Tin nóng
03.11.2015
(Chinhphu.vn) - Được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2004, đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Thống kê năm 2003 đã bộc lộ những bất cập so với yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phân tích, hoạch định và điều hành chính sách trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại diện của Tổng cục Thống kê cho hay, qua hơn 10 năm thực hiện Luật Thống kê năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã có những tác động tích cực đối với công tác thống kê. Luật đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê, khẳng định vai trò quan trọng của công tác thống kê, địa vị pháp lý của cơ quan thống kê, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thống kê

Nhờ vậy, thông tin thống kê đã góp phần giúp Đảng, Quốc hội và Chính phủ hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế, xã hội đất nước

Số liệu vừa thiếu, vừa trùng

Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thực hiện, đến nay, Luật Thống kê năm 2003 cũng đã bộc lộ không ít bất cập, nhất là đối với công tác phân tích, hoạch định và điều hành của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp.

Cụ thể, còn thiếu các chỉ tiêu thống kê phản ánh chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Công tác phân tích và dự báo thống kê phát triển chậm, phổ biến thông tin thống kê làm chưa tốt, vừa thiếu, vừa trùng chéo, trong một số trường hợp do phương pháp tính khác nhau dẫn đến chưa thống nhất về số liệu.

Hơn nữa, sự phối hợp giữa hệ thống thống kê tập trung với thống kê bộ, ngành chưa chặt chẽ. Việc tiếp cận với cơ sở dữ liệu ban đầu của các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê chưa thực sự thuận lợi. Mặt khác, hệ thống thống kê tập trung khó tiếp cận khai thác thông tin từ nguồn dữ liệu hành chính, dữ liệu đăng ký hành chính của các bộ, ngành...

Sớm sửa đổi bất cập

Để có những chính sách và quyết sách đúng đắn, có tính khả thi cao thì một trong những vấn đề cốt lõi mà Chính phủ phải quan tâm đầu tiên là phải biết rất rõ những điểm mạnh, những điểm dễ bị tổn thương của quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế một cách cụ thể, có định lượng rõ ràng chứ không thể là những thông tin định tính chung chung.

Vì vậy, theo đại diện Tổng cục Thống kê, hơn bao giờ hết cần củng cố và coi trọng công tác thống kê và hiểu thấu đáo tầm quan trọng của công tác này với việc hoạch định chính sách, đưa ra quyết sách và giám sát thực thi chính sách. Do đó việc tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác thống kê trong tiến trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế là thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Thống kê 2003, đã bộc lộ những mặt hạn chế trong công tác này. Đó là thiếu các quy định cụ thể về việc ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến hay các quy định về thẩm quyền của Cơ quan thống kê Trung ương trong thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê đối với hệ thống chỉ tiêu thống kê, phân loại thống kê do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

Bên cạnh đó, thẩm quyền công bố thông tin thống kê chỉ giới hạn đối với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mà chưa quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành và cấp tỉnh, huyện, xã. Trong Luật cũng chưa quy định cụ thể về hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; các hình thức thu thập, sử dụng, phổ biến thông tin thống kê, cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia, hợp tác quốc tế về thống kê. Ngoài ra, những quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông chưa tương xứng với vai trò của những lĩnh vực này trong hoạt động thống kê.

Tình hình trên, theo đại diện Tổng cục Thống kê, đòi hỏi cần sớm sửa đổi Luật Thống kê năm 2003 để giải quyết những tồn tại vướng mắc trong hoạt động thống kê hiện nay, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác thống kê trong tiến trình đổi mới, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, vào ngày 4/11 tới, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi). Sau đó, vào ngày 23/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo luật quan trọng này.

Công Minh

Số lần đọc: 1381
Theo baochinhphu.vn
Tin liên quan