Tin nóng
21.08.2015

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp:

* Vụ Hè thu: Kết thúc gieo xạ, toàn tỉnh xuống giống được 300.322 ha, đạt 99,71% kế hoạch, giảm 0,02% so với Vụ Hè thu năm trước. Đến nay đã thu hoạch được 105.797 ha, năng suất ước tính đạt 53,62 tạ/ha. Tiến độ gieo xạ năm nay kết thúc chậm hơn so với lịch thời vụ, nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước nội đồng bị nhiễm mặn; một số diện tích đã gieo xạ nhưng do nắng nóng, nước mặn xâm nhập làm cho cây lúa bị chết, thiệt hại khoảng 1.255 ha (ở các huyện An Biên, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành…).

Tình hình nhiễm sâu bệnh trên lúa Hè thu năm nay tính tới ngày 15/8/2015 có 20.678 ha đã nhiễm bệnh, bằng 95,11% diện tích nhiễm bệnh cùng kỳ năm trước, với các loại sâu bệnh như: bệnh đạo ôn lá 2.510 ha, xuất hiện chủ yếu ở huyện Gò Quao 870 ha, Hòn Đất 235 ha, Kiên Lương 105 ha…; sâu cuốn lá 1.619 ha, xuất hiện chủ yếu ở huyện Gò Quao 725 ha, Giang Thành 450 ha…; lem lép hạt 2.742 ha, xuất hiện chủ yếu ở huyện Giang Thành 2.422 ha, Hòn Đất 115 ha…ngoài ra còn các loại bệnh khác như sâu đục thân, đạo ôn cổ bông, đốm vằn, vàng lá vi khuẩn, ngộc độc phèn và chuột cắn phá… cũng xuất hiện nhưng gây hại ở mức độ nhẹ.

Tình hình thời tiết hiện nay diễn biến bất thường, hay xảy ra mưa lớn kèm giông, lốc làm cây lúa bị ngã đổ, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cũng như tiến độ thu hoạch lúa, đồng thời dịch bệnh có thể gia tăng.

* Vụ Thu đông (vụ 3): Sau khi thu hoạch lúa hè thu sớm, nông dân tranh thủ làm đất, tiến hành gieo xạ lúa thu đông được 79.526 ha, đạt 88,36% kế hoạch và tăng 20,77% so với cùng kỳ, tập trung ở các huyện Giồng Riềng 32.227 ha; Tân Hiệp 30.888 ha; Châu Thành 7.589 ha; Hòn Đất 4.954 ha; Rạch Giá 1.288 ha; Gò Quao 2.580 ha.

* Cây màu: Tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã trồng được 158 ha bắp; dưa hấu trồng 1.226 ha; khoai lang 936 ha; rau đậu các loại 5.037 ha, nhìn chung diện tích các loại cây màu có tăng hơn cùng kỳ năm trước.

* Chăn nuôi: Kết quả điều tra chăn nuôi tại thời điểm ngày 01/7/2015. Tổng đàn trâu có 6.307 con, giảm 15,21% so với cùng kỳ (giảm 1.131 con); đàn bò:11.949 con, tăng 0,31% (tăng 37 con); đàn heo: 332.085 con, tăng 2,53% (tăng 8.209 con); đàn gia cầm 5.423 ngàn con, tăng 6,00% (tăng 307 ngàn con),trong đó: đàn gà 1.840 ngàn con, tăng 28 ngàn con.

Chăn nuôi đang phát triển tương đối ổn định, riêng đàn trâu có chiều hướng giảm do bán và giết thịt nhiều, nuôi tái đàn chậm. Đàn bò, đàn heo, đàn gia cầm tăng hơn cùng kỳ, một phần do giá cả sản phẩm chăn nuôi ổn định ở mức khá cao, chăn nuôi tương đối có hiệu quả, mặt khác do công tác phòng chống dịch khá tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra, nên qui mô đàn gia súc, gia cầm đang có xu hướng tăng lên. Trong tháng tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt nên chưa phát hiện ổ dịch nào.

b. Lâm nghiệp:

Tình hình chăm sóc và bảo vệ rừng được thực hiện thường xuyên, ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân bảo vệ rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát. Tuy nhiên, trong tháng vẫn còn xảy ra 2 vụ vi phạm chặt phá rừng để lấn chiếm đất ở huyện Phú Quốc và huyện Hòn Đất với khoảng trên 2000 m2.

c. Thủy sản

Giá trị sản xuất  thủy sản (theo giá so sánh 2010): Tháng 8 ước tính đạt 2.322,40 tỷ đồng, tăng  4,92%  so với tháng trước và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Giá trị khai thác 1.111,02 tỷ đồng, tăng 2,11% so tháng trước và tăng 10,18% so cùng kỳ và giá trị nuôi trồng  1.211,39 tỷ đồng, tăng 7,64 % so tháng trước và bằng 92,51% so cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng giá trị sản xuất cả khai thác và nuôi trồng là 14.693,54 tỷ đồng, đạt 65,64% kế hoạch năm và tăng 4,95% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: khai thác 8.274,71 tỷ đồng, đạt 68,15% kế hoạch và tăng  5,76% so cùng kỳ; nuôi trồng 6.418,83 tỷ đồng, đạt 62,67% kế hoạch, tăng 3,93% so cùng kỳ năm trước.

Tổng sản lượng thủy sản ( khai thác và nuôi trồng) tháng 8 ước tính đạt 63.407 tấn, bằng 92,49 % so tháng trước và tăng 0,50% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đạt 477.134 tấn, đạt 69,10% kế hoạch năm và tăng 5,56% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng khai thác: Tháng 8 ước tính đạt 44.036 tấn thủy hải sản các loại, tăng 2,22% (tăng 957 tấn) so tháng trước. Trong đó: cá các loại được 31.257 tấn, tăng 3,86% (tăng 1.162 tấn); tôm: 3.471 tấn, bằng 99,63% (giảm 13 tấn); mực: 5.621 tấn, tăng 0,20%...

Tính chung 8 tháng sản lượng khai thác đạt 326.506 tấn, bằng 70,67% kế hoạch năm và tăng 5,22% so cùng kỳ năm trước (tăng 16.201 tấn), trong đó: cá các loại được 225.270 tấn, tăng 5,97% (tăng 12.681 tấn); tôm: 27.135 tấn, bằng mức cùng kỳ năm trước; mực: 42.017 tấn, tăng 4,32% (tăng 1.739 tấn) so cùng kỳ...

Sản lượng khai thác năm nay tăng một mặt do thời tiết, mùa vụ từ đầu năm đến nay tương đối thuận lợi, số phương tiện lớn khai thác xa bờ ngày càng tăng, mặt khác do giá cả sản phẩm khai thác, vật tư ngư lưới cụ tương đối ổn định nên ngư dân yên tâm bám biển dài ngày, thời gian khai thác nhiều hơn.

Sản lượng nuôi trồng: Tháng 8 ước đạt 19.371 tấn thủy sản các loại, bằng 76,04%  so tháng trước (giảm 6.105 tấn) và bằng 82,77% so cùng kỳ năm trước (giảm 4.032 tấn). Trong đó, cá các loại  6.381 tấn, tăng 5,0%; tôm thẻ chân trắng 898 tấn, bằng 94,53% so tháng trước và bằng 51,55% so với cùng kỳ; riêng tôm sú được 5.415 tấn, tăng 10,92% (tăng 533 tấn); thủy sản khác 6.190 tấn, giảm 3.165 tấn...Sản lương nuôi trồng thủy sản trong tháng giảm nhiều so với tháng trước và so với cùng kỳ là do giảm sản lượng sò vì hết thời gian thu hoạch đại trà, sản lượng tôm thẻ, cá các loại đều giảm là do thời tiết không thuận lợi, giá cả ở mức thấp nông dân nuôi không có lãi…

Tính chung 8 tháng sản lượng nuôi trồng  120.628 tấn, đạt 65,16% kế hoạch, tăng 6.49% (tăng 7.350 tấn) so cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá nuôi các loại 37.335 tấn, giảm 4,76% (giảm 1.864 tấn); tôm các loại 32.429 tấn, đạt 57,91% kế hoạch, giảm 0,85% (giảm 279 tấn), trong đó: tôm thẻ chân trắng 5.788 tấn, đạt 28,17% kế hoạch, giảm 28,93%; riêng thủy sản khác như: sò huyết được 10.969 tấn, tăng 3.128 tấn; sò lông 22.211 tấn, tăng 6.001 tấn; cua: 6.584 tấn, tăng 279 tấn ...

Sản lượng nuôi trồng 8 tháng  tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sản lượng tôm thẻ giảm đáng kể so với cùng kỳ là do ảnh hưởng thời tiết biến đổi bất thường, giá tôm từ đầu năm đến nay xuống thấp và không ổn định nên hộ dân và doanh nghiệp chưa đầu tư thả nuôi, vì vậy việc đạt kế hoạch 20.545 tấn tôm thẻ sẽ rất khó thực hiện. Sản lương sò, hến các loại tăng chủ yếu ở các huyện Kiên Lương, An Biên, Hòn Đất do ngư dân đầu tư mở rộng diện tích thả nuôi vùng mặt nước ven biển theo quy hoạch.

Diện tích tôm thả nuôi đến thời điểm này đạt 97.774 ha, vượt 8,64% kế hoạch năm, tăng 9,43/% so cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích tôm công nghiệp thả nuôi được 1.528 ha, chia ra: tôm sú 131 ha, tôm thẻ chân trắng 1.397 ha. Do những đợt nắng nóng dài ngày đã ảnh hưởng đến phát triển của tôm nuôi, tôm chậm lớn và xuất hiện tôm chết cục bộ ở một số huyện. Đến nay, đã có 11.322 ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại (trong đó mất trắng khoảng 396 ha), nhiều nhất ở 2 huyện U Minh Thượng và An Minh, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh chủ yếu là do sốc môi trường và các bệnh như WSSV, MBV, AHPND…

Ngoài ra, tại huyện Kiên Hải trên địa bàn 2 xã An Sơn và Nam Du có 27 hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại, số cá bị chết ước tính 11.750 con, thiệt hại ước khoảng 3 tỷ đồng. Hiện nay UBND huyện đang cử cán bộ chuyên môn xuống địa bàn tìm hiểu nguyên nhân cá chết và tìm hướng khắc phục cho bà con nông dân.

2. Công nghiệp:

Tình hình sản xuất công nghiệp trong tỉnh vẫn ổn định, giá xăng, dầu có giảm nhẹ, lãi suất ngân hàng ở mức ổn định là cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư, cải tiến máy móc, công nghệ sản xuất để mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Chỉ số sản xuất công nghiệp: Tháng 8, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 12,25% so tháng trước và tăng 18,83% so cùng kỳ năm trước. Tăng cao nhất là ngành chế biến, chế tạo tăng 19,11%, trong đó: ngành chế biến thực phẩm tăng 23,49%, ngành sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao tăng 21,55; kế đó là ngành khai khoáng tăng 18,11%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 14,10% và ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 10,69%.

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 9,09% so cùng kỳ năm trước, ngành tăng cao nhất là chế biến, chế tạo tăng 9,17%, trong đó: ngành sản xuất xi măng tăng 12,56%, ngành chế biến, bảo quản thủy sản tăng 10,92%; xay xát tăng 7,7%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 8,61%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 8,23% và ngành khai khoáng tăng 8,23%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): Tháng 8, ước tính giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.111,31 tỷ đồng, tăng 12,32% so tháng trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2.955,73 tỷ đồng, tăng 12,68%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 98,48 tỷ đồng, tăng 5,18%; ngành khai khoáng đạt 45,37 tỷ đồng, tăng 6,31%. Tính chung 8 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành  21.173,72 tỷ đồng, đạt 59,46% kế hoạch năm và tăng 9,50% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 20.139,75 tỷ đồng, tăng 9,54%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 652,15 tỷ đồng, tăng 8,96%; ngành khai khoáng 291,46 tỷ đồng, tăng 9,32%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải 90,36 tỷ đồng, tăng 6,52% so cùng kỳ.

          Một số sản phẩm công nghiệp 8 tháng đầu năm có mức tăng khá cao so cùng kỳ năm trước như: xi măng địa phương đạt 593,91 ngàn tấn, tăng 16,83%; xi măng Trung ương đạt 659,15 ngàn tấn, tăng 9,47%; cá đông 1,725 ngàn tấn, tăng 19,63%; bột cá 39,48 ngàn tấn, tăng 23,71%...

          Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế  tạo 7 tháng đầu năm tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tiêu thụ 7 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: ngành chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 21,27%. (Trong đó: cá đông lạnh tăng 2,17 lần; phi lê cá tăng 23,58%; thủy sản ướp đông tăng 15,88%); Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 12,19% ; trong đó: sản xuất xi măng, vôi và thạch cao tăng 12,26%...

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại thời điểm 1/8/2015 bằng 75,27% so cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản giảm 18,3% so cùng kỳ, Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác bằng 22,35% so cùng kỳ.

Qua so sánh 2 chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho ngành công nghiệp tại thời điểm đầu tháng 8/2015 cho thấy: Tình hình tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp năm nay tăng hơn năm trước, nhất là các mặt hàng xi măng, các mặt hàng thủy hải sản…từ đó làm giảm lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động về vốn trong sản xuất,  giúp doanh nghiệp mạnh dạn gia tăng sản lượng sản xuất trong thời gian tới.

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/8 tăng 0,76% so với cùng thời điểm này năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 2,44%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,09% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 2,11%.

3. Vốn đầu tư:

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 8 ước tính đạt 369,3 tỷ đồng, so tháng trước tăng 2,68%. Bao gồm: Vốn cân đối ngân sách địa phương 145,32 tỷ đồng; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương được 139,99 tỷ đồng; vốn khác từ ngân sách 66,99 tỷ đống; vốn ngoài nước (ODA) 17 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước được 2.518,76 tỷ đồng, đạt 68,85% kế hoạch năm và bằng 95,65% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vốn cân đối ngân sách địa phương 986,65 tỷ đồng; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương được 738,89 tỷ đồng; vốn khác từ ngân sách 702,14 tỷ đồng; vốn ngoài nước ODA 91,09 tỷ đồng.

4. Thu, chi ngân sách

Tổng thu ngân sách trên địa bàn: Tháng 8 ước tính thu ngân sách 321,50 tỷ đồng, bằng  57,61% so tháng trước và tăng 11,99% so cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách 8 tháng  được 5.187,83 tỷ đồng, đạt 94,20% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 48,81%  so cùng kỳ năm 2014. Trong đó: thu nội địa 3.547 tỷ đồng, đạt 101,26% dự toán và tăng 66,58% so cùng kỳ, chiếm 68,39% trong tổng thu ngân sách của tỉnh.  Một số khoản thu đạt dự toán khá cao như: thu tiền sử dụng đất 1.124,06 tỷ đồng, vượt 87,34% dự toán, tăng 2,69 lần so cùng kỳ năm trước; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước 295,80 tỷ đồng, vượt 8,7 lần so dự toán; thu phí trước bạ 150,26 tỷ đồng,  đạt 108,10% dự toán và tăng 80,06%; thuế thu nhập cá nhân 324,54 tỷ đồng, đạt 98,35% dự toán, tăng 58,32%; thu xuất nhập khẩu, TTĐB thuế VAT 89,30 tỷ đồng, đạt 107,59% dự toán và tăng 85,14% so cùng kỳ năm trước…

Tổng chi ngân sách địa phương: Tháng 8 ước tính chi ngân sách địa phương 1.300,93 tỷ đồng, tăng  hơn 3 lần so tháng trước và tăng 92,70% so cùng kỳ. Tính từ đầu năm tổng chi ngân sách  6.430,35 tỷ đồng, bằng 62,37% dự toán năm và tăng 13,19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: chi thường xuyên 3.655,45 tỷ đồng, bằng 65,48% dự toán năm và bằng 99,49% so với cùng kỳ; chi đầu tư phát triển 1.409 tỷ đồng, bằng 64,75% dự toán năm và tăng 50,03% so với cùng kỳ.

5. Ngân hàng

Ước  tính, đến cuối tháng 8/2015 tổng nguồn vốn hoạt động ngân hàng trên địa bàn đạt 47.500 tỷ đồng, tăng 0,30% so tháng trước và tăng 8,61% so với đầu năm. Trong đó: Nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 27.350 tỷ đồng, giảm 0,34% so với tháng trước và tăng 14,57% so với đầu năm; chiếm tỷ trọng 58,65% trên tổng nguồn vốn. Vốn huy động tại địa phương tăng chủ yếu từ số dư tiền gởi thanh toán.

Ước doanh số cho vay tháng 8/2015 đạt 9.100 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đến cuối tháng 8/2015 ước đạt 34.820 tỷ đồng, tăng 0,79% so với tháng trước và tăng 4,22% so đầu năm. Nợ xấu ước 870 tỷ đồng, chiếm 2,5% trên tổng dư nợ.

Tháng 8/2015, tỷ giá giữa Việt Nam đồng và đô la Mỹ giảm mạnh, do Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều chỉnh tăng biên độ dao động tỷ giá giữa đô la Mỹ với VNĐ từ +/-1% lên +/-3% nhằm chủ động, linh hoạt ứng phó với việc đồng Nhân dân tệ được điều chỉnh giảm giá so với đồng đô la và tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới.

6. Thương mại - dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính tháng 8 đạt 5.811,09 tỷ đồng, tăng 2,88% so tháng trước và tăng 14,27% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: tổng mức bán lẻ hàng hóa ước thực hiện được 4.536,12 tỷ đồng, tăng 1,92% so tháng trước và tăng 7,5% so cùng kỳ.

Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ được 41.968,74 tỷ đồng, đạt 65,12% kế hoạch và tăng 13,44% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: tổng mức hàng hóa thương nghiệp bán lẻ 33.192,06 tỷ đồng, đạt 64,83% kế hoạch và tăng 12,47% so cùng kỳ.

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong tháng 7/2015 đã kiểm tra 218 vụ, phát hiện 35 vụ vi phạm gồm 25 vụ buôn bán hàng cấm; 05 vụ hàng kém chất lượng, gian lận thương mại; 05 vụ vi phạm khác. Đã xử lý, thu nộp ngân sách nhà nước 796,74 triệu đồng. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2015, Chi cục quản lý thị trường đã kiểm tra 1.218 vụ việc, phát hiện 481 vụ vi phạm , gồm: 298 vụ buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; 17 vụ gian lận thương mại; 16 vụ vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng; 05 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và 145 vụ vi phạm khác trong kinh doanh. Đã xử lý, thu phạt hành chính và bán hàng tịch thu, nộp Ngân sách Nhà nước 4,25 tỷ đồng, tăng trên 50% so với cùng kỳ năm trước.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu: Tháng 8 dự tính đạt 48,63 triệu USD, tăng 2 lần so với tháng trước, nhưng giảm 4,26% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Hàng nông sản 34,19 triệu USD, tăng 3 lần so tháng trước; hàng thủy sản 12,02 triệu USD, tăng 14,37% so tháng trước; hàng hóa khác 2,42 triệu USD, giảm 1,58% so tháng trước.

Tính chung 8 tháng kim ngạch xuất khẩu thực hiện được 241,28 triệu USD, đạt 45,87% kế hoạch năm, bằng 83,93% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Hàng nông sản đạt được 137,78 triệu USD, đạt 43,74% kế hoạch năm, bằng 75,88% so cùng kỳ; hàng thủy sản 86,59 triệu USD, đạt 50,94 % kế hoạch, bằng  88,51% cùng kỳ; hàng hóa khác (như bột mì, mì ăn liền, bao PP, dầu ăn …) được 16,90 triệu USD, đạt 41,22% kế hoạch, tăng 2 lần so cùng kỳ năm trước.

Các Công ty xuất khẩu gạo của tỉnh dự kiến xuất trong tháng 8 được 76.754 tấn, với trị giá trên 34 triệu USD. Bao gồm: Công ty Du lịch- Thương mại dự kiến xuất trực tiếp 12.000 tấn với trị giá trên 4,4 triệu USD và xuất ủy thác 764 tấn với giá trị trên 235 ngàn USD; Công ty cổ phần kinh doanh nông sản xuất 10.671 tấn với trị giá trên 4 triệu USD; Công ty MTV Thương mại-dịch vụ xuất 104 tấn với trị giá trên 37 ngàn USD;  Công ty Cp nông lâm sản ủy thác xuất 1.310 tấn với trị giá 504 ngàn USD; Công ty xuất nhập khẩu Kiên Giang xuất trực tiếp 50.395 tấn với trị giá trên 24,3 triệu USD và ủy thác xuất 1.600 tấn với trị giá trên 583 ngànUSD.

Mặt hàng thủy hải sản dự kiến xuất khẩu trên 12 triệu USD, tăng trên 14%  so với tháng tháng trước và tăng 24% so với cùng kỳ, các mặt hàng dự kiến xuất như: Tôm đông 180 tấn, Mực đông 1.020 tấn, cá đông 196 tấn, Hải sản đông khác 1.650 tấn, cá cơm sấy 28 tấn...

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu:

Thực hiện nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 1,2 triệu USD, tăng 45,1% so với tháng trước, nhưng chỉ bằng 0,27% so với cùng kỳ (Do tháng 8 năm 2014, Tập đoàn Vingroup Phú Quốc nhập khẩu thiết bị cho sân golf  439,7 triệu USD) . Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính được 35,56 triệu USD, đạt 59,28% kế hoạch năm.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là tư liệu dùng cho sản xuất và máy móc thiết bị, trong 8 tháng lượng nhập gồm: thạch cao 46 ngàn tấn, bằng 55,3% so cùng kỳ năm trước; giấy Kratp 353 tấn, tăng 41,2% so cùng kỳ; hạt nhựa 1.366 tấn, tăng 8,76% so với cùng kỳ. Riêng mặt hàng gỗ nhập trở lại qua đường  tiểu ngạch trên địa bàn tỉnh với trị giá 3.475 ngàn USD tăng 34,3% so với cùng kỳ.

c. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 08 giảm 0,12% so với tháng trước. Trong đó: Khu vực thành thị giảm 0,20%, khu vực nông thôn giảm 0,07%.

Nguyên nhân ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 giảm là do giá xăng, dầu có điều chỉnh giảm trong tháng và giá lương thực trong tháng cũng giảm. Cụ thể:

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 so tháng trước có 2 nhóm hàng giảm là: Nhóm giao thông giảm 1,7% và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,93% (do điều chỉnh giảm giá bán xăng, dầu, ga); các nhóm còn lại đa số chỉ số giá tăng  nhẹ như: nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,42%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,05%, (trong đó: hàng lương thực giảm 0,39%; hàng thực phẩm tăng 0,17%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,18%); nhóm giáo dục tăng 0,18%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,02%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,21%.

 Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 so với tháng 12/2014 (sau 8 tháng) tăng 1,18%; so với cùng kỳ (tháng 8/2014) tăng 1,27%, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất là 9,07%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 4,70%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,63%...

Chỉ số giá vàng: Tính đến ngày 15/8/2015, chỉ số giá vàng so tháng trước giảm 5,65%, bình quân giá bán trong tháng là 2.940.000đ/chỉ (giảm 159.000đồng/chỉ). Chỉ số giá vàng tháng 8 so cùng kỳ (tháng 8/2014) giảm 13,84%.

Chỉ số giá Đô la Mỹ: Tháng 8 so tháng trước tăng 0,76%. Tính đến thời điểm điều tra 15/8/2015, tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển giá bán ra: 22.105 đ/USD và thị trường tự do bán 22.150 đ/USD. Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 8/2015 so với tháng cùng kỳ tăng 3,83%.

d. Vận tải: Hoạt động vận tải trong tháng vẫn ổn định, thời tiết từ đầu tháng đến nay tương đối thuận lợi, nên khối lượng vận chuyển háng hóa, hành khách có tăng nhẹ so với tháng trước.

Vận tải hành khách: Tháng 8 vận tải hành khách ước tính đạt 5,26 triệu lượt khách, tăng  2,09% so tháng trước; luân chuyển 293,50 triệu HK.km, tăng 2,15% so tháng trước. Lũy kế 8 tháng vận tải hành khách ước tính được 42,13 triệu lượt khách, đạt 67,82% kế hoạch và tăng 7,93% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 2.751,64 triệu HK.km, đạt 79,36%  kế hoạch và tăng 8,52% so cùng kỳ. Bao gồm: Vận tải hành khách đường bộ 33,82 triệu lượt khách, tăng 8,04% so cùng kỳ và luân chuyển 2.188,93 triệu lượt khách.km, tăng 8,60% so cùng kỳ; Vận tải hành khách đường sông 7,09 triệu lượt khách, tăng 7,69% và luân chuyển 427,16 triệu lượt khách.km, tăng 8,85%; vận tải hành khách đường biển 1,2 triệu lượt khách, tăng 6,13% và luân chuyển 135,54 triệu lượt khách.km, tăng 6,21% so cùng kỳ năm trước.

Vận tải hàng hóa: Tháng 8 vận tải hàng hóa ước tính đạt 792 ngàn tấn, tăng 2,59% so tháng trước; luân chuyển 110,14 triệu tấn.km, tăng 2,98% so tháng trước. Lũy kế 8 tháng vận tải hàng hóa ước tính đạt 6,16 triệu tấn, đạt 68,97% kế hoạch năm và tăng 7,03% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 831,68 triệu tấn.km, đạt 67,57% kế hoạch và tăng 7,41% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vận tải hàng hóa đường bộ 1,909 triệu tấn, tăng 11,25% so cùng kỳ và luân chuyển 264,15 triệu tấn.km, tăng 11,16%; vận tải hàng hóa đường sông 2,54 triệu tấn, tăng 6,23% và luân chuyển 318,69  triệu tấn.km, tăng 6,72% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa đường biển 1,71 triệu tấn, tăng 3,82% và luân chuyển 248,03 triệu tấn.km, tăng 4,52% so cùng kỳ năm trước.

e. Du lịch:

          Trong tháng tổng lượt khách đến du lịch trên địa bàn được 386,87 lượt khách. Trong đó khách đến các cơ sở lưu trú du lịch ước tính 157,98 ngàn lượt khách, bằng 73,95% so tháng trước. Trong số lượt khách đến cơ sở lưu trú du lịch, gồm số lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 142,30 ngàn lượt khách, bằng 71,87% so với tháng trước và số lượt khách du lịch đi theo tour đạt 15,68 ngàn lượt khách, bằng 100,33% so tháng trước, bình quân lượt khách lưu trú 1,83 ngày. Số lượt khách quốc tế  14,04 ngàn lượt khách, tăng 6,14% so với tháng trước, bình quân lượt khách lưu trú 3,11 ngày; Lượt khách du lịch tháng 8 giảm so với tháng trước là do đã qua cao điểm kỳ nghỉ hè, trong tháng không xảy ra những sự kiện lễ hội quan trọng, cộng với thời tiết không thuận lợi cũng ảnh hưởng đến lượt khách tham quan du lịch.

          Tính từ đầu năm, tổng lượt khách du lịch được 3.354,71 ngàn lượt khách, đạt 79,21% kế hoạch năm và tăng 22,91% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Lượt khách đến các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch 1.390,48 ngàn lượt khách, tăng  23,74% so cùng kỳ. Số khách quốc tế đạt 160,44 ngàn lượt khách, tăng 18,25% so với cùng kỳ. Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch bao gồm: khách cơ sở lưu trú du lịch phục vụ đạt 1.287,53 ngàn lượt khách, tăng 24,45% và khách du lịch đi theo tour đạt 102,95 ngàn lượt khách, tăng 15,53% so cùng kỳ năm 2014.

7. Một số tình hình xã hội

7.1. Tình hình lao động và giải quyết việc làm: Trong tháng, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 3.759 lượt lao động, trong đó: trong tỉnh 1.682 lượt lao động, ngoài tỉnh 2.077  lượt lao động. Nâng lũy kế từ đầu năm đến nay lên 23.208/33.000 lượt lao động đạt 70,32% kế hoạch, trong đó trong tỉnh 10.957 lượt lao động, ngoài tỉnh 12.244 lượt lao động, xuất khẩu lao động 07 người (Hàn Quốc: 04, Nhật Bản: 03).

          Các cơ sở đào tạo nghề tổ chức dạy nghề cho 4.089 lao động. Nâng tổng số người được đào tạo từ đầu năm lên 29.446/45.000 người, đạt 65,4% so với kế hoạch, trong đó cao đẳng nghề 30 người, sơ cấp nghề 3.543 người, dạy nghề dưới 3 tháng 25.873 người. 

7.2. Tình hình giáo dục: Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu trình UBND tỉnh ra Quyết định công nhận huyện Gò Quao đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em năm tuổi. Tiếp tục triển khai công tác Kiểm định chất lượng giáo dục ở tất cả các bậc học: Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT và GDTX. Báo cáo Bộ GD-ĐT về kết quả công tác kiểm định năm học 2014-2015. Chuyển hồ sơ phúc khảo THPT quốc gia đến các Cụm thi Đại học liên quan (An Giang, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh). Tổ chức phúc khảo THPT quốc gia tại Cụm thi Sở GD-ĐT Kiên Giang theo quy định. Hoàn thành phúc khảo và báo cáo về Bộ GD-ĐT theo quy định. Tiến hành tổng kết năm học 2014-2015.

7.3. Tình hình văn hóa, nghệ thuật, thể thao: Trong tháng 8 hoạt động văn hóa thể thao và du lịch tập trung tuyên truyền, đặc biệt là tập trung chỉ đạo các đơn vị tổ chức các hoạt động phục vụ kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2015); chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; chỉ đạo tuyên truyền về Cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ-Tỏa sáng giữa đời thường" điểm cầu tại Khu di tích An ninh Khu IX, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng; phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức tuyên truyền, khánh tiết phục vụ Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Kiên Giang lần thứ IV (2015-2020); Hoàn chỉnh kế hoạch, thành lập Ban Tổ chức và các Tiểu ban phục vụ Lễ hội kỷ niệm 147 năm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Thể thao thành tích cao: Các đội tuyển tập luyện thường xuyên theo kế hoạch. Đội tuyển trẻ Canoeing tham dự giải trẻ toàn quốc tại Hà Nội, kết quả: đạt 03 huy chương (02 HCV và 01 HCB); Đội tuyển trẻ Bắn cung tham dự giải trẻ toàn quốc tại Sóc Trăng; Đội tuyển trẻ Điền kinh tham dự giải quốc tế mở rộng tại Thành phố Hồ Chí Minh và giải điền kinh trẻ tại Nam Định; Đội tuyển trẻ Cờ vua tham dự giải vô địch cờ vua trẻ xuất sắc toàn quốc tại Bến Tre; Tham gia giải vô địch cử tạ quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh.

7.4. Tình hình y tế: Tháng 08 bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng so với tháng trước, trong tháng toàn tỉnh có số cas mắc là 61 cas, không có tử vong, tăng 4 cas so với tháng trước. Trong đó, tập trung nhiều ở Rạch Giá (10 cas), Hòn Đất (05 cas), Giồng Riềng (10 cas), Phú Quốc (10 cas), Châu Thành (04 cas), An Minh (04 cas).  Tính từ đầu năm đến nay đã có 397 cas mắc.

Các bệnh truyền nhiễm khác mắc trong tháng: Bệnh tiêu chảy mắc 553 cas, giảm 54 cas so với tháng trước, lũy kế từ đầu năm là 4.581 cas; Bệnh Thương hàn và Phó Thương hàn mắc 2 cas, tăng 2 cas so với tháng trước, lũy kế từ đầu năm là 16 cas; Bệnh Thủy đậu mắc 8 cas, giảm 06 cas so với tháng trước, lũy kế từ đầu năm là 138 cas... Trong tháng không ghi nhận cas sởi nào, còn các bệnh truyền nhiễm khác có xu hướng giảm.

  Chương trình phòng chống sốt xuất huyết: Trong tháng toàn tỉnh có 52 cas bệnh, tăng 15 cas so với tháng trước, tập trung ở các địa phương như TP Rạch Giá, Châu Thành, Hòn Đất... Lũy kế từ đầu năm đến nay là 168 cas, không có tử vong.

 Chương trình phòng, chống bệnh Lao: Số bệnh nhân phát hiện mới trong tháng là 242 người, lũy kế từ đầu năm đến nay là 1.745 người. Điều trị khỏi bệnh cho 212 người, lũy kế điều trị khỏi bệnh 1.532 người, số bệnh nhân tử vong do lao là 15 người, tăng 02 bệnh nhân so với tháng trước. Tính đến nay số bệnh nhân được quản lý là 4.276 người.

Chương trình phòng, chống HIV/AIDS: Trong tháng thực hiện được 6.898 cas xét nghiệm máu, kết quả có 11 cas nhiễm HIV, tăng 4 cas so với tháng trước. Nâng tổng số cas nhiễm HIV toàn tỉnh là 5.066 cas; chuyển sang AIDS 2.747 cas; tử vong 1 cas. Số cas bệnh được ghi nhận ở 15/15 huyện, thị, thành phố, tập trung ở các địa phương: TP Rạch Giá, Phú Quốc, Châu Thành, Hòn Đất, Tân Hiệp, Giồng Riềng.

Công tác An toàn vệ sinh thực phẩm: Trong tháng ghi nhận có 13 cas ngộ độc thực phẩm riêng lẻ, trong đó 12 cas do tác đụng độc của cồn, 01 cas do ăn đồ biển. Không phát hiện ngộ độc do tác đụng của chất độc trong thực phẩm.

7.5. Tình hình an toàn giao thông: tính từ ngày 16/7/2015 đến 15/8/2015 trên toàn tỉnh xảy ra 20 vụ tai nạn giao thông, làm 07 người chết, 26 người bị thương. Trong đó: Số vụ TNGT ít nghiêm trọng trở lên là 10 vụ, làm 07 người chết và 14 người bị thương. So với tháng trước số vụ TNGT giảm 02 vụ, số người chết giảm 06 người, nhưng số người bị thương tăng 05 người.

Tính từ đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 198 vụ tai nạn giao thông, làm 97 người chết, 191 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, giảm 93 vụ (chủ yếu giảm những vụ va chạm); tăng 07 người chết và giảm 112 người bị thương. Tình hình tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay đã có xu hướng tăng số vụ nghiêm trọng (tăng 07 vụ), nhưng lại giảm nhiều về số vụ va chạm nhẹ, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền kết hợp với kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao chất lượng văn hóa của người dân khi tham gia giao thông nhằm giảm tai nạn giao thông nhất là tai nạn nghiêm trọng.

 7.6. Tình hình cháy, nổ và thiên tai: Từ ngày 16/07/2015 đến 15/08/2015 toàn tỉnh xảy ra 03 vụ cháy (do chập điện 2 vụ, đang điều tra 1 vụ), gây thiệt hại ước tính 469 triệu đồng, không có thương vong về người, xảy ra ở các huyện: An Biên 01 vụ, Phú Quốc 01 vụ, U Minh Thượng 01 vụ. Lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 46 vụ cháy, làm bị thương 03 người. Thiệt hại ước tính 5 tỷ 133 triệu đồng.

Trong tháng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều cơn mưa giông và gió lốc làm sập hoàn toàn 03 căn nhà của người dân. Ước thiệt hại khoảng 120 triệu đồng, cụ thể  tại các huyện như: Gò Quao (sập 01căn), U Minh Thượng (sập 01 căn), Vĩnh Thuận (sập 01 căn)./.

Tải về: - Số liệu Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2015

           - CPI tháng 8 năm 2015.

Số lần đọc: 1753
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan