Tin nóng
07.09.2013
TS ÐỖ THỨC Tổng cục trưởng - Tổng cục Thống kê

Trong những năm qua, thông tin thống kê nhà nước được thu thập, tổng hợp và công bố ngày càng nhiều với chất lượng và độ tin cậy từng bước được nâng lên, là nguồn thông tin chính thống và có tính pháp lý cao nhất của nước ta. 

Tuy vậy, trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, thông tin thống kê đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập; có lúc, có nơi còn chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội, cũng như nhu cầu ngày càng cao của người dùng tin. Có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lưu ý là việc chấp hành chưa nghiêm Luật Thống kê và các quy định pháp luật liên quan; nhận thức của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ, công chức về công tác thống kê chưa đầy đủ; căn bệnh "thành tích" còn tồn tại ở nhiều địa phương, ngành, lĩnh vực... Những hiện tượng này đã làm ảnh hưởng đến độ tin cậy của thông tin thống kê vốn là cơ sở xây dựng các chủ trương, chính sách hay quyết định.

Nghị định số 14/2005/NÐ-CP ngày 4-2-2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê (sau đây gọi tắt là Nghị định 14) ra đời đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác thống kê, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, sau tám năm thực hiện, Nghị định 14 đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp, như: Chưa bao quát hết phạm vi điều chỉnh cho cả ba loại đối tượng (cung cấp thông tin thống kê, sử dụng thông tin thống kê và người làm công tác thống kê); chưa đề cập chi tiết các hành vi vi phạm về công bố, sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu thống kê; về điều tra thống kê của các tổ chức, cá nhân ngoài tổ chức thống kê Nhà nước. Một số hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Thống kê chưa được giải thích rõ, nhưng đã được quy định trong Nghị định 14, nên khi vận dụng trong thực tế rất khó khăn. Bên cạnh đó, Nghị định 14 cũng chưa quy định cụ thể các hành vi vi phạm và mức xử phạt tương ứng về các vi phạm như: Công bố thông tin thống kê không đúng thẩm quyền, công bố chậm hoặc cản trở việc tiếp cận các thông tin thống kê theo quy định. Ngoài ra, mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê quá thấp, không đủ răn đe và không còn phù hợp.

Chính vì vậy, Nghị định số 79/2013/NÐ-CP ngày 19-7-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thống kê ra đời thay thế Nghị định 14 và có hiệu lực thi hành từ ngày 5-9-2013 có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, là cơ sở pháp lý quan trọng để "siết chặt" kỷ cương trong hoạt động thống kê. 

Nghị định số 79/2013/NÐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê (sau đây gọi tắt là Nghị định 79) gồm bốn chương, 23 điều. So với Nghị định 14, Nghị định 79 có một số điểm mới sau:

Thứ nhất, về thẩm quyền xử phạt, bổ sung chi tiết thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê phù hợp với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Thứ hai, về hành vi vi phạm, bổ sung thêm hành vi không thực hiện đúng quy trình phương án điều tra thống kê đã quy định.

Thứ ba, nâng mức xử phạt và có phương án điều chỉnh mức xử phạt phù hợp với các thay đổi về tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ đối với các hành vi vi phạm tương xứng với mức độ vi phạm, đủ điều kiện răn đe, nhất là đối với cơ quan, doanh nghiệp.

Thứ tư, giải thích cụ thể một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.

Thứ năm, bổ sung về mức xử phạt đối với các hành vi: Công bố thông tin thống kê không đúng thẩm quyền, hoặc công bố thông tin thống kê chậm so với thời hạn quy định; cản trở việc tiếp cận các thông tin thống kê theo quy định được phép tiếp cận.

Ðể pháp luật về thống kê thật sự đi vào cuộc sống, các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật Thống kê, Nghị định 79 và các văn bản pháp luật liên quan lĩnh vực thống kê, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân theo tinh thần Quyết định số 409/QÐ-TTg ngày 9-4-2013 ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/T.Ư ngày 19-4-2011 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa XI) về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/T.Ư ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016. Ðồng thời, thường xuyên tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thống kê nhằm phát hiện, phòng ngừa các vi phạm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với mọi đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thống kê; bình đẳng trong thực thi pháp luật, không phân biệt loại hình doanh nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, không phân biệt tổ chức, cá nhân; xử lý nghiêm, kiên quyết các hành vi vi phạm pháp luật về thống kê đối với mọi tổ chức, cá nhân vi phạm.

Ngành Thống kê đã và đang tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê để mọi đối tượng cung cấp thông tin và người dùng tin hiểu rõ về số liệu thống kê, tạo niềm tin, sự yên tâm cho tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin thống kê, đồng thời tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành thống kê nhằm phát hiện, uốn nắn kịp thời những hành vi vi phạm.

TS ÐỖ THỨC

Tổng cục trưởng - Tổng cục Thống kê

 

Số lần đọc: 1573
Theo Báo nhân dân
Tin liên quan