02.08.2021
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản a. Nông nghiệp Vụ Hè thu (kể cả Xuân hè): Kết thúc gieo trồng vụ Xuân hè, toàn tỉnh gieo trồng được 281.446 ha, vượt 0,52% kế hoạch (tăng 1.446 ha) và tăng 0,03% (tăng 77 ha) so với diện tích lúa Hè thu năm trước. Lúa Hè thu năm nay đã có trên 400 ha bị ảnh hưởng do thời tiết khô hạn kéo dài cục bộ tại một số địa phương đã làm nhiễm mặn (Gò Quao, Châu Thành và vùng U Minh Thượng) và đã có 24.625 ha lúa bị nhiễm bệnh, các đối tượng gây hại chủ yếu gồm: sâu cuốn lá 11.314 ha; sâu keo 6.543 ha; bệnh đạo ôn lá 3.624 ha; bệnh lem lép hạt 959 ha; bệnh cháy bìa lá 863 ha; rầy nâu 859 ha; bệnh đạo ôn cổ bông 257 ha. Ngoài ra còn có các đối tượng gây hại khác như: chuột, sâu đục thân, muỗi hành, nhện gié, thối hạt vi khuẩn,…cũng xuất hiện và gây hại nhẹ. Đến nay đã thu hoạch được 83.812 ha, ước tính năng suất trên trà lúa đã thu hoạch đạt 5,45 tấn/ha. Vụ Thu đông (vụ 3): tính đến ngày 15/7, toàn tỉnh đã gieo trồng được 51.514 ha, đạt 70,57% kế hoạch[1]. Cây rau màu: Việc chuyển đổi cây trồng trong nhân dân đang ngày một được quan tâm hơn nhằm đem lại hiệu quả cao hơn, trong đó có cây gừng đang được nông dân ở huyện U minh Thượng chú trọng sản xuất, diện tích đang tăng khá nhanh, đến nay đã đạt trên 1.020 ha, năng suất đạt 40 tấn/ha. Đây là loại cây trồng đêm lại hiệu quả kinh tế khá cao. Bên cạnh đó một số loại cây màu khác cũng được nhân dân quan tâm sản xuất như: khoai lang 1.075 ha, tăng 2,58%; khoai mì 314 ha, tăng 4,67%; bắp 168 ha, tăng 1,82%; rau, đậu các loại 6.756 ha, tăng 4,00%.
Chăn nuôi Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định; dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên ngành chăn nuôi đang đứng trước rất nhiều khó khăn: giá con giống ở mức cao, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, dẫn đến hiệu quả chăn nuôi rất thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Do đó, đàn heo của tỉnh hiện nay chỉ bằng 63% của cùng thời điểm năm 2018 (trước khi có dịch tả heo châu Phi). Để khôi phục và phát triển chăn nuôi, ngành nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo, triển khai nhanh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi heo. b. Lâm nghiệp Các ngành chức năng thường xuyên phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng chống cháy rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, duy trì thường xuyên công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Thực hiện Kế hoạch khoanh nuôi, chăm sóc rừng trong năm, đến nay đã có 6.520 ha rừng được chăm sóc, giảm 7,11% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh 390 ha, bằng 100,00% so cùng kỳ và diện tích rừng được khoán bảo vệ là 7.222 ha, tăng 1,26% so cùng kỳ. Trong tháng xảy ra 05 vụ phá rừng, diện tích bị thiệt hại là 1,57 ha. Tính chung 7 tháng đã xảy ra 30 vụ phá rừng, diện tích bị thiệt hại 11,01 ha và 8 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị thiệt hại 12,09 ha. c. Thủy sản Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): tháng Bảy ước tính đạt 3.209,72 tỷ đồng, giảm 14,06% so với tháng trước, giảm 0,45% so cùng tháng[2] năm trước. Tính chung 7 tháng, ước đạt 18.998,33 tỷ đồng, đạt 57,37% kế hoạch năm, tăng 4,73% so cùng kỳ[3] năm trước. Sản lượng thủy sản (cả khai thác và nuôi trồng): tháng Bảy ước đạt 76.850 tấn, giảm 8,63% so với tháng trước và giảm 0,91% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng ước tính 488.854 tấn, đạt 61,18% kế hoạch năm, tăng 2,32% so cùng kỳ. Chia ra: Sản lượng khai thác: tháng Bảy ước đạt 49.058 tấn, giảm 1,38% so tháng trước, giảm 0,76% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng ước tính 335.542 tấn, đạt 65,79% kế hoạch năm, giảm 0,91% so cùng kỳ[4]. Sản lượng nuôi trồng: tháng Bảy ước tính đạt 27.792 tấn, giảm 19,13% so với tháng trước, giảm 1,18% so cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng giảm so với tháng trước chủ yếu là do giảm sản lượng cá, sò, thủy sản nuôi khác. Tính chung 7 tháng, ước tính sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch 153.312 tấn, đạt 53,05% kế hoạch năm, tăng 10,17% (tăng 14.151 tấn) so cùng kỳ năm trước[5]. 2. Công nghiệp Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): tháng Bảy chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 1,38% so tháng trước, tăng 8,84% so cùng tháng năm trước. So với tháng trước ngành chế biến, chế tạo tăng 1,26%[6]; ngành khai khoáng tăng 2,05%. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 14,09%; ngành chế biến, chế tạo tăng 7,55%[7]. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): tháng Bảy ước tính đạt 4.629,71 tỷ đồng, tăng 2,68% so với tháng trước, tăng 8,86% so cùng tháng năm trước[8]. Tính chung 7 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính 29.548,13 tỷ đồng, đạt 54,30% kế hoạch năm, tăng 7,89% so với cùng kỳ.[9] Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng tăng so cùng kỳ như: Bia các loại đạt 54,69% kế hoạch năm, tăng 16,24%; giày da đạt 56,10% kế hoạch năm, tăng 66,72%; tôm đông đạt 50,69% kế hoạch năm, tăng 13,33%; xi măng đạt 61,85% kế hoạch năm, tăng 4,75%; điện thương phẩm đạt 54,54% kế hoạch năm, tăng 13,21%... Nhưng cũng còn một số sản phẩm giảm so cùng kỳ như: bột cá giảm 11,09%; mực đông lạnh giảm 6,65%; nước đá giảm 1,30%; bao bì PP giảm 15,41%...Nguyên nhân là do ảnh hưởng chung tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp đã làm cho một số sản phẩm tiêu thụ chậm lại. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Bảy bằng 95,04% so với tháng trước. Trong đó, ngành chế biến thực phẩm bằng 99,07%; ngành sản xuất trang phục bằng 94,72%... Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Bảy tăng 17,57% so với tháng trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng so với tháng trước: ngành sản xuất đồ uống tăng 16,57%; ngành sản xuất Clanhke tăng 4,87%, ngành sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét tăng 5,42%... Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2021 tăng 0,56% so với tháng trước, trong đó lao động ngành chế biến, chế tạo tăng 0,60%. So với cùng tháng năm trước tăng 8,96%, trong đó lao động ngành chế biến, chế tạo tăng 9,84%. Tính chung 7 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 5,45%, trong đó lao động ngành chế biến, chế tạo tăng 5,91%. 3. Vốn đầu tư thực hiện (Vốn ngân sách nhà nước) Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Bảy (Số giải ngân đến 15/7/2021) ước tính 196,97 tỷ đồng, bằng 79,03% so với tháng trước, giảm 38,80% so cùng tháng năm trước. Trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương 154,19 tỷ đồng, bằng 79,25% so tháng trước, giảm 22,12% so cùng tháng năm trước. Tính chung 7 tháng, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước ước tính 990,72 tỷ đồng, mới đạt 21,24% kế hoạch năm và chỉ bằng 62,04% cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương 785,74 tỷ đồng, đạt 19,83% kế hoạch, bằng 90,61% cùng kỳ năm trước; vốn xổ số kiến thiết được 353,58 tỷ đồng, đạt 21,96% kế hoạch, tăng 3,01% so với cùng kỳ. 4. Thu, chi ngân sách nhà nước Tổng thu ngân sách nhà nước tháng Bảy ước đạt 862,50 tỷ đồng, tăng 42,86% so tháng trước, tăng 33,04% so cùng tháng năm trước. Trong đó thu nội địa 850 tỷ đồng, tăng 42,01% so với tháng trước, tăng 32,37% so cùng tháng năm trước. Tính chung 7 tháng, tổng thu ngân sách ước đạt 6.545,71 tỷ đồng, đạt 56,62% dự toán năm, giảm 15,61% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa 6.507,08 tỷ đồng, chiếm 99,41% tổng thu, đạt 57,03% dự toán năm, giảm 14,02%. So với cùng kỳ năm trước, có một số khoản thu tăng khá cao[10], song vẫn còn một số khoản thu đạt thấp như thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước mới bằng 28,58% cùng kỳ, đạt 28,63% dự toán; thu tiền sử dụng đất bằng 47,32% cùng kỳ, đạt 36,37% dự toán; thu thuế bảo vệ môi trường bằng 76,60% cùng kỳ, đạt 40,85% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương tháng Bảy ước tính 1.086,37 tỷ đồng, giảm 13,93% so với tháng trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển 273,48 tỷ đồng, tăng 4,63% so tháng trước; chi thường xuyên 812,89 tỷ đồng, bằng 89,54% so tháng trước. Tính chung 7 tháng, tổng chi ngân sách địa phương ước tính 6.369,63 tỷ đồng, bằng 41,20% dự toán năm, giảm 3,79% so cùng kỳ năm trước[11]. 5. Ngân hàng Hoạt động huy động vốn và tín dụng tiếp tục tăng trưởng, kịp thời đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Ước đến 31/7/2021, một số chỉ tiêu đạt cụ thể: Tổng nguồn vốn hoạt động ước đạt 113.100 tỷ đồng, tăng 7,61% so đầu năm, tăng 0,71% so tháng trước; trong đó, vốn huy động tại địa phương ước đạt 58.400 tỷ đồng (chiếm 51,64% tổng nguồn vốn hoạt động), tăng 5,96% so đầu năm, tăng 0,23% so tháng trước. Doanh số cho vay trong tháng ước đạt 12.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay ước đạt 93.500 tỷ đồng, tăng 6,29% so đầu năm, tăng 0,7% so tháng trước. Nợ xấu nội bảng ước tính 1.050 tỷ đồng, chiếm 1,12% tổng dư nợ. Nợ tổn thất (nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro và đang theo dõi ngoại bảng) ước tính 1.100 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trên địa bàn khá ổn định. Tỷ giá vàng và ngoại tệ diễn biến theo xu hướng chung của cả nước và thế giới. 6. Thương mại - dịch vụ và giá cả Trước tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ tư trên phạm vi cả nước, kể từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7 đã xuất hiện nhiều ca bệnh lây lan trong cộng đồng tại các tỉnh phía nam, trong đó có Kiên Giang đã ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn, ảnh hưởng nặng nhất vẫn là dịch vụ du lịch lữ hành trong tháng không phát sinh doanh thu…cụ thể: a. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy ước đạt 8.579,22 tỷ đồng, giảm 4,64% so tháng trước, giảm 4,06% so cùng tháng năm trước. Tính chung 7 tháng, ước đạt 68.143,71 tỷ đồng, đạt 54,90% kế hoạch năm, tăng 8,16% so với cùng kỳ. Chia theo ngành hoạt động Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Bảy ước đạt 6.890,24 tỷ đồng, giảm 1,34% so tháng trước, tăng 3,20% so cùng tháng năm trước. Tính chung 7 tháng, ước đạt 51.985,32 tỷ đồng, đạt 56,12% kế hoạch năm, tăng 10,30% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Bảy ước tính 767,68 tỷ đồng, giảm 21,07% so tháng trước, chỉ bằng 65,85% so cùng tháng năm trước. Tính chung 7 tháng, ước đạt 8.298,42 tỷ đồng, đạt 49,40% kế hoạch năm, tăng 1,12% so cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng Bảy do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19 nên không phát sinh doanh thu. Tính chung 7 tháng ước đạt 154,04 tỷ đồng, đạt 61,62% kế hoạch năm, tăng 9,51% so cùng kỳ. Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng Bảy ước đạt 921,30 tỷ đồng, giảm 11,43% so với tháng trước, giảm 15,26% so cùng tháng năm trước. Tính chung 7 tháng ước tính 7.705,93 tỷ đồng, đạt 53,33% kế hoạch năm, tăng 2,38% so cùng kỳ năm trước. b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Bảy ước đạt 68,80 triệu USD, tăng 3,96% so với tháng trước và tăng 26,42% so cùng tháng năm trước[12]. Tính chung 7 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính 439,66 triệu USD, đạt 58,62% kế hoạch năm, tăng 10,74% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng nông sản 164,59 triệu USD, tăng 10,06% so cùng kỳ, hàng thủy sản 137,96 triệu USD, tăng 14,53% so cùng kỳ. Với một số mặt hàng xuất chủ yếu như: Gạo các loại 303.623 tấn, đạt 63,25% kế hoạch năm, giảm 1,03% so cùng kỳ; tôm đông 2.713 tấn, đạt 60,29% kế hoạch, tăng 26,89%; mực, bạch tuộc đông 7.202 tấn, đạt 57,62% kế hoạch, tăng 9,82% ... Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Bảy ước đạt 17,41 triệu USD, tăng 7,14% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng ước tính đạt 85,19 triệu USD, đạt 85,19% kế hoạch năm, giảm 6,05 so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu, chủ yếu vẫn là nguyên liệu dùng cho sản xuất. c. Chỉ số giá Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Bảy tăng 0,75% so với tháng trước. Trong đó: khu vực thành thị tăng 1,16%, khu vực nông thôn tăng 0,52%. CPI tháng Bảy tăng nhẹ so với tháng trước chủ yếu là do có 6 nhóm hàng tăng, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất, tăng 2,31%; kế đến là đồ uống và thuốc lá tăng 1,15%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,99%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,98% (trong đó thực phẩm tăng 1,34%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%. Có 3 nhóm hàng giảm đó là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm -0,24%; may mặc, mũ nón và giày dép giảm -0,13%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm -0,12%. Còn lại các nhóm khác bình ổn hoặc tăng không đáng kể. So với tháng 12 năm trước (sau 7 tháng) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,86%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, duy nhất chỉ có nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm -1,44% và cũng chỉ có nhóm Bưu chính viễn thông là bình ổn (bằng 100%), còn lại tất cả các nhóm khác đều tăng giá. Nhóm giao thông tăng cao nhất 11,67%; kế đến là đồ uống và thuốc lá tăng 4,57%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 4,08%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,44% (lương thực tăng 2,74%, thực phẩm tăng 1,92%, ăn uống ngoài gia đình tăng 3,84%); hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,20%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,11%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,52%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,39%; giáo dục tăng 0,08%. Chỉ số giá vàng: tháng Bảy so với tháng trước giảm -2,76% và giảm -3,86% so với tháng 12 năm trước, nhưng so với cùng tháng năm trước vẫn tăng 2,74%. Giá vàng bình quân tháng 7 là 5.136.000 đồng/chỉ, giảm 146.000 đồng/chỉ so với tháng trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ: tháng Bảy giảm -0,01% so với tháng trước, giảm 0,71% so với cùng tháng năm trước và giảm -0,64% và so với tháng 12 năm trước. Giá USD bình quân tháng 7 tại liên ngân hàng là 2.311.000 đồng/100 USD, giảm 300 đồng/100 USD so với tháng trước. d. Vận tải Vận tải hành khách: tháng Bảy ước tính vận chuyển 6,12 triệu lượt khách, giảm 9,53% so tháng trước, giảm 2,34% so với cùng tháng năm trước; luân chuyển 403,75 triệu HK.km, giảm 9,70% so tháng trước, giảm 2,18% so cùng tháng năm trước. Tính chung 7 tháng, vận chuyển hành khách ước đạt 53,22 triệu lượt khách, đạt 53,88% kế hoạch năm, tăng 2,89% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 3.522,59 triệu HK.km, đạt 54,28% kế hoạch năm, tăng 3,83% so cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hành khách đường bộ tăng 3,14%, vận chuyển hành khách đường biển tăng 2,64% so cùng kỳ. Vận tải hàng hóa: tháng Bảy, hàng hóa vận chuyển ước tính 1.127 ngàn tấn, giảm 7,01% so tháng trước, tăng 3,78% so cùng tháng năm trước; luân chuyển 161,95 triệu tấn.km, giảm 6,75% so tháng trước, tăng 4,34% so cùng tháng năm trước. Tính chung 7 tháng, vận chuyển hàng hóa ước tính 8,55 triệu tấn, đạt 61,09% kế hoạch năm, tăng 5,56% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 1.224,44 triệu tấn.km, đạt 61,82% kế hoạch năm, tăng 5,88% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường bộ tăng 6,06%, vận tải hàng hóa đường biển tăng 5,95% so với cùng kỳ. e. Du lịch Do ảnh hưởng chung của dịch covid-19 nên tổng lượt khách du lịch trên địa bàn tỉnh tháng Bảy giảm rất nhiều, ước đạt 9,95 ngàn lượt khách, chỉ bằng 19,31% lượng khách của tháng trước và mới bằng 0,98% so với tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng, tổng lượt khách du lịch trên địa bàn tỉnh là 2.321,37 ngàn lượt khách, đạt 33,16% kế hoạch năm, giảm 32,37% so cùng kỳ năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 1.135,57 ngàn lượt khách, đạt 33,40% kế hoạch năm, giảm 15,47% so cùng kỳ năm trước. Trong đó khách quốc tế 28,58 ngàn lượt khách, mới đạt 7,14% kế hoạch năm và chỉ bằng 18,24% so cùng kỳ năm trước. 7. Một số tình hình xã hội a. Lao động, giải quyết việc làm, đào tạo nghề Tháng Bảy, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 1.953 lượt người[13]. Tính chung 7 tháng giải quyết việc làm được 19.464 lượt người, đạt 55,61% so kế hoạch năm, tăng 1,14% so cùng kỳ[14] năm trước. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo mới 1.070 người (trung cấp 330 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng 740 người); tổng số lao động được đào tạo qua 7 tháng là 13.195 người[15]. b. Giáo dục Tổ chức thực hiện tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2020-2021. Toàn tỉnh Kiên Giang có 26 điểm thi với 595 phòng thi, có 13.791 thí sinh đăng ký dự thi. Cả tỉnh có 55 thí sinh thuộc diện F1, F2, ở trong vùng dịch phải dự thi đợt 2. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 dự kiến công bố vào ngày 26/7/2021. Tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho 4.246 giáo viên/128 điểm cầu trực tuyến. Phối hợp Dự án Cầu Vồng tổ chức tập huấn cho 30 cán bộ cốt cán cấp tỉnh về công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ em mầm non và tiểu học. c. Tình hình y tế Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và đang tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh trong cộng đồng trên các địa phương trong cả nước, nguy cơ dịch xâm nhập từ các đối tượng nhập cảnh và các đối tượng từ vùng dịch trở về là rất cao. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh tăng cường chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và thực hiện nghiêm 5k của Bộ Y tế. Hiện nay, do đã có nhiều cas lây nhiễm trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh nên ngày 18/7 Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, thời gian thực hiện 14 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 19/7 đến hết ngày 01/8/2021. Tình hình dịch bệnh: - Tình hình dịch Covid-19: tính đến ngày 19/7, toàn tỉnh ghi nhận 185 trường hợp mắc Covid-19 (161 trường hợp có mã số của Bộ Y tế), đã điều trị khỏi 93 trường hợp, 92 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh (bao gồm các trường hợp đang xin mã số của Bộ Y tế). Hiện tại đang cách ly tập trung 2.028 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 6.702 trường hợp. Tổng số trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 là 33.828 trường hợp, trong đó số trường hợp có kết quả dương tính 185 trường hợp. Tổng số trường hợp nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên tính từ ngày 20/02/2021 đến nay 2.267 trường hợp. - Bệnh sốt xuất huyết trong tháng ghi nhận 105 cas, trong đó có 5 cas sốt xuất huyết nặng (TP Rạch Giá 01 cas, Kiên Lương 01 cas và Kiên Hải 02 cas), tăng 46 cas so với tháng trước; địa bàn có số cas mắc cao là huyện An Minh 26 cas; TP Phú Quốc 22 cas; huyện Kiên Hải 21 cas. Tính chung từ đầu năm số cas mắc là 469 cas, không có trường hợp tử vong. - Bệnh tay chân miệng có 16 cas mắc, giảm 95 cas so với tháng trước. Tính chung từ đầu năm số cas mắc là 975 cas. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: thực hiện thanh, kiểm tra 873 cơ sở, trong đó có 771 cơ sở đảm bảo VSATTP theo quy định (88,32%) và 102 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP (11,68%), đã xử lý nhắc nhở và hướng dẫn cơ sở thực hiện việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong tháng đã ghi nhận 11 cas ngộ độc rượu và đồ uống có cồn. d. Hoạt động Văn hóa, Thể dục thể thao - Hoạt động Văn hóa: tập trung tuyên truyền kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), 92 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2021). Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; ngành chức năng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa và thể thao trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. - Hoạt động Thể dục thể thao: tạm hoãn tổ chức các giải thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19. e. Tình hình an toàn giao thông Tính từ ngày 15/6/2021 đến 14/7/2021, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông, làm 4 người chết, không có người bị thương. So với tháng trước số vụ tai nạn giao thông giảm 2 vụ, giảm 1 người chết và giảm 3 người bị thương. Tính chung 7 tháng đầu năm (từ 15/12/2020 đến 14/7/2021) toàn tỉnh xảy ra 77 vụ tai nạn giao thông (đường bộ 71 vụ, đường thủy 6 vụ), làm 50 người chết (đường bộ 47 người, đường thủy 3 người), 43 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, tăng 5 vụ (tăng 6,94%), tăng 6 người chết (tăng 13,64%) và tăng 1 người bị thương (tăng 2,38%). f. Tình hình cháy, nổ và thiên tai Tình hình cháy nổ: từ ngày 15/6/2021 đến 14/7/2021 trong tỉnh xảy ra 01 vụ cháy, cụ thể là vào lúc 20h25 ngày 26/6/2021 đã xảy ra 01 vụ cháy 02 tàu đánh bắt hải sản đang neo đậu tại khu phố 4, phường An Thới, thành phố Phú Quốc. Nguyên nhân cháy là do chập điện. Không có thiệt hại về người, ước tính thiệt hại về tài sản là 900 triệu đồng. Tính chung từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy, 01 vụ nổ làm 1 người chết, 1 người bị thương. Thiệt hại ước tính khoảng trên 5,2 tỷ đồng. Tình hình thiên tai: từ ngày 15/6/2021 đến 23/7/2021 trên địa bàn tỉnh có xảy ra mưa giông lớn kèm lốc xoáy đã làm sập hoàn toàn 47 căn nhà (An Biên 4 căn; Tân Hiệp 01 căn; Châu Thành 01 căn; An Minh 01 căn; Giồng Riềng 40 căn), tốc mái 63 căn (Châu Thành 4 căn; An Minh 02 căn; Hòn Đất 1 căn; An Biên 02 căn; Giồng Riềng 54 căn) làm chết 01 người (ở huyện Hòn Đất) và bị thương 14 người, trong đó có 03 người bị thương nặng. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng nhanh chóng giúp dân thu gom đồ đạc, hỗ trợ tiền để khắc phục, thống kê thiệt hại tài sản, đồng thời ưu tiên lo chỗ ở cho dân, kiên quyết không để người dân thiếu đói hoặc không có nơi ở. Tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng thiên tai do giông lốc, gió giật mạnh đã làm sập 70 căn nhà, tốc mái 86 căn, bị thương 16 người, chết 2 người. Thiệt hại về vật chất ước tính khoảng trên 3,7 tỷ đồng./. Tải về: - Số liệu Kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021 của tỉnh Kiên Giang; - Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm 2021 của tỉnh Kiên Giang [1] Tập trung ở các huyện Hòn Đất 78.573 ha, Giồng Riềng 46.801 ha, Tân Hiệp 36.803 ha, Giang Thành 29.255 ha, Châu Thành 19.076 ha và TP Rạch Giá 5.483 ha...
[2] Chia ra: Giá trị khai thác giảm 0,92% so tháng trước, giảm 2,12% so cùng kỳ; giá trị nuôi trồng giảm 21,21% so tháng trước, tăng 0,73% so cùng kỳ. [3] Chia ra: Giá trị khai thác đạt 67,25% kế hoạch năm, giảm 0,26% so cùng kỳ; nuôi trồng đạt 50,74% kế hoạch, tăng 9,61%. [4] Trong đó cá các loại giảm 1,18% (giảm 3.023 tấn); mực giảm 1,05% (giảm 447 tấn). [5] Trong đó Cá nuôi tăng 7,22% (tăng 2.475 tấn) so với cùng kỳ và đạt 40,28% kế hoạch năm; tôm các loại tăng 14,06% (tăng 7.851 tấn) so với cùng kỳ và đạt 64,99% kế hoạch năm. [6] Trong đó: ngành chế biến thực phẩm tăng 0,09%; ngành sản xuất đồ uống tăng 8,70%... [7] Trong đó: Ngành sản xuất đồ uống tăng 14,47%, ngành chế biến thực phẩm tăng 3,69%... [8] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 97,07%/ trong tổng số, tăng 8,78%. [9] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 97,97%/ trong tổng số, tăng 7,83%. [10] Thu từ doang nghiệp NN TW, đạt 56,70% dự toán năm, tăng 44,52% so cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân đạt 79,75%, tăng 22,43%; thu phí, lệ phí đạt 68,88% dự toán, tăng 23,00%; thu lệ phí trước bạ đạt 66,11%, tăng 17,18%... [11] Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 22,99% dự toán năm, giảm 32,91% so với cùng kỳ; chi thường xuyên đạt 52,09% dự toán và tăng 5,01% so với cùng kỳ.
[12] So với tháng trước, giá trị hàng nông sản tăng 8,92%; hàng thủy hải sản tăng 5,08%; nguyên liệu giày da tăng 25,07%. [13] Trong đó: trong tỉnh 1.544 lượt người; ngoài tỉnh 387 lượt người, xuất khẩu lao động 22 người. [14] Trong đó: trong tỉnh 12.133 lượt người; ngoài tỉnh 7.229 lượt người, xuất khẩu lao động 102 người. [15] Trong đó: cao đẳng 49 người, trung cấp 686 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng 12.460 người.
Số lần đọc: 1480
Cục thống kê Kiên Giang |
Tin liên quan
|