Tin nóng
25.12.2023
(Chinhphu.vn) - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, hệ thống giáo dục liên thông hiện nay được tổ chức, triển khai rất đa dạng. Mặc dù các chính sách quy định hướng đến việc mở cơ hội, tạo điều kiện học tập cho người học nhưng không có nghĩa là dễ dàng và phải được thực hiện đúng luật.

Phiên họp về “Giải pháp thực hiện liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân” - Ảnh: VGP/PL

Chiều 22/12, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức phiên họp thứ 4 của Tiểu ban Giáo dục đại học cho ý kiến về “Giải pháp thực hiện liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Trưởng Tiểu ban Giáo dục đại học chủ trì phiên họp.

Mầm non, tiểu học là những ngành có nhu cầu đào tạo liên thông lớn nhất 

Theo báo cáo kết quả đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học giai đoạn 2017-2023: Tổng số cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay là 243 trường (không tính các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh). Trong đó, số cơ sở giáo dục đại học có đào tạo liên thông là 134 trường, chiếm 49% số cơ sở đào tạo. Điều này cho thấy nhu cầu dạy và học liên thông là tương đối lớn.

Khảo sát, thống kê cho thấy, ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học là những ngành có nhu cầu đào tạo liên thông lớn nhất bởi 2 ngành này vẫn được đào tạo ở trình độ trung cấp và cao đẳng. 

Bên cạnh đó, các ngành Luật, Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh, Kế toán, Dược học, Điều dưỡng, Y khoa, Công nghệ kỹ thuật điện-điện tử cũng là những ngành có đào tạo ở bậc trung cấp, cao đẳng. Do đó để đáp ứng yêu cầu công việc cũng như nâng cao trình độ, số lượng người học có nhu cầu học lên đại học là rất lớn.

Đào tạo liên thông có 2 hình thức là chính quy và vừa làm vừa học, trong đó ở hình thức nào cũng có các đối tượng khác nhau: Từ trung cấp lên đại học, từ cao đẳng lên đại học và từ đại học sang đại học (văn bằng 2). 

Trong số 134 trường có đào tạo liên thông, các trường có thể đào tạo cả theo hình thức chính quy và vừa làm vừa học, hoặc chỉ đào tạo một hình thức chính quy hoặc vừa làm vừa học, có thể đào tạo một hoặc nhiều cấp độ khác nhau tùy theo nhu cầu người học và năng lực đào tạo của nhà trường.

Mặc dù đào tạo liên thông chính quy từ cao đẳng lên đại học có nhiều trường tổ chức nhất nhưng đối với chương trình đào tạo, số lượng chương trình đào tạo liên thông theo hình thức vừa làm vừa học từ cao đẳng lên đại học lại nhiều hơn với 411 chương trình. 

Nguyên nhân của việc này là bởi đối tượng người học liên thông đa phần là những người đã đi làm, học liên thông lên đại học để phục vụ nhu cầu trong công việc. Do đó hình thức vừa làm vừa học là phù hợp, giúp người học vừa có thể duy trì công việc hiện có, vừa có thể nâng cao kiến thức và trình độ.

Hiện nay, đối với đào tạo liên thông chính quy, 39% cơ sở đào tạo sử dụng hình thức xét hồ sơ, 23,4% sử dụng hình thức thi tuyển và 29,9% kết hợp thi tuyển và xét hồ sơ để tuyển sinh đầu vào. Về phương thức tổ chức đào tạo, 53,2% cơ sở đào tạo tổ chức lớp đào tạo liên thông riêng, 28,6% kết hợp tổ chức lớp liên thông chính quy riêng và lớp cùng sinh viên chính quy, 18,2% tổ chức cho sinh viên liên thông chính quy học cùng lớp với sinh viên chính quy.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/PL

Hệ thống liên thông được triển khai rất đa dạng

Tại phiên họp, các chuyên gia, nhà khoa học cho ý kiến về một số nội dung như: Quy định liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân; những chương trình đào tạo, bồi dưỡng nào mà người học đã tham gia học tập (tích lũy); chương trình nào được xem xét công nhận miễn trừ khi tham gia học tập các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học.

Các đại biểu cũng cho ý kiến về hình thức đào tạo, bồi dưỡng mà người học đã tham gia học tập (đã tích lũy) được xem xét, công nhận, miễn trừ khi học các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học.

Điều kiện của người học khi theo học (tích lũy) các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để được xem xét công nhận miễn trừ khi tham gia học tập tại các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học; mức độ công nhận, miễn trừ khối lượng kiến thức, kỹ năng mà người học đã học tập (đã tích lũy) khi theo học các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, nhìn nhận vào thực tế, hệ thống liên thông hiện nay được tổ chức, triển khai rất đa dạng. Mặc dù các chính sách quy định hướng đến việc mở cơ hội, tạo điều kiện học tập cho người học nhưng điều đó không có nghĩa là dễ dàng và phải được thực hiện đúng luật. Cùng với đó, đào tạo liên thông tuy được tạo điều kiện thuận lợi nhưng vẫn phải đáp ứng, thích nghi với sự thay đổi của thị trường lao động.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh việc đảm bảo chất lượng trong quá trình đào tạo. Chất lượng nằm ở việc cần có quy định về điều kiện đầu vào, điều kiện đầu ra, khối lượng, thời lượng chương trình phải được gắn vào cụ thể.

Thứ trưởng cũng cho rằng, quá trình đào tạo cần phải đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch cho tất cả các đối tượng người học. Phải nghiên cứu đảm bảo quyền lợi cho người học, đặc biệt là đảm bảo học phí, ưu tiên đối với từng đối tượng. Từ đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cần có những phần chung và phần riêng cho từng đối tượng, ngành nghề.

Thứ trưởng đề nghị Bộ LĐTB&XH tham gia, phối kết hợp mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định; đồng thời bổ sung thêm căn cứ, phân tích kỹ hơn dữ liệu theo trường, theo ngành, theo đối tượng để phát hiện ra những điểm nghẽn, nguyên nhân.

Để đào tạo liên thông có hiệu quả hơn, Ban soạn thảo Nghị định quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cần có sự thống kê, đối sánh, đánh giá đầy đủ về thực tiễn. Đặc biệt, cần tiến hành khảo sát tại các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp để có căn cứ xây dựng dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đề nghị, Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo nghị định; đồng thời bổ sung căn cứ và phân tích kỹ hơn dữ liệu. Nếu có điều kiện, có thể tiến hành khảo sát đánh giá của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động. “Làm sao quy định được các thành phần cốt lõi của chương trình đào tạo” – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý.

Phương Liên

 

Số lần đọc: 119
BaoChinhphu.vn
Tin liên quan