô địch tuyệt đối nam và vô địch tuyệt đối nữ; kết quả: An Giang đạt hạng I, Kiên Giang đạt hạng II và Cà Mau đạt hạng III). Phối hợp tổ chức giải Tour xe đạp toàn quốc về nông thôn tranh cúp Gạo Hạt Ngọc Trời lần thứ 22 năm 2017 (chặng 9). Tham dự các giải: Cờ vua kiện tướng quốc tế JAPFA tại Indonesia; giải Quần vợt đồng đội toàn quốc tại Đà Nẵng; giải Bóng chuyền bãi biển nữ, Thể dục thể hình - Fitness, Vovinam, Karatedo, Điền kinh và Bóng đá tại Đại hội Thể dục Thể thao Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VII - Bến Tre năm 2017.

7.4. Tình hình y tế:

Trong tháng, các cơ sở y tế trong tỉnh đã khám, điều trị bệnh cho 401.006 lượt người; điều trị nội trú 20.663 bệnh nhân; công suất sử dụng giường bệnh chung là 87,43%; Tỷ lệ khỏi bệnh 82,05%, tỷ lệ tử vong 0,13%.

Số lượt khám chữa bệnh bằng YH Cổ truyền hoặc kết hợp YH hiện đại và YHCT là 53.983 lượt, chiếm 13,46 %/ tổng số lượt khám chữa bệnh trong tháng.

Tình hình dịch bệnh trong tháng (từ ngày 10/04/2017 – 07/05/2017):

Bệnh Sốt xuất huyết: trong tháng toàn tỉnh ghi nhận có 95 cas mắc, tăng 12 cas so với tháng trước. Tích lũy từ đầu năm đến nay là 308 cas mắc, không có tử vong; so với cùng kỳ năm 2016 giảm 06 cas.

Bệnh Tay Chân Miệng có xu hướng giảm, toàn tỉnh  có 129 cas mắc, tăng 57 cas so với tháng trước. Tích lũy số mắc từ đầu năm đến nay là 297 cas mắc, không có tử vong; so với cùng kỳ năm 2016 tăng 50 cas.

Các bệnh truyền nhiễm khác: Bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm mạnh cụ thể: Số cas mắc trong tháng/lũy kế từ đầu năm như sau: Tả (0/0), Thương hàn (2/5), Viêm não virus (1/6), Viêm màng não do NMC (0/0), Cúm A H5N1 (0), Sởi (0).  

Chương trình phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng thực hiện xét nghiệm 6.090 mẫu máu, phát hiện mới 09 cas HIV dương tính. Trong tháng, điều trị ARV cho 37 bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó không có trẻ em dưới 15 tuổi. Tích lũy số bệnh nhân điều trị ARV là 1.378 người, trong đó có 100 trẻ dưới 15 tuổi. Tính đến thời điểm báo cáo, số người còn sống ở địa phương nhiễm HIV là 2.083 người, trong giai đoạn AIDS là 1.394 người.

Số người điều trị Methadone mới trong tháng là 03 người, lũy kế có 70 người đang điều trị.

Phòng, chống các bệnh xã hội và bệnh nguy hiểm cho cộng đồng

Trong tháng phát hiện 02 BN phong, 212 BN lao, 04 BN tâm thần phân liệt và 03 BN động kinh. Điều trị khỏi bệnh 197 BN lao. Số quản lý đến nay là 428 BN phong, 3.693 BN lao, 2.178 BN tâm thần phân liệt và 2.693 BN động kinh.

Công tác vệ sinh An toàn thực phẩm: Trong tháng đã thẩm định, cấp 30 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ký 05 Bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; công bố 21 hồ sơ hợp quy, xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP. Thực hiện thanh tra, kiểm tra 1.464 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có 191 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP, qua đó đã xử lý 01 cơ sở bằng hình thức phạt tiền 10 triệu đồng, nhắc nhở 190 cơ sở và hướng dẫn cho các cơ sở thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh.

Trong tháng không có vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào xảy ra, có 27 cas ngộ độc thực phẩm mắc lẻ (26 cas do ngộ độc của cồn, 01 cas do ăn đồ biển).

- Bảo hiểm xã hội: Theo báo cáo của ngành BHXH tỉnh, tháng 5/2017 toàn tỉnh có 1.360.129 người đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN, trong đó: số người tham gia BHXH bắt buộc 80.488 người, tham gia BHXH tự nguyện là 3.874 người; tham gia BHTN là 67.537 người; tham gia BHYT là 1.356.255 người. Giải quyết chế độ BHXH cho 2.408 người, tăng 68 người so cùng kỳ tháng trước, lũy kế 5.418 người.

7.5. Tình hình an toàn giao thông: Tính từ ngày 16/4/2017 đến 15/5/2017 trên toàn tỉnh xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông, làm 06 người chết, 16 người bị thương. Trong đó: Số vụ TNGT nghiêm trọng 12 vụ, làm 06 người chết và 07 người bị thương. So với tháng trước số vụ TNGT tăng 11 vụ, số người chết không tăng, không giảm, số người bị thương tăng 11 người. Tính từ đầu năm, xảy ra 92 vụ tai nạn giao thông, làm 46 người chết, 67 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, giảm 21 vụ; giảm 20 người chết và giảm 27 người bị thương. Tình hình tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm cả 3 tiêu chí, điều này đã nói lên sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành chức năng cũng như việc ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong tháng 5/2017, tại một số địa phương trong tỉnh số vụ tai nạn nghiêm trọng có chiều hướng tăng hơn những tháng trước như huyện Phú Quốc 05 vụ, 02 người chết; Vĩnh Thuận 02 vụ, 02 người chết; Kiên Lương 2 vụ, 01 người chết, nguyên nhân  chủ yếu là do ý thức của một số người khi tham gia giao thông không tuân thủ quy định an toàn giao thông như lấn đường, sử dụng rượu bia, không chú ý quan sát…đề nghị các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền kết hợp với kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao văn hóa giao thông cho người dân khi tham gia giao thông.

 7.6. Tình hình cháy, nổ và thiên tai:

Tình hình cháy nổ: Từ ngày 16/04/2017 đến 15/05/2017 toàn tỉnh xảy ra 06 vụ cháy, (gồm các huyện Châu Thành 01 vụ, An Biên 01 vụ, Vĩnh Thuận 01 vụ, TP Rạch Giá 03 vụ), thiệt hại do cháy gây ra ước tính 1 tỷ 665 triệu đồng, không có thiệt hại về người. không có vụ nổ nào xảy ra. Nguyên nhân cháy: Do chập điện 04 vụ, trẻ em nghịch lửa 01 vụ, 01 vụ đang trong quá trình điều tra.

Lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 22 vụ cháy, không có vụ nổ xảy ra, làm 01 người thiệt mạng, không có người bị thương. Thiệt hại ước tính lũy kế 17 tỷ 963 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: Từ ngày 16/4 đến 15/5/2017, do thời tiết chuyển mùa trên địa bàn tỉnh đã xảy ra những cơn mưa giông kèm lốc xoáy đã làm sập 01 căn nhà và tốc mái 02 căn nhà tại Xã Thuận Yên và Mỹ Đức thị xã Hà Tiên; ước thiệt hại 150 triệu đồng. Huyện Giồng Riềng sập 01 căn Kiol ở chợ Ngọc Thành, 01 căn nhà ở Xã Hòa Thuận; ước thiệt hại 270 triệu đồng. Huyện U Minh Thượng sập 05 căn nhà; tốc mái 11 căn nhà tại Xã Minh Thuận; ước thiệt hại 210 triệu đồng. Huyện Hòn Đất sập 13 căn nhà và tốc mái 60 căn; ước thiệt hại 1 tỷ 400 triệu.

Tính lũy kế 5 tháng toàn tỉnh do mưa và giông lóc làm sập 41 căn nhà,tốc mái 96 căn; ước thiệt hại là 2 tỷ 990 triệu đồng.

Các cấp chính quyền đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tiền và hiện vật cho những gia đình bị nạn để bà con khắc phục khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống./.

Tải về:  - Số liệu KTXH tháng 5 và 5 tháng năm 2017

              - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 năm 2017

Số lần đọc: 2305
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan