Tin nóng
08.06.2015
Công nghệ thông tin – truyền thông có vai trò quan trọng trong công tác thống kê. Trong thời gian qua, phát triển và ứng dụng CNTT-TT vào công tác thống kê đã có những bước tiến bộ, song đồng thời cũng bộc lộ những mặt hạn chế, yếu kém. Nguyên nhân có nhiều, song có một nguyên nhân rất quan trọng là môi trường pháp lý cho lĩnh vực này chưa thực sự hoàn thiện. Phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Tổ trưởng Tổ biên tập, Ban soạn thảo Đề án Luật Thống kê (sửa đổi) về vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết phát triển và ứng dụng CNTT – TT trong hoạt động thống kê được hiểu như thế nào? Một vài kết quả chủ yếu trong Hệ thống thống kê Nhà nước đã đạt được trong thời gian qua?

Trả lời: Trong thời đại ngày nay, cùng với phương pháp chế độ, đội ngũ cán bộ, công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT) được xác định là một trong 3 trụ cột quan trọng của một cơ quan thống kê quốc gia. Ứng dụng CNTT-TT trong hoạt động thống kê có thể hiểu là việc nghiên cứu, phát triển, đầu tư đưa các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực CNTT-TT vào ứng dụng thực tiễn trong các công đoạn của quá trình hoạt động thống kê, từ khâu xác định nhu cầu thông tin cần thu thập; chuẩn bị thu thập; thu thập; xử lý và tổng hợp; phân tích và dự báo; công bố, phổ biến và lưu trữ thông tin thống kê theo một cách thức đồng bộ, thống nhất, có tính hệ thống.Các hoạt động chủ yếu gồm thiết lập một chiến lược tổng thể về phát triển CNTT, các quy chế, quy trình quản lý, vận hành và giám quản; xây dựng hạ tầng phần cứng, đường truyền, các cơ sở dữ liệu, các phần mềm ứng dụng; đào tạo nguồn nhân lực làm CNTT và đào tạo CNTT cho đội ngũ làm thống kê.

Trong những năm vừa qua, ngành Thống kê đã thực hiện nhiều hoạt động đẩy mạnh ứng dụng CNTT – TT. Đặc biệt gần đây với sự trợ giúp của Dự án Hiện đại hóado Ngân hàng Thế giới tài trợ, Tổng cục Thống kê là một trong những ít cơ quan nhà nước xây dựng kiến trúc tổng thể (EA) của ngành Thống kê. Với 4 kiến trúc thành phần, bao gồm kiến trúc nghiệp vụ, kiến trúc thông tin, kiến trúc công nghệ và kiến trúc ứng dụng, kiến trúc tổng thể được hiểu như một bản thiết kế có tính chiến lược trong việc sử dụng CNTT-TT vào công tác thống kê nhằm hỗ trợ đắc lực cho việc đạt các mục tiêu chiến lược của Ngành. Đến nay, mạng máy tính toàn ngành đãđược nâng cấp, mở rộng với hệ thống mạng riêng ảo (WAN) cho phép kết nối Cơ quan Thống kê trung ương với 63 Cục Thống kê qua mạng truyền số liệu chuyên dùng, Nhiều công nghệ hiện đại đã từng bước được áp dụng như công nghệ nhận dạng ký tự thông minh được áp dụng trong xử lý Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011, Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014. Thông tin của nhiều cuộc điều tra trong các lĩnh vực thống kê công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, giá cả, dân số, xã hội, môi trường đã được xử lý, tổng hợp bằng các phần mềm ứng dụng. Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thống kê đã được nâng cấp, cải tiến theo hướng tăng cường phổ biến dữ liệu, thông tin thống kê đến người sử dụng trong và ngoài nước… Năng lực CNTT – TT ở các Bộ, ngành cũng được tăng cường đáng kể, đặc biệt ở các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam...

Bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này. Việc quản lý dữ liệu, thông tin thống kê của các Bộ, ngành, địa phương còn tự phát, chưa hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất, mang tầm quốc gia. Việc khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu hành chính, đặc biệt nguồn dữ liệu đăng ký hành chính, cho mục đích thống kê rất hạn chế. Đầu tư công nghệ thông tin và hạ tầng kỹ thuật công nghệ còn dàn trải, thiếu đồng bộ, chưa đủ nguồn lực để nâng cấp, hiện đại hoá, nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến chưa được nghiên cứu áp dụng vào các khâu thu thập, xử lý, tổng hợp và phổ biến thông tin thống kê...Những hạn chế này dẫn tới tình trạng vừa làm giảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động của Hệ thống thống kê nhà nước, hạn chế việc nâng cao chất lượng, tính kịp thời, khả năng tiếp cận và khả năng giải trình của số liệu. thông tin thống kê, vừa lãng phí nguồn thông tin sẵn có phục vụ cho các hoạt động thống kê.

Phóng viên: Được biết Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) có những quy định mới về ứng dụng CNTT-TT trong hoạt động thống kê. Xin ông cho biết lý do tại sao?

Trả lời: Rõ ràng CNTT-TT có vị trí rất quan trọng trong công tác thống kê và mặc dù chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng song vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như nêu trên. Giải pháp có nhiều song có một giải pháp rất quan trọng là cần luật hóa những hoạt động trong lĩnh vực này. Có 5 lý do chủ yếu sau:

Thứ nhất, Luật Thống kê năm 2003 tuy đã có quy định về việc ứng dụng CNTT-TT vào công tác thống kê, song còn đơn giản, chưa xứng tầm. Ví dụ như trong Luật Thống kê năm 2003, liên quan đến lĩnh vực này chỉ gói gọn trong 2 điều: Điều 5 quy định nhà nước ưu tiên đầu tư, ứng dụng CNTT-TT và phương pháp thống kê tiên tiến vào hoạt động thống kê (trong Chương những quy định chung) và Điều 23 quy định quyền khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê  (trong Mục quy định về chế độ báo cáo thống kê tổng hợp). Trong triển khai thực hiện lại rất hạn chế, đặc biệt trong khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê, sử dụng các cơ sở dữ liệu thống kê cho mục đích quản lý hành chính, nghiên cứu, sản xuất- kinh doanh.

Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xã hội nói chung và ở nhiều ngành lĩnh vực, như ngân hàng, thuế, hải quan, kiểm sát, bảo hiểm,… rất phát triển. Việc lưu trữ dữ liệu, thông tin hình thành trong quá trình hoạt động sản xuất-kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cũng rất phổ biến. Thực tế này cho phép sử dụng CNTT-TT vào việc xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý hành chính cũng như công tác thống kê, qua đó vừa nâng cao độ chính xác, tiết kiệm kinh phí, rút ngắn thời gian, đồng thời giảm phiền hà, gánh nặng cho người cung cấp thông tin cũng như người thu thập thông tin.

Thứ ba, việc thu thập qua chế độ báo cáo cơ sở và chế độ báo cáo tổng hợp lâu nay áp dụng ở nước ta có những điểm không còn phù hợp trong bối cảnh quản lý thông tin dưới dạng cơ sở dữ liệu hành chính, cơ sở dữ liệu đăng ký hành chính như đã nêu trên. Rõ ràng việc truyền trực tuyến các dữ liệu từ cơ sở phép lập các báo cáo thống kê hoặc tổng hợp các chỉ tiêu thống kê nhanh chóng (thậm chí theo thời gian thực) với các phân tổ chi tiết và tùy biến, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng, không cần thiết quy định cứng trong các chế độ báo cáo.

Thứ tư, các khuyến nghị của Thống kê liên hiệp quốc, các tổ chức quốc tế cũng như kinh nghiệm của các cơ quan thống kê quốc gia ở nhiều nước cho thấy sử dụng nguồn dữ liệu hành chính, đặc biệt là dữ liệu đăng ký hành chính, là xu thế tất yếu của các cơ quan trong Hệ thống thống kê nhà nước.

Thứ năm, sự phát triển bùng nổ của CNTT-TT trên thế giới cho phép sử dụng nhiều công nghệ hiện đại vào thu thập, xử lý, tổng hợp và phổ biến thông tin thống kê. Ví dụ công nghệ ảnh vệ tinh (remote sensing) trong chụp ảnh để xác định diện tích, năng suất của các loại cây trồng; công nghệ phiếu điều tra trực tuyến (web-form), phiếu điều tra điện tử (e-form) cho phép việc thu thập và truyền dữ liệu thu thập qua mạng Internet, mạng 3G ngay tại địa điểm thu thập thông tin; công nghệ định vị toàn cầu (GIS) cho phép trình bày số liệu thống kê của các vùng địa lý trên nền bản đồ…

Phóng viên: Xin ông cho biết rõ hơn những quy định mới chủ yếu cụ thể trong lĩnh vực này tại Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) là gì ?

Xuất phát từ những lý do nêu trên, trong dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) đã có những quy định quan trọng về ứng dụng CNTT-TT trong công tác thống kê, thể hiện ở 2 điểm chính sau:

Thứ nhất, tại Chương III “Thu thập thông tin thống kê nhà nước” có một Mục B quy định hình thức thu thập qua sử dụng dữ liệu hành chính do các cơ quan nhà nước quản lý cũng như quy định việc sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê do Tổng cục Thống kê quản lý. Rút kinh nghiệm từ việc biên soạn Luật Thống kê năm 2003, dự thảo Luật lần này quy định rất cụ thể và đầy đủ nhằm giúp thuận lợi cho việc thực thi sau khi Luật đi vào cuộc sống. Các quy định tại Mục này tập trung vào các điểm sau: (i) Nội dung sử dụng dữ liệu hành chính trong hoạt động thống kê nhà nước; (ii) danh mục các cơ sở dữ liệu hành chính được sử dụng trong hoạt động thống kê nhà nước; (iii) nội dung cung cấp dữ liệu trong cơ sở dữ liệu hành chính; (iv) quyền và nghĩa vụ của cơ quan nhà nước quản lý cơ sở dữ liệu từ nguồn dữ liệu hành chính; (v) quyền và nghĩa vụ của Cơ quan Thống kê Trung ương trong quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu từ nguồn dữ liệu hành chính được cung cấp cho hoạt động thống kê nhà nước; (vi) nội dung sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê do Cơ quan Thống kê Trung ương quản lý; (vii) trách nhiệm và quyền hạn của Cơ quan Thống kê Trung ương cũng như quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê do Cơ quan Thống kê Trung ương quản lý. Theo quan điểm của tôi, đây là một trong những điểm nhấn, điểm đổi mới của dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) lần này.

Thứ hai, dự thảo Luật có hẳn một Điều 56 quy định về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hoạt động thống kê nhà nước. Nội dung của Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi Luật sau khi được thông qua. Chẳng hạn quy định rõ Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông tiên tiến nhằm hiện đại hóa việc thu thập, xử lý, tổng hợp, công bố, phổ biến, lưu giữ và chia sẻ thông tin thống kê của Hệ thống thống kê nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, gồm; đồng thời quy định những lĩnh vực ưu tiên cu thể. Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn quy định Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông cung cấp các sản phẩm, dịch vụ về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hoạt động thống kê.

Chúng tôi kỳ vọng rằng với những điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) như đã đề cập ở trên nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo những nền tảng pháp lý quan trọng giúp thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng CNTT-TT vào hoạt động thống kê ở nước ta, đưa lĩnh vực này thực sự trở thành một trụ cột của công tác thống kê nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê phục vụ đắc lực việc đánh giá tình hình, xây dựng chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đồng thời đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người sử dụng trong và ngoài nước.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Nguồn: Tạp chí Con số và Sự kiện- Tổng cục Thống kê

Số lần đọc: 1664
Theo Tổng cục Thống kê
Tin liên quan