Tin nóng
31.03.2015
Xây dựng Luật Thống kê (sửa đổi) – Nhu cầu bức thiết Luật Thống kê đã được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI thông qua ngày 17/6/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2004. Lần đầu tiên, một văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực thống kê được ban hành, đánh dấu bước khởi đầu của sự tách biệt giữa hai lĩnh vực kế toán và thống kê trong Pháp lệnh Kế toán và Thống kê năm 1998. (…). Trải qua 10 năm thực hiện, đến nay ngoài những kết quả đạt được đáng ghi nhận, Luật Thống kê năm 2003 đã bộc lộ không ít bất cập đòi hỏi phải sửa đổi, thể hiện ở những điểm sau:

Một là, bất cập của Luật Thống kê 2003 đối với nhu cầu ngày càng cao của Chính phủ về công tác phân tích, hoạch định và điều hành chính sách, cụ thể: Thiếu các chỉ tiêu thống kê phản ánh chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, bên cạnh đó thông tin thu thập về các chỉ tiêu này chưa bảo đảm độ tin cậy; Công tác phân tích và dự báo thống kê phát triển chậm, phổ biến thông tin thống kê chưa được coi trọng, vừa thiếu, vừa trùng chéo, trong một số trường hợp còn chưa thống nhất về số liệu; Sự phối hợp giữa hệ thống thống kê tập trung với thống kê Bộ, ngành còn chưa chặt chẽ; Người sử dụng thông tin thống kê khó tiếp cận với cơ sở dữ liệu ban đầu của các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê; Hệ thống thống kê tập trung khó tiếp cận khai thác cơ sở dữ liệu hành chính và cơ sở dữ liệu đăng ký hành chính của các Bộ, ngành...

   Hai là, bất cập của Luật Thống kê năm 2003 đối với nhu cầu đổi mới, tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác thống kê trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong tiến trình này, giống như các ngành, lĩnh vực khác, công tác thống kê cũng phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động để đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập. (…)

   Thực trạng trên cần được khắc phục một cách triệt để và hiệu quả, cùng với việc áp dụng những biện pháp khắc phục khác thì sửa đổi Luật Thống kê thực sự cần thiết không những đáp ứng, giải quyết những vấn đề tồn tại trong công tác thống kê hiện nay mà còn đáp ứng nhiệm vụ thống kê trong suốt quá trình đổi mới, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

   Những điểm mới trong dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi)

   Nhiều mục tiêu đã được đặt ra khi xây dựng Luật Thống kê sửa đổi, nhưng đích đến cuối cùng là chất lượng số liệu phải được nâng lên với các yếu tố: tính phù hợp; kịp thời; chính xác; chặt chẽ; khả năng giải thích (tính minh bạch của số liệu) và khả năng tiếp cận số liệu. Bài toán nâng cao chất lượng số liệu đã được ngành Thống kê đặt ra từ lâu và đã thực hiện nhiều giải pháp như: áp dụng các phương pháp thống kê tiên tiến, hoàn thiện quy trình sản xuất số liệu, áp dụng công nghệ thông tin trong xử lý, lưu trữ số liệu... (…) Chính vì vậy, trong xây dựng Luật Thống kê sửa đổi sẽ bao hàm các phạm vi đối tượng như chủ thể sản xuất thông tin thống kê, cung cấp và phổ biến thông tin thống kê. Mục tiêu chủ yếu được xác định là: (1) Luật Thống kê (sửa đổi) cần tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động thống kê, bảo đảm việc cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan và kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ; (2) Luật Thống kê (sửa đổi) cần tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của Chính phủ đối với hoạt động thống kê, củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan thống kê nhà nước; (3) Luật Thống kê (sửa đổi) cần tiếp thu những nội dung tiên tiến của Luật Thống kê mẫu quốc tế và Luật Thống kê của các nước có nền thống kê phát triển, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác thống kê trong quá trình hội nhập quốc tế.

   (…) Luật Thống kê (sửa đổi) bao gồm 8 chương, 57 điều, tăng 15 điều so với Luật Thống kê năm 2003. Trong đó có thêm 3 chương mới: Chương IV - Phân tích và dự báo thống kê, công bố và phổ biến thông tin thống kê chính thức; Chương V - Nghiên cứu, ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến, công nghệ thông tin - truyền thông và hợp tác quốc tế trong hoạt động thống kê chính thức; Chương VI - Sử dụng thông tin thống kê chính thức. Trong đó Chương IV và Chương VI được tách ra từ Chương IV của Luật Thống kê năm 2003. Bổ sung mục 3 “Dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê” vào Chương III. Chuyển Chương VI “Quản lý nhà nước về thống kê” Luật Thống kê năm 2003 vào chương I: “Những quy định chung”. Bỏ Chương VII “Khen thưởng và xử lý vi phạm” của Luật Thống kê năm 2003 cho phù hợp với quy định chung của các văn bản Luật hiện hành.

   (…) Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII năm 2015, dự kiến dự án Luật Thống kê (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ Chín và thông qua vào kỳ họp thứ Mười năm 2015./.

TS. Nguyễn Bích Lâm

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Số lần đọc: 1772
Theo Tạp chí Con số và Sự kiện
Tin liên quan