02.12.2020
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản a. Nông nghiệp * Sản xuất lúa 2020 (Sơ bộ) Diện tích lúa các vụ Mùa, Đông xuân, Hè thu và Thu đông năm 2020 gieo trồng được 725.863 ha đạt 102,23% so với kế hoạch, tăng 0,53% (tăng 3.849 ha) so với năm 2019; năng suất ước đạt 6,203 tấn/ha, đạt 102,54% kế hoạch, tăng 0,259 tấn/ha so với cùng kỳ. Sản lượng ước tính là 4.502.501 tấn, đạt 104,83% so với kế hoạch, tăng 4,92% (tăng 210.990 tấn) so với cùng kỳ. Vụ Thu đông (Vụ 3): Kết thúc gieo trồng, toàn tỉnh đã xuống giống được 90.132 ha, vượt 25,18% kế hoạch, tăng 14,56% so với năm trước (tăng 11.458 ha)[1]. Đến nay đã thu hoạch được 95% diện tích, năng suất ước tính 5,21 tấn/ha. Diện tích bị nhiễm sâu bệnh trên lúa thu đông trong tháng là 4.213 ha, các đối tượng gây hại chủ yếu gồm bệnh đạo ôn lá 259 ha, cháy bìa lá 755 ha, lem lép hạt 2.564 ha, đạo ôn cổ bông 635 ha… Vụ Mùa 2020-2021: tính đến ngày 15/11, toàn tỉnh đã gieo trồng được 56.571 ha[2], bằng 90,49% so cùng kỳ. Vụ Đông Xuân 2020-2021: tính đến ngày 15/11, toàn tỉnh đã gieo trồng được 27099 ha[3], bằng 38,59% so cùng kỳ. * Cây rau, màu: Trong tháng do tình hình thời tiết mưa xảy ra liên tục nên diện tích các loại cây rau màu cũng bị ảnh hưởng. Tính đến 15/11 bà con nông dân đã gieo trồng một số loại cây rau màu chủ yếu với diện tích như dưa hấu 1.030 ha, giảm 18,90% so cùng kỳ; khoai lang 1.363 ha, tăng 7,15%; khoai mì 361 ha, giảm 15,06%; rau đậu các loại 9.394 ha, tăng 9,49%. * Chăn nuôi: Theo kết quả điều tra thống kê chăn nuôi thời điểm 01/10/2020, tổng số đàn trâu hiện có 4.723 con, giảm 5,73% so cùng thời điểm năm trước (giảm 776 con); Đàn bò 11.924 con giảm 0,24% (giảm 482 con); Đàn heo hiện có 200.250 con, giảm 0,24% (giảm 488 con). Hiện nay, tình hình chăn nuôi heo đang từng bước được hồi phục, tuy nhiên do nguồn cung cấp giống heo con còn thiếu hụt và đang ở mức cao (heo giống từ 2 – 3 triệu đồng/con, tùy trọng lượng), giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao làm cho chi phí đầu vào và giá thành chăn nuôi vẫn đang cao, nên mặc dù giá heo hơi đã giảm so với những tháng trước, nhưng người dân vẫn chưa yên tâm để đầu tư tái đàn vì lợi nhuận không cao, nên việc tái đàn heo trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm và còn rất khó khăn. b. Lâm nghiệp Các ngành chức năng thường xuyên phối kết hợp với các địa phương có rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng chống cháy rừng, đồng thời duy trì thường xuyên công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng nhằm hạn chế thiệt hại. Trong tháng đã xảy ra 4 vụ vi phạm chặt phá, lấn chiếm đất rừng (huyện Phú Quốc 03 vụ, Kiên Hải 01 vụ) với diện tích thiệt hại khoảng 0,578 ha, tính chung 11 tháng đã có 37 vụ vi phạm lấn chiếm, chặt phá rừng với diện tích khoảng 3,72 ha rừng. c. Thủy sản Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): tháng Mười Một ước đạt 2.282,91 tỷ đồng, giảm 10,95% so với tháng trước, tăng 1,74% so cùng kỳ[4] năm trước. Tính chung 11 tháng, ước đạt 29.192,94 tỷ đồng, đạt 92,00% kế hoạch năm, tăng 2,35% so cùng kỳ[5] năm trước. Tổng Sản lượng thủy sản: tháng Mười Một ước đạt 65.249 tấn, giảm 11,48% so với tháng trước (giảm 8.458 tấn) và giảm 4,65% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng đạt 772.556 tấn, đạt 102,33% kế hoạch năm, giảm 0,85% so cùng kỳ. Chia ra: Sản lượng khai thác tháng Mười Một ước đạt 46.140 tấn, giảm 1,65% so tháng trước, giảm 7,83% so cùng kỳ (giảm 773 tấn). Tính chung 11 tháng ước được 526.305 tấn, đạt 106,32% kế hoạch, giảm 4,49% (giảm 24.726 tấn) so cùng kỳ[6]. Sản lượng nuôi trồng tháng Mười Một ước đạt 19.109 tấn, giảm 28,68% (giảm 7.685 tấn) so với tháng trước, tăng 4,02% (tăng 739 tấn) so cùng kỳ năm trước. Sản lượng nuôi trồng trong tháng giảm so với tháng trước là do giảm sản lượng thu hoạch nghêu, sò, hến nuôi ngoài biển. Tính chung 11 tháng ước tính sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch đạt 246.251 tấn, đạt 94,71% kế hoạch năm, tăng 7,94% (tăng 18.107 tấn) so cùng kỳ năm trước[7]. 2. Công nghiệp Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): tháng Mười Một, tăng 3,88% so tháng trước và tăng 10,19% so cùng tháng năm trước. Trong đó, so với tháng trước, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,02%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 4,22%, ngành khai khoáng tăng 0,17%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý chất thải, nước thải tăng 0,95%. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): tháng Mười Một ước đạt 4.609,28 tỷ đồng, tăng 3,98% so tháng trước, tăng 10,54% so cùng kỳ năm trước.[8] Tính chung 11 tháng ước đạt 45.260,77 tỷ đồng, đạt 87,55% kế hoạch năm, tăng 5,01% so với cùng kỳ năm trước[9]. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 11 tháng tăng so cùng kỳ như gạch các loại tăng 2,79%; gỗ MDF tăng 3,66%; điện thương phẩm tăng 8,28%; nước máy tăng 6,61%. Tuy nhiên, vẫn còn một số sản phẩm giảm nhiều so cùng kỳ năm trước như, bia các loại giảm 30,54%; giày da giảm 17,87%; bột cá giảm 18,61%... Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Mười Một bằng 87,43% so với tháng trước. Trong đó, ngành chế biến thực phẩm bằng 88,80%; ngành sản xuất đồ uống lại tăng 72,93%... Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Mười Một tăng 6,60% so với tháng trước. Trong đó ngành chế biến thực phẩm giảm 1,78%; ngành sản xuất xi măng tăng 107,22%. Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/11/2020 tăng 3,43% so tháng trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 3,75%. 3. Vốn đầu tư thực hiện (vốn ngân sách nhà nước) Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Mười Một (Số giải ngân đến 15/11/2020) ước tính đạt 334,938 tỷ đồng, chỉ bằng 38,11% so với tháng trước, giảm 10,92% so cùng tháng năm trước. Trong đó Vốn cân đối ngân sách địa phương 261,38 tỷ đồng, bằng 52,09% so tháng trước, tăng 3,78% so cùng tháng năm trước. Tính chung 11 tháng, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước ước thực hiện 3.521,70 tỷ đồng, đạt 57,65% kế hoạch năm, tăng 25,84% so cùng kỳ. Trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương 1.915,01 tỷ đồng, đạt 50,09% kế hoạch, tăng 9,52% so cùng kỳ (trong đó: vốn xổ số kiến thiết 729,88 tỷ đồng, đạt 48,50% kế hoạch, tăng 26,06% so cùng kỳ; vốn đầu tư trong cân đối NSĐP ước đạt 594,17 tỷ đồng, đạt 49,65% kế hoạch, giảm 5,71% so cùng kỳ). 4. Thu, chi ngân sách nhà nước Tổng thu ngân sách tháng Mười Một ước đạt 830,15 tỷ đồng, tăng 4,87% so tháng trước, giảm 10,42% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa 828 tỷ đồng, tăng 6,04% so với tháng trước, giảm 9,43% so cùng kỳ. Tính chung 11 tháng tổng thu ngân sách ước đạt 10.950 tỷ đồng, đạt 94,89% dự toán, tăng 7,46% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa 10.740 tỷ đồng, đạt 94,54% dự toán, tăng 7,70% và chiếm 98,08%/ tổng thu ngân sách. So với cùng kỳ năm trước, có một số khoản thu tăng khá cao[10], bên cạnh đó vẫn còn một số khoản thu đạt thấp như thu từ doanh nghiệp nhà nước TW mới đạt 74,94% dự toán năm, bằng 81,55% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 78,62% dự toán, bằng 93,14%; thu lệ phí trước bạ đạt 70,93% dự toán, bằng 84,31%; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 70,80% dự toán, bằng 93,37% so cùng kỳ... Tổng chi ngân sách địa phương tháng Mười Một ước chi 1.066,90 tỷ đồng, giảm 17,73% so với tháng trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển 269,02 tỷ đồng, bằng 57,61% so tháng trước; chi thường xuyên 797,89 tỷ đồng, tăng 21,12% so tháng trước. Tính chung 11 tháng, tổng chi ngân sách địa phương 11.313,92 tỷ đồng, đạt 68,63% dự toán năm, tăng 6,20% so cùng kỳ năm trước[11]. 5. Ngân hàng Hoạt động huy động vốn và tín dụng tiếp tục ổn định và tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Ước đến 30/11/2020, tổng nguồn vốn hoạt động đạt 102.500 tỷ đồng, tăng 7,81% so đầu năm, tăng 1,09% so với tháng trước. Trong đó: Vốn huy động tại địa phương ước đạt 53.700 tỷ đồng (chiếm 52,39% tổng nguồn vốn hoạt động), tăng 6,30% so đầu năm, tăng 0,09% so tháng trước. Doanh số cho vay trong tháng đạt 12.000 tỷ đồng (trong đó, khoảng 80% doanh số cho vay là phục vụ sản xuất kinh doanh); dư nợ cho vay đạt 85.600 tỷ đồng, tăng 6,66% so đầu năm, tăng 1,73% so tháng trước. Nợ xấu nội bảng ước tính 1.000 tỷ đồng, chiếm 1,17% tổng dư nợ. Nợ tổn thất (nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro và đang theo dõi ngoại bảng) 1.000 tỷ đồng. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp của chính sách tiền tệ, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn... như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường nhằm khôi phục, ổn định sản xuất kinh doanh. 6. Thương mại, dịch vụ a. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng Tình hình thị trường bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tháng Mười Một đang trên đà tăng nhưng chưa cao so với tháng trước, là do thời tiết mưa bão kéo dài nhiều ngày trên diện rộng nên cũng ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh mua bán của doanh nghiệp và hộ tư nhân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Mười Một ước đạt 10.041,12 tỷ đồng, tăng 2,65% so tháng trước, tăng 7,57% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, ước đạt 100.567,96 tỷ đồng, đạt 82,60% kế hoạch năm, tăng 2,78% so với cùng kỳ. Chia theo ngành hoạt động: Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Mười Một ước đạt 7.426,51 tỷ đồng, tăng 2,59% so tháng trước, tăng 7,98% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng ước tính đạt 75.177,02 tỷ đồng, đạt 84,72% kế hoạch năm, tăng 4,57% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Mười Một ước tính 1.413,55 tỷ đồng, tăng 2,04% so tháng trước, tăng 2,84% so cùng tháng năm trước. Tính chung 11 tháng ước đạt 13.520,50 tỷ đồng, đạt 75,82% kế hoạch năm, giảm 6,69% so cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng Mười Một dự kiến đạt 31,22 tỷ đồng, tăng 6,48% so với tháng trước, bằng 87,89% so cùng tháng năm trước. Tính chung 11 tháng ước đạt 187,96 tỷ đồng, đạt 37,46% kế hoạch năm, chỉ bằng 45,62% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng Mười Một ước đạt 1.169,84 tỷ đồng, tăng 3,67% so với tháng trước, tăng 11,73% so cùng tháng năm trước. Tính chung 11 tháng ước tính 11.682,48 tỷ đồng, đạt 79,57% kế hoạch, tăng 5,64% so cùng kỳ năm trước. b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Mười Một ước đạt 55,32 triệu USD, giảm 16,73% so với tháng trước và giảm 26,52% so cùng kỳ năm trước[12]. Tính chung 11 tháng , kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 637,74 triệu USD, đạt 81,76% kế hoạch năm, tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước.[13] Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Mười Một ước đạt 7,0 triệu USD, tăng 7,53% so với tháng trước, bằng 57,16% so cùng tháng năm trước. Tính chung 11 tháng ước đạt 116,96 triệu USD, đã vượt 46,20% kế hoạch năm, nhưng vẫn giảm 4,13% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu, chủ yếu vẫn là nguyên liệu dùng cho sản xuất. c. Công tác quản lý thị trường Trong tháng 11, đã kiểm tra 57 vụ, đạt 42,85% kế hoạch tháng; phát hiện 09 vụ vi phạm và 17 vụ có dấu hiệu vi phạm, xử lý 26 vụ vi phạm hành chính, trong đó thu nộp ngân sách 286 triệu đồng. Tính chung 11 tháng, đã kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm 1.784 vụ, đạt 111,50% kế hoạch năm (trong đó: kế hoạch định kỳ 1.028 vụ, kế hoạch chuyên đề 272 vụ, đột xuất 479 vụ); phát hiện 466 vụ vi phạm, xử lý 487 vụ vi phạm hành chính (bao gồm số vụ kỳ trước chuyển sang); chuyển xử lý hình sự 02 vụ. Thu nộp ngân sách 9,488 tỷ đồng, đạt 119% kế hoạch năm (trong đó: phạt hành chính 7,93tỷ, bán tang vật tịch thu 1,554 tỷ đồng). Các vụ vi phạm chủ yếu là vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại. d. Chỉ số giá Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười Một tăng 0,07% so với tháng trước; tăng 3,05% so với cùng tháng năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, chỉ có 2 nhóm hàng tăng so với tháng trước, đó là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng (tăng 0,46%); kế đến là nhóm hàng hoá và dịch vụ khác (tăng 0,18%). Có 4 nhóm hàng giảm so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông giảm (giảm 0,62%); nhóm nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng (giảm 0,17%); nhóm may mặc, giầy dép và mũ nón giảm (giảm 0,07%) và nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm (giảm 0,03%). Các nhóm còn lại không tăng, không giảm. Chỉ số giá vàng: giá vàng tháng Mười Một tăng 0,71% so với tháng trước, tăng 29,27% so với tháng 11 năm trước và bình quân 11 tháng so với cùng kỳ năm trước chỉ số giá vàng đã tăng 26,55%. Vàng nhẫn mức giá bình quân trong tháng 11 là 5.366.000 đồng/chỉ, giảm 38.000 đồng/chỉ so với tháng trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ: giá đô la Mỹ có giảm nhẹ, tháng 11 chỉ số giá đồng đô la Mỹ so với đồng nội tệ giảm -0,03% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 0,04% và so với bình quân cùng kỳ tăng 0,16%. Giá đô la Mỹ bình quân tháng 11 được liên ngân hàng niêm yết là 2.327.800 đồng/100 USD, giảm 800 đồng so với tháng trước. đ. Vận tải Vận tải hành khách: tháng Mười Một ước đạt 7,17 triệu lượt khách, giảm 2,93% so tháng trước, giảm 16,38% so cùng kỳ; luân chuyển 300,91 triệu HK.km, giảm 2,80% so tháng trước, giảm 16,29% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng vận tải hành khách ước tính 68,71 triệu lượt khách, đạt 69,56% kế hoạch năm, giảm 18,50% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 4.156,05 triệu HK.km, đạt 64,04% kế hoạch, giảm 19,69% so cùng kỳ. Trong đó, lượng hành khách vận tải đường sông giảm nhiều nhất, giảm 22,61% so cùng kỳ, kế đến là đường biển giảm 18,43%. Vận tải hàng hóa: tháng Mười Một ước đạt 1.119 ngàn tấn, giảm 2,19% so với tháng trước, giảm 8,43% so cùng tháng năm trước; luân chuyển 148,23 triệu tấn.km giảm 2,13% so tháng trước, giảm 8,61% so cùng kỳ. Tính chung 11 tháng, vận tải hàng hóa ước tính 11,09 triệu tấn, đạt 79,24% kế hoạch năm, giảm 5,18% so cùng kỳ; luân chuyển 1.509,23 triệu tấn.km, đạt 76,20% kế hoạch, giảm 4,50% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng hàng hóa vận chuyển đường bộ giảm nhiều nhất, giảm 7,93% so cùng kỳ, kế đến là đường biển giảm 4,70%. e. Du lịch Lượng khách du lịch trong tháng Mười Một tăng nhiều so với tháng trước nhưng vẫn còn giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng của nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới kéo dài cả tháng 10 cho đến những ngày đầu tháng 11 gây mưa lớn kéo dài làm cho việc đi lại của nhân dân nói chung và đi du lịch nói riêng thêm khó khăn. Ước tính tổng lượt khách du lịch tháng Mười Một đạt 397,39 ngàn lượt khách, tăng 26,76% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 35,38% so cùng tháng năm trước. Tính chung 11 tháng ước đạt 4.984,12 ngàn lượt khách, đạt 53,42% kế hoạch năm, giảm 39,17% so cùng kỳ năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 2.248,43 ngàn lượt khách, đạt 48,94% kế hoạch năm, giảm 41,81% so cùng kỳ (số khách quốc tế 171,85 ngàn lượt khách, đạt 22,91% kế hoạch năm, giảm 73,78% so cùng kỳ năm trước). 7. Một số tình hình xã hội a. Lao động, giải quyết việc làm, đào tạo nghề Tháng Mười Một toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 3.325 lượt người, trong đó: trong tỉnh 1.850 lượt lao động, ngoài tỉnh 1.440 lượt lao động, xuất khẩu lao động 35 người. Tính chung 11 tháng giải quyết việc làm cho 33.281 lượt người, đạt 95,09% kế hoạch năm, giảm 1,05% so cùng kỳ năm trước[14]. Trong tháng, đã tư vấn việc làm cho 5.821 lượt lao động, lũy kế 40.333 lượt lao động, trong đó có việc làm ổn định 3.207 lao động; giải quyết trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 1.303 lao động, lũy kế 14.961 lao động. Trong tháng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh và đào tạo nghề cho 1.907 người[15]. Tính chung từ đầu năm đến nay đã đào tạo được 24.630 người đạt 98,52% kế hoạch năm[16]. b. Giáo dục Ngành giáo dục tiến hành tổ chức tập huấn SGK lớp 1 và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện tài liệu giáo dục địa phương và cách thức lồng ghép với hoạt động trải nghiệm; hướng dẫn một số vấn đề trong dạy và học tiếng Anh lớp 1, 2 theo Chương trình GDPT 2018 đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra các hoạt động dạy và học đầu năm học 2020-2021 tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục thường xuyên; Tổ chức bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp quốc gia năm học 2020-2021 và tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia THPT và chọn học sinh giỏi vòng tỉnh giải toán trên máy tính cầm tay năm học 2020-2021. c. Y tế Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 Tính đến ngày 16/11/2020, toàn tỉnh ghi nhận 01 trường hợp mắc COVID-19 đã điều trị khỏi. Hiện tại cách ly tập trung 56 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi cư trú 0 trường hợp. Tổng số trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 là 3.660, số trường hợp có kết quả dương tính là 01 (đã điều trị khỏi), số trường hợp có kết quả âm tính là 3.659. Tình hình dịch bệnh trong tháng (từ ngày 10/10/2020 – 10/11/2020): Trong tháng, các loại bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng,... đều có xu hướng tăng[17]. Ngoài ra, còn các bệnh khác mắc tăng so với tháng trước như: Cúm (164/108), Lỵ trực trùng (04/02), Thương hàn (16/02). Các bệnh so với tháng trước giảm: Tiêu chảy (254/290), Sốt phát ban nghi sởi (01/04), Viêm gan virut (02/04)... Không có tử vong. Phòng chống HIV/AIDS trong tháng tổng số mẫu giám sát phát hiện là 7.837 mẫu trong đó thực hiện xét nghiệm, sàng lọc 3.965 mẫu và số mẫu xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế là 3.872 mẫu máu, phát hiện mới 19 cas HIV dương tính, tăng 1 cas so với tháng trước[18]. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: thực hiện thanh, kiểm tra 1.575 cơ sở, có 1.258 cơ sở đảm bảo VSATTP theo quy định, 317 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP[19]. Trong tháng, toàn tỉnh ghi nhận 27 cas ngộ độc trong đó 26 cas ngộ độc đồ uống có cồn, 1 cas ngộ độc thực phẩm biến chất, không có trường hợp tử vong. Theo báo cáo của BHXH tỉnh, ước tính đến tháng 11/2020 tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,94%, tương ứng với 1.520.367 người tham gia; số người tham gia bảo hiểm xã hội là 105.450 người, chiếm tỷ lệ 11,54% so với lực lượng lao động toàn tỉnh[20]; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 81.957 người, chiếm tỷ lệ 8,86% so với lực lượng lao động toàn tỉnh, tăng 461 người so với tháng trước. d. Hoạt động Văn hóa, Thể dục thể thao Hoạt động Văn hóa, Tháng 11 năm 2020, tổ chức tuyên truyền kỷ niệm hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (09/11), kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020. Hoạt động Thể dục thể thao, Tổ chức Giải Bóng chuyền tỉnh Kiên Giang (từ ngày 21/11 - 23/11/2020). Tổ chức Giải Thể dục thể hình và Fitness trong khuôn khổ Đại hội Thể thao Đồng bằng sông Cửu Long (từ ngày 07/11 - 09/11/2020 tại Nhà Thi đấu đa năng tỉnh).[21] Đặc biệt, đăng cai tổ chức thành công Giải Vô địch Thể hình Quốc gia lần thứ 23 năm 2020 - Lực sĩ đẹp Việt Nam (từ ngày 11/11 - 13/11/2020 tại Nhà Thi đấu đa năng tỉnh).[22] Các đội tuyển thể thao duy trì tập luyện thường xuyên theo kế hoạch và tham dự 10 giải thể thao khu vực, toàn quốc. Duy trì tập luyện thường xuyên theo kế hoạch các Đội tuyển trẻ (20 vận động viên), Đội tuyển năng khiếu (59 vận động viên) và Đội tuyển tuyến tỉnh (51 vận động viên). e. Tai nạn giao thông Tính từ ngày 15/10/2020 đến 14/11/2020 toàn tỉnh xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông (đường bộ), làm 6 người chết, 11 người bị thương. So với tháng 10 tăng 07 vụ, số người chết không tăng không giảm nhưng tăng 8 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, giảm 1 vụ, số người chết giảm 4 người, số người bị thương tăng 2 người. Tính chung 11 tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 109 vụ tai nạn giao thông (đường bộ 108 vụ, đường thủy 01 vụ), làm 65 người chết, 69 người bị thương, trong đó số vụ TNGT nghiêm trọng là 98 vụ, làm 65 người chết và 58 người bị thương. Qua 11 tháng , tuy tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra nghiêm trọng và phức tạp, nhưng so với cùng kỳ năm trước, tai nạn giao thông đã giảm đáng kể trên cả 3 tiêu chí: giảm 23 vụ, giảm 14 người chết và giảm 21 người bị thương. f. Tình hình cháy, nổ và thiên tai Tình hình cháy nổ: từ ngày 15/10/2020 đến 14/11/2020 toàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Tính chung 11 tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 27 vụ cháy, 02 vụ nổ làm 2 người chết, 23 người bị thương, thiệt hại ước tính 32 tỷ 600 triệu đồng. Tình hình thiên tai: từ ngày 15/10/2020 đến 14/11/2020 do chịu ảnh hưởng hoàn lưu của các cơn bão số 8, 9, 10, 11 và 12 kết hợp áp thấp nhiệt đới trên biển đông mạnh gây mưa lớn diện rộng nên hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa giông, lốc, sóng to, gió mạnh kéo dài nhiều ngày cùng với triều cường dâng cao đã làm 8 căn nhà bị sập (huyện An Biên 03 căn, Vĩnh Thuận 01 căn, An Minh 03 căn, Gò Quao 01 căn); 4 căn nhà bị tốc mái (huyện An Minh 03 căn, Vĩnh Thuận 01 căn) và 1.790 căn nhà ở Vĩnh Thuận bị ngập. Tổng ước tính thiệt hại về nhà ở là 200 triệu đồng. Trong sản xuất nông nghiệp, tổng thiệt hại khoảng 8.338,07 ha xảy ra ở các huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận. Trong đó, thiệt hại diện tích lúa hè thu đang trong giai đoạn thu hoạch bị ngã đổ 3.902,51 ha; diện tích lúa đông xuân bị ngập 40,5 ha; diện tích rau màu, cây ăn trái, cây công nghiệp, lúa trên nền đất tôm trên 4.390 ha. Tổng thiệt hại vật chất ước tính trên 101 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng tình hình thời tiết, thiên tai đã làm sập hoàn toàn 212 căn nhà, tốc mái 510 căn, làm ngập nước 8.041 căn, ngập 115 điểm trường, chìm và mất tích 19 tàu đánh bắt thủy sản của ngư dân, 02 Cano và 01 tàu chở hàng; hư hỏng 104,8 km lộ giao thông nông thôn, sạt lở 2.595 m đường đê bờ biển và sét đánh làm chết 03 người, 03 người bị thương./. Tải về: - Số liệu Kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2020 của tỉnh Kiên Giang - Chỉ số Giá tiêu dùng tháng 11 năm 2020 của tỉnh Kiên Giang [1] Tập trung ở các huyện Giồng Riềng 33.514 ha, Tân hiệp 27.976 ha, Giang Thành 13.664 ha, Châu Thành 8.173, Hòn Đất 4.709 ha, Gò Quao 1.224 ha và TP Rạch Giá 872 ha. [2] Gồm các huyện An Biên 16.430 ha; An Minh 20.645 ha; Vĩnh Thuận 11.860 ha; U Minh Thượng 6.151 ha; Hà Tiên 599 ha và Gò Quao 886 ha [3] Gồm các huyện Giang Thành 11.300 ha; UMT 7.257 ha; An Biên 5.357 ha; Gò Quao 1.585 ha; Vĩnh Thuận 1.600 ha. [4] Chia ra: Giá trị khai thác giảm 0,80% so tháng trước, giảm 6,68% so cùng kỳ; giá trị nuôi trồng giảm 20,57% so tháng trước, tăng 13,92% so cùng kỳ. [5] Chia ra: Giá trị khai thác đạt 89,84% kế hoạch năm, giảm 3,36%; nuôi trồng đạt 94,09% kế hoạch, tăng 8,24%. [6] Trong đó cá khai thác các loại giảm 4,10% (giảm 17.001 tấn); tôm giảm 5,10% (giảm 1.633 tấn); mực giảm 3,95% (giảm 2.701 tấn). [7] Trong đó: Cá nuôi tăng 7,77% (tăng 5.631 tấn) so với cùng kỳ và đạt 106,58% kế hoạch; tôm các loại tăng 10,54% (tăng 8.384 tấn) so với cùng kỳ và đạt 103,44% kế hoạch năm. [8] Trong đó, so với tháng trước ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,02%, chiếm tỷ trọng 97,16% tổng giá trị sản xuất toàn ngành; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 4,22%... [9] Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 97,10%/tổng số, tăng 5,03%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước tăng 2,01%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 8,36%. [10] Thu tiền sử dụng đất đạt 150,15% dự toán, tăng 15,56% so cùng kỳ; thu xổ số kiến thiết đạt 108,15% dự toán, tăng 12,69%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước đạt 279,40% dự toán, tăng gấp hơn 2 lần năm trước. [11] Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 59,99% dự toán, tăng 16,50% so với cùng kỳ; chi thường xuyên đạt 79,89% dự toán và tăng 1,89% so với cùng kỳ.
[12] So với tháng trước, giá trị hàng nông sản giảm 60,61%; hàng thủy hải sản tăng 5,59%; nguyên liệu giày da tăng 9,37%. [13] Trong đó: hàng nông sản đạt 214,16 triệu USD, đạt 93,11% kế hoạch, tăng 36,36% so cùng kỳ; hàng thủy hải sản 209,33 triệu USD, đạt 82,09% kế hoạch, tăng 8,42% so cùng kỳ; nguyên liệu Giày da 99,23 triệu USD, đạt 49,62% kế hoạch, giảm 39,53%. [14] Chia ra: trong tỉnh 20.434 lượt; ngoài tỉnh 12.701 lượt, xuất khẩu lao động 146 người. [15] Chia ra: cao đẳng 19 người, trung cấp 65 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng 1.823 người. [16] Chia ra: cao đẳng 1.570 người, trung cấp 2.904 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 20.156 người. [17] Sốt xuất huyết có 130 cas mắc, trong đó có 01 cas sốt nặng (tăng 16 cas so với tháng trước, giảm 119 cas so cùng kỳ). Lũy kế từ đầu năm 725 cas mắc. Tay chân miệng có 145 cas mắc (tăng 45 cas so với tháng trước, giảm 417 cas so cùng kỳ), tử vong 0. Lũy kế từ đầu năm 540 cas mắc. [18] Số bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV mới là 31 BN (tích lũy 2.263 BN, trong đó người lớn có 2.170 người; trẻ em dưới 15 tuổi có 93 người). Tính đến thời điểm báo cáo, số người còn sống ở địa phương nhiễm HIV là 3.059 người, trong giai đoạn AIDS là 1.729 người. Số người điều trị Methadone mới trong tháng là 126 người [19] Đã nhắc nhở và hướng dẫn để thực hiện đúng, đảm bảo VSATTP theo quy định. Ngoài ra còn thực hiện kiểm tra đột xuất về ATTP đối với 23 cơ sở sản xuất, kinh doanh, đạt 100%. [20] Trong đó: Tham gia BHXH bắt buộc 93.017 người, tăng 406 người so với tháng trước; tham gia BHXH tự nguyện 13.728 người, tăng 889 người so với tháng trước. [21] Tham gia thi đấu có gần 60 VĐV nam, nữ đến từ 06 tỉnh/thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; phục vụ gần 1.000 lượt người xem và cổ vũ; các VĐV tham gia tranh tài 08 hạng cân nam, 02 hạng cân nữ và 02 nội dung Fitness. [22] Tham gia thi đấu có 120 VĐV nam, nữ đến từ 14 tỉnh/thành/ngành trong cả nước; các VĐV tranh tài 08 hạng cân nam, 06 hạng cân nữ, đôi nam - nữ, toàn năng nam, toàn năng nữ.
Số lần đọc: 1063
Cục Thống kê Kiên Giang |
Tin liên quan
|