Tin nóng
24.04.2017
Cuộc Tổng điều tra kinh tế (TĐTKT) năm 2017 được thực hiện định kỳ 5 năm một lần nhằm thu thập những thông tin cơ bản về các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tôn giáo… trên địa bàn tỉnh, có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế của tỉnh. Báo Kiên Giang có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Thanh Xuân- Cục trưởng Cục Thống kê, Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo TĐTKT năm 2017 về những nội dung liên quan đến cuộc TĐTKT năm 2017.
Ông Trần Thanh Xuân, Cục trưởng cục Thống kê tỉnh Kiên Giang, phát biểu tại hội nghị.

- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết đối tượng và phạm vi điều tra trong TĐTKT năm 2017?

- Đồng chí Trần Thanh Xuân: Cuộc TĐTKT năm 2017 được tiến hành trên phạm vi toàn tỉnh, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện thu thập thông tin về các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD)  thuộc khối doanh nghiệp thời gian thu thập thông tin từ ngày 16-3-2017 đến 31-5-2017. Đối với cơ quan hành chính, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp… thời gian thu thập thông tin từ 1-4 đến 31-5. Giai đoạn 2 thực hiện thu thập thông tin về cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, cơ sở SXKD cá thể phi nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản bắt đầu từ 1-7 đến 31-7-2017.

Ban chỉ đạo TĐTKT 2017 xác định địa bàn điều tra như sau: Đối với điều tra doanh nghiệp và đơn vị hành chính sự nghiệp, địa bàn điều tra là huyện, thị xã, thành phố; đối với cơ sở tôn giáo địa bàn điều tra là xã, phường, thị trấn; đối với cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản địa bàn điều tra là xã, phường, thị trấn, chợ, siêu thị.

- Phóng viên: Nội dung tổng điều tra kinh tế 2017 là gì thưa đồng chí?

- Đồng chí Trần Thanh Xuân: Nội dung TDDTKT 2017 gồm: Thông tin chung về cơ sở, ngành hoạt động SXKD, loại hình cơ sở; thông tin về lao động và thu nhập của người lao động; thông tin về kết quả hoạt động SXKD (gồm tài sản, nguồn vốn, kết quả, chi phí của hoạt động SXKD, thuế và các khoản nộp ngân sách; vốn đầu tư thực hiện; tiêu dùng năng lượng; tình hình sử dụng công nghệ trong các doanh nghiệp; hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ; các chỉ tiêu thống kê chuyên ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia theo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam); thông tin chung về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin (sử dụng máy tính, mạng internet cho SXKD, sử dụng hình thức thương mại điện tử qua hoạt động mua bán hàng hóa, kinh doanh qua mạng internet); thông tin về tình hình tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp (mục tiêu, kết quả tiếp cận, lý do bị từ chối tiếp cận nguồn vốn); thông tin chuyên đề về doanh nghiệp (gia công hàng hóa xuất nhập khẩu với nước ngoài, mức độ sẵn sàng hội nhập quốc tế).

- Phóng viên: Những số liệu thu thập được sẽ có đóng góp như thế nào đến việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội địa phương?

- Đồng chí Trần Thanh Xuân: Kết quả thu thập được từ TĐTKT sẽ phác họa bức tranh đầy đủ về sự biến động, phân bố các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp, số lượng lao động, cơ cấu ngành, vùng của nền kinh tế, kết quả đóng góp của từng ngành kinh tế cho sự phát triển của địa phương qua 5 năm; làm cơ sở cho các cấp, các ngành rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh... 

Số liệu thu thập được từ cuộc tổng điều tra này cũng sẽ là những căn cứ quan trọng để xây dựng Chương trình hành động, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, định hướng chính sách, nhiệm vụ nhằm tạo môi trường thể chế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế. Đồng thời, giúp cho các cơ quan Đảng, nhà nước nắm bắt thêm các khó khăn và nhu cầu, kiến nghị của doanh nghiệp, qua đó kịp thời đưa ra những chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm phát triển sản xuất kinh doanh. Quy hoạch phát triển kinh tế cá thể, các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập và ngoài công lập thúc đẩy việc xã hội hóa y tế và giáo dục...

Từ kết quả tổng điều tra lần này sẽ hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ việc phân tích các chuyên đề chuyên sâu, giúp cho các cơ quan đảng, nhà nước hoạch định các chính sách, quy hoạch trung hạn và dài hạn để phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và đáp được cho yêu cầu cao của người dùng tin.

- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

THÙY TRANG

Số lần đọc: 1316
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan