Tin nóng
16.04.2015
Trong hai ngày 13 và 14-4, tại Đà Lạt, đã diễn ra hội thảo khoa học nhằm tham vấn hoàn thiện dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi), do Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Ủy Ban kinh tế Quốc hội đồng tổ chức, với sự tài trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Tham gia hội thảo, có đông đảo đại diện lãnh đạo Tổng Cục Thống kê, Ủy Ban kinh tế Quốc hội (UBKTQH), Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng, UNDP và các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan báo chí…

Sau 11 năm thi hành Luật Thống kê, cùng với thực tiễn đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, Luật Thống kê, quản lý nhà nước về thống kê (TK) và công tác TK, đã và đang bộc lộ một số bất cập, còn một số “khoảng trống”, những điểm “mờ”, chưa thật hợp lý, cần được nhận diện và khắc phục.

Trong đó, nổi bật là về đối tượng điều chỉnh; về vị trí và thẩm quyền, cơ chế, các quy trình xử lý các quan hệ “dọc-ngang”, bên trong và bên ngoài, của ngành TK; về yêu cầu số lượng chỉ tiêu, chất lượng, phương pháp TK và dịch vụ TK; về cơ sở dữ liệu, phân tích và dự báo TK; tiếp cận và sử dụng thông tin TK; phổ biến và hợp tác quốc tế về TK, cũng như về nâng cao ý thức trách nhiệm và tính pháp chế TK.

Nhận thức được điểm yếu về năng lực thống kê là chậm cập nhật phương pháp luận thống kê, do đó, một trong các mục tiêu của Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam, giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược phát triển Thống kê), là “Nâng chỉ số chung về năng lực thống kê theo các tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới đối với thống kê Việt Nam, từ 61 điểm (thang điểm 100) năm 2010, lên 70 điểm vào năm 2015; 80 điểm vào năm 2020 và 95 điểm vào năm 2030, trong đó, chỉ số phương pháp luận thống kê, từ 30 điểm lên 55 điểm; 75 điểm và 90 điểm vào các năm tương ứng”.

Nhằm đạt được mục tiêu nói trên, Chiến lược phát triển Thống kê đã xây dựng Chương trình hành động “Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng phương pháp luận thống kê tiên tiến và xây dựng, chuẩn hóa các quy trình thống kê theo chuẩn mực quốc tế”. Chương trình này bao gồm bảy hoạt động chủ yếu: (1) Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng phương pháp luận thống kê theo chuẩn quốc tế; (2) Xác định và nghiên cứu phương pháp đo lường các hiện tượng kinh tế - xã hội mới nhằm phản ánh kịp thời, đầy đủ tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước; (3) Nghiên cứu áp dụng các bảng danh mục và bảng phân loại chuẩn quốc tế; (4) Đẩy mạnh biên soạn, biên dịch và phổ biến các tài liệu hướng dẫn phương pháp luận thống kê; (5) Xây dựng và áp dụng các quy trình và công cụ quản lý chất lượng hoạt động thống kê; (6) Tham gia nghiên cứu khoa học thống kê với các nước trong khu vực và thế giới; (7) Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học thống kê.

Trong hai năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê, nhiều hoạt động thống kê đã được triển khai thực hiện, trong đó, có các hoạt động nghiên cứu, áp dụng phương pháp luận thống kê theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, phần lớn số liệu chỉ sử dụng được ở mức độ toàn nền kinh tế, phân tổ đối với ngành kinh tế cấp I và cấp II. Các bộ số liệu khác nhau phân tổ chi tiết đến ngành kinh tế cấp III, cấp IV, cấp V còn hạn chế.

Ngoài ra, việc cung cấp thông tin thống kê còn chưa được rộng rãi, thuận lợi, kịp thời; chưa công bố rộng rãi một số thông tin ước tính và thường tập trung công bố một số chỉ tiêu quan trọng, cho một số đối tượng sử dụng chủ yếu.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức của Hệ thống thống kê tập trung chưa được thiết kế theo hướng chuyên môn hóa các hoạt động thống kê, mà còn nặng tình trạng khép kín trong quy trình sản xuất dữ liệu thống kê, do việc phân chia cơ quan của Tổng cục Thống kê thành các vụ nghiệp vụ độc lập mang tính cục bộ, thiếu liên kết cả nội bộ và với bên ngoài. Hơn nữa, còn 8/24 Bộ chưa thành lập được các tổ chức thống kê chuyên trách, cán bộ làm công tác thống kê ở đó đa số là kiêm nhiệm dẫn tới ảnh hưởng đến chất lượng của công tác thống kê. Công tác thống kê ở doanh nghiệp, cơ quan hành chính, sự nghiệp, xã, phường, thị trấn vẫn còn nhiều bất cập do cách thức tổ chức chưa tối ưu và nguồn lực hạn chế (tài chính và nhân sự)…

Các tham luận và ý kiến tại hội thảo tập trung nhấn mạnh, dự thảo Luật Thống kê sửa đổi cần chú ý định vị ngành thống kê trong hệ thống quản lý nhà nước một cách đúng đắn từ góc độ thẩm quyền trong quản lý nhà nước về thống kê và đặc điểm thống kê; chọn lọc và tiếp thu những chuẩn mực chung của khoa học thống kê, đề cao tính so sánh quốc tế, phù hợp với tiến trình hội nhập chung và thực tiễn trong nước; tiếp cận khái niệm, sử dụng các bảng phân loại và các phương pháp thống kê đã được hình thành trên phạm vi quốc tế, bảo đảm tính thống nhất, tính so sánh và hiệu quả của các hệ thống thống kê ở mọi cấp độ; nhất là về chỉ tiêu, biểu mẫu, phương pháp tính, bảng phân loại, đơn vị đo lường, niên độ thống kê; đồng bộ và khắc phục chênh lệch số liệu, chỉ tiêu thống kê

Đặc biệt, Luật Thống kê mới cần quy định rất cụ thể, rõ ràng Tổng cục Thống kê và Thống kê của các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm phải thống kê cái gì, các hệ thống chỉ tiêu được sử dụng như thế nào, khi có tranh chấp thống kê thì bị xử lý ra sao; quy định cả cơ chế xử lý tình trạng số liệu thống kê thiếu hụt, chồng chéo và chênh lệch nhau do yếu tố chủ quan; bổ sung những quy định về nguyên tắc, trách nhiệm phối hợp giữa các hệ thống thông tin thống kê để kết nối thông tin thống kê một cách đầy đủ và chính xác, cũng như bổ sung quy định cập nhật thông tin thống kê quốc gia, bảo đảm tính thống nhất về phương pháp tính, phương pháp quốc gia của Việt Nam đối với quốc tế; quy trình, quy chế thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành; quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan thống kê ở T.Ư trong việc xử lý những tình trạng không thống nhất về thông tin thống kê ở các cấp, các bộ, ngành, cấp huyện, cấp tỉnh.

Đồng thời, chuẩn hóa chất lượng hệ thống chỉ tiêu và yêu cầu số liệu thống kê, đáp ứng các tiêu thức: Tính phù hợp, Tính chính xác, Tính kịp thời, Tính chặt chẽ (logic), Khả năng tiếp cận và Khả năng giải thích của số liệu thống kê; cũng như nhấn nhấn mạnh và làm sâu sắc hơn tính hệ thống của số liệu và chỉ tiêu thống kêtính thống nhất giữa thống kê của Việt Nam với thống kê quốc tếbảo đảm nguồn dữ liệu hành chính cả về số lượng, nội hàm, cách tính và thời gian tính, bao quát các lĩnh vực đa dạng và tạo chuỗi số liên tục, nhất quán các chỉ tiêu thống kê, bảo đảm công khai và giữ bí mật thông tin thống kê để thuận lợi cho nghiên cứu, dự báo và sử dụng kết quả thông tin thống kê; có thêm các quy định chế tài, bảo đảm nghĩa vụ cung cấp các dữ liệu nguồn này cho cơ quan thống kê các cấp tương ứng, tránh tình trạng lép vế và cơ chế “xin - cho”, lệ thuộc một chiều của cơ quan thống kê vào các đơn vị khác trong bảo đảm nguồn cung số liệu; tăng cường hiện đại hóa, sử dụng công nghệ thông tin và bảo đảm dân chủ và an ninh mạng trong Thống kê.

Việc điều chỉnh Luật Thống kê lần này đang đặt ra nhiều kỳ vọng mới, lớn hơn theo tinh thần đó!

Ts.Nguyễn Minh Phong

Số lần đọc: 1496
Theo Báo NNĐT
Tin liên quan