30.03.2020
Quí I năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh ta phát triển ổn định, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm hơn so cùng kỳ, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản do thời tiết thuận lợi nên có mức tăng trưởng khá; đời sống nhân dân được cải thiện, dịch bệnh được kiểm soát; an ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, diễn biến tình hình dịch viêm phổi cấp Covid-19 diễn ra rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường và chưa dự báo được đỉnh dịch, thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là sự gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, cũng như sản xuất kinh doanh, dịch vụ làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh. Ở một số lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn: Khách du lịch đến địa phương giảm mạnh dẫn đến doanh thu của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm theo; hoạt động kinh doanh bất động sản có phần bị chựng lại; một số sản phẩm công nghiệp như: mặt hàng Bia, Xi măng, chế biến thủy, hải sản… giảm so cùng kỳ; một vài nguồn thu chưa đạt kế hoạch... Cụ thể từng lĩnh vực như sau: 1. Tăng trưởng kinh tế Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)[1] quý I năm 2020 (giá so sánh 2010) ước tính 13.073,40 tỷ đồng, đạt 18,22% kế hoạch năm, tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tăng trưởng của quý I các năm 2016 - 2019[2]. Chia ra : Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản: Tổng giá trị tăng thêm (VA) ước tính 2.821,70 tỷ đồng, đạt 12,59% kế hoạch, tăng 3,80% so cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung khu vực I tăng 0,82 điểm phần trăm, trong đó: Giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp 1.374,75 tỷ đồng, tăng 3,47% so cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng 0,36 điểm phần trăm; ngành thủy sản ước đạt 1.411,62 tỷ đồng, tăng 4,22%, đóng góp cho tăng trưởng là 0,46 điểm phần trăm. Tăng trưởng khu vực I quý I giảm so với cùng kỳ 5,42%, trong đó nông nghiệp giảm hơn 4,24%, do sản lượng lúa vụ mùa tăng thấp so cùng kỳ[3]; ngành thủy sản giảm 6,77% là do giá trị khai thác hải sản giảm 1,72% nhưng giá trị nuôi trồng tăng 14,99% nhưng vẫn còn thấp (quý I/ 2019 tăng 21,18%) nên không thể bù đắp được. Khu vực công nghiệp và xây dựng: Tổng giá trị tăng thêm ước tính 3.154,7 tỷ đồng, đạt 22,29% kế hoạch, tăng 2,93% so cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung khu vực II là 0,71 điểm phần trăm, trong đó lĩnh vực công nghiệp ước đạt 2.064,98 tỷ đồng, tăng 2,27% so cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng là 0,36 điểm phần trăm; ngành xây dựng 1.089,72 tỷ đồng, tăng 4,21%. Ở khu vực II tốc độ tăng trưởng cũng giảm so cùng kỳ (giảm 3,04%), chủ yếu là ngành công nghiệp chế biến do ảnh hưởng kép của dịch bệnh Covid-19 và Nghị định 100/NĐ-CP nên giá trị đã giảm 6,91% so cùng kỳ dẫn đến khu vực này đạt thấp. Khu vực dịch vụ: Tổng giá trị tăng thêm ước thực hiện 6.700,55 tỷ đồng, đạt 20,98% kế hoạch, tăng 3,11% so cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung 1,60 điểm phần trăm. Khu vực III đóng góp cho tăng trưởng giảm so cùng kỳ là 4,53% (Mức tăng thấp nhất từ trước đến nay), Hầu hết các ngành dịch vụ do ảnh hưởng kép của dịch bệnh Covid-19 và Nghị định 100/NĐ-CP nên đều có mức tăng thấp hơn so quý I/2019; đặc biệt các ngành như : Dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 3,71%; dịch vụ du lịch giảm trên 40%; vận tải giảm 2,74%...đã làm giá trị tăng thêm khu vực này giảm mạnh so quý I/2019. 2. Tài chính, ngân hàng 2.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước Tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng Ba ước tính đạt 748,48 tỷ đồng, bằng 45,62% so tháng trước, giảm 11,48% so cùng tháng năm trước. Tổng thu ngân sách quý I, dự kiến 4.160,13 tỷ đồng, đạt 36,05% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 24,79% so cùng kỳ.[4] Một số khoản thu đạt cao so với dự toán như thu tiền sử dụng đất 486,9 tỷ đồng, đạt 48,69% dự toán, nhưng chỉ bằng 61,53% so cùng kỳ; thu phí, lệ phí 55,18 tỷ đồng, đạt 30,66% dự toán, tăng 3,74%; thu từ xổ số kiến thiết 721,77 tỷ đồng, đạt 48,44% dự toán... Tuy nhiên, còn các khoản thu đạt thấp so với dự toán như thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 20,68% dự toán và bằng 94,12% so cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp nhà nước TW đạt 18,34% dự toán, bằng 72,86% so cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ đạt 18,90% dự toán, bằng 84,86% cùng kỳ... Tổng chi ngân sách địa phương tháng Ba ước tính 1.410,05 tỷ đồng, tăng 14,44% so cùng tháng năm trước. Tổng chi ngân sách quý I dự kiến là 2.795,46 tỷ đồng, đạt 16,96% dự toán, tăng 12,57% so với quý I năm trước. Trong đó: chi thường xuyên 2.240,6 tỷ đồng, đạt 24,26% dự toán, tăng 24,88%; chi đầu tư phát triển 554,86 tỷ đồng, đạt 14,51% dự toán và giảm 19,49% so với quý I năm trước. 2.2. Hoạt động Ngân hàng Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh quý I/2020 duy trì ổn định. Tổng nguồn vốn hoạt động có sự tăng trưởng (giảm ở 2 tháng đầu, tăng ở tháng thứ 3), nhưng tỷ trọng tăng thấp hơn cùng kỳ. Tổng nguồn vốn hoạt động đạt 96.300 tỷ đồng, tăng 0,31% so đầu năm (cùng kỳ 2019 tăng 3,17%), tăng 11,77% so cùng kỳ. Trong đó, vốn huy động tại địa phương đạt 50.500 tỷ đồng (chiếm 52,44% tổng nguồn vốn hoạt động), giảm 0,03% so đầu năm (cùng kỳ 2019 tăng 1,15%), tăng 8,71% so cùng kỳ. Trước diễn biến và ảnh hưởng ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ khách hàng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Hoạt động tín dụng trong quý I tăng trưởng (giảm nhẹ tháng đầu quý nhưng tăng hai tháng tiếp theo) nhưng mức tăng thấp hơn cùng kỳ. Ước đến cuối quý I/2020, doanh số cho vay đạt 32.500 tỷ đồng. Dư nợ cho vay ước đạt 80.800 tỷ đồng, tăng 0,68% so đầu năm (cùng kỳ 2019 tăng 4,45%) và tăng 12,74% so cùng kỳ. Nợ xấu nội bảng ước 750 tỷ đồng, chiếm 0,93%/tổng dư nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trên địa bàn khá ổn định. Tỷ giá vàng và ngoại tệ diễn biến theo xu hướng chung của cả nước và thế giới. 3. Đầu tư và xây dựng Thực hiện giải ngân vốn đầu tư XDCB ước thực hiện quí I/2020 đạt thấp so kế hoạch đề ra, do các tháng đầu năm chủ yếu giải ngân nguồn vốn của các công trình chuyển tiếp của năm 2019. Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Ba (Số giải ngân đến 15/3/2020) ước tính 333,88 tỷ đồng, tăng 86,44% so cùng tháng năm trước. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách địa phương 45,93 tỷ đồng, giảm 43,47%. Tính chung quý I, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước ước thực hiện 397,30 tỷ đồng, đạt 6,50% kế hoạch năm, tăng 6,16% so cùng kỳ. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách địa phương 68,55 tỷ đồng, đạt 2,94% kế hoạch, bằng 39,43%; vốn xổ số kiến thiết được 26,55 tỷ đồng, đạt 1,78% kế hoạch, bằng 78,82% so cùng kỳ. 4. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 4.1. Nông nghiệp Vụ Mùa (2019-2020): Diện tích gieo trồng lúa mùa được 62.610 ha[5], đạt 94,86 % kế hoạch, giảm 2,29% (giảm 1.465 ha) so với vụ Mùa năm trước. Đến nay đã thu hoạch xong, năng suất đạt 5,14 tấn/ha, sản lượng 321.625 tấn, tăng 0,75% so với vụ mùa năm trước (tăng 2.334 tấn). Vụ Đông Xuân (2019-2020): Lúa vụ Đông xuân, toàn tỉnh đã gieo trồng dứt điểm được 289.837 ha[6], vượt 0,29% kế hoạch, tăng 0,26% (tăng 743 ha). Thời tiết, mùa vụ lúa đông xuân năm nay không mấy thuận lợi, lũ năm 2019 ở mức thấp đã hạn chế lượng phù sa, hơn nữa mùa khô năm nay diễn ra sớm, xâm nhập mặn sâu và gay gắt. Tuy nhiên, trước tình hình trên các ngành chức năng của tỉnh đã có sự chuẩn bị khá tốt để đối phó với hạn mặn, nên đã hạn chế đáng kể mức độ thiệt hại do hạn mặn gây ra, diện tích bị thiệt hại không nhiều. Theo báo cáo của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật đến ngày 17/3/2020 diện tích bị nhiễm mặn trên lúa Đông xuân là 3.567 ha (huyện Hòn Đất 2.975 ha, Kiên Lương 592 ha) trong đó diện tích bị nhiễm mặn dưới 30% là 310 ha, từ 30 -70% là 1.661 ha, trên 70% là 1.596 ha. Lúa đông xuân năm nay nhìn chung ít sâu bệnh gây hại hơn năm trước, đến nay diện tích bị nhiễm sâu bệnh 27.046 ha. Các đối tượng gây hại chủ yếu gồm Cháy bìa lá 4.312 ha, Rầy nâu 1.307 ha, Rầy phấn trắng 2.220 ha, Lem lét hạt 12.930 ha, Đạo ôn cổ bông 3.107 ha,Vàng lá 2.115 ha, ngoài ra còn các đối tượng khác như sâu đục thân, muỗi hành, nhện vé cũng xuất hiện ở một vài nơi và gây hại ở mức độ thấp. Cây rau màu: Cùng với cây ăn trái, các loại cây rau màu đang được tỉnh định hướng là cây trồng cần được chuyển dịch tăng diện tích để giảm thế độc canh cây lúa. Tuy nhiên, trồng rau màu đòi hỏi phải có kỷ thuật và công chăm sóc nhiều hơn. Hiện diện tích các loại rau màu đang có xu hướng tăng lên, nhưng nhiều loại rau màu diện tích trồng vẫn còn thấp, sản xuất chưa đủ cho nhu cầu tiêu thụ tại địa phương. Tính từ đầu năm đến nay, bà con nông dân gieo trồng các loại cây màu chủ yếu như: Dưa hấu trồng 607 ha, đạt 43,36% kế hoạch năm, giảm 13,29% so cùng kỳ; khoai lang 713 ha, đạt 47,53% so kế hoạch, tăng 22,93%; rau đậu các loại 5.524 ha, đạt 58,15% so kế hoạch, tăng 32,47%... Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi đang hết sức khó khăn trước diễn biến của dịch bệnh, trong khi dịch tả heo Châu Phi chưa dứt thì nguy cơ tái phát cúm gia cầm đã xuất hiện. Tuy tỉnh ta chưa xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm nào, nhưng nguy cơ rất lớn, cần phải có biện pháp phòng tránh hữu hiệu để nông dân yên tâm ổn định và phát triển đàn gia cầm. Theo kết quả điều tra chăn nuôi 01/1/2020, đàn trâu hiện có 4.445 con, giảm 9,17% (giảm 449 con) so cùng kỳ; Đàn bò 11.552 con, giảm 9,08 % (giảm 1.154 con); Đàn heo hiện có 186.797 con, giảm 43,10% (giảm 141.492 con). Đàn gia cầm 4.092 nghìn con, giảm 7,78% (giảm 345 nghìn con). Đàn heo giảm mạnh, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi xảy ra từ giữa năm 2019. Trong Quý I/2020 có 66 con mắc bệnh và tiêu hủy ở các xã của huyện Giồng Riềng. Tính từ ngày 18/5/2019 đến ngày 15/3/2020 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3.812 hộ có chăn nuôi heo mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi tại 713 ấp, khu phố, 129 xã, phường, thị trấn thuộc 15 huyện, thành phố, đã tiêu hủy 49.066 con. Hiện nay, tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể, đến nay có 124 xã và 14 huyện qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch, đã có14 huyện, thành phố công bố hết dịch. Tuy nhiên, nguy cơ các ổ dịch tiếp tục phát sinh vẩn ở mức cao, vì vậy công tác phòng chống dịch phải quyết liệt, kiên trì, cần hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt khâu vệ sinh tiêu độc khử trùng, vận động, khuyến khích áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. 4.2. Lâm nghiệp Thời tiết hiện nay đang giai đoạn khô hạn gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, các ngành chức năng cần phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng chống cháy rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, đồng thời duy trì thường xuyên công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Qua công tác tuần tra, truy quét đã phát hiện và lập biên bản 41 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp[7]. Trong quý I đã xảy ra 03 vụ cháy rừng, trong đó 01 vụ cháy rừng đặc dụng, diện tích 6,786 ha; 02 vụ cháy rừng phòng hộ, diện tích 36,71 ha. Tổng diện tích rừng bị cháy 43,496 ha; diện tích thiệt hại 16,71 ha thuộc rừng tràm trồng năm 2003-2004 của sư đoàn BB330 quản lý; các vụ còn lại chỉ cháy lan, cháy lướt, cháy đồng cỏ…nên không gây thiệt hại. 4.3. Thủy sản Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): Tháng Ba ước đạt 2.140,72 tỷ đồng, tăng 6,44% so với tháng trước, tăng 8,56% so với cùng tháng năm trước[8]. Tính chung quý I giá trị sản xuất khai thác và nuôi trồng đạt 6.191,31 tỷ đồng, đạt 19,51% so kế hoạch, tăng 4,22% so với cùng kỳ[9]. Tổng sản lượng thủy sản (khai thác và nuôi trồng) tháng Ba ước đạt 63.586 tấn, tăng 2,76% so tháng trước, tăng 4,79% so tháng cùng kỳ. Tính chung quý I là 184.019 tấn, đạt 24,37% kế hoạch năm, tăng 1,43% (tăng 2.600 tấn) so với quý I/2019. Chia ra: Sản lượng khai thác tháng Ba ước đạt 48.835 tấn thủy hải sản các loại, tăng 1,42% so tháng trước, giảm 2,50% so cùng kỳ. Tính chung Quý I, sản lượng khai thác 142.494 tấn, đạt 28,79% kế hoạch, giảm 2,15% (giảm 3.127 tấn) so cùng kỳ. Sản lượng khai thác các loại hầu hết đều giảm so cùng kỳ, do việc khai thác hiện nay gặp rất nhiều khó khăn như ngư trường bị thu hẹp, nguồn lợi thủy sản giảm nên đánh bắt không hiệu quả dẫn đến thiếu nguồn lao động trầm trọng do thu nhập thấp. Sản lượng nuôi trồng tháng Ba ước đạt 14.751 tấn, tăng 7,49% so tháng trước (tăng 1.028 tấn).[10] Tính chung quý I, sản lượng nuôi trồng được 41.525 tấn, đạt 15,97% kế hoạch, tăng 16,00% (tăng 5.727 tấn) so quý I năm trước, tăng chủ yếu là tôm các loại tăng 14,40% (tăng 1.823 tấn), trong đó: tôm sú tăng 12,25% (tăng 524 tấn); tôm thẻ chân trắng tăng 15,07% (tăng 729 tấn)… Tính đến nay, diện tích toàn tỉnh thả nuôi được 139.047 ha các loại, tăng 10,93% so cùng kỳ. Trong đó diện tích tôm nuôi nước lợ được 115.416 ha/130.700 ha, đạt 88,3% kế hoạch, tăng 12,8% so cùng kỳ[11]. 5. Sản xuất công nghiệp Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Tháng Ba chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 9,57% so tháng trước, tăng 1,88% so cùng tháng năm trước. Ngành tăng cao so cùng tháng năm trước là ngành khai khoáng tăng 12,36%; kế đến là cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 9,76%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 3,68%; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,31%[12]. Tính chung quý I/2020, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 1,39% so quý I năm trước, trong đó ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 9,34%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 6,17%; ngành khai khoáng tăng 0,57%; ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 0,85%[13]. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): Tháng Ba ước tính 3.732,58 tỷ đồng, tăng 2,60% so cùng tháng năm trước[14]. Tính chung quý I, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước thực hiện 11.699,5 tỷ đồng, đạt 22,63% kế hoạch năm, tăng 3,35% so với quý I/2019.[15] Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu quý I có tăng so cùng kỳ như mặt hàng giày da tăng 27,45%; Gỗ MDF tăng 23,13%; Điện thương phẩm tăng 17,29%; nước máy tăng 9,39%, Tôm đông tăng 4,23%. Nhưng cũng còn nhiều sản phẩm giảm so cùng kỳ như : Xi măng đạt 20,12% kế hoạch, giảm 15,04%; Bia các loại đạt 11,58% kế hoạch, giảm 52,23%; Mực đông đạt 20,30%, giảm 3,31%...Nguyên nhân là do ảnh hưởng chung tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay cũng như triển khai thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Ba bằng 86,12% so tháng trước và bằng 83,84% so với cùng tháng năm trước. Một số ngành chỉ số tiêu thụ tăng so với tháng trước như sản xuất đồ uống tăng 86,07%, sản xuất chế biến tôm đông tăng 14,85%... Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Ba bằng 79,25% so với tháng trước, bằng 86,72% so cùng tháng năm trước. Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tháng Ba tăng 15,43% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động ngành chế biến, chế tạo tăng 17,20%; ngành khai khoáng tăng 9,68%. Nhìn chung, từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định, chưa có doanh nghiệp nào tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra, lây lan qua nhiều Quốc gia và ảnh hưởng Nghị Định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Từ đó, phần nào đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như đầu ra sản phẩm của hàng hóa như: Giầy dép xuất khẩu[16], Bia [17], Gỗ[18],Vật liệu xây dựng[19]… Chế biến thủy sản: tại thị trường Châu Âu và Nhật Bản do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhiều đơn hàng thủy sản đã bị tạm giãn giao dịch và các đối tác nhập khẩu chưa tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng mới. Sản lượng xuất khẩu giảm so cùng kỳ và trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại phương án sản xuất để giảm tồn kho, dẫn đến giá trị sản xuất công nghiệp trong ngành chế biến trong tháng 3 giảm, trong khi đó đây là một trong những ngành mang lại giá trị lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh.Trong thời gian tới, nếu không có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, thì một số doanh nghiệp có thể thu hẹp sản xuất. 6. Thương mại, dịch vụ và giá cả 6.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng: Nhìn chung, thị trường bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ dự báo quý I tăng trưởng chậm so với cùng kỳ, là do ảnh hưởng kép của dịch bệnh Covid-19 và triển khai thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông làm cho doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành giảm mạnh nhất là trong tháng Ba. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Ba ước đạt 8.419,21 tỷ đồng, tăng 1,91% so tháng trước, tăng 3,55% so cùng tháng năm trước. Tính chung quý I ước thực hiện 25.469,11 tỷ đồng, đạt 20,92% kế hoạch, tăng 4,46% so với cùng kỳ. Chia theo ngành hoạt động Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tháng Ba ước đạt 6.077,87 tỷ đồng, tăng 3,82% so tháng trước, tăng 5,85% so cùng kỳ. Tính chung quý I ước tính 18.141,24 tỷ đồng, đạt 20,44% kế hoạch, tăng 6,10% so cùng kỳ. Tình hình giá cả trước, trong và sau tết Canh tý đến nay tương đối ổn định, hiện nay trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhưng do làm tốt khâu tuyên truyền, vận động của chính quyền các cấp nên tình trạng gom hàng, tăng giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh ta không xảy ra. Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa thì bán lẻ lương thực, thực phẩm tháng 03/2020 ước tính đạt 2.623 tỷ đồng, tăng 4,88% so tháng trước và tăng 8,53% so với cùng kỳ, ước tính quý I năm 2020 đạt 7.820 tỷ đồng, tăng 8,01% so với quý I năm 2019, là ngành có doanh số bán lẻ cao nhất trong tổng mức là do người dân do tâm lý lo sợ dịch bệnh nên nhu cầu dự trữ hàng hóa trong gia đình tăng cao. Các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và một số loại hình dịch vụ khác tháng 3 đều giảm so tháng trước và cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống: Tháng Ba ước đạt 1.276,24 tỷ đồng, giảm 2,49% so tháng trước, giảm 3,32% so cùng kỳ. Tính chung quý I, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 3.989,32 tỷ đồng, đạt 22,37% kế hoạch, giảm 0,95% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng Ba đạt 12,68 tỷ đồng, giảm 30,94% so tháng trước, chỉ bằng 32,03% so cùng kỳ. Tính chung quý I ước đạt 67,27 tỷ đồng, đạt 13,41% kế hoạch, giảm 42,15% so cùng kỳ. Doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước được 1.052,43 tỷ đồng, giảm 2,58% so tháng trước, tăng 2,27% so cùng kỳ. Tính chung quý I ước đạt 3.271,28 tỷ đồng, đạt 22,28% kế hoạch, tăng 4,18% so cùng kỳ. 6.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu: Tháng Ba ước tính 60,57 triệu USD, tăng 16,64% so với tháng trước, tăng 32,03% so cùng tháng năm trước[20]. Tính chung quý I, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu dự kiến 153 triệu USD, đạt 19,62% kế hoạch, tăng 32,10% so với quý I năm trước.[21] Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu: Tháng Ba ước tính đạt 12 triệu USD, tăng 6,19% so với tháng trước. Tính chung quý I, trị giá hàng hóa nhập khẩu ước thực hiện 44,17 triệu USD, đạt 55,21% kế hoạch, tăng 255,11% so quý I năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dùng cho sản xuất, trong đó chủ yếu là nguyên liệu để sản xuất giày da. 6.3 Công tác quản lý thị trường Theo báo cáo của Cục quản lý thị trường tỉnh, thị trường hàng hóa, giá cả, dịch vụ trên địa bàn tỉnh quý I năm 2020 ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nguồn cung hàng hóa dồi dào, nhiều chuyến hàng được đưa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân. Trong quý I/2020, ngành quản lý thị trường đã kiểm tra 407/400 vụ (trong đó kiểm tra đột xuất là 135 vụ), đạt 102% kế hoạch phấn đấu quý; phát hiện 106 vụ vi phạm và 39 vụ có dấu hiệu vi phạm; xử lý 128 vụ vi phạm hành chính (bao gồm số vụ kỳ trước chuyển sang); chuyển xử lý hình sự 01 vụ. Thu nộp ngân sách 1,84 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch phấn đấu quý. Các vụ vi phạm chủ yếu là vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại. Riêng khẩu trang y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đã kiểm tra 10 vụ, phát hiện vi phạm 10 vụ; đã xử lý 10 vụ, phạt tiền 223,4 triệu đồng, buộc nộp lại số thu nợ bất chính gần 3,6 triệu đồng, tịch thu 826 cái khẩu trang; tuyên truyền vận động ký cam kết 625 cơ sở. 6.4 Vận tải Doanh thu vận tải tháng Ba ước đạt 1.041,91 tỷ đồng, giảm 5,86% so cùng kỳ, tính chung quý I đạt 3.208,96 tỷ đồng, tăng 4,85% so cùng kỳ. Vận tải hành khách: Tháng Ba ước tính 6,66 triệu lượt khách, tăng 30,65% so tháng trước, giảm 5,07% so với cùng kỳ; luân chuyển 462,27 triệu HK.km, tăng 31,24% so tháng trước, giảm 5,05% so cùng kỳ. Tính chung quý I vận tải hành khách ước đạt 18,55 triệu lượt khách, đạt 18,78% kế hoạch, giảm 11,39% so cùng kỳ; luân chuyển 1.285,87 triệu HK.km, đạt 19,81% kế hoạch, giảm 12,30% so cùng kỳ. Trong đó, Vận tải hành khách đường biển giảm 13,07%; vận tải hành khách đường bộ giảm 10,55% so cùng kỳ. Vận tải hàng hóa: Tháng Ba ước tính 924 ngàn tấn, giảm 6,67% so tháng trước; luân chuyển 125,37 triệu tấn.km, giảm 7,08% so tháng trước. Tính chung quý I vận tải hàng hóa ước tính 3,17 triệu tấn, đạt 22,68% kế hoạch, tăng 0,73% so cùng kỳ; luân chuyển 442,07 triệu tấn.km, đạt 22,32% kế hoạch, tăng 0,61%. Trong đó, Vận tải hàng hóa đường bộ tăng 1,23%; vận tải hàng hóa đường biển tăng 0,43%. Giao thông nông thôn: Ước tính đến ngày 15/3/2020 thực hiện đầu tư xây dựng 45,82 km/382 km đường giao thông nông thôn, đạt 12% so kế hoạch năm; nâng tổng số km đường GTNT trên địa bàn tỉnh được cứng hóa là 6.023,35 km/7.084 km đạt 85,03%. 6.5. Du lịch Sau khi Việt Nam có thêm nhiều ca nhiễm Covid – 19, khách du lịch tiếp tục giảm. Hoạt động du lịch Kiên Giang cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid – 19, nhất là trong tháng 2 và tháng 3 hiện tượng hủy tour, hủy phòng xảy ra liên tục nên lượng khách du lịch đến tỉnh ta giảm đáng kể đối với cả khách quốc tế và khách nội địa. Tổng lượt khách du lịch đến trên địa bàn tỉnh tháng Ba ước đạt 225,85 ngàn lượt khách, chỉ bằng 41,39% so tháng trước. Tính chung quý I, tổng lượt khách du lịch đến Kiên Giang là 1.825,66 ngàn lượt khách, đạt 19,57% kế hoạch, giảm 14,87% so quý I năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 552,68 ngàn lượt khách, đạt 12,03% kế hoạch, chỉ bằng 59,31% so cùng kỳ năm trước. Trong đó số khách quốc tế 125,06 ngàn lượt khách, đạt 16,68% kế hoạch, chỉ bằng 49,88% so với cùng kỳ. 6.5. Chỉ số giá Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba giảm -0,77% so với tháng trước. Trong đó: Khu vực thành thị giảm -0,81%, khu vực nông thôn giảm -0,74%. CPI tháng Ba giảm nhẹ là do có 6 nhóm hàng giảm, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất, giảm -5,13%; kế đến là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm -1,50%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm -0,94%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,41% (trong đó: nhóm lương thực tăng 0,9%); nhóm đồ uống và thuốc lá giảm -0,26% và nhóm giáo dục giảm -0,01%. Có 3 nhóm hàng tăng đó là nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,06%. Còn lại các nhóm hàng khác không tăng, giảm hoặc tăng không đáng kể. Tính đến tháng 12 năm trước (sau 03 tháng) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,76%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm Văn hóa giải trí và du lịch tăng 3,62%; kế đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,54% (Nhóm lương thực tăng 1,41%, Thực phẩm tăng 2,31%, ăn uống ngoài gia đình tăng 4,42%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 1,36%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,03%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,46%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,19%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,12% và nhóm giáo dục tăng 0,03%. Có 2 nhóm hàng giảm là nhóm giao thông giảm -6,91% và nhóm bưu chính viễn thông giảm -0,11%. Chỉ số giá vàng: Tháng Ba tăng 4,64% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 26,60% và so với bình quân cùng kỳ tăng 21,92%. Giá vàng bình quân tháng 3 là 4.669.000 đồng/chỉ, tăng 207.000 đồng/chỉ so với tháng trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ: Tháng Ba tăng 0,24% so tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 0,72% và so với bình quân cùng kỳ tăng 0,30%. Giá USD bình quân tháng 3 năm 2020 là 2.336.800 đồng/100 USD, tăng 5.600 đồng/100 USD so với tháng trước. 7. MỘT SỐ TÌNH HÌNH XÃ HỘI 7.1. Lao động, việc làm và đào tạo nghề Tháng Ba, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 1.552 lượt người[22]. Tính chung quý I giải quyết việc làm cho 8.334 lượt người, đạt 23,84% so kế hoạch, giảm 13,17% so cùng kỳ, trong đó trong tỉnh 4.410 lượt; ngoài tỉnh 3.873 lượt, xuất khẩu lao động 51 người. Số lao động thất nghiệp ước tính quý 1 năm 2020 toàn tỉnh trên 8.000 người, tập trung ở nhóm tuổi 15-24 tuổi. Tỷ lệ này phần nào nói lên lao động thất nghiệp vẫn còn ở mức cao. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất nghiệp trong nông thôn và lực lượng của thanh niên là do người lao động ở độ tuổi này thiếu năng động, sáng tạo, tác phong lao động công nghiệp chưa cao, ngại việc khó nên không đáp ứng nhu cầu tìm kiếm nhân sự từ các doanh nghiệp, nhiều nhà quản lý…một phần do Dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh và sản xuất của các doanh nghiệp chậm trể, tuy không đóng cửa ngừng hoạt động nhưng khả năng tiêu thụ sản phẩm hạn chế, không có nhu cầu thuê lao động dẫn đến tình trạng thiếu việc làm trong lực lượng lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo 2.991 người (cao đẳng 22 người, sơ cấp 1.845 người và dạy nghề dưới 03 tháng 1.124 người), nâng tổng số lao động được đào tạo trong Quý I lên 3.821 người đạt 15,28% so kế hoạch[23]. Từ đầu năm đến nay đã tư vấn việc làm cho 6.058 lượt lao động, có việc làm ổn định 875 lao động. Giải quyết trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho 1.669 lao động. 7.2. Về chính sách an sinh xã hội UBND tỉnh tổ chức các đoàn Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà cho đối tượng chính sách, lực lượng vũ trang; người cao tuổi; hộ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý đảm bảo mọi nhà đều có Tết đầm ấm; quà tết đảm bảo chất lượng và số lượng, đồng thời, vận động đoàn thể các cấp, các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh và các địa phương hỗ trợ quà tết cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em nên hầu hết các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều được hỗ trợ đón tết vui tươi và phấn khởi dưới sự hỗ trợ, chia sẻ từ Nhà nước và cộng đồng. Công tác giảm nghèo: Theo kết quả khảo sát điều tra hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tính đến tháng 12 năm 2019, toàn tỉnh có 12.313 hộ nghèo (trong đó 11.111 hộ nghèo theo thu nhập, 1.202 hộ nghèo thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản), tỷ lệ hộ nghèo 2,69% (giảm 1,45% so với năm 2018); hộ cận nghèo có 20.961 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo 4,59% (giảm 0,09%). 7.3. Tình hình Giáo dục Trong quý I, đã công nhận 01 trường mầm non và 3 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 290 trường đạt chuẩn quốc gia[24]. Hoàn thành sơ kết học kỳ I và đề ra phương hướng, nhiệm vụ học kỳ II năm học 2019-2020. Tiếp tục kiểm tra các đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo Nghị định 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ về phổ cập GDXMC tại 3 huyện trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiến hành tổ chức tổng kết năm 2019 và đề nghị Bộ GDĐT công nhận kết quả duy trì PCGDMNTNT và công nhận PCGDTH mức độ 3 trên phạm vi toàn tỉnh. 7.4. Hoạt động Văn hóa, Thể thao Trong quý I, tổ chức thành công các sự kiện lễ hội, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc đảm bảo yêu cầu về chất lượng nghệ thuật, nội dung như Lễ hội đón Giao thừa Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tại thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên, huyện Phú Quốc và tổ chức Chương trình nghệ thuật Mừng Đảng - Mừng Xuân Canh Tý 2020 tại huyện Vĩnh Thuận; tổ chức Lễ kỷ niệm 58 năm Ngày hy sinh của Anh hùng LLVTND Phan Thị Ràng (09/01/1962 - 09/01/2020) tại huyện Hòn Đất và Giải Việt dã leo núi Hòn Đất tỉnh Kiên Giang năm 2020. Hoạt động thể thao thành tích cao tiếp tục được đẩy mạnh, tổng kết khen thưởng cho 63 huấn luyện viên, vận động viên đạt thành tích tại các giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế năm 2019. Chuẩn bị đăng cai tổ chức Giải Billiards & Snooker vô địch quốc gia (vòng 1) tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh và Giải Chạy Vinpearl - Wow Marathon Phú Quốc tại huyện Phú Quốc (dự kiến tổ chức vào tháng 5/2020). Thể thao quần chúng phát triển ngày càng sâu rộng, đã tổ chức Giải Việt dã leo núi Hòn Đất tỉnh Kiên Giang năm 2020 nhân dịp Lễ kỷ niệm 58 năm Ngày hy sinh của Anh hùng LLVTND Phan Thị Ràng (09/01/1962 - 09/01/2020) tại huyện Hòn Đất.[25] Tổ chức Hội khỏe Phù Đổng năm 2020.[26] Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao được tăng cường, kịp thời ngăn chặn các hoạt động tiêu cực, đảm bảo các hoạt động diễn ra lành mạnh, an ninh và trật tự. 7.5 Tình hình y tế Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh thường xuyên tăng cường chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện/thành phố thực hiện kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới đảm bảo việc loại trừ các rủi ro có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đặc biệt tại huyện Phú Quốc, Giang Thành, TP Hà Tiên. Tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế toàn tỉnh chủ động các biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, phát hiện sớm việc phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh; Thường xuyên giám sát, theo dõi sức khỏe người bệnh sau khi cách ly tại các cơ sở y tế tập trung ngoài tỉnh trở về và nhập cảnh từ vùng dịch trở về. Tình hình dịch bệnh quý I/2020: -Theo báo cáo của BCĐ Phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra: Tính đến ngày 23/3, toàn tỉnh Kiên Giang ghi nhận 01 trường hợp mắc bệnh Covid-19 từng lưu trú tại huyện Phú Quốc (hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh). Toàn tỉnh hiện cách ly tập trung 374 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi cư trú 33 trường hợp. Tổng số trường hợp lấy mẫu xét nghiệm Covid-19: 17 trường hợp (Trong cơ sở khám chữa bệnh là 9, tại cơ sở cách ly là 8); số trường hợp có kết quả dương tính là 0; số trường hợp có kết quả âm tính là 10; số trường hợp đang chờ kết quả là 7. - Bệnh Sốt xuất huyết, Bệnh Tay chân miệng... có xu hướng giảm[27]. Các bệnh khác số mắc trong tháng/so với tháng trước có chiều hướng tăng như Thương hàn (13/12), Thủy đậu (49/41), Cúm (330/257). Không có trường hợp nào tử vong. - Phòng chống HIV/AIDS, trong quý I, thực hiện xét nghiệm 26.942 mẫu máu[28] (tăng 7.853 so cùng kỳ), phát hiện mới 45 cas HIV dương tính (tăng 01 cas so cùng kỳ); Tổng số điều trị ARV tích lũy là 2.091 người[29], tử vong 10 người. Tính đến thời điểm báo cáo, số người còn sống ở địa phương nhiễm HIV là 2.911 người, trong giai đoạn AIDS là 1.731 người. Số người điều trị Methadone mới trong quý là 120 người (tăng 23 người so cùng). Công tác vệ sinh An toàn thực phẩm: Thực hiện thanh, kiểm tra 4.776 cơ sở (tăng 745 so cùng kỳ), 3.904 cơ sở đảm bảo VSATTP theo quy định và 872 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP. Qua đó đã xử lý bằng hình thức nhắc nhỡ và hướng dẫn 755 cơ sở thực hiện việc đảm bảo an toàn thực phẩm, phạt tiền 02 cơ sở với số tiền 7 triệu đồng; tiêu hủy sản phẩm vi phạm 115 cơ sở với 225 loại với khối lượng 907 kg thực phẩm không có nhãn, quá hạn sử dụng, chứa hóa chất ngoài danh mục của Bộ Y tế. Toàn tỉnh ghi nhận 49 cas ngộ độc thực phẩm riêng lẻ, không có vụ ngộ độc tập thể nào. Theo báo cáo của BHXH tỉnh, ước tính đến quý I năm 2020: Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,09%, với 1.518.121 người tham gia (trong đó: số hiện đang tham gia tại BHXH tỉnh là 1.422.355 người; số thẻ do BHXH Bộ Quốc phòng phát hành năm 2019 là 11.602 người; lực lượng vũ trang 20.000 người; số thẻ phải cấp của huyện đảo Phú Quốc là 26.000 người; lao động đi làm việc, học tập ngoài tỉnh đã được tỉnh cấp thẻ là 38.164 người); Tỷ lệ dân số tham gia BHXH là 12,5% (trong đó: số người tham gia BHXH bắt buộc là 100.535 người, đạt 94,33%; số người tham gia BHXH tự nguyện là 8.547 người đạt 42,98%); Tỷ lệ tham gia BHTN là 10,4%. 7.6. Tình hình an toàn giao thông Tính từ ngày 15/2/2020 đến 14/3/2020. Toàn tỉnh xảy 11 vụ tai nạn giao thông, làm 10 người chết, 6 người bị thương. Trong đó số vụ TNGT nghiêm trọng là 9 vụ, làm 10 người chết, 4 người bị thương. So với tháng trước số vụ tai nạn giao thông giảm 1 vụ, nhưng tăng 4 người chết. Tính chung quý I (từ 15/12/2019 đến 14/3/2010) trên toàn tỉnh xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông, làm 19 người chết, 19 người bị thương. Trong đó số vụ TNGT nghiêm trọng là 25 vụ, 19 người chết và 14 người bị thương. So với năm trước, giảm 8 vụ TNGT (giảm 21%), giảm 8 người chết (giảm 29,8%) và giảm 3 người bị thương (giảm 14%). Sau khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020. Tình hình tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay đã giảm trên cả 3 mặt so với cùng thời điểm năm trước, đây là điều đáng mừng, tuy nhiên, đề nghị các ngành chức năng cần phải thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động nhân dân gương mẫu chấp hành Luật giao thông, phải có văn hóa khi tham gia giao thông nhằm giảm thiểu hơn nữa tai nạn giao thông trên địa bàn. 7.7. Tình hình cháy, nổ Từ ngày 15/2/2020 đến 14/3/2020 toàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy, nguyên nhân cháy do chập điện 01 vụ; do bất cẩn trong sử dụng lửa 01 vụ. Thiệt hại do cháy gây ra ước tính 200 triệu đồng. Tính chung quý I/2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy, 01 vụ nổ làm 2 người chết, 15 người bị thương. Thiệt hại ước tính 6 tỷ 940 triệu đồng. Đề xuất kiến nghị Tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020, đạt thấp so với kế hoạch. Để cố gắng thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra, Cục Thống kê kiến nghị một số vấn đề như sau: 1. Trong lĩnh vực nông nghiệp: Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Dự báo năm nay mùa khô có thể kéo dài. Đề nghị tăng cường sự chỉ đạo đối với các ngành chuyên môn trong việc theo dõi diễn biến mực nước tại khu vực các cống và tình hình thời tiết để phối hợp với địa phương trong vận hành đóng, mở cống phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời thông báo cho các ngành, các địa phương và nhân dân chủ động trong sản xuất; tích trữ và sử dụng nước tiết kiệm để không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân. 2. Về lĩnh vực thủy sản: Tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm khắc phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo và không theo quy định nhất là đẩy nhanh công tác hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định và theo khuyến nghị của Đoàn Thanh tra EC. Triển khai thực hiện tốt khung lịch thời vụ thả nuôi tôm nước lợ, nhất là đối với mô hình tôm-lúa, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc nuôi thủy sản trên biển và tôm nuôi nước lợ. Khuyến khích các doanh nghiệp thả nuôi hết diện tích tôm nuôi công nghiệp và bán công nghiệp. 3. Trước những diễn biến phức tạp về dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh nhất là các lĩnh vực lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch như khoanh nợ, giản nợ, giảm thuế…để giảm bớt khó khăn giúp họ an tâm kinh doanh sản xuất. 4. Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn nhà nước quản lý nhất là các công trình trọng điểm. Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến như: Xi măng, bia, chế biến thủy hải sản tìm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước nhằm ổn định tình hình sản xuất trong điều kiện khó khăn hiện nay. 5. Ngành du lịch chuẩn bị công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, có chính sách, biện pháp thu hút hiệu quả khách du lịch trong và ngoài nước đến tỉnh ta sau khi tình hình dịch bệnh chấm dứt để góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này. 6. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nhất là thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ./. Tải về: - Số liệu Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2020 của tỉnh Kiên Giang; - Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 03 năm 2020 của tỉnh Kiên Giang. [1] Thực hiện QĐ 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" và QĐ số 1026/QĐ-TCTK ngày 26/10/2015 của Tổng cục Thống kê về ban hành Quy định biên soạn và công bố số liệu tổng sản phẩm trong nước. Theo đó, TCTK sẽ công bố chỉ tiêu GRDP cho tỉnh, thành phố 2 kỳ trong năm, 6 tháng đầu năm và ước cả năm bắt đầu từ năm 2017. (Theo chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh, Cục Thống kê tạm ước tính chỉ tiêu GRDP quí I/2020 phục vụ sự lãnh đạo và điều hành của Tỉnh ủy và UBND tỉnh). [2] Tăng trưởng quý I của các năm: Năm 2016 tăng 5,40%; năm 2017 tăng 7,39%; năm 2018 tăng 7,87%; năm 2019 tăng 7,54%. [3] Sản lượng lúa Mùa năm 2020 tăng 2.334 tấn; Sản lượng lúa Mùa năm 2019 tăng 52.882 tấn. [4] Trong đó: thu nội địa 4.037,75 tỷ đồng, đạt 35,54% dự toán, tăng 23,39% so cùng kỳ, chiếm 98,33% trong tổng thu ngân sách của tỉnh. [5] Lúa vụ Mùa (2019 – 2020) đã gieo trồng ở các huyện An Biên 17.432 ha, An Minh 25.763 ha,Vĩnh Thuận 9.968 ha, U Minh Thượng 7.151 ha, Gò Quao 1.640 ha và thành phố Hà Tiên 657 ha. [6] Lúa Đông Xuân (2019 – 2020) đã gieo trồng ở các huyện Hòn Đất 80.000 ha, Tân Hiệp 36.803 ha, Châu Thành 19.000 ha, Giồng Riềng 46.654 ha, Gò Quao 25.249 ha, An Biên 8.323 ha, An Minh 100 ha, Vĩnh Thuận 4.770 ha, U Minh Thượng 9.982 ha, Giang Thành 29.450 ha, Kiên Lương 24.000 ha và TP Rạch Giá 5.506 ha, [7] Gồm các hành vi sau: Lấn chiếm rừng 16 vụ; vi phạm quy định về hồ sơ, thủ tục khai thác lâm sản có nguồn gốc hợp pháp 01 vụ; vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng 03 vụ; phá rừng trái pháp luật 18 vụ; vận chuyển lâm sản trái pháp luật 01 vụ…;tổng tiền phạt vi phạm hành chính trên 296 triệu đồng; diện tích rừng thiệt hại do phá rừng 20.534m2. Diện tích rừng bị lấn chiếm 73.800m2. [8] chia ra: giá trị khai thác 1.299,48 tỷ đồng, tăng 2,30% so tháng trước và giá trị nuôi trồng 841,23 tỷ đồng, tăng 13,53% so tháng trước. [9] Giá trị khai thác 3.763,43 tỷ đồng, đạt 24,15% kế hoạch, giảm 1,72% và giá trị nuôi trồng 2.427,88 tỷ đồng, đạt 15,04% kế hoạch, tăng 14,99% so cùng kỳ. [10] Trong đó: cá nuôi tăng 8,76% (tăng 358 tấn); tôm nuôi tăng 24,78% (tăng 1.024 tấn), trong đó tôm thẻ chân trắng tăng 30,56% (tăng 444 tấn). [11] Trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp 708 ha (có 683 ha tôm thẻ chân trắng); nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến 22.986 ha và nuôi tôm - lúa 91.722 ha [12] Trong đó: ngành sản xuất đồ uống giảm 19,04%; ngành sản xuất xi măng giảm 1,24% và ngành chế biến thực phẩm tăng 0,95%... [13] Trong đó: Ngành sản xuất đồ uống giảm 22,28%, ngành sản xuất xi măng giảm 0,14% và ngành chế biến thực phẩm tăng 2,12%... [14] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 96,98% trong tổng số, tăng 2,39%. [15] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 96,98%/ trong tổng số, tăng 3,29%. [16] Giày dép xuất khẩu TBS: khó khăn về nguyên liệu đầu tư sản xuất, do chủ yếu nhập từ Trung Quốc, hiện Trung Quốc là vùng dịch nhiễm Covid-19 nên Việt Nam tạm dừng hoạt động giao thương. [17] Bia: Lượng bia tiêu thụ giảm so với cùng kỳ, do ảnh hưởng Covid-19 và Nghị Định 100/2019/NĐ-CP người dân hạn chế ra đường. [18] Gỗ MDF: Đang gặp khó khăn trong cung cấp nguồn nguyên liệu sản xuất, do người lao động nơi khu vực trồng rừng làm việc không ổn định, ảnh hưởng đến nguồn cung đầu vào sản xuất và sức mua thị trường giảm… [19] Vật liệu xây dựng (Công ty CP đầu tư xây dựng HUD Kiên Giang): Đang gặp khó khăn đầu ra sản phẩm… [20] Trong đó: hàng nông sản 27,84 triệu USD, tăng 57,52% so cùng kỳ; hàng thủy sản 15,56 triệu USD, tăng 14,61% so cùng kỳ. [21] Trong đó: hàng nông sản 54,13 triệu USD, đạt 23,54% kế hoạch, tăng 210,32% so cùng kỳ; nguyên liệu Giày da 32,76 triệu USD, đạt 16,38% kế hoạch, tăng 9,77%. [22] Trong đó trong tỉnh 876 lượt người, ngoài tỉnh 647 lượt người, xuất khẩu lao động 29 người. [23] Trong đó: cao đẳng 22 người, trung cấp 29 người, sơ cấp 2.646 người và dạy nghề dưới 03 tháng 1.124 người, giảm 8,52% so với cùng kỳ. [24] (MN 62, TH 141, THCS 74, TH&THCS 02, THPT 11), đạt tỷ lệ 45,60%; so với cùng kỳ, tăng 33 trường (gồm MN 09, TH 09, THCS 09, TH&THCS 02, THPT 04), tỷ lệ tăng 5,94%. [25] Với gần 600 vận động viên đến từ các cơ quan, ban ngành, các huyện, thành phố, các Trường chuyên nghiệp, THPT, THCS trong tỉnh; thu hút khoảng 3.000 lượt người xem và cổ vũ. [26] Từ ngày 09/01 - 12/01/2020, gồm 04 môn thi đấu (Cầu lông, Điền kinh, Đá cầu và Bơi lội). [27] Sốt xuất huyết có 244 cas mắc (giảm 233 cas so cùng kỳ).Trong đó Sốt xuất huyết Dengue nặng 12 ca. Tay chân miệng có 153 cas mắc (giảm 543 cas so cùng kỳ), Sốt/sốt phát ban nghi sởi 163 cas (giảm 35 cas so cùng kỳ), Không có trường hợp nào tử vong. [28] trong đó: đối tượng nguy cơ cao là 1.575 người, phụ nữ mang thai là 10.431 người, đối tượng khác 14.936 người [29] Tổng số BN đang điều trị ARV tích luỹ là 2.091 (Trong đó: người lớn là 1993 người & trẻ em là 98).
Số lần đọc: 2441
Cục Thống kê Kiên Giang |
Tin liên quan
|